Nguồn lực di sản văn hóa trong phát triển du lịch ở quảng ninh

Sự phát triển du lịch dựa trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa dân tộc là phương thức mà ngành du lịch Việt Nam đặc biệt quan tâm để tạo nên sự khác biệt, độc đáo nhằm thu hút du khách. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa rất riêng, mỗi tỉnh thành có những thế mạnh về giá trị di sản văn hóa khác nhau để khai thác phát triển du lịch. Trong đó, Quảng Ninh được coi là tỉnh có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch. Nguồn lực di sản văn hóa của Quảng Ninh có thể xác định theo 3 nhóm chính: văn hóa Hạ Long, trung tâm Phật giáo Yên Tử, văn hóa bản địa và các tài nguyên nhân văn khác.

1. Nguồn lực di sản văn hóa ở Quảng Ninh

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều điểm đến du lịch với các tài nguyên vật thể và phi vật thể thuộc ba thể loại chính: tự nhiên, văn hóa và các thành phố. Bên cạnh các điểm đến khai thác di sản tự nhiên như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn… và các thành phố như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái đã rất nổi tiếng, thì Quảng Ninh còn có nhiều giá trị di sản văn hóa đậm đặc nhưng chưa phát huy được hết thế mạnh trong phát triển du lịch tỉnh. Bởi vậy, nó được xem là nguồn lực đầy tiềm năng cho Quảng Ninh làm mới sản phẩm du lịch của mình trong sự biến chuyển không ngừng của ngành công nghiệp không khói này.

Văn hóa Hạ Long

Năm 1937-1938, các nhà khảo cổ M.Colani (Pháp) và G.J.Anderson (Thụy Điển) đã lần lượt phát hiện ra các dấu tích cư trú của người tiền sử ở trên và ven bờ vịnh Hạ Long như: Danh Do La, Tuần Châu, Cái Dăm… (1). Họ đã gọi đây là Văn hóa Danh Do La – tên đảo Ngọc Vừng thời Pháp để chỉ chung đặc trưng các di tích khảo cổ này. Sau khi hòa bình lập lại, các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện thêm nhiều di tích có đặc trưng tương đồng và đã dùng thuật ngữ Văn hóa Hạ Long thay cho Văn hóa Danh Do La. Cho đến nay, đã có khoảng gần 50 di tích Văn hóa Hạ Long được phát hiện trên các đảo của vịnh Hạ Long cũng như dọc bờ biển từ Móng Cái đến Vân Đồn, với đặc trưng chung về loại hình – kỹ thuật chế tác công cụ đá và đồ gốm có niên đại từ 5.000 – 3.000 năm cách ngày nay.

Nét văn hóa đặc trưng của người cổ Hạ Long chính là công cụ đá và đồ gốm. Đó là những chiếc rìu, bôn bằng đá có vai, có nấc độc đáo với nhiều chất liệu, kích cỡ. Đặc biệt là nghề gốm và đồ gốm, trong đó gốm xốp thể hiện đặc trưng của miền biển Hạ Long. Các đồ gốm gia dụng đều được chế tác từ nguyên liệu là vỏ nhuyễn thể đập nát trộn cùng cát, đất; bên ngoài được trang trí hoa văn hình sóng nước – mang đậm ảnh hưởng của biển. Các nhà khảo cổ cho rằng với sự phát triển đỉnh cao của kỹ thuật chế tác công cụ đá, làm gốm, trồng cây lấy sợi và bằng tích lũy kinh nghiệm sống trên biển, chắc hẳn người Hạ Long xưa đã sáng tạo ra nhiều phương tiện vận tải thủy để đánh bắt hải sản, trao đổi sản vật với các vùng miền khác. Bằng chứng là tại Hà Giang, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rìu, bôn có vai, có nấc kiểu Hạ Long; gốm xốp Hạ Long và cả những chiếc rìu có vai, có nấc và bàn mài rãnh dấu Hạ Long đã tìm thấy trong di tích Mả Đống – gò Con Lợn (Phú Thọ), núi Hổ, núi Dê (Nam Định), Mán Bạc (Ninh Bình), Hoa Lộc (Thanh Hóa); xa xôi hơn là ở tận ven biển Phúc Kiến (Trung Quốc)… Điều này cho thấy tầm hoạt động, mối giao lưu văn hóa rộng mở, hấp dẫn và năng động của người cổ Hạ Long.

Thời đại Hùng Vương (khoảng 2.500 – 2.000 năm trước), dấu ấn Văn hóa Hạ Long tiếp tục ảnh hưởng tới các nền văn hóa cùng thời ở các vùng miền trung du Bắc Bộ, ven biển Thanh Hóa. Ngược lại, các nền văn hóa này cũng tác động không nhỏ đến Văn hóa Hạ Long, thể hiện qua các công cụ, đồ gốm phát hiện ở hang Bồ Chuyến (Đại Yên, TP.Hạ Long), Đầu Rằm (Hoàng Tân, Quảng Yên). Văn hóa Hạ Long – theo các nhà khảo cổ – về bản chất là văn hóa biển, tồn tại và phát triển bao giờ cũng năng động trong các mối giao lưu, hội nhập và thích ứng văn hóa và là một trong 4 nền văn hóa biển tiền sử Việt Nam gồm: Hạ Long (Quảng Ninh), Hoa Lộc (Thanh Hóa), Bàu Tró (Quảng Bình), Xóm Cồn (Khánh Hòa).

Trung tâm Phật giáo Yên Tử

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên – Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt.

Về địa lý, Yên Tử là dãy núi thấp, thuộc hệ thống cánh cung Đông Triều, một vùng địa chất được hình thành từ kỷ Đệ tứ, với các loại đá gốc, như sa thạch, sỏi kết sạn và phù sa cổ… Địa hình, địa chất phức tạp của khu vực đã kiến tạo nên các điểm cảnh quan kỳ vĩ, như: thác Ngự Dội, Vàng, Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử… Khu vực Yên Tử có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2686ha, trong đó có 1736ha rừng tự nhiên, nơi còn bảo tồn được nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm… Xen kẽ với thiên nhiên là hệ thống chùa, am, tháp…

Hội Yên Tử là lễ hội hành hương vào mùa xuân, bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng hàng năm và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân.

Khu vực Yên Tử bao gồm một số địa điểm và kiến trúc Phật giáo chính như: chùa Bí Thượng, suối Tắm, Cầm Thực, Lân, Giải Oan, cụm tháp Hòn Ngọc, vườn tháp Huệ Quang (khu tháp tổ), chùa Hoa Yên, am Thiền Định, chùa Một Mái, am Thung, am Dược, chùa Bảo Sái, Vân Tiêu, chùa Đồng…

Để khẳng định giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.

Văn hóa bản địa

Xét về tính đa dạng dân tộc, tỉnh Quảng Ninh gồm có 22 dân tộc, nhưng chỉ có 6 dân tộc có dân số trên 1000 người, bao gồm: Kinh, Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chảy và người Hoa. Các nhóm dân tộc này sinh sống trong cộng đồng riêng của họ, có phương ngữ và các đặc tính dân tộc riêng. Tính đa dạng dân tộc với các tài sản văn hóa bao gồm kiến trúc địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ như thêu thùa, đồ gốm, âm nhạc và các lễ hội.

Chỉ nói riêng đến các lễ hội truyền thống đã thấy được sự đa dạng trong bức tranh văn hóa tộc người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các lễ hội truyền thống ở đây mang đặc trưng của ba vùng: vùng núi, vùng biển và vùng đồng bằng.

Thực tế do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số còn lại tới nay không nhiều. Hiện chỉ còn ở một số địa phương mà tiêu biểu nhất là hội làng của đồng bào Dao ở xã Bằng Cả (Hoành Bồ), diễn ra 4 lần trong năm, trong đó ngày mở đầu (1-2 âm lịch) và ngày kết thúc (20-10 âm lịch) được tổ chức to nhất; trong khi đó, với đồng bào Sán Chỉ xã Húc Động (Bình Liêu), hội soóng cọ tổ chức vào ngày 16-3 âm lịch hàng năm được coi là lễ hội tiêu biểu của dân tộc…

Các lễ hội vùng ven biển, hải đảo, số lượng tuy không nhiều nhưng giá trị và ý nghĩa không vì thế mà nhỏ. Đáng kể nhất là lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái), lễ hội Vân Đồn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn)… Sự khác biệt lớn nhất so với những lễ hội ở vùng núi và đồng bằng là ảnh hưởng của yếu tố biển trong lễ hội qua các nghi lễ tế, rước thần, các cuộc thi, trò chơi dân gian.

Chiếm số lượng nhiều hơn cả là các lễ hội vùng đồng bằng. Hầu hết các lễ hội đều gắn với một di tích cụ thể như: lễ hội Tiên Công, Bạch Đằng, hội chùa Quỳnh Lâm, hội đền An Sinh… Trong lễ hội thường diễn ra các hoạt động rước sắc phong, tượng, bài vị của thần, tế lễ; các trò chơi dân gian mang đặc trưng của đồng bằng: kéo co, đánh vật, đánh đu, cờ tướng, cờ người… Mọi người đến hội với mục đích thắp hương lễ thần, Phật, cầu cho bản thân, gia đình và mọi người cùng mạnh khỏe, vạn sự may mắn, hay là vãn cảnh, nhớ về cội nguồn…

Ngoài ra, Quảng Ninh còn các tài nguyên nhân văn khác như nghệ thuật rối nước, thi đấu vật truyền thống ở thị xã Quảng Yên, nghi thức thi cấy lúa của phụ nữ ở đảo Hà Nam, nghi lễ văn hóa của dân tộc Sán Dìu, nghi lễ hát then của người Tày… Tất cả tạo ra bức tranh văn hóa nhiều màu sắc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Điều này hoàn toàn có thể trở thành nguồn lực phục vụ phát triển du lịch trong bối cảnh hướng đến phát triển bền vững trên nền tảng nguồn lực địa phương như hiện nay.

2. Hiện trạng khai thác nguồn lực di sản văn hóa phục vụ du lịch ở Quảng Ninh

Quảng Ninh có một phạm vi đa dạng của các dịch vụ du lịch thiên nhiên, lịch sử và văn hóa với những chất lượng khác nhau. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận địa bàn, không được quốc tế hóa và được biết đến trên phương diện toàn cầu đã gây cản trở sự phát triển của một số nơi tham quan du lịch Quảng Ninh. Những thành phố lớn của Quảng Ninh còn mang trong mình nhiều tiềm năng phát triển. Những nơi này chưa có đủ cơ sở vật chất để thu hút khách du lịch, thiếu những cơ sở lưu trú sang trọng, nhà hàng đẳng cấp thế giới và những nơi mang tính hấp dẫn cao.

Đối với các điểm đến văn hóa, Quảng Ninh có những di tích văn hóa lịch sử có tiềm năng lớn như khu di tích Yên Tử, làng quê Yên Đức, nhưng những nơi này lại ít được biết đến trên toàn cầu và quốc tế. Khu di tích Yên Tử, một điểm đến chất lượng cao và phát triển tốt, là một trong những tài sản văn hóa nổi bật nhất của tỉnh. Mặc dù có nhiều tiềm năng du lịch lớn nhưng du khách quốc tế lại ít biết đến Yên Tử. Phần lớn lượng khách du lịch đến với Yên Tử là khách nội địa với khoảng 2,5 triệu lượt năm 2012, trong số đó chỉ có khoảng 50 nghìn du khách quốc tế, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Một tài sản có tiềm năng lớn là làng quê Yên Đức. Đây là điểm du lịch trong tour trọn gói cho khách du lịch phương Tây và được tiếp thị rất tốt. Yên Đức mang lại một sự trải nghiệm tuyệt vời về văn hóa, có nơi ăn nghỉ đạt chất lượng cao. Du khách có thể tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và tham gia vào cuộc sống nơi làng quê, bao gồm cả kiểu đánh cá truyền thống và nấu ăn. Những trải nghiệm cũng được quảng bá trực tuyến với nội dung rất rõ ràng và đầy đủ trên trang web và trên các mạng xã hội tích cực.

Các điểm du lịch khai thác giá trị khảo cổ của Văn hóa Hạ Long cũng được quan tâm như: di chỉ Thoi Giếng, Ngọc Vừng, hang Tiên Ông, hang Thiên Long… Những giá trị của nền văn hóa này vẫn được duy trì và phát triển cùng với sự tồn tại của cộng đồng ngư dân sinh sống trên vịnh Hạ Long tại các làng chài. Một số tour du lịch đã đưa nội dung tìm hiểu đời sống dân cư, tham quan làng chài (trải nghiệm cuộc sống cùng người dân chài, tìm hiểu phong tục tập quán, tham gia chế tác ngư cụ truyền thống…) luôn hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Hiện nay có một số tour như khám phá văn hóa làng chài kết nối khu tái định cư làng chài Cái Xà Cong, Vông Viêng và Cửa Vạn. Tour này xây dựng điểm thăm quan du lịch văn hóa làng chài trên bờ gồm các hạng mục: bến đỗ thuyền, khu bến cá, khu ẩm thực hải sản, khu chế tác ngư cụ truyền thống, khu bảo tàng nghề biển ngoài trời, tham gia đánh cá trên vịnh với ngư dân, tham quan làng chài nổi trên vịnh. Ngoài ra, tour hang động có tham quan di chỉ khảo cổ học Mê Cung, hang Trống, Trinh Nữ, hay tour khu vực thung lũng biển có tham quan trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn với không gian sinh hoạt cộng đồng, tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa dân gian của ngư dân làng chài…

Bên cạnh đó còn nhiều công trình văn hóa tâm linh khác như: chùa Ba Vàng, Cái Bầu, đền thờ Trần Hưng Đạo, đền An Sinh và lăng mộ các vị vua của triều đại nhà Trần… Nếu những điểm này được tổ chức quy củ sẽ làm phong phú thêm hình thức du lịch văn hóa cho Quảng Ninh.

3. Một số đề xuất khai thác nguồn lực di sản văn hóa trong phát triển du lịch ở Quảng Ninh

Trước tiên là vấn đề thể chế chính sách. Công tác quản lý văn hóa các cấp cần khoanh vùng bảo vệ di sản, tổ chức tham vấn cộng đồng địa phương và các nhà khoa học để có kế hoạch bảo vệ những khu vực di sản đang có nguy cơ xuống cấp. Bên cạnh đó, cần quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lực di sản văn hóa theo giai đoạn. Toàn bộ chương trình phát triển du lịch tuân theo quy hoạch mới, từng bước điều chỉnh quy hoạch cũ. Theo đó, nhất thiết phải xây dựng quy chế quản lý dân cư, cộng đồng địa phương trong khu vực có di sản; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy ước, quy định tại các điểm du lịch khai thác di sản phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Để làm được điều đó, cần nâng cao năng lực quản lý, tổ chức tập huấn, đào tạo, tham quan học tập nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ quản lý cho các cán bộ tại các ban quản lý di sản và các sở, ban ngành liên quan. Đội ngũ cán bộ tại các khu di sản và các sở, ban ngành liên quan cần được đào tạo, trau dồi kiến thức thông qua các lớp tập huấn ngắn và dài hạn, các đợt tham quan, học tập thực tế trong và ngoài nước để không ngừng nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn.

Vấn đề tuyên truyền, giáo dục: cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về quản lý, bảo tồn các tài nguyên văn hóa thông qua các loại hình như: pano, tờ rơi, tờ gấp, phát thanh truyền hình, tập san, tạp chí, website… Tổ chức các lớp tập huấn, tham quan học tập cho cán bộ và cộng đồng địa phương nhằm nâng cao ý thức về tài nguyên văn hóa. Đối với hoạt động này cần chú trọng đến các lớp tập huấn chuyên ngành, đối thoại, thảo luận chuyên đề, tham quan học tập mô hình. Ngoài ra cũng cần chú ý đến việc trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ cho việc truyền thông. Đặc biệt, cần tăng cường tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về đào tạo, kỹ thuật, tài chính, dự án để bảo tồn và phát huy giá trị các tài nguyên. Riêng đối với khu vực di sản đã được UNESCO vinh danh cần tổ chức cho người dân ký cam kết quản lý, bảo vệ di sản nhằm củng cố và ngăn chặn việc xâm hại đến tài nguyên. Hành động này được thực hiện song song với việc tuyên truyền về giá trị các tài nguyên.

Nghiên cứu khoa học: cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống ở từng địa bàn và từng tộc người. Hiện nay văn hóa truyền thống như hát giao duyên, lễ hội cầu ngư, bơi thuyền chải… đang bị mai một, cần có kế hoạch nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống làng chài và phục dựng một số hoạt động tiêu biểu, nhân rộng để nâng cao đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, cần khảo sát đánh giá hiện trạng các di tích khảo cổ trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và lập hồ sơ khoa học các di tích tiêu biểu để quản lý. Việc khảo sát, đánh giá hiện trạng này có thể được thực hiện trên cơ sở các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh của các cơ quan có liên quan hoặc những chương trình hỗ trợ nghiên cứu khác. Các di tích khảo cổ cần được lập hồ sơ khoa học theo mẫu quy định để quản lý, bảo vệ. Việc lập hồ sơ này nhằm làm rõ các giá trị làm căn cứ khoa học để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng hiện tại mới chỉ được biết đến rộng rãi với các giá trị tự nhiên, trong khi giá trị di sản văn hóa đậm đặc và nhiều màu sắc thì mới chỉ biết đến trong phạm vi nội địa. Bài viết hướng đến việc đánh giá đúng các giá trị của di sản văn hóa tại Quảng Ninh và xác định chúng như một nguồn lực cho việc làm mới các sản phẩm du lịch đang trở nên quen thuộc và nhàm chán trên địa bàn. Thực tế, các di sản này đã và đang được đưa vào khai thác du lịch, nhưng vẫn còn nhiều hạn. Những giải pháp đưa ra dựa trên mục tiêu, chính sách phát triển chung của Đảng và nhà nước, trên cơ sở nắm rõ thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển sâu rộng ngành kinh tế được coi là mũi nhọn của tỉnh. Phát triển kinh tế du lịch dựa vào nguồn lực sẵn có như di sản văn hóa đang được coi là xu hướng phát triển bền vững mà các quốc gia khác trên thế giới cũng đang áp dụng và đã thu hoạch được những hiệu quả đáng kể.

____________

1. Địa chí Quảng Ninh, tập I, II, III, Nxb Thế giới, 2003

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : NGÔ QUANG DUY

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *