Quản lý hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời trên địa bàn hà đông


1. Xây dựng các kế hoạch, văn bản hướng dẫn thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời

Ngày 21-6-2012, Quốc hội đã thông qua Luật Quảng cáo và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 – 01 – 2013. Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 38 của Luật Quảng cáo, “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày luật này có hiệu lực”. Ngày 01-7-2014, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 2140/BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương về xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Theo đó, ngày 22 – 3 – 2017, UBND thành phố Hà Nội ra Văn bản số 204/TB-UBND thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND xem xét, thông qua quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Từ văn bản pháp lý trên, phòng VHTT quận đã tham mưu cho UBND quận Hà Đông ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch, tuyên truyền quảng cáo trên địa bàn. Phòng VHTT đã tiếp nhận nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong việc thông báo sản phẩm quảng cáo, thực hiện tuyên truyền quảng cáo đúng quy định, tham mưu xây dựng nhiều cụm bảng tấm lớn, tấm nhỏ để tuyên truyền cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị tại những tuyến đường chính trên địa bàn nội thành; hướng dẫn các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tự làm biển hiệu, biển quảng cáo theo kích cỡ thống nhất cho từng loại hình kinh doanh cụ thể, đồng thời xác định rõ việc đặt biển hiệu trên các tuyến phố đảm bảo mỹ quan đô thị.

2. Ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo

Công tác ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được coi là nhiệm vụ then chốt cho sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời trên địa bàn quận Hà Đông đã được UBND quận, phòng VHTT quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của hoạt động này.

UBND quận Hà Đông đã ban hành hàng loạt công văn về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo rao vặt trái phép. Các công văn này đã thúc đẩy công tác quản lý, tổ chức hoạt động quảng cáo, quảng cáo rao vặt; tăng cường quản lý hoạt động viết, đặt biển hiệu trên địa bàn quận nhằm đưa hoạt động quảng cáo, quảng cáo rao vặt vào đúng quy định, khuôn khổ của pháp luật, đồng thời, đưa diện mạo quận Hà Đông trở nên mỹ quan, văn minh hơn.

Để thực hiện Kế hoạch số 168/KH-UBND, UBND thành phố Hà Nội ngày 10-01-2013, UBND quận Hà Đông ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND về tổ chức triển khai thực hiện Luật Quảng cáo trên địa bàn quận Hà Đông đã xây dựng và lựa chọn đường Nguyễn Khuyến là đường điểm về quảng cáo.

Ngày 24- 4-2013, UBND quận đã ban hành Văn bản số 525/UBND-VHTT về kiểm tra xử lý quảng cáo rao vặt trên địa bàn quận Hà Đông; ngày 11- 6-2013, UBND quận đã ban hành Văn bản số 1021/UBND-VHTT về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý về hoạt động quảng cáo rao vặt trên địa bàn quận Hà Đông. Từ đó, quận đã tịch thu 450 tờ rơi quảng cáo không đúng nơi quy định, quét vôi xóa 520m2 tường có quảng cáo rao vặt.

Căn cứ vào các văn bản của UBND quận Hà Đông, phòng VHTT đã ban hành các văn bản về quản lý hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời trên địa bàn quận như: ngày 14-6-2013, phòng VHTT ban hành Văn bản số 201/VHTT về thực hiện một số nội dung của Luật Quảng cáo 2012; từ tháng 1 đến tháng 9-2014, phòng VHTT quận Hà Đông đã ban hành 37 văn bản liên quan tới lĩnh vực quảng cáo và quảng cáo rao vặt.

Nhìn chung, các văn bản đã giúp ích trong việc đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời; đồng thời định hướng cho hoạt động này phát triển theo đúng khuôn khổ của pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự, mỹ quan đô thị và phát huy có hiệu quả trong quá trình triển khai thực tiễn ở quận Hà Đông hiện nay.

Căn cứ các quy định cụ thể, thống nhất về vị trí, kích thước, nội dung, hình thức biển hiệu quy định tại điều 34 Luật Quảng cáo là căn cứ để quận Hà Đông tiến hành chấn chỉnh nội dung, hình thức biểu hiện tại các đô thị. Toàn quận đã ra quân bóc xóa quảng cáo rao vặt tại các nhà chờ xe buýt, cột điện, gốc cây, bốt điện thoại, hộp điện kỹ thuật dọc những trục đường chính như: Trần Phú, Quang Trung, Phùng Hưng, Biên Giang, quốc lộ 21B và trên địa bàn các khu tập thể, ngõ, ngách của hơn 233 tổ dân phố. Ra quân thống kê các biển hiệu, biển quảng cáo vi phạm, thu giữ 129 biển quảng cáo, 27 bộ loa đài bán hàng rong, 88 phướn quảng cáo các loại… Và hiện đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Sở TTTT xử lý theo quy định đối với 175 số điện thoại quảng cáo rao vặt vi phạm.

Thực hiện Văn bản số 538/SVHTTDL-QLVH ngày 15-3-2013 của Sở VHTT Hà Nội về việc cung cấp danh sách cấp phép quảng cáo trước ngày 01-01-2013 và đôn đốc thực hiện Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày  04-12- 2012 của UBND thành phố; UBND quận giao phòng VHTT kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các biển quảng cáo đã được Sở VHTT cấp phép. Theo báo cáo kết quả kiểm tra của phòng VHTT quận: tại khuôn viên bến xe Yên Nghĩa có 02 biển quảng cáo tấm nhỏ được cấp phép, tuy nhiên 01 đơn vị chưa dựng biển, 01 đơn vị dựng biển sai kiểu dáng; 02 biển quảng cáo trên dải phân cách trên đường Trần Phú và Nguyễn Khuyến đảm bảo đúng quy định; 03 biển quảng cáo mặt tiền và mặt hông nhà: 02 đơn vị hết hạn giấy phép đã tiến hành tháo dỡ, 01 đơn vị xin gia hạn 15 ngày hoàn thiện giấy phép mới.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND của thành phố Hà Nội về thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị và đảm bảo an toàn giao thông 2016”, thời gian qua, phòng VHTT kết hợp với UBND các phường tổ chức nhiều đợt ra quân giải tỏa, tháo dỡ nhiều trường hợp quảng cáo treo, đặt, dán bên hông, phía trước các cửa hàng, cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh sai quy định thuộc địa bàn quản lý.

3. Tham mưu, phối hợp cấp giấy phép thực hiện quảng cáo

Phòng VHTT đã phối hợp hợp với Ban Quản lý đô thị trong hoạt động cấp phép hoặc chấp thuận thông báo sản phẩm quảng cáo. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực quảng cáo, phòng VHTT thường xuyên phối hợp với Sở VHTT trong hoạt động cấp giấy phép thực hiện quảng cáo. Khi có hồ sơ xin cấp phép hoặc xin chấp thuận thông báo sản phẩm quảng cáo, phòng đã cử lãnh đạo hoặc công chức phụ trách lĩnh vực phối hợp với đoàn công tác của Sở VHTT Hà Nội kiểm tra thực tế tại địa chỉ xin chấp thuận thông báo sản phẩm quảng cáo. Sau khi các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn nhận được thông báo chấp thuận của Sở VHTT, phòng sẽ thực hiện chế độ theo dõi hậu kiểm tra tại cơ sở đối chiếu thực tế việc lắp dựng bảng quảng cáo với thông báo được chấp thuận của đơn vị nhằm kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý theo quy định.

Phòng VHTT phối hợp theo dõi, quản lý hoạt động tuyên truyền kết hợp quảng cáo cho đơn vị thực hiện dưới hình thức treo băng rôn dọc. Đối với các băng rôn dọc tuyên truyền nhiệm vụ chính trị kết hợp với quảng cáo cho nhà tài trợ sau khi được Sở VHTT cấp phép treo trên các cột đèn chiếu sáng tại nhiều tuyến phố thuộc địa bàn quận, phòng thường xuyên theo dõi nội dung, thời gian treo và quy cách treo nhằm đảm bảo hoạt động tuyên truyền diễn ra hiệu quả và đảm bảo mỹ quan đô thị.

Theo báo cáo kết quả hoạt động quản lý quảng cáo thương mại ngoài trời của phòng VHTT quận từ năm 2012 – 2014, số lượng các băng rôn đã được cấp phép treo trên địa bàn: năm 2012: 15 trường hợp, năm 2013: 17 trường hợp, năm 2014: 5 trường hợp.

Trong năm 2013, phòng đã báo cáo Sở VHTT 02 trường hợp treo băng rôn quá ngày quy định mà không tiến hành tháo dỡ, đề nghị Sở VHTT không chấp thuận cho đơn vị treo băng rôn kết hợp tuyên truyền quảng cáo những lần tiếp theo tại địa bàn quận Hà Đông.

4. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật

Thực hiện Chỉ thị 01/CT-UBND của UBND Thành phố Hà Nội và Kế hoạch số 05/KH-UBND của UBND quận về năm trật tự và văn minh đô thị, phòng VHTT đã phối hợp với Đài truyền thanh quận, UBND các phường tăng cường viết tin, bài và phát sóng. Theo báo cáo tổng kết hoạt động quản lý năm 2015 của phòng VHTT quận Hà Đông: năm 2015 đơn vị đã phát sóng được 476 buổi tuyên truyền về luật quảng cáo, về xây dựng nếp sống văn minh đô thị; trong 8 tháng đầu năm phòng ban hành 37 văn bản liên quan tới lĩnh vực quảng cáo và quảng cáo rao vặt; phối hợp với quận Đoàn Hà Đông, Hội liên hiệp phụ nữ quận tổ chức 04 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động quảng cáo; phối hợp với UBND 17 phường rà soát các biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm về số lượng, kích thước và vị trí lắp đặt trên một số tuyến đường chính của phường; phối hợp với Phòng Quản lý văn hóa và Thanh tra Sở VHTTDL kiểm tra việc chấp hành luật quảng cáo của 05 siêu thị lớn trên địa bàn như Trần Anh, Hiway, MediaMart, Nguyễn Kim, Coop Mart; phối hợp với UBND phường Vạn Phúc, Quang Trung, Yên Nghĩa kiểm tra 15 trường hợp có biển bảng vi phạm, lập biên bản nhắc nhở yêu cầu đơn vị tự giác tháo dỡ theo quy định; UBND các phường đã tuyên truyền và xử lý để các hộ dân có biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm tự giác tháo dỡ được 876/1111 biển, bảng vi phạm luật quảng cáo; UBND 17 phường đã ra quân được 99 buổi bóc xóa quảng cáo rao vặt vi phạm, tháo dỡ được 20656 tờ có nội dung quảng cáo rao vặt, bóc, xóa 8854m2  tường có quảng cáo rao vặt. Xử phạt 60 trường hợp với số tiền 59.950.000 đồng nộp ngân sách nhà nước.

Ngày 30-10-2016, phòng VHTT đã tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị từ phường đến các tổ dân phố, tổ chức đoàn thể về những nội dung cơ bản trong luật quảng cáo, các hành vi quảng cáo rao vặt và chế tài xử lý vi phạm.

5. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo

Theo số liệu thống kê trong báo cáo cuối năm 2015, phòng VHTT quận đã phạt 175,5 triệu đồng về vi phạm hoạt động quảng cáo tấm nhỏ, tấm lớn, hơn 60 triệu đồng về quảng cáo rao vặt. Năm 2016, quận đã phạt hơn 40 triệu đồng về vi phạm quảng cáo rao vặt và 6 triệu đồng về bảng biển quảng cáo. Đồng thời, phòng VHTT cũng yêu cầu tháo gỡ nhiều bảng biển quảng cáo vi phạm quy định.

Để đảm bảo tính minh bạch, quận Hà Đông thay đổi cách làm để các phường kiểm tra chéo và không cố định giờ đi kiểm tra, xử lý. Báo cáo kết quả đạt được trong hoạt động quản lý quảng cáo thương mại tại quận Hà Đông được thể hiện thông qua các nội dung:

Hiện tại, quận Hà Đông không có trục quốc lộ, tỉnh lộ chính, do đó, trên địa bàn quận không có bảng quảng cáo tấm lớn. Tuy nhiên, tại trục đường Lê Văn Lương kéo dài thuộc địa bàn phường La Khê và Yên Nghĩa tồn tại 02 biển quảng cáo cho khu đô thị ParkCity và khu đô thị của tập đoàn Nam Cường xây dựng không phép, 01 biển quảng cáo của Công ty Mặt Trời Vàng tại bến xe Yên Nghĩa xây dựng sai kích thước so với phê duyệt của Sở VHTT.

Đối với bảng quảng cáo đặt tại mặt tiền và mặt hông nhà, tính đến năm 2015, phòng VHTT đã phối hợp với UBND các phường tiến hành kiểm tra được nhiều trường hợp vi phạm trên địa bàn (16/17 phường và có văn bản đề nghị UBND các phường xử lý vi phạm về hoạt động viết đặt biển hiệu, bảng quảng cáo trên địa bàn). Trong đó: Phúc La có 22; Vạn Phúc có 23; Yết Kiêu có 3; Mộ Lao có 41; Văn Quán có 93; Phú La có 121; Yên Nghĩa có 51; La Khê có 64; Nguyễn Trãi có 44; Dương Nội có 68; Hà Cầu có 20; Phú Lãm có 63; Quang Trung có 161; Đồng Mai có 13; Biên Giang có 27; Phú Lương có 18.

Ngày 16-12-2016, phòng VHTT phối hợp với 3 phường Văn Quán, Vạn Phúc và Mộ Lao tổ chức ra quân cưỡng chế, tháo dỡ biển, bảng quảng cáo có kích thước lớn, biển đu cột điện, băng rôn quảng cáo mất mỹ quan đô thị. Tại buổi ra quân, lực lượng chức năng đã tháo dỡ 87 biển hiệu, biển quảng cáo, băng rôn, khẩu hiệu sai quy định, cũ rách gây mất mỹ quan đô thị trên các tuyến đường, trục đường chính thuộc địa bàn quản lý của 3 phường.

Từ ngày 4-3-2017, quận đã chỉ đạo UBND các phường phối hợp với lực lượng công an đồng loạt ra quân trên 54 tuyến đường trọng điểm; tổ chức ký cam kết đối với các hộ kinh doanh không sử dụng lòng đường, hè phố.

Căn cứ vào thực trạng của hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời trên địa bàn quận Hà Đông, tác giả đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động này trong thời gian tới, tập trung vào hai nhóm giải pháp chính:

Giải pháp quản lý nhà nước: tăng cường chỉ đạo, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển quảng cáo; tham vấn cho Sở VHTT về việc hoàn thiện các văn bản quản lý hoạt động quảng cáo; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Giải pháp quản lý cộng đồng: thu hút và giao quyền tự quản cho các tổ dân phố; khuyến khích người dân tham gia vào các tổ chức xã hội; tổ chức họp định kỳ để báo cáo, tổng kết lại quá trình hoạt động, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân; đưa vấn đề tổ chức, quản lý hoạt động quảng cáo, rao vặt vào tiêu chí công nhận cá nhân, tổ chức xuất sắc, gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, phường văn hóa; tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho người dân về luật quảng cáo.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : LÊ THỊ KIM OANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *