Bàn về bản sắc dân tộc của văn hóa việt nam


 

Trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), Đảng ta đã xác định 3 nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam trong giai đoạn này là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa (1). Ngày 16-7-1998, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), Đảng ta tiếp tục khẳng định “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Các văn kiện Đại hội lần thứ IX, X và đặc biệt trong văn kiện Đại hội lần thứ XI (2011), đã nhiều lần nhấn mạnh đến nhiệm vụ “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”(2).

Trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, từ lúc chưa giành được chính quyền, đến khi nắm được chính quyền, thực hiện đổi mới, Đảng ta đều quan tâm đến nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc, đồng thời bản sắc dân tộc của văn hóa được đặt trong mối quan hệ biện chứng với các yếu tố kinh tế và chính trị, với tính khoa học và tính thời đại.

Tìm hiểu, nghiên cứu khái niệm “bản sắc dân tộc của văn hóa” hoặc khái niệm “bản sắc văn hóa dân tộc”(3) là một nhiệm vụ quan trọng, bởi vì chỉ khi hiểu rõ và nắm chắc nội hàm của khái niệm cùng những vấn đề liên quan, chúng ta mới có thể chủ động xây dựng được nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Muốn hoàn thành nhiệm vụ đó, rất cần đến sự tham gia nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau, đặc biệt là các nhà văn hóa học, sử học, triết học, chính trị học…

1. Khái niệm bản sắc dân tộc của văn hóa

Đến nay, đã có trên 400 định nghĩa khác nhau về văn hóa (4), còn khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc cũng có không ít cách tiếp cận, dẫn đến những cách hiểu khác nhau.

Tác giả Thái Bá Vân cho rằng: “Không có cá tính riêng của từng nghệ sĩ thì không có bản sắc dân tộc nói chung. Bản sắc dân tộc là cái gì mơ màng, trừu tượng hơn, chỉ ẩn náu phảng phất trên những cá tính riêng biệt của người nghệ sĩ, bản sắc dân tộc màng màng, lúc ẩn, lúc hiện trong suốt lịch sử của tâm hồn dân tộc”(5). Theo chúng tôi, trong nghệ thuật, không thể không nhấn mạnh đến cá tính riêng biệt của người nghệ sĩ vì cá tính đó thúc đẩy nghệ thuật phát triển và cũng là cách thể hiện quan điểm thẩm mỹ, tâm tư, tình cảm của con người trước thời cuộc. Nhưng sẽ là sai lầm nếu coi cá tính riêng biệt của tất cả các nghệ sĩ đều góp phần tạo nên bản sắc dân tộc: chỉ những cá tính nào của nghệ sĩ phản ánh đúng đắn, khách quan quá trình vận động, phát triển của xã hội, phù hợp với đạo lý, hướng tới chân – thiện – mỹ và được quần chúng đón nhận, vận dụng vào cuộc sống mới có thể đóng góp vào bản sắc dân tộc.

Theo tác giả Nguyên Ngọc, bản sắc dân tộc không phải là cái có sẵn, được trời cho, và cho một lần là xong luôn, cố định. Nó xuất hiện và tự khẳng định chính bằng hội nhập, biến đổi và phát triển do hội nhập. Bản sắc không phải là một vật cụ thể, mà là một kiểu cách ứng xử, lựa chọn đặc trưng của một cộng đồng trước những thách thức khác nhau. Bản sắc không chỉ bao gồm những gì là tích cực, tốt đẹp nhất, mà trong bản sắc cũng có thể có những mặt nhược điểm. Vậy không nhất thiết bao giờ cũng phải quyết khư khư giữ chặt bản sắc, thay đổi được bản sắc của mình cũng là một biểu hiện sức mạnh tinh thần của một cộng đồng, hay một con người (6).

Tác giả Hồ Bá Thâm định nghĩa: Bản sắc văn hóa dân tộc là một kiểu tổng hợp, kết hợp những phẩm chất, những giá trị văn hóa nội sinh và ngoại sinh tạo thành linh hồn, sức sống bền vững của dân tộc, có những nét ưu trội hơn một số dân tộc khác, mang tính ổn định trong quá trình lịch sử đấu tranh và xây dựng của dân tộc đó (7). Tác giả đã nhấn mạnh đến sự kết hợp các yếu tố nội sinh và ngoại sinh để tạo nên sức sống bền vững của một dân tộc. Tuy vậy, tác giả chưa phân tích rõ cơ chế của sự kết hợp những phẩm chất, giá trị văn hóa nội sinh và ngoại sinh để thấy rõ vị trí của từng yếu tố trong quá trình kết hợp. Mặt khác, tác giả nhấn mạnh đến “những nét ưu trội hơn một số dân tộc khác” dễ dẫn đến sự hiểu lầm về sự cao thấp trong bản sắc văn hóa dân tộc là mầm mống của chủ nghĩa sô vanh và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã từng xuất hiện một vài lần trong lịch sử.

Tác giả Thành Duy nhấn mạnh mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, không thể tách rời giữa lịch sử phát triển của dân tộc với lịch sử hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bản sắc văn hóa dân tộc bao gồm cả yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh, yếu tố dân tộc và yếu tố thời đại.

Theo tác giả Phan Ngọc: “Khái niệm bản sắc văn hóa đến nay vẫn được lý giải theo kiểu tinh thần luận. Cần phải có một cách lý giải thao tác luận mới có những biện pháp làm việc để duy trì, phát huy các mặt tốt; chống đối, ngăn cản các mặt xấu”(8).

Ông nhấn mạnh: bản sắc văn hóa không phải là một vật, mà là một kiểu quan hệ, nói đến bản sắc văn hóa Việt Nam là nói đến các mặt được duy trì qua lịch sử làm thành cái quý báu của nền văn hóa này, đồng thời ông cũng đưa ra một cách tiếp cận mới, dùng khái niệm độ khúc xạ làm chìa khóa mở cánh cửa bí ẩn để giải thích sự tiếp thu và biến đổi của văn hóa Việt Nam (9).

Có thể nói, Phan Ngọc là người mạnh dạn nêu lên những kiến giải mới về văn hóa, trong đó có nhiều điểm chúng tôi đồng tình, đặc biệt là ý kiến cho rằng “đến nay khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được lý giải theo kiểu tinh thần luận”, nghĩa là cách lý giải còn trừu tượng, chung chung, không cụ thể, phụ thuộc vào cảm tính chủ quan của từng người.

Lý thuyết về độ khúc xạ văn hóa của Phan Ngọc là một ý kiến mới, phản ánh sự biến đổi văn hóa trong quá trình xảy ra tiếp biến văn hóa. Nhưng cũng nên nhớ rằng: trong khoa học vật lý, khúc xạ là hiện tượng ánh sáng đi chệch hướng so với hướng của ánh sáng tới khi chuyển động qua những môi trường vật chất khác nhau, mà bản chất và năng lượng của nguồn sáng không thay đổi. Do đó, lý thuyết về độ khúc xạ văn hóa mới chỉ phản ánh được sự chệch hướng, chứ chưa đi sâu phân tích sự thay đổi về cấu trúc, nội dung… của bản sắc văn hóa khi có sự giao lưu giữa văn hóa bản địa với văn hóa ngoại lai để tạo ra một sự phát triển của văn hóa dân tộc trong một hoàn cảnh mới, điều kiện mới.

Trải qua nhiều năm nghiên cứu về văn hóa, tiếp thu kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, chúng tôi cho rằng: Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng thể hệ thống những nội dung căn bản, chủ yếu, tiêu biểu, đặc trưng nhất, cả văn hóa vật thể và phi vật thể của một dân tộc được kết tinh trong lịch sử; đó là quá trình con người thích nghi với điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh xã hội để lao động sản xuất, để tạo nên gia đình, làng xóm, quốc gia; là quá trình con người hun đúc, hình thành nên những kinh nghiệm, phẩm chất cao quý, là kết quả của sự hội tụ hài hòa giữa các yếu tố nội tại, khu vực, quốc tế với sự sáng tạo của một dân tộc từ quá khứ đến hiện tại; là một phạm trù lịch sử, luôn luôn vận động, biến đổi phù hợp với nhu cầu phát triển của các tộc người thuộc dân tộc đó và nhu cầu phát triển của thời đại.

          Khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện trong sơ đồ cấu trúc sau đây:

Trong cấu trúc đó, các yếu tố có quan hệ hữu cơ, khăng khít với nhau và mỗi một yếu tố có một vai trò, vị trí xác định trong toàn bộ cấu trúc. Nội tại là yếu tố bên trong, quan trọng nhất để tạo lập nên bản sắc văn hóa dân tộc. Yếu tố nội tại là cái có trước các yếu tố khu vực và quốc tế và là những hiện tượng, những quá trình, những hiểu biết, kinh nghiệm… gắn liền với quá trình hình thành dân tộc từ lúc sơ khai cho đến những bước tiến hóa, phát triển sau này, mà ở đó diễn ra quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc. Nhờ khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên để tồn tại và phát triển rồi sau đó là khả năng thích ứng với hoàn cảnh xã hội mà mỗi dân tộc đã xây dựng nên bản sắc độc đáo của mình, tạo thành những yếu tố căn cốt, hạt nhân, thuần túy. Chính vì vậy, nhìn trên quy mô toàn cầu ngày nay, người ta nhận thấy tự nhiên là muôn màu, muôn vẻ và bản sắc văn hóa dân tộc cũng đa dạng, muôn màu, muôn vẻ.

Yếu tố nội tại của một nền văn hóa dân tộc tuy rằng phát triển chậm chạp, nhưng nó luôn ổn định và bền vững vì chỉ cần một thay đổi nào đó về kinh nghiệm lao động sản xuất, hoặc một cảm nhận về thời gian, không gian cũng đòi hỏi một khoảng thời gian dài hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Như vậy, nội tại không phải là một yếu tố bất biến, mà nó cũng có thể tự biến đổi, tự phát triển theo dòng lịch sử. Cái nội tại của một nền văn hóa có thể là còn giản đơn, nhưng nó lại là cái căn bản, nền tảng để tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc. Nếu yếu tố nội tại không được xác lập, củng cố một cách vững vàng thì nền văn hóa của một dân tộc không có sức sống và dễ dàng bị đồng hóa.

Yếu tố dân tộc cũng cần phải được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng bao hàm nhiều cộng đồng dân cư khác nhau cùng chung sống trong một quốc gia, trong trường hợp này, bản sắc văn hóa dân tộc bao hàm cả những nét chung và nét đặc thù của các nhóm dân tộc thiểu số. Chính những nét đặc thù của các cộng đồng dân cư đã tạo nên sự phong phú, đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc của một quốc gia. Nghĩa hẹp để chỉ những tộc người khác nhau cùng nhau chung sống trong một quốc gia nhất định và trong bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi một tộc người bao gồm những nét đặc trưng của cộng đồng tộc người đó về văn hóa vật thể và phi vật thể, nhưng điều quan trọng nhất là mỗi thành viên trong cộng đồng tộc người đó phải luôn luôn ý thức được tộc người mình là một phần của quốc gia, có mối quan hệ khăng khít với các tộc người còn lại và mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước cường thịnh. Những cái riêng, cái đặc thù của mỗi tộc người không thể đối lập với cái chung. Ngược lại, nó là sự thể hiện một cách đa dạng, sinh động, phong phú, linh hoạt của cái chung. Ý thức về chủ quyền và trách nhiệm với quốc gia cùng với niềm tự hào về dân tộc mình, đất nước mình là tiêu chí quan trọng để bảo đảm sự thống nhất giữa các tộc người.

Yếu tố khu vực là một khái niệm tương đối, có thể hẹp như bán đảo Đông Dương, hoặc rộng lớn hơn như Đông Nam Á, châu Á, châu Á – Thái Bình Dương… Sự giao thoa văn hóa của những dân tộc gần nhau diễn ra trước hết vào thời đại đồ đá mới, và sau đó là ở thời đại đồ đồng. Sau đó, nhờ sự phát triển của những hiểu biết về thiên văn, địa lý và sự phát triển của giao thông đi lại mà quan hệ giữa các dân tộc ngày càng mở rộng. Chính vì sự gần gũi, tương đồng về tự nhiên và chủng tộc mà các cộng đồng dân tộc có thể trao đổi, bổ sung cho nhau trên nhiều lĩnh vực, tạo thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển và bản sắc văn hóa dân tộc cũng ngày càng phong phú, phức tạp hơn. Có thể nói rằng: yếu tố khu vực là lớp văn hóa thứ hai kết hợp với lớp văn hóa cốt lõi nội tại để hình thành nên những quốc gia dân tộc thời cổ – trung đại. Ngay tại thời kỳ này, sự kết hợp và giao thoa văn hóa đã bao gồm sự trao đổi, tiếp nhận, phát triển, lựa chọn, sàng lọc, loại trừ tùy theo thói quen, hoàn cảnh và quan niệm của mỗi cộng đồng dân tộc.

Khi nhân loại bước sang thời kỳ cận – hiện đại, nhờ có những phát minh khoa học xuất sắc trên các lĩnh vực, mà quan hệ giao lưu văn hóa giữa các dân tộc được mở rộng ra các châu lục trên phạm vi toàn cầu. Từ đó, yếu tố quốc tế ngày càng tham gia vào quá trình hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc. Những phương tiện có tốc độ cao như máy bay, tàu thủy… và những phương tiện thông tin, liên lạc ngày càng hiện đại, đã làm cho không gia dường như hẹp lại, thời gian như nhanh hơn và một người trên trái đất này có thể gặp gỡ, chia sẻ thông tin với bất kỳ ai một cách nhanh chóng, vượt qua sự ngăn cản của núi cao, sông dài, biển rộng. Chính nhờ đó, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc được diễn ra thường xuyên, với tần số cao, tốc độ nhanh, nội dung phức tạp. Cái yếu tố quốc tế đó là lớp văn hóa thứ ba, tham gia vào quá trình hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Theo tốc độ phát triển của công nghệ hiện đại của nền văn minh hậu công nghiệp mà chúng ta cảm thấy sự biến đổi văn hóa ở mọi dân tộc diễn ra nhanh chóng hơn. Dường như mỗi thành tựu của nhân loại ở bất cứ nơi nào trên trái đất, cũng lập tức được cư dân nhiều nước biết đến, truy cập, chia sẻ và học tập. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các quốc gia đều nhận ra một điều: muốn giao lưu quốc tế có hiệu quả, mỗi dân tộc cần phải có bản sắc văn hóa đậm đà. Nói cách khác: dân tộc nào có bản sắc văn hóa vững vàng thì dân tộc đó mới có thể tỏa sáng và thành công trên bước đường hội nhập. Bản sắc văn hóa dân tộc cần phải được giữ gìn, tô đậm, bảo vệ, đồng thời cũng được bổ sung thêm nhiều nhân tố mới đã được biến đổi, sáng tạo cho phù hợp với truyền thống dân tộc.

Trong cấu trúc của bản sắc văn hóa dân tộc, những yếu tố khu vực và quốc tế không phải chỉ kết hợp với yếu tố nội tại bằng phép cộng giản đơn những đặc trưng văn hóa ẩn chứa trong mỗi nền văn hóa, mà phải được cư dân bản địa sàng lọc, tiếp thu, biến đổi một cách sáng tạo cho phù hợp với truyền thống văn hóa của mình. Chỉ khi nào những yếu tố ngoại lai được bản địa hóa và nhân tố bên ngoài kết hợp hài hòa với nhân tố bên trong, tạo thành những đặc tính bền vững, ổn định ở một không gian văn hóa mới, thì lúc đó bản sắc văn hóa dân tộc được phát triển và mang theo những nhân tố mới. Sáng tạo và cái mới là đặc trưng không thể thiếu của bản sắc văn hóa dân tộc, đó là nguồn sống, động lực, thời cơ cho văn hóa phát triển.

2. Bước đầu định hình bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam

Đi vào xác định nội dung cụ thể của bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam là một việc làm rất khó khăn và phức tạp. Mặc dù vậy, đến nay chúng ta cũng có thể liệt kê được một vài quan niệm của các nhà nghiên cứu về bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam.

Trong đó tác giả Hồ Bá Thâm trình bày nội dung của bản sắc dân tộc văn hóa Việt Nam một cách cụ thể. Theo ông, bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam có những đặc trưng sau:

Thứ nhất, tính ưu trội là văn hóa nhân sinh, văn hóa chính trị đạo đức. Văn hóa cứu nước trội hơn văn hóa lao động sản xuất; văn hóa gia đình, dân tộc trội hơn văn hóa giai cấp; tình cảm trội hơn lý trí; cái cộng đồng trội hơn cái cá nhân; nước trội hơn nhà; nhu trội hơn cương.

Thứ hai, văn hóa Việt Nam là văn hóa tích hợp, mang tính chất mở là chính, nên có nhiều đạo như Nho, Phật, Lão, Ki tô ở phương Đông và phương Tây duy lý và tâm linh, có thể dung hòa để cùng phát triển.

Thứ ba, văn hóa Việt Nam là tổng hợp đa tầng văn hóa trong lịch sử, mà chủ yếu là sản phẩm của trình độ phát triển tiền tư bản: văn hóa của công xã, văn hóa của xã hội phong kiến, văn hóa của chế độ thuộc địa nửa phong kiến, văn hóa của chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư, văn hóa Việt Nam là nền văn hóa có sức sống quật cường, quật khởi từng vượt qua nhiều thử thách trong lịch sử (10).

Những cách tiếp cận về nội dung của bản sắc văn hóa Việt Nam của các tác giả là hết sức mạnh dạn và sáng tạo. Nhưng do tính phức hợp, đa nguyên, trừu tượng, mong manh, hư ảo của văn hóa và do sự biến động khôn lường của lịch sử, nên không thể tìm hiểu nội dung của bản sắc văn hóa Việt Nam theo cách thống kê, đơn tuyến, một chiều, dễ sa vào chung chung, thiếu bao quát những nét đặc trưng, không phản ánh hết được sự tác động qua lại nhiều chiều, nhiều cấp độ của văn hóa. Do đó, cần tiếp cận bản sắc văn hóa Việt Nam một cách đa chiều, theo cấu trúc phức hợp.

Theo chúng tôi, bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam là một tổng thể hệ thống những vấn đề liên quan đến phương thức lao động sản xuất, cách thức tổ chức xã hội, quá trình hình thành phong tục, tập quán, cùng những phẩm chất đạo đức tiêu biểu trong tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước để vừa khẳng định những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, vừa hòa nhập cùng với những tiến bộ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành là kết quả của quá trình đấu tranh giữa mới và cũ, bên trong và bên ngoài, tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn… Do đó, đã có người cho rằng: bản sắc văn hóa dân tộc không phải chỉ bao gồm những cái gì tốt, tích cực, mà trong đó cũng có cả những nhược điểm, hạn chế. Thực ra, trong bản sắc văn hóa của một dân tộc nào đó chỉ bao gồm những cái tốt, cái đẹp, tiến bộ, văn minh, đáng tự hào, còn những mặt hạn chế, yếu kém là đối tượng cần phải đấu tranh tiêu diệt để vươn tới những cái cao thượng, đẹp đẽ, nhân văn.

Nội hàm của bản sắc văn hóa Việt Nam được thể hiện trong sơ đồ cấu trúc sau đây:

Phương thức sản xuất là nội dung quan trọng để hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc. Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, lấy nghề trồng lúa nước là trọng tâm để tạo ra nguồn lương thực chính là hạt gạo trong mấy ngàn năm hình thành và phát triển. Tùy theo từng loại địa hình, khí hậu, giống lúa mà dân ta đã biết tạo ra các loại ruộng cao, thấp khác nhau. Nông nghiệp của chúng ta không dễ dàng đi lên sản xuất lớn như các nước Âu – Mỹ, mà đa số là loại hình tiểu nông sản xuất nhỏ thì mới phù hợp và hiệu quả. Trong sản xuất nông nghiệp, dân ta phải đa canh, gối vụ, trồng thêm các loại màu (ngô, khoai, sắn…), rau (su hào, bắp cải, rau dền, rau ngót, hành, tỏi…) để tăng thêm thu nhập. Trong sản xuất tiểu nông đó, có sự kết hợp đan xen với nghề đi rừng, đi biển tùy theo từng vùng.

Mặt khác, trong nông nghiệp không chỉ có trồng trọt, mà còn có chăn nuôi, làm vườn và một số nghề phụ như gốm, mộc, dệt vải, rèn sắt, xây dựng, đan lát… để hỗ trợ cho cuộc sống của người nông dân. Do sự biến đổi thất thường của thời tiết nên người dân Việt Nam có tài thích nghi, thích ứng với hoàn cảnh và qua đó mà trí thông minh, sự linh hoạt và cái tôi cũng phát triển.

Do phải đoàn kết để làm thủy lợi và chống ngoại xâm mà người Việt có cách tổ chức xã hội theo hệ thống: gia đình (dòng họ), làng, nước (tổ quốc). Đây là thiết chế xã hội giống như ở các nước phương Đông để tạo ra một loại hình tổ chức xã hội mềm dẻo, linh hoạt, vừa phát huy được vai trò cá nhân, vừa làm nên sức mạnh cộng đồng. Với người Việt Nam hiện nay, dù Kinh hay Thái, Mông hay Ba na… đều coi trọng gia đình – làng – nước, xem đó là những giá trị tinh thần thiêng liêng không thể tách rời.

Mặc dù đô thị nước ta ra đời sớm (thành Cổ Loa thời An Dương Vương), nhưng trong suốt quá trình phát triển, đô thị Việt Nam luôn mang nặng tính quân sự và hành chính, đó là trụ sở của bộ máy hành chính một vùng (Luy Lâu, Long Biên, Tống Bình, Đại La…) ngay cả Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An là những nơi có sự phát triển thương mại đến một chừng mực nhất định, nhưng cũng nhanh chóng bị suy tàn vì sức ép của bộ máy hành chính đương thời.

Trong phong tục tập quán của người Việt Nam truyền thống luôn luôn thể hiện rõ mối quan hệ hài hòa Thiên – Địa – Nhân. Trời cha, đất mẹ và con người là gạch nối giữa trờiđất. Con người luôn nương vào tự nhiên để lao động sản xuất, chống lại thiên tai địch họa, tự xem mình là một phần của tự nhiên, có mối liên hệ khăng khít với tự nhiên. Trời, đất không chỉ sinh ra con người, mà còn bảo vệ, nuôi sống, phù hộ độ trì cho cuộc sống của con người.

Khác với cư dân du mục phương Bắc, người Việt thích ở nhà sàn và nhà được làm từ đất (trình tường, vách đất), và các loại gỗ, tre, nứa, lá, rơm, rạ… Đó là những kiểu nhà thích hợp với vùng nhiệt đới, gió mùa, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Bữa ăn nặng về yếu tố thực vận và thủy hải sản: cơm – rau – cá. Mặc áo, váy bằng các loại sợi tự nhiên (bông, đay, gai, tơ tằm…), trên đó có nhiều hoa văn kỷ hà sặc sỡ. Thạo đi trên sông, trên biển bằng các loại bè, mảng, thúng, thuyền.

Trong môi trường tự nhiên khắc nghiệt, tổ tiên chúng ta đã xây dựng nên thế giới thần linh của riêng mình: đa thần giáo, thờ thần mặt trời, mặt trăng, núi, sông, biển, rừng, đá, cây, lúa, thành hoàng làng, thờ vua (Hùng Vương), thờ tổ tiên… Trong tâm tưởng người Việt chúng ta, cùng một lúc, có nhiều vị thần ngự trị. Con người luôn luôn cảm thấy nhỏ bé trước thiên nhiên, họ phải nhờ sự che chở, phù hộ của các thần linh để tạo ra niềm tin và sự yên bình trong cuộc sống đầy khó khăn, sóng gió. Từ tín ngưỡng đa thần nguyên thủy, mà ông cha ta đã có thể tiếp nhận các tôn giáo lớn của thế giới (Phật, Nho, Cơ đốc, Hồi giáo…) một cách không mấy khó khăn trên cơ sở đã biến đổi phát triển theo tình cảm, niềm tin, trí tuệ của mình.

Các tộc người ở Việt Nam hiện nay đều có những hình thức hoạt động xã hội và tâm linh liên quan đến nghi lễ nông nghiệp (trồng trọt, đi rừng, đánh cá…) để cầu mong sự sinh sôi, nảy nở cầu mong sự may mắn trong cuộc sống; đồng thời cũng có nhiều hoạt động liên quan đến nghi lễ vòng đời của con người từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, già lão và mất đi. Nghi lễ vòng đời của con người nhằm tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên, cha mẹ và cũng là sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình, làng xã một cách chặt chẽ, gắn bó hơn. Dù cách thể hiện của các nghi lễ, hội hè có khác nhau nhưng nó đều có cùng một cội nguồn văn minh nông nghiệp lúa nước, mà các dân tộc du mục không thể có.

Người Việt Nam luôn luôn thể hiện đức tính cần cù trong lao động, dũng cảm trong bảo vệ tổ quốc, sống tiết kiệm, ứng xử khiêm nhường, mưu trí, sáng tạo. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đề cao nhân nghĩa, trọng tình cảm, trọng danh dự, trọng tuổi tác và trọng hiền tài.

       Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam là cái tương đối ổn định, nhưng không phải bất biến, mà thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử. Càng gần đây thì tốc độ biến đổi của nó dường như nhanh hơn. Trong bản sắc đó không phải chỉ có những đặc trưng văn hóa của người Kinh mà là sự hội tụ, sự kết tinh đặc trưng văn hóa của 54 dân tộc anh em chung sống trên đất nước Việt Nam. Mặc dù mỗi dân tộc có những nét riêng, nhưng nó lại được thống nhất về mặt nhận thức, tư tưởng và ý thức thống nhất trong đa dạng đó là nguồn sống, là động lực mạnh mẽ để bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam tồn tại và phát huy trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Cần phải nhớ rằng, bản sắc dân tộc được hình thành trong tiến trình lịch sử nhân loại, do sự đóng góp của nhiều thế hệ, vì vậy mà một cá nhân không thể đại diện cho một dân tộc, một truyền thống không thể đại diện cho mọi truyền thống và để giữ gìn được bản sắc dân tộc, chúng ta cần phải ủng hộ, tôn vinh những cái tốt đẹp, tiến bộ và đấu tranh chống lại những cái xấu, lạc hậu, không phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn.

_______________

1. Nhiều tác giả, 50 năm đề cương về văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995.

2. Đảng CSVN, Văn kiện đại hội Đảng XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. Khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc và khái niệm bản sắc dân tộc của văn hóa là hai cách gọi khác nhau của cùng một nội dung khoa học.

4. Phạm Ngọc Trung, Lý luận văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.

5, 6, 8, 9. Nhiều tác giả, Văn hóa thời hội nhập, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2006.

7, 10. Hồ Bá Thâm, Bản sắc văn hóa dân tộc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 357, tháng 3-2014

Tác giả : Phạm Ngọc Trung

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *