Ứng phó của văn hóa việt nam trước tác động toàn cầu hóa kinh tế

Văn hóa và ý thức xã hội của loài người dựa vào sự tồn tại của xã hội và phát triển theo sự phát triển của xã hội. Sự di chuyển vượt qua biên giới quốc gia của những yếu tố sản xuất như vốn, kỹ thuật, nhân tài, tri thức, thông tin mà toàn cầu hóa kinh tế đem lại, sẽ dẫn tới sự thay đổi văn hóa dân tộc và quan điểm giá trị của mỗi nước, khiến cho văn hóa các nước thể hiện ra tư thế phát triển mới tương ứng với toàn cầu hóa kinh tế. Muốn chiếm ưu thế trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế thì phải định ra chiến lược phát triển văn hóa thích ứng.

1. Xu thế phát triển văn hóa toàn cầu

Đối mặt với toàn cầu hóa kinh tế, dù là quốc gia phát triển hay đang phát triển, dù muốn hay không muốn, tự giác hay không tự giác đều phải hòa nhập vào trong đó, nếu không sẽ mất đi không gian sinh tồn. Toàn cầu hóa kinh tế tất nhiên sẽ đem lại tác động sâu sắc cho văn hóa toàn cầu, làm cho các nền văn hóa phát sinh biến đổi to lớn.

Về xu thế phát triển cụ thể của văn hóa toàn cầu, theo quan điểm của giới học thuật chủ yếu có ba xu hướng: thừa nhận toàn cầu hóa văn hóa, văn hóa toàn cầu sẽ đa nguyên hóa, nhất thể hóa trong đa nguyên văn hóa toàn cầu.

Để phán đoán chuẩn xác xu thế và phân tích con đường toàn cầu hóa kinh tế tác động văn hóa toàn cầu là việc làm tất yếu.

Thứ nhất, lưu động trong phạm vi toàn cầu hóa của sản xuất và tiêu dùng vật chất làm cho văn hóa gia nhập vào hàng hóa trở thành tính thế giới. Tính thế giới này phần lớn đều hạn chế ở tầng văn hóa tiêu dùng như văn hóa Mac Donal, Kenturky.

Thứ hai, sự di chuyển nguồn nhân lực cũng làm cho văn hóa dân tộc cùng với sự di chuyển của con người thúc đẩy lẫn nhau. Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, sự di chuyển lưu động quốc tế của nhân lực khoa học kỹ thuật và sức lao động trở nên rộng rãi, chủ yếu là di chuyển lưu động từ các quốc gia đang phát triển sang quốc gia phát triển. Bản thân những nguồn nhân lực này chính là thể chuyển tải văn hóa các dân tộc.

Thứ ba, lưu động tính toàn cầu của thông tin phát triển nhanh, mạnh, trực tiếp thúc đẩy giao lưu lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Đương nhiên, lưu động thông tin này là không bình đẳng giữa quốc gia đang phát triển và quốc gia phát triển. Năm 1993, chính phủ Mỹ công bố chương trình hành động kết cấu cơ sở thông tin quốc gia với mục đích lợi dụng truyền bá thông tin mạng toàn cầu mở ra chiến trường tư tưởng, dùng quan niệm tự do, dân chủ, nhân quyền để chiếm lĩnh, thống trị thế giới.

Thứ tư, các quốc gia phát triển phương Tây dựa vào xu thế toàn cầu hóa kinh tế trực tiếp phổ biến văn hóa và quan điểm giá trị của mình. Toàn cầu hóa kinh tế lành mạnh đòi hỏi sự tôn trọng lẫn nhau về văn hóa và quan điểm giá trị khác nhau, tăng cường giao lưu và đối thoại. Tuy nhiên, hiện nay các quốc gia phát triển phương Tây dựa vào ưu thế kinh tế, cưỡng chế thi hành rộng rãi văn hóa và quan điểm giá trị của mình với ý đồ làm cho các nước đang phát triển cam chịu và phụ thuộc.

Góc nhìn khác nhau của người nghiên cứu cũng sẽ ảnh hưởng đến phán đoán hướng đi của văn hóa toàn cầu trong toàn cầu hóa kinh tế.

Nếu coi nhân loại là một chỉnh thể, cùng với sự phát triển đi vào chiều sâu và với tốc độ nhanh hơn của toàn cầu hóa kinh tế, loài người đứng trước nhiều vấn đề chung đòi hỏi các dân tộc cùng đối phó như sinh thái, tài nguyên, dân số, ma túy… Về ý nghĩa này, do toàn cầu hóa kinh tế kết nối lợi ích các dân tộc lại với nhau, người ta bắt đầu xem xét vấn đề từ chỉnh thể nhân loại, thừa nhận tính cộng đồng chung của văn hóa nhân loại. Việc giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có văn hóa và giá trị tương ứng như ý thức toàn cầu, chủ nghĩa pháp lý, chủ nghĩa chế độ, đối thoại và hợp tác. Đương nhiên, mức chấp nhận những quan niệm và giá trị mới hiện nay còn có hạn, nhưng tính xu thế của nó đã rất rõ ràng.

Nếu nhìn từ góc độ quốc gia dân tộc, cho dù một số vấn đề toàn cầu đã dẫn đến một số lợi ích chung của toàn nhân loại, nhưng những lợi ích ấy còn chưa cấu thành hình thức chủ đạo của lợi ích nhân loại, cũng tức là, toàn cầu hóa  kinh tế không có nghĩa là các quốc gia dân tộc có lợi ích hoàn toàn giống nhau. Toàn cầu hóa theo quan điểm phương Tây trên thực tế chỉ là phản ánh lợi ích các quốc gia phát triển. Vì vậy, toàn cầu hóa kinh tế không thể cấu thành điều kiện văn hóa đi tới đồng nhất hoặc nhất thể hóa. Ngược lại, do sự nhấn mạnh của những khác biệt dưới điều kiện toàn cầu hóa và sự tồn tại của cục diện đa nguyên lợi ích, lại làm cho sự đa dạng của phát triển văn hóa có cơ sở vững chắc hơn. Toàn cầu hóa kinh tế không thể làm cho khoảng cách của phát triển kinh tế giữa các quốc gia dân tộc trở nên nhỏ đi, mà lại làm cho khoảng cách trở nên rộng hơn.

Bởi vậy, một cách cơ bản, toàn cầu hóa văn hóa hoặc đa nguyên hóa, hay nhất thể hóa đa nguyên của văn hóa, kỳ thực không có lợi cho việc làm rõ quan hệ toàn cầu hóa kinh tế với văn hóa toàn cầu.

Dù trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế, một số vấn đề toàn cầu đã tạo nên sự quan tâm chú ý chung của nhân loại, tiến tới có thể tìm kiếm ý tưởng chung như luân lý toàn cầu, nhưng sự nới rộng khoảng cách phát triển kinh tế của các nước phát triển và đang phát triển khác nhau khá lớn. Chỉ cần tồn tại khoảng cách của trình độ phát triển kinh tế, thì trở ngại này sẽ khó xóa bỏ.

2. Xung đột và hòa nhập của văn hóa toàn cầu

Văn hóa toàn cầu trong giao lưu giữa xung đột và hòa nhập đi tới giai đoạn mới thích ứng với toàn cầu hóa kinh tế. Sự liên hệ chặt chẽ của văn hóa với sản xuất đã quyết định một phương thức sản xuất luôn đòi hỏi sự nâng đỡ của quan điểm giá trị văn hóa, phương thức tư duy tương ứng cùng với trình độ ngày càng cao của toàn cầu hóa kinh tế. Lưu động trong phạm vi thế giới của kỹ thuật, nhân lực, vốn tư bản và kinh tế, khiến cho giao lưu qua lại giữa các nước chặt chẽ hơn bất cứ lúc nào, làm cho cơ hội xung đột sẽ tăng lên hơn trước. Như vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, thách thức, cọ xát, xung đột giữa văn hóa các dân tộc không thể tránh khỏi. Đây là mặt khách quan của khả năng tồn tại trong xung đột văn hóa. Về mặt chủ quan, thì chủ nghĩa bá quyền văn hóa là nguyên nhân tiềm tàng của xung đột văn hóa. Các nước phát triển phương Tây, đại diện là Mỹ, xuất phát từ nhu cầu bá quyền thống trị thế giới đã dựa vào sức mạnh khoa học kỹ thuật, thực lực kinh tế và kinh doanh lũng loạn truyền thông toàn cầu. Trong lĩnh vực văn hóa, các nước phát triển truyền bá phương thức sinh hoạt, quan niệm giá trị và hình thái ý thức chủ nghĩa trung tâm Âu Mỹ, tạo ra mâu thuẫn và đối lập về văn hóa giữa các quốc gia.

Đồng thời toàn cầu hóa đã thúc đẩy sự gia tăng giao lưu qua lại phổ biến giữa các nền văn hóa. Cộng đồng quốc tế đã nỗ lực để xóa bỏ xung đột, tạo cơ hội hiểu biết lẫn nhau, xung đột giữa văn hóa dân tộc sẽ giảm đi và tiến tới một giai đoạn phát triển mới.

Phát triển văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới đều trải qua quá trình xung đột, thu hút lẫn nhau. Đây là quy luật quan trọng của phát triển văn hóa các dân tộc. Trong giao lưu văn hóa , phương thức sinh hoạt và quan niệm giá trị của con người đều nảy sinh, biến đổi một cách khó biết trước. Sự biến đổi này trên cơ sở lắng đọng văn hóa dân tộc mình, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để trở nên tốt đẹp hơn.

Đối thoại bình đẳng giữa các nền văn hóa, giảm bớt xung đột đã trở thành hướng nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Người ta đã ý thức được, đa nguyên hóa và tính đa dạng của văn hóa đối với thế giới rất quan trọng cho sự phát triển văn hóa loài người.

3. Phát triển văn hóa Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa

Dựa trên nền tảng phát triển của kinh tế thị trường xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc

Trong tiến trình toàn cầu hóa, quy tắc kinh tế thị trường trở thành quy tắc kinh tế thế giới và của các chế độ giống nhau cũng như khác nhau. Về ý nghĩa này, sự xác lập và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã cung cấp điều kiện tiền đề cho Việt Nam hòa nhập tốt hơn vào toàn cầu hóa kinh tế. Cùng với sự phát triển từng bước của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, do những yếu tố văn hóa của kinh tế thị trường phát sinh ra như quan niệm giá trị và phương thức tư duy tương ứng với nó, từng bước được xác lập, quan niệm cạnh tranh, quan niệm pháp luật, quan niệm thời gian, quan niệm phân phối,… đều chiếm vị trí quan trọng trong tư tưởng con người và tiến tới hình thành thể chế văn hóa kinh tế thị trường. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, khi định ra chiến lược phát triển văn hóa xã hội chủ nghĩa, trước hết phải tiến hành điều chỉnh kết hợp một cách hữu cơ, nhuần nhuyễn ý tưởng ưu tú của kinh tế thị trường với thực tiễn văn hóa Việt Nam.

Chống lại chủ nghĩa dân tộc văn hóa cực đoan và chủ nghĩa bá quyền văn hóa

Dưới xu thế toàn cầu hóa kinh tế, nhất thể hóa văn hóa và đa nguyên văn hóa cùng tồn tại và tác động lẫn nhau, vì vậy khi định ra chiến lược phát triển văn hóa vừa không thể nhấn mạnh quá mức đa nguyên làm nảy sinh chủ nghĩa dân tộc văn hóa cực đoan, cũng không thể nhấn mạnh xu thế đồng nhất mà khoan dung chịu đựng, tiếp nhận chủ nghĩa bá quyền văn hóa. Chủ nghĩa dân tộc văn hóa cực đoan nhấn mạnh bảo tồn văn hóa cố hữu, phản đối qua lại và hòa nhập văn hóa. Các nền văn hóa đều có tính hạn chế lịch sử, mỗi loại hình thái văn hóa đều phải tiến hành so sánh trên mức độ đồng đẳng với văn hóa thế giới, tìm ra nguyên nhân nội tại, khoảng trống của văn hóa dân tộc so với văn hóa thế giới. Dưới bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, các nước phương Tây có ưu thế về kinh tế đã thực hiện bá quyền văn hóa. Họ cho rằng nguyên nhân kinh tế phát triển của họ là ở tính tiên tiến của ý tưởng văn hóa và quan niệm giá trị của họ, sự phát triển văn hóa các dân tộc trên thế giới đều phải học tập. Đồng thời, thế mạnh vật chất cũng tạo ra hậu thuẫn lớn mạnh và nâng đỡ kỹ thuật cho sự truyền bá ý tưởng văn hóa của họ.

Bảo vệ an toàn văn hóa, mở cửa văn hóa

An toàn văn hóa là đảm bảo cơ bản xây dựng hướng đi tương lai và mạch phát triển tổng thể của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là điểm tựa nâng đỡ quan trọng của việc giữ vững an ninh quốc gia. An toàn văn hóa là có thể bảo vệ được tính ổn định tương đối của quan điểm giá trị, phương thức hành vi đối với nhân dân, bảo vệ tính dân tộc của văn hóa, xóa bỏ và hóa giải có hiệu quả rủi ro văn hóa tiềm tàng, bảo vệ lòng tự tôn và sức tụ hội của dân tộc, đảm bảo chắc chắn chủ quyền văn hóa quốc gia. Các nước đang phát triển, trong khi tham dự tiến trình toàn cầu hóa do các nước phương Tây chủ đạo, phải bảo vệ lợi ích dân tộc, chú ý tới đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế, phát huy tác dụng của văn hóa truyền thống trong thực hiện phát triển kinh tế. Phải đặt việc bảo vệ an toàn văn hóa quốc gia vào vị trí quan trọng, xác lập chiến lược phát triển văn hóa lấy lợi ích quốc gia làm nguyên tắc cao nhất. Xây dựng hệ thống dự phòng an toàn văn hóa tích cực, có thể dự báo chuẩn xác xu thế lưu động của thị trường hàng hóa văn hóa quốc tế và ảnh hưởng của nó đối với nước ta. Hoàn thiện hệ thống bảo hộ quyền tài sản tri thức quốc gia. Thúc đẩy toàn diện việc xây dựng hệ thống năng lực đổi mới văn hóa quốc gia để tăng cường năng lực xử lý tổng hợp đối với các nhân tố cấu thành đe dọa  an toàn văn hóa quốc gia và năng lực phản ứng nhanh đối với sự kiện đột phát. Nhưng, bảo vệ an toàn văn hóa quốc gia không thể trở thành cái cớ để ngăn cản mở cửa văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, nếu thi hành chính sách bế quan tỏa cảng, chỉ có thể rời khỏi con đường lớn phát triển văn minh thế giới, lạc hậu với tiến trình phát triển lịch sử thế giới. Cùng với sự truyền bá của thông tin trong phạm vi toàn cầu, quan niệm tư tưởng của con người sẽ phát sinh biến đổi sâu sắc, một quốc gia phải có tâm thế mở cửa thu hút cái mạnh của các nước và tiếp biến, hòa nhập vào văn hóa truyền thống dân tộc.

Cùng với những quốc gia đang phát triển thành lập trật tự mới văn hóa quốc tế

Trật tự văn hóa quốc tế hiện nay phần lớn là do các nước phát triển phương Tây chủ đạo. Một tác phẩm văn học, bộ phim… muốn được thừa nhận trong phạm vi quốc tế, phải dùng thước đo của người phương Tây, quyết định ở sự phán đoán của quan điểm giá trị phương Tây. Trật tự văn hóa quốc tế cũ này gây làm trở ngại cho sự phát triển văn hóa của đông đảo các nước đang phát triển, bất lợi cho sự hình thành cục diện văn hóa toàn cầu phong phú nhiều màu sắc.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, văn hóa các dân tộc đều giao lưu qua lại, thu hút tinh hoa văn hóa của nhau tiến tới giai đoạn mới thích ứng với toàn cầu hóa kinh tế. Đầu những năm 20 TK XX, Mahatma Gandhi, người cha già của đất nước Ấn Độ, danh nhân văn hóa thế giới đã từng nói: “Tôi hy vọng làn gió văn hóa các nơi đều thả cửa thổi vào khuôn viên gia đình tôi, nhưng tôi không thể để nó mang đi gốc rễ của tôi Điều này rất có ý nghĩa đối với văn hóa Việt Nam khi đang đứng trước thách thức gay gắt của toàn cầu hóa kinh tế.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : LÊ THỊ THU HIỀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *