Văn hóa chợ ở tiền giang

Chợ ở Tiền Giang, ra đời, phát triển song song với quá trình hình thành làng xã, không chỉ là nơi mua bán mà còn là biểu tượng văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển vùng đất. Nghiên cứu về văn hóa chợ là một phương cách để giải mã các đặc trưng về ngôn ngữ, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội… của tỉnh Tiền Giang.

1. Mạng lưới chợ ở Tiền Giang

Do nhu cầu điều phối, trao đổi, mua bán hàng hóa nên hệ thống chợ ở Tiền Giang sớm được hình thành. Theo “thống kê của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí thì đầu TK XIX, Tiền Giang có 6 chợ, đến giữa TK XIX, có thêm 9 chợ nữa được thành lập, nâng tổng số chợ lên 15. Cuối TK XIX, Tiền Giang có 42 chợ, được phân bố ở 155 làng. Trong đó, có những chợ lớn như: Mỹ Tho, Gò Công, Thanh Sơn (Cai Lậy), An Bình (Cái Bè)… đóng vai trò quan trọng trong việc buôn bán, điều phối nông sản hàng hóa của địa phương và cả khu vực” (1).

Tính đến cuối 2015, Tiền Giang có 171 chợ nằm rải rác ở khắp các xã, phường, thị trấn, thị xã, thành phố (huyện Cái Bè: 35, huyện Cai Lậy: 29, huyện Châu Thành: 18, huyện Chợ Gạo: 18 huyện Gò Công Đông: 16, huyện Gò Công Tây: 17, huyện Tân Phú Đông: 7, huyện Tân Phước: 6, thị xã Cai Lậy: 10, thị xã Gò Công: 13, thành phố Mỹ Tho: 12). Theo số điểm kinh doanh tại chợ, hệ thống chợ được phân loại thành 5 chợ hạng I, 21 chợ hạng II và 145 chợ hạng III (2). Mạng lưới chợ ở Tiền Giang phân bố khá đồng đều giữa các huyện, thị, thành. Mỗi huyện, thị, thành đều có một chợ tương đối lớn ở trung tâm và các chợ ở xã, phường, thị trấn, ấp. Nhiều chợ mang tính chất vùng, có quy mô khá lớn, sầm uất như: Cái Bè, Cai Lậy, Mỹ Tho, Chợ Gạo, Gò Công… đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Tiền Giang.

2. Các kiểu họp chợ ở Tiền Giang

Đa phần các chợ ở Tiền Giang đều họp trên mặt đất (170/171 chợ), thường tập trung ở nơi dân cư đông đúc, là đầu mối giao thương của các làng, xã, thị trấn, thị xã, thành phố. Ở đó, bất cứ ai có nhu cầu, đều có thể đến mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ.

Các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ ở chợ thường được diễn ra theo quy luật, chu kỳ thời gian (họp ban đêm hoặc ban ngày), vào những ngày giờ nhất định, sao cho thuận tiện. Phần lớn, thời gian họp chợ ở thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy kéo dài hơn các chợ ấp, xã, thị trấn… ở nông thôn, vì số lượng dân cư đông đúc, có nhu cầu mua sắm cao. Nguyễn Phúc Nghiệp từng ghi nhận: “Trong TK XVIII ở Nam Bộ (có Tiền Giang) đã xuất hiện nhiều thị tứ, nhiều tụ điểm buôn bán sầm uất, thể hiện những ưu thế vượt trội của chợ họp trên đất liền” (3). Vì thế, chợ họp trên đất liền đã trở thành một bộ phận cấu thành rất quan trọng của mạng lưới thương mại của Tiền Giang.

Chợ nổi Cái Bè (thị trấn Cái Bè) là kiểu họp chợ duy nhất trên sông nước (sông Tiền), được hình thành từ hơn 300 năm trước. Tại chợ, người bán, người mua đều dùng ghe, thuyền làm phương tiện di chuyển, vận tải, trao đổi hàng hóa. Thương lái của chợ nổi Cái Bè hoạt động với hai hình thức: cố định và di động. Dạng cố định buôn bán hàng hóa tại chỗ trên xuồng ghe. Dạng lưu động dùng xuồng ghe chở hàng đi bán ở khắp nơi trên sông, chủ yếu cung cấp hàng hóa cần thiết hàng ngày cho người dân sống ở ven sông và khách du lịch. Hàng hóa buôn bán tại chợ nổi Cái Bè chủ yếu là nông sản (trái cây, rau củ, cây cảnh…). Buôn bán hoàn toàn bằng thuyền ghe trên sông nước là đặc trưng nổi bật nhất của chợ nổi Nam Bộ nói chung và Tiền Giang nói riêng. Nó phản ánh yếu tố địa lý của vùng dày đặc sông nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa sinh hoạt trong đời sống vật chất của người dân, ngay cả khi mua bán, trao đổi hàng hóa. Qua đó cho thấy, trong điều kiện địa hình sông nước chằng chịt như ở Tiền Giang, người dân vẫn có thể tận dụng, sáng tạo trong làm kinh tế. Tác giả Nhâm Hùng cho rằng, “một ngôi chợ sung túc, hoàn chỉnh sẽ được cấu trúc như sau: nhà lồng chợ – phố xá – bến sông. Nhiều chợ lớn còn liền lạc với cầu cảng, cầu tàu, kho bãi, nhà vựa” (4).

3. Phương thức mua bán, đo lường, vận chuyển hàng hóa

Hàng hóa không chỉ bán ở chợ mà có thể ở mọi nơi, mọi lúc, thông qua nhiều cách thức khác nhau. Điển hình như: buôn cố định tại chỗ (buôn đứng, buôn ngồi), bán hàng rong…

Buôn ngồi là hình thức người bán ngồi bán tại sạp, trưng bày các mặt hàng mình cần bán, người mua đi chợ và ghé mua. Hình thức này phổ biến ở các chợ họp cố định. Người bán chỉ việc ngồi tại sạp, quầy hàng hóa sắp đặt sẵn trong chợ để buôn bán hàng ngày. Do việc buôn bán này diễn ra một cách đều đặn, lâu dài cho nên người bán cũng có một lượng khách hàng ổn định, thân thiết.


 Chợ nổi Cái Bè. Ảnh Thiên Chương  

Bán hàng rong là hình thức người bán mang hàng hóa đi khắp nơi trong chợ, hay tỏa về các vùng quê nông thôn, hay tới từng nhà dân để buôn bán. Họ vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ như xuồng, ghe, xe đạp, xe đẩy, xe máy, xe ba gác, thậm chí là một đôi quang gánh… Phần đông đi bán các mặt hàng nhỏ, lẻ phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân như thực phẩm tươi sống, kẹo bánh, muối, mắm…

Các tiểu thương ở Tiền Giang thường đo lường hàng hóa bằng cân, đong, đo đếm, thậm chí có thể ước lượng số lượng, trọng lượng hàng hóa. Chợ ở Tiền Giang đều tồn tại hai kiểu cách mua bán cơ bản là bán sỉ, bán lẻ. Nếu muốn mua sỉ, người bán sẽ bán với giá rẻ hơn so với mua lẻ. Hai kiểu mua bán sỉ, lẻ được cụ thể bằng cách đo lường chung, đó là bằng giạ, ký lô, lít, chai, lon… và đếm theo thiên, trăm, chục… Có khi tính bằng mớ, rổ, cần xé… Tất cả những cách thức đo lường đó đã được giới thương nhân tự đặt ra và chấp thuận. Người mua, người bán cứ theo đó mà tính toán, đo lường như một quy tắc bất thành văn.

Phương thức vận chuyển hàng hóa thường phụ thuộc vào tính chất địa lý từng nơi và dựa vào nhu cầu của người mua, người bán. Ở Tiền Giang, các thương lái thường vận chuyển hàng hóa bằng xuồng, ghe, tắc ráng, xe tải, xe chuyên chở, xe máy, xe đạp…

4. Cách thức rao hàng, chào hàng

“Rao hàng, chào hàng là những hình thức tiếp thị, quảng bá sản phẩm bằng ngôn ngữ thông thường của người bán hàng. Thông qua những tiếng rao, lời chào, chủ yếu thu hút khách hàng ghé xem và mua sản phẩm, góp phần thêm sự rộn rã, nhộn nhịp trong sinh hoạt của mỗi phiên chợ” (5).

 Những người buôn bán ở chợ cố định trên đất liền thường dùng ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày để rao hàng, chào hàng. Để bán được giá, người bán cũng dùng những từ ngữ gợi cho người mua phải suy nghĩ về chất lượng sản phẩm như: “Chú thêm vài ngàn nhưng mua được loại hàng tốt, tiền nào của nấy mà chú!”. Đôi khi, người bán còn dùng lời thề thốt để tạo lòng tin cho người mua: “Cháu thề có trời đất chứng giám, cháu không cân thiếu cho bác đâu ạ”.

Riêng đối với những người dân buôn bán trên chợ nổi Cái Bè, phong cách chào hàng có phần đặc biệt, lý thú. Họ không phải dùng đến lời rao, chào hàng bằng miệng nữa, mà bằng cây bẹo. Người ta thường dùng một cây tre dài (sào), bẹo lơ lửng những món hàng có trên ghe, mỗi thứ một ít gọi là hàng mẫu. Để khi khách hàng tới, họ thấy người thương hồ này bẹo thứ gì thì có nghĩa là trong ghe bán thứ hàng hóa đó. Khách đi chợ cứ ghé thẳng tới ghe và mua hàng. Đây là hình thức tiếp thị khá thú vị, thu hút sự tò mò của rất đông khách du lịch (6).

5. Tập quán tín ngưỡng, kiêng kỵ

Ở các chợ Tiền Giang, đa phần các tiểu thương đều có bàn thờ thần tài và ông địa tại quầy sạp để thờ cúng, cầu mong phát tài. Những ngày mùng 2, 10, 16 âm lịch trong tháng, tiểu thương thường cúng đĩa tam sên, bao gồm một miếng thịt nhỏ, một con tôm, một trứng vịt. Ngoài ra, các ngày 16 tháng giêng, tháng 7, tháng 10 âm lịch, người bán hàng còn tổ chức cúng cô hồn rất trọng thể, cầu mong các vong linh oan khuất sẽ không quấy phá, mà phù hộ cho họ buôn may bán đắt. Lễ vật cúng gồm: trà, bánh, gạo muối, giấy tiền vàng bạc…

Bên cạnh đó, tín ngưỡng của thương lái ở chợ nổi Cái Bè lại có những độc đáo riêng. Họ thường bố trí một bàn thờ phật hay bà thủy (Thủy Long), bà cậu trên ghe xuồng với mong muốn được may mắn, thoát khỏi tai ương, nếu có nạn sẽ được che chở. Những ngày mùng 2, 16 âm lịch trong tháng, họ thường mua hoa tươi, bánh trái để cúng.

Yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của người bán, đã hình thành những tập quán kiêng kỵ trong kinh doanh, trong đó có tục đốt phong long (đốt vía). Đối với người bán, người mua mở hàng đầu tiên vào sáng sớm ảnh hưởng trực tiếp đến thành quả buôn bán của họ suốt ngày hôm đó. Nếu như người mở hàng đã trả giá mà bỏ đi hàng khác thì người bán sẽ thực hành đốt phong long để xua đi sự xui xẻo mà người mua đó mang tới.

Bên cạnh đó, một số người kiêng mua hàng với số lượng là 4 (4 trái dưa, 4 con cá, 4 ký gạo…) vì họ cho rằng số 4 là số tử, không mang lại may mắn trong cuộc sống. Ngoài ra, người mua hàng còn kỵ việc lượm lặt tiền lẻ hay những vật dụng cá nhân của người khác đánh rơi. Bởi, thông thường, một số người đang gặp hạn thường tự giải hạn bằng cách vứt bỏ những thứ ấy, xem như vứt bỏ cái xui của họ. Nếu mình nhặt thì sẽ lãnh lại những điều không may đó. Ngoài ra, một số người còn hạn chế xuất hành vào những ngày mùng 5, 14, 23 âm lịch, do quan niệm “mùng 5, 14, 23, đi chơi cũng thiệt, huống là đi buôn” (7).

Mạng lưới chợ của tỉnh Tiền Giang hình thành từ khá lâu, gắn liền với lịch sử ra đời của các chợ làng, chợ xã và mang dấu ấn riêng. Quá trình hình thành, phát triển mạng lưới chợ cũng gắn liền với truyền thống buôn bán của dân cư, có tác động trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chợ đóng vai trò như một tấm gương phản chiếu sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán… của người Tiền Giang.

Trên cơ sở nghiên cứu ban đầu, người viết đã giải mã một số nét chính về văn hóa chợ ở Tiền Giang. Đó là các kiểu họp chợ đa dạng (trên đất liền, trên sông nước), cách thức vận chuyển hàng hóa phong phú, nguyên tắc đo lường mang tính phóng khoáng, những tín ngưỡng, phong tục tập quán, kiêng kỵ trong kinh doanh… mang dấu ấn đặc trưng của địa phương. Đồng thời, hệ thống tên chợ ở Tiền Giang còn phản ánh những giá trị hiện thực vùng đất Tiền Giang qua các mặt địa lý, ngôn ngữ, lịch sử.

____________

1, 3. Nguyễn Phúc Nghiệp, Kinh tế nông nghiệp Tiền Giang TK XIX, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1998, tr.174, 64.

2. Sở Công thương Tiền Giang, Đề án phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Tiền Giang, 2015, tr.4.

4. Nhâm Hùng, Chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2009, tr.15.

5. Võ Văn Sơn, Văn hóa chợ ở Tiền Giang, Luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Đại học Trà Vinh, 2015, tr.88.

6. Nguyễn Thị Thoa, Vai trò của chợ trong đời sống người Việt, Luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ học, Đại học KHXH&NV TP.HCM, 2011, tr.45.

7. Nhiều tác giả, Tuyển tập tục ngữ – ca dao Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr.55.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018

Tác giả : VÕ VĂN SƠN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *