Ảnh hưởng tư tưởng giáo dục con người của nho giáo đến giáo dục đạo đức ở nước ta

Nho giáo là một học thuyết chính trị – xã hội do Khổng Tử (551 – 479 trước CN), nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc sáng lập. Quá trình tồn tại, Nho giáo đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Sự ảnh hưởng này được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực đạo đức trước đây cũng như hiện nay. Nội dung bài viết này, tác giả chỉ đề cập một số nét cơ bản trong tư tưởng giáo dục con người của Nho giáo và ảnh hưởng tích cực của nó đối với giáo dục đạo đức cho con người Việt Nam hiện nay.

1. Khái quát một số nội dung tư tưởng giáo dục con người của Nho giáo

Nho giáo chú trọng đến giáo dục con người mà trước hết là vấn đề đạo. “Đạo là con đường đi đúng đắn từ nơi đi cho tới nơi đến” (1). Kinh Dịch quan niệm con người sinh ra tính gần giống nhau nhưng sự vận động về sau, sự tác động của xã hội và những nhân tố khác làm cho con người ngày càng xa nhau. Việc lập ra đạo người (nhân đạo) là để giữ gìn cho con người không đi chệch con đường đúng đắn. Tuy nhiên đạo không phải tự có sẵn, sinh ra đã biết. Muốn con người trở nên hữu đạo cần phải được dạy bảo, khuyên răn ấy gọi là giáo. Đạo nhờ có giáo mới vững vàng, sâu sắc, rộng khắp; giáo không có mục đích nào cao quý hơn là làm cho mọi người hữu đạo.

Nho giáo coi trọng các quan hệ gia đình và xã hội. Theo Khổng Tử, đạo là năm mối quan hệ xã hội cơ bản của con người được gọi là nhân luân; Mạnh Tử gọi là ngũ luân: vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, anh em, bạn bè. Trong đó, ba mối quan hệ cơ bản nhất được Đổng Trọng Thư gọi là “tam cương” – ba sợi dây ràng buộc con người từ quan hệ gia đình đến xã hội. Đức chính là các phẩm chất quan trọng nhất mà con người cần phải có để thực hiện tốt các mối quan hệ cơ bản trên. Khổng Tử nhấn mạnh tam đức (nhân, trí, dũng); ở Mạnh Tử là tứ đức (nhân, nghĩa, lễ, trí); Đổng Trọng Thư gọi là ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Tam cương và ngũ thường được gọi tắt là đạo cương – thường. Để thực hiện được các mối quan hệ trên (ngũ luân) thì phải có chính danh, đó là phương tiện để thực hành đạo.

Chính danh là phương tiện, là hệ quả của xã hội có trật tự kỷ cương hữu đạo. Nho giáo quan niệm phải làm đúng danh phận của mình nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả xấu không lường: “Danh không chính thì lời nói không suôn sẻ, lời nói không suôn sẻ thì sự việc không thành công, sự việc không thành công thì việc lễ nhạc không thể hưng thịnh lên được; lễ nhạc không thể hưng thịnh thì hình phạt không đúng; hình phạt không đúng thì dân biết chỗ nào đặt tay chân” (2). Theo Khổng Tử, cần phải có sự phù hợp nhất định giữa danh và thực, giữa lời nói và việc làm – đó là thuyết chính danh. Việc giáo dục chính danh là một trong những nguyên tắc quan trọng của Nho giáo. Để duy trì trật tự xã hội, Nho giáo rất chú ý đến giáo dục lễ. Lễ là việc xác lập và duy trì các hình thức cao nhất, phổ biến nhất của trật tự đạo đức – xã hội; là đạo làm người mà sự biểu hiện về bản chất của nó là nhân, nghĩa, lễ, trí, dũng, kính, hiếu, đễ, trung. Sự hài hòa theo đẳng cấp của tất cả các yếu tố đạo đức cá nhân sẽ tạo thành đạo của toàn bộ xã hội. Vì vậy, Khổng Tử nói: “Ngày nào mà mình khắc kỷ phục lễ, ngày đó mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hóa mà theo về đức nhân”(3).

Nho giáo chú trọng giáo dục những quy tắc, nguyên tắc đảm bảo cho học thuyết của mình được thực hiện, đó là những vấn đề tam cương, ngũ thường, chính danh… những mối quan hệ rường cột trong xã hội và gia đình. Thời Khổng Tử, mối quan hệ này là bình đẳng, tác động cả hai chiều nhưng có tôn ti trật tự. Ông nói: “Vua sai khiến bề tôi bằng lễ, bề tôi đối với vua bằng trung” (4). Vào thời kỳ Tống Nho, Trình Hạo lại khẳng định nguyên tắc đó một cách khắc nghiệt, phản nhân văn: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử tử, tử bất tử bất hiếu” (5).

Một nội dung quan trọng của Nho giáo chính là giáo dục đạo hiếu. Khổng Tử nói đến đạo hiếu chủ yếu trong gia đình, nhưng đến Mạnh Tử đạo hiếu thể hiện vai trò lớn ở cả gia đình và xã hội, góp phần làm trong sạch, ổn định trật tự xã hội. Sách Đại học viết: “Hiếu là để thờ vua” (6). Như vậy, Nho giáo đã khéo léo lồng vào trong đó những nội dung có tính chất xã hội, với tính chính trị để điều chỉnh con người đi vào trật tự kỷ cương xã hội. Dạy đạo hiếu cũng là dạy con người không làm điều bất hiếu. Đạo hiếu là mối quan hệ cơ bản trong gia đình được áp dụng ra xã hội là đạo trung, đây là mối quan hệ cơ bản trong xã hội. Người hiếu thảo trong gia đình thì không trái đạo trung, nên hiếu là cơ sở của trung. Chính vì vậy, Nho giáo quan niệm giáo dục đạo làm người cơ bản phải chú trọng: đạo làm con phải có hiếu; đạo làm tôi phải trung. Khổng – Mạnh luôn nhấn mạnh chữ trung, “vua nhân, tôi trung” nhưng trung ở đây là trung với các bậc vua xứng vua. Từ nhà Hán trở đi, đạo trung được hiểu theo một chiều, bề tôi lệ thuộc tuyệt đối vào vua theo cách “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” hay còn gọi là ngu trung.

Từ những vấn đề trên cho thấy nếu giáo dục đức hiếu là giáo dục trách nhiệm cá nhân đối với gia đình thì giáo dục đức trung là giáo dục trách nhiệm cá nhân đối với xã tắc. Qua những nội dung cơ bản của Nho giáo về dạy đạo làm người là dạy con người biết thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với quan hệ xã hội vốn có. Nội dung giáo dục từ những quan hệ của gia đình đến các quan hệ xã hội, từ tầng lớp vua quan đến dân chúng đều phải tu thân dưỡng tính. Nội dung này thường xuyên được điều chỉnh cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển của chế độ phong kiến bởi tầng lớp trí thức của giai cấp quý tộc.

Nho giáo vào nước ta một cách có hệ thống từ khi bị nhà Hán xâm lược. Mục đích truyền bá Nho giáo vào Việt Nam là để làm cho nó trở thành hệ tư tưởng chủ đạo của người Việt. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ người Việt nhận thấy đây là vũ khí sắc bén cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Sau khi nước ta giành được độc lập, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… Nho giáo dần dần trở thành công cụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Khi Lê Lợi lãnh đạo kháng chiến chống nhà Minh thắng lợi, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống của nước ta cho tới thời kỳ nhà Nguyễn.

Kế thừa các yếu tố tích cực của nội dung giáo dục Nho giáo, đặc biệt là vấn đề giáo dục đạo đức, Hồ Chí Minh từng nói: “Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (7). Người chỉ rõ: “Học thuyết Khổng Tử có cái hay là coi trọng đạo đức”. Người đưa ra những tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng đó là: “Trung với nước, hiếu với dân” (8), trung với nước là trung với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, phải hiếu với dân, tin dân, phục vụ nhân dân là công bộc của nhân dân; phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” (9) để đem lại hạnh phúc cho nhân dân; trong cuộc sống phải “thương yêu con người, sống có tình nghĩa” (10), phải có tình cảm với nhân dân, thương yêu nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì nhân dân; trong sự nghiệp xây dựng đất nước phải có “tinh thần quốc tế trong sáng” (11). Từ những tiêu chuẩn nêu trên, giáo dục đạo đức hiện nay chính là để làm cho con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được xa rời đạo đức.

2. Những ảnh hưởng tích cực của Nho giáo đối với giáo dục đạo đức cho người Việt Nam hiện nay

Một là, Nho giáo ảnh hưởng tích cực đến việc giáo dục ý thức tự tu dưỡng đạo đức. Đức nhân, nghĩa của Nho giáo đã làm cho con người có sự đối xử nhân ái, khoan dung, độ lượng với nhau. Cùng với việc đề ra những chuẩn mực, quy phạm đạo đức, Nho giáo khẳng định: tu thân là một trong những nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Quan niệm tu thân của Nho giáo càng phát huy ý nghĩa to lớn trước: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước” (12). Nhận diện và kế thừa những ảnh hưởng tích cực trong quan niệm giáo dục Nho giáo về tu dưỡng đạo đức là hết sức cần thiết. Chính quá trình không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của bản thân sẽ giúp cho mỗi người không bị sa đọa, dối trên, gạt dưới, mưu lợi cá nhân. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố” (13).

Hai là, Nho giáo ảnh hưởng tích cực đến việc giáo dục ý thức tôn trọng kỷ cương, tinh thần trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Nho giáo luôn đề cao và quan tâm đến trách nhiệm con người trong các mối quan hệ mà họ tham gia. Thông qua đó, Nho giáo hướng tới việc giáo dục con người ý thức tôn trọng trật tự, kỷ cương, kỷ luật của xã hội, xây dựng quan hệ xã hội trên dưới theo quy định chặt chẽ, nhằm ổn định trật tự xã hội. Đức lễ, với hệ thống các quy định chặt chẽ đã giúp con người có thái độ và hành vi ứng xử với nhau theo thứ bậc, theo khuôn phép. Xét theo phương diện pháp luật thì lễ của Nho giáo có tác dụng tích cực trong việc duy trì trật tự, kỷ cương của xã hội. Tuy Nho giáo có nhiều điểm tiêu cực, nếu gạt bỏ được những mặt trái đó thì Nho giáo góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn lối sống ích kỷ, vô cảm, vô trách nhiệm, vô lương tâm, coi thường luật pháp trong một bộ phận không nhỏ người Việt Nam hiện nay; những quan niệm như “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, thứ bậc quân sư phụ (thày xếp trên cha mẹ), truyền thống tôn sư trọng đạo đã và đang bị xâm phạm. Giáo dục đạo đức hiện nay cần chú trọng vào giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quyền lợi và bổn phận, quyền lợi và nghĩa vụ song song với nhau ở cấp cá nhân cũng như ở cấp xã hội. Tư tưởng chính danh giúp cho con người xác định được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để từ đó suy nghĩ và xử thế đúng trong các quan hệ xã hội.

Ba là, Nho giáo ảnh hưởng tích cực đến việc xây dựng đời sống đạo đức nhân văn. Tinh thần nhân ái, khoan dung, vị tha, nhân hậu, trọng tình, trọng nghĩa vốn là truyền thống của người Việt trước khi Nho giáo du nhập. Hiện nay, hiện tượng lối sống thực dụng, vị kỷ, vô cảm có chiều hướng tăng lên; đạo đức xã hội xuống cấp, tình nghĩa gia đình, tình làng nghĩa xóm biểu hiện ngày càng mờ nhạt… Mặc dù vậy, tinh thần nhân ái, bao dung, lối sống vị tha, tình yêu thương giữa con người chưa bao giờ bị coi nhẹ. Những tấm lòng cao cả, nghĩa hiệp sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang, đùm bọc những người gặp hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống. Những phong trào từ thiện, các chương trình xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào gặp thiên tai… luôn nhận được sự ủng hộ, chung tay, góp sức của mọi giai tầng trong xã hội; những tấm gương người tốt, việc tốt luôn được cộng đồng ngợi ca, trân trọng và nhân rộng… Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “nhường cơm sẻ áo”. Truyền thống đạo đức tốt đẹp này ẩn giấu những giá trị tích cực của đạo đức Nho giáo. Chúng ta cần nhìn nhận những ảnh hưởng tích cực của đạo đức Nho giáo trong việc giáo dục lòng nhân ái, vị tha, lối sống nhân nghĩa cho con người.

Tóm lại, tư tưởng giáo dục Nho giáo có ảnh hưởng tích cực đối với giáo dục đạo đức ở nước ta hiện nay. Vận dụng Nho giáo trong giáo dục đạo đức phải được thiết lập ở các cấp học, song phải gắn với những bài học thực tiễn thiết thực. Việc giáo dục đạo đức không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà của cả hệ thống chính trị, phải được tiến hành thường xuyên liên tục. Nội dung giáo dục đạo đức phải được kết hợp chặt chẽ với giáo dục ý thức pháp luật, nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa. Các biện pháp phát huy ảnh hưởng tích cực của Nho giáo được tiến hành đồng bộ sẽ góp phần nâng cao ý thức đạo đức, tác động tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

_______________

1. Quang Đạm, Nho giáo xưa và nay, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994, tr.105.     

2, 3, 4. Đoàn Trung Còn (dịch và chú giải), Luận ngữ, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1996, tr.189,180, 43.

5. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.78.

6. Quang Đạm (dịch), Đại học và Trung dung, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1990, tr.109.

7. Hồ chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.252-253.

8, 9, 10, 11. Bộ giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.253, 254, 256, 257.

12. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173.

13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.612.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 – 2018

Tác giả : BÙI THỊ KIM XUÂN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *