Tập quán và nghi lễ cưới của người việt vùng đô thị hóa

Trong đời sống tinh thần của người Việt, lễ cưới là nghi lễ quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong đời sống và là hình thức công khai hóa sự chung sống chính thức của đôi nam nữ. Ngày xưa, cheo làng và cỗ mời làng được xem là cơ sở pháp lý của lễ cưới. Trai gái lấy nhau thường làm giấy giá thú, ngày nay gọi là giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Xưa, các nghi lễ trong đám cưới luôn biến đổi và có sự giao lưu giữa các tộc người. Tùy hoàn cảnh cụ thể của mỗi vùng miền, mỗi họ tộc hoặc gia đình (ở đây chúng tôi nghiên cứu trường hợp tổ dân phố Nhân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mà những nghi thức có thể thêm, bớt cho phù hợp. Tuy có nhiều thay đổi theo đà phát triển hiện đại của xã hội song những nghi lễ truyền thống vẫn đóng vai trò chủ đạo trong đám cưới của người Việt.

1. Quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình

Đối với người Việt, lấy vợ lấy chồng để thực hiện nghĩa vụ duy trì nòi giống, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, có thêm lao động, tạo uy thế dòng họ trong cộng đồng. Ở Nhân Mỹ, trước Cách mạng tháng Tám 1945, việc dựng vợ gả chồng do bố mẹ sắp đặt, hôn nhân nội làng gần như là xu hướng chính. Khi dựng vợ, gả chồng, cha mẹ chú ý trước hết đến môn đăng hộ đối, sự tương đồng về tuổi tác, địa vị xã hội, khả năng kinh tế hai bên. Một việc không kém phần quan trọng là so tuổi đôi trai gái. Tiêu chuẩn chung khi chọn vợ là phải có tứ đức công, dung, ngôn, hạnh, chọn chồng lý tưởng là có sức khỏe, tư cách đạo đức, chăm chỉ, đôi khi là cả điều kiện kinh tế gia đình.

Trong hôn nhân truyền thống, phải kể đến vai trò của người mai mối. Có những người chuyên nghề làm mối, nhưng cũng có đám do nhờ mà làm giúp. Theo Bùi Xuân Đính, vai trò của các ông, bà mối xưa quan trọng tới mức xã hội phải thừa nhận “đẹp như rối không mối không xong”. Trong nhiều trường hợp, người mai mối là người có công trong việc chắp mối lương duyên cho đôi trai gái nên vợ nên chồng (1)…

2. Tập quán và nghi lễ trong đám cưới truyền thống

Theo phong tục tập quán từ xưa, một cuộc hôn nhân từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc phải qua sáu lễ.

Nạp thái: Được sự đồng ý của nhà gái, nhà trai chọn ngày tốt, sắm lễ mang sang nhà gái. Lễ vật nhiều hay ít là tùy thuộc kinh tế của nhà trai, nhưng không thể thiếu trầu cau, rượu, chè. Về bản chất, lễ này là cơ hội để nhà trai xem gia cảnh cũng như gia phong của nhà gái, từ đó đi đến quyết định dứt khoát việc hôn nhân của đôi trai gái. Thông thường từ lễ chạm ngõ đến lễ ăn hỏi không có thời hạn nhất định. Theo Trương Thìn (2), về phương diện văn hóa, lễ chạm ngõ với lễ vật chính là trầu cau là một lễ khởi đầu trong hệ thống hôn lễ ở Việt Nam, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc.

Vấn danh: Thông qua người mai mối, nhà trai cử một đoàn vài ba người sang vấn danh nhà gái với lễ vật gồm chè, rượu, trầu cau. Lễ này giúp nhà trai biết được ngày tháng năm sinh của cô gái để về xem tuổi. Đây là lễ đơn giản với ý nghĩa là để so tuổi xem đôi bên có tương hợp không.

Nạp cát: Chọn được ngày tốt, lễ ăn hỏi được tiến hành theo đòi hỏi của nhà gái. Ở những gia đình có điều kiện kinh tế, ngoài rượu, trầu cau, chè thuốc còn có thêm lợn quay, xôi gấc, mứt bánh… Việc dẫn lễ ngày xưa thường có bà mối, mẹ hoặc cha chú rể; cũng có thể là chú bác, những người có tư cách đại diện cho cha mẹ chú rể. Trong lễ ăn hỏi, hai họ cũng định ngày cưới cho đôi trẻ. Khi nhận quà, bao giờ nhà gái cũng chỉ lấy một nửa, còn một nửa lại quả cho nhà trai.

Nạp tệ: Sau lễ ăn hỏi, thông qua người làm mối, nhà trai sẽ biết những lễ vật mà nhà gái yêu cầu. Nhà gái thách cưới bằng lễ vật; nhà trai tùy khả năng kinh tế mà đáp ứng. Các lễ vật này phải đưa sang nhà gái trước ngày cưới.

Thỉnh kỳ: Là lễ hẹn ngày xin cưới. Sau lễ nạp tệ, các đồ dẫn cưới nhà trai đã đưa sang nhà gái, nhà trai xin hẹn ngày, giờ đón dâu với nhà gái.

Thân nghinh: Là lễ cưới, lễ thức quan trọng nhất, thường được tổ chức khi tiết trời mát mẻ, chớm lạnh hoặc rét và trong tháng giêng, hai, khi tiết trời ấm áp, nhà nông không bận bịu với công việc đồng áng, nguồn lương thực vừa được thu về hoặc còn dư dả.

Người con gái khi đi lấy chồng phải nộp cheo cho làng (trên thực tế, nghĩa vụ này thường là gia đình nhà trai nộp). Cheo có giá trị pháp lý như giấy kết hôn, nếu không nộp cheo, việc kết hôn của đôi trai gái coi như vô nghĩa. Mỗi làng có một quy định nộp cheo riêng, hoặc bằng tiền, hoặc bằng lễ vật, nhưng phổ biến là nộp một số gạch để lát đường của xóm ngõ; hay một đôi mâm đồng hay một vài đôi chiếu để làng dùng tại đình. Theo Trương Thìn (3), từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 trở đi, tục nộp cheo đã bị bãi bỏ hoàn toàn.

Trước giờ đón dâu, nhà trai cử người mang một cơi trầu đến xin dâu, báo trước giờ mà đoàn đón dâu sẽ đến để nhà gái sẵn sàng đón tiếp. Đến giờ rước dâu, đến ngõ nhà gái, đoàn đón dâu sắp xếp lại thứ tự, đi đầu là một cụ già cầm hương cùng với một người bưng quả trầu cau, rượu vào trước. Mâm lễ ấy được đặt lên bàn thờ, cụ già thắp hương vái, nhà gái vái trả lễ rồi một vị cùng người đứng đầu họ nhà trai ra đón đoàn vào.

Vào trong nhà, cô dâu cùng chú rể lạy trước bàn thờ gia tiên nhà gái để trình tổ tiên, sau đó hai người đem hộp trầu đi mời mọi người. Trước khi ra cửa về nhà chồng, cô gái đến lạy tạ ông bà cha mẹ. Thông thường lúc ấy cha mẹ cô dâu thường cho con gái một vật gì đó làm kỷ niệm: hoa tai, nhẫn cưới, tiền…

Khi đoàn đón dâu về đến ngõ, pháo nổ dòn dã. Lúc này mẹ chồng cầm bình vôi lánh mặt đi nơi khác để con dâu bước vào nhà. Cô dâu vào đến cổng, múc nước rửa mặt đựng trong một cái nồi đồng. Sau đó mẹ chồng ra dắt cô dâu vào nhà, đặt quan tiền và cái quạt lên bàn thờ rồi lễ gia tiên: bốn lạy, ba vái.

Lễ xong cô dâu cùng mẹ chồng bước vào buồng. Trong buồng có sẵn một đôi chiếu mới trải úp ngược vào nhau (người trải phải là người đông con cái, khá giả).

Theo lời các cụ già ở Nhân Mỹ, tục xưa ở làng, sau khi chào họ hàng nhà trai, cô dâu chú rể phải làm lễ tế tơ hồng để tạ ơn ông tơ bà nguyệt xe duyên, cầu mong cho vợ chồng ăn ở thủy chung, hạnh phúc trọn đời.

Bên cạnh đó còn có lễ hợp cẩn. Sau khi ra mắt bố chồng, cô dâu chú rể vào phòng. Cụ già cầm hương dẫn đầu đoàn đón dâu rót hai chén rượu mời cô dâu chú rể uống rồi ra ngoài khép cửa lại. Cô dâu chú rể sẽ cùng ăn với nhau bữa cơm đầu tiên rồi đi ngủ.

Cuối cùng là lễ lại mặt. Sáng hôm sau hai vợ chồng trẻ sẽ trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên. Lễ nhà nghèo thì rượu, trầu cau. Lễ nhà giàu thì lợn quay, xôi, bánh kẹo…

Trong cưới xin của người Việt ở Nhân Mỹ xưa còn có tục cưới chạy tang. Trong gia đình có ông bà, cha mẹ chết thì con cái phải chờ khi hết tang (3 năm) mới được đi lấy vợ lấy chồng. Vì vậy, trường hợp đôi trai gái đã làm lễ ăn hỏi mà một trong hai bên gia đình có cha mẹ bị bệnh khó qua khỏi, hai gia đình thường chủ động bàn tổ chức ngay lễ cưới gọi là cưới chạy tang.

3. Tập quán và nghi lễ trong đám cưới ngày nay

Từ 1954, nghi lễ cưới xin có nhiều thay đổi. Theo Bùi Xuân Đính, từ năm 1954 – 1960, bước đầu xóa bỏ hôn nhân đa thê, song việc ăn uống, thách cưới vẫn còn, nạn tảo hôn vẫn phổ biến. Từ năm 1960 – 1975, trai gái kết hôn theo tuổi quy định không tảo hôn, việc thách cưới đã giảm đáng kể, việc ăn uống chỉ còn trong phạm vi gia đình. Sau năm 1975, xu hướng tổ chức cưới đơn giản, tiết kiệm vẫn được tiếp diễn, việc thách cưới chỉ còn hãn hữu ở một số làng quê; một số nơi xuất hiện cưới tập thể. Tuy nhiên, từ năm 1985, tại một số vùng nông thôn xuất hiện trở lại việc ăn uống. Từ đầu 1990, việc ăn uống linh đình trong đám cưới bùng phát trở lại gây nhiều lãng phí, tốn kém cho gia đình và người được mời. Người đi dự cưới thường mừng bằng tiền (4).

Qua khảo sát thực địa, điều chúng tôi quan tâm là sự biến đổi có tính chất bước ngoặt của các nghi lễ cưới xin từ khi làng xã được chuyển thành tổ dân phố và phường.

Thứ nhất, tự do yêu đương của đôi trai gái được đề cao và đối tượng, không gian kết hôn thay đổi

Mối quan hệ khép kín trong làng xã bị xóa bỏ dưới sự tác động của việc mở rộng giao lưu kinh tế giữa các địa phương. Ở Nhân Mỹ, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đất nông nghiệp không còn, cơ cấu nghề nghiệp của người dân trong vùng đã có những thay đổi nhanh chóng, từ hoạt động nông nghiệp là chủ yếu sang hoạt động phi nông nghiệp. Những thay đổi này đã mở rộng môi trường làm việc của người dân ra khỏi ranh giới phường, tổ dân phố. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa nhanh còn dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu dân cư ở Nhân Mỹ. Số lượng người ở nơi khác đến tăng lên nhanh chóng. Chính những thay đổi đó đã mở rộng không gian giao lưu của người dân và tạo cho những người trong độ tuổi kết hôn có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn người bạn đời. Trai gái được tự do tìm hiểu, yêu đương. Nếu trường hợp gia đình không hài lòng với đối tượng kết hôn thì đôi nam nữ sẽ tìm mọi cách thuyết phục và cuối cùng bậc cha mẹ thường tự an ủi, coi đó là duyên trời đã se nên phải nghe theo. Như vậy có thể thấy, việc quyết định trong hôn nhân đã có sự thay đổi hoàn toàn, hôn nhân dựa trên sự thống nhất của cha mẹ và các con. Nam nữ thanh niên ở Nhân Mỹ tự do tìm hiểu để lựa chọn bạn đời thông qua môi trường học tập, làm việc, tham gia sinh hoạt đoàn thể…

Thứ hai, là những thay đổi trong tập quán và nghi lễ cưới xin

 Hầu hết các đám cưới ở Nhân Mỹ hiện nay đều diễn ra với ba lễ: lễ chạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới.

Lễ chạm ngõ nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Về bản chất, lễ chạm ngõ biểu hiện cách ứng xử văn hóa, thông qua đó hai gia đình biết cụ thể về gia cảnh, gia phong của hai gia đình mà ứng xử cho phù hợp. Trong lễ này thành phần tham dự chủ yếu là các thành viên của hai bên gia đình và một số người trong dòng tộc. Lễ vật tương đối đơn giản gồm trầu cau, chè, thuốc lá được sắp đặt một cách khéo léo, đẹp mắt trong một quả hộp nhỏ có phủ vải điều. Trong lễ chạm ngõ, bên cạnh việc hỏi thăm, tìm hiểu gia cảnh để có cách ứng xử phù hợp, hai gia đình còn bàn tới lễ ăn hỏi. Hai gia đình thống nhất ngày giờ của lễ ăn hỏi, thường diễn ra khoảng một tuần sau lễ chạm ngõ.

Lễ ăn hỏi là nghi lễ quan trọng trong hôn nhân, mang tính chất chính thức trước khi cưới. Đây cũng là thời điểm khẳng định đôi nam nữ đã có sự tìm hiểu nhau một cách kỹ càng, cảm thấy phù hợp về nhiều mặt, thật sự yêu nhau và quyết tâm tiến tới hôn nhân. Theo đúng ngày giờ đã thống nhất của hai gia đình, hai họ và chuẩn bị lễ vật theo truyền thống để mang đến nhà gái, thực hiện nghi thức lễ ăn hỏi. Ngày nay, lễ vật trong lễ ăn hỏi thường gồm chè, mứt sen, rượu, bánh cốm, bánh phu thê, trầu cau… Bên cạnh đó, nhiều gia đình nhà gái hiện nay, khi thực hiện lễ ăn hỏi có yêu cầu nhà trai đem theo hai lễ hoặc ba lễ (đây là những phong bì đựng tiền – số lượng tiền là tùy theo nhà trai). Những lễ vật này được đựng trong những tráp quả sơn đỏ. Một số loại lễ vật được đựng trên mâm đồng có phủ vải đỏ lên trên. Ngày nay, những lễ vật trong lễ ăn hỏi được các dịch vụ bán hàng đóng vào quả hộp hoặc sắp đặt lên mâm lễ một cách khéo léo, mỹ thuật, đẹp mắt, vừa thuận tiện lại mang tính chuyên dụng nên được mọi người ưa thích. Đội hình bê, đội các tráp và các mâm đựng lễ vật là các chàng trai chưa vợ trong trang phục lịch sự. Bên nhà gái, đội hình những cô thiếu nữ chưa chồng trong trang phục áo dài dân tộc màu đỏ đứng sẵn ở cửa để đón nhận các tráp lễ vật từ các chàng trai bên họ nhà trai. Sau khi giới thiệu, chào hỏi xã giao giữa hai họ, người đại diện họ nhà trai đề cập đến nội dung chính của buổi lễ ăn hỏi. Khi được đại diện bên họ nhà gái chấp nhận thì cho phép chú rể vào phòng đón cô dâu ra chào hai họ, rồi mẹ chú rể mở vải điều phủ các tráp lễ và trao đồ sính lễ cho mẹ cô dâu. Các lễ vật được lấy ra mỗi thứ một ít đặt lên một chiếc khay để cô dâu chú rể thắp hương trên bàn thờ để kính cáo gia thần, gia tiên. Hai họ trao đổi, bàn bạc thống nhất kế hoạch, thời gian và những yêu cầu về phương tiện đi lại cần thiết cho lễ đón dâu. Trước khi họ nhà trai ra về, nhà gái đưa lại một phần lễ vật gọi là lại quả. Lễ ăn hỏi thực chất là đính ước, thể hiện quyết tâm đi đến hôn nhân của đôi nam nữ sau quá trình đã tìm hiểu kỹ, có sự đồng ý của hai bên gia đình. Có thể nói, kể từ sau lễ ăn hỏi hai người là vợ chồng chưa cưới, hai gia đình là thông gia. Chính vì vậy, nội dung của lễ ăn hỏi, ngoài lễ vật thì hai gia đình, hai họ thường tập trung bàn về việc tổ chức cưới, thậm chí bàn cả về tổ chức cuộc sống sau khi cưới của đôi nam nữ.

Lễ cưới là đỉnh điểm của quy trình tiến tới hôn nhân, là hình thức đón rước cô dâu về nhà chồng. Ý nghĩa của lễ này là công bố sự thành hôn của đôi trai gái, vì thế người ta còn gọi là lễ thành hôn. Ở hầu hết các gia đình ở Nhân Mỹ không còn tục mang cơi trầu để báo trước giờ đón dâu. Đoàn đón dâu của nhà trai khi tới nơi được nhà gái sắp xếp vị trí ngồi đối diện tương xứng với họ nhà gái trong không khí vui vẻ, thân tình. Kể từ giờ phút cô dâu chú rể thực hiện lễ gia tiên trên bàn thờ, họ được coi là con cháu của hai gia đình, hai dòng họ. Mẹ cô dâu thường trao cho con gái những món đồ trang sức trước khi về nhà chồng; anh, chị, em, người thân trong dòng họ cũng tặng quà kỷ niệm cho cô dâu. Đúng giờ đón dâu, đoàn đón dâu rời nhà gái đưa dâu về nhà trai trong không khí vui vẻ. Hiện nay, phương tiện đón dâu là xe hoa được trang trí các loại hoa xung quanh. Về đến nhà trai, cô dâu chú rể thực hiện nghi thức lễ gia tiên, rồi ra chào hai họ và tiếp khách. Trong thời điểm này, mẹ chú rể thường trao tặng đồ nữ trang cho cô dâu; họ hàng, anh chị em của chú rể trao quà kỷ niệm cho cô dâu chú rể; cô dâu chú rể trao nhẫn cưới cho nhau… Nhiều gia đình ở Nhân Mỹ lại thường tổ chức lễ thành hôn ngay trong bữa tiệc tại nhà hàng, khách sạn theo thời gian ghi trong giấy mời. Số lượng người dự cưới cũng đông hơn trước kia. Khi chưa chuyển thành tổ dân phố và phường, đám cưới thường làm 40 -50 mâm. Ngày nay, giới trẻ đi làm hoặc giao lưu rộng với bên ngoài, nhiều bạn bè, cỗ cưới lên tới hơn 100 mâm. Tiền mừng cũng là yếu tố để người ta nhận thấy sự hội nhập của đám cưới làng (tổ dân phố) so với thành phố. Nhìn bề ngoài ở tổ dân phố Nhân Mỹ khi đi đám cưới người ta mừng tiền bằng phong bì giống như những phố lớn. Thời kỳ chưa chuyển thành tổ dân phố và phường chỉ với 20.000 – 50.000 đồng, họ hàng và người làng đi ăn hai ngày cưới. Ngày nay, người đi ăn cưới nhiều bữa thường chỉ là người trong họ và giá trị tiền mừng cũng lớn hơn.

Lễ lại mặt được hầu hết các gia đình ở Nhân Mỹ tiến hành. Sau ngày cưới, đôi vợ chồng đem theo chút lễ vật trở về nhà gái, trước là lễ gia tiên, sau là thăm lại bố mẹ, anh, chị, em. Lễ lại mặt có thể diễn ra vào ngày thứ hai sau ngày cưới (nhị hỷ), cũng có thể vào ngày thứ tư sau ngày cưới (tứ hỷ). Nhân dịp này, bên nhà gái thường làm cơm để dâu rể cùng ăn với gia đình.

Nghi lễ đám cưới là một nghi lễ quan trọng trong các nghi lễ vòng đời người. Xưa kia, phong tục hôn nhân được thực hiện rất nghiêm khắc, con cái hầu như phải tuyệt đối nghe theo lời cha mẹ. Thời nay, chính con cái tự đưa ra quyết định trong việc lựa chọn tìm hiểu và kết duyên với người sẽ sống với mình. Tuy nhiên, dù tuân theo nghi lễ xưa hay nay thì người Việt rất coi trọng hạnh phúc lứa đôi và cuộc sống hôn nhân bền vững, thịnh vượng, con cháu đề huề.

______________

1, 4. Vương Xuân Tình, Các dân tộc ở Việt Nam, tập1: Nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2015.

2, 3. Trương Thìn, Những điều cần biết về hôn lễ truyền thống, Nxb Hà Nội, 2008.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018

Tác giả : LÊ THỊ HƯƠNG HUỆ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *