Thế giới nhân vật trong truyện ngắn nữ đương đại

Trong suốt chiều dài lịch sử văn học dân tộc, người phụ nữ đã trở thành đối tượng phản ánh mang tính truyền thống. Xét riêng trong lĩnh vực văn xuôi, từ văn học dân gian (cổ tích, thần thoại, truyền thuyết…), đến văn học trung đại (truyền kỳ), rồi thời kỳ hiện đại (giai đoạn 1930 – 1945, 1945 – 1975), hình tượng người phụ nữ đa số là biểu tượng của chân, thiện,mỹ, phản ánh những tư tưởng chủ đạo của một thời kỳ, giai đoạn, trào lưu văn học. Từ sau năm 1975, đặc biệt từ thời đổi mới, người phụ nữ đã trở thành hình tượng trung tâm của văn xuôi đương đại, nhưng được thể hiện dưới một cái nhìn mới, ký thác những quan niệm mới của nhà văn về con người. Trên những trang văn của các tác giả nữ, hình tượng người phụ nữ nhận được sự cộng hưởng đáng kể từ chính chủ thể sáng tạo đồng giới với mình, càng trở nên sinh động, chân thực hơn bao giờ hết. Họ vừa mang những nét đẹp, phẩm chất truyền thống, vừa có những đặc điểm giải quy phạm, giải truyền thống, thực sự là những khách thể thẩm mỹ phức tạp, bí ẩn, cần được khám phá.

Hình tượng người phụ nữ

Người phụ nữ với vẻ đẹp thiên tính, thiên chức

Thiên tính của người phụ nữ được bộc lộ rõ nét nhất khi gắn với thiên chức là người vợ, người mẹ trong gia đình, là người giữ lửa, duy trì sự sống. Trong các sáng tác của các nhà văn nữ, do được đặt trong những môi trường gần gũi, thân thuộc nên những vẻ đẹp thiên tính, thiên chức ấy đã có điều kiện phát lộ mạnh mẽ.

Khắc họa hình ảnh người đàn bà trong tình yêu, Vi Thùy Linh đã viết trong Điều anh không biết:

Em đã gửi anh những bài thơ của em

Ở đó, người đàn ông được tôn vinh trong hạnh phúc

Ở đó, người đàn bà luôn hiến dâng và chờ đợi

Dâng hiến, chờ đợi cũng là tâm thế thường trực của những người phụ nữ khi yêu trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. Tâm thế này cũng được bắt gặp trong Con sóng Đồng Tháp Mười của Nguyễn Thị Phước, Ký ức, Cát đợi của Nguyễn Thị Thu Huệ, Trăng đàn bà của Tống Ngọc Hân… Với việc khắc họa những nhân vật người con gái dám sống hết mình cho tình yêu, các nhà văn nữ muốn tô đậm một thiên chức của phái mình: là người hóa giải sự thù hận, đánh thức những tình cảm tốt đẹp trong tâm tính mỗi con người, bằng tình yêu, thiên tính nữ bất diệt.

Trong cuộc sống gia đình, thiên chức của người phụ nữ qua con mắt của người cùng giới hiện lên đầy đủ, vẹn toàn: một người chị tảo tần sớm khuya, hy sinh hết ước mơ tuổi trẻ của mình để thay bố mẹ nuôi nấng các em ăn học (Hạnh của Nguyễn Minh Dậu), một người vợ đảm đang, tháo vát, khéo đối nhân xử thế, chu toàn mọi việc trong cuộc sống hôn nhân, gia đình, sẵn sàng vì hạnh phúc lâu dài của người chồng mà đẩy người chồng đến với một người phụ nữ khác (Duyên phận của Quỳnh Vân)… Có thể thấy nhân vật người mẹ, người bà chiếm một tỷ lệ lớn trong sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. “Đối với văn học nữ, người mẹ không chỉ là đối tượng sáng tác, mà còn là cách thức để nhà văn nữ tư duy, cảm nghiệm cuộc sống, nhận thức về bản thân” (1). Dường như là mẫu số chung, hình tượng người mẹ luôn là hiện thân cho những gì cao cả, vĩ đại nhất của tình người: lòng nhân hậu, bao dung, sự hy sinh thầm lặng mà khốc liệt, tình yêu con mãnh liệt, bền bỉ… Đó vừa là sự hội tụ những phẩm chất làm nên một hình tượng mẫu mực về người phụ nữ Việt Nam truyền thống, vừa là những phận người chịu nhiều thua thiệt trong cuộc đời.

Ca ngợi vẻ đẹp thiên tính, thiên chức của người phụ nữ là cách thức để các nhà văn nữ thể hiện ý thức về phái tính, khẳng định vai trò to lớn của giới nữ trong cuộc đời.

Người phụ nữ với sự phá vỡ mẫu hình truyền thống

Theo quan niệm truyền thống, người phụ nữ với đức hy sinh cao cả của mình luôn phải biết quên đi những riêng tư để sống vì người khác, cho người khác, chăm lo vun vén cho hạnh phúc gia đình mình. Trong cuộc sống, họ thường ở thế bị động, bị ràng buộc, chi phối bởi nhiều khuôn khổ đạo đức mặc định đã có từ ngàn đời. Nhưng đến thời kỳ đương đại của văn học dân tộc, từ sau năm 1986, khi ý thức cá nhân lên ngôi, cách nhìn, cách phản ánh về người phụ nữ đã thay đổi. Mẫu hình người phụ nữ mới, hiện đại được kiến tạo trong những trang viết nữ nhiều khi đã tạo nên một sự giải quy phạm, giải truyền thống đối với người phụ nữ Việt Nam.

Không còn thụ động trước số phận cũng như trong đời sống tình cảm, nhân vật những cô gái trẻ trong truyện ngắn nữ tỏ ra khá chủ động trong việc tìm kiếm, thể hiện tình yêu của mình. Điều này thể hiện trong Biển ấm của Nguyễn Thị Thu Huệ, Nhà trọ của Nguyễn Thị Châu Giang, Si tình của Phan Thị Vàng Anh. Với sự chủ động trong đời sống tình cảm, các nhân vật nữ đã không còn giấu giếm con người thật của mình mà công khai phơi bày những cảm xúc thực, cái tôi cá tính; được sống, dám sống hết mình cho tình yêu mới là thước đo giá trị của sự tồn tại.

Ngoài ra, trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, ta bắt gặp thường xuyên môtip người phụ nữ ngoại tình. Đó là Một nửa cuộc đời của Nguyễn Thị Thu Huệ, Nhân tình của Y Ban, Cánh cửa thứ chín của Trần Thùy Mai, Cơn mưa cuối mùa của Lê Minh Khuê… Nguyên nhân của hiện tượng đó được lý giải khá giống nhau trong các câu chuyện: do sự nhàm chán trong cuộc sống vợ chồng, sự quẩn quanh đơn điệu buồn tẻ khi thực hiện chức phận với gia đình của người phụ nữ. Mạnh mẽ, gai góc hơn nữa, nhiều nhân vật nữ dường như còn phớt lờ, khiêu chiến với những chuẩn mực về công, dung, ngôn, hạnh, kiên quyết đấu tranh với định kiến xã hội để được sống thật là chính mình trong Kiêm ái, Chín bỏ làm mười của Phạm Thị Hoài, Vu quy của Đỗ Hoàng Diệu… Đề cao những nhu cầu bản năng, khát khao trần thế, thể hiện tự do cá nhân, các nhân vật nữ đã phơi bày một cái tôi tự nhiên với tầng sâu bản thể. Như một cách phản ứng với những khuôn khổ đạo đức nặng nề đã áp vào người phụ nữ hàng nghìn năm nay, cách sống phóng khoáng của các nhân vật nữ đó đòi hỏi một cái nhìn bao dung, chia sẻ, nhân bản, xuất phát từ việc đề cao tất cả những gì thuộc về con người.

Trong việc kiến tạo hình tượng người phụ nữ hiện đại, thái độ, cách ứng xử với vấn đề tình dục của các nhân vật nữ là yếu tố cách tân nhất. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đã chung nhận định rằng: người phụ nữ trong truyện ngắn nữ thời kỳ đổi mới (cũng là trong văn học đổi mới nói chung) đã tự cởi trói về tình dục. Họ sẵn sàng chủ động, bày tỏ sự ham muốn, thậm chí kiếm tìm tình dục. Cô gái trong Vu quy của Đỗ Hoàng Diệu đã liên tục trải qua những mối tình với những cuộc truy tìm tình yêu, hạnh phúc. Với cô, một tình yêu trọn vẹn phải gắn với một cuộc sống tình dục khiến cô thỏa mãn, được chủ động. Với lối viết thẳng thắn, mạnh bạo, đầy cá tính về vấn đề này, Đỗ Hoàng Diệu được Nguyễn Thị Bình đánh giá là chưa ai khắc họa niềm đam mê ái dục bằng nhãn quan phụ nữ ấn tượng như thế. Không chỉ bộc lộ những khao khát được yêu thương, được thụ hưởng thân xác, các nhân vật nữ trong truyện ngắn nữ đương đại còn coi tình dục như một thói quen tự nhiên, một nhu cầu chính đáng của con người. Tấn công vào vấn đề tình dục, các nhà văn nữ Việt Nam đã mặc nhiên khẳng định sự bình đẳng giới trong cách ứng xử với một phần cuộc sống thuộc về bản năng của con người.

Kiến tạo nên những nhân vật phụ nữ hiện đại với sự thức tỉnh ý thức, khát vọng cá nhân ở tầng sâu bản thể, khẳng định giá trị sống của mình là một cách để các nhà văn nữ đối thoại lại với những quan niệm cũ về mẫu hình nữ giới xưa vốn bị đóng khung bằng tam tòng, tứ đức. Người phụ nữ với sự phá vỡ mẫu hình truyền thống đã thể hiện sự tự ý thức sâu sắc về vị thế bình đẳng của giới mình.

Hình tượng người phụ nữ trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại thực sự là những khách thể thẩm mỹ đầy phức tạp, bí ẩn, vừa tỏa sáng vẻ đẹp thiên tính, thiên chức, vừa trỗi dậy ý thức cá nhân, cá tính, nhiều khi cưỡng lại cả thiên chức để đạt sự tự do, tự chủ về thể xác, tinh thần. Xét về tính chất, hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của nam giới thường mang tính hình tượng, biểu tượng, còn nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà văn nữ thường mang tính hình tượng, bộc lộ. Hình tượng người phụ nữ trên những trang văn nữ đã thể hiện một nét tâm lý đặc trưng của giới nữ khi cầm bút, đó là sự hướng nội, luôn mong muốn đi tìm sự đồng cảm. Viết sâu sắc, thấu triệt về cái tôi đàn bà phức tạp, đa đoan, đa sự chính là hành trình tìm lại bản ngã của những người phụ nữ viết văn, với một ý thức tự giác về phái tính của mình.                             

Một nửa còn lại của thế giới

Các nhà văn nữ Việt Nam đương đại bằng cái nhìn của người trong cuộc, đã đem lại những trải nghiệm, hiểu biết sâu sắc, mới mẻ về người phụ nữ. Nhưng như thế chưa đủ để hoàn thiện thế giới nhân vật trong sáng tác của họ. Một nửa còn lại của thế giới, những người đàn ông, đã được khám phá song hành cùng với người phụ nữ. Qua nhãn quan của nữ giới, hình tượng người đàn ông hiện lên khá đa diện, vừa là chỗ dựa đầy tin yêu của phái nữ, nhưng mặt khác cũng là những nguyên nhân gây ra nỗi đau khổ, bất hạnh cho họ; vừa mạnh mẽ, tài giỏi, lại chất chứa những nỗi đau của sự cô đơn, bi kịch. Mang nhiều khuôn mặt, nhưng nhìn chung nhân vật người đàn ông thời hiện đại đã có sự khác biệt hoàn toàn so với những mẫu hình người đàn ông truyền thống trong văn học trước đây.

Người phụ nữ dù có mạnh mẽ đến đâu thì trong mắt họ người đàn ông luôn là chỗ dựa vững chãi trong cuộc đời. Không ít sáng tác của phái đẹp đã xây dựng nên hình ảnh những người đàn ông quả cảm, khẳng khái, giàu nghị lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống hiện đại. Đó là nhân vật chú Xán cả đời đấu tranh cho lẽ phải, công lý, không hề khuất phục trước bất kỳ thế lực xấu xa nào trong Giấc cú của Võ Thị Hảo; là chàng trai tên Phong có đôi mắt lửa đầy kiên nghị, vươn lên đạt vị trí cao trong xã hội từ đôi bàn tay trắng trong Ba đoạn đời của Nguyễn Thị Diệp Mai; là nhân vật anh giàu tình cảm, luôn muốn bảo vệ, che chở cho những người phụ nữ yếu đuối, bất hạnh với tinh thần trượng nghĩa của một trăm linh tám vị anh hùng Lương Sơn Bạc trong Một trăm linh tám cây bằng lăng của Nguyễn Thị Thu Huệ… Ở họ hội tụ những phẩm chất tốt đẹp khiến phái nữ luôn hướng về họ với một cái nhìn ngưỡng vọng, tin cậy.

Cũng giống như hình tượng người phụ nữ, nhân vật người đàn ông trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại được khắc họa nhiều ở mảng đề tài tình yêu, cuộc sống hôn nhân, gia đình. Chính trong phạm vi đề tài này, với sự song hành cùng cuộc sống của phái nữ, hai thái cực tốt, xấu, chính diện, phản diện của người đàn ông được bộc lộ rõ.

Ở thái cực những người đàn ông chính diện, chúng tôi thấy nổi lên một môtip nhân vật được lặp lại nhiều lần ở các cây bút nữ là hình tượng người đàn ông si tình, lụy tình, chiều chuộng, cung phụng người phụ nữ của họ hết mực, dẫu những người phụ nữ đó có đỏng đảnh, lạnh lùng, gây nhiều phiền toái hay nỗi day dứt, đau khổ cho họ. Nhân vật người họa sĩ trong Điều kỳ lạ của tình yêu của Thanh Hương khiến mọi người không bao giờ hiểu được rằng tại sao ông, người đã ruồng bỏ bao cô gái, bao người đàn bà đẹp lại có thể say mê Thảo, một cô gái nhan sắc không có gì nổi bật, lại lặng lẽ, ít nói một cách nhanh chóng, đau khổ đến thế. Trong Thời mà nàng còn điên của Trân Sa, chàng trai Hoài cũng đã chấp nhận mọi tính khí bất thường của cô gái Phiêu, thậm chí chấp nhận cả nỗi đau mình chỉ là người thế chân tạm thời trong mối tình vừa đổ vỡ của cô gái, chỉ để đổi lấy những ngày được sống bên cô. Với vai trò là một người chồng, người đàn ông trong Sau chớp là giông bão của Y Ban, Một nửa cuộc đời của Nguyễn Thị Thu Huệ đã rất mực yêu chiều, chăm sóc chu đáo cho người vợ của mình. Phải chăng, những mẫu hình như thế là ước mơ, khát vọng của những người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại? Tự ý thức được giá trị, vai trò của giới mình trong cuộc đời, họ đòi hỏi phải được nâng niu, trân trọng bởi một nửa còn lại của thế giới. Hình tượng những người đàn ông si tình, lụy tình, đa cảm, yêu chiều người phụ nữ của mình hết mực cũng là một cách thức thể hiện ý thức phái tính của những người phụ nữ khi cầm bút.

Ở thái cực những người đàn ông phản diện, đã xảy ra một sự cực đoan thú vị. Các nhân vật nam không còn là thần tượng của chị em nữa, họ bị hạ bệ, bị bóc mẽ, bị kết án… Ở đây có sự cố ý của bút pháp, nghĩa là các nữ văn sĩ dùng nhân vật để khẳng định nữ quyền. Trong sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, ta tìm thấy rất nhiều hình ảnh, nhiều câu văn hình tượng hóa bản chất bội bạc, giả dối hoặc bộ mặt nhu nhược, đớn hèn, nhạt nhẽo đến thảm hại của nam giới trong Sơri đắng, Hậu thiên đường, Tình yêu ơi, ở đâu?, Một nửa cuộc đời… Hình ảnh méo mó về người đàn ông không phải mang tính cá biệt ở một cây bút nữ nào mà nó là hiện tượng phổ biến ở rất nhiều tác giả nữ như: Phạm Thị Hoài, Dạ Ngân, Y Ban, Võ Thị Hảo, Phan Thị Vàng Anh, Trần Thùy Mai, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Chu Thị Minh Huệ… “Đó là cái nhìn của người phụ nữ về người nam không toàn vẹn, trở nên khiếm khuyết, gây nên sự vỡ mộng ở nữ giới” (2). Những người phụ nữ đã bước qua khỏi nỗi ám ảnh về thân phận, về kiếp đàn bà bé mọn trong văn học truyền thống để đứng lên đối diện với đàn ông, đi sâu tìm hiểu để xét lại bản chất của những người đàn ông mà xưa kia họ chỉ có một mối quan tâm là phục tùng, dâng hiến. Xây dựng hình ảnh những người đàn ông bất toàn trong con mắt của những người phụ nữ phải chăng là một cách thức để giới nữ khẳng định bản thể của họ trên hành trình tìm kiếm chính mình?

Trái tim người phụ nữ cũng đã rung đủ bậc cảm xúc khi hướng về đàn ông, từ sự ngợi ca, khâm phục, thương yêu đến thất vọng, căm ghét, khinh bỉ, uất hận… Đặc biệt, họ đã thể hiện một sự đồng cảm sâu sắc khi khắc họa hình ảnh người đàn ông cô đơn với những nỗi đau, bi kịch như trong Nước mắt đàn ông của Nguyễn Thị Thu Huệ, Đứa con không về của Bích Ngân, Ngôi sao xanh của Hà Khánh Linh, Tiếng kèn pí lè của Bùi Thị Như Lan… Phái nữ đã sát cánh cùng nam giới để sống giữa một thế giới bất toàn, họ tỏ ra bình đẳng, thậm chí là lấn lướt trong nhiều trường hợp.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại nhìn từ góc độ giới tính đã cho thấy bộ mặt đa diện, đan xen những thái cực đối lập của con người. Trong thế giới ấy, nhân vật người phụ nữ nhận được nhiều sự ưu ái, thiên vị hơn từ chủ thể sáng tạo, những người đồng giới với họ, vì vậy được khắc họa một cách sâu sắc, thấu đáo, với sự đồng cảm, sẻ chia của người cầm bút. Có thể thấy ý thức phái tính đã chi phối mạnh mẽ cách xây dựng nhân vật của các nhà văn nữ. Hình tượng người phụ nữ luôn là trung tâm của câu chuyện, của các mối quan hệ phức tạp trong cuộc sống. Ở họ hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người, đồng thời luôn có sự trỗi dậy mãnh liệt của ý thức cá nhân để được khẳng định mình, thể hiện chân thực con người mình với những khát khao trần thế. Trong sự đối sánh với các nhân vật nam, những người phụ nữ như tỏa sáng hơn ở thiên tính, thiên chức, ý thức phái tính mạnh mẽ, luôn muốn xác lập quyền bình đẳng của mình. Nhìn dưới góc độ giới tính, chúng tôi cho rằng thế giới nhân vật trong truyện ngắn của các tác giả nữ đã thể hiện một tư duy nghệ thuật thiên nữ, nghiêng sự ưu ái cho phái nữ trong cái nhìn nghệ thuật về con người.

_______________

1, 2. Hồ Khánh Vân, Từ quan niệm về lối viết nữ đến việc xác lập một phương pháp nghiên cứu trong phê bình nữ quyền, phebinhvanhoc.com.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : PHẠM THỊ THANH PHƯỢNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *