NGUỒN NHÂN LỰC NHÌN TỪ CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT GIÀY DA Ở XÃ PHÚ YÊN, PHÚ XUYÊN, HÀ NỘI

Đối với mỗi nghề thủ công, việc tổ chức sản xuất đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sự tồn tại và phát triển của nghề. Bài viết này nghiên cứu việc tổ chức sản xuất thông qua các hình thức: lập xưởng sản xuất, tổ chức gia công tại gia đình và làm thuê tại hai làng nghề làm giày da Giẽ Thượng và Giẽ Hạ (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội), có so sánh với một số làng nghề khác để thấy được sự phù hợp hay không phù hợp trong việc lựa chọn cách thức tổ chức sản xuất của cư dân các làng nghề, những vấn đề đang đặt cho sự phát triển của các làng nghề ở nước ta hiện nay.

1. Sơ bộ về nghề làm giày da ở xã Phú Yên

Hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ có nghề làm giày da khoảng 100 năm, do một số người trong hai làng ra Hà Nội học được nghề vào khoảng năm Mậu Ngọ (1918). Từ đó đến tháng 10 – 1954, những người thợ giày Giẽ Thượng, Giẽ Hạ chủ yếu hành nghề ở các đô thị, do ở nông thôn đời sống kinh tế khó khăn, nên người dân không có điều kiện sử dụng giày da.

Khi miền Bắc được giải phóng (10 – 1954), phần đông những người thợ giày da Giẽ Thượng, Giẽ Hạ vẫn ở lại Hà Nội và các đô thị mưu sinh, một số về quê tập hợp trong các tổ sản xuất, sau đó là Hợp tác xã giày da Phú Yên để làm nghề, chủ yếu làm gia công cho Công ty xuất khẩu giày da Hà Nội. Đến năm 1985, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, Hợp tác xã phải giải thể. Những người thợ bỏ nghề hoặc đến các đô thị hành nghề trong điều kiện rất khó khăn của cơ chế quan liêu bao cấp, sau đó là chuyển đổi cơ chế cuối những năm 80, đầu những năm 90 TK XX.

Từ năm 1992 trở đi, nhờ chính sách đổi mới của Nhà nước, đời sống của các tầng lớp cư dân được cải thiện, nhu cầu sử dụng giày da ngày càng lớn, những người thợ giày hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ được các bậc cha chú biết nghề truyền lại, hoặc năng động đi các nơi học và nâng cấp nghề, hành nghề ở nhiều địa phương. Từ năm 1996 trở đi, bắt đầu có người mở cơ sở sản xuất giày tại làng. Từ năm 2000, thêm nhiều cơ sở làm giày ra đời, sau đó xuất hiện các hộ kinh doanh nguyên vật liệu và phụ kiện của nghề, tiêu thụ giày da. Từ năm 2003 – 2004, việc sản xuất giày và kinh doanh nguyên vật liệu và phụ kiện phát triển mạnh. Từ năm 2006 – 2007 đến nay, làng nghề phát triển sôi động, là trung tâm sản xuất giày lớn nhất miền bắc, hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ còn là “thủ phủ” buôn bán các nguyên vật liệu và phụ kiện nghề da giày của cả vùng Bắc Bộ. Để đáp ứng hai yêu cầu sản xuất giày da và cung cấp nguyên vật liệu, các hình thức sản xuất, kinh doanh được hình thành.

2. Các hình thức tổ chức sản xuất

Lập xưởng sản xuất

Việc lập được xưởng sản xuất là sự khẳng định bước thay đổi lớn của người thợ giày hai làng Giẽ trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, vì phải là người có tiềm lực mới có thể mở được một cơ sở sản xuất giày tại làng. Xưởng sản xuất có nhiều loại. Ban đầu, các xưởng có quy mô nhỏ, chủ xưởng là một người hoặc hai, ba anh em hay bạn bè chung nhau, sản xuất tại nhà người có diện tích rộng. Nhân công lấy người trong họ, trong làng về đào tạo, trả công theo tháng hay theo kỳ, có sự thỏa thuận miệng từ trước. Sau một thời gian có tích lũy, các chủ xưởng từng bước mở rộng xưởng (cả về diện tích, số thợ tuyển vào làm). Những người có chung xưởng có thể tiếp tục hợp tác mở rộng xưởng, cũng có thể tách ra lập xưởng mới. Sau hơn 20 năm làm nghề, đến năm 2017, hai làng có khoảng trên 400 xưởng trung bình và nhỏ.

Loại xưởng thứ hai là xưởng lớn, có thể hình thành các công ty hay doanh nghiệp. Chủ của các xưởng này là người có tiềm lực về nhiều mặt. Trước hết là tiềm lực về vốn. Theo tính toán sơ bộ, để có thể mở được một xưởng làm giày, ít nhất phải có trên một tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, các trang thiết bị, các dụng cụ lao động, mua nguyên vật liệu và phụ kiện, trả lương cho công nhân và tiền gối sản phẩm bị các đại lý tiêu thụ nợ đọng. Thứ hai, phải là người đã từng bôn ba làm nghề ở nhiều địa phương khác nhau với những thành công và cả thất bại trong nghề, sau một thời gian tích lũy được những kinh nghiệm thiết yếu trở về làng mở xưởng. Ngoài ra, còn phải có mặt bằng vài trăm mét vuông để lập xưởng với nơi làm việc (cho công nhân và văn phòng), nhà kho (kho nguyên vật liệu và kho sản phẩm), nơi ôtô vào tập kết hay chở nguyên vật liệu, sản phẩm, nhà bếp, nơi nghỉ trưa cho công nhân.

Làm gia công tại các gia đình và các xưởng nhỏ

Làm gia công là nhận nguyên vật liệu của các xưởng lớn về làm một hay nhiều công đoạn, làm một hay nhiều bộ phận của đôi giày. Qua khảo sát thực tế cho thấy, phần lớn các cơ sở gia công hiện nay nhận mũ giày, đế giày để khâu, dán thành hình hài đôi giày; sau đó chủ xưởng mang về hoàn thiện, đóng gói rồi chuyển đi các đại lý tiêu thụ; hoặc nhận nguyên vật liệu để làm đế giày và mũ giày.

Chiếm phần đông cơ sở gia công là các hộ gia đình do thiếu vốn, thiếu mặt bằng, họ không thể mở một xưởng làm theo lối khép kín. Việc giao cho các gia đình làm gia công có nhiều lợi ích cho cả hai phía: các gia đình tận dụng được lao động và thời gian làm việc; một hình thức làm ăn mới xuất hiện, chủ xưởng vẫn có thể phát triển dù không có mặt bằng, vì không phải lo ăn nghỉ cho thợ, không phải đầu tư máy móc, công cụ; tiến độ sản xuất nhìn chung bảo đảm; tiết kiệm được nguyên liệu. Việc gia công tại các gia đình đòi hỏi chủ (cả chủ xưởng lớn, xưởng nhỏ hoặc gia đình gia công) phải biết kỹ thuật, để hướng dẫn thợ, nhất là những sản phẩm có mẫu mã mới; thợ của cơ sở gia công vừa phải tuân thủ, vừa phải nâng cao kỹ thuật.

Thời gian gắn bó giữa các cơ sở gia công với các xưởng lớn thể hiện đa dạng. Có cơ sở gia công gắn bó lâu dài, từ 6 – 10 năm, như 6 gia đình gia công của xưởng ông Đỗ Quang Túc thôn Giẽ Hạ; song phần đông không ổn định lâu dài, vì phụ thuộc vào sự tiêu thụ của chủ xưởng nhanh hay chậm, từ đó liên quan đến việc thanh toán giữa chủ xưởng với cơ sở gia công; phần vì một số cơ sở gia công không bảo đảm kỹ thuật; có thời điểm, chủ xưởng ít việc, mức khoán thấp, giữa các chủ xưởng có hiện tượng cạnh tranh giá thuê để thu hút thợ, nên một cơ sở gia công đang làm cho xưởng này, nhanh chóng bỏ sang làm cho cơ sở khác.

Thợ làm thuê

Người làm thuê là các thợ có một trình độ làm nghề nhất định, quen làm một sản phẩm nào đó, nên gọi là thợ theo sản phẩm hay công đoạn, như thợ đế, thợ mũ…; hoặc chỉ làm một khâu nhỏ, như khâu, đánh xi, cắt “ba via”, dán nhãn, đóng gói… Người làm thuê khá đa dạng, gồm người trong họ, trong và ngoài làng, tùy điều kiện của từng cơ sở sản xuất thiết lập. Điểm nổi bật của đội ngũ những người làm thuê trong nghề giày da ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ là phần lớn làm các công việc thủ công, một bộ phận khi vào nghề hoàn toàn chưa có một trình độ tay nghề nhất định. Họ đến để xin học nghề tại một xưởng sản xuất hay gia công. Trường hợp này, nếu người xin học việc là người trong họ, trong làng, chủ cơ sở sản xuất – gia công đã biết rõ gia thế nên dễ dàng chấp nhận hay từ chối. Nếu là người ngoài làng, việc chấp nhận hay từ chối được thực hiện sau khi chủ cơ sở xét kỹ lai lịch của họ, hoặc có khi chỉ nhìn bộ dạng bên ngoài của người đó (nhờ đúc rút được kinh nghiệm qua các lần tuyển thợ). Nếu được chấp nhận, người xin học việc được vào làm một thời gian theo thỏa thuận giữa hai bên. Quá thời gian đó, người học việc không thể hiện được tay nghề, trong khi lại bộc lộ những điều trái mắt với chủ sẽ bị ra khỏi xưởng. Trong thời gian học việc, đa số người xin việc không được nhận tiền công, chỉ được chủ nuôi ăn bữa trưa.

Người làm thuê tại các xưởng lớn sau khi thạo việc được chủ nuôi ăn, được hưởng tiền công theo sản phẩm làm ra, nếu ở xa thì được ở tại nhà chủ. Sau một thời gian, những người làm thuê từ các địa phương khác khi có được kinh nghiệm làm nghề đã về làng mở cơ sở sản xuất để làm thuê cho chủ cũ, hoặc đi làm thuê cho các chủ khác với vai trò là người thợ cả, có người về quê vay vốn mở cơ sở sản xuất riêng và họ vẫn có mối liên kết, liên doanh với chủ cũ. Từ đây, việc sản xuất giày của hai làng Giẽ có chuyển biến quan trọng: hình thành các vệ tinh không chỉ ở trong làng mà còn ở các các làng khác, các vệ tinh làm tất cả các khâu hay chuyên làm một vài khâu trong quy trình sản xuất, giúp tận dụng sức lao động trong nông thôn và mở rộng thành vùng sản xuất giày da liên làng, liên xã, liên huyện, thậm chí liên tỉnh.

3. Đánh giá việc tổ chức sản xuất ở làng làm giày da Giẽ Thượng, Giẽ Hạ

Việc khôi phục và mở rộng nghề làm giày da tạo bước ngoặt cho sự phát triển của hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ mà điểm nổi bật nhất là tạo ra công ăn việc làm cho đại bộ phận lao động trong hai làng, lan tỏa ra các vùng xa hơn, không chỉ hình thành các làng nghề, xã nghề, vùng nghề, mà còn giúp cho hai làng trở thành thủ phủ của sản xuất và tiêu thụ giày da, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, mở ra hướng phát triển cho địa phương.

Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, nghề làm giày da ở hai làng Giẽ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, lớn nhất chính là chất lượng nguồn nhân lực ở cả ba hình thức tổ chức sản xuất mà ở trên đã ít nhiều lộ ra những thông tin. Dưới đây, xin bàn thêm một số biểu hiện khác.

Trước hết, ở hình thức xưởng sản xuất, dù là xưởng lớn hay nhỏ, chủ các cơ sở sản xuất đó được ví như một đầu tàu, đầu tàu khỏe sẽ kéo được cả đoàn tàu chạy đúng đường ray và chạy nhanh; nếu không khỏe thì hoặc không thể kéo đoàn tàu đi được, hoặc có thể kéo đoàn tàu chạy nhưng dễ chệch đường ray, các tòa bị dồn lại. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các chủ cơ sở sản xuất ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, kể cả các cở sở lớn đã phát triển thành công ty, doanh nghiệp đều xuất thân từ những người thợ giày. Họ hoặc được cha chú truyền lại, hoặc mới đi học nghề, làm thuê cho các cửa hàng giày tại Hà Nội, trước thời điểm nghề làm giày được khôi phục họ mới trở lại quê ít lâu. Trong quá trình làm thuê, họ tự tích lũy kinh nghiệm tay nghề, vừa học hỏi cung cách quản lý, điều hành, chuẩn bị những điều kiện tối thiểu để thành lập xưởng riêng. Song phần lớn các chủ cơ sở sản xuất hoàn toàn không qua một trường lớp nào cả. Họ mở xưởng chỉ với mong muốn không phải đi làm thuê, cố gắng tạo dựng một cơ sở sản xuất để có nguồn thu. Theo một chủ cơ sở sản xuất ở làng Giẽ Hạ, trong gần 50 chủ các xưởng lớn trong làng, chỉ có ba người có bằng đại học, số còn lại đa phần trong độ tuổi từ 30 – 40 tuổi đều xuất phát từ nông dân, trình độ chỉ hết trung học phổ thông. Trong khi đó, để quản lý được các hoạt động của cơ sở, nhất là các cơ sở đã thành công ty, doanh nghiệp phải thuê người có trình độ đại học, cao đẳng, do vậy nảy sinh một mâu thuẫn là nông dân lãnh đạo những người có trình độ cao đẳng, đại học. Vì không cân bằng về mặt trình độ, có lúc không tìm được tiếng nói chung nên một số cơ sở, nhân lực giỏi sau một thời gian làm việc đã di chuyển đến làm ở chỗ khác, chủ xưởng “mất chất xám”, phải đi tìm thợ kỹ thuật khác, ảnh hưởng đến duy trì sản xuất. Ứng xử với thợ của một số chủ xưởng còn thiếu mềm mỏng và bình đẳng, kể cả các chủ cơ sở sản xuất đang trong quá trình khởi nghiệp.

Vì thế, số lượng các chủ lớn trong hai làng Giẽ không nhiều. Công tác tổ chức, sắp đặt bộ máy sản xuất ở đa số các xưởng bộc lộ nhiều mặt bất cập đối với sự phát triển; nhiều ông chủ chưa thật sự là ông chủ với tầm nhìn chiến lược về sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc mở rộng quy mô sản xuất, tăng thêm công nhân sẽ vấp phải những vấn đề về quản lý, từ quản lý tài chính, quản lý điều hành sản xuất đến quản lý thợ và các hoạt động khác (an ninh, cháy nổ… ); ngoài ra còn là những vấn đề về xung đột văn hóa trong đội ngũ thợ, giữa thợ với chủ xưởng, chủ gia đình gia công… Chính vì năng lực bị hạn chế trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt, nên một bộ phận khá đông các chủ xưởng ngần ngại đưa xưởng của mình phát triển, vì theo họ, “phát triển to dễ bị xuống, thậm chí bị phá sản”. Thực tế từ năm 2012 đến nay, có tình trạng một số xưởng lớn thu hẹp sản xuất, chuyển dần sang kinh doanh nguyên vật liệu, phụ kiện nghề da giày và sản phẩm giày da cùng các sản phẩm khác; đồng thời, dùng cơ sở sản xuất vào việc cho các gia đình gia công. Nhìn chung, các chủ xưởng hiện nay đều mở rộng quy mô sản xuất bằng hình thức gia công, không phải bằng mở rộng và nâng cấp quy mô xưởng; vì thế họ không muốn hoặc không thể có điều kiện để chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hay doanh nghiệp. Đến cuối năm 2017, hai làng chỉ có chưa đầy 20 công ty hay doanh nghiệp sản xuất giày.Việc không thể chuyển thành công ty hay doanh nghiệp sản xuất giày ở hai làng Giẽ phát triển trong sự bình lặng, không có sự đột phá, không tạo ra cơ sở cho sự hình thành cụm điểm công nghiệp – yếu tố quyết định cho sự phát triển của làng nghề.

Về phía các cơ sở gia công (chủ yếu là các gia đình), nguồn nhân lực chủ yếu là lao động trong nhà, có thêm một số lao động bên ngoài. Việc tổ chức làm gia công này vẫn mang những yếu tố của nghề thủ công và làng nghề thủ công truyền thống, nói một cách khác, người thợ trong nền công nghiệp gia đình không được đào tạo cơ bản, mà thông qua cha truyền con nối, làm theo tư duy kinh nghiệm. Ngày nay, các nghề và làng nghề đã có sự cải biến rất lớn về máy móc, nhưng tư duy kinh nghiệm vẫn có ảnh hưởng lớn trong tổ chức sản xuất ở gia đình. Ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, đặc tính gia đình này kết hợp với các mối quan hệ trong họ ngoài làng và họ cả làng tạo ra sự tin tưởng, gắn bó giữa các gia đình nhận gia công với các cơ sở sản xuất, nhiều trường hợp gắn bó đến 6 – 7 năm trời, được chủ các cơ sở sản xuất coi là khách hàng chung thân, bảo đảm tiến độ sản xuất và chất lượng sản phẩm, hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên, vì đa số công nhân gia đình chủ yếu làm theo kinh nghiệm, tác phong lao động nông nghiệp mang nhiều sự tùy tiện, chưa hình thành tác phong công nghiệp nên khá nhiều trường hợp, các cơ sở gia công làm chậm tiến độ, chất lượng sản phẩm không bảo đảm, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của chủ xưởng, buộc chủ phải cắt cầu, nhiều trường hợp dẫn đến mâu thuẫn giữa hai bên.

Về phía những người thợ làm thuê (cho các xưởng hay cho các cơ sở gia công), đa số họ đều là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề, chỉ một bộ phận tự đào tạo (tự học nghề và làm nghề) mà thành thạo được một hai công việc. Dù đã được hay chưa được đào tạo, họ vẫn mang nhiều tính cách của người nông dân sản xuất nhỏ. Đó là tính tùy tiện, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt nên thường làm tắt để trốn việc, làm ẩu, đặc biệt dễ đổi chủ khi có sự cạnh tranh quyết liệt về thợ ở nhiều thời điểm, ảnh hưởng xấu đến kế hoạch của chủ xưởng.

Mỗi nghề thủ công và làng nghề có các kiểu  tổ chức sản xuất riêng, phụ thuộc vào đặc điểm của nghề, vào công cụ, kỹ thuật và trình độ sản xuất của cộng đồng cư dân làm nghề. Trong bất kỳ hình thức tổ chức sản xuất nào, các chủ cơ sở sản xuất và những người thợ ở vị trí trung tâm, quyết định việc duy trì sản xuất và phát triển nghề, trong đó, chủ cơ sở như đầu tàu, tạo ra lực kéo, còn những người thợ tạo ra lực đẩy để đoàn tàu đi về phía trước. Hai nhân tố đó dựa vào nhau và phụ thuộc lẫn nhau để nghề và làng nghề phát triển.

Hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ có nghề làm giày da đến nay đã tròn 100 năm, song người thợ chủ yếu hành nghề ở các đô thị. Hai làng không chỉ là trung tâm sản xuất giày da, mà còn là thủ phủ buôn bán nguyên vật liệu và phụ kiện nghề giày da lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, các chủ xưởng lớn chưa thể hiện được vai trò đầu tàu của mình trong việc đưa nghề và làng nghề phát triển; các cơ sở gia công và thợ làm thuê chịu tác động của cơ chế thị trường nên sản xuất không ổn định, làm cho làng nghề chưa có sức bật để phát huy được lợi thế và tiềm năng của nó.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7 – 2018

Tác giả : NGUYỄN VĂN NGỰ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *