Cái tôi bất an, hoài nghi trong thơ văn xuôi việt nam hiện đại

Cái tôi trữ tình trong thơ ca hiện đại chủ nghĩa là cái tôi đa ngã. Nếu cái tôi bản ngã của thơ tiền hiện đại là kết quả của một diễn trình cảm xúc thì cái tôi đa ngã trong thơ hiện đại chủ nghĩa lại trình hiện theo kiểu con người trong con người. Trong con người có nhiều con người cùng hiện diện hay trong cái tôi lớn có nhiều mảnh tôi cùng tồn tại. Chúng không thống nhất mà thường xuyên xung khắc, mâu thuẫn nhau. Đặc điểm này dẫn đến cái tôi trong thơ hiện đại một mặt ý thức sâu sắc về bản thể, mặt khác lại phủ nhận nó, tin tưởng rồi lại bất an, hoài nghi; là cái tôi ý thức lại cũng là cái tôi của tiềm thức, vô thức; cái tôi tự nhân đôi khẳng định mình rồi lại tự phân mảnh phủ định mình… Biểu hiện của cái tôi đa ngã trong thơ văn Việt Nam thuộc hệ hình hiện đại có thể nói là hết sức đa dạng, phức tạp. Song, bài viết này chỉ dừng lại khảo sát kiểu cái tôi bất an, hoài nghi trong sáng tác của một số cây bút thơ văn xuôi tiêu biểu.

Cái tôi bất an, hoài nghi trong thơ Mai Trung Tĩnh

Cái tôi bất an, hoài nghi được hiểu là cái tôi luôn trong trạng thái lo âu, hoang mang, đầy dự cảm trước một bối cảnh sống chất ngất rủi ro. Con người khi sinh ra coi mình nhỏ bé trước thiên nhiên vũ trụ, nhưng đến thời Phục hưng đã hiên ngang ngẩng cao đầu, đặt mình vào vị trí trung tâm. Bước sang thế kỷ ánh sáng, con người đã hiện diện với một niềm tin mãnh liệt: tôi tư duy tức là tôi tồn tại. Song, chẳng được bao lâu, niềm tin ấy đã không còn. Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, hệ tư tưởng chính trị, cùng hàng loạt những ngẫu nhiên, may rủi xảy ra, đặc biệt nhất là qua hai cuộc thế chiến, con người đã luôn phải sống thường trực với tâm thế hoài nghi, bất an.

Đây là kiểu cái tôi đặc trưng của thơ văn xuôi thành thị miền Nam 1954 – 1975, những trang thơ chất đầy những lo âu, hoang mang, buồn chán. Đối mặt với một thế giới đã mất đi sự quân bình, ổn định thì dự cảm bất an về thân phận hay trạng thái khủng hoảng, xói mòn niềm tin là điều có thật. Huống chi nó còn hội ngộ, như một sự đồng điệu từ sâu thẳm tâm hồn với triết học hiện sinh của phương Tây du nhập vào lúc bấy giờ. Trong số những nhà thơ miền Nam, Mai Trung Tĩnh là cây bút sáng tác thơ văn xuôi với số lượng nhiều nhất, cũng là người bộc lộ xuyên suốt nhất cảm thức này.

Theo Du Tử Lê, Mai Trung Tĩnh là người đã đăng những bài thơ xuôi đầu tiên trên tạp chí Sáng tạo; Nguyễn Vy Khanh cũng cho rằng tác giả này là người đã đề nghị thơ xuôi, một cách thể nghệ thuật tự do trong phong trào sáng tác thơ ca ở miền Nam lúc bấy giờ. Với 20 bài thơ xuôi in chung với Vương Đức Lệ trong Bốn mươi bài thơ, ông đã được trao giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961. Ngoài tạp chí Sáng tạo, thơ ông còn đăng trên tạp chí Văn ở Sài Gòn. Sau tập thơ in chung, ông cho xuất bản tập Ngoài vườn địa đàng, Bốn mươi bài thơ xuôi. Năm 2001, Thơ Mai Trung Tĩnh được nhà xuất bản Tiếng quê hương cho in tại Hoa Kỳ.

Tiếp xúc với thế giới thơ văn xuôi Mai Trung Tĩnh, ta thấy ở tác giả này dù viết về đề tài gì, viết cho mình, cho tình yêu hay cho quê hương thì ở đó vẫn hằn một cái tôi đầy suy nghiệm, ưu tư, lúc nào cũng dằn vặt bởi niềm cô đơn khắc khoải, nỗi hoang mang, lạc lõng giữa cuộc đời. Cái tôi ấy luôn đối diện với chính mình, thức nhận đến thấm thía cái bi kịch nhân sinh cộng dồn với nỗi đau thế hệ. Trong thơ văn xuôi Mai Trung Tĩnh, con người cô đơn đến khủng khiếp, bởi góp nên thân phận ấy còn là cơn bão táp cuồng nộ của chiến tranh. Đối diện với chính mình là cái tôi Mai Trung Tĩnh hụt hẫng, bất lực, hoang mang, đổ vỡ niềm tin, dù đó là niềm tin ở chính mình hay ở thượng đế.

Tâm thức thường trực của cái tôi này trong thơ văn xuôi là những thảng thốt, hãi hùng, cô đơn, bơ vơ lưu lạc (Gã mang bướu trong mùa địa ngục), chán chường, mệt mỏi, bàng hoàng, vô vọng (Bài thơ viết những ngày cuối năm), âu lo (Chiều trở lại nhà), kinh hoàng (Giấu mặt), hoảng hốt, bất lực (Giã từ)… Những từ ngữ này lặp đi, lặp lại, đóng đinh trên những trang thơ tình điệu buồn, bi quan, hoang mang, bế tắc. Song, cảm thức ấy không chỉ được trưng ra qua những câu, từ trực tiếp mà nó còn ẩn chứa qua hình ảnh thơ. Cõi thơ văn xuôi Mai Trung Tĩnh xuất hiện rất nhiều hình ảnh đầy ám gợi, đặc biệt là những hình ảnh dùng để vận vào đời mình của chủ thể trữ tình. Cái tôi trữ tình ở đây khi thì thấy mình là con ngựa ở trường đua với gân móng sắp hư hao vì những kỳ đua nước đại, giờ một mình nâng chiếc móng già nua trên lối mòn với bóng tối vây quanh ở Những hồi trong kiếp sống; khi lại là kẻ mang phận chài ngư bị nguyền rủa, tôi suốt đời quăng vó chỉ hoài công ở Buồn thấu thị; rồi là con thú kinh hoàng thường trực bởi chẳng tìm được nẻo thoát ra giữa cơn động rừng thế kỷ trong Giấu mặt; là con cuốc mùa hạ, đứng kêu gào tiếng khản, mắt đỏ trông tìm, thảm thiết kêu van vẫn không tìm được giang sơn đã mất trong Khi nhìn về chân trời… Những hình ảnh ví von, so sánh đã hàm chứa sự cảm nhận cay đắng về thân phận, sự mệt mỏi, chán chường vì thấm nghiệm nỗi đau. Nó cũng cho thấy tự đối thoại, tự tra vấn là cảm hứng ráo riết, xuyên suốt của cái tôi này.

Cái tôi trong thơ văn xuôi Mai Trung Tĩnh thật sự bị bủa vây giữa những sầu đau, thất vọng, bơ vơ. Nó gần như đánh mất mọi mối quan hệ với xã hội, chính mình. Với bên ngoài nó như bị ruồng rẫy, với chính mình nó không tìm được sự bình yên. Quê hương vốn là nơi cất giữ những yêu thương, những ký ức đẹp của đời người, là chốn yên bình để có thể trở về sau những bước đăng trình mệt mỏi nhưng giờ đứng trước nó con người lại thấy lạc lõng, chơ vơ. Từ cảm nhận như gã mục đồng lớn lên chẳng còn trâu để cưỡi, đến cảm giác biết về đâu, về đâu đêm nay trên quê hương trong Bài thơ viết cho những ngày cuối năm như đã phô hết nỗi niềm, tâm tư của con người vận mình trong hình ảnh con cuốc mùa hạ. Rồi bạn bè, người thân đã từng một thời làm dược phẩm dịu xoa nỗi sầu đau (Chiều nay tôi đi) thì giờ đây điểm tựa chia sẻ buồn vui ấy cũng không còn. Ngay với tình yêu cũng chỉ có bẽ bàng. Trong Dĩ vãng của tình yêu, hiện hữu trần trụi một cái tôi yêu đầy những nhọc nhằn. Từng câu chữ của nó là hình ảnh của nỗi đau cam chịu nhưng ẩn hiện nhiều hơn nơi đó vẫn là sự chắt chiu, gom nhặt từng giọt nồng hạnh phúc, là những rung động, đam mê của con người vốn biết tình yêu là độc dược vẫn cắn vào.

Có thể nói, ngòi bút Mai Trung Tĩnh ở mảng thơ văn xuôi lúc nào cũng trĩu nặng ưu tư. Nỗi sầu đau từ vạn thưở như bám riết lấy thi nhân, tưởng chừng đã tụ bướu trên lưng, ông đã phải khom vai gánh chịu. Khi giới thiệu Thơ Mai Trung Tĩnh, Lê Văn Phúc đã phải thốt lên: “Không thấy bài thơ nào mang âm hưởng của hạnh phúc, của niềm tin, của niềm vui cho dù là vui trong giây lát” (1). Quả vậy, cái tôi trong thơ văn xuôi Mai Trung Tĩnh lúc thì chìm đắm trong sầu đau, lúc giẫy giụa vùng thoát nhưng rồi ở đâu, lúc nào nó cũng bị vây bủa trong sự bất lực, nỗi bất an về thân phận con người. Cái tôi đầy nỗi ưu tư ở ngòi bút thơ này nhìn chung mang dấu ấn của triết học hiện sinh khá đậm nét.

Cái tôi bất an, hoài nghi trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Đại diện thứ hai cho kiểu cái tôi bất an, hoài nghi, ít nhiều có tính chất giải thiêng trong thơ văn xuôi hiện đại là Nguyễn Quang Thiều, cây bút xuất hiện sau 1986. Ở cái tôi đa ngã, đan chồng, phức tạp trong thơ anh, cái tôi bất an, hoài nghi là nét trội nhất bên cạnh cái tôi tâm linh. Dự cảm bất an trong thơ văn xuôi tác giả này xuất hiện như một âm sắc chủ đạo. Là một hồn thơ khát khao cái đẹp của sự thuần khiết, trong trẻo, hồn nhiên song điều ấy chỉ còn trong hoài niệm, đã thuộc miền quá vãng. Được xem là kẻ canh giữ hồn vía xưa cũ của cha ông song cũng lại là kẻ trăn trở nhiều nhất về sự suy kiệt của cõi thế, sự rạn nứt của những giá trị truyền thống. Thiết tha với cái đẹp nhưng hiện hữu trên những trang thơ lại đầy những cái bi, nỗi buồn. Chính sự tồn tại của những mâu thuẫn đó đã phủ lên không ít những trang thơ của Nguyễn Quang Thiều nỗi hoang mang, bất an, sự hoài nghi về các giá trị sống. Nếu cái tôi bất an trong thơ Mai Trung Tĩnh bị chi phối bởi hoàn cảnh, đặc biệt là ảnh hưởng từ triết học hiện sinh thì thơ Nguyễn Quang Thiều xuất phát từ chính đời sống đương đại.

Trước hết là sự bất an, hoang mang về môi trường sống, dù đó là không gian đô thị hay chốn làng quê. Đô thị trong thơ văn xuôi Nguyễn Quang Thiều hiện ra trong sự ngột ngạt, bức bối với những ngôi nhà cao tầng vừa thở dốc, vừa chống gối đứng dậy trong Gọi hồn, những tã lót, quần áo cũ phơi rợp trên những nóc nhà thành phố ở Lời nguyện cầu. Con người nơi không gian ấy luôn quay cuồng với lối sống hiện đại mà trong cái nhìn của chủ thể trữ tình nó tiềm ẩn, chực chờ bao hiểm họa bất trắc. Con người thay vì cảm nhận được những tiện nghi vật chất của cuộc sống văn minh, là cơ hội để nâng cao chất lượng sống của mình thì ngược lại họ luôn thấy mình bị dồn đuổi, bủa vây bởi chính nó, cảm thấy thành phố không chốn an toàn cho họ giấu đủ một ngón tay. Lời nguyện cầu của họ, chính vì vậy chỉ cần thoát ra được nó. Chưa bao giờ có cuộc trốn chạy như một nghịch lý như thế. Thật sự văn minh phố phường đã không mang lại được cho con người cảm giác bình yên. Cảm thức bất an, có thể nói, cứ gờn gợn trên những trang thơ Nguyễn Quang Thiều để rồi chính chủ thể trữ tình ở đây cũng phải trốn chạy. Nhưng liệu nơi tưởng chừng có thể trú ngụ ấy còn giữ được sự bình yên? Niềm tin ấy có lại là ảo tưởng? Cánh đồng, dòng sông, bầu trời, cỏ cây, chim chóc… vốn tượng trưng cho sự thơ mộng, hiền lành, lung linh vẻ đẹp của cuộc sống, giờ bị đánh bật ra khỏi gốc rễ bình yên. Đồng quê hiện hình là một thế giới đầy thương tật, đang bị hủy hoại, hủy diệt từng ngày.

Trốn chạy nỗi bất an nơi cảnh phố, tìm về chốn quê, cái tôi trữ tình trong thơ văn xuôi Nguyễn Quang Thiều lại chứng kiến cảnh quê đang lụi chết dần bởi chính bàn tay tàn phá của con người. Sự sợ hãi, lo lắng, bất an chính vì thế lại càng tăng cấp, nhất là ở những sáng tác thơ văn xuôi sau này như trong Nhân chứng một cái chết hay Bài ca những con chim đêm. Ở đó, có những cơn mưa lũ xối như máu không sao cầm được, sấm sét rền vang, cái cây chết rồi mà nhựa kinh hãi vẫn còn chảy mãi. Ở đó, tràn ngập những linh hồn người chết bay lượn nặng nề, linh hồn của những quạ khoang, những cái cây cụt đọt, những con mắt bị khoét, trái tim bị rỉa hay linh hồn ngựa chiến mình mẩy đầm đìa máu, những hình ảnh cứ như khải huyền báo trước tai họa.

Có thể nói, cái tôi bất an trong thơ văn xuôi Nguyễn Quang Thiều như đi liền với sự hoài nghi. Ở phương diện này hồn thơ anh đã tỏ ra hết sức nhạy cảm trong việc lật ra mặt trái của xã hội hiện đại. Ở đây, người thơ như một chứng nhân của thế giới đầy thương tật, của những cái chết, những giá trị văn hóa bị hủy diệt. Cuộc sống từng ngày cứ hiện ra thêm những điều bất ổn đến mức nhìn những đồ vật trên bàn viết tác giả cũng băn khoăn. Người ta đã hủy hoại những sinh thể trong khi lại nâng niu những phiên bản của nó, có phải là nghịch lý?

Sự bất an trong thơ văn xuôi Nguyễn Quang Thiều còn ám ảnh hơn khi nó xuất phát từ sự thấu cảm trước những phận người, cụ thể là những người đàn bà thôn quê. Trong thơ anh, cho dù đối tượng này xuất hiện dưới nhân xưng nào: những người đàn bà đánh dậm,  gánh nước sông góa bụa… thì tất cả họ đều là những mảnh đời, số phận không bình yên, không lành lặn, là biểu tượng của nỗi đau, sự tủi nhục, bần cùng. Trong cái nhìn thương cảm hay trong nỗi bất an tiền định, Nguyễn Quang Thiều đã nói về đối tượng này một cách đầy ám ảnh. Họ xuất hiện trong thơ anh luôn với một dáng vẻ nhàu nhò, biến dạng. Họ xuất hiện như thế đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy, không gì thay đổi, nhọc nhằn, vất vả, cam chịu một cách mòn mỏi, họ cứ như đi bên lề mọi sự đổi thay. Hình như họ chẳng có một ngày thanh thản để một giấc mơ đẹp có thể bay về trú ngụ trong tâm hồn. Đây không còn dừng lại là sự hoài nghi về những khung chuẩn đạo đức mà xã hội đề cao, ca ngợi ở người phụ nữ: đức hy sinh, vị tha, cam chịu. Nó đã hiện ra như một điều bất ổn, được phản ánh với tinh thần phản tỉnh. Tiếp xúc với hình tượng này nhiều người vẫn tìm thấy nét đẹp lãng mạn, cao vời, lớn ngang tầm vũ trụ, đẹp đẽ trong tủi nhục bần hàn của họ. Có nghĩa họ thật đáng thương nhưng cũng thật đẹp. Song, với chủ thể trữ tình, khi cầm bút viết lên những lời được xem là ca ngợi đó liệu có át được ám ảnh về nỗi đau cho thân phận con người đang sống khác thời chúng ta sống, nhất là với những người đàn bà góa bụa?

Có thể nói, Nguyễn Quang Thiều đã tạo dựng được trong thơ mình thế giới của những người phụ nữ cả đời sống trong u buồn, nghèo khổ, cam chịu, giữ gìn đức hạnh. Nhưng thật sự đó là cái đẹp hay cái bi? Nguyễn Đăng Điệp đã đọc ra đằng sau câu thơ của tác giả là nỗi đau về phận người của nhà thơ. Sự thủ tiết, giữ mình với đức hạnh thờ chồng mà xã hội luôn đề cao, tôn vinh hay áp đặt, đã theo thời gian làm thui chột, mất dần vẻ đẹp giới tính, kiềm tỏa những khát khao cho dù là đời thường, nhân bản nhất. Bằng sự trắc ẩn của trái tim đàn ông, Nguyễn Quang Thiều đã để cho chủ thể trữ tình trong thơ mình nhiều lần bật khóc. Sự nghiệt ngã của những số phận này khởi nguồn từ đâu? Chính những năm tháng chiến tranh họ đã phải sống âm thầm với bao giáo lý về đức hạnh chờ chồng. Nhưng khi chồng đã hy sinh, ở thời bình, họ vẫn không dám bước đi bước nữa bởi bao ràng buộc, thị phi. Đằng sau số phận này, những gì thuộc khế ước cộng đồng phải chăng nên gỡ bỏ? Vấn đề quyền sống một cách nhân văn cho những người phụ nữ góa bụa cần phải được quan tâm. Cái tôi bất an trong thơ văn xuôi Nguyễn Quang Thiều trước vấn đề này mang tư tưởng nhân bản thật sâu sắc.

Bất an, hoài nghi đi đến giải thiêng là tâm thức chung của con người hiện đại nên cái tôi này có mặt trên khắp các trang thơ thuộc hệ hình sáng tác này. Trong sáng tác của Thanh Tâm Tuyền thì lo âu như con sâu ở giữa tim, giữa não. Trong thơ Vi Thùy Linh, thì thế giới hiện hữu với bao tai ương, đổ vỡ trước những hiện trạng khô cằn cảm xúc. Trong thơ văn xuôi Nguyễn Thúy Hằng, đằng sau một cá tính mạnh mẽ là một hồn thơ u uất, lúc nào cũng bất an, hỗn loạn, lúc nào cũng có cảm giác cô đơn, xa lạ ngay trong cuộc sống thực tại của mình…

Đã là tâm thức chung của con người hiện đại thì kiểu cái tôi này xuất hiện thường xuyên cũng là điều dễ hiểu. Nó cũng không phải chỉ có trong thơ văn xuôi. Tuy nhiên, với hình thể văn xuôi, một thứ thể lỏng có thể chảy trôi tự do, không chịu bất cứ một rào cản nào từ hệ thống âm luật, có thể kéo dài không hạn định thì thật sự thể thơ này đã có khả năng mang chở kiểu cái tôi này một cách đầy đặn nhất.

_______________

1. Lê Văn Phúc, Đọc thơ Mai Trung Tĩnh, gioo.com. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ CHÍNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *