TỰ CHỦ ĐÀO TẠO VĂN HÓA NGHỆ THUẬT TRONG XU THẾ TỰ CHỦ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM

Từ thập niên 80 TK XX, nguồn tài chính công cho giáo dục đại học (GDĐH) đã sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các nước, điều này dẫn tới việc các trường ngày càng phải đáp ứng nhanh để tận dụng những cơ hội trên thị trường. Những thay đổi đó dẫn đến xu thế tất yếu về sự gia tăng quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH trong những thập niên qua, đòi hỏi sự thay đổi tương ứng trong việc quản trị GDĐH từ mô hình nhà nước trực tiếp kiểm soát sang mô hình nhà nước giám sát nhằm mang lại nhiều quyền tự chủ hơn. Cân bằng với nó là sự đòi hỏi về trách nhiệm giải trình của các trường đại học với xã hội cũng như các bên liên quan.

Tình hình nghiên cứu

Nghiên cứu ở nước ngoài

Theo phân tích của tác giả José Ginés Mora, xét về khía cạnh tổ chức, quản trị, lịch sử GDĐH hiện đại phương Tây đã chứng kiến sự hình thành, phát triển của 3 kiểu mô hình chính. Thứ nhất là mô hình Napoléon (kiểu Pháp), trong đó nhiệm vụ cơ bản của hệ thống đại học là để phục vụ Nhà nước với rất ít quyền tự chủ do mục tiêu, chương trình đào tạo, hầu hết các vấn đề khác đều được quyết định ở cấp quốc gia. Thứ hai là mô hình Humbold (kiểu Đức) nhấn mạnh tự do học thuật, vai trò của các giáo sư, hoạt động nghiên cứu, tuy nhiên các vấn đề về tài chính, tổ chức vẫn do Nhà nước điều hành. Thứ ba là mô hình Anglosaxon (kiểu Anh), trong đó quyền tự chủ của các trường đại học được mở rộng mạnh mẽ trên nhiều khía cạnh, vai trò của Nhà nước trong mô hình này chủ yếu giới hạn ở quyết định tài trợ ngân sách, đưa ra các tiêu chuẩn chung như một phần của chính sách GDĐH.

Cùng với quá trình phát triển, hội nhập, quản trị GDĐH tại các nước phương Tây đang dần có khuynh hướng xích lại gần nhau. Tại những nước có nền giáo dục vốn từng được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, các giải pháp nhằm mở rộng tự chủ GDĐH đang nhận được nhiều sự chú ý, đồng tình. Trong khi đó, tại các trường đại học vốn có quyền tự chủ lớn, đôi khi chính phủ có thể xem xét điều chỉnh để tăng cường vai trò điều tiết, quản lý từ trung ương. Mặc dù vẫn còn nhiều khác biệt tồn tại, nhưng tất cả đều đang hội tụ về một giải pháp chung là tìm kiếm điểm cân bằng giữa tự chủ với trách nhiệm giải trình, giữa vai trò của Nhà nước với nhà trường trong quản trị GDĐH.

Tự chủ GDĐH là xu hướng tất yếu để đổi mới GDĐH phát triển ngày một tốt hơn. Với bối cảnh kinh tế, văn hóa, chính trị đặc thù, giai đoạn đầu triển khai tự chủ đại học ở Việt Nam sẽ kéo theo rất nhiều thay đổi, đặt ra những vấn đề cần được nghiên cứu, điều chỉnh nhằm đảm bảo cho sự thành công của quá trình chuyển đổi hệ thống giáo dục.

Nghiên cứu ở trong nước

Trong bối cảnh tự chủ GDĐH được luật hóa, từng bước đưa vào triển khai tại Việt Nam, thời gian qua nhiều tác giả đã bắt đầu quan tâm đến chủ đề này. Các nghiên cứu ban đầu đã nêu lên cách hiểu tương đối bao quát về khái niệm tự chủ GDĐH như một khái niệm đa hướng với các yếu tố liên quan như tự do học thuật, tự chủ, trách nhiệm. Tự chủ GDĐH tác động đến 3 nhóm lĩnh vực quản trị, bao gồm quản lý giảng viên và sinh viên; quản lý hoạt động của các chủ thể; hoạt động của bộ phận quản lý, điều hành, phục vụ.

Bên cạnh đó, một số tác giả cũng đã chỉ ra những áp lực mà tự chủ GDĐH nói chung, tự chủ tài chính nói riêng có thể đem đến. Nếu không có sự cân nhắc cẩn trọng về các tác động kéo theo, tự chủ GDĐH có thể khiến các trường đứng trước bài toán tài chính nan giải mà cơ chế thị trường mang lại, đồng thời có thể ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của người học, ảnh hưởng đến sự phát triển cân bằng, bền vững của hệ thống giáo dục, công bằng xã hội.

Mặc dù chủ đề tự chủ GDĐH đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu tại Việt Nam, cho đến nay vẫn có rất ít nghiên cứu liên quan đến khối ngành nghệ thuật, thể thao, trừ một số ít bài viết về quá trình triển khai tự chủ GDĐH ở một số cơ sở thuộc nhóm ngành này. Do chưa được quan tâm đầy đủ, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa đưa ra được những giải pháp hệ thống, toàn diện để vừa đảm bảo thúc đẩy tự chủ trong GDĐH nói chung tại Việt Nam, vừa đảm bảo được sự phát triển hiệu quả của nhóm ngành đặc thù này.

Thực tiễn tình hình tự chủ GDĐH ở Việt Nam

Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới kinh tế năm 1986 từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Như vậy, từ năm 1987, GDĐH không chỉ đào tạo cho biên chế nhà nước, nền kinh tế quốc doanh mà còn phải đào tạo cho tất cả các thành phần kinh tế khác, đồng thời phải đáp ứng nhu cầu học tập rất đa dạng của tất cả những người muốn có học vấn đại học ở những mức độ khác nhau.

Trong bối cảnh như vậy, GDĐH không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà còn phải dựa vào tất cả các nguồn lực khác nhau có thể huy động được như học phí, hợp đồng đào tạo, đóng góp của các tổ chức kinh tế xã hội thông qua các hợp đồng nghiên cứu, triển khai, ký với các trường đại học, những dự án quốc gia, quốc tế, những sự hỗ trợ của các hội, các cá nhân có hảo tâm cho học bổng… GDĐH không chỉ thực hiện kế hoạch nhà nước về đào tạo mà còn phải tự thăm dò nhu cầu xã hội, phải biết dự báo, chủ động đáp ứng yêu cầu các đào tạo ngoài kế hoạch nhà nước.

Tại Việt Nam, quyền tự chủ của các trường đại học đã được luật hóa. Vấn đề tự chủ của các cơ sở GDĐH đã được đề cập trong các văn bản chính thức của Đảng, Nhà nước trong hơn một thập kỷ qua.

Bên cạnh những tác động tích cực, thí điểm tự chủ cũng cho thấy một số hạn chế, khó khăn, một phần do các yếu tố bên ngoài như cơ chế, chính sách, một phần do các trường tham gia thí điểm chưa phát huy hết các các quyền tự chủ của mình. Theo đó, nhiều trách nhiệm đã được giao về cho các trường nhưng vấn đề đặt ra là năng lực quản trị của các trường trong thực hiện quyền tự chủ như thế nào? Việc giải trình trách nhiệm về hiệu quả, tác động của việc sử dụng nguồn lực, quyền tự chủ mà các trường được hưởng như thế nào? Hay nói cách khác là mô hình nào phù hợp cho quản lý GDĐH Việt Nam trong bối cảnh quyền tự chủ đại học ngày một gia tăng?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, giáo dục đào tạo nói chung, GDĐH nói riêng phải đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín của các cơ sở GDĐH. Mặt khác, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện tự chủ đại học trong giai đoạn hiện nay vừa là vấn đề có tính tất yếu, cấp bách, vừa là cơ hội của các cơ sở GDĐH nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý, cơ sở GDĐH trong bối cảnh chung của GDĐH Việt Nam với bài toán cần giải quyết là quy mô, nguồn thu, đầu tư cho chất lượng. Tự chủ đại học thực sự là chủ trương đổi mới toàn diện, hoàn toàn đúng đắn với xu thế phát triển tất yếu của các cơ sở GDĐH nước ta trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo, chắc chắn phải triển khai đổi mới quản trị đại học.

Những yếu tố đặc thù trong nghiên cứu, xác định mô hình tự chủ GDĐH cho lĩnh vực nghệ thuật

Tuy Việt Nam đã có chủ trương chính sách khuyến khích tự chủ đại học, thực tế cho thấy, việc thực hiện đã nảy sinh vấn đề bất cập lớn, tự chủ đại học ở Việt Nam mới chỉ thể hiện phù hợp trong phạm vi các cơ sở GDĐH đã thực hiện tự chủ 100% hoặc tự chủ về tài chính, triển khai đối với các ngành đào tạo đại trà, có quy mô đào tạo lớn. Việc triển khai tự chủ đối với các cơ sở đào tạo lĩnh vực nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay có mang tính khả thi hay không, cần phải đầu tư nghiên cứu, dựa trên cơ sở khoa học để xem xét, đưa ra mô hình tự chủ, mức độ tự chủ phù hợp.

Cũng như đối với các trường khác, tự chủ đại học đối với khối ngành nghệ thuật được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ để các trường đổi mới năng động theo hướng nâng cao hiệu quả, kết nối nhà trường với xã hội. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc áp dụng tự chủ, đặc biệt là tự chủ tài chính có thể sẽ đặt ra những áp lực to lớn cho nhà trường. Khối ngành nghệ thuật có những yếu tố đặc thù so với các ngành đào tạo khác với chi phí đơn vị cao, quy mô đào tạo thấp. Cụ thể như sau: chi phí cho quá trình đào tạo rất lớn, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị với những đòi hỏi chuyên biệt, đắt đỏ, có tác động trực tiếp đến chất lượng của ngành đào tạo năng khiếu kết hợp chặt chẽ với thực hành, gây tốn kém đối với cả người học và cơ sở đào tạo; tính chất đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp học (từ trung cấp tới cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) quy mô đào tạo thấp hơn vài chục lần so với các ngành đào tạo đại trà khác, sinh viên ít, quy mô thấp dẫn đến nguồn thu học phí của các cơ sở đào tạo rất thấp.

Cần phải lưu ý rằng, khối ngành nghệ thuật lại có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự cân bằng, toàn diện của hệ thống GDĐH. Các giá trị, lợi ích mà khối ngành nghệ thuật mang lại cho xã hội cần phải được đánh giá đầy đủ bởi đó là những thành tố góp phần tạo dựng con người chân, thiện, mỹ, cũng như là chất keo kết nối, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của một xã hội giàu bản sắc. Trong đó, một nhóm cần được chú ý đặc biệt là các ngành nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương, ca trù, biểu diễn nhạc cụ truyền thống… Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNESCO đã khuyến nghị các nước phải quan tâm bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nghệ thuật truyền thống.

Thế nhưng thực trạng đáng lo ngại là thời gian qua, chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phát huy các giá trị nghệ thuật mới song hành cùng bảo tồn các ngành nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật truyền thống dễ phải đối mặt với nguy cơ mai một bởi các giá trị văn hóa, lịch sử trong ký ức, tâm trí của người dân có thể bị lãng quên trước quá nhiều xu hướng mới, cũng như trước những áp lực của cuộc sống hiện đại. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, Nhà nước đã có chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống của dân tộc nhưng có một số ngành/chuyên ngành vẫn không có thí sinh đăng ký dự thi.

Như vậy, nếu không có sự cân nhắc, điều chỉnh đặc biệt để tìm kiếm một mô hình tự chủ phù hợp, nhiều khả năng các trường thuộc khối ngành nghệ thuật sẽ bị tác động tiêu cực bởi tự chủ GDĐH. Nếu viễn cảnh đó xảy ra, đây sẽ là một bước lùi đối với không chỉ hệ thống giáo dục mà còn với toàn xã hội, để lại những hậu quả nguy hại cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Do đó, để phát triển khối ngành nghệ thuật, thể thao cơ chế tự chủ, những chính sách cần có bước đi thận trọng, lộ trình cụ thể nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo nghệ thuật phát triển theo hướng bền vững.

Để việc thực hiện cơ chế tự chủ GDĐH đi vào cuộc sống từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chính sách thúc đẩy, thu hút nguồn lực tài chính cho hoạt động giáo dục đào tào cần được đẩy mạnh hơn nữa. Cùng với đó, các quy định của Nhà nước cần thay đổi, bài toán thiết kế chính sách cho cải cách tài chính cần được thiết kế một cách hết sức công phu để giúp các trường đại học lĩnh vực nghệ thuật chủ động trong quản trị tài chính dưới sự giám sát từ phía nhà nước, phù hợp với tính đặc thù trong đào tạo đối với các ngành năng khiếu nghệ thuật. Điều đó sẽ giúp các cơ sở giáo dục đào tạo thu hút nguồn lực tài  chính thích ứng với cơ chế thị trường cũng như hội nhập với thế giới, đồng thời, bảo tồn các ngành nghệ thuật truyền thống của dân tộc, thông qua công tác đào tạo, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Kinh nghiệm thế giới cũng như những bài học được rút ra từ chính quá trình thúc đẩy tự chủ GDĐH tại Việt Nam cho thấy, trao quyền tự chủ cho các trường đại học thuộc khối nghệ thuật, không có nghĩa là mọi trường đại học được tự chủ ở mức độ như nhau, mà phải phụ thuộc năng lực của các trường trên cơ sở đối chiếu với các hệ thống chuẩn GDĐH do Nhà nước quy định. Đồng thời, lộ trình tự chủ, các biện pháp hỗ trợ, quản lý rủi ro cũng cần được cân nhắc để đảm bảo một quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang mô hình tự chủ. Việc giao quyền tự chủ cũng phải đi cùng trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH. Đồng thời, quyền tự chủ phải giao cho Hội đồng trường. Việc trao quyền tự chủ cho trường đại học hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường đại học từ trung ương cho các tỉnh, thành phố, địa phương.

Từ những phân tích trên cho thấy, việc nghiên cứu để xác định mô hình tự chủ GDĐH nhằm giúp các cơ sở đào tạo lĩnh vực nghệ thuật là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, việc giao quyền tự chủ sẽ được áp dụng theo nguyên tắc sau:

Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát cơ sở giáo dục, các cơ sở đào tạo vẫn phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước, tùy mức độ khác nhau.

Mức độ tự chủ ở mỗi cơ sở GDĐH khác nhau, tùy thuộc quy mô, loại hình, chất lượng đào tạo, năng lực quản lý thực tế của từng trường.

Thực hiện tự chủ GDĐH thông qua vai trò của Hội đồng trường. Việc thành lập Hội đồng trường cần quan tâm tới năng lực của trường về khả năng đảm nhiệm mức độ tự chủ đến đâu trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm của trường, từ đó, Bộ VHTTDL sẽ quyết định cơ cấu, chức năng của hội đồng trường trên cơ sở quy định hiện hành.

Có thể nói, tự chủ GDĐH trong các cơ sở đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trực thuộc Bộ sẽ được xác định nhằm giúp các cơ sở đào tạo chủ động đổi mới toàn diện chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy phù hợp với mô hình đào tạo của trường, qua đó thể hiện được đẳng cấp, thương hiệu của trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, thu hút, tuyển chọn nhân tài gắn với cơ chế tiền lương linh hoạt, giúp các trường xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; xác định lại mức thu học phí cụ thể đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo của trường theo nhu cầu người học, chất lượng đào tạo, cho phép huy động tổng thể các nguồn lực trong xã hội, cân đối thu chi tài chính để đảm bảo ổn định thu nhập cho người lao động, đầu tư, phát triển cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển tổng thể cơ sở GDĐH. Ngoài ra còn phát huy tối đa nguồn lực con người, cơ sở vật chất, thu hút tốt hơn các nguồn lực của xã hội đồng thời sử dụng hiệu quả hơn kinh phí của nhà nước, mở rộng các hoạt động chuyển giao công nghệ, các dịch vụ khác để nâng cao năng lực tài chính cho phát triển bền vững, bảo đảm điều kiện thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Có cơ hội nâng cao năng lực để cạnh tranh với các trường đại học trọng điểm, trường có vốn đầu tư nước ngoài, tạo cho người học có thêm cơ hội lựa chọn cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo chất lượng cao với mức học phí phù hợp. Cuối cùng là bảo tồn, phát huy các ngành nghệ thuật, đặc thù, truyền thống của dân tộc.

Nghiên cứu mô hình tự chủ GDĐH đối với các cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhằm hỗ trợ sự phát triển của các cơ sở đào tạo này đồng thời đảm bảo quản trị đại học hiệu quả trong xu hướng gia tăng quyền tự chủ GDĐH trong những năm tới. Nghiên cứu cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng nhằm đề ra các chính sách thu hút nguồn lực tài chính, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

 

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7 – 2018

Tác giả : LÊ THỊ THU HIỀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *