Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở hoằng hóa, thanh hóa

Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là xây dựng những điều kiện để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh trong thời gian rỗi của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật, tạo dựng một lối sống văn minh, lịch sự, những phong tục, tập quán tốt đẹp, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa phù hợp với trào lưu văn hóa tiến bộ của nhân loại. Đồng thời, cũng là xây dựng mạng lưới thiết chế văn hóa, tạo nên một cảnh quan văn hóa ở nông thôn, cảnh quan ấy mang đặc trưng kiến trúc của thời đại mới, vừa truyền thống, vừa hiện đại, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế chung của đất nước và mỗi địa phương.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nhân dân huyện Hoằng Hóa đã hăng hái tham gia thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi và phát triển các hoạt động văn hóa mới, từng bước làm khởi sắc bộ mặt quê hương và không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thực sự trở thành phong trào văn hóa lớn, có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội trên địa bàn huyện. Thông qua các hoạt động của phong trào ngày càng xuất hiện nhiều gương: người tốt – việc tốt, gia đình văn hóa, làng, khu phố văn hóa, công sở văn minh – sạch đẹp – an toàn, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít khó khăn do tác động mặt trái của cơ chế thị trường đã nảy sinh lối sống thực dụng, làm xói mòn thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của địa phương, dân tộc; tội phạm, tệ nạn xã hội phát sinh và có chiều hướng diễn biến phức tạp; công tác phối hợp giữa các thành viên còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các ban ngành, hoạt động với các ngành còn bất cập, việc phân công nhiệm vụ cho từng thành viên chưa cụ thể, hoạt động triển khai còn mang tính đơn lẻ, chưa tập trung; công tác tổ chức còn lúng túng về cơ chế hoạt động; công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào ở các địa phương tuy có bước phát triển nhưng chưa đồng đều, chưa thường xuyên, chưa ổn định; việc xây dựng các điển hình tiên tiến chưa thật sự được quan tâm đúng mức; tình trạng ô nhiễm về vệ sinh môi trường vẫn còn tồn tại ở một số làng văn hóa; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở phát triển thiếu đồng bộ ở các xã, thị trấn; công tác xã hội hóa, kêu gọi sự hỗ trợ đóng góp kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa còn gặp khó khăn, kinh phí dành cho tổ chức hoạt động nhà văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu… Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do cấp ủy đảng, chính quyền ở một số xã, thị trấn có lúc chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào; hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào ở một số cơ sở hoạt động chưa thường xuyên, phát triển chậm, thiếu đồng bộ; xem nhẹ công tác tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa trong cán bộ và nhân dân; tư tưởng, nhận thức của một số bộ phận cán bộ, nhân dân về ý nghĩa của việc xây dựng đời sống văn hóa đối với chính bản thân, gia đình và xã hội chưa cao, nên thiếu chủ động trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các phong trào; kinh phí hoạt động còn thiếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà văn hóa còn ít…

Đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Hoằng Hóa trong giai đoạn tiếp theo cần phát huy sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện. Tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hoạt động đưa văn hóa thông tin về cơ sở, nhằm phát triển cả về số lượng và chất lượng, hình thành những nhân tố nội sinh bền vững ở từng cơ sở, có sức đề kháng trước tác động của tư tưởng và sản phẩm văn hóa độc hại. Từ đó để nhanh chóng xây dựng huyện Hoằng Hóa phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn với một hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối hoàn thiện gắn kết chặt chẽ với hệ thống hạ tầng của tỉnh Thanh Hóa.

Để đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn huyện cần tập trung thực hiện một số biện pháp:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn huyện

Trước hết, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên trong huyện về các quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, định hướng của ngành cấp trên về xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời, vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tế địa phương để chủ động đề ra những chủ trương, nhiệm vụ một cách kịp thời đúng đắn. Tăng cường vai trò của tổ chức đảng trong cơ quan văn hóa và mọi hoạt động văn hóa. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giúp đỡ, đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, triển khai thực hiện nhân rộng những điển hình tiên tiến. Phát triển văn hóa cần được xác định là công tác thường xuyên mang tính chiến lược và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo của các chi bộ đảng ở địa phương. Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, cần chăm lo giáo dục nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng, đoàn thể, tầng lớp nhân dân về hoạt động văn hóa, huy động được nguồn lực của các tầng lớp dân cư tham gia tích cực vào xây dựng, phát triển văn hóa trên địa bàn huyện, ưu tiên, khuyến khích việc khôi phục và phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, kết hợp tiếp thu văn hóa tiên tiến một cách hợp lý, phù hợp với từng vùng, từng cộng đồng. Đổi mới, tăng cường nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà nước là giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trong huyện. Hoàn thành cơ bản việc thể chế hóa các quan điểm đường lối, định hướng của Đảng về văn hóa.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và hiểu biết của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, đồng bộ, thường xuyên trong các ngành, các cấp, cộng đồng dân cư để mọi người nhận thức rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của công tác xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng, với nội dung đi vào chiều sâu. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên gương mẫu đi đầu trong công tác xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, thông qua các hình thức tổ chức thông tin, tuyên truyền như: mạng internet; hệ thống đài truyền thanh…; qua tổ chức các hội nghị, tọa đàm, hội nghị chuyên đề, các cuộc giao lưu trao đổi kinh nghiệm; biên soạn và phát hành các ấn phẩm, sách, tài liệu tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa, các gương điển hình tiên tiến, bài học kinh nghiệm…; qua tổ chức tuyên truyền trực quan như pano, khẩu hiệu, banner, cờ đuôi nheo; qua tổ chức hội diễn, liên hoan văn nghệ bằng hình thức sân khấu hóa. Kịp thời biểu dương các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong xây dựng đời sống văn hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để từng bước hình thành các quy tắc ứng xử của cá nhân, gia đình, cộng đồng theo nếp sống đô thị. Đề cao vai trò của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục nhân cách, các quy tắc ứng xử, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các quy ước cộng đồng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị… gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, cơ quan văn hóa ở khu dân cư, trường học, cơ quan, doanh nghiệp… Việc tuyên truyền, giáo dục cần được xã hội hóa với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm và phải được tổ chức với nhiều nội dung thiết thực, hiệu quả, thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở

Đổi mới công tác quản lý của Nhà nước đối với việc đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện cho phù hợp với tình hình mới đó là nâng cao năng lực, tiến tới chuyên nghiệp hóa cán bộ quản lý và cán bộ nghiệp vụ văn hóa của huyện cũng như ở cơ sở. Người làm công tác văn hóa ngoài hiểu biết về chuyên môn thì cần phải bám sát, am hiểu thực tiễn của địa phương để triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phù hợp với từng đối tượng và địa bàn. Cán bộ phải tự trang bị và bổ sung thêm kiến thức, không chỉ có lĩnh vực văn hóa mà còn phải hiểu sâu và nắm vững được những quy định của nhiều lĩnh vực có liên quan đến công tác quản lý văn hóa, đồng thời cần đổi mới cả về quy trình quản lý và cách thức tổ chức triển khai thực hiện. Nắm vững đường lối chủ trương của Đảng, hiểu rõ nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần bảo vệ đường lối chủ trương chính sách của Đảng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Chú trọng công tác chỉ đạo điểm, phát hiện điển hình tiên tiến nhân ra diện rộng, sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiên tiến xuất sắc, tạo ra không khí thi đua sôi nổi giữa các xã, thị trấn, khu dân cư, các tổ chức, đơn vị tạo động lực mạnh mẽ nâng cao chất lượng hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa là nhiệm vụ quan trọng của quản lý nhà nước, đặc biệt là của cơ quan kiểm duyệt, thanh tra. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn vững vàng, am hiểu pháp luật về văn hóa, nắm bắt tính đặc thù của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi của công việc.

Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn huyện

Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và của các tổ chức chính trị – xã hội. Trong đó cần phát huy vai trò của các tổ chức cấp cơ sở, các tổ chức tự quản tại khu dân cư như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mặt trận, cựu chiến binh, các tổ dân phố trong việc tổ chức hoạt động văn hóa. Từng bước nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho mỗi gia đình, động viên khích lệ các gia đình tích cực lao động sản xuất, khuyến khích làm giàu chính đáng, xây dựng nếp sống tuân thủ theo pháp luật của Nhà nước. Dùng dư luận xã hội điều chỉnh các hành vi cá nhân, gây tâm lý xã hội một cách rộng rãi, mạnh mẽ trong việc phê phán những hành vi tiêu cực và ca ngợi những nét đẹp truyền thống của con người.

Đầu tư các nguồn lực cho việc đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, cần xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đảm đương công việc. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực văn hóa, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa vững vàng về tư tưởng chính trị, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ cao về ngoại ngữ, đặc biệt là khâu thẩm định, thanh tra, kiểm tra văn hóa. Chú trọng đào tạo kiến thức về quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa cho cán bộ cơ sở xã, thị trấn; khắc phục tình trạng thiếu cán bộ hoạt động văn hóa được đào tạo cơ bản. Áp dụng chính sách định kỳ và cơ chế bảo đảm chất lượng bồi dưỡng, đào tạo lại chuyên môn cho đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa. Khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để xã hội hóa hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo đi đôi với việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo văn hóa, đảm bảo mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài của Đảng và Nhà nước.

Tăng cường đầu tư ngân sách cho văn hóa, nhân tố quan trọng để thúc đẩy văn hóa phát triển, đảm bảo kinh phí cho các chương trình mục tiêu lớn về văn hóa. Nâng cấp, cải tạo và xây mới một số nhà văn hóa, trung tâm văn hóa xã, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa công cộng; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức kinh doanh dưới sự quản lý và hướng dẫn của Nhà nước đối với một số loại dịch vụ văn hóa. Trong các cơ quan, công sở, trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp… phải quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa, để phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ, công nhân, viên chức.

Đầu tư trong việc xây dựng thiết chế văn hóa thông tin cơ sở ở xã, thị trấn, thôn, làng, khu phố. Cần chú ý đến nhu cầu thực sự của người dân, môi trường xã hội và tính hiệu quả để việc xây dựng thiết chế văn hóa thông tin cơ sở không mang tính hình thức.

Xã hội hóa các hoạt động văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn huyện. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thu hút toàn xã hội, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến sản phẩm văn hóa, xây dựng cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội phát triển sự nghiệp văn hóa, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Do tính đặc thù, nhạy cảm về chính trị, tư tưởng, nên trong công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa cần có bước đi thích hợp cho từng loại hình. Phân loại rõ chức năng các loại dịch vụ văn hóa, trong đó có các loại dịch vụ công, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước và các loại dịch vụ khác để có hướng đầu tư và khuyến khích chuyển đổi phù hợp. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức kinh doanh dưới sự quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực; xây dựng rạp chiếu bóng, nhà hát, thư viện, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, đại lý băng hình, phát hành phim, sách báo, triển lãm mỹ thuật, dạy học múa, nhạc, họa… Phát triển quỹ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đóng góp kinh phí cho tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin và giữ gìn di sản văn hóa dân tộc. Áp dụng các hình thức ghi công thích hợp, ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động văn hóa. Đẩy mạnh các phong trào văn hóa – văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phù hợp với điều kiện, nhu cầu, sở thích của nhân dân. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa ở các vùng sâu, vùng xa của huyện, đội ngũ văn nghệ sĩ, các nghệ nhân, hạt nhân phong trào, tận dụng vốn văn hóa cổ truyền, nhằm khuyến khích sự tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, trong đó vai trò và trách nhiệm chính trong lĩnh vực này là phòng VHTT huyện. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực, trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Quá trình đẩy mạnh và nâng cao công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn huyện Hoằng Hóa là một quá trình lâu dài, cần phải tính toán thận trọng trong từng bước đi, tạo dựng những nền tảng cơ bản về nhận thức và tinh thần trong từng thôn, làng, khu dân cư, từng người dân. Từ đó, có các biện pháp tác động thật cụ thể, rõ ràng với mục đích hướng tới xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, xây dựng các thiết chế văn hóa tạo ra một đời sống văn hóa đầy đủ các yếu tố nhằm phục vụ nhu cầu phát triển ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân trong huyện. Để làm được điều này, cần phải dự báo thật tốt các yếu tố tác động tới quá trình xây dựng, phân tích đánh giá thực trạng hiện tại của đời sống văn hóa trên địa bàn huyện. Ngoài ra, các giải pháp phải mang tính trước mắt và có tính lâu dài, phù hợp với tình hình thực tại và từng bước đi trong quá trình xây dựng và phát triển.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017

Tác giả : NGUYỄN MINH TIỆP

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *