Nhân vật tha hương trong sáng tác của các nhà văn nữ xa xứ

I.D.Paxost đã từng nhận định: “Có thể bứt con người lìa khỏi quê hương nhưng không thể bứt quê hương ra khỏi con người”. Đó cũng là những cảm nhận từ trong máu thịt của những nhà văn xa xứ. Có lẽ vì thế mà nhân vật xa xứ với mặc cảm thiếu quê hương rất riêng biệt này đã trở thành đặc trưng, ưu thế và cũng là thành công nổi bật trong sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam xa xứ như Thuận (Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, Vân Vy, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư, Thang máy Sài Gòn), Lê Ngọc Mai (Tìm trong nỗi nhớ, Trên đỉnh dốc), Lê Minh Hà (Gió tự thời khuất mặt, Phố vẫn gió), Đoàn Minh Phượng (Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau)…

Khảo sát trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ xa xứ, nhân vật tha hương luôn chiếm số lượng đông đảo nhất. Mỗi tiểu thuyết là một tiểu tự sự của những con người tha hương, cô đơn, lạc lõng, nằm ở vùng ngoại biên của mọi không gian, nhiều quốc tịch nhưng “vô tổ quốc”. Họ đều từ “thế giới thứ ba” bước vào “thế giới thứ nhất” với biết bao hồ hởi, đam mê, khát vọng khám phá và đầy ắp mộng tưởng xây đắp tương lai. Nhưng từ những bước đường đời khác nhau, họ đều chịu chung một thân phận: lựa chọn tha hương đã đẩy họ lâm vào tình cảnh bị bứng gốc khỏi môi trường văn hóa quen thuộc nhưng chỉ có thể bám bên lề của một nền văn hóa xa lạ. Không thể trở về nơi chốn cũ, họ chìm trong cô đơn, lạc lõng trên xứ người.

Lấy bối cảnh thời gian nửa cuối TK XX, các nhân vật trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ xa xứ háo hức lên đường đến Nga, Pháp để tìm đường cho hai chữ “tương lai”. Họ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp lộng lẫy của những kinh đô ngập tràn ánh sáng. Tương lai của họ là những giảng đường mênh mông và thư viện bạt ngàn sách, là những tấm bằng đỏ ở Nga, cao học ở Pháp; là đám cưới Pháp – Việt, thiếp mời song ngữ, một bên in hình chùa Một Cột, một bên in hình tháp Eiffel… Đó là ước mơ về một tương lai với công danh rộng mở, hạnh phúc ấm êm, tròn đầy viên mãn. Nhưng những hình dung về tương lai choáng ngợp ánh sáng ấy nhanh chóng qua đi khi con người phải đối diện với hiện thực cuộc sống trên đất khách. Những chuyến bay xé không khí vút về Tây ấy đã trở thành nơi bắt đầu của những bi kịch sẽ đeo bám họ trong suốt phần đời còn lại.

Bi kịch đầu tiên đối với con người xa xứ chính là bi kịch bị “bứng gốc” và mặc cảm thiếu quê hương. Lựa chọn tha hương không đơn thuần là việc nhân vật xách va li đi và hẹn ngày trở lại. Bởi sau nhiều năm xa xứ, nhân vật thực sự thấm thía rằng: “Chúng tôi ra đi, để lại sau lưng mình quê hương mà sau này đối với nhiều người mãi mãi sẽ chỉ còn là một chốn để thương để nhớ” (1). Lựa chọn tha hương khiến họ mãi sống trong nỗi nhớ nhung cháy bỏng, luôn thường trực cảm xúc thèm khát, ghen tỵ với một hạnh phúc bình yên khi nhà và quê hương được là một.

Tha hương đối với người xa xứ thực chất là sự cắt lìa khỏi đất mẹ – nơi họ từng cắt rốn chôn rau, cắt lìa khỏi tiếng mẹ đẻ – thứ tiếng nói đã nuôi dưỡng tâm tình họ từ thuở chưa lọt lòng mẹ, cắt lìa họ với toàn bộ phần đời trước đó mà họ đã từng gắn bó, cố kết. Ở vùng trời mới, thứ ngôn ngữ ấy chẳng được dùng để nói cùng ai. Vì thế, cho dù họ có vài quốc tịch, nói được vài thứ tiếng, vài tấm hộ chiếu… nhưng tất cả chỉ là thứ để định danh con người, một thứ giấy thông hành xác định nơi đến nơi đi chứ không xác định nổi quê hương xứ sở thực sự của mình.

Khảo sát sự xuất hiện của những từ ngữ chỉ sắc thái, cung bậc của nỗi nhớ, nỗi buồn và sự cô đơn của các nhân vật, có thể thấy, chúng luôn xuất hiện với tần số lớn, nhiều nhất là trong tiểu thuyết của Lê Minh Hà, Lê Ngọc Mai, Đoàn Minh Phượng và ít hơn ở tiểu thuyết của Thuận: tần số xuất hiện của những từ chỉ nỗi nhớ/nỗi buồn/nỗi cô đơn là gió 146/93/53 (Gió tự thời khuất mặt); 113/87/31 (Mưa ở kiếp sau); 110/98/36 (Và khi tro bụi); 95/49/25 (Tìm trong nỗi nhớ); 44/23/4 (Chinatown); 61/5/15 (T mất tích). Cần phải nói thêm rằng, không thể lấy sự chênh lệch trong tần số xuất hiện của các yếu tố trên để khẳng định tiểu thuyết của Thuận ít thể hiện nỗi nhớ, nỗi buồn hay sự cô đơn như những nhà văn khác. Ở đây, sự khác biệt đến từ chủ ý trong lối viết. Nếu như Lê Minh Hà, Lê Ngọc Mai và Đoàn Minh Phượng đã chọn lối biểu đạt trực tiếp thì Thuận lại chọn một lối viết khác là “dùng nghịch lý để kể về những nghịch lý” – là cách “kể một câu chuyện cực kỳ tình cảm bằng một thái độ hoàn toàn vô tình” như chính nhà văn chia sẻ.

Cô đơn trên đất khách, con người xa xứ thèm được nghe, được nói thứ tiếng mẹ đẻ của mình. Ôm trọn niềm hoài cổ, họ lo sợ trên đất khách thứ tài sản duy nhất của quê hương mà họ mang theo được (tiếng Việt) sẽ bị mai một dần. Vì thế, họ tìm mọi cách để truyền giữ tiếng Việt. Quá trình dạy tiếng Việt của người mẹ đối với cậu con trai trong Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư được kể lại rằng: “từ lúc vừa học nói và cho đến tận sau này, khi đã đọc thông viết thạo tiếng Việt, hắn vẫn bị bố mẹ hắn, những người Bắc di cư hoài cổ và nghiêm khắc, hàng ngày 4 lần cầm roi đe nẹt để giữ gìn âm sắc của vùng đất chôn rau cắt rốn mà họ từng phải xa rời cách đây nửa thế kỷ” (2). Đối với họ, việc giữ gìn ấy quan trọng và thiêng liêng như giữ gìn cội nguồn. Tiếng Việt không chỉ là nỗi nhớ, niềm thương mà còn là đường dây gắn kết họ với quê hương xứ sở, hứa hẹn với họ ngày trở về.

Cùng chia sẻ tình yêu, nỗi niềm thương nhớ với tiếng mẹ đẻ của mình, cụ già trong Thang máy Sài Gòn đã vô cùng hạnh phúc khi nghe được ở đầu dây bên kia tiếng nói của một người gọi nhầm số. Chẳng cần biết tên họ là gì, họ thao thao bất tuyệt cả tiếng đồng hồ chỉ để thỏa nỗi lòng được nghe tiếng nói đồng hương. Đặc biệt, khi đã gần đất xa trời, họ thực sự thấm thía rằng: “càng già càng nhớ cố hương, càng phát khổ phát sở vì các kỷ niệm” (3). Trên xứ người, tiếng nói đồng hương đã trở thành điểm tựa mang lại hơi ấm, là điểm tựa tinh thần giúp những con người đang trôi dạt thấy ấm lòng như tìm được nơi bấu víu xoa dịu đi sự lạc lõng, chênh vênh.

Không chỉ khao khát một tiếng nói, người xa xứ còn nhớ đến nao lòng phong vị ngày tết quê hương. Họ cố gắng lục tìm những chiếc bánh chưng xanh, những “thịt mỡ dưa hành” ngày tết nhưng “gọi là Việt Nam chứ ta chẳng ra ta, Tàu chẳng ra Tàu. Món nào cũng có, món nào cũng hơi giông giống, nhưng chẳng món nào đúng hẳn, ăn cứ như ăn của giả. Ngày tết ăn như thế càng thêm nhớ nhà” (4). Bởi thế, nỗi nhớ cố hương không những không vơi bớt đi mà ngược lại, càng thêm da diết, thấm thía.

Thiếu quê hương, người con xa xứ mong mỏi được trở về nhưng mấy khi mong ước ấy được toại nguyện. Bởi có những người chỉ có ngày đi, không có ngày về (T trong T mất tích không có đủ tiền cho một cuộc hành trình về thăm quê cũ nên phải tự kết án “biến mất” như một cuộc trốn chạy nỗi cô độc nơi xứ người; cuộc sống lay lắt nơi xứ người đã khiến Liên trong Paris 11 tháng 8 thèm khát được trở về quê hương nhưng khoản trợ cấp thất nghiệp chỉ đủ để cô duy trì sự tồn tại vì thế trong giấc mơ, cô mơ thấy mình được trở về quê hương trong chiếc quan tài). May mắn lắm đối với Lan Chi trong Tìm trong nỗi nhớ được một lần trở về quê hương sau mười một năm dòng xa cách nhưng đó không phải là một chuyến viếng thăm cho thỏa lòng nỗi nhớ mà là về để chịu tang cha. Đó cũng là tình cảnh chung của không ít nhân vật trong Paris 11 tháng 8, Vân Vy, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư, Tìm trong nỗi nhớ

Khao khát trở về nhưng dù có trở về, mặc cảm thiếu quê hương vẫn không hề vơi nhẹ. Cuộc trở về ấy đã trở thành quá muộn bởi qua thời gian quê hương đã mất đi chỗ đứng trong hiện tại nên nó không còn đủ sức để khỏa lấp đi nỗi nhớ. Năm tháng qua đi, “mọi thứ đã thay đổi quá nhiều… cuộc đời cô đã tách rời khỏi số phận của quê hương, cô đã phần nào trở thành người lạ” (5). Vì thế, đối với người lữ khách tha hương, nỗi sầu nhớ càng trở nên thấm thía hơn trong máu thịt.

Thời gian, khoảng cách cũng làm cho con người trở nên xa cách. Từ góc nhìn nơi cố quốc, cuộc sống tha hương luôn đủ đầy, viên mãn như một thiên đường. Vì thế, trong Chinatown, bố mẹ tôi bằng mọi cách (khóc lóc, hờn dỗi, tuyệt thực), bắt tôi quên đi tình yêu đầu đời để sang Nga rồi lại sang Pháp tìm kiếm hai chữ tương lai. Trong Vân Vy, gia đình, bạn bè Vy vẫn hướng về Paris như gửi gắm khát vọng đổi đời nên họ khôn nguôi hy vọng tìm được “đường tắt” sang Pháp.Trong Paris 11 tháng 8, anh chị Liên gửi em sang Paris với niềm tin mãnh liệt rằng đứa em gái của mình sẽ sớm lấy được ông chồng Tây. Bố mẹ Thu Uyên trong Tìm trong nỗi nhớ luôn nhìn nước Đức như một kho báu của Ali Baba và túi tiền của vợ chồng cô là nồi cơm Thạch Sanh ăn vơi lại đầy nên khi nào cũng yêu cầu vợ chồng cô phải đều đặn gửi tiền về.

Nơi quê nhà, có ai thấu nỗi cô đơn vò xé tâm can họ nơi viễn xứ? Kiếp tha hương, họ phải vật lộn với cuộc sống nhưng không được thừa nhận. Họ phải giam mình trong những toa tàu điện ngầm chất chứa những thảm họa khôn lường; xô đẩy, chen lấn nhau để may mắn được vào ở trong những ngôi nhà bỏ hoang chờ ngày hóa kiếp. Nơi quê nhà, bố mẹ “tôi” trong Chinatown có thấu cảnh “tôi” ngày lang thang, dật dờ như một cái bóng, đêm về vật lộn với những ám ảnh, day dứt về mối tình dang dở trong những cơn mê sảng triền miên? Anh chị Liên ở nhà, thức ăn đầy ứ tủ lạnh liệu có thấu cảnh em gái tỉnh cũng như mơ, chỉ thèm một bát phở Hà Nội? Bố mẹ Thu Uyên có biết được đứa con gái tha hương của mình chỉ còn biết khóc trong quặn thắt đớn đau mỗi khi nhận được thư nhà để rồi cuối cùng, quá bế tắc, cô trốn mình trong một thứ đạo đa thần… Sự xa cách đã làm cho sợi dây gắn kết kẻ xa xứ với quê hương vốn đã mong manh lại càng mong manh hơn. Những lá thư nhà đối với Thu Uyên luôn là nơi chuyên chở những lời mắng nhiếc, đay nghiến, ám chỉ bóng gió về kẻ bội bạc, ích kỷ. Điều đó càng khắc sâu hơn bi kịch tinh thần mà đứa con tha hương phải gánh chịu. Bởi vậy mà từ những trải nghiệm thấm thía, người lữ khách đã khẳng định: “Cảm giác bất lực trước nỗi khổ của người thân, mặc cảm do hàng trăm ngàn cây số cách xa mà mình đã biến thành người ngoại cuộc, nỗi đau đớn khi ngay cả những người ruột thịt nhất cũng không hiểu và oán giận mình… hình như chẳng phải của riêng ai nữa đâu, nó đã là một phần của cuộc sống tha hương” (6).

Không chỉ thiếu quê hương, nhân vật còn lâm vào tình cảnh mất quê hương. Đúng như Đoàn Minh Phượng đã từng nói: Trẻ con vừa biết thở đã thở lấy quê hương vào người. Bởi thế, xa quê hương, nhân vật như “đoạn tuyệt” với hơi thở, “đoạn tuyệt” với sự sống của cuộc đời mình. An Mi trong Và khi tro bụi đã ra đi trong một hoàn cảnh trớ trêu: bị thương trong chiến tranh khi còn rất nhỏ, cô được đưa ra nước ngoài chữa trị; khi đã qua khỏi, cô không còn con đường trở về; ký ức mong manh của một đứa trẻ trước một cú sốc tinh thần quá lớn khiến cô không còn nhớ được gì về nguồn cội. Tất cả trong cô đã bị tẩy trắng hoàn toàn. Mất quê hương, cô không còn chỗ bấu víu. Cô thấy toàn bộ cuộc đời cô lúc nào cũng chông chênh, chao đảo. Cuối cùng, cô quyết định tìm đến cái chết để chấm dứt cuộc đời đầy đau khổ khi không thể viết thêm gì về cuộc đời của mình ngoài dòng chữ: “Tôi là một đứa trẻ mồ côi đến từ đất nước chiến tranh” (7).

Tình trạng bị “bứng gốc” và cắt lìa khỏi quê hương tự nó đã chứa đựng bi kịch. Đó là bi kịch của con người xa xứ luôn thấy mình như những sinh thể bé nhỏ gắn bó keo sơn với cuộc sống dân tộc nhưng lại chẳng thuộc về. Bi kịch ấy còn nhân lên khi nhân vật phải đối diện với một chân trời hoàn toàn xa lạ. Thứ xa lạ ấy dai dẳng, ám ảnh, thường trực đeo bám họ và qua thời gian, hố sâu ngăn cách càng trở nên sâu hơn, rộng hơn. Bởi những vấn đề đến từ “thế giới thứ ba” (nhập cư, ngoại ô, việc làm…) chưa bao giờ được đặt ra đối với người bản xứ. Nhà văn Thuận đã mượn lời phát ngôn của một chuyên gia rằng: “Trời đất ơi, Céline là nhà văn Pháp duy nhất động tới ngoại ô Paris. Với người Pháp, vấn đề ngoại ô không được đặt ra”(8). Từ tha hương, họ bị đẩy đến vùng ngoại biên, bên lề của mọi nền văn hóa. Họ đã trở thành những thân phận không được nhớ đến, bị “rơi chìm” trong vùng quên lãng, khoác lên mình bi kịch mang tên vong thân, lạc loài.

Những hố sâu ngăn cách ấy đã làm cho những con người xa xứ thường bị nhìn với một thái độ dè bỉu, xem thường, bị phủ nhận và chối từ nhập cuộc. Trong T mất tích, người ta không gọi T bằng tên riêng. Người ta gọi T là “đồ đĩ điếm” bởi với dân Bắc Phi, bất cứ ai lấy chồng da trắng đều là đồ đĩ điếm. Đến đây, những ước mơ về đám cưới Pháp – Việt, khát vọng lấy chồng Tây đều bị hiện thực ấy phủ lên sắc màu u ám. Bi kịch lạc loài được đẩy lên cực điểm khi con người xa xứ luôn bị hình dung như những sinh vật xấu xí và bẩn thỉu. Tên gọi – cái định danh con người họ cũng không còn giữ được bởi trên đất khách nó đã bị ký hiệu hóa (N, M,…), hoặc bị vật hóa thành sư tử, mèo hoang, hà mã… Bằng những trải nghiệm thấm thía, bằng sự tinh tế, nhạy cảm của người đàn bà cầm bút, các nhà văn nữ đã xây dựng thành công kiểu nhân vật tha hương, cô đơn, sầu xứ. Kiểu nhân vật này được khơi nguồn từ chính thân phận xa xứ cùng nỗi niềm thương nhớ của các nhà văn, góp phần vẽ lên bức tranh chân thực về cuộc sống, sự nghiệp, công cuộc mưu sinh, tình yêu và hiện trạng sống của những con người xa xứ. Đó không chỉ là niềm thương, nỗi nhớ mà còn là sự cô đơn, vong thân, lạc loài của con người khi bị “bứng gốc” ra khỏi cái nôi văn hóa quen thuộc.

Trong tương quan so sánh với các tác giả trong nước, nỗi niềm cô đơn, sầu xứ luôn thường trực và da diết hơn trong sáng tác của các nhà văn xa xứ. Trải nghiệm thực tế đã mang lại cho các nhà văn xa xứ một chất liệu sáng tác rất riêng mà các nhà văn trong nước – những người sống và sáng tác trên quê hương không thể nào chạm đến được. Ta có thể gặp những con người ấy, những tâm cảm ấy trong sáng tác của các nhà văn nam và nữ xa xứ (Quyên của Nguyễn Văn Thọ; Sâm cầm, Đi hết đường mưa của Phạm Hải Anh; Xuân viễn xứ của Mạc Phương Đình; Tết Cali của Lê Quang Sinh…). Tuy nhiên, đúng như Mai Anh Tuấn nhận xét: “Chất diệp lục của hoài niệm, cái có thể hấp thụ hoặc phân biệt năng lượng tha nhân tốt hơn, thường thuộc về các nhà văn nữ” (9). Bởi thế, hình tượng nhân vật tha hương, bi kịch là sự phản ánh những tình cảm hết sức chân thành, mãnh liệt trong thế giới xúc cảm của những nhà văn nữ xa xứ.

____________

1, 4, 5, 6. Lê Ngọc Mai, Tìm trong nỗi nhớ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004.

2. Thuận, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư, Nxb Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2015.

3. Thuận, Thang máy Sài Gòn, Nxb Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2013.

7. Đoàn Minh Phượng, Và khi tro bụi, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2006.

8. Thuận, T mất tích, Nxb Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2006.

9. Mai Anh Tuấn, Về một dấu chỉ văn xuôi hải ngoại: hoài niệm, vietvan.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018

Tác giả : VŨ THỊ HẠNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *