Lễ hội bà chúa xứ ở đồng tháp

Đồng Tháp là một tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa độc đáo, trong đó Khu di tích Gò Tháp ở huyện Tháp Mười mang đậm nét văn hóa đặc sắc của Nam Bộ. Hàng năm, tại đây có hai kỳ lễ hội truyền thống: lễ vía bà chúa Xứ và lễ tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách về Gò Tháp hành hương. Năm 1989, Khu di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Khu di tích cấp quốc gia và đến ngày 27-9-2012 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử vô cùng quý báu của dân tộc và nhân loại.

Bà chúa Xứ là nhân vật truyền thuyết được nhân dân Nam Bộ thần thánh hóa từ đầu TK XIX. Cho dù có nhiều giai thoại khác nhau nhưng đối với người dân miền tây Nam Bộ nói chung và người dân Đồng Tháp Mười nói riêng, bà chúa Xứ từ xưa đến nay vẫn luôn hiển hiện là một đức bà linh hiển luôn che chở, phù hộ cho nhân dân được mưa thuận, gió hòa, gia đình sung túc theo tín ngưỡng thờ cúng truyền thống. Theo truyền tụng trong dân gian thì tượng bà đã có từ lâu đời, cách đây khoảng hai trăm năm, được người dân địa phương phát hiện và rước về từ trên đỉnh núi Sam (thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) bằng chín cô gái đồng trinh. Thực hiện theo ý nguyện của bà qua lời truyền miệng của cô đồng, người dân địa phương đã lập miếu để tôn thờ.

Tại Gò Tháp, lễ vía bà về cơ bản vẫn được tiến hành theo các nghi thức như ở Châu Đốc  nhưng có phần đơn giản hơn gồm hai phần chính:

 Phần lễ

Phần lễ bà chúa Xứ có các lễ chính: lễ mộc dục (tức lễ tắm tượng), lễ dâng hương, lễ cầu an, lễ thỉnh sanh, lễ cúng Thần Nông, lễ múa bóng rỗi, lễ cúng bà chúa Xứ.

Lễ mộc dục

Đây là một nghi lễ hết sức quan trọng được nhân dân địa phương cẩn thận chọn ngày lành, tháng tốt để hành lễ. Phần lễ này diễn ra vào lúc 15 giờ ngày 13 – 3 âm lịch hàng năm và phần tắm bà sẽ do ban hội hương chịu trách nhiệm chọn người, chọn ngày giờ tốt để tiến hành. Những người được chọn tắm bà là những cô gái đồng trinh, có sức khỏe tốt, gia đình có nề nếp, có uy tín được ban hội hương và nhân dân tín nhiệm. Thành phần trực tiếp tắm bà chỉ có bốn cô gái, ban hội hương chịu trách nhiệm khấn lạy, còn lại là nhân dân khắp nơi hội tụ về rất đông để cùng khấn niệm. Trước khi tắm bà, những cô gái được chọn phải tắm rửa sạch sẽ, mặc áo dài đồng phục màu hồng nhạt, tóc búi gọn, tất cả phải chuẩn bị tươm tất, chỉnh tề mới tiến hành.

Lễ vật cúng xin được tắm bà gồm có trầu, rượu, hoa, bánh ngọt, trà. Trước khi làm lễ phải chuẩn bị nhiều dầu thơm cao cấp, nước lọc, hoa và cả chục tấm khăn mới. Sau khi thắp hương xong, trưởng ban hội hương khấn vái với đại ý xin được tắm rửa sạch sẽ để thay áo mới nhân ngày lễ vía bà (ngày 15-3 âm lịch). Sau khi khấn xong, các cô gái lấy khăn nhúng vào nước lọc lau bụi bám ở tượng. Tiếp theo là xịt các loại dầu thơm cao cấp để lau tượng, cứ như thế công việc diễn ra khoảng 15 phút. Khi tượng đã sạch sẽ thì lấy áo mới đã chuẩn bị sẵn trong hộp mặc cho bà.

Sau khi tiến hành lễ tắm bà xong thì ban hội hương lấy những chiếc khăn tắm bà cắt nhỏ chia cho mỗi người một mảnh. Người dân tin rằng, nếu lấy mảnh khăn này giữ bên mình thì gia đình, con cháu được khỏe mạnh suốt cả năm, con cái học hành thông minh, tiến bộ, mọi người tránh được bệnh tật, tà ma…

Lễ dâng hương

Trong lễ hội bà chúa Xứ, lễ dâng hương được tổ chức với nghi thức rất chặt chẽ kéo dài trong suốt nhiều ngày. Trước hết, người ta đốt hương, sau đó dùng hai tay cung kính dâng hương lên ngang trán, xá hương ba xá, rồi hai tay kính cẩn cắm từng nén hương vào bát hương, phải chú ý cắm cho ngay thẳng bởi điều này tượng trưng cho tấm lòng thành kính. Hương được thắp từ đền thờ chính của bà rồi đến đền thờ hai vị anh hùng Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, sau cùng là đến chùa Linh Tự và các điểm di tích còn lại. Hương được thắp theo số lẻ, thường là một hoặc ba nén.

Sau lễ dâng hương là đến thời điểm các đoàn khách hoặc cá nhân tự do dâng lễ vật hay khấn cầu. Hàng năm, từ ngày 14 đến 16 – 3 âm lịch, nhân dân khắp nơi xa gần hội tụ về đây rất đông để làm lễ dâng hương bà. Theo quan niệm của mọi người, một khi nén hương được thắp lên thì người ta cảm thấy lòng mình thanh thản và có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống tốt đẹp đang chờ ở phía trước. Vì vậy, cùng với những tập tục truyền thống tốt đẹp khác, việc dâng hương đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của người Việt Nam.

Lễ cầu an

Lễ cầu an là lễ cúng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà được no ấm. Thành phần tế lễ cúng cầu an thường gồm một trưởng ban và ba phó trưởng ban cùng ban nhạc lễ có sáu người, học trò lễ có bốn người, cặp xướng có hai người và đội múa lân. Lễ vật cúng là những món ăn chay rất đơn giản và vài miếng bánh, hoa quả, trà, rượu. Ngoài bàn cúng chính nằm ở trung tâm thì ban hội hương còn bày lễ vật cúng hai bàn tả ban và hữu ban. Lễ cầu an bắt đầu từ 15 đến 16 giờ ngày 15 – 3 âm lịch. Trước khi vào cúng, ban nhạc và đội múa lân trỗi lên liên hồi làm cho không khí tế lễ vừa trang nghiêm, vừa sôi động. Khi bắt đầu cúng, học trò lễ bước lên rót từng cặp rượu và trà, tiếp đến trưởng ban đọc văn tế. Sau khi đọc văn tế xong, thành viên trong ban hội hương chọn nơi sạch sẽ để đốt văn tế. Tiếp đến là nhân dân dự lễ hội thắp hương cúng bái khoảng 1 giờ thì kết thúc.

Lễ thỉnh sanh

Lễ thỉnh sanh trong lễ hội cúng bà chúa Xứ ở Gò Tháp còn gọi là lễ tịnh sanh. Nghi lễ bắt đầu từ lúc 0 giờ (tức giờ Tý) ngày 15 – 3 âm lịch do bắt nguồn từ quan niệm về dịch lý. Đây là giờ “âm lão, dương khởi”, tức mọi điều tốt lành nảy sinh. Toàn bộ ban hội hương tề tựu về đây cùng với ban nhạc tiến hành làm lễ để thỉnh ơn trên, bà chúa Xứ và thần đất đai về chứng minh làm lễ khai đao, tức là xin làm heo cúng thần và bà. Trước khi làm lễ, ban hội hương chuẩn bị một chiếc bàn, bánh ngọt, trà rượu, trầu cau, muối, gạo và một con heo (toàn sắc màu đen hoặc trắng, có bộ lông gáy dày cứng, không bị lai tạp về giống và phải là heo đực). Khi lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ để trên bàn, con heo được tắm rửa sạch sẽ, cột bốn chân và được đặt trên chiếc ghế ngay trước bàn thờ bà. Trưởng ban hội hương khấn xin bà cho phép khai đao. Muốn hạ sát con heo ấy, ông lấy rượu đổ vào đầu và miệng heo, thắp một tuần hương xin ơn trên cho phép được giết heo. Sau khi con heo bị chọc huyết, ông dùng một cái ly nhỏ hứng một ít máu cùng nhúm lông gáy (tiêu biểu cho toàn thể con vật này) rồi lấy giấy vàng mã đậy lại và đặt trên bàn thờ bà. Ly huyết có ít lông này gọi chung là “mao huyết”. Trong suốt thời gian diễn ra lễ thì chiêng, trống, mõ được đánh liên tục đến khi nghe trưởng ban tế tự nói “xướng lễ tất” thì lúc này mới kết thúc.

Lễ cúng Thần Nông

Lễ cúng Thần Nông được bắt đầu từ 3 đến 4 giờ sáng ngày 16 – 3 âm lịch. Thành phần tham dự là ban hội hương, học trò lễ, ban nhạc công, đội múa lân cùng với đông đảo người dân. Lễ vật để cúng Thần Nông do ban tế tự chuẩn bị gồm hai con gà để nguyên con nấu cháo, hai thủ vĩ và một vài món ăn chế biến từ gạo. Ngoài ra, còn có bánh ngọt, trà, trái cây, hoa, gạo, muối mỗi thứ một ít. Người ta chuẩn bị hai chiếc bàn để ngoài trời trên có sắp sẵn các lễ vật giống nhau. Tiếp đến, ban hội hương tập hợp thành phần tham dự lễ cúng Thần Nông và bắt đầu cúng: trưởng ban cùng ba phó ban hành lễ, còn học trò lễ và cặp xướng dâng rượu, bánh, nước cúng hai tuần rượu. Sau khi cúng hai tuần rượu thì trưởng ban tế tự sẽ đọc văn tế được chuẩn bị sẵn. Xong bài văn tế là tiếp tục cúng ba tuần rượu và ba tuần trà. Tất cả việc rót rượu, rót trà đều do học trò lễ và cặp xướng tiến hành. Mỗi tuần cúng trà, rượu như vậy đều có nhạc, trống, chiêng múa lân đánh liên hồi làm tăng thêm không khí trang nghiêm trong lúc hành lễ. Khi cúng xong, các đoàn khách dự lễ hội thắp hương cúng Thần Nông kéo dài đến 4 giờ sáng mới kết thúc.

Lễ múa bóng rỗi

Lễ múa bóng rỗi gồm hai phần là múa bóng và hát rỗi. Thông qua những động tác tạo hình và lời hát, lối hát thể hiện sự kính dâng lễ vật lên bà. Một số cô bóng ngoài khả năng thiên bẩm còn chịu khó tập luyện thêm nên trình diễn những động tác múa rất điêu luyện, kéo dài như những diễn viên xiếc khiến người xem lúc nào cũng hồi hộp, phấn khích. Lễ múa bóng rỗi bắt đầu vào lúc 22 giờ ngày 15 kéo dài đến 1 giờ ngày 16 – 3 âm lịch. Trước khi múa bóng để dâng phẩm vật thì người ta phải thắp hương xin dâng lễ vật. Trong các điệu múa, múa bông (hoa) và múa dâng mâm vàng là nghi thức bắt buộc không thể thiếu. Khi màn hát chầu vừa xong thì chuyển sang múa dâng bông. Người ta dùng một chén đầy bông trang đưa cho cô bóng, cô bóng tiếp nhận chén và bắt đầu thể hiện những động tác uốn lượn cơ thể, tay, chân, miệng hát múa rỗi theo những nhịp, phách của ban nhạc. Động tác cuối cùng của múa dâng bông là để chén bông lên đầu rồi lượn bằng cổ ba vòng, sau đó quỳ xuống, một người khác sẽ đến lấy chén bông đặt trên bàn thờ.

Thường thì lễ múa bóng rỗi kéo dài khoảng ba tiếng đồng hồ. Kết thúc một lễ cúng bóng rỗi thường là một chặp hát cầu tài, cầu lộc cho gia chủ, cho mọi người. Sau khi lễ múa bóng rỗi kết thúc thì các đoàn khách đi lễ hội thắp hương, tùy theo đạo mà người đi hội lạy bốn hay mười hai lạy (đạo Cao Đài lạy bốn lạy còn đạo Phật lạy đến mười hai lạy), cứ như thế diễn ra đến 4 giờ sáng ngày 16 mới kết thúc.

Lễ cúng bà chúa Xứ

Sau khi những lễ phụ cúng bà chúa Xứ kết thúc thì lễ chính thức cúng bà bắt đầu diễn ra từ 4 giờ đến 6 giờ ngày 16 – 3. Thành phần tham dự là ban hội hương, học trò lễ, ban nhạc công. Lễ vật để cúng bà gồm một con heo làm sống để nguyên đặt trên bàn và một con heo chế biến các món ăn khác nhau như: thịt xào, thịt kho trứng vịt, canh thịt heo hầm măng, lẩu… để dọn lên bàn cúng bà. Bàn thờ cúng bà nằm ở giữa trên cao, phía trước có một chiếc bàn dài để đặt con heo đã làm sẵn còn nguyên. Hai bên bàn thờ tả ban và hữu ban thì dọn các món ăn chế biến từ thịt heo cúng cùng với cơm, bánh, hoa quả, bên ngoài cũng dọn một bàn bày biện những món giống bàn hữu ban và tả ban. Bàn thờ này cúng đất đai, mồ mả, cô bác và các chiến sĩ trận vong để cầu mong được phù hộ bình yên, có sức khỏe và làm ăn may mắn, phát đạt.

Khi lễ vật đã bày biện xong trên các bàn thờ, việc làm đầu tiên là khêu mõ, khai chiêng. Tiếp đến là cặp xướng cho học trò lễ đi lễ trước để kiểm tra xem có đủ phẩm vật chưa, sau đó trưởng ban và ba phó ban quỳ trước bàn chính, còn bàn phụ thì các thành viên khác mỗi người quỳ trước một bàn cùng khấn cầu mong bà phù hộ, độ trì cho dân chúng. Trong lúc khấn vái, các học trò lễ đứng hai bên, ban nhạc xướng lên làm cho không khí thêm sôi động. Nghi thức cúng gồm cúng một tuần hương, một tuần rượu và một tuần trà. Ban hội hương khấn vái, học trò lễ dâng hương. Mỗi tuần như vậy là trống, chiêng, mõ, múa lân đều cùng nhau hợp xướng rộn rã. Tiếp theo là tuần rượu thứ hai và chánh tế đọc bài văn tế cúng bà. Sau phần đọc văn tế là đến cúng tuần trà và tiếp theo là đến các đoàn khách thập phương mỗi người thắp một nén hương cầu cho đất nước và gia đạo bình yên, sức khỏe dồi dào. Cứ thế buổi lễ tiếp diễn kéo dài hơn một giờ thì kết thúc. Sau phần lễ là đến phần khai hội do ban tổ chức chủ trì.

Phần hội

Nếu như phần lễ là những nghi thức tôn kính, trang nghiêm thì phần hội lại ồn ào, náo nhiệt, hào hứng, cởi mở và mọi người đều vui chơi hết mình. Phần hội tạo không khí vui tươi, phấn khởi, hòa đồng, đoàn kết giữa những người dân trong làng xã với những địa phương khác. Thông qua đó, phần hội góp phần củng cố tâm lý cộng đồng làng xã với nhau.

Ở khu di tích Gò Tháp, phần hội ít khi tổ chức những trò chơi cổ truyền mà được hiện đại hóa bằng việc tổ chức hội chợ với khoảng 500 gian hàng bày bán các sản phẩm bách hóa, hàng Việt, đặc sản bánh trái của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long kèm theo các trò chơi đương đại như lô tô, ném vòng, ném bóng, trượt patin, đánh cờ tướng… Ngoài ra, còn có chương trình hát với nhau, hát cải lương hoặc chiếu phim, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham gia vào mỗi kỳ lễ hội.

Có thể nói, lễ hội bà chúa Xứ đã đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, đó là sự suy tôn các bậc thánh nhân dù là nhân vật lịch sử hay trong truyền thuyết qua đó góp phần giáo dục người dân lòng biết ơn các bậc tiền hiền có công với dân, với nước. Qua lễ hội, con người thấy mình gần gũi, đoàn kết, thương yêu và gắn bó nhau hơn; luôn tự nhắc nhở mình sống sao cho tốt, có ích, từ đó nâng cao nhận thức về tinh thần yêu quê hương đất nước, yêu lao động, cống hiến thật nhiều cho cộng đồng, cho xã hội, mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc. Lễ hội bà chúa Xứ còn thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc: tôn sùng cõi tâm linh, biến đức tin thành sức mạnh tinh thần vô song để chiến thắng mọi gian nan, thử thách, phát huy mối gắn kết cộng đồng, bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân tộc đặc sắc của địa phương… Và, lễ hội bà chúa Xứ còn mang giá trị văn hóa lịch sử bởi nó giúp khẳng định bề dày văn hóa dân tộc, nền văn minh của người Việt ngay từ những ngày đầu mở đất, khẳng định chủ quyền lãnh thổ lâu dài đã được người Việt thiết lập ngay tại vùng đất có nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng này.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : NGUYỄN BÍCH NGỌC

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *