ĐI TÌM Ý THỨC TỘC NGƯỜI CAO LAN QUA SỊNH CA


Cho đến nay, những tiêu chí cơ bản, phổ biến để xác định một tộc người là ngôn ngữ, văn hóa, ý thức tộc người. Hướng tiếp cận dùng ý thức tự giác dân tộc để xác định thành phần dân tộc thường là chủ quan, là một chỉ báo quan trọng trong việc xác định thành phần dân tộc. Với trường hợp người Cao Lan, một dân tộc ẩn dấu trong trạng thái hài hòa, bài viết muốn khám phá đối tượng từ bên trong để góp phần nhận định, lý giải chiều sâu ý thức dân tộc. Mặt khác, trong sự soi chiếu bởi các chiều kích lịch sử, địa – chính trị, đặc biệt là đặt trong các không gian xã hội để khẳng định những nét đặc thù làm nên căn cước tộc người.

Căn cứ xác định ý thức tộc người Nếu như ngôn ngữ, văn hóa tộc người dễ biến đổi do tác động của quá trình giao lưu, hội nhập thì ý thức tộc người dường như bền vững, ít thay đổi hơn. Ý thức tộc người là ý thức tự coi mình thuộc về một dân tộc nhất định, được thể hiện qua các yếu tố: thống nhất tên gọi (tộc danh), ý niệm chung về nguồn gốc lịch sử, tổ tiên, vận mệnh lịch sử của tộc người. Về tộc danh, các nhà nghiên cứu đã khẳng định tên gọi là một đặc tính của dân tộc, thể hiện sự thống nhất của các thành viên trong cộng đồng mình với dân tộc khác. Tộc danh là yếu tố đầu tiên xác định tư cách dân tộc cũng như những nét văn hóa đặc thù của dân tộc. Nguồn gốc lịch sử là yếu tố then chốt, như sợi dây xuyên suốt, liên kết con người trong cùng một tộc người. Tính cộng đồng trong ý thức tộc người hình thành từ chính ý niệm này. Nguồn gốc tộc người có thể được ghi lại bằng lịch sử hay những huyền thoại. Người Tày ở Cao Bằng nhớ về nguồn gốc dân tộc qua truyền thuyết Pú Luông – Slao Cải, Cầu chúa chen vùa, Nùng Trí Cao. Dân tộc Dao có truyền thuyết về Bản Hồ. Dân tộc Mường có truyền thuyết Đẻ đất đẻ nước. Người Việt có truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Có thể nói, trong các chỉ báo tộc người thì ý thức tộc người có sức sống bền vững nhất, là tiêu chí hàng đầu để xác định một dân tộc, phân biệt các tộc người với nhau. Khi ý thức tộc người không còn thì đồng thời với nó là sự tiêu vong của tư cách tộc người. Khi mọi thứ có thể biến đổi thì ý thức tộc người là cái còn lại để duy trì mối quan hệ cha ông với con cháu, sợi chỉ đỏ xuyên suốt ý thức mỗi con người đồng tộc. Nếu văn hóa tộc người là cấu trúc động bao gồm nhiều yếu tố, thì cũng có nhiều căn cứ, cách tiếp cận khác nhau để xác định đặc điểm tâm lý cũng như ý thức tộc người như tín ngưỡng, phong tục, nhà ở, trang phục…; tuy vậy điều căn cốt là cần có sự thống nhất nội tại, vững bền trong những biến động của thời gian, lịch sử. Ý thức tộc người vốn là lĩnh vực tinh thần, có thể bộc lộ ra bên ngoài, cũng có thể ẩn dấu bên trong. Chính vì thế, dựa vào hoạt động tinh thần để xác định ý thức tộc người là khả dĩ. Ý thức về nguồn gốc tộc người Cao Lan Cao Lan cũng giống như bất kỳ tộc người nào, khi phải di cư đi tìm đất sống đều ẩn khuất trong mình tâm thức lưu vong. Bài ca vượt biển như một hồi ức về hành trình đầy gian khổ trong sinh mệnh của dân tộc. Đến nay vẫn tồn tại nhiều kiến giải khác nhau về nguồn gốc tộc người Cao Lan, trong đó sớm nhất phải kể đến tác giả Lê Quý Đôn. Trong Kiến văn tiểu lục, ông coi Cao Lan, Sơn Tử là hai trong 7 chủng tộc Mán. Một số học giả Pháp, tiêu biểu là tác giả Bonifacy cũng xếp Cao Lan vào các nhóm Mán, gọi là Mán Cao Lan. Khác với các quan điểm trên, tác giả Lê Văn, Chu Quang Trứ khẳng định: “Cao Lan ngày nay không phải là một ngành của người Mán mà là một tộc người khác hẳn dân tộc Mán. Người Cao Lan ngày nay không những là một cộng đồng riêng, có lịch sử phát triển riêng với các đặc điểm dân tộc của mình khác hẳn với cộng đồng Mán mà từ những ngày xa xưa, người Cao Lan cũng không quan hệ máu mủ tổ tiên gì với người Mán” (1). Theo tác giả Đặng Nghiêm Vạn, Cao Lan – Sán Chí là một dân tộc với hai nhóm địa phương là Cao Lan, Sán Chí. Dân tộc Sán Chay ban đầu ở vùng giáp ranh ba tỉnh là Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông. Con đường bành trướng của dân tộc Hán xuống phương Nam, là bộ phận của người Cháng (xưa gọi là Choang), tên gọi Hờn Chùng. Về sau, ngành 1 qua Quảng Đông, bỏ tiếng mẹ đẻ, nói thổ ngữ Quảng Đông là dân tộc Sán Chí. Ngành 2 qua dọc tỉnh Quảng Tây, đồng tộc vào Việt Nam, giữ tiếng mẹ đẻ, gọi là Cao Lan. Do ở gần với người Dao nên tiếng nói, văn hóa có yếu tố Dao. Một trong những vấn đề trước tiên biểu hiện ý thức tộc người là ý thức về tộc danh, tên gọi của dân tộc. Bản thân việc này đối với Cao Lan đã tốn khá nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu dân tộc học để rồi đến nay, trong Danh mục các dân tộc Việt Nam ghi tên là Sán Chay (tên khác là Cao Lan – Sán Chí, Cao Lan, Mán Cao Lan, Hờn Bạn, Sán Chí). Nghĩa là vẫn chưa có một tên gọi chính thống, độc lập đối với tộc người Cao Lan, bởi đa số vẫn hiểu Cao Lan chỉ là một bộ phận, nhóm địa phương của dân tộc Sán Chay (bên cạnh Sán Chí). Chính vì thế mà một trong những vấn đề thời sự vẫn đang tiếp diễn là nên gộp hay tách hai dân tộc Cao Lan, Sán Chí. Theo chúng tôi, việc gộp hay tách, xét đến cùng, quyền quyết định là ở nhân dân thuộc mỗi tộc người. Điều này lại được quyết định bởi chính ý thức tự giác của tộc người đó. Trong tình hình đó, đi tìm ý thức nguồn gốc tộc người Cao Lan trong dân ca được xác định như một mắt xích hữu hiệu. Không nhắc đến tên gọi tộc người, nhưng qua dân ca, ý thức về nguồn gốc hiện hình một cách sâu sắc trong hành trình tha hương: Gác mái chèo khuya nỗi nhớ quê Lòng thuyền không thể cho ai đi Thuyền ta không thể cho ai đến Chí một mình ta bơi đến khi… Trong sịnh ca, việc nhắc đến hàng loạt các địa danh như Bạch Vân Đông, Bạch Vân Tây… không đơn thuần là những nơi đoàn người di cư đã đi qua mà một cách vô thức, đó cũng là một cách thể hiện suy tư về nguồn gốc dân tộc, quê hương, làng bản. Cũng trong sịnh ca, đối với người Cao Lan, nước Nam được gọi là Kiều nhi quốc (vương quốc của người Kinh), dù là nơi thanh bình không giặc dã, đất đai, sông nước dễ làm ăn nhưng vẫn là một phương trời xa xôi. Như thế, dù đang đứng trên đất Nam, nhưng qua lời hát của đôi trai gái, hình ảnh về quê hương vẫn ẩn khuất, nỗi nhớ luôn chất chứa: Làm khách lâu rồi nhớ cố hương Nhớ cây đa lớn nhớ ven đường Rễ buông lơ lửng như làn tóc Gốc đa có miếu cúng linh thần Ý thức về thân phận tộc người Người Cao Lan sang Việt Nam đến nay ước tính khoảng 300 – 400 năm. Trong quãng thời gian đó, tộc người này đã nhiều lần nổi lên chống lại triều đình phong kiến cũng như sự xâm lược của thực dân Pháp, kể cả sự gây hấn của người Mường. Tuy nhiên, các cuộc nổi dậy đó đều thất bại. Như một tất yếu, người Cao Lan phải tìm cách di cư để duy trì sự sống. Chèo thuyền hết bãi này đến bờ nọ Con bướm hái hoa cũng từ rừng này đến núi khác Con bướm hái hoa đã vượt bao núi thẳm Phải ngủ lại rừng sâu đau lòng lắm thay Từ đó, người Cao Lan hầu như không muốn gây hấn, va chạm với các tộc người khác. Họ sẵn sàng nhường sân để tìm đến cái bình yên hơn. Nhưng có một điều thú vị là chính sự nhường sân ấy đã đem lại cho người Cao Lan một năng lực quý báu: năng lực cộng sinh, tiếp thu văn hóa của tộc người khác. Khi sống gần người Tày, Cao Lan đã biết học hỏi, vay mượn ngôn ngữ Tày trong giao tiếp. Bên cạnh đó, trong quá trình di cư, họ không quên đem theo ngôn ngữ bản địa. Có điều qua bao biến cố thăng trầm, ngôn ngữ ấy chỉ còn dưới dạng văn bản. Khi tiếng bản địa bị lãng quên, thì người Cao Lan cũng ý thức rất rõ về việc hình thành ngôn ngữ của mình (Hán Nôm Cao Lan) bên cạnh ngôn ngữ vay mượn của người Tày. Nhưng dù sao tâm lý của một khách xa không dễ giải tỏa được nỗi lo âu: Neo thuyền đậu lại bến sông Đầu thuyền gác bãi cát hồng chông chênh Một lo giặc dã đến rình Hai lo dân bản đồng tình đuổi đi Nỗi lo sợ ấy là một thực tế không thể phủ nhận. Có điều, liệu nó có biến Cao Lan thành tộc người yếu đuối? Trong dân ca, nhất là khi hát đối đáp, mọi ca từ đều tập trung làm cho cuộc hát thêm hấp dẫn, làm cho con người thêm gần gũi. Chính vì thế, tạo ra một tình huống khó khăn hay cũng chính là cách thể hiện nhu cầu được chia sẻ. Hành trình dân tộc hay cũng chính là hành trình đi đến tình yêu, cái đích của những đêm hát sịnh ca. Vẻ đẹp tâm hồn Cao Lan Với trường hợp Cao Lan, người viết chọn sịnh ca, bởi ca từ của nó đã được lưu giữ hàng trăm năm nay (bằng truyền miệng, văn tự Hán). Cho nên, khi đời sống thay đổi, nhiều yếu tố vật chất, phong tục, tập quán có thể bị thay đổi theo, nhưng sịnh ca luôn giữ được vẻ thuần khiết, tính lịch sử, truyền thống của nó. Mặt khác, với hình thức trò chuyện tâm tình, sịnh ca có thể đưa người đọc, người nghe tham gia vào nhiều câu chuyện, không gian, thời gian khác nhau để vừa thưởng thức, trải nghiệm, kiểm chứng… Sịnh ca vốn là nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Cao Lan. Trong Dân ca Cao Lan, tác giả Ngô Văn Trụ đã có nhận định khái quát: “Trong cộng đồng người Cao Lan, ở đâu cũng có tiếng hát. Người già hát dân ca, người trẻ hát dân ca, nam hát dân ca, nữ cũng hát dân ca. Tiếng hát được cất lên từ ngôi đình làng, trong những căn nhà sàn, ở các xóm thôn, làng bản. Người ta hát trên núi cao, trong rừng sâu, bên nương đồi… Họ hát ở bất kỳ nơi nào, trong mọi hoàn cảnh, kể cả những lúc vui trong ngày tết đầu năm, vào dịp cưới hỏi, hội làng, trong những buổi chợ phiên hay khi lao động mệt nhọc” (2). Như thế, dân ca/sịnh ca đã là nét văn hóa truyền thống lâu đời làm nên bản sắc, vẻ đẹp tâm hồn, đời sống tinh thần của người Cao Lan. Hiện nay, tài liệu dịch về dân ca Cao Lan có thể kể đến hai cuốn: Dân ca Cao Lan, Sịnh ca Cao Lan đêm thứ nhất. Theo các ngữ liệu này, Bài ca vượt biển được định hình trong chuỗi những lời ca (hát mở đầu, hát vào bản, du hương ca, hát chúc tụng, thỉnh mời thần ca hát, hát về gà gáy, hát chúc phụng chủ nhà). Bài ca vượt biển nằm ở khoảng giữa, sau Du hương ca, trước Bài ca chúc tụng. Nếu như các bài hát khác chủ yếu là tâm tình của nam nữ yêu nhau, thì ở tác phẩm này, không còn là tâm tình của đôi nam nữ nữa, mà nó là ý thức của cả một đoàn người, tộc người trên hành trình đi tìm sự sống, tương lai. Chính vì thế mà ở tác phẩm, tiếng nói cộng đồng được cất lên như một điểm nhấn về ý thức tộc người. Thuyền rồng đã đóng xong xuôi Buồm căng gió lộng ra khơi sẵn sàng Cánh buồm như cánh phượng hoàng Sải dài sóng gió bay ngang lưng trời Bài ca vượt biển là một khúc đoạn trong đêm hát thứ nhất. Nó nằm trong chuỗi những lời ca của đôi trai gái đang tìm hiểu nhau, tìm về cả cội nguồn dân tộc, những gian truân trong hành trình di cư, vượt biển. Đó là một nét đẹp rất đáng quý của Cao Lan. Điều quan trọng nữa là những ca từ nói về khó khăn gian khổ nhưng đầy tinh thần lạc quan. Phải chăng sự lạc quan cũng là nét tiêu biểu trong tính cách Cao Lan (trong khi nhiều tộc người khác luôn ám ảnh bởi tâm thức lưu vong hay ám ảnh Hán). Cũng có thể, Bài ca vượt biển là một cách khôn khéo để chàng trai kéo người bạn tình của mình vào cuộc hát một cách say sưa nhất, nhân văn nhất, dễ tạo được sự đồng cảm nhất. Một trong những điều làm nên sức hấp dẫn của sịnh ca Cao Lan là sự khiêm nhường, tế nhị của người hát. Trong cuộc hát, người nam hát trước nhưng chỉ mang tính gợi mở, ướm hỏi; còn người nữ là người đưa ra câu trả lời, là người chủ động trong việc giải quyết tình huống, đồng thời mở lối cho chàng trai tiếp tục hành trình tình tự. Nam: Chèo thuyền hết bến này đến bến nọ Đâu đâu cũng có đá to ngăn Đâu đâu cũng có đá lớn đợi Làm anh còn biết chèo thuyền theo hướng nào Nữ: Chèo thuyền hết bến này đến bến nọ Đâu đâu cũng có đá to chặn Đâu đâu cũng có đá lớn chờ Nhưng mong anh cứ chèo thuyền đến hết bến Cứ như thế, đôi trai gái như tiếp thêm sức mạnh cho nhau để cùng nhau vượt qua sóng gió. Tính thông minh, tế nhị, lãng mạn được bay lên từ những lời ca như thế. Bài ca vượt biển dù chỉ là một khúc đoạn trong bản hòa tấu sịnh ca, nhưng đó là đoạn quan trọng để qua đó phát lộ ý thức tộc người. Từ những suy tư về quê hương, bản quán như một sự nuối tiếc, ẩn chứa bên trong là nỗi uất ức của một tộc người bị xua đuổi, đến niềm hân hoan khi tìm thấy miền đất mới như một chốn dung thân, đó là hành trình đi tìm tình yêu, sự sống. Vậy nên, ta cần thấy rõ một điều, mỗi một cá nhân thuộc về một quốc gia dân tộc nhất định, đồng thời cũng thuộc về một tộc người nhất định. Khẳng định điều này, một lần nữa ta thấy sự thống nhất trong tính đa dạng của văn hóa Việt. Sức mạnh dân tộc không phải là tộc người nào mạnh hơn mà trên hết đó là sự tôn trọng tư cách của từng tộc người, tạo cơ hội cho mỗi tộc người thể hiện sức mạnh của mình trong tính tổng thể văn hóa của nó. ____________ 1. Chu Quang Trứ, Trở lại vấn đề nguồn gốc lịch sử người Cao Lan, Tạp chí Dân tộc học, số 45, 1964, tr.56 – 60. 2. Ngô Văn Trụ, Dân ca Cao Lan, Nxb Văn hóa dân tộc, 2003, tr.8.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018

Tác giả : NGUYỄN VĂN BA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *