Người hoa ở bắc giang, nhận diện và chính sách


1. Người Hoa ở Bắc Giang

 Dân số và đặc điểm cư trú

 Bắc Giang là tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tổ quốc, nơi cư trú của 20 dân tộc thiểu số, gồm 2 tiểu vùng: miền núi và trung du có đồng bằng xen kẽ. Trong đó, người Hoa chủ yếu tập trung sinh sống tại tiểu vùng miền núi. Theo tổng điều tra dân số ngày 1-9-2009, tỉnh Bắc Giang có 18.444 người Hoa, so với tổng điều tra dân số năm 1999 tăng 1.069 người. Họ sinh sống ở 213 thôn, bản thuộc 37 xã, thị trấn của 10/10 huyện, thành phố, song tập trung chủ yếu ở 3 huyện là Lục Ngạn (12.246 người), Lục Nam (4.744 người), Sơn Động (1.235 người). Những xã có người Hoa trên 1.000 người là Đông Hưng, Vô Tranh (huyện Lục Nam); Tân Mộc, Tân Quang, Tân Lập, Đồng Cốc (huyện Lục Ngạn) (1).

Trải qua nhiều biến cố trong lịch sử, tên gọi của người Hoa sinh sống trên địa bàn Bắc Giang khá phức tạp. Tuy cùng là các tộc người có nguồn gốc từ Trung Quốc, di trú tại Việt Nam từ rất lâu đời, nhưng có nhiều người khai mình là dân tộc Hoa lại nói tiếng Pạc Và, có văn hóa khác xa văn hóa của người Hoa sinh sống ở phía Nam Việt Nam. Cũng có không ít người Hoa tại Bắc Giang đã tự chuyển đổi tộc danh của bản thân và gia đình thành người Nùng, người Cao Lan và người Kinh. Việc thống kê dân số người Hoa tại Bắc Giang hiện nay hoàn toàn căn cứ vào các tiêu chí (2): có tiếng nói chung, cùng ngôn ngữ; có chung những đặc điểm sinh hoạt văn hóa; có chung ý thức tự giác, tự nhận cùng một dân tộc. Quan trọng hơn cả, những người được thống kê là người Hoa tại Bắc Giang đều phải có giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác xác định tộc danh là tộc người Hoa. Tổng cục Thống kê đã căn cứ vào các yếu tố như vậy để thống kê dân số toàn quốc. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nghiên cứu kinh tế người Hoa tại Bắc Giang.

Những năm gần đây, người Hoa tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhiều quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng, số đảng viên ngày càng tăng, đến nay toàn tỉnh có 110 đảng viên người Hoa. Số người Hoa tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể cũng ngày một tăng: Hội Phụ nữ: 2.290 hội viên; Công đoàn: 66 đoàn viên; Đoàn thanh niên: 3.072 đoàn viên; Hội Nông dân: 1.712 hội viên; Hội Cựu Chiến binh: 221 hội viên.

Hoạt động kinh tế

Trong những năm vừa qua, người Hoa tại Bắc Giang đã gây dựng được một mạng lưới kinh tế sản xuất nông nghiệp tương đối hiệu quả. Không giống như người Hoa ở phía Nam, người Hoa ở Bắc Giang đa số sản xuất nông nghiệp, tập trung sản xuất các mặt hàng đặc sản tại địa phương như trồng vải thiều, sản xuất mì chũ, nuôi gà Yên Thế. Số hộ sản xuất nông nghiệp là 4.675 hộ, chiếm 88,1% (3). Do bản chất năng động trong sản xuất kinh doanh, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, nên việc làm ăn kinh tế có hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người trong cộng đồng người Hoa thường cao hơn 1,1 – 1,3 lần so với các dân tộc thiểu số khác, tỷ lệ hộ nghèo người Hoa thấp hơn bình quân chung của các dân tộc khác trên cùng địa bàn (tỷ lệ hộ nghèo luôn thấp hơn bình quân chung của tỉnh) (4).

Tuy sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch thành hệ thống nhưng quan hệ sản xuất của người Hoa tại đây đã hình thành nên mạng lưới sản xuất kinh doanh mang đặc trưng của văn hóa Hoa thương. Hoạt động kinh doanh buôn bán tuy không sôi động nhưng lại hiệu quả, đem lại cho đời sống của người dân sự ổn định và định hướng rõ ràng cho phát triển kinh tế. Những mặt hàng người Hoa tham gia sản xuất kinh doanh hầu hết là những mặt hàng mũi nhọn, có tính đặc thù của địa phương và được sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Hệ thống trang trại, vườn cây ăn quả kết hợp chăn nuôi sản vật địa phương đã dần hình thành nên những cụm nông nghiệp nhỏ. Trong tương lai, nếu được quy hoạch lại, hệ thống trang trại này sẽ trở thành điểm mạnh của Bắc Giang.

Hiện nay, người Hoa ở Bắc Giang chủ yếu quan hệ kinh tế với một số thương nhân người Trung Quốc thông qua trao đổi, buôn bán vải thiều và một số nông sản khác. Do người Hoa thành lập hoặc liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài còn ở mức độ hạn chế nên hiện nay mới có 4 doanh nghiệp liên doanh Trung Quốc, Đài Loan, 1 doanh nghiệp tư nhân của người Hoa.

Nhìn chung người Hoa ở Bắc Giang không gặp khó khăn trong hoạt động kinh tế, họ được cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi làm ăn như các dân tộc khác. Các huyện có đông người Hoa sinh sống như Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động đã tạo điều kiện thuận lợi cho người Hoa được nhận đất, nhận rừng, được vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật…

Giáo dục

Sau một thời gian khá dài người Hoa sống khép kín, ngại giao tiếp, con em không muốn đến trường (trước năm 1996), đến nay, tình hình giáo dục trong cộng đồng người Hoa đã có sự chuyển biến, việc học tập của con em đã được các gia đình chú ý quan tâm. Đa số con em người Hoa trong độ tuổi đều được đến trường, tính từ năm 1995 trở lại đây có 1.397 học sinh người Hoa tốt nghiệp THPT, 235 sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học (5). Về việc dạy và học tiếng Hoa, do đặc điểm cư trú của người Hoa ở Bắc Giang không giống các địa phương khác, nên ở tỉnh Bắc Giang không có lớp học riêng cho con em người Hoa, con em người Hoa học chung với con em các dân tộc khác trong cùng địa giới hành chính.

Hoạt động xã hội

Người Hoa ở Bắc Giang đa số đều sinh sống lâu đời và xen kẽ với các dân tộc khác nên không có các tổ chức hội, đoàn riêng của người Hoa, ở những thôn bản có đông người Hoa, các tổ chức chính trị xã hội được củng cố và kiện toàn theo điều lệ và quy định của nhà nước.

Tình hình phụ nữ địa phương lấy chồng Trung Quốc, Đài Loan thời gian gần đây có diễn biến phức tạp, theo số liệu thống kê, đến nay có 2.455 phụ nữ Việt Nam trong đó có 241 phụ nữ là người Hoa. Ngoài ra, còn một bộ phận phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lấy chồng rồi mang con trở về Việt Nam gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc lập hộ tịch, hộ khẩu.

Trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã giải quyết ổn định 33 vụ tranh chấp, khiếu kiện có liên quan tới người Hoa. Hiện nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng có đông người Hoa cơ bản ổn định.

Văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo

Người Hoa vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên do cư trú xen kẽ nên văn hóa truyền thống của người Hoa cũng có những thay đổi theo hướng hòa nhập với văn hóa của các dân tộc trong cùng địa bàn cư trú. Trang phục truyền thống của người Hoa chỉ còn số ít là những người cao tuổi sử dụng, tiếng Hoa cũng chỉ dùng trong nội bộ gia đình và ở những thôn, bản có đông người Hoa. Một số thôn, bản ít người Hoa sinh sống, nhất là lớp trẻ ở một số gia đình đã không còn nói được tiếng Hoa.

Người Hoa có tục thờ cúng tổ tiên, ngoài ra còn tham gia lễ hội ở các đền chùa cùng các dân tộc khác. Ở Bắc Giang không có đình, chùa, miếu của người Hoa. Cũng giống một số dân tộc thiểu số khác, người Hoa có ảnh hưởng của tam giáo (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo). Đặc biệt, người Hoa có lễ kỳ yên rất đặc sắc. Đây là một nghi lễ rất quan trọng đối với đồng bào. Lễ này chỉ diễn ra khi một gia đình nào đó có những biến cố lớn, như nhà có người chết bất đắc kỳ tử, trùng tang… hay khi cả cộng đồng người có những sự bất trắc.

2. Kết quả thực hiện chính sách với người Hoa năm 2013

Công tác triển khai hướng dẫn chỉ đạo

Cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện Thông báo kết luận 125/TB-VPCP về thực hiện một số chính sách đối với người Hoa, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 về công tác dân tộc. Người Hoa ở Bắc Giang đã được hưởng các chế độ chính sách như các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã chú trọng gắn việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Kết quả thực hiện các mặt công tác đối với người Hoa.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ lợi ích chính đáng của người Hoa, làm cho họ yên tâm sản xuất, ổn định đời sống, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế, tăng cường đoàn kết người Hoa với cộng đồng các dân tộc. Do đó, người Hoa ở Bắc Giang hiện nay về cơ bản đã giải tỏa được những định kiến, mặc cảm trước đây, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hòa nhập cùng các dân tộc khác, tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần.

Các đoàn thể nhân dân đã tích cực tuyên truyền, vận động người Hoa vào tổ chức của mình, số lượng người Hoa tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. Một số đoàn thể đã biết khai thác những yếu tố tâm lý, những nét riêng của người Hoa để tập hợp đoàn viên, hội viên vào tổ chức của mình, khắc phục được tình trạng ngại tham gia các hoạt động chính trị, xã hội của người Hoa. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể thực sự đã có những đóng góp quan trọng vào sự ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế của người Hoa.

Việc thực hiện chính sách đối với người Hoa được Ban Dân tộc tỉnh, các ngành, các cấp quan tâm theo phương châm bình đẳng, đoàn kết, hóa hợp, ổn định, phát triển. Chính quyền ở một số huyện có đông người Hoa sinh sống như Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động đã tạo điều kiện thuận lợi cho người Hoa phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, như: giao đất giao rừng, cho vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật…

Về văn hóa, người Hoa được tạo điều kiện phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Về giáo dục, con em người Hoa không còn tình trạng bỏ học như trước đây, số học sinh người Hoa hàng năm đều tăng ở các cấp học, tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở bằng tỷ lệ bình quân chung của tỉnh. Công tác cán bộ đối với đội ngũ giáo viên là người Hoa cũng được quan tâm.

Về công tác phát triển đảng viên theo Thông tri số 6-TT/TW ngày 2-11-2004 của Ban Bí thư có sự chuyển biến mạnh. Số lượng đảng viên, thời điểm năm 1976 có 154 đảng viên, sau sự kiện năm 1978 – 1979 có 115 đảng viên là người Hoa đi Trung Quốc và các nước khác, một số bỏ sinh hoạt đảng hoặc không đủ tư cách phải đưa ra khỏi đảng, do đó đến năm 1982 còn 39 đảng viên. Từ năm 1982 – 1995, sau 13 năm kết nạp được 15 đảng viên. Từ năm 1995 – 2005, sau 10 năm kết nạp được 13 đảng viên. Thực hiện Thông tri số 6-TT/TW, sau 5 năm, từ năm 2005 – 2010, kết nạp được 43 đảng viên là người Hoa.

So với các dân tộc khác, tỷ lệ đơn thư khiếu kiện, tố cáo của người Hoa ít hơn, đặc biệt là không có vụ việc phức tạp trong người Hoa. Một số vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, đồi bãi, khiếu kiện về vi phạm trong quản lý kinh tế… đã được các cấp, các ngành ở địa phương quan tâm giải quyết, không để các vụ việc nảy sinh phức tạp.

Cấp ủy các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm đến vấn đề xây dựng lực lượng chính trị trong người Hoa, những người tiêu biểu được giới thiệu bầu vào HĐND, ủy ban MTTQ và BCH các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là số người Hoa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tăng nhiều so với trước năm 2005 khi chưa có Thông tri số 6- TT/TW.

3. Đánh giá chung

Những thuận lợi

Người Hoa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được bình đẳng và được quản lý nhà nước như các dân tộc thiểu số khác, được hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển, không có sự phân biệt đối xử, được tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp như mọi công dân khác.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, công tác người Hoa, các ngành có liên quan, các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều quan tâm đến bộ máy làm công tác dân tộc, trong đó có công tác người Hoa. Hiện nay ở tỉnh Bắc Giang, Ban Dân tộc tỉnh là các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, các ngành cấp tỉnh như: Ban Dân vận, Ủy ban MTTQ, Hội LHPN tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan, đoàn thể có liên quan đều có các phòng, ban hoặc bộ phận làm công tác dân tộc, trong đó có công tác người Hoa. Ở các huyện miền núi nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều đã thành lập phòng dân tộc. Ở cấp xã, những cơ sở có đông đồng bào dân tộc thiểu số có cán bộ làm công tác dân tộc và phân công phó chủ tịch UBND xã phụ trách công tác dân tộc, công tác người Hoa.

Khó khăn, hạn chế

Việc tổ chức triển khai, quán triệt Chỉ thị số 62-CT/TW và Chỉ thị số 501/CT-TTg, Nghị định 5/NĐ-CP và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác người Hoa, ở một số địa phương, cơ sở làm chưa sâu, còn hình thức qua loa. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ sở về tổ chức triển khai, thực hiện.

Một số nơi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa nắm vững những nguyên tắc cơ bản về công tác người Hoa, còn có cán bộ, đảng viên mặc cảm, định kiến với người Hoa. Công tác vận động người Hoa chưa đi vào chiều sâu, chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cốt cán trong công tác tuyên truyền vận động người Hoa.

Công tác quản lý nhà nước đối với người Hoa còn hạn chế. Tình trạng người Hoa tự do qua biên giới, vượt biên trái phép trở về thăm thân nhân hay làm môi giới dụ dỗ lôi kéo phụ nữ là người Hoa và phụ nữ các dân tộc khác sang lấy chồng ở Trung Quốc còn diễn biến phức tạp, song chính quyền địa phương chưa nắm chắc.

Lực lượng chính trị cốt cán trong người Hoa còn mỏng, công tác vận động người Hoa của các đoàn thể nhân dân ở một số nơi hiệu quả chưa cao, tỷ lệ người Hoa tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể còn thấp, số người Hoa tích cực tham gia trong các phong trào thi đua tại địa phương còn hạn chế. Bộ phận cán bộ làm công tác dân tộc, trong đó có người Hoa ở huyện, xã còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, chưa được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Người Hoa tại Bắc Giang là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng người Hoa đang sinh sống tại nước ta. Người Hoa tại Bắc Giang có nhiều đặc điểm khác xa so với người Hoa tại phía Nam. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, người Hoa đã dần dần khẳng định vai trò, giá trị trong đời sống văn hóa, hoạt động kinh doanh, quan hệ xã hội trong nước và xuyên quốc gia. Với bối cảnh kinh tế xã hội, chính trị như hiện nay, việc quan tâm, nghiên cứu đến bộ phận người Hoa Bắc Giang nói riêng, người Hoa sinh sống tại Việt Nam nói riêng là rất quan trọng. Với dân số không nhỏ, hoạt động giao thương với đồng tộc xuyên biên giới đang diễn biến phức tạp, người Hoa tại Bắc Giang cần được nhận diện, tìm hiểu rõ đời sống kinh tế xã hội, phục vụ cho công tác dân tộc trên địa bàn.

______________

1. Báo cáo số 73/BC-UBDT của Ban Dân tộc Bắc Giang ngày 20 – 4 – 2014 về Tình hình thực hiện công tác người Hoa năm 2013, nhiệm vụ năm 2014.

2. Năm 1973, Hội thảo Dân tộc học về việc xác định dân tộc và thành phần các dân tộc đã thống nhất ba tiêu chí để xác định một dân tộc. Cho đến nay, ba tiêu chí này vẫn tạm thời được sử dụng trước khi có những tiêu chí khác được đưa ra.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Giang.

4. Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang.  

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THU TRANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *