Phật hoàng trần nhân tông và giao thoa văn hóa đại việt – champa

Với việc tiếp nhận văn hóa Champa ở phương Nam, thời đại của Trần Nhân Tông đã đưa giao thoa văn hóa Chăm – Việt tới đỉnh cao của sự hòa hiếu trong lịch sử Việt Nam trung đại. Chính bởi điều đó, nền văn hóa Việt đã tự khẳng định một diện mạo, một truyền thống riêng biệt so với Trung Hoa và Ấn Độ.

Từ sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938 trước quân Nam Hán, Đại Việt (bao gồm cả Đại Cồ Việt) đã trở thành một quốc gia tự chủ và độc lập trên mọi phương diện, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội. Cũng chính từ thời điểm này, một mặt chúng ta phải đối diện với cường quốc Trung Hoa ở phương Bắc, nhưng mặt khác phải đối diện với Champa ở phương Nam. Trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Đại Việt đã được xây dựng một nền móng vững chắc, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước vào thời Trần. Bên cạnh những va chạm, xung đột với Trung Hoa, vua tôi Đại Việt cũng không ít lần đối đầu với Champa trên chiến trường.

Champa vừa khiến Đại Việt phải tự vệ nhằm đảm bảo sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời cũng mở ra xu hướng phát triển mới. Chen lẫn những lần xung đột quân sự trên chiến trường, Đại Việt với Champa lại có những giai đoạn quan hệ ngoại giao nở rộ. Quan hệ ngoại giao chủ yếu diễn ra vào những lúc Đại Việt đang cường thịnh, Champa thường cử sứ đoàn mang sản vật địa phương ra triều cống. Nhưng cũng thông qua hoạt động ngoại giao mà mầm mống của các cuộc xung đột dần hình thành và xuất hiện, thường lúc Đại Việt rơi vào thời kỳ suy vong, hạn chế. Khi đó, sứ thần do Champa cử sang không phải vì triều cống, mà đòi người, đòi những phần lãnh thổ bị Đại Việt xâm chiếm sau các cuộc chiến trước kia. Mối quan hệ giữa Đại Việt với Champa đã trở nên phức tạp và có nhiều biến cố đặc thù không kém so với mối quan hệ giữa Đại Việt với Trung Hoa. Không những thế, chính mối quan hệ với Champa này đã tạo nên mối quan hệ tay ba Trung Hoa – Đại Việt – Champa, ràng buộc, tương tác lẫn nhau, sinh ra nhiều tình huống nhạy cảm, rắc rối cho không chỉ Đại Việt mà ngay cả với Champa.

Vương triều Trần trong lịch sử Đại Việt được xác lập sau khi vương triều Lý suy vi và đánh mất đi vai trò của mình. Sự quyết đoán, táo bạo, đầy tham vọng của Thái sư Trần Thủ Độ nói riêng và toàn bộ vương triều Trần nói chung đã đưa Đại Việt vượt qua những sóng gió của thời cuộc, đất nước dần đi vào sự ổn định và phát triển vượt bậc. Trong giai đoạn lịch sử này, Champa cũng đang trong triều đại Vijaya thịnh vượng… Từ việc thoát khỏi sự kìm kẹp của Chân Lạp, Champa đã đổi hướng ngoại giao, cởi mở và ngả về phía Đại Việt. Mối quan hệ này còn trở nên nồng thắm hơn nữa khi hai vương quốc cùng chung lưng, đấu cật đánh lại sự xâm lấn của đế chế Mông Nguyên. Tuy nhiên, nhiều học giả đã đồng thuận rằng, quan hệ giữa Đại Việt với Champa vào thời Trần nằm ở trạng thái: giai đoạn đầu thì nồng ấm, giai đoạn sau thì lạnh nhạt. Mặc dù vậy, về cơ bản, mối quan hệ này đã tạo ra những cơ hội phát triển và hình thành những yếu tố văn hóa mới cho hai vương quốc.

Vương triều Trần là đỉnh cao cho mối quan hệ giao hảo giữa hai vương quốc, một mối quan hệ thân thiện, tương đối bình đẳng và có nhiều tương đồng về quan niệm, tâm thức, tư tưởng (1). Trần Nhân Tông chính là vị vua, sau khi trở thành Thái thượng hoàng, được coi là biểu tượng cho sự kết nối, đưa mối quan hệ Đại Việt và Champa lên tới đỉnh cao của sự hữu hảo.

Ngay sau khi ông lên ngôi vào năm 1279, đã xảy ra sự kiện “nước Chiêm Thành sai Chế Năng và Chế Diệp sang cống. Bọn Chế Năng xin ở lại làm nội thần, vua không nhận” (2). Sự kiện này cho thấy, nội bộ vương triều Champa có những diễn biến phức tạp nhất định. Việc sứ thần đi sứ lại xin ở lại không về thường có nhiều nguyên nhân, có thể họ bất mãn hoặc thất sủng với quốc vương của mình, e phương hại tới địa vị, tính mạng bản thân; cũng có thể họ được cài cắm, trở thành tai mắt để nghe ngóng tình hình của nhà Trần. Dường như thấu hiểu việc này, Trần Nhân Tông đã sáng suốt không chấp nhận. Đặc biệt, khi đó, mối họa xâm lăng từ phương Bắc đang đến gần, hơn ai hết và hơn bao giờ hết, ông nhận thấy tầm quan trọng trong bang giao giữa Đại Việt với Champa, nên khéo léo từ chối những chuyện nhỏ, tránh ảnh hưởng đến việc lớn (3).

Năm 1285, sử chép: “Nguyên soái Toa Đô đem 50 vạn quân do Vân Nam qua nước Lão Qua, thẳng tiến đến Chiêm Thành cùng với quân Nguyên ở châu Ô – Lý, rồi cướp châu Hoan, châu Ái, tiến đánh đến Tây Kết, hẹn trong ba năm dẹp yên nước ta” (4). Mục đích của quân Nguyên là tiến công, bình định Đại Việt, nhưng Champa lại trở thành mục tiêu trước tiên để làm bàn đạp chiến lược của cuộc chiến. Hành động này đã khiến Đại Việt và Champa càng xích lại gần nhau để chống kẻ thù chung. Sự kiện Nguyên Mông xâm lược đã mở đường cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên nồng ấm hơn bao giờ hết. Vì vậy, sau chiến thắng, Trần Nhân Tông đã “sai trung phẩm phụng ngự là Đặng Du Chi đưa bọn tể thần của Chiêm Thành là Bà Lậu, Kê Na Liên cộng 30 người về nước, vì đi theo Toa Đô mà bị bắt” (5). Đây là một hành động thiện chí, không chỉ thể hiện sự tôn trọng của Đại Việt đối với Champa, mà còn giúp cho vương quốc này chấn chỉnh công việc nội bộ triều chính. Sự kiện mang ý nghĩa lớn lao, làm khăng khít thêm mối quan hệ giữa hai vương quốc, đặc biệt giữa vương triều Vijaya với vương triều Trần.

Năm 1293, “mùa xuân tháng 3, ngày 9, vua nhường ngôi, hoàng thái tử Thuyến lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Hưng Long năm thứ nhất, đại xá thiên hạ, xưng là Anh hoàng, tôn thượng hoàng (tức Trần Nhân Tông) làm Hiếu nghiêu quang khánh thái thượng hoàng đế…”, và cũng trong năm này, “nước Chiêm Thành sang cống” (6). Mặc dù việc chuyển ngôi cho thái tử, nhưng thượng hoàng Nhân Tông luôn để mắt tới việc triều chính. Năm 1299, “tháng 8, thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh” nhưng “vua Trần Anh Tông thích lẻn đi chơi, cứ đến đêm đi kiệu cùng với hơn mười người thị vệ đi khắp trong kinh kỳ, đến gà gáy mới về cung… Thượng hoàng (biết chuyện) giận mắng hồi lâu” (7). Sự quán xuyến triều chính của Thái thượng hoàng dần ít đi, rồi dẫn đến sự kiện năm 1301, “tháng 2, nước Chiêm Thành sang cống; tháng 3, thượng hoàng đi chơi các địa phương, sang Chiêm Thành” đến tận “mùa đông, tháng 11, thượng hoàng từ Chiêm Thành về” (8).

Trong chuyến đi Chiêm Thành năm 1301, Thái thượng hoàng đã hứa gả con gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chăm là Chế Mân, dù có nhiều lời đàm tiếu của quan lại đại thần trong triều. Có được Huyền Trân làm vợ, Chế Mân đã không chỉ mang sản vật địa phương, vàng bạc, hương quý, vật lạ… để làm lễ vật cầu hôn, mà còn phải cắt hai châu Ô, Lý về cho Đại Việt (9). Sự kiện hôn nhân này là đỉnh cao cho mối quan hệ giao hảo giữa Đại Việt với Champa trong bối cảnh lịch sử Việt Nam trung đại.

Bên cạnh việc Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông du Chiêm gắn liền với sự kiện hôn nhân của Huyền Trân với Chế Mân, theo người viết, còn có việc ông tiếp thu thêm những yếu tố Phật giáo tiểu thừa phương Nam; hoặc chí ít, ông cũng tìm ra những điểm tương đồng giữa Phật giáo Đại Việt vốn mang nhiều dấu ấn nguyên thủy (12) với Phật giáo Champa. Chính vì thế, sau chuyến đi, năm 1304, có “nhà sư Chiêm Thành là Du Già (13) sang nước ta, chỉ ăn sữa bò” (14). Mặc dù hành trạng của nhà sư này ở Đại Việt sau đó không được đề cập đến, nhưng việc ghi chép chi tiết này trong chính sử của Đại Việt khẳng định nhà sư này chắc chắn phải có tầm quan trọng hoặc có ảnh hưởng nhất định đến đời sống tôn giáo, tâm linh của vương triều Trần.

Không chỉ đến thời Trần, yếu tố Phật giáo Champa mang màu sắc phương Nam mới ảnh hưởng tới Đại Việt mà đã diễn ra từ thời Đinh, Tiền Lê và Lý. Một số thiền sư có nguồn gốc từ Chiêm Thành/Champa hoặc đã từng tu tập tại đây, sau vì nhiều lý do khác nhau mà họ đến Đại Việt, sáng lập ra các dòng thiền mới; có thể kể đến như: Ma Ha Kỳ Vực, Đàm Khí, Thảo Đường…

Riêng đối với vương triều Trần, những yếu tố Phật giáo phương Nam (Champa) đã có ảnh hưởng sâu sắc tới tinh thần, tư tưởng và cách thức ứng xử của các thiền sư đương thời, trong đó có Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông. Chính vì mang màu sắc và cách thức hành động của dòng tiểu thừa phương Nam nên mới có hình ảnh Tuệ trung thượng sĩ Trần Quốc Tung (15) dự tiệc do Thái hậu nguyên thánh Thiên Cảm mở, “ngài dự tiệc gặp cá thịt thì cứ ăn. Thái hậu thấy lạ hỏi: Anh tu thiền mà sao ăn cá thịt thì thành Phật sao được? Thượng sĩ đáp: Phật là Phật, anh là anh. Anh chả cần làm Phật, Phật chả cần làm anh. Thái hậu chẳng nghe cổ đức nói: văn thù là văn thù, giải thoát là giải thoát đó sao?” (16). Khoan xét đến nội dung tư tưởng và hàm ý của câu nói này mà xét đến hành động như một sinh hoạt thường ngày của thiền sư đương triều: việc không ăn chay mà lại ăn mặn, theo người viết, đó là truyền thống của dòng tu tiểu thừa phương Nam. Cách thức tu hành này có nhiều điểm khác biệt so với cách của dòng đại thừa phương Bắc.

Bên cạnh đó, sử liệu còn ghi lại việc thiêu xác của Thái thượng hoàng sau khi ông băng hà (17). Việc thiêu xác người chết nói chung và đối với các nhà sư nói riêng, cho đến nay, đã trở thành một tục khá phổ biến, nhất là đối với hệ thống Phật giáo. Theo thông lệ, các nhà sư trụ trì sau khi viên tịch, nhập niết bàn, sẽ được mang hỏa táng, xá lị là linh cốt còn lại được an trí trong các tòa bảo tháp tại nơi tu hành. Truyền thống này đã xuất hiện từ khởi nguồn của Phật giáo nói chung và phát triển mạnh ở dòng tu tiểu thừa (Phật giáo nguyên thủy); nhưng sau, những yếu tố nguyên thủy này có thể tiếp tục được duy trì trong Phật giáo đại thừa ở Việt Nam (18). Nhưng, cũng có thể, thông qua quá trình tiếp nhận Phật giáo nguyên thủy từ thời Đinh, Tiền Lê, Lý và đến Trần, các yếu tố phương Nam (Nam tông) đã hòa quyện với yếu tố phương Bắc (Bắc tông).

Không những thế, hình ảnh tác phẩm nghệ thuật điêu khắc về các thiền sư thời Trần nói chung và của Phật hoàng Trần Nhân Tông nói riêng, rải rác trong các di tích lăng mộ, chùa chiền… cho thấy yếu tố Phật giáo phương Nam rõ rệt. Trước hết phải kể đến tượng Trần Nhân Tông được đặt trong bảo tháp thờ Điều Ngự Giác Hoàng (vườn tháp Huệ Quang) (19). Về tổng thể, đây là một pho tượng tròn bằng đá, có kích thước nhỏ, thể hiện tư thế thiền định của Phật hoàng. Tuy tượng có tỉ lệ không cân đối về hình họa giải phẫu nhưng thể hiện đúng tâm thế của một thiền sư tu hành. Đầu tượng tròn, trán cao, khuôn mặt dài, cằm vuông, mắt nhìn thẳng, sống mũi thẳng, cánh mũi nở, tai lớn chảy dài, môi dày, miệng vừa phải, khuôn mặt hồn nhiên, nghiêm nghị nhưng nhân hậu. Cổ tượng cao, tạo thành ba ngấn, thân tượng mỏng, được chạm nổi một lớp áo tu hành, ôm sát người và phủ xuống lòng đùi, chân đang thiền định, để lộ trần bên vai phải. Hai tay buông xuôi xuống, bàn tay để úp trên chân như đang kết ấn Xúc Địa (20). Chi tiết mặc áo bó sát người với vai phải để lộ chính là dấu hiệu quan trọng cho thấy yếu tố tiểu thừa của phương Nam. Sau đó, phải kể đến các pho tượng Phật nằm, được lấy từ nguyên mẫu Thích Ca nhập niết bàn trong Phật giáo nguyên thủy. Tượng Sơ tổ Trúc Lâm tại chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) được xem như là hình ảnh Phật hoàng nhập niết bàn, vốn rất phổ biến trong Phật giáo tiểu thừa phương Nam. Mặc dù những pho tượng này mãi về sau mới được tạo tác nhưng tư thế, cách thức và hành trạng đã cho thấy những yếu tố tiểu thừa Nam tông đang hợp hội với yếu tố Bắc tông, mà hình ảnh của Phật hoàng Trần Nhân Tông là một trong những trường hợp tiêu biểu.

Người viết cho rằng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã không chỉ kế thừa tư tưởng Phật pháp có từ những thời kỳ lịch sử trước đó mà bản thân ông cũng đã hội hợp được những yếu tố phương Nam ngay trong thời đại của mình. Những chuyến viếng thăm qua lại của các sứ đoàn Champa – Đại Việt, rồi đặc biệt, chuyến viếng thăm Champa của cá nhân ông đã ít nhiều tiếp nhận thêm những tư tưởng Phật pháp nguyên thủy của dòng tiểu thừa phương Nam. Trên đường du Chiêm, qua trại Bố Chánh (lãnh thổ của Champa, tương đương với một số huyện của tỉnh Quảng Bình ngày nay), ngài đã cho lập am Tri Kiến rồi ở đó (21). Việc Phật hoàng cho lập am để tu tập là một dấu hiệu quan trọng cho thấy, chuyến vân du không chỉ để thăm thú thuần túy, mà còn là để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Đại Việt với Champa và tiếp nhận thêm tinh thần tư tưởng Phật giáo phương Nam. Đương nhiên, trong quá trình tiếp nhận, chuyền tải tư tưởng Phật pháp, phát triển mối bang giao nồng ấm, tốt đẹp với Champa lên đỉnh cao trong lịch sử Việt Nam, những yếu tố văn hóa đã tương tác, ảnh hưởng và hòa vào với cuộc sống không chỉ nơi cung đình quan phương mà cả ở trong dân gian phi quan phương.

Từ những cách hành xử trong thế ứng đối (22) của Phật hoàng với bối cảnh chính trị phức tạp và đa diện của đời sống xã hội như vậy, người viết cho rằng Trần Nhân Tông đã có những đóng rất quan trọng cho Đại Việt trên nhiều phương diện. Một là, chính Phật hoàng Trần Nhân Tông đã khai lộ cho quá trình Nam tiến của cư dân Việt và hòa hợp dân tộc sau này mà không dùng tới vũ lực, chiến tranh đổ máu; bằng phương thức hòa bình, hai nước tránh được họa binh đao, chính hôn nhân của Huyền Trân với Chế Mân là dấu mốc đỉnh cao cho mối quan hệ đó. Hai là, thông qua những hoạt động ngoại giao hòa hiếu, kết hợp hôn nhân chính trị, vương triều Trần không mất một người lính hay hòn đạn, mũi tên nào mà vẫn lấy được hai châu Ô, Lý, tạo ra tiền đề quan trọng để Đại Việt mở rộng lãnh thổ tiến xuống phương Nam. Ba là, chính sách cởi mở, thân thiện của Trần Nhân Tông đã khiến cho không chỉ mối quan hệ giữa hai vương quốc trở nên bình đẳng, mà còn tạo điều kiện cho hai dân tộc Chăm – Việt có nhiều cơ hội để hòa huyết chủng tộc, đặc biệt là nhóm cư dân Chiêm đang sinh sống trên đất Việt khi đó. Bốn là, việc tiếp nhận tư tưởng hay yếu tố của Phật giáo nguyên thủy tiểu thừa phương Nam đã tạo ra sự hòa hợp, bổ khuyết, nâng tầm Phật giáo thời Trần nói riêng và Đại Việt nói chung lên một diện mạo đặc thù, đậm chất Việt, khác Trung Hoa cũng như Ấn Độ. Năm là, Trần Nhân Tông đã để lại một cách thức ứng xử văn hóa vô cùng linh hoạt và mềm dẻo nhưng cũng hết sức cương quyết với lân bang, nhất là với Champa, chính vì vậy, ông không chỉ tạo ra sự yên ổn, thịnh trị cho bản thân triều đại của ông trị vì, mà của cả vương triều Trần.

Trần Nhân Tông đã trở thành một mẫu người văn hóa đặc biệt: vừa là vua, vừa là Phật; vừa là con người chính trị/chính khách, vừa là con người thần linh/tôn giáo; vừa là con người Việt, nhưng đồng thời, vừa là con người có tiếp nhận văn hóa Chăm; vừa là con người có tính vị tha, từ bi nhưng vừa là con người kiên quyết, quyết đoán… Có thể nói, Phật hoàng Trần Nhân Tông là người đã dung hòa thành công nhất văn hóa Champa với văn hóa Đại Việt; người Chăm với người Việt; thiền tông đại thừa phương Bắc với thiền tông tiểu thừa phương Nam.

_______________

1. Theo quan niệm của tác giả bài viết, mối quan hệ giữa Đại Việt với Champa, trải từ thời Đinh, Tiền Lê, Lý sang đến Trần, diễn ra khá nồng ấm và tương đối bình đẳng.

2. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, 1971, tr.48.

3. Việc người Chăm chạy sang Đại Việt xin hàng, xin ở lại (một hình thức lưu vong chính trị) khá nhiều, thường là vua của các vương triều Đại Việt cho ở lại. Theo thống kê sơ bộ, vào thời Đinh – Tiền Lê, có hai lần người Chăm sang quy phụ; thời Lý 4 lần, thời Trần 4 lần; sau này, thời Lê sơ 2 lần. Vì vậy, sự kiện không nhận sứ thần xin ở lại này cho thấy một hành động chính trị khôn khéo của vua Trần Nhân Tông (xem thêm Những dấu ấn văn hóa Chăm ở Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Sử học của Đinh Đức Tiến, năm 2009).

4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 14, 17. Ngô Sĩ Liên, sđd, tr.60, 62, 76-77, 87, 96, 100, 102, 103,104, 105.

12. Phật giáo nguyên thủy là cách gọi về thiền phái Nam tông, vẫn giữ nguyên bản cách tu của Thích Ca Mâu Ni vốn khởi nguồn từ Ấn Độ. Thiền phái Nam tông khác với thiền phái Bắc tông vốn đã có nhiều biến đổi về quan điểm, tư tưởng và phương pháp tu hành.

13. Du Già (Yoga) không phải là tên người, mà tên của một tông phái trong Phật giáo có nghĩa là phối hiệp, tương ứng. Tức là những phương pháp tu hành, luyện đạo, mục đích là làm cho thần hồn của mình (Jivâtma) phối hiệp với cầu hồn chung cùng bao quát vạn vật (Paramata). Du Già giáo cũng gọi là Mật giáo, sở trường về Tam Mật: thân, khẩu, ý. Ai chứng ngộ ba chỗ bí mật ấy thì thành Phật. Giáo luận có bộ Du Già sư địa luận. Xem thêm: Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2005, tr.449 – 453.

15. Tuệ trung thượng sĩ tên thật là Trần Quốc Tung (1230-1291), là con đầu của Khâm minh từ thiện thái vương Trần Liễu, anh cả của hoàng thái hậu Nguyên thánh Thiên Cảm. Khi đại vương mất, hoàng đế Trần Thái Tông cảm nghĩa phong cho Thượng sĩ tước Hưng Ninh Vương. Xem trong: Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP.HCM xb, 1995, tr.246.

16, 21. Thích Thanh Từ, sđd, tr.255-256, 289.

18. Xá lị (Sarira): chỉ chung những gì còn sót lại sau khi thiêu thân Phật – Thích Ca hoặc các bậc đắc đạo, thường được thờ trong các tháp hay chùa chiền. Người ta cho rằng, tục thờ xá lị có lẽ bắt đầu với Phật Thích Ca Đạo Uyển, Từ điển Phật học, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2006, tr.771.

19. Tháp Điều Ngự Giác Hoàng tương truyền được xây dựng vào thời Trần, nhưng đã trải qua những lần trùng tu vào thời Lê. Bản thân pho tượng của Phật hoàng cũng được dựng vào thời Lê, dấu vết Trần chính là chiếc bệ tượng trong lòng tháp.

20. Ấn xúc địa (Bhumisparsa mudra): tay trái hướng lên trên, đặt ngang bụng; tay phải chỉ xuống, lưng tay phải xoay tới trước. Đó là ấn quyết mà đức Thích Ca gọi là thổ địa chứng minh mình đạt Phật quả và cũng là dấu hiệu của sự không lay chuyển, vị vậy Bất động Phật (aksobhya) cũng hay được trình bày với ấn này.

22. Cách dùng chữ của tác giả. Nguyễn Văn Kim trong những nghiên cứu của ông về nhà Trần.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017

Tác giả : ĐINH DỨC TIẾN – TẠ QUANG GIẢNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *