Làng nghề đúc đồng vạn điểm xưa và nay

Nam Định là một vùng đất văn hóa lâu đời, cái nôi sản sinh ra nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó nổi lên một làng nghề ít người biết: làng nghề đúc đồng truyền thống Vạn Điểm (hay còn gọi là khu A) thị trấn Lâm, huyện Ý Yên. Đây là một làng nghề có lịch sử phát triển lâu đời về nghề đúc, nằm tại vị trí trung tâm của huyện Ý Yên, kế bên là làng nghề đúc cơ khí Tống Xá, xã Yên Xá.

Làng nghề đúc đồng nổi tiếng của huyện Ý Yên chính là làng Vạn Điểm chứ không phải làng Tống Xá như nhiều người vẫn lầm tưởng bấy lâu nay. Sở dĩ có sự nhầm lẫn đó vì cả hai làng cách nhau không xa, đều có các sản phẩm đúc. Ở làng Tống Xá họ chỉ đúc các sản phẩm cơ khí: máy móc, linh kiện máy móc, ốc vít, sắt, thép công nghiệp, quả bạc cho các lò nung xi măng… tuy cũng có vài lò đúc đồng nhưng là do học của làng Vạn Điểm hoặc do người làng Vạn Điểm sang đó mở lò đúc và bán sản phẩm. Việc khảo sát thực tế và thu thập tư liệu cho thấy lịch sử hình thành làng nghề đúc đồng ở huyện Ý Yên mà cái nôi chính là làng Vạn Điểm, một ngôi làng trù phú nằm giữa trung tâm huyện. Theo các cụ cao niên tại làng nghề đúc đồng Vạn Điểm kể lại rằng: Ông tổ nghề đúc đồng mà người dân Vạn Điểm hiện thờ tại đình làng chính là Khổng Minh Không, người đã dạy cho dân làng nghề đúc sanh, nồi, mâm đồng và các vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt. Dần dần làng Vạn Điểm đã được khắp các nơi trong vùng biết đến với nghề đúc tinh xảo. Nghề đúc đồng thời bấy giờ là một nghề khó kiếm sống, bởi lẽ đồng là thứ kim loại quý, giá thành tương đối cao mà nhân dân ta lúc bấy giờ đa phần là những nông dân nghèo. Người nông dân phải vất vả kiếm miếng ăn đã khó, thì lấy đâu ra tiền bạc để mua, đúc những món hàng, vật dụng đắt đỏ từ đồng. Thời xưa, chỉ có những gia đình quyền quý, quan lại địa chủ thì mới có những vật dụng, đồ dùng, đồ trang trí bằng đồng, vì thế, đối tượng phục vụ trong xã hội không nhiều, cuộc sống của nhân dân Vạn Điểm cũng khó khăn như chính nghề mưu sinh của họ vậy. Trải qua thời gian, nghề đúc đồng của làng Vạn Điểm cũng dần bị mai một bởi nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do không có đối tượng phục vụ, ngoài ra do đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, trong chiến tranh thì kim loại, đồ đồng được thu gom để đúc vũ khí. Đứng trước tình thế đó, ông tổ nghề làng Vạn Điểm đã qua làng bên (làng Tống Xá) dạy cho họ cách đúc các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp: cày, cuốc, bừa… với loại hình sản phẩm mới này, chất liệu dễ kiếm, rẻ, phù hợp với người nông dân nên các sản phẩm của làng Tống Xá đã được đông đảo mọi người tìm đến mua, đặt hàng. Vì thế, đã có thời gian làng nghề Tống Xá được đông đảo mọi người biết đến mà lãng quên đi cái nôi của nghề đúc Vạn Điểm. Cũng từ đó, làng đúc đồng Vạn Điểm dần dần bị mai một, nhân dân trong làng phần bỏ đi làm nghề khác, phần thì sang làm thuê cho Tống Xá, trong làng có một số gia đình đã chuyển từ đúc đồng sang đúc nhôm đối với các sản phẩm phục vụ cuộc sống sinh hoạt nhưng cũng không mấy khả quan, lúc bấy giờ làng nghề Tống Xá đã trở thành thương hiệu, khiến cho họ dường như không thoát ra được khỏi cái bóng đó.

Trao đổi với người dân ở cả hai làng Vạn Điểm và Tống Xá cùng khu vực lân cận, cụ thể là ông Vũ Duy Tùng, 57 tuổi, người dân của làng Vạn Điểm; ông Nguyễn Văn Thanh, 62 tuổi, người làng Tống Xá; ông Nguyễn Văn Hiền, 59 tuổi, khu E thị trấn Lâm đều cho cùng một câu trả lời: Làng nghề đúc đồng truyền thống và có lịch sử lâu đời chính là làng Vạn Điểm thị trấn Lâm chứ không phải làng Tống Xá bởi vì Tống Xá ngày xưa họ chỉ đúc lưỡi cày, xoong, chảo gang và ngày nay trong quá trình công nghiệp hóa phát triển, người dân Tống Xá mở ra nhiều lò đúc cơ khí, phục vụ công nghiệp.

Quá trình khảo sát tại làng Vạn Điểm cho thấy, gần như 100% người dân ở đây đều làm nghề đúc đồng và khẳng định đây chính là cái nôi của nghề đúc đồng và họ rất tự hào về điều đó. Làng Tống Xá hiện nay xuất hiện nhiều xưởng đúc cơ khí, thép và các công ty đúc cơ khí, công nghiệp: Phú Thịnh, Sơn Giang, Thành Đồng, Ngọc Thắng, Ngọc Hà… Trực tiếp vào tại xưởng đúc của một gia đình làng Tống Xá cho thấy, họ chỉ đúc thép công nghiệp chứ không đúc đồng như làng Vạn Điểm và cả làng Tống Xá chỉ là các lò đúc cơ khí, ngoài ra chỉ có khoảng vài lò đúc đồng và cửa hàng giới thiệu sản phẩm đồ đồng mà thôi. Người dân Tống Xá cũng khẳng định làng họ không đúc đồng, mà làng Vạn Điểm mới là làng đúc đồng truyền thống, từ đó có thể làm sáng tỏ được vấn đề, đính chính lại thông tin mà nhiều người vẫn hay nhầm lẫn: làng nghề đúc đồng Vạn Điểm, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định chứ không phải làng nghề đúc đồng Tống Xá.

Bên cạnh những yếu tố về lịch sử hình thành, quá trình tồn tại và phát triển thì sản phẩm của làng nghề đúc đồng Vạn Điểm cũng có nhiều cách tân dựa trên những nét cổ truyền vốn có. Nếu như ngày xưa làng nghề đúc đồng Vạn Điểm chỉ chú trọng sản xuất các vật dụng để phục vụ cuộc sống sinh hoạt thì ngày nay, các sản phẩm của làng nghề Vạn Điểm vô cùng đa dạng về mẫu mã, loại hình để bắt kịp nhu cầu của thời đại. Trong đó, có thể chia ra những loại hình chính như sau:

Đồ gia dụng: so với những sản phẩm hiện nay của ngành công nghiệp tạo ra các sản phẩm gia dụng của làng nghề Vạn Điểm không được nhiều người ưa chuộng bởi lẽ giá thành sản phẩm cao, mẫu mã không phong phú. Làng nghề đúc đồng Vạn Điểm vẫn đúc các loại xoong, nồi, chảo, thìa, dĩa, mâm…

Đồ mỹ nghệ: đồ đồng mỹ nghệ Vạn Điểm có thể chia ra thành các nhóm như: tranh, mặt trống đồng, chân để đồng hồ, đôi lục bình, mâm đồng trên có khắc họa tiết hoa văn… Với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo không ngừng, biết kết hợp giữa nét đẹp cổ xưa và hiện đại, yếu tố “hồn” luôn được các nghệ nhân Vạn Điểm thổi vào từng sản phẩm để rồi người đến xem, mua hàng không khỏi trầm trồ khen ngợi cái tài, cái tình của họ gửi gắm trong đó. Nhìn vào các sản phẩm mỹ nghệ của làng nghề Vạn Điểm, ta như được hòa mình vào cõi tiên, nơi cuộc sống thanh nhàn mà bình dị hay mang đậm vẻ huyền thoại từ các tích truyện xưa được nghệ nhân khắc họa trên chất liệu kim loại nhưng không kém nét mềm mại, lôi cuốn.

Đồ thờ cúng: đây là mặt hàng chiếm số lượng lớn cùng với tượng chân dung, nhân vật lịch sử được bày bán ở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm đúc đồng Vạn Điểm. Qua đó có thể thấy được đây là sản phẩm được nhiều khách hàng ưa thích. Đồ thờ cúng ở đây được chia ra làm hai loại: đồ thờ cúng trong gia đình và đồ thờ cúng tại các di tích như đình, chùa, lăng tẩm. Đối với mỗi gia đình Việt Nam, thờ cúng ông bà tổ tiên đã trở thành một tín ngưỡng tâm linh từ bao đời nay, là nét đẹp thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, vì thế trên ban thờ thường có bát hương, chân nến, lọ hoa hoặc có thêm đài nước, mâm bồng. Đối với mỗi gia đình, các vật đó có thể đầy đủ và được làm bằng các chất liệu khác nhau như gỗ, sành sứ. Có gia đình ưa đồ gỗ sơn son thếp vàng song những gia đình có kinh tế khá giả lại chuộng đồ đồng bởi vì màu sắc đẹp, chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng. Tùy vào giá thành mà mẫu mã, màu sắc có thể thay đổi tùy theo sự lựa chọn của khách hàng. Theo ông Vũ Duy Tùng, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Tập đoàn Thắng Lợi cho biết, đồng của họ nhập về là thứ đồng trong các nhà máy sản xuất dây điện, nhập ở bên Úc về nên chất lượng rất tốt, lên màu đẹp, hơn nữa công ty đúc nhiều đồ tâm linh nên đồng của họ nhập về phải chuẩn và sạch. Từ đó có thể thấy được ý thức, tâm niệm của người chủ kinh doanh lẫn các nghệ nhân làng nghề đúc đồng Vạn Điểm là rất đáng quý, cần phát huy để giữ trọn đạo với nghề.

Tượng: đây cũng là sản phẩm đúc mang thương hiệu cho làng Vạn Điểm, giúp các sản phẩm của làng có mặt ở hầu hết mọi nơi trong  và ngoài nước. Tượng ở đây chia thành nhiều loại, điển hình có thể kể đến: tượng trang trí và tượng thờ. Đó là tượng các anh hùng dân tộc: Lý Thái Tổ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay những bức tượng Phật… Ở những bức tượng này, với nghệ thuật hạ màu và có thể khảm thêm tam khí khiến những bức tượng trở nên có hồn và đầy xúc cảm chứ không đơn thuần chỉ là vật vô tri vô giác. Người thợ đúc đồng Vạn Điểm có thể tự tin khẳng định họ đúc bất cứ sản phẩm nào khách đặt hàng, nếu khách hàng muốn làm tượng của ông bà, cha mẹ mình thì chỉ cần đưa ảnh chân dung, họ sẽ làm hài lòng về hình thức và chất lượng sản phẩm.

Vật dụng, linh kiện phục vụ các ngành khai thác khoáng sản, điện tử: ngoài những đồ thờ cúng, mỹ nghệ thì làng nghề đúc đồng Vạn Điểm còn đúc các linh kiện máy phục vụ cho các ngành công nghiệp khai khoáng. Khi ngành công nghiệp phát triển mạnh thì người dân Vạn Điểm cũng đã sớm nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm, họ sớm tạo ra các bộ phận, linh kiện máy móc để mở rộng mặt hàng sản phẩm của mình.

Qua thực tế trên, ta có thể thấy được, làng nghề đúc đồng Vạn Điểm đã thật sự được hồi sinh và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Từ một làng nghề chỉ chuyên đúc nồi, sanh đồng để phục vụ cuộc sống sinh hoạt, trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử, có lúc tưởng chừng sẽ mất nghề nhưng bằng sự kiên trì, óc sáng tạo cao, các thế hệ con em Vạn Điểm đã mở rộng nhiều loại hình sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thời đại.

Việc mở rộng sản xuất các loại hình sản phẩm đồ đồng và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp thương hiệu của làng nghề này đang được quảng bá rộng rãi, sản phẩm của họ có mặt ở nhiều nơi và cả trên thế giới: chùa đồng Yên Tử, đồ đồng và hạc thờ trong các ngôi chùa ở Bình Định, tượng đài trong các nhà lưu niệm danh nhân hay Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đặc biệt bên Lào, Campuchia còn mời các nghệ nhân đúc đồng Vạn Điểm sang đó để đúc các vật dụng tô điểm cho các ngôi chùa của họ. Khách du lịch trong và ngoài nước tới làng Vạn Điểm có đến hàng nghìn lượt người hàng năm, phần lớn là khách trong nước, họ đến với nhiều mục đích: tham quan kết hợp với tua khi về Nam Định, đến tham quan kết hợp mua hàng, đến viết bài, nghiên cứu… Bên cạnh đó, khách nước ngoài đến Vạn Điểm cũng khá đông. Theo ông Vũ Duy Tùng, 57 tuổi, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính Tập đoàn Thắng Lợi cho biết: “Khách nước ngoài du lịch kết hợp với mua hàng đông nhất là ở các nước thờ Phật: Lào, Campuchia và Thái Lan, họ sang tham quan vì đã được biết đến làng nghề Vạn Điểm, có thể sau những lần tham quan ấy, họ lại mời những nghệ nhân của làng chúng tôi qua bên đó đúc cho họ”. Khách du lịch đến với làng nghề đúc đồng Vạn Điểm luôn tỏ ra thích thú, trầm trồ khen ngợi tài hoa của những nghệ nhân đúc đồng với những sản phẩm được trưng bày tại những cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Thông thường, khách du lịch sẽ quay trở lại để mua những món hàng đã làm mình mê mẩn hay như nhiều vị khách nước ngoài sau khi tham quan làng nghề Vạn Điểm đã đặt làm những bức tượng Thiên Chúa, Nữ thần Tự do… Điều đó chứng tỏ sản phẩm của làng nghề đúc đồng Vạn Điểm đã tạo được thương hiệu không chỉ trong nước mà ở cả quốc tế, đó là tín hiệu đáng mừng cho làng nghề và sự phát triển mô hình du lịch làng nghề ở Việt Nam hiện nay.

Có thể nói, làng Vạn Điểm ngày nay có thể nói đã vươn lên trong phát triển kinh tế làng nghề ở huyện Ý Yên. Nằm ở vị trí trung tâm huyện thuộc thị trấn Lâm, cái tên Vạn Điểm được thay bằng tên gọi khu A, nghĩa là khu đứng đầu của thị trấn, được quy hoạch đất làm khu công nghiệp để phát triển làng nghề có diện tích vài trăm héc ta. Nếu xưa kia mô hình chung của làng nghề đúc đồng Vạn Điểm là hộ gia đình thì giờ đây đã xuất hiện nhiều công ty lớn, doanh nghiệp, tiêu biểu như: Tập đoàn Đại Thắng Lợi, Tân Tiến, doang nghiệp Dũng Hồng, Dương Bá Xuân, Dương Bá Phong, Dương Bá Minh… Các công ty, doanh nghiệp lớn nhỏ dồn ra lập xưởng ở khu công nghiệp mới chiếm khoảng 30%. Đây đều là các công ty, doanh nghiệp tư nhân, họ có vốn nên lập doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo được thương hiệu với người tiêu dùng. Các doanh nghiệp có quy mô sản xuất tương đối lớn, với số lượng nhân lực đông đảo. Theo như khảo sát tại một xưởng sản xuất của Tập đoàn Đại Thắng Lợi thì ở đây có khoảng 200 công nhân, trong đó có nhiều người thợ trong làng và nhân dân trong vùng ra làm thuê, còn các doanh nghiệp như Dũng Hồng, Dương Bá Phong thì chỉ khoảng 20 – 30 người. Các công ty, doanh nghiệp này đều đi lên từ mô hình sản xuất hộ gia đình, rồi lên doanh nghiệp, khi có thừa vốn và mối quan hệ làm ăn, họ lập công ty để tạo dựng tên tuổi và tiêu thụ sản phẩm rộng rãi với số lượng lớn mỗi năm. Chẳng hạn, Tập đoàn Đại Thắng Lợi đã gây được tiếng vang lớn khi họ nhận đúc các tượng đài trong cơ quan Nhà nước, Bộ Công an hay sang cả nước bạn để đúc theo lời mời, bên cạnh đó họ còn đúc cả thép để phục vụ ngành công nghiệp xây dựng, khai khoáng… Để quảng bá thương hiệu, các công ty, doanh nghiệp ở làng nghề Vạn Điểm đều có trang web riêng đăng tải rộng rãi trên mạng, có bộ máy quản lý và vận hành chuyên nghiệp. Việc các công ty, doanh nghiệp ở Vạn Điểm thi nhau mọc ra chứng tỏ sản phẩm của họ đã có vị thế trên thị trường và được đông đảo mọi người ưa chuộng. Nếu như trước kia, sản xuất của họ chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong vùng là chính thì hiện nay, sản phẩm của họ đã có mặt rộng rãi trên toàn quốc và một số nước trong khu vực.

Nhiều công ty, doanh nghiệp được mở rộng ra đã thu hút và tạo việc làm cho nhân dân trong khu vực. Nhiều hộ gia đình trong làng đã ra làm cho các công ty hoặc theo hình thức khoán sản phẩm, đây là mô hình sản xuất mới nằm trong dự án quy hoạch làng nghề, ngoài ra còn giúp giảm bớt ô nhiễm môi trường. Chính điều đó đã tạo ra những yếu tố thuận lợi cho việc tập trung phát triển sản xuất, qua đó giúp quản lý tốt hơn các mô hình sản xuất và đưa làng nghề đúc đồng Vạn Điểm nằm trong một dự án phát triển đồng bộ. Với khả năng quy hoạch như thế này, làng Vạn Điểm sẽ phát triển nhanh trong tương lai, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội và tạo công việc cho nhân dân lao động trong vùng, giải quyết vấn đề việc làm hiện nay.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : TRẦN THỊ KIM QUẾ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *