Cần chú trọng vấn đề văn hóa trong quy hoạch phát triển phú quốc



Bãi tắm Thiên Sơn, Phú Quốc. Ảnh Tất Dương  Trước đây, tôi đã vài lần tiến hành một số dự án nghiên cứu văn hóa ở Phú Quốc (2007, 2008, 2009). Năm nay (2015), để nghiên cứu đề tài khoa học Văn hóa biển đảo Phú Quốc, tôi đã quay lại đây, đi thực địa các xã, thị trấn trên đảo để gặp gỡ cán bộ và người dân ở đó thu thập số liệu cho đề tài của mình. Vì thế, tôi có thể cảm nhận được rất rõ rằng: sau gần 10 năm, Phú Quốc đã có những biến đổi toàn diện với một tốc độ chóng mặt, tuy nhiên, bên cạnh những biến đổi tích cực về chính trị, kinh tế, xã hội, Phú Quốc cũng đã bộc lộ một số biến đổi tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của hòn đảo được mệnh danh là đảo Ngọc này.

 Từ những biến đổi kinh tế, xã hội…

Thực sự, Phú Quốc đang phát triển với tốc độ khủng khiếp trong 5 năm trở lại đây. Chỉ nhìn vào sân bay khổng lồ, những con đường cao tốc tạo thành xương sống của hòn đảo, các resort mọc lên như nấm, rồi hệ thống điện lưới được kéo từ đất liền ra, internet tốc độ cao, truyền hình cáp, xe ô tô cá nhân trở thành phổ biến… thì cũng có thể thấy sự thay đổi đó nhanh đến dường nào.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ hơn một chút ta có thể thấy “phía sau của thiên đường” còn có những bất cập. Sân bay và đường cao tốc là những dự án quốc gia, lượng vốn đầu tư khổng lồ, tốc độ giải ngân rất nhanh. Tuy nhiên, ngược lại với những dự án quốc gia, những dự án địa phương luôn bị đình trệ. Ví dụ như những con đường dẫn đến các điểm du lịch tại Phú Quốc hay những con đường liên thôn chẳng được ai đếm xỉa đến (con đường vào khu du lịch Cửa Cạn, Vũng Bầu, Bãi Dài hay đến suối Đá Bàn-một di sản thiên nhiên tuyệt đẹp). Những con đường đất đỏ này lầy lội trong những ngày mưa, gồ ghề trong những ngày nắng, đi xóc vô cùng…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng khách tham quan các điểm này nói riêng và Phú Quốc nói chung.

Có một thực tế là, trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội Phú Quốc được công bố, hiện trạng sau đã bị ẩn đi: toàn bộ ven biển, nơi nào có thể kinh doanh được đều đã được bán (ít nhất là đã bán trên bản đồ địa chính) cho các doanh nghiệp.

Nhìn vào số tiền thuế (1000 tỷ) mà Phú Quốc thu được hàng năm sẽ thấy các doanh nghiệp này đúng là như sao trên trời. Rõ ràng, Phú Quốc không thu thuế được bao nhiêu từ nông, ngư nghiệp và dịch vụ, mà chỉ dựa vào việc bán đất và thu thuế doanh nghiệp mua những lô đất khổng lồ đó. Lớn như Vinpearl, là doanh nghiệp đã mua được lô đất vàng, chiếm trọn Bãi Dài (là bãi biển được đánh giá nằm trong 10 bãi biển đẹp nhất quả đất này) cũng chỉ đóng 20 tỷ/năm. Vậy thì cứ chia đều cho 20 tỷ, ít nhất bờ biển Phú Quốc cũng bị băm nát thành 500 khúc rồi. Huống hồ không có doanh nghiệp nào dám đầu tư lớn như Vinpearl, nên ít nhất bờ biển Phú Quốc cũng bị băm thành 800 khúc. Điều đáng nói là, rất ít doanh nghiệp trong số ước chừng 800 doanh nghiệp đó có ý đồ, hoặc có vốn để kinh doanh du lịch thực sự. Dường như họ chỉ chiếm đất, chiếm bãi biển chờ thời, đến khi có cơ hội là bán lấy lời, rồi đút tiền vào túi, chẳng ai nghĩ đến những câu chữ mỹ miều như “quy hoạch”, “phát triển”! Hậu quả tiêu cực của việc quy hoạch bờ biển kiểu này đã có những tấm gương nhãn tiền ở Vũng Tàu, Nha Trang, Phan Thiết. Đó là: biển, bờ biển, vốn là tài sản chung của mọi người, nay trở thành tài sản riêng của ai đó, người dân Việt Nam không được lai vãng đến những khu vực này. Nếu như trước kia, ai cũng có thể ngắm cảnh biển khi đi theo những con đường ven biển thì nay hoặc họ bị ngăn lối đi (bởi các dự án của các doanh nghiệp lớn, nhỏ), hoặc là bị khuất tầm nhìn bởi những công trình xây dựng của các công ty du lịch. Cảm quan chung của khách du lịch đến với Phú Quốc là: nếu không được nhìn thấy biển bao quanh, không được tự do tự tại dạo chơi trên các bãi biển đẹp như Bãi Dài, Bãi Sao, không được đi ra các hòn đảo nhỏ xung quanh… thì đến đây cũng chẳng có ấn tượng gì đặc biệt, chẳng khác gì so với những điểm ở đất liền, thậm chí còn tệ hơn bởi văn hóa ở đây không “đậm đà bản sắc” như ở nhiều nơi khác.

Đời sống kinh tế của người dân thì sao? Quả thật trong những năm qua, với những tin đồn về chiến lược phát triển Phú Quốc thành một đặc khu kinh tế, thì thị trường bất động sản ở đây rất rộn ràng. Người dân bình thường cũng đã rất thạo những ngôn từ, giá cả trong buôn bán đất đai. Ở các quán café người ta “chém gió” chuyện tiền tỷ cứ như là chuyện mua vài cân cá trích vậy. Nhiều người lao động vốn nghèo khổ trước đây, nay bỗng dưng trở thành tỷ phủ. Nhưng ở đây cũng có không ít những câu chuyện bi hài. Nhiều người, bán được đất hàng chục tỷ, hết mua ô tô, lại cất nhà biệt thự, tối ngày nhậu nhẹt… chẳng mấy chốc lại khánh kiệt. Thế là câu chuyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng lại xuất hiện, họ lại tái nghèo (thuật ngữ mới ở Phú Quốc) và lại đi ở trọ, lại làm thuê! Còn những người dân bình thường khác không kinh doanh bất động sản thì được gì từ sự phát triển này? Cái thấy rõ nhất là họ phải chịu cái giá tiêu dùng theo khách du lịch, ví dụ: một bát phở 50.000đ, bát bún bò 40.000đ, bát bánh canh hải sản thì rẻ hơn: 35.000đ.

Bên cạnh những khía cạnh tích cực của sự phát triển kinh tế du lịch ở Phú Quốc (như có điện lưới, giao thông phát triển, các ngành nghề dịch vụ phát triển, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người địa phương), thì cũng xuất hiện những ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp tại chỗ và cả ngành ngư nghiệp. Trước đây, nghề trồng tiêu là ngành nông nghiệp mũi nhọn ở Phú Quốc (ở đây không trồng được lúa, màu cũng rất ít, chủ yếu là trồng tiêu và nay thêm trồng hoa quả). Hiện nay, các chủ vườn tiêu đều than rằng rất khó thuê nhân công làm tiêu bởi giá công họ đòi quá cao và ngay cả khi đồng ý giá cao thì cũng rất ít người muốn làm. Sở dĩ như vậy là do hiện nay có rất nhiều nhà hàng, khách sạn, resort mọc lên, cần nhân công lao động giản đơn, lương cũng khá (dao động từ 150.000đ – 250.000đ/ ngày). Vì thế, thanh niên ở các xã đều thích làm việc ở những nơi này hơn là làm tiêu. Ngư nghiệp cũng ở tình trạng tương tự, đi theo tàu đánh cá, đánh mực, sớm khuya vất vả cũng chỉ được trung bình 4 triệu/ tháng mà thôi, không bằng làm việc ở khu vực du lịch.

Một số gia đình ở những xã gần thị trấn Dương Đông như ở xã Dương Tơ, Cửa Dương đã bỏ tiền hoặc vay vốn xây nhà trọ cho thuê (mỗi phòng khép kín giá là 1,3 triệu). Thông thường mỗi nhà có từ 10 đến 20 phòng, do đó thu nhập của họ khá cao và ổn định.

Nghề đánh bắt thủy sản (chủ yếu là gần bờ như đánh mực, ghẹ, ngoài khơi là cá cơm) không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế ở Phú Quốc như trước đây nữa. Một phần do tài nguyên biển gần bờ của ta đã cạn kiệt, một phần do công nghệ đánh bắt chưa được hiện đại hóa. Nhưng chủ yếu là do tình hình căng thẳng ở biển Đông nên các tàu thuyền của ta gặp khó khăn khi ra vùng biển quốc tế, nhiều khi họ phải trả thêm chi phí để được đánh cá ở vùng biển của nước khác.

Cá cơm ngày càng trở nên hiếm dần, nên ngành làm nước mắm, vốn làm nên thương hiệu cho Phú Quốc, cũng bị suy giảm. Các nhà thùng nhỏ không cạnh tranh nổi với nhà thùng lớn nên đã giải nghệ dần. Lại thêm quy hoạch của Phú Quốc, trong đó các nhà thùng phải dời ra ngoại vi thị trấn Dương Đông, nên nhiều nhà đã bỏ luôn nghề này.

Nuôi trồng thủy sản ở đây còn ít hộ làm và làm cũng thô sơ. Cả huyện có chưa đến 10 hộ làm nghề này. Chủ yếu họ nuôi cá bớp, cũng có hộ nuôi ốc hương (nhưng loại này hay có rủi ro nên ít hộ dám nuôi), không có trại giống, chủ yếu là mua giống từ Nha Trang.

Về du lịch, ngoài những hộ có đất ở vị trí thuận lợi và có khả năng xây khách sạn thì những người làm dịch vụ du lịch khác như các văn phòng du lịch lữ hành, buôn bán đồ lưu niệm, nhà hàng… chủ yếu là người từ nơi khác đến làm ăn, người Phú Quốc chưa đủ trình độ để theo những nghề này.

… Đến những vấn đề văn hóa

Xây dựng hạ tầng và ngành kinh tế du lịch phát triển, dĩ nhiên lượng lao động tại chỗ không đủ đáp ứng, mà người từ các nơi đổ về đây làm việc rất đông. Ở những thị trấn như Dương Đông, An Thới và ở những xã mới thành lập như Gành Dầu, Bãi Thơm có mặt cư dân gốc gác từ “63 tỉnh thành của cả nước” (theo lời của cán bộ xã). Dân góp như vậy sẽ dẫn đến một tình trạng tất yếu trong văn hóa là lai tạp và không có truyền thống. Để xây dựng một cộng đồng cư dân bền vững, những con người có khác biệt về văn hóa này cần được thống nhất, kết dính với nhau hoặc bằng một tôn giáo hoặc bằng một thiết chế và hoạt động văn hóa truyền thống. Ở xã Gành Dầu (mới được thành lập năm 1993), người ta đã làm tốt điều này bởi cán bộ và nhân dân ở đây đã cùng nhau xây dựng đình thần, tổ chức được lễ hội Nguyễn Trung Trực. Hàng năm, nơi đây đã thu hút được trên 2 vạn người đến tham dự lễ hội. Chắc chắn, đây không chỉ là câu chuyện của riêng văn hóa mà nó tác động tích cực, toàn diện đến đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của cộng đồng cư dân nơi đây. Rất tiếc, đây chỉ là điển hình hiếm hoi. Trường hợp của xã Bãi Thơm (cũng được thành lập năm 1993 và có tình trạng tụ cư tương tự) hay ở các đảo Hòn Thơm, Bãi Chu thì chưa làm được như vậy.

Nhân đây, xin kể lại câu chuyện về một sự tài trợ rất lãng phí cho văn hóa ở Gành Dầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một lần đến thăm ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực, đã có gợi ý rằng các doanh nghiệp nên hỗ trợ nhân dân xây lại ngôi đình. Có một doanh nghiệp đi tháp tùng Thủ tướng đã nhận lời hỗ trợ 20 tỷ để xây lại ngôi đình này. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân không tán thành việc xây lại ngôi đình này bởi hai lý do: thiết kế ngôi đình này mô phỏng 100% ngôi đình ở Bắc Bộ trong khi người dân muốn rằng nếu đã xây lại thì phải xây theo kiến trúc đình Nam Bộ (có võ ca, có tả – hữu vu); bao nhiêu công đức của người dân và bà con Hòa Hảo đã xây nên ngôi đình này bị phá hủy hết, mà ngôi đình còn đẹp và khang trang lắm, giá như có thêm tiền thì giải phóng thêm mặt bằng cho ngôi đình có không gian rộng rãi hơn, cân xứng hơn, chứ không nên xây lại, lãng phí. Chúng tôi cũng thấy ý nguyện của bà con là rất hợp lý và cho rằng: Phú Quốc còn rất nhiều di tích cần tu bổ và đầu tư, sao họ không đầu tư vào những chỗ đó, cứ nhất thiết phải xây lại ngôi đình này?

Năm 2007, chúng tôi đã làm một điều tra rất căn bản về văn hóa ở Phú Quốc, do đó biết rằng vốn văn hóa ở đây rất nghèo nàn. Ở phương diện vật thể, không có những ngôi đình, chùa, miếu, lăng, dinh có kiến trúc cổ, đẹp, cũng không có đủ không gian (3 không gian) bao quanh các di tích ấy và rất nhiều ấp, khu phố không có các thiết chế văn hóa cổ truyền này. Về văn hóa phi vật thể cũng vậy. Hồi ấy, chưa có lễ hội Nguyễn Trung Trực ở Gành Dầu, chỉ có hai lễ hội quy mô lớn là lễ hội đình Dương Đông và lễ hội rằm tháng 7 (dân gian gọi là xô cộ ở một ngôi chùa tại trung tâm Dương Đông), còn các lễ hội khác thì lèo tèo, nhạt nhẽo. Các dấu tích văn hóa bản địa hoặc lâu đời của người Trung Hoa thì bị phai nhạt dần. Lần này, tôi thấy điều này rõ hơn: những miếu thờ bà chúa Xứ thuở xưa nay bị các ngôi chùa Phật giáo đè lên hoặc lấn át, những lớp văn hóa mà người Trung Hoa từ thời Mạc Cửu đã để lại nay nhiều cái cũng đã bị biến tướng. Ví dụ tiêu biểu nhất mà tôi nhìn thấy là ở dinh Bà. Nơi đây, vốn thờ Thủy Long thánh mẫu (một nữ thần hộ mệnh/ cứu nạn cho dân Trung Quốc vượt biển thành công) bỗng dưng lại trở thành nơi thờ Tam tòa thánh mẫu của người Việt từ tít tận miền Bắc xa xôi. Nghe đâu, có những nhóm hầu đồng ngoài Bắc vào đây (các con nhang đệ tử đi cùng là các doanh nghiệp) để trình diễn hầu đồng và tài trợ khá hào phóng cho dinh Bà. Và không hiểu họ có tài trợ luôn cả tượng Tam tòa thánh mẫu hay không nhưng đến nay thì trong tờ rơi giới thiệu đã công bố hình ảnh, danh tính của các thần được thờ ở đây là các mẫu Thượng Thiên, Thượng Ngàn và mẫu Thoải (???).

Một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng trong quy hoạch phát triển Phú Quốc mà ai cũng có thể nhìn thấy là: do mải mê quy hoạch những lô đất vàng ven biển nên các nhà lập quy hoạch đã quên một cách vô tư việc quy hoạch (chỗ ở, neo đậu) cho các làng chài (hiện nay tạm thời tàu thuyền của các làng chài vẫn cứ đi lại, neo đỗ ở các chỗ đã có kinh doanh du lịch hoặc đã quy hoạch, thế nên mới đây đã xảy ra những vụ tai nạn rất lãng xẹt: khách du lịch lái ca nô đâm vào tàu cá, chết!). Ở Dương Đông, theo quy hoạch thì toàn bộ dân chài ở khu phố 9 cũng phải dọn đi một chỗ khác xa bờ biển để dành chỗ cho những dự án du lịch lớn (vì xóm này ở ngay cạnh một bãi biển đẹp, ngay trung tâm thị trấn Dương Đông). Thật kỳ lạ, Đảng và Chính phủ thì nói rất hùng hồn đến việc phát huy thế mạnh biển đảo, phát huy vốn văn hóa biển đảo, nhưng ở đây thì họ lại quên mất những người dân chài. Ai cũng biết, từ xưa đến nay, ngư nghiệp của ta không phải là ngành kinh tế mạnh, nhưng điều đó không có nghĩa là họ bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa ở Phú Quốc. Đấy là chưa muốn nói rằng: không có sự đóng góp của họ, liệu văn hóa Phú Quốc có còn chút bóng dáng nào của văn hóa biển đảo? Khách du lịch sẽ còn hứng thú gì khi đến đây mà không thấy bóng một làng chài nào? Không còn làng chài liệu các nhà thùng nước mắm có thể tồn tại được chăng? Chẳng lẽ toàn bộ hải sản, nước mắm Phú Quốc phải nhập khẩu ư?… Nếu nói theo quan điểm chính trị thì đây là một sai lầm nghiêm trọng, bởi chính chúng ta tự khước từ quyền khai thác biển, cũng là từ bỏ quyền về lãnh thổ quốc gia.

 Một cán bộ cấp xã ở Phú Quốc đã có những trăn trở thế này: “Trong báo cáo đề tài các anh cố gắng phải đưa bằng được cái ý này vào: quy hoạch phát triển Phú Quốc đã không có chỗ cho một làng chài nào nữa, cần phải có điều chỉnh!”. Về mặt văn hóa, những hình thái văn hóa biển truyền thống của cư dân ở đây sẽ biến mất, ví dụ như những nghi lễ ra khơi, lăng Ông và tục thờ cúng cá Ông, tục thờ Bà Cậu… Vậy là, vốn văn hóa ở đây đã nghèo nàn nay lại còn nghèo nàn hơn.

Khi nói đến văn hóa biển đảo, đa số nghĩ ngay đến những gì trực tiếp liên quan đến biển (văn hóa được hình thành giữa mối quan hệ giữa người và biển). Điều đó không sai nhưng cũng không đúng, bởi thực tế và lịch sử đã cho thấy: chính nguồn sống căn bản của cư dân đảo lại là từ trên đảo (rừng, rẫy, nước ngọt). Trong con mắt tương đối của cư dân ở đây thì với diện tích rất rộng, Phú Quốc chính là đất liền. Từ xưa, những người làm nghề chài lưới ở đảo này đều nghèo khổ hơn, có cuộc sống tạm bợ hơn là những người làm ăn sinh sống trên cạn. Cũng là lẽ thường, người ta có thể không ăn hải sản trong suốt cuộc đời nhưng ngược lại chẳng ai không cần lương thực (gạo, hoa màu) cả đời được. Những người dân ở đây kể rằng khi xưa, dân chài đánh bắt được ít hải sản nào thì đều mang đi đổi lấy lương thực. Họ không có thuyền to, chỉ đánh bắt loanh quanh gần bờ, nên chỉ đủ sống một cách nghèo khổ (mà ngày xưa thì giao thương đường biển còn rất hạn chế). Mãi sau này, mới có nhóm cư dân chuyên đi biển xa đến từ Quảng Ngãi, Bình Định nhập cư vào Phú Quốc. Nhân đây cũng xin mở rộng thêm: không nhất thiết cứ ở đảo là có văn hóa biển đảo. Dân đảo Corse (Pháp) chẳng hạn, họ không biết chài lưới, toàn chăn dê làm đặc sản pho mát thối có dòi.

Tôi có gặp và nói chuyện với một người gốc Hoa (ở ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ). Ông kể về một lễ tục mà người dân ở ấp này vẫn thực hành: dân đây có đền thờ Quan Đế Thánh Quân và đặc biệt có miếu thờ ông Hổ. Truyền thuyết về ông Hổ 3 chân khá hay, ông vượt biển vào đến Phú Quốc, chiến đấu với những con cá to trên biển và bị cá nuốt mất một chân. Dân làng vẫn đồn rằng, đã có người nhìn thấy dấu chân của ông Hổ 3 chân đi qua nương rẫy của mình. Theo phong tục, sau khi cúng xong, mọi người để lại đồ cúng (đầu heo) ở miếu và ban đêm ông ấy hiện về chứng giám. Đó là một trong những dẫn liệu cho thấy, mặc dầu là một hòn đảo nhưng sinh kế của người dân nơi đây lại dựa vào núi rừng là chủ yếu (hiện nay nông nghiệp ở Phú Quốc chủ yếu là trồng hồ tiêu, cây ăn quả và cây công nghiệp).

Du lịch ở Phú Quốc đang bung ra theo hướng tự phát, không bền vững: chỉ khai thác tức thời những bãi biển mà không đầu tư chiều sâu vào văn hóa địa phương. Nếu không củng cố, phát huy những giá trị văn hóa bản địa, du lịch Phú Quốc sẽ chẳng có gì khác hơn so với những điểm đến khác trên cả nước (cũng chỉ là những resort, bãi biển, hải sản). Nói cách khác, các nhà lãnh đạo địa phương cũng như những người hoạch định quy hoạch đã bỏ quên văn hóa, không coi chúng là cơ sở để phát triển du lịch bền vững. Ví dụ, rừng quốc gia với những loại cây bản địa chưa được khai thác, các di tích văn hóa truyền thống chưa được tu bổ, mở rộng (đặc biệt là những di tích thờ các vị thần biển, thần rừng, thần cai quản đất đai, thờ cá Ông), các lễ nghi, lễ hội ở các di tích cũng không được chú trọng…Tôi tự đặt câu hỏi: với nguồn thu 1000 tỷ/ năm, tại sao Phú Quốc không dành 5%/ năm để tu bổ, mở rộng các thiết chế văn hóa cổ truyền đó, cũng cố, phát triển các lễ hội và các loại hình văn hóa bản địa ở đó? Riêng tôi, xin đề xuất: mở rộng không gian, xây dựng lại những thiết chế cổ truyền như dinh Bà ở Hàm Ninh, đình Thần ở Dương Đông, lăng Ông Nam Hải ở xóm Cồn (Dương Đông) và nâng cấp các lễ hội truyền thống ở đó. Riêng lễ hội Nguyễn Trung Trực nên tổ chức thành lễ hội cấp huyện mà hai địa phương là Cửa Cạn và Gành Dầu cùng phối hợp tổ chức.

Cũng cần phải nói thêm là, dường như các nhà lãnh đạo ở Phú Quốc vẫn còn phân biệt đối xử giữa văn hóa truyền thống của người Việt với văn hóa của người Hoa, Khơme và với những văn hóa của những tôn giáo khác.

Cần phải nhìn nhận và tôn vinh vai trò của người Hoa trong thuở khai hoang lập đảo. Họ là những người từ thời Mạc Cửu, người đã có công đưa Phú Quốc sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, họ là một phần quan trọng của lịch sử và văn hóa bản địa ở Phú Quốc. Hiện nay, người Hoa ở đây vẫn còn những thiết chế thờ Quan Thánh đế quân, Thủy Long thánh mẫu, dinh Cậu cần được tu bổ và phát huy giá trị. Sẽ là một ý tưởng hay nếu các nhà quản lý ở đây biết khai thác huyền thoại về ông Hổ 3 chân ở Dương Tơ (xây miếu, xây tượng hổ 3 chân hoành tráng để tạo nên một điểm đến hấp dẫn cho du khách).

Các tôn giáo khác như Cao Đài, Hòa Hảo và Thiên chúa giáo ở Phú Quốc tuy là thiểu số nhưng đã tạo ra được những nét văn hóa đẹp, đa dạng cho hòn đảo này. Nhà thờ và xóm đạo ở An Thới là một ví dụ: kiến trúc nhà thờ đẹp, sinh hoạt, lễ nghi trong đó mang tính bản sắc của người Việt, kết cấu xóm đạo và lối sống của cư dân xóm này có những nét đẹp riêng…Tại sao không thể biến nó thành một điểm đến cho du khách?

Vấn đề văn hóa cuối cùng về Phú Quốc là nguy cơ ô nhiễm môi trường. Dường như các nhà quản lý không theo kịp sự biến chuyển quá nhanh về kinh tế, xã hội ở Phú Quốc nên đã không có những phương án xử lý rác thải. Ngay sát thị trấn Dương Đông (chỉ cách chừng 10 km, theo hướng đi Gành Dầu), một bãi rác lộ thiên đang hiện ra mà không có một biện pháp xử lý nào cho khỏi hôi thối và gây khuẩn. Các bãi biển, trừ một số bãi do Vinpearl, Sài Gòn Tourism, hay một số resort đã đi vào hoạt động, còn lại các bãi khác đều rất bẩn (cả trên bề mặt và dưới lòng nước). Sở dĩ như vậy là các bãi biển này do các nhà đầu tư thuê tạm thời hoặc đang trong thời gian xây dựng hay đang thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nào đó trên giấy tờ, nên chảng ai nghĩ đến chuyện làm sạch môi trường ở đây cả, mà chỉ kinh doanh tận thu thôi. Chúng ta có thể chụp được những cảnh rác rưởi đủ loại trên bất kỳ bãi biển nào loại này ở Phú Quốc.

Ô nhiễm nguồn nước ngọt cũng là vấn đề đang được đặt ra ở đây. Nước ngọt được sử dụng ở đảo là nước giếng đào và giếng khoan nhưng tất cả các doanh nghiệp, nhà trọ, nhà hàng, khách sạn đều không có đường cống dẫn nước thải, tất cả đều chảy tự nhiên và ngấm xuống lòng đất. 

Tóm lại, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của một địa phương không phải là sự phóng tầm mắt theo trí tưởng tượng phóng túng của bất kỳ ai đó, mà cần bám sát vào thực trạng (cả tích cực và tiêu cực) của địa phương mình. Điều quan trọng là, bên cạnh những chỉ tiêu về kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cần phải coi bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa như là những tiêu chí quan trọng bậc nhất của phát triển bền vững.

 

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015

Tác giả : BÙI QUANG THẮNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *