Về mấy vấn đề lý luận của văn hóa quân sự


Cách đây hơn hai năm, trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (số 360, tháng 6 – 2014), với bài viết Một số vấn đề về lý luận văn hóa quân sự, tác giả Lê Quý Đức đã trình bày một số ý kiến về văn hóa quân sự.

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, khái niệm văn hóa quân sự xuất hiện vào giữa những năm 90 TK XX, hình thành trên cơ sở “truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên người Việt”. Đây là một hiện tượng văn hóa rất độc đáo, chỉ có riêng ở dân tộc Việt Nam, hiếm thấy ở các dân tộc khác trên thế giới. Cho nên, khi bàn về những vấn đề lý luận văn hóa quân sự ở đây, không phải là bàn đến lý luận của văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa về xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội trong thời bình mà phải là lý luận của văn hóa trong thời chiến nói riêng, cụ thể là của văn hóa quân sự Việt Nam. Đó cũng không phải là văn hóa quân sự của các cuộc chiến tranh xâm lược mà là văn hóa quân sự nhằm tiến hành các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập cho đất nước, bảo vệ tự do cho nhân dân. Bài viết trên chưa thể hiện được điều đó.

Thứ nhất, tác giả đã đánh đồng văn hóa nói chung và văn hóa quân sự nói riêng khi bàn về đặc trưng và chức năng của văn hóa.

Đặc trưng: tác giả đi quá sâu vào phần văn hóa cộng đồng, văn hóa quốc gia dân tộc nói chung, tính nhân sinh, tính lịch sử… Tác giả cho rằng: “Văn hóa quân sự là một yếu tố của văn hóa xã hội trong văn hóa cộng đồng quốc gia dân tộc. Văn hóa mỗi cộng đồng quốc gia dân tộc có đặc trưng gì thì văn hóa quân sự của cộng đồng quốc gia dân tộc ấy có đặc trưng đó”. Thế tại sao tác giả không nêu lên những đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước Việt Nam để đối chiếu, so sánh với nền văn hóa quân sự của nó? Tuy có những ý kiến khác nhau, nhưng các nhà khoa học đều thống nhất nền văn hóa Việt Nam có những nét chung, tương đối khái quát và được thể hiện trên 5 đặc trưng: tính cộng đồng làng xã, tính trọng âm (thiên về âm tính), tính ưa hài hòa, tính tổng hợp và tính linh hoạt.

Để đối phó thắng lợi với sức mạnh của quân đội thực dân Pháp, quân viễn chinh Mỹ cũng hầu như tất cả các đạo quân xâm lược của bọn phong kiến phương Bắc từ mấy nghìn năm trước, có 2 trong 5 đặc trưng của nền văn hóa dân tộc đã được văn hóa quân sự Việt Nam khai thác một cách tối đa là tính tổng hợp và tính linh hoạt.

Trong văn hóa Việt Nam, tính tổng hợp xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, một nghề phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên nên người Việt phải luôn luôn cố gắng tổng hợp và bao quát: “Trông trời, trông đất, trông mây; trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm…”. Chính từ đặc trưng này, văn hóa quân sự Việt Nam đã làm nên loại hình Chiến tranh nhân dân, biến mỗi người dân thành một người lính, người Việt tuy không đông nhưng vẫn có sức mạnh gấp bội vì đã tổng hợp được các yếu tố riêng lẻ để tạo nên một chỉnh thể.

Đặc trưng văn hóa dân tộc giúp người Việt chiến thắng hầu hết các kẻ thù xâm lược còn là tính linh hoạt. Để đối phó với thiên nhiên luôn luôn chứa đầy những yếu tố bất ngờ, không thể lường trước được, người nông dân Việt Nam phải rất linh hoạt, theo từng tình huống mà có những ứng xử khác nhau, không thể hành động một cách bất biến. Trong chiến tranh, hiển nhiên một bên là cái linh hoạt, đối đầu với một bên là cái nguyên tắc cứng nhắc thì cái linh hoạt sẽ luôn luôn chiến thắng. Mà tính linh hoạt thường tạo nên sự bất ngờ. Đó chính là kiểu chiến tranh du kích thiên biến vạn hóa, khiến đối phương không thể nào đối phó được.

Chức năng văn hóa: trên thế giới hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau nhưng các nhà khoa học cũng đã thống nhất về chức năng là: nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí. Và ai cũng hiểu được rằng, trong văn hóa quân sự không hề có chức năng giải trí. Sao tác giả không hiểu được?

Còn như tác giả nói, Văn hóa quân sự là một thành tố của văn hóa, nên văn hóa có chức năng gì thì văn hóa quân sự có chức năng đó”, thì thực tế đã không diễn ra như vậy. Cũng là một thành tố của nền văn hóa cộng đồng quốc gia dân tộc, nhưng trong tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, người nghệ sĩ nhận thức và tái hiện cuộc sống bằng hình tượng sinh động cụ thể. Trái lại, trong văn hóa quân sự, để chỉ đạo từng chiến dịch, từng trận chiến đấu, các nhà chỉ huy quân sự lại hành động trực tiếp trên chiến địa theo tư duy khái niệm trừu tượng.

Thứ hai, tác giả đã đối chiếu, so sánh các nền văn hóa quân sự với nhau, nhưng những nội dung đó lại rất khập khiễng. Tác giả đưa ra ba nền văn hóa quân sự của ba nước lớn có liên quan đến Việt Nam là Liên Xô, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Văn hóa quân sự Việt Nam thường được gọi là văn hóa giữ nước; văn hóa quân sự của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai được gọi là nền văn hóa quân sự của chiến tranh giải phóng. Nhưng phải hiểu rằng, chiến thắng của Liên Xô đối với phát xít Đức là chiến thắng của con hổ đối với con voi. Trái lại, chiến thắng của dân tộc ta đối với hầu hết các kẻ thù xâm lược luôn luôn là phải “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, lấy nhỏ thắng lớn”; văn hóa quân sự Hoa Kỳ là văn hóa quân sự thuộc địa, đế quốc, nghĩa là dòng văn hóa quân sự của loại hình chiến tranh xâm lược, phi nghĩa. Với trí tuệ quân sự nhất định, chỗ này, chỗ kia trên thế giới, quân đội Hoa Kỳ có giành được những chiến thắng nào đấy vì các quốc gia bị xâm lược không có phương pháp đấu tranh thích hợp và hiệu quả. Nhưng ở Việt Nam thì lại khác, gần 1/4 thế kỷ tiến hành chiến tranh xâm lược, quân viễn chinh Mỹ đã không đi tới kết quả, cuối cùng phải ngồi vào bàn đàm phán, phải ký Hiệp định Paris, chịu tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta để rồi cuốn cờ, rút quân về nước.

Khách quan mà nói, văn hóa quân sự dưới thời Cổ đại ở Trung Quốc đã có những đóng góp đáng kể cho việc tiến hành chiến tranh nói chung, đặc biệt là những cuốn binh thư cổ, được chọn lọc và đưa vào bộ sách Võ kinh thất thủ (7 cuốn sách kinh điển về đấu tranh vũ trang), còn được gọi là Thất đại kỳ thư (7 cuốn sách to lớn kỳ lạ), trong đó nổi lên 2 cuốn binh thư của Tôn Tử thời Xuân Thu (771 – 476 trước CN) và của Ngô Khởi thời Chiến Quốc (475 – 221 trước CN). Nhưng đó không phải là những đóng góp tiêu biểu của văn hóa quân sự Trung Hoa sau này, kể từ khi nước Trung Hoa rộng lớn được thống nhất khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi Hoàng Đế vào năm 221 trước CN. Những thành tựu quý báu của văn hóa quân sự Trung Quốc trước đó chỉ là riêng ở từng nước chư hầu của nhà Chu trong việc sát phạt, tiêu diệt lẫn nhau để tranh giành quyền lực giữa Ngũ bá thời Xuân Thu và giữa Thất hùng thời Chiến Quốc. Thật ra những đóng góp của văn hóa quân sự chỉ là những đóng góp cho chiến tranh mở rộng bờ cõi (tức chiến tranh xâm lược) mà rất ít những kinh nghiệm cho chiến tranh giữ nước. Chính vì thế mà ngay sau khi đế chế phong kiến Trung Quốc ra đời từ triều đại Tần, đất nước Trung Hoa rộng lớn bao la đã phải chịu để nước ngoài đô hộ 364 năm (97 năm dưới triều Nguyên, từ 1271 – 1368; 267 năm dưới triều Thanh, từ 1644 –  1911).

Còn đối với dân tộc ta, từ TK X đến TK XVIII, bốn triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh của Trung Quốc đã tiến hành bảy cuộc chiến tranh xâm lược nhưng đành chịu bó tay trước sức mạnh của nền văn hóa quân sự Việt Nam. Đúng ra, họ có giành được một thắng lợi trong cuộc chiến tranh xâm lược dưới triều Hồ, nhưng chỉ hai 20 sau (1407 – 1428), bằng cuộc chiến tranh giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, dân tộc ta đã giành lại đất nước.

Trong bài viết, tác giả Lê Quý Đức có đưa ra một ví dụ về văn hóa quân sự của nước Cộng hòa Nam Phi. Có thể tác giả chưa nắm được lịch sử của nước này. Để biết rõ, phải tìm hiểu 3 cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa đầu tiên của thời kỳ đế quốc chủ nghĩa: Cuộc chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha (1898), cuộc chiến tranh Anh – Boer lần thứ hai (1899 – 1902) và cuộc chiến tranh Nga – Nhật (1904 – 1905). Đặc biệt là hai cuộc chiến tranh Anh – Boer ở cuối TK XIX đối với nước Cộng hòa Nam Phi.

Cuộc chiến tranh Anh – Boer (người gốc Hà Lan) là cuộc chiến tranh giữa đế quốc Anh và hai nước độc lập tại Nam Châu Phi của người Boer là Orange Free State và Cộng hòa Trans Vaal (còn gọi là Cộng hòa Nam Phi). Cuộc chiến tranh này diễn ra hai lần, lần thứ nhất từ 16 – 12 – 1880 đến 23 – 3 – 1881, người Anh chịu thất bại; lần thứ hai từ 11 – 10 – 1899 đến 31 – 5 – 1902. Đây là cuộc chiến tranh chủ yếu và được lịch sử nhắc đến nhiều nhất. Sau hai năm rưỡi đấu tranh gay go, cuối cùng hai nước này phải đầu hàng và chịu khuất phục đế quốc Anh.

Tháng 5 – 1902, hai bên tham chiến phải ngồi lại với nhau để ký hòa ước Vereeniging. Hai nước của người Boer đã trở thành thuộc địa của người Anh. Sau đó, nước Anh sáp nhập tất cả các thuộc địa của mình ở Nam châu Phi lại, thành lập ra Liên bang Nam Phi ngày nay. Đó là một lãnh thổ tự trị trong khối Liên hiệp Anh.

Cho nên, tác giả nhấn mạnh ý kiến của Jock Deacon, đại tá hải quân Nam Phi, phản ánh trong công trình Military Culture in South Africa (Văn hóa quân sự Nam Phi) nói rằng: văn hóa quân sự Nam Phi được dựa trên tính chuyên nghiệp và tuân thủ các giá trị truyền thống của danh dự, nhiệm vụ và quốc gia… là điều thiếu sức thuyết phục. Vì sao? Bởi lẽ, nói đến văn hóa quân sự là phải nói đến chiến thắng. Nếu văn hóa là một hệ thống biểu tượng thì biểu tượng đó trong văn hóa chính là những chiến thắng. Đấu tranh vũ trang mà không đi tới mục đích chiến thắng là điều vô nghĩa. Cuộc chiến tranh Anh – Boer lần thứ hai, người Boer đã đầu hàng, đã chịu thất bại để rồi làm thuộc địa của đế quốc Anh, nghĩa là không giữ được độc lập tự do thì làm sao có căn cứ để có thể gọi đó là văn hóa quân sự?

Thứ ba, tác giả Lê Quý Đức đã có sự so sánh, đối chiếu văn hóa chung của cộng đồng quốc gia dân tộc để tìm ra những nét riêng của văn hóa quân sự, so sánh đối chiếu văn hóa quân sự giữa các nước để tìm ra những nét độc đáo của văn hóa quân sự Việt Nam, nhưng đến phần cụ thể của văn hóa quân sự Việt Nam – mục đích thiết thực, chủ yếu đối với chúng ta – thì lại không thấy tác giả có chủ kiến rõ ràng.

Đặc biệt là tác giả đã tán thưởng ý kiến của Lê Văn Quang và Văn Đức Thanh trong cuốn sách Văn hóa quân sự Việt Nam, cho rằng: bản chất văn hóa quân sự được hiểu theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng: “Theo nghĩa hẹp, văn hóa quân sự là tổng hòa những dấu ấn sáng tạo và nhân văn theo tiêu chí chân, thiện, mỹ của tổ chức và hoạt động quân sự trong quân đội cách mạng. Theo nghĩa rộng, văn hóa quân sự gồm tổng thể các giá trị văn hóa nảy sinh và phản ánh từ lĩnh vực quân sự cách mạng trong đời sống xã hội” (1).

Đây là một nhận thức thiếu chuẩn xác. Nói như vậy có nghĩa là chỉ đến thời hiện đại, đến TK XX, văn hóa quân sự Việt Nam mới xuất hiện, còn từ TK XIX trở về thời dựng nước (TK III trước CN), “truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên người Việt” không phải là văn hóa quân sự? Cuốn sách khẳng định rằng “Văn hóa quân sự chuyên chính của các giai cấp, các nhà nước cách mạng tiến bộ” mới là văn hóa quân sự (?).

Chính vì thấy được thiếu chuẩn xác trên mà năm 2014, trong một công trình khoa học của Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự, do tác giả Văn Đức Thanh tổng chủ biên, đã “sửa sai”. Thay vì đầu đề của cuốn sách cũ là Văn hóa quân sự Việt Nam, cuốn sách mới đã có tên gọi là Văn hóa quân sự Việt Nam, truyền thống và hiện đại (2).

Tuy với tên gọi mới, với tư cách là một công trình lý luận, nhưng nội dung thực chất cuốn sách chỉ là một công trình nghiên cứu về lịch sử quân sự – điều mà Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã xuất bản một bộ sách đồ sộ với 14 tập – còn đây chưa phải là một công trình khoa học về sự khái quát của văn hóa quân sự. Mặc dù các sự kiện quân sự trong các thời kỳ lịch sử đều được trình bày nhưng sự khái quát về mặt lý luận của văn hóa học để nêu lên những nội dung chủ yếu của văn hóa quân sự Việt Nam thì cuốn sách chưa làm được, vì chỉ vận dụng triết học chung chung nên chưa nêu được bản chất, quy luật phát triển của văn hóa quân sự Việt Nam. Và như vậy thì lấy cơ sở đâu để rút ra “một số vấn đề lý luận văn hóa quân sự” như ý định của tác giả Lê Quý Đức?

Qua một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, khái quát lại, chúng tôi thấy Một số vấn đề về lý luận văn hóa quân sự, có thể hình thành bốn nhóm:

Thứ nhất, nhóm vấn đề về các nhân tố hình thành văn hóa quân sự Việt Nam. Các nhân tố đó bao gồm: một là, dân tộc hình thành sớm; hai là, từ đó chủ nghĩa yêu nước cũng xuất hiện sớm, trở thành động lực cho mọi hoạt động đấu tranh vũ trang; ba là, Việt Nam có một vị trí địa lý – chính trị – quân sự hết sức xung yếu nên thường xuyên bị các thế lực thù địch nhòm ngó; bốn là, chủ nghĩa yêu nước đã thôi thúc người Việt Nam luôn luôn cầm vũ khí tiến hành thắng lợi chiến tranh chống ngoại xâm và từ đó đã trở thành một truyền thống đánh giặc giữ nước tốt đẹp của dân tộc và năm là, chiến tranh chính nghĩa nhằm bảo vệ độc lập, tự do đã hội tụ được tính trí tuệ, tính nhân văn của người Việt trong nền văn hóa quân sự Việt Nam (3).

Thứ hai, nhóm vấn đề quá trình phát sinh, hình thành và phát triển văn hóa quân sự Việt Nam. Văn hóa quân sự Việt Nam phát sinh, hình thành và phát triển qua năm thời đại lịch sử: thời đại dựng nước, thời đại chống Bắc thuộc, thời đại Độc lập – tự chủ, thời đại chống Pháp thuộc – cận đại và thời hiện đại.

 Từ thời đại dựng nước, văn hóa quân sự Việt Nam đã phát sinh và hình thành vào thời đại Chống Bắc thuộc. Từ thời đại độc lập – tự chủ trở đi – trừ thời đại chống Pháp thuộc – văn hóa quân sự Việt Nam đã phát triển mạnh, nhất là dưới thời hiện đại.

Cách thức thể hiện của văn hóa quân sự Việt Nam dưới các thời đại lịch sử thuộc ba loại hình đấu tranh vũ trang là: chiến tranh bảo vệ tổ quốc, khởi nghĩa dân tộc và chiến tranh giải phóng dân tộc. Chiến tranh bảo vệ tổ quốc đã xuất hiện ngay dưới thời dựng nước, được tiếp tục tiến hành dưới thời Chống Bắc thuộc và phát triển mạnh dưới thời độc lập – tự chủ. Khởi nghĩa dân tộc được tiến hành để giành lại chính quyền khi đất nước bị nước ngoài đô hộ như dưới thời chống Bắc thuộc và chống Pháp thuộc. Từ khởi nghĩa dân tộc, chiến tranh giải phóng dân tộc đã ra đời từ TK III, lần đầu tiên giành được thắng lợi ở TK XV và phát triển mạnh ở TK XX.

Thứ ba, nhóm vấn đề về những nội dung chủ yếu của văn hóa quân sự Việt Nam: Chiến tranh nhân dân, phương tiện tiến hành chiến tranh (tổ chức quân sự và binh khí – kỹ thuật).

Chiến tranh nhân dân: toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh.

Tổ chức quân sự: dưới sự lãnh đạo của giai cấp phong kiến, dưới sự lãnh đạo của giai cấp nông dân và dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mà trực tiếp là Đảng Cộng sản.

Binh khí – kỹ thuật: qua hai giai đoạn: vũ khí lạnh và vũ khí nóng.

Việc chế tạo và sử dụng binh khí – kỹ thuật theo phương châm: tự chế tạo, lấy vũ khí địch – đánh địch và nhận vũ khí viện trợ.

Những phương pháp tiến hành chiến tranh – phương pháp tư duy: tư tưởng và lý luận quân sự và phương pháp hành động: nghệ thuật quân sự (trọng điểm).

Phương pháp tư duy

Tư tưởng quân sự: Việt Nam có ba nhà tư tưởng quân sự lớn: Trần Quốc Tuấn, với tư tưởng dĩ đoản binh chế trường trận; Nguyễn Trãi, với tư tưởng dĩ quả địch chúng (lấy ít địch nhiều), dĩ nhược chế cường (lấy yếu chống mạnh); Hồ Chí Minh, với tư tưởng chiến tranh nhân dân.

Lý luận quân sự được thể hiện qua các cuốn binh thư: Hành quân pháp của Lý Thường Kiệt; Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Binh thư yếu lược và các tác phẩm lý luận quân sự Dự chu tì tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ) Di chúc của Trần Quốc Tuấn; Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi; Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ; Đường lối quân sự của Đảng, Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Phương pháp hành động

Nghệ thuật quân sự, được hình thành một nhóm vấn đề riêng, nhóm thứ tư.

Thứ tư, nhóm vấn đề về sự vận dụng lý luận vào thực tiễn nghiên cứu văn hóa quân sự. Việc tìm hiểu văn hóa quân sự bằng cách lấy nghệ thuật quân sự làm tiêu điểm là điều duy nhất đúng, nhưng hãy luôn nhớ rằng, văn hóa quân sự là một hiện tượng văn hóa của quân sự chứ không phải là một hiện tượng khoa học của quân sự, vì vậy không thể dùng lý luận khoa học quân sự nói chung để nghiên cứu như các nhà chỉ huy quân sự và các nhà khoa học quân sự lâu nay vẫn thường làm. Thậm chí có người còn dùng cả lý luận triết học để luận giải văn hóa quân sự. Đó là những việc làm, thiếu nghiêm túc, sai quy cách, không thể chấp nhận được và dĩ nhiên bài toán đã không tìm ra đáp số. Phải dùng phương pháp văn hóa, tức là vận dụng lý luận văn hóa học để nghiên cứu nghệ thuật quân sự mới là chiếc chìa khóa nhiệm màu, là phương pháp thích hợp và hiệu quả nhất để đi tới mục đích cuối cùng của quá trình tìm hiểu về văn hóa quân sự Việt Nam.

______________

1. Lê Văn Quang – Văn Đức Thanh, Văn hóa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.47.

2. Văn Đức Thanh (tổng chủ biên), Văn hóa quân sự Việt Nam, truyền thống và hiện đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014.

3. Do sự tình cờ và cũng là điều hợp lý nào đấy, nhóm vấn đề thứ nhất đã được Tạp chí VHNT sử dụng vào số 282 (tháng 12 – 2007), với tiêu đề Nhân tố hình thành văn hóa quân sự Việt Nam.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : DƯƠNG XUÂN ĐỐNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *