Nâng cao đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ở bắc giang

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngày 14-7-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 145-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 với mục tiêu: xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao (1). Nghị quyết xác định nhiệm vụ chủ yếu: xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh; bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng…; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đẩy mạnh hoạt động truyền thanh, văn hóa, nghệ thuật và phong trào thể dục, thể thao quần chúng (2).

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết chuyên đề số 145-NQ/TU, ngày 30-8-2012 UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định số 1217/QĐ-UBND về việc phê duyệt chương trình thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến năm 2020. Chương trình xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 đối với các huyện đồng bằng, trung du và thành phố Bắc Giang: thu hút 40% trở lên số người dân tham gia vào các hoạt động thể thao; 40% trở lên số người dân tham gia các hoạt động văn hóa ở cơ sở; 50% nhà văn hóa và khu thể thao xã; 35% nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ VHTTDL; 80% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; 65% thôn, làng, bản, tổ dân phố và tương đương được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn văn hóa, làng văn hóa, bản văn hóa, tổ dân phố văn hóa và tương đương; trong đó có 20% làng văn hóa đạt chuẩn về cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn mới; 90% hộ gia đình được phổ biến các quy định của pháp luật và văn hóa; 100% cán bộ văn hóa, thể thao được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; 70% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 20% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 20% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Đối với các huyện miền núi: thu hút 20% trở lên số người dân tham gia vào các hoạt động thể thao; 20% trở lên số người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa ở cơ sở; 30% nhà văn hóa và khu thể thao xã; 20% nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ VHTTDL; 70% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; trong đó có 5% gia đình có kinh tế phát triển khá từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa; 55% thôn, làng, bản, tổ dân phố và tương đương được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa; 85% hộ gia đình được phổ biến các quy định về pháp luật và văn hóa; 100% cán bộ văn hóa, thể thao được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; 60% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 15% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 15% thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Đến năm 2020 tiếp tục củng cố về chất lượng, nâng cao tỷ lệ các chỉ tiêu đạt được trong giai đoạn 2011 – 2015. Phấn đấu đạt được các tiêu chí về xây dựng văn hóa nông thôn mới cấp xã; 50% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 100% thôn, làng và tương đương ở đồng bằng và 60% ở miền núi và các xã đặc biệt khó khăn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt quy định của Bộ VHTTDL (3). 

Quá trình tổ chức, triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Điển hình như phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn bản văn hóa được ban chỉ đạo các cấp quan tâm nên đã có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng danh hiệu gia đình văn hóa. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như: phát hành tờ rơi tuyên truyền theo đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020 đến các hộ gia đình và các câu lạc bộ gia đình trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hội thi, tọa đàm nhân ngày quốc tế hạnh phúc 20-3, ngày gia đình Việt Nam 28-6… Do vậy, hàng năm số lượng, chất lượng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 374.132/430.237 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm 87,1%) (4).

Phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa tập trung vào thực hiện các nội dung như phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ tại cộng đồng dân cư; xây dựng và nâng cấp đường làng, ngõ xóm; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bài trừ tệ nạn xã hội… đã xuất hiện nhiều mô hình mới trong chỉ đạo triển khai: làng văn hóa không có ô nhiễm môi trường, làng văn hóa nông thôn mới… Tỷ lệ làng, bản văn hóa được UBND cấp huyện, thành phố công nhận là 1.765/2.327 làng, bản (đạt 71%) (5).

Thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng, cụ thể hóa thành phong trào thi đua với nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng các cấp, ngành đã xây dựng chương trình phối hợp, triển khai đầy đủ, sâu rộng nội dung của cuộc vận động trong giai đoạn mới và nội dung tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nhân dân. Tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo bằng các hình thức xây dựng quỹ hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật… Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai có hiệu quả mô hình khu dân cư an toàn, khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường; Hội cựu chiến binh tỉnh tích cực triển khai thực hiện xây dựng nhà tình nghĩa đồng đội và vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát; Hội nông dân tỉnh vận động hội viên vệ sinh môi trường nông thôn; Tỉnh Đoàn đảm nhận và thi công các công trình hạ tầng tại nông thôn, vệ sinh môi trường nông thôn với mô hình làng, xã xanh – sạch – đẹp, ngày môi trường xanh, tiếng loa vệ sinh môi trường…

Phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo tổ chức tốt nhiều phong trào thi đua yêu nước, xây dựng gương người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến trên những lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào này ngày càng được nâng cao, có sức lan tỏa và trở thành đòn bẩy quan trọng cho việc thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Khẩu hiệu hành động tăng cường kỷ cương – phát huy trách nhiệm – nụ cười công chức được các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lao động trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, đăng ký và thực hiện có hiệu quả với nhiều việc làm mới, sáng tạo. Trong những năm qua đã có 398 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương các loại; 100 tập thể được nhận cờ thi đua xuất sắc của chính phủ; Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen cho 416 tập thể, cá nhân và công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 03 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho trên 17.000 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua; tặng thưởng danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân Bắc Giang tiêu biểu cho 37 doanh nghiệp, 32 doanh nhân, 11 làng nghề, 10 nghệ nhân, 10 thợ giỏi và 36 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… (6).

Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là một trong những phong trào thi đua thiết thực, góp phần đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Trong thời gian qua, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả, đi vào chiều sâu góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới. Đến năm 2016 toàn tỉnh có 1.792/2.151 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (chiếm 83,3%) (7).

Phong trào xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị cũng được triển khai sâu rộng. Năm 2016, toàn tỉnh có 49/203 xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa (chiếm 24,1%), 14/26 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (chiếm 53,8%). Đến tháng 7-2017 trên địa bàn tỉnh có 135/203 xã đạt chuẩn văn hóa (chiếm 66,5%) (8)… Đây là cơ sở góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và thay đổi bộ mặt đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có chuyển biến tích cực. Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành một số văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện nội dung trên, nhằm từng bước định hướng cho nhân dân.

Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào thể dục thể thao quần chúng trong tỉnh ngày càng phát triển. Qua đó, việc xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố đã được các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo. Tính đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 2.415 nhà văn hóa, trong đó có 154/230 nhà văn hóa xã (đạt 66,96%) và 2.261/2.494 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố (đạt 90,66%). Để xây dựng nhà văn hóa, các địa phương đã có nhiều sáng kiến tạo cơ chế vận động xã hội hóa, huy động được nhiều nguồn đóng góp từ nhân dân, tài trợ của doanh nghiệp, doanh nhân với số tiền hàng chục tỷ đồng. Toàn tỉnh có 575 sân bóng đá, 338 sân bóng chuyền, 248 nhà tập luyện có mái che; tỷ lệ người dân tập thể dục thể thao thường xuyên đạt trên 32%; số hộ gia đình thể thao là 45.434 hộ; số hội, câu lạc bộ thể thao là 1.506 (9). Tại các nhà văn hóa, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn hạn chế: phong trào xây dựng làng văn hóa chưa đồng đều giữa các địa phương, cơ sở và tính bền vững chưa cao; việc đăng ký các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương còn hình thức. Một số tiêu chí như tỷ lệ sinh con thứ 3, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội… có những diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến kết quả của phong trào; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng song chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao; nhiều thiết chế văn hóa cấp tỉnh, huyện chưa được đầu tư xây dựng, các công trình phục vụ cho hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân…

Quá trình tổ chức thực hiện và những kết quả bước đầu đạt được của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các cấp lãnh đạo đã rút ra các giải pháp:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của phong trào. Coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân trong chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đưa những chỉ tiêu, nhiệm vụ của phong trào vào chỉ tiêu thi đua của các cấp, ngành, chỉ đạo triển khai thực hiện và lấy kết quả phong trào để đánh giá thi đua.

Quan tâm củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phong trào các cấp. Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng các tiêu chí, nội dung của phong trào phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để chỉ đạo tập trung thống nhất trong toàn tỉnh, làm cơ sở để kiểm tra và xét duyệt công nhận các danh hiệu văn hóa hàng năm. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực chất phong trào, đề ra các biện pháp chỉ đạo phù hợp, để phong trào phát triển toàn diện, vững chắc đạt hiệu quả cao.

Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng những công trình công cộng ở cơ sở. Ưu tiên đầu tư cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức tốt nhiều hình thức phát động, đăng ký các danh hiệu văn hóa, kịp thời biểu dương khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào. Coi trọng bồi dưỡng các nhân tố mới, nhân rộng những điển hình tiên tiến.

Gắn việc xây dựng nông thôn mới với việc học tập, quán triệt và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị và cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức gương mẫu thực hiện nhằm đưa phong trào phát triển toàn diện, rộng khắp trên các lĩnh vực đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên có sự chỉ đạo của chi bộ, Ban quản lý thôn, bản, tổ dân phố, nêu cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội người cao tuổi và các đoàn thể nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của các gia đình, dòng họ trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; bổ sung kịp thời những quy định mới phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương vào quy ước, hương ước làng, bản, tổ dân phố, nhằm xây dựng làng văn hóa phát triển toàn diện, đổi mới, tiến bộ, trên địa bàn toàn tỉnh.

______________

1, 2. Tỉnh ủy Bắc Giang, Nghị quyết số 145-NQ/TU ngày 14-7-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, 2011, tr.3, 4.

3. UBND tỉnh Bắc Giang, Chương trình thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định 1217/QĐ-UBND ngày 30-8-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh), 2012, tr.4.

4, 6, 7, 9. UBND tỉnh Bắc Giang-Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đăng ký xây dựng đời sống văn hóa, Báo cáo số 252/BC-BCĐ ngày 27-12-2016 tổng kết thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2015; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020, 2016, tr.6, 11, 13.

5, 8. UBND tỉnh Bắc Giang – Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Báo cáo số 243/BC-SNN ngày 18-7-2017 kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, 2017, tr.19.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402 tháng 12 – 2017

Tác giả : HOÀNG CÔNG VŨ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *