Ý thức bảo vệ tổ quốc của sinh viên hiện nay

Bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một trong những nhiệm vụ chiến lược của toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc có những yêu cầu mới. Hiện nay, cũng như trong những năm tới hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn của thế giới, tuy nhiên còn tiềm ẩn những yếu tố bất trắc, khó lường. Do đó, bảo vệ tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Để bảo vệ vững chắc tổ quốc đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học công nghệ, ngoại giao…; kết hợp sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế; sức mạnh của con người kết hợp với vũ khí trang bị… trong đó yếu tố con người giữ vai trò quyết định. Nhiệm vụ trước hết và trên hết của Đảng, Nhà nước và quân đội ta là phải làm cho ý thức bảo vệ tổ quốc được thấm sâu đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sinh viên hiện nay.

Sinh viên là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong những năm qua, được sự giáo dục của nhà trường và các thế hệ đi trước, sinh viên đã tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị xã hội xây dựng và bảo vệ tổ quốc điều đó chứng tỏ ý thức bảo vệ tổ quốc của sinh viên đã được nâng lên; nhiều phong trào như phong trào sinh viên tình nguyện, thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước đã được đông đảo sinh viên cả nước tham gia, đặc biệt một bộ phận sinh viên sau khi tốt nghiệp đã gia nhập quân đội thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít sinh viên chưa ý thức đầy đủ về nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, thậm chí mơ hồ trước âm mưu thủ đoạn chống phá của kẻ thù; một bộ phận sinh viên khác phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hóa về đạo đức lối sống, chạy theo lối sống vật chất tầm thường, buông thả, vô nguyên tắc, thờ ơ, lãnh đạm với các vấn đề chính trị xã hội. Những hạn chế, yếu kém này ảnh hưởng đến xây dựng tiềm lực để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chế độ. Bởi vậy, việc giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ tổ quốc là điều hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay.

Ý thức là sự phản ánh hiện thực khách quan vào trong óc con người; là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan; là hình thức cao của sự phản ánh của thực tại khách quan, hình thức mà chỉ riêng con người mới có được. Như vậy, ý thức là ý thức của con người, được nảy sinh trong mối quan hệ tác động qua lại giữa con người với thế giới khách quan thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Nội dung của ý thức do thế giới khách quan quy định, song ý thức luôn mang tính chủ quan, bởi kết quả phản ánh của nó phụ thuộc vào năng lực của chủ thể phản ánh. Ý thức nói chung mang tính tích cực, tự giác và sáng tạo. Nhưng cũng phải thấy rằng, ý thức không phải là một hiện tượng tự nhiên thuần túy mà là một hiện tượng xã hội, bắt nguồn từ thực tiễn lịch sử – xã hội, phản ánh những quan hệ xã hội khách quan. C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: “Ngay từ đầu, ý thức đã là một sản phẩm xã hội, và vẫn là như vậy chừng nào con người còn tồn tại” (1).

Ý thức là sản phẩm xã hội, phản ánh tồn tại xã hội cho nên có kết cấu hết sức phức tạp, gồm nhiều thành tố quan hệ chặt chẽ với nhau, song tùy theo cách nhìn nhận và cách tiếp cận khác nhau mà đến nay có rất nhiều cách hiểu về kết cấu của nó. Dưới góc độ triết học, người ta đã xem xét ý thức theo nhiều lát cắt khác nhau tùy theo cách tiếp cận. Xét theo chiều dọc, ý thức được hiểu một cách thống nhất tương đối bao gồm: tự ý thức, tiềm thức, vô thức… Xét theo chiều ngang, cũng có rất nhiều cách hiểu về kết cấu của nó. Ví như: có cách hiểu kết cấu của ý thức gồm “tri thức, tình cảm, lòng tin, ý chí…” (2); cách khác lại hiểu kết cấu của nó gồm: “tri thức, tình cảm, niềm tin, lý trí, ý chí…” (3); có người lại hiểu kết cấu của ý thức gồm: “tri thức, tình cảm, ý chí…”(4); người khác lại hiểu kết cấu của nó bao gồm cả tri thức, niềm tin, tình cảm, thái độ, nhu cầu, ý chí, quyết tâm…

Tuy có nhiều cách hiểu khác nhau song trong những cách hiểu đó cũng đã có sự thống nhất trước hết, về kết cấu của ý thức gồm tri thức và ý chí, mà tri thức là nhân tố cơ bản, cốt lõi. Đúng như C.Mác đã nhận định: “Phương thức tồn tại của ý thức và của một cái gì đó đối với ý thức, đó là tri thức… Cho nên cái gì đó nảy sinh ra đối với ý thức, chừng nào ý thức biết cái đó” (5). Sau đến niềm tin, tình cảm, thái độ. Nhưng sự nhìn nhận, phân định giữa những thành tố này là rất khác nhau. Nhiều lúc, sự phân định đó chỉ có tính chất tương đối, ranh giới không rõ ràng và thường có sự trùng lấn lên nhau. Bởi trong thực tế, nội dung phản ánh của chúng tuy có mặt tương đối độc lập, thể hiện tính riêng, nhưng nhìn chung là chúng đan xen, giao thoa, kết hợp chặt chẽ với nhau, mà trong đó niềm tin có thể bao chứa được cả tình cảm và thái độ, đồng thời nội hàm của niềm tin có thể phản ánh tính riêng của mỗi thành tố.

Do có nhiều cách hiểu khác nhau về ý thức như vậy, để định hướng cho quá trình nghiên cứu, bài viết tiếp cận kết cấu của ý thức bao gồm: Tri thức, niềm tin và ý chí. Trong đó, niềm tin vừa được hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm cả niềm tin, tình cảm, thái độ và cả nghĩa hẹp là bản thân niềm tin. Còn ý chí được hiểu theo nghĩa là ý chí quyết tâm.

Ý thức bảo vệ tổ quốc là một loại hình của ý thức xã hội, được hình thành, phát triển và ngày càng hoàn thiện gắn liền với quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của hiện thực đất nước. Ý thức bảo vệ tổ quốc phản ánh nội dung, yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trên cả hai phương diện tự nhiên lịch sử và chính trị xã hội. Trong chủ nghĩa tư bản, ý thức bảo vệ tổ quốc được xây dựng trên quan điểm lập trường của giai cấp tư sản nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế, chính trị của giai cấp tư sản, còn ý thức bảo vệ tổ quốc được hình thành ngay từ khi giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền thiết lập chuyên chính vô sản, bắt đầu sự nghiệp xây dựng đồng thời cũng là quá trình tiến hành sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Ý thức bảo vệ tổ quốc còn thể hiện ở tư duy về bảo vệ tổ quốc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trước những thời cơ và thách thức của bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước đặt ra.

Từ những vấn đề trên, có thể quan niệm ý thức bảo vệ tổ quốc là một loại hình của ý thức xã hội phản ánh yêu cầu khách quan của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc; là sự giác ngộ về nghĩa vụ trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Với ý nghĩa ấy, ý thức bảo vệ tổ quốc thuộc về phẩm chất chính trị đạo đức của nhân cách. Phẩm chất của nhân cách được chia theo hai phần cơ bản: nhóm bản chất chính trị đạo đức và nhóm phẩm chất thuộc năng lực. Ý thức bảo vệ tổ quốc của con người Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử khác nhau có những nội dung và sự biểu hiện khác nhau. Nó được bổ sung và phát triển phù hợp với sự biến đổi của điều kiện xã hội lịch sử.

Từ quan niệm về ý thức bảo vệ tổ quốc như vậy, có thể hiểu ý thức bảo vệ tổ quốc của sinh viên là sự giác ngộ về nghĩa vụ và trách nhiệm của sinh viên đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc được biểu hiện bằng hành vi thực tế sẵn sàng chống lại những lực cản đối với nền độc lập dân tộc và công cuộc phát triển đất nước hiện nay theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trước hết, về tri thức bảo vệ tổ quốc. Đây là thành tố cơ bản đầu tiên của ý thức bảo vệ tổ quốc và có vai trò rất quan trọng không những đối với các thành tố khác của ý thức bảo vệ tổ quốc mà còn đối với hoạt động bảo vệ tổ quốc. Mọi sự khởi đầu và phát triển đều từ sự hiểu biết của con người. Có hiểu biết về những vấn đề liên quan tới sự nghiệp bảo vệ tổ quốc hiện nay mới có cơ sở để hình thành, củng cố phát triển niềm tin và ý chí quyết tâm thông qua các hành động và việc làm cụ thể đối với nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc của mỗi con người. Sự hiểu biết về những vấn đề có liên quan tới sự nghiệp bảo vệ tổ quốc bao gồm: hiểu biết về đất nước và con người, các dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam; hiểu biết về lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc; hiểu biết về Đảng cộng sản, về nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân do dân và vì dân và về chế độ xã hội chủ nghĩa mà ta đang xây dựng; hiểu biết về bản chất âm mưu thủ đoạn của kẻ thù trong và ngoài nước đối với nền độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước; hiểu biết về chủ trương, chiến lược, những yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc hiện nay; hiểu biết về phương pháp và phương tiện đấu tranh bảo vệ tổ quốc…

Những hiểu biết trên được hình thành và phát triển từ thấp đến cao. Quá trình xây dựng ý thức bảo vệ tổ quốc làm cho những hiểu biết đó đạt tới trình độ lý tính thành những biểu tượng sâu sắc và ổn định trong mỗi con người. Biểu hiện cao nhất của sự hiểu biết là sự giác ngộ về dân tộc, giác ngộ giai cấp và trách nhiệm nghĩa vụ công dân đối với sự xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mỗi sinh viên.

Niềm tin về sự nghiệp bảo vệ tổ quốc của sinh viên là niềm tin của những con người đang học tập, tu dưỡng rèn luyện trong các trường đại học. Đó là hệ thống những tri thức, nhận thức, quan điểm của sinh viên về bảo vệ tổ quốc dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Niềm tin là một phẩm chất quan trọng của nhân cách sinh viên, chứa đựng cả yếu tố chính trị tư tưởng, và yếu tố đạo đức cách mạng; là động lực trực tiếp của mọi hoạt động tự giác của mỗi sinh viên; là cơ sở đảm bảo cho hành động của họ đạt tới mục đích cao nhất, hoàn thành nhiệm vụ. Niềm tin của sinh viên gắn với lý tưởng, với thế giới quan cách mạng, nhân sinh quan cộng sản. Đó là niềm tin khoa học dựa trên cơ sở giác ngộ sâu sắc mục tiêu lý tưởng cách mạng, có tình cảm tha thiết gắn bó với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, có ý chí và nghị lực phấn đấu để đạt được mục tiêu lý tưởng cách mạng của đảng. Trong hoạt động và đời sống sinh viên nếu có niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của đảng từ đó mới xây dựng cho mình lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với chế độ.

Niềm tin đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc thường được biểu hiện qua các sắc thái tình cảm và thái độ như: đồng tình hay phản đối hệ thống quan điểm, tư tưởng, đường lối về bảo vệ tổ quốc ở nước ta; tin hay không tin vào đường lối, quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và xây dựng đất nước; vững tin hay nghi ngại trước sự thành công của cuộc đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu dân chủ, lợi dụng chức quyền để làm giàu bất chính; luôn có những hành động thiết thực, cụ thể bảo vệ các thành quả cách mạng, sự nghiệp xây dựng đất nước.

Thái độ, tình cảm của niềm tin đây là thành tố quan trọng của ý thức bảo vệ tổ quốc, là nguồn lực của nhận thức và hành vi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Thái độ tình cảm đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc trước hết được biểu hiện ở tình yêu tổ quốc. Tình yêu đất nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất của sinh viên đối với tổ quốc, là động cơ chủ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Nó là động lực mạnh mẽ trong sức mạnh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Tình yêu đất nước được biểu hiện rất phong phú, đa dạng và sinh động ở nhiều tầng bậc khác nhau, đó là tình yêu quê hương cái nôi nơi mình sinh ra và lớn lên. Đó còn là tình yêu đối với con người, tình đồng chí, đồng bào, là lòng tự hào, tự tôn dân tộc với khát vọng cường thịnh quốc gia. Tình yêu quê hương, đất nước được thể hiện ở thái độ uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ kẻ trồng cây đối với tổ tiên, đối với những người có công với đất nước; đó là sự trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa Việt Nam… Ngày nay, nội dung chủ yếu và cơ bản của yêu nước là phải chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, phải góp phần làm cho đất nước không ngừng phát triển.

Thái độ, tình cảm đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc được biểu hiện ở niềm tin sâu sắc vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, vào con đường phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà dân tộc ta đang đi. Có niềm tin như vậy sinh viên mới có động lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc mà trước hết là học tập và rèn luyện tốt khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của Đảng vào con đường phát triển đất nước là biểu hiện cao của thái độ tình cảm đối với Đảng, với chế độ, nó hình thành và phát triển trong quá trình giác ngộ từ lợi ích dân tộc đến lợi ích giai cấp, đó chính là lợi ích của chính mình và của quê hương trong quá trình phấn đấu vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đó cũng chính là lý tưởng, là hoài bão, là khát vọng của mỗi sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên trên địa bàn Hà Nội nói riêng.

Tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu thủ đoạn phá hoại của kẻ thù trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng là biểu hiện của thái độ đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Tinh thần cảnh giác giúp cho mỗi con người Việt Nam nói chung có độ nhạy cảm cao trong việc sẵn sàng đánh trả những âm mưu, thủ đoạn phá hoại nền độc lập của dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước. Vì vậy, tinh thần cảnh giác là một yếu tố cơ bản và rất quan trọng trong ý thức bảo vệ tổ quốc của mỗi sinh viên.

Ý chí trong ý thức bảo vệ tổ quốc của sinh viên được biểu hiện ở các điểm sau: tính độc lập tự chủ, tự lực tự cường; dám xả thân vì độc lập của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, dám đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tính tích cực trong học tập để chiếm lĩnh kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Chúng ta giữ gìn độc lập dân tộc và xây dựng đất nước trong bối cảnh tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế bên cạnh những thuận lợi thì còn nhiều nguy cơ thách thức vì vậy đất nước càng cần những con người có ý chí cao để đưa đất nước chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, giành thắng lợi trong đấu tranh chống diễn biến hòa bình bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự nghiệp đổi mới.

Để có được ý chí là một quá trình công phu, nó được hình thành, phát triển từ việc rèn luyện và thử thách trong các tình huống khó khăn, phức tạp khác nhau của cuộc sống thực tế và sự giáo dục có hướng đích, có lý tưởng rõ ràng. Ý chí bảo vệ tổ quốc của con người Việt Nam hôm nay trong đó có sinh viên là sự kết tinh và được lưu truyền lại của bao thế hệ đi trước. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, các thế hệ cha anh luôn luôn nêu cao ý chí tự lực tự cường, quyết chiến, quyết thắng thiên tai địch họa, thoát khỏi nghèo đói… là những biểu tượng cho ý chí và nghị lực của một dân tộc biết chân trọng giữ gìn giang sơn xã tắc cho muôn đời sau. Biểu hiện ý chí và hành động của sinh viên đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc hiện nay là việc tích cực tham gia các hoạt động học tập về nội dung giáo dục quốc phòng, các quan điểm của Đảng về bảo vệ tổ quốc; tham gia đăng ký nghĩa vụ quân sự; tham gia đội sinh viên tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; tích cực đấu tranh chống các hành động phá hoại của kẻ thù và các loại tội phạm, tích cực bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng.

______________

1, 5. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.43, 236.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr.38

3. Nguyễn Quốc Tú, Một số biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý sinh viên ngoại trú của Đại học Quốc gia Hà Nội, Luận văn thạc sĩ, Hà Nội, 2004, tr.203.

4. Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia, Giáo trình Triết học Mác – Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.10.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018

Tác giả : VŨ THỊ THU TRANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *