Xây dựng văn hóa đảng theo tinh thần văn kiện đại hội xii

Một trong những nội dung nổi bật, có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, mà còn với công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng là quan điểm về xây dựng văn hóa Đảng. Văn hóa trong Đảng hay văn hóa Đảng mà trực tiếp, chủ yếu là văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng từng bước được xây dựng và phát huy vai trò to lớn trong tiến trình cách mạng nước ta.

Tại Đại hội XII, vị trí, tầm quan trọng và những nội dung cốt lõi của vấn đề này một lần nữa được Đảng ta đề cao và nhấn mạnh: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng” (1).

Quan điểm này của Đảng trong Văn kiện Đại hội XII không chỉ là sự tiếp tục kiên trì khẳng định các quan điểm của các kỳ Đại hội, các Hội nghị Trung ương trước đó, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (số 33 – NQ/TW), mà còn thể hiện sự chuyển biến về chất của tư duy, sách lược về xây dựng, phát triển văn hóa đảng trong điều kiện mới ở nước ta.

Thực tiễn đã chứng minh, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa nói riêng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc nói chung, Đảng đã tạo lập nên những giá trị nổi bật, kết tinh trong lý tưởng, trí tuệ, phẩm chất, hoạt động của Đảng, tạo thành năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của Đảng trước dân tộc và thế giới. Những giá trị đó tổng hợp thành văn hóa Đảng mà hạt nhân là văn hóa chính trị của Đảng, với bản chất là văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng. Trong đó, thành tựu nổi bật trước hết là Đảng luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây được xem là giá trị hạt nhân của văn hóa chính trị, là nền tảng chính trị vững chắc củng cố sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội.

Sự kiên định của Đảng được thể hiện nổi bật vào những thời điểm phức tạp, những bước quanh co của lịch sử, những lúc cách mạng trong nước gặp nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng Đảng vẫn giữ vững bản lĩnh chính trị, sự sáng suốt, tỉnh táo để đề ra đường lối chiến lược, sách lược khoa học và phù hợp. Chính sự kiên định và bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm sự ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam, điều kiện quan trọng để công cuộc đổi mới được triển khai thắng lợi.

Trên thực tế, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng đã trở thành lập trường bất di bất dịch. Mặc dù Đảng ta luôn trung thành tuyệt đối, không dao động, ngả nghiêng; nhưng cũng không rơi vào giáo điều, bảo thù, trì trệ hoặc không tự trói mình trong những tín điều cứng nhắc. Đảng luôn xác định cách mạng là sáng tạo, chân lý là cụ thể; chú trọng nghiên cứu, phát triển học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học; nghiêm túc tổng kết thực tiễn, tiếp thu sáng kiến của nhân dân; cởi mở nhìn ra thế giới, cầu thị học tập kinh nghiệm quốc tế; tích cực tìm tòi và sáng tạo, độc lập, tự chủ trong xây dựng, từng bước hoàn thiện con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Khẳng định điều này, trong Văn kiện Đại hội XII, bài học thứ nhất mà Đảng ta đã đúc rút sau 30 năm đổi mới được xác định là “phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”(2). 

Cùng với đó, Đảng luôn chú trọng nâng cao văn hóa tổ chức, văn hóa dùng người, chăm lo xây dựng bộ máy tổ chức vững mạnh, đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Với phương châm: cán bộ là chủ thể trực tiếp sáng tạo và truyền bá văn hóa Đảng, là gốc của thắng lợi nên Đảng luôn coi trọng xây dựng và nâng cao văn hóa dùng người nhằm đào luyện nên một đội ngũ cán bộ tinh hoa thực sự có tâm, có tầm và có trí. Như Văn kiện Đại hội XII đã chỉ rõ: “Nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn… Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản đã thực hiện theo quy hoạch”(3).

Đáng chú ý, Đảng ta luôn coi trọng và thực hiện tốt quy luật tồn tại, phát triển văn hóa Đảng là “lấy dân làm gốc, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân” (4). Tổng kết quá trình 87 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng đúc kết 5 bài học lớn, trong đó sâu sắc, thấm thía nhất là bài học về nhân dân, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Theo lôgíc đó, văn hóa Đảng chỉ có thể phát triển bền vững và tỏa sáng một khi gắn kết, hòa hợp hữu cơ thành bộ phận hạt nhân, không thể tách rời là nhân dân.

Trong những năm qua, nhiều định hướng về phong cách, văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, nhất là văn hóa gần dân, trọng dân, tin dân, hiểu dân, học dân; việc gì có lợi cho dân thì gắng sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh không dừng lại ở những nguyên lý, những chủ trương mà đang từng bước đi vào đời sống thông qua việc Đảng ban hành và thực hiện các quy chế, quy định cụ thể, thiết thực, như: thăm dò dư luận, lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành những quyết sách quan trọng; đối thoại, chất vấn trong Đảng; việc nêu gương của cán bộ đứng đầu các ngành, các cấp; cán bộ lãnh đạo đi cơ sở, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân… Giảm bớt hội họp, tăng cường bám sát thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân; nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khiêm tốn, giản dị, hòa đồng, nêu gương trước cấp dưới, trước nhân dân… Chính là những tố chất văn hóa chính trị đang dần định hình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; qua đó từng bước nhân rộng, lan tỏa văn hóa Đảng trong nhân dân và xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình xây dựng và phát huy giá trị của văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Như Văn kiện Đại hội XII đã chỉ rõ: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu… chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận chưa cao (5)…  Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn diễn ra nghiêm trọng, hiện tượng xa dân, những nhu cầu, bức xúc của nhân dân chậm được giải quyết và giải quyết chưa thật triệt để… “Những hạn chế, khuyết điểm trên đây làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ” (6).

Tình hình đó đòi hỏi sự cấp thiết phải tiếp tục quan tâm xây dựng và hoàn thiện văn hóa Đảng. Trong đó, cốt lõi của vấn đề đặt lên hàng đầu là đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây không chỉ là nhiệm vụ then chốt, hệ trọng, liên quan trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng, đến sự tồn vong của chế độ, tiền đồ phát triển của đất nước; mà còn là nội dung quan trọng nhất của xây dựng văn hóa Đảng. Bởi lẽ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là xây dựng Đảng về văn hóa, là làm cho tất cả những phẩm chất cao quý về tinh thần, trí tuệ, đạo đức, danh dự, lương tâm được thể hiện mạnh mẽ và sâu sắc, lan tỏa ra ở mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng. Qua đó, góp phần tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính cách mạng tiên phong, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; làm cho Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”, trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh đạo khoa học, luôn gắn bó với nhân dân.

Cùng với đó, cần tập trung xây dựng văn hóa Đảng cả về phương diện chính trị, tư tưởng, tổ chức và phương thức lãnh đạo. Trong đó, xây dựng văn hóa Đảng về tư tưởng là nâng cao trí tuệ của Đảng. Theo đó, Đảng nhất thiết phải là một tổ chức tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc. Văn hóa Đảng nhất thiết phải là đỉnh cao trí tuệ của văn hóa dân tộc. Đảng phải đủ trí tuệ để giải đáp đúng những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, để đưa ra được những luận cứ khoa học và cách mạng làm đường hướng cho sự phát triển của đất nước, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Văn hóa Đảng vì thế phải trở thành điểm hội tụ, sự kết tinh, là biểu hiện tập trung nhất trí tuệ của cả dân tộc, phải thể hiện sự thấm nhuần, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy trí tuệ của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhằm xây dựng, phát triển đất nước. Văn hóa Đảng phải thể hiện ra ở năng lực cầm quyền, lãnh đạo sáng suốt, cùng năng lực dự báo các khả năng và triển vọng phát triển của đất nước, của nhân loại… Xây dựng văn hóa Đảng về chính trị được biểu hiện tập trung ở việc đường lối, chủ trương và hệ thống nghị quyết mang tính khoa học, thực tiễn cao để từ đó lãnh đạo đất nước đi lên. Xây dựng văn hóa Đảng về tổ chức là sự thấm nhuần những tư tưởng trên để xây dựng bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có đội ngũ cán bộ, đảng viên là hình mẫu, là cái đẹp của văn hóa ứng xử, xứng đáng với vị trí lãnh đạo xã hội. Còn xây dựng văn hóa Đảng về phương thức lãnh đạo là sự tạo lập và thực thi một kiểu lãnh đạo, quản lý vừa mang tính khoa học sâu sắc, tính cách mạng sáng tạo vừa mang tính nhân văn cao cả; trong đó quan tâm “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa… theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân với mục đích đúng đắn; khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo”(7).

Ngoài ra, văn hóa Đảng còn là văn hóa nêu gương. Sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng cũng chính là văn hóa Đảng. Bởi lẽ, “gương mẫu là một nội dung, một phương thức trọng yếu trong công việc lãnh đạo của Đảng”(8). Do đó, để góp phần xây dựng văn hóa Đảng cần tiếp tục đề cao sự gương mẫu về mọi mặt của các tổ chức và từng cán bộ, đảng viên.

Như vậy, theo tinh thần Văn kiện Đại hội XII, thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa trong Đảng là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho Đảng thành công trong lãnh đạo phát triển đất nước, đồng thời chắc chắn sẽ được nhân dân tôn vinh và tự giác thừa nhận sự lãnh đạo lâu dài.

_______________

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : NGUYỄN ĐÌNH BẮC

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *