Môtip đền ơn báo oán trong truyện cổ tích và truyện ngắn trung đại

Trong truyện ngắn, cổ tích Việt Nam trung đại có một môtip cốt truyện khá nổi bật, xuất hiện với tần số tương đối cao, đó là môtip đền ơn báo oán. Môtip cốt truyện này phản ánh quan niệm nhân sinh, lưu giữ tín ngưỡng truyền thống, ghi dấu ứng xử văn hóa của người Việt thông qua những thủ pháp nghệ thuật dân gian hay bác học. Tìm hiểu môtip đền ơn báo oán là một hướng tiếp cận mối quan hệ ảnh hưởng, giao thoa cũng như đặc thù khác biệt giữa hai loại hình, thể tài văn học này; đây là mối quan hệ tất yếu, bền vững góp phần làm nên gương mặt văn hóa của mỗi dân tộc trên thế giới.

Thuật ngữ môtip có thể sử dụng với nghĩa chặt chẽ như một yếu tố bền vững không thể phân chia nhỏ hơn của văn bản, ngôn bản…; là đơn vị nhỏ nhất của cốt truyện dân gian hoặc mang tính định hình về ngôn từ ở chính văn bản tác phẩm. Với nghĩa rộng, môtip là thành tố bền vững vừa mang tính hình thức, vừa mang tính nội dung của văn bản văn học, có phần đồng nhất với chủ đề cốt truyện. Ở bài viết này, chúng tôi quan niệm môtip với nghĩa rộng, môtip cốt truyện là “kiểu môtip tiêu biểu cho các tác phẩm tự sự, kịch, vốn chứa đựng nhiều hành động, có tính phổ quát, thường thấy có sự lặp lại” (1).

Đền ơn báo oán vốn là một quán ngữ quen thuộc trong đời sống, vừa gắn với thế giới quan truyện cổ tích, phản ánh cuộc đấu tranh thiện với ác, chính với tà, kết cục cơ bản là có hậu; vừa biểu hiện rõ rệt một tiêu điểm của nhân sinh quan người Việt là bênh vực nghĩa tình, ân nghĩa, phê phán thói bạc bẽo, ác độc, tuyên ngôn ở hiền gặp lành, ác giả ác báo phổ biến trong dân gian, không loại trừ ảnh hưởng thuyết nhân quả của Phật giáo.

Môtip cốt truyện đền ơn báo oán xuất hiện trong truyện cổ tích, truyện ngắn thời trung đại thường có mô hình cơ bản là người tốt giúp đỡ kẻ yếu, hoạn nạn thì được đền ơn trả nghĩa; kẻ xấu hãm hại người khác thì bị báo oán, trả oán. Tựu chung đây chính là một trong những mô hình cốt truyện tiêu biểu của thể loại truyện cổ dân gian cũng như một số thể loại tự sự thành văn khác như truyện thơ Nôm, văn xuôi chữ Hán. Phạm vi khảo sát của bài viết là 201 truyện cổ tích Việt Nam đã được Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, giới thiệu, 349 truyện ngắn thuộc vào một số bộ truyện văn xuôi trung đại từ cuối TK XV đến đầu TK XIX, trọng tâm là giai đoạn TK XVIII đến đầu TK XIX. Trong tình hình thuật ngữ định danh thể loại văn xuôi tự sự còn chưa có sự thống nhất cao, tác giả sử dụng khái niệm truyện ngắn trung đại (gọi tắt là truyện ngắn) để chỉ tất cả các thiên truyện nằm trong một số bộ tác phẩm có tên chung (mạn lục, tiệp ký, tạp thuật, lục, tùy bút, ngẫu lục…) nhưng đều mang cốt truyện độc lập (dưới các nhan đề như lục, chí, truyện, ký…) được viết bằng chữ Hán, xuất hiện trong khoảng thời gian từ cuối TK XV đến đầu TK XIX, chủ yếu đã xác định về tác giả.

Môtip đền ơn báo oán xuất hiện trong 50 truyện cổ tích trên tổng số 201 truyện, chiếm khoảng 24,8%; trong 32 thiên, truyện ngắn trên tổng số 349 truyện ngắn, chiếm khoảng 9,2%. Dễ thấy là môtip đền ơn báo oán thu hút sự quan tâm của tác giả dân gian mạnh hơn nhiều so với tác giả văn học viết.

Xuất hiện trong cả ba nhóm truyện dân gian (cổ tích thần kỳ, cổ tích lịch sử, cổ tích thế sự), nhiều nhất là trong nhóm cổ tích thế sự, môtip đền ơn báo oán đóng vai trò mạch ngầm xâu chuỗi toàn bộ hệ thống cốt truyện cùng phục vụ cho chủ đề chung bao quát là trừng ác khuyến thiện. Phân loại theo nội dung cốt truyện, có thể chia thành 3 nhóm chính: nhóm truyện về việc đền ơn (6 truyện), nhóm truyện về việc báo oán (26 truyện), nhóm truyện đối sánh đền ơn – báo oán (18 truyện). Phân loại cụ thể hơn, có những nhóm nhỏ như: đền ơn cho người làm ơn, làm ơn nhưng gây hậu quả xấu, kẻ gây oán bị trả thù, kẻ gây oán tự chuốc quả báo… Đáng chú ý là phần lớn nhóm truyện giải thích sự tích sự vật hoặc sự tích các câu thành ngữ ví von đều được tác giả dân gian gán vào môtip đền ơn báo oán, mượn chuyện đền ơn báo oán để giải thích các loại sự tích. Trong đó, chuyện báo oán có tần số xuất hiện cao hơn đền ơn. Nếu tính cả những chuyện đối sánh đền ơn báo oán (18 truyện), tỉ lệ chuyện báo oán cũng cao hơn hẳn. Điều này dường như ngược lại với cảm quan đền ơn báo oán của các tác giả truyện ngắn là thiên về đền ơn hơn.

Nhóm truyện cổ tích báo oán xoay quanh các mối quan hệ gia đình: anh em, vợ chồng, mẹ con, cha con (12 truyện); quan hệ kiểu gia đình: anh em kết nghĩa (7 truyện); quan hệ xã hội: người giàu – người nghèo, quan lại – dân thường, thày – trò, người – vật, người – thần, người – người (31 truyện). Trong quan hệ kiểu gia đình, kẻ gây oán thường mang các tính xấu như tham lam, ích kỷ, bội bạc, độc ác, bất nhân, giết người để tranh đoạt của cải, lợi ích. Những kẻ xấu thường là người anh cả, mẹ kế, bố dượng, bạn tham; người bị hại là người em út, con riêng, bạn thật thà. Người bị hại phần lớn đều quá hiền lành, ngờ nghệch, ngây thơ, cả tin hoặc yếu kém về vị thế, sức lực. Bởi vậy, xét cả về tính cách, khả năng, người bị hại không thể tự mình báo oán. Tác giả dân gian tỏ thái độ bênh vực nhất quán đối với kẻ bị hại bằng một hệ thống nhân vật phù trợ đặc biệt luôn xuất hiện đúng lúc để cứu giúp họ, trừng phạt kẻ ác. Trong quan hệ xã hội, kẻ gây oán xuất hiện với những hoàn cảnh, tính cách đa dạng hơn. Ngoài thói xấu phổ biến là tham lam, ích kỷ, hám lợi, cốt vơ lộc tài về mình, đẩy phần thua thiệt cho người; kẻ gây oán còn có thêm các thói tật khác như coi khinh người nghèo, nuôi oán hận, quyết rửa hận, cậy quyền thế bóc lột, đàn áp kẻ khó, kiêu ngạo, khinh nhờn người ít học, làm quan gây án mạng… Kẻ gây oán đều phải chịu hậu quả, nhưng cũng có hai loại hậu quả khác nhau. Loại thứ nhất, kẻ gây oán bị trả thù bởi chính nạn nhân, có 6 truyện. Loại thứ hai, kẻ gây oán tự mình chuốc lấy quả báo, hoặc do trời, phật trừng phạt, hoặc do một lực lượng siêu nhiên nào đó ra tay, có 26 truyện, tỉ lệ áp đảo loại thứ nhất. Trong trường hợp thứ nhất, chỉ có hai nạn nhân hóa thân sang kiếp khác để trả thù kẻ độc ác, đó là Tấm (Tấm Cám), Giáp (Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông); bốn nạn nhân còn lại được người thân giúp báo thù, đó là vợ báo thù cho chồng (Con cóc liếm nước mưa, Bò béo bò gầy), mẹ con báo thù cho nhau (Bốn cô gái muốn lấy chồng hoàng tử, Rắn báo oán). Với cốt truyện nhân vật gây oán phần lớn tự mình chuốc quả báo, tác giả dân gian khắc họa được tính cách hiền lành, cam chịu của nhân vật nạn nhân, bản tính chân nguyên của người dân nghèo Việt Nam. Mặt khác cũng là cách gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh thói đời: kẻ gây oán bất luận giấu giếm nham hiểm đến đâu cũng không thoát khỏi lưới trời trừng phạt.

Ở truyện ngắn viết về việc báo oán, loại thứ hai (tự chuốc quả báo) cũng nhiều hơn loại thứ nhất. Có hai trường hợp kẻ gây oán bị nạn nhân trả thù là ông đồ họ Nguyễn bị rắn mẹ báo thù, dân làng Phù Ủng bị Võ Vinh Tiến đọc lời nguyền dứt đường khoa hoạn của làng. Trong 9/11 truyện báo oán, kẻ gây oán đều tự chuốc quả báo: một đứa con trai yêu quý gà chọi đến mức đem bà mẹ chôn sống chỉ vì nghe nói bà trót nhỡ làm chết gà, chưa kịp chôn mẹ thì đạo trời báo ứng đã vật nó chết ngay bên cạnh cái hố nó đang đào (Ái kê ký). Trần Mỗ làm tri phủ Từ Sơn tính tình tham lam, nham hiểm, nhận đồ hối lộ không biết kiêng dè, đồng lõa với kẻ giết người giấu giếm án mạng để ăn đút lót 300 quan tiền. Kết cục là Trần Mỗ vốn không con, tự nhiên sinh được đứa con trai bị bệnh đau bụng suốt 10 năm trời, tiêu tán hết đống tiền bạc mà đời làm quan Trần Mỗ tích cóp đến nỗi cả nhà lần lượt chết hết, chỉ còn trơ trọi hai cha con đi ăn xin ngoài đường, cuối cùng đứa con mắng cha về vụ án Từ Sơn, tuyệt thực rồi chết, Trần Mỗ đau đớn chết theo, trước đó kẻ giết người cũng đã thổ huyết mà chết đói bên cầu An Thường (Từ Sơn mệnh báo). Như vậy, thái độ phê phán quyết liệt đối với kẻ gây oán là điểm chung dễ thấy trong cả hai loại hình tác phẩm. Truyện ngắn đền ơn báo oán về cơ bản cũng đề cập tới hai mối quan hệ chủ yếu là gia đình, xã hội; trong đó, thiên hơn về quan hệ xã hội. Quan hệ gia đình trong truyện ngắn mờ nhạt hơn nhiều so với truyện cổ tích.

Nhóm truyện cổ tích đền ơn thuần túy có số lượng rất ít, 3 truyện. Cốt truyện đối sánh đền ơn – báo oán, làm ơn nhưng gây hậu quả xấu chiếm số lượng nhiều hơn, 13 truyện. Ngược lại, nhóm truyện ngắn viết về đền ơn lại có số lượng thiên truyện vượt trội nhóm truyện ngắn báo oán. Như vậy, xu hướng quan sát, lý giải cuộc sống của tác giả cổ tích thiên về răn đe, phê phán dựa trên cơ sở bày ra thực trạng đạo đức suy đồi. Còn xu hướng của tác giả văn học viết thiên về động viên, khích lệ dựa trên cơ sở nêu gương người tốt, việc tốt. Nếu như tác giả dân gian thích chê thì tác giả bác học lại thích khen, phải chăng chứng tỏ tinh thần đấu tranh xã hội của truyện dân gian mạnh mẽ hơn nhiều so với truyện ngắn? Điều đó cũng phần nào phản ánh rõ địa vị thấp bé trong thực tế của tác giả dân gian, nguyên nhân quan trọng khiến cho họ luôn mang ý thức phản kháng mãnh liệt. Môtip cốt truyện đền ơn báo oán được cả hai loại hình tác giả quan tâm phản ánh, song mức độ, tính chất rõ ràng khá khác biệt. Tác giả truyện ngắn đầu tư trí lực cho môtip này ít hơn so với tác giả cổ tích. Phải chăng nguyên nhân chính là do họ còn bị thu hút bởi nhiều mối quan tâm khác, như vấn đề giải phóng tình yêu đôi lứa, khẳng định cá tính, dục vọng cá nhân, phản ánh mâu thuẫn chính trị, bộc lộ chính kiến trước số phận con người, bàn luận quan niệm đạo đức xã hội, những vấn đề thể hiện được tâm tư ưu thời mẫn thế cũng như tầm nhìn cuộc sống của tầng lớp trí thức? Mặt khác, xét từ góc độ tiếp biến tôn giáo, ảnh hưởng của Phật giáo vào truyện cổ tích sâu đậm hơn nhiều so với truyện ngắn, bởi các tác giả nhà nho còn bị phân tán bởi các xung lực tư tưởng chính trị hoặc tôn giáo khác.

Nhân vật chính trong cả hai loại hình truyện cổ tích, truyện ngắn đều có thể được chia làm ba nhóm: nhân vật lịch sử, dân thường, loài vật. Nhóm nhân vật Phật, thần, tiên, thánh là lực lượng phù trợ, xuất hiện không đồng đều ở mỗi loại hình, tạm coi là nhân vật phụ. Nhân vật lịch sử bao gồm những nhân vật có thật, tên tuổi từng được ít nhiều ghi chép trong chính sử hoặc dã sử. Nhân vật dân thường phần lớn vô danh (tên được gọi theo giới tính, quan hệ gia đình), hoặc là tên gọi mang nghĩa phiếm chỉ (Bính, Đinh, Tam, Tứ, Giáp, Ất…). Nhân vật loài vật ở truyện cổ tích phong phú sinh động hơn, song vào truyện văn xuôi, không phải không có những sắc thái riêng độc đáo.

Trước hết, nhân vật lịch sử trong truyện cổ tích đền ơn báo oán xuất hiện không nhiều, có thể đếm được cả thảy hai nhân vật, ông sư Huyền Quang làm ơn hóa hại đến thân, ông quan Giáp Hải vừa được chịu ân từ người mẹ, vừa bị báo oán bởi chính mình. Ngược lại, trong truyện ngắn, chúng ta bắt gặp tới 14 nhân vật lịch sử, hầu hết là quan đại thần các triều đại từ Trần đến Lê sơ, Lê mạt, Nguyễn. Với cảm quan chủ đạo là động viên khích lệ, các nhân vật lịch sử này phần lớn được miêu tả là những người được nhận ơn, biết đền ơn. Dường như tác giả truyện ngắn cố ý đưa ra những ân nghĩa đẹp để làm đối cực cho dịu bớt cái oán thù xấu vốn đậm đặc trong truyện cổ tích hoặc giả chính trong đời sống thực tế. Ở đây thấy rõ sự thể hiện tinh thần giáo huấn Nho giáo, giọng tụng ca cương thường vốn là một đặc trưng của văn học chính thống thời trung đại.

Nhân vật loài vật ở hai loại hình truyện hầu như đều mang ý nghĩa biểu tượng trái ngược nhau. Truyện cổ tích đền ơn báo oán kể chuyện về khá nhiều con vật với xu hướng chung là hạ thấp loài vật. Hầu hết các con vật đều xấu, mãng xà tác oai tác quái ăn thịt người (Tiêu diệt mãng xà), hổ lừa gạt người vào chỗ chết (Người học trò và con hổ); hoặc vốn kiếp trước làm người ăn ở bất nhân thất đức kiếp sau liền bị hóa thành con vật. Ngược lại, nhân vật con vật xuất hiện trong truyện ngắn tuy ít hơn nhưng với xu hướng được đề cao. Nhân vật chủ yếu chỉ là con hổ, ca ngợi sự nhân đức, hào hiệp, ân nghĩa. Hổ cứu mạng đứa bé trai 3 tuổi bị bố đẻ bỏ vào rừng hòng lấy vợ kế, cõng bé đưa về nhà bà ngoại nó rồi xé xác ông bố họ Hoàng bất nhân đó (Con hổ hào hiệp); nằm dưới gốc cây giữ mạng cho người nghèo lỡ độ đường (Con hổ nhân đức); chảy nước mắt, kêu thảm thiết vì trót cắn chết nhầm chủ, suốt ba tháng tang chủ đều mang lễ vật đến chịu tang, còn đau đớn gầm hét đến tận ngày giỗ đầu, mãi khi dân làng bầu làm hậu thần, thờ cúng mới nguôi ngoai (Truyện người nuôi hổ ở Tống Sơn). Mục đích viết truyện của tác giả đôi khi được thể hiện trực tiếp qua lời bình cuối truyện. Dùng hình ảnh con vật làm biểu tượng cho chữ nhân, chữ tâm của con người, các tác giả truyện ngắn đã tiếp cận phương thức công kích hiện thực theo lối gián tiếp, không mạnh mẽ như lối trực tiếp của truyện cổ tích song lại đạt tới chiều sâu nghệ thuật ám ảnh độc giả.

Kết cấu cốt truyện, cách xử lý hệ thống tình tiết cũng là đặc điểm khác biệt làm nên đặc trưng nghệ thuật của mỗi loại hình tác phẩm. Truyện cổ tích xây dựng một hệ thống truyện đối sánh đền ơn báo oán khá công phu. Ngoài ra, còn có những truyện không dễ xếp nhất định vào một nhóm nào trong cả ba nhóm cốt truyện như đã nêu. Có nhiều truyện được thiết kế theo kết cấu song song hai tuyến nhân vật gây oán, bị hại (Bính và Đinh, Tam và Tứ, Của Thiên trả Địa, Hà rầm hà rạc…). Kết cục có hậu cũng song song kết hợp lặp lại môtip kẻ gây oán tự nguyện thế chỗ cho người bị hại, nhưng kết quả tươi sáng lập tức biến thành hậu quả đen tối giáng xuống trừng phạt kẻ gây oán.

Truyện ngắn không đặt vấn đề đối sánh ân oán, mà chia hai nhóm ân, oán rất rạch ròi. Hơn nữa, cũng không có truyện mang ý nghĩa ơn oán đa diện. Ngoài ra, đáng chú ý còn là nhóm truyện đền ơn báo oán giao thoa giữa cổ tích với truyện ngắn, như Rắn báo oán, Đứa con trời đánh…, thường là nhóm truyện về nhân vật lịch sử. Có truyện cổ tích được xây dựng gần với lối gián tiếp của truyện ngắn là loại truyện cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán, là trường hợp dị biệt trong hệ thống cổ tích, chứng tỏ sự tiếp thu trở lại của văn học dân gian từ kinh nghiệm nghệ thuật của văn học viết. Những hiện tượng này là minh chứng rất thú vị cho mối giao thoa liên văn bản giữa văn học dân gian với văn học viết, đặc biệt là đối với thể loại tự sự thời trung đại. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi đã thu nhận nhiều truyện cổ tích từ nguồn văn bản văn học chữ Hán như Lĩnh Nam chích quái lục, Truyền kỳ tân phả, Công dư tiệp ký, Lan Trì kiến văn lục… Trước Nguyễn Đổng Chi, vào nửa sau TK XIX, Trương Vĩnh Ký, bậc tiền bối của văn học quốc ngữ, người đầu tiên sưu tầm, lưu giữ truyện cổ tích Việt Nam bằng tiếng Việt, cũng đã từng đi con đường đó. Họ nối tiếp các nhà nho thời trung đại như Trần Thế Pháp, Nguyễn Dữ, Vũ Phương Đề, Vũ Trinh, Đan Sơn… làm công việc ghi chép, chỉnh lý, sáng tác truyện dân gian theo quan điểm riêng, có sự kết hợp nhiều nguồn thư tịch với truyền khẩu. Bởi vậy, những nghiên cứu theo hướng liên ngành, liên văn bản là hết sức cần thiết đối với các hiện tượng thể loại tự sự trung đại, dân gian.

Những nghiên cứu so sánh môtip đền ơn báo oán trong truyện cổ tích, truyện ngắn Việt Nam thời trung đại dẫn đến một số nhận thức bước đầu về sự đa dạng, phức tạp của con đường chuyển hóa giữa hai loại hình tự sự dân gian, trung đại mà các tư liệu hiện còn chưa cho phép đưa ra kết luận cuối cùng. Đồng thời, một nhận thức khác là sự thấm nhuần, cải biên tinh thần đạo Phật trong đời sống văn học, văn hóa của người Việt thời nào cũng mang lại những giá trị thực tiễn quý báu.

____________

1. Từ điển văn học, bộ mới, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004, tr.1012.  

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : TRẦN THỊ HOA LÊ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *