Văn hóa ứng xử gia đình của người việt và người mỹ qua tục ngữ

Trong những thập kỷ gần đây, việc nghiên cứu tục ngữ để tìm hiểu văn hóa dân tộc đã phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào so sánh văn hóa ứng xử của người Mỹ và người Việt qua cứ liệu tục ngữ. Về nguồn tư liệu, chúng tôi lấy từ bộ sưu tập Tục ngữ (gồm 4 quyển) trong bộ Tinh hoa văn học dân gian người Việt (2009) của Viện Nghiên cứu Văn hóa do Nguyễn Xuân Kính chủ biên để khảo sát văn hóa ứng xử của người Việt. Bộ sưu tập này gồm 16.098 câu tục ngữ Việt. Về tục ngữ Mỹ, chúng tôi dựa theo quyển sách A Dictionary of American Proverbs do Wolfgang Mieder, Stewart A. Kingsbury, Kelsie B. Harder biên tập để tìm hiểu văn hóa ứng xử của người Mỹ. Bộ Tự điển tục ngữ Mỹ này gồm 15.000 câu tục ngữ Mỹ và các biến thể, được xuất bản tại Mỹ năm 1996. Tiếp cận từ góc nhìn văn hóa học, chúng tôi xem tục ngữ như công cụ, ngữ liệu chứ không phải là đối tượng nghiên cứu. Công cụ này được khai thác theo khía cạnh văn hóa nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu trực tiếp là tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt về văn hóa ứng xử trong quan hệ gia đình của người Việt, người Mỹ, từ đó góp phần tìm hiểu đặc trưng văn hóa dân tộc.

1. Văn hóa ứng xử trong mối quan hệ vợ – chồng

Điểm tương đồng

Là gốc của mối quan hệ gia đình, quan hệ    vợ – chồng có những yêu cầu cao, phức tạp trong ứng xử, thể hiện sự hòa quyện, gắn bó mật thiết. Trong mối quan hệ này, người Việt và người Mỹ có một số điểm tương đồng. Trước hết, những lời khuyên về ứng xử vợ chồng thể hiện trong tục ngữ đều thừa nhận cách cư xử của người này ảnh hưởng mạnh mẽ đến người kia và ngược lại:   

Chồng khôn vợ ngoan

Chồng hòa vợ thuận

Chồng đàng hoàng khiến vợ hiền ngoan

Điểm tương đồng thứ hai là sự thống nhất về tiêu chuẩn của một người vợ tốt. Tiêu chuẩn này dựa trên hàng loạt cách ứng xử phải thể hiện được tình cảm, sự chăm sóc của người vợ đối với chồng nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đó là chiều chuộng, vâng lời chồng:

Chiều người lấy việc, chiều chồng lấy con

Phu xướng phụ tùy

Luôn chia sẻ khó khăn, hoạn nạn cùng chồng:

Thương chồng nên phải gắng công, nào ai xương sắt da đồng chi đây

Vợ không cằn nhằn, không nhiều lời bàn cãi để tránh xung đột xảy ra:

Chồng đã giận, vợ bớt lời

Ngựa tốt không sẩy chân, vợ tốt không cằn nhằn

Sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau trong cách cư xử giữa vợ chồng và một số tiêu chuẩn ứng xử của người vợ tốt đều được tìm thấy trong tục ngữ của hai nền văn hóa Việt, Mỹ.

Điểm khác biệt

Trong gia đình Việt Nam truyền thống, vai trò của người chồng được đề cao, người vợ phải sống theo những nguyên tắc đạo đức mà xã hội đặt ra, bị phụ thuộc, ràng buộc vào chồng rất nhiều:

Có chồng như ngựa có cương

Sống quê cha, ma quê chồng

Thậm chí trong nhiều nỗi sợ, có cả nỗi sợ chồng:

Ra đường sợ ma, về nhà sợ chồng

Thủ tiết thờ chồng:

Gái chính chuyên chẳng lấy hai chồng

Gánh vác trách nhiệm đối với gia đình chồng, nuôi con chồng:

Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng

Trong khi đó, ở Mỹ, người vợ không bị quy định theo những nguyên tắc như trong xã hội của người Việt (không có câu tục ngữ nào thể hiện những nội dung trên). Họ không phải quá sợ uy quyền của người chồng, không phải gánh nhiều trách nhiệm đối với gia đình chồng; vì vậy họ ứng xử chủ động, linh hoạt hơn, có thể đảm nhận nhiều vai trò tùy vào lựa chọn của chính họ.

2. Văn hóa ứng xử trong mối quan hệ cha mẹ – con cái

Điểm tương đồng

Ứng xử trong mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái được xem xét trong cách ứng xử giữa cha mẹ đối với con cái và ngược lại. Điểm gặp gỡ giữa hai dân tộc Việt, Mỹ trong ứng xử quan hệ cha mẹ, con cái qua tục ngữ là cha mẹ luôn yêu thương, lo lắng, làm lụng vất vả nuôi con:

Chỗ ướt mẹ nằm, ráo xê con lại

Đói lòng con, héo hon cha mẹ

Quan tâm, xem trọng việc giáo dục con cái, xem đó là trách nhiệm của cha mẹ:

Mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con khôn

Thành cha thì dễ, làm cha thì khó

Về phía ứng xử của con cái thì họ cũng hết mực kính yêu cha mẹ :

Cha cũng kính, mẹ cũng vái

Cha là đầu, mẹ là trái tim

Điểm tương đồng về ứng xử trong quan hệ cha mẹ, con cái còn là đề cao quyền uy của người cha trong gia đình:

Mẹ đánh một trăm, không bằng cha ngăm một tiếng

Và phê phán sự bất hòa trong mối quan hệ mẹ ghẻ – con chồng, mẹ chồng – con dâu

Dì ghẻ mấy người thương con chồng, con chồng biết mấy người kính dì ghẻ

Mẹ ghẻ mà tốt nhiều như quạ trắng

Điểm khác biệt

Người Việt nhấn mạnh đến việc cha mẹ phải nghiêm khắc giáo dục con và con phải tuyệt đối vâng lời cha mẹ. Việc sử dụng đòn, roi để dạy con được xem như là việc bình thường, con cái nhớ đến cái đau sẽ không tái phạm:

Thương con cho roi, cho vọt

Ghét con cho ngọt cho bùi

Ngược lại, người Mỹ truyền đạt kinh nghiệm giáo dục con cái nhẹ nhàng hơn thông qua tình thương yêu, sự gần gũi, chăm sóc con:

Trái tim người mẹ là phòng học của con trẻ

Bạn tốt nhất của con trai là người mẹ

Bên cạnh đó, mối quan hệ ứng xử giữa cha mẹ, con cái của người Việt phức tạp hơn người Mỹ. Ngoài quan hệ mẹ ghẻ – con chồng,  mẹ chồng – con dâu, người Việt còn quan tâm đến ứng xử giữa cha dượng – con vợ, cha mẹ vợ – con rể… Điều này được thể hiện qua những câu như:

Đói thì ăn ngô ăn khoai, đừng ở với dượng điếc tai láng giềng

Nuôi dâu thì dễ, nuôi rể thì khó

Trong khi đó, tục ngữ Mỹ không thể hiện mối quan hệ này.

3. Văn hóa ứng xử trong mối quan hệ anh chị – em

Điểm tương đồng

Ứng xử trong mối quan hệ anh chị – em của cả hai dân tộc Việt, Mỹ đều đề cao sự đùm bọc, yêu thương, che chở nhau:

Em ngã chị nâng, chị ngã em khóc

Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau

Họ không nỡ làm hại nhau, tàn nhẫn với nhau cho dù có sự bất hòa:

Anh em chém nhau bằng sống, ai chém nhau bằng lưỡi

Anh em khúc ruột chia hai, mạch còn máu chảy đứt ngoài liền trong

Tuy vậy, khi mâu thuẫn, bất hòa hoặc trong một vài trường hợp riêng lẻ, người Việt và người Mỹ đều đã có những kiểu ứng xử đặt tiền bạc, vật chất lên trên tình cảm anh em:

Anh em gạo, đạo nghĩa tiền

Anh em là anh em, nhưng phô mai thì phải mua

Điểm khác biệt

Văn hóa ứng xử giữa anh chị – em của người Việt tuân theo nguyên tắc thứ bậc trên – dưới rất chặt chẽ: anh chị chăm sóc em và có cái uy quyền của mình, người em buộc phải phục tùng:

Quyền huynh thế phụ

Con chị cõng con em

Mối quan hệ giữa chị em dâu, anh em rể thường phức tạp, ít thuận thảo:

Chị em dâu nói trâu thành bò

Đánh nhau vỡ đầu là anh em rể

Trong khi đó, tục ngữ Mỹ không có những câu phản ánh thứ bậc, mối quan hệ giữa chị em dâu, anh em rể bởi vì người Mỹ không quá xem trọng thứ bậc trong gia đình, không quan tâm đến mối quan hệ phức tạp giữa chị em dâu, anh em rể đó.

4. Quan hệ gia tộc, họ hàng

Mối quan hệ họ hàng là mối quan hệ có cùng huyết tộc. Một gia đình bao giờ cũng có hai họ: họ nội (bên cha) và họ ngoại (bên mẹ). Đây là mối quan hệ gia đình được mở rộng từ gia đình hạt nhân (cha mẹ và con cái).

Điểm tương đồng

Tôn trọng ông bà, người cao tuổi trong dòng họ là một nét đẹp tương đồng trong văn hóa ứng xử cửa người Việt và người Mỹ bởi lẽ ông bà không chỉ nhiều tuổi hơn mà còn nhiều kinh nghiệm, hiểu biết hơn:

Cụ già như cha như mẹ, không nên coi rẻ coi thường

Điểm khác biệt

Mối quan hệ họ hàng gắn liền với đặc điểm sinh sống của bộ phận cư dân người Việt. Họ sống theo đơn vị làng, xã và những người cùng dòng họ thường sống gần nhau để giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Chính vì thế, văn hóa ứng xử của người Việt thường chú trọng, phân biệt thứ bậc, tôn ti trong dòng họ:

Trên có cha, dưới có chú

Bé con nhà bác, lớn xác con nhà chú

Người Việt dựa vào mối quan hệ bà con rất nhiều và thường ưu tiên giúp đỡ người trong họ: Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì /Một người làm quan, cả họ được nhờ

Ngược lại, người Mỹ không phân biệt thứ bậc, tôn ti trong dòng họ. Tục ngữ Mỹ hầu như không có câu nào phản ánh điều này. Và họ không những không đề cao sự giúp đỡ của họ hàng mà còn nhìn thấy sự phiền toái khi sinh sống gần, buôn bán chung với họ hàng:

Họ hàng tốt nhất phải cách tường

Ăn uống với họ hàng, đừng kinh doanh, giao dịch

5. Đặc trưng văn hóa ứng xử gia đình của người Việt và người Mỹ qua tục ngữ

Từ việc tìm hiểu những tương đồng và khác biệt về văn hóa ứng xử trong mối quan hệ gia đình, chúng tôi rút ra một số nhận định sau:

Những điểm tương đồng về văn hóa ứng xử của người Việt, người Mỹ trong mối quan hệ gia đình là đều tôn trọng, yêu thương, chăm lo, giúp đỡ nhau. Mối quan hệ vợ – chồng, cha mẹ – con cái, anh chị – em, họ hàng đậm đà tình yêu thương, tình huyết thống. Những điểm gặp gỡ giữa hai dân tộc trên phương diện ứng xử này là đề cao tình cảm, sự giúp đỡ, sự cần thiết có nhau trong quan hệ gia đình. Những điểm tương đồng đó nói lên quy luật chung, cái “vốn chung” của văn hóa ứng xử nhân loại: yêu quý, trân trọng, bảo vệ tình cảm gia đình; phê phán những gì xâm phạm tình cảm đó.

Điểm khác biệt về văn hóa ứng xử trong mối quan hệ gia đình giữa hai dân tộc cũng khá rõ. Có thể vận dụng lý thuyết của Hofstede về sáu chiều kích cơ bản quan trọng giúp nhận diện giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là chiều kích khoảng cách quyền lực để tìm hiểu đặc trưng văn hóa ứng xử này. Hofstede định nghĩa “khoảng cách quyền lực là mức độ mà những thành viên ít quyền lực của các tổ chức hoặc đơn vị trong một quốc gia hy vọng và chấp nhận sự bất bình đẳng trong phân chia quyền lực. Đơn vị là yếu tố cơ bản của xã hội như gia đình, trường học và cộng đồng, còn tổ chức là nơi làm việc”… Theo các tác giả, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành trí não và nhấn mạnh “Tại những nơi có khoảng cách quyền lực lớn, con cái thường phải vâng lời cha mẹ. Đôi khi còn xuất hiện thứ tự quyền lực giữa con cái: em phải vâng lời anh chị. Con cái không được khuyến khích có những hành vi tự lập. Kính trọng cha mẹ và người lớn tuổi là đức tính cơ bản, trẻ em thấy những người khác thể hiện lòng kính trọng và sớm hình thành tích cách đó”.

Theo đó, thấy rõ ứng xử của người Việt trong mối quan hệ gia đình theo xu hướng thiên về chấp nhận khoảng cách quyền lực, khoảng cách tôn ti trật tự giữa ông – cháu, cha – con, chồng – vợ, bên nội – bên ngoại, anh chị – em.

Trong gia đình, cha mẹ dạy con biết vâng lời, được quyền dùng đòn roi. Con cháu phải kính trọng cha mẹ và họ hàng lớn tuổi, em phải vâng lời anh chị, đặc quyền dành cho bên nội. Con cái có nghĩa vụ phải chăm sóc tuổi già cho cha mẹ, cho nên có nhiều người tính toán khi phụng dưỡng cha mẹ. Trọng nam, khinh nữ, bất bình đẳng áp đặt lên nữ giới.

Đa thọ, đa nam, đa phú quý

Con gái là con người ta

Trong khi đó, khoảng cách quyền lực trong văn hóa ứng xử của người Mỹ thấp hơn. Quan điểm của Hofstede chỉ rõ “Tại những nơi có khoảng cách quyền lực nhỏ, trẻ em thường được đối xử công bằng ngay từ khi biết đi… Trẻ được khuyến khích tự trải nghiệm và được phép bất đồng quan điểm với cha mẹ nên chúng học cách nói “không” từ rất sớm. Cha mẹ đối xử bình đẳng với con cái, không sử dụng đòn roi; con cái đối xử bình đẳng với cha mẹ, có thể hành động theo ý thích mà không bị quở phạt, không có nghĩa vụ phải nuôi cha mẹ khi già. Khi con cái lớn lên, chúng bắt đầu coi cha mẹ như bạn bè hoặc ít nhất là bình đẳng. Và đối với một người trưởng thành, không nhất thiết phải hỏi ý kiến hoặc nhận lời khuyên của cha mẹ khi quyết định một vấn đề. Văn hóa ứng xử như thế để lại dấu ấn khá rõ trong tục ngữ Mỹ. Tình cảm cha mẹ – con cái thân thiết, không ép buộc, không phụ thuộc lẫn nhau:

Bạn tốt nhất của đứa con trai là người mẹ

Về ứng xử giữa vợ chồng, tuy người vợ có bị phân biệt đối xử nhưng họ không bị áp đặt tiêu chuẩn đạo đức kép như phải giữ gìn phẩm hạnh còn người chồng thì không cần… Người vợ vẫn được quan tâm hơn, được chủ động hơn, có thể là người làm chủ gia đình:

Chồng là đầu, nhưng vợ là cổ và cổ di chuyển đầu

Điều này khác hẳn với ứng xử của người vợ Việt bởi họ từng được khuyên: Đừng thấy chồng hiền, xỏ chân lỗ mũi.

Kết luận

Hoa Kỳ và Việt Nam với đặc điểm nền văn hóa đa dạng đã để lại dấu ấn bản sắc văn hóa của mình qua kho tàng tục ngữ. So sánh văn hóa ứng xử của hai dân tộc trong mối quan hệ gia đình qua tục ngữ giúp nhận biết được đặc trưng văn hóa dân tộc qua những điểm khác biệt và hiểu được quy luật chung của văn hóa ứng xử nhân loại qua những điểm tương đồng của hai nền văn hóa.

Nếu những điểm tương đồng góp phần dẫn đến quy luật chung, khẳng định mô thức chung của nền văn hóa nhân loại thì những điều khác biệt lại tô đậm đặc trưng văn hóa dân tộc, tạo nên giá trị văn hóa của dân tộc đó. Văn hóa ứng xử trong mối quan hệ gia đình của người Việt qua tục ngữ có đặc điểm thể hiện khoảng cách quyền lực, chấp nhận tôn ti trật tự cao hơn so với văn hóa ứng xử của người Mỹ.

So sánh văn hóa không phải là để tìm hiểu xem nền văn hóa  nào là văn minh hơn, lịch sự hơn, hay cao hơn, thấp hơn mà chỉ để hiểu thêm về đặc trưng, bản sắc của mỗi nền văn hóa. Chúng tôi rất tâm đắc với nhận định của một nhà nghiên cứu văn hóa: “Văn hóa  này không thể cao hơn hay thấp hơn văn hóa kia, mà giữa chúng chỉ có thể có sự khác nhau”. Do mỗi nền văn hóa  có những điểm chung, giống các nền văn hóa khác, đồng thời cũng có những nét đặc thù tạo nên bản sắc, ta không thể đứng từ một góc độ chủ quan để đánh giá và phê phán một nền văn hóa khác, bởi vô hình chung sẽ rơi vào căn bệnh đã bị các nhà dân tộc học cực lực lên án, là luôn lấy dân tộc mình làm trung tâm.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : LÊ THỊ HỒNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *