Nghệ thuật trang trí miền đông nam bộ

Với bề dày lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất Đông Nam Bộ xưa vốn nổi tiếng bởi các làng nghề, phố nghề chuyên sản xuất những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như gốm sứ, chạm khắc gỗ, sơn mài, đúc đồng… được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay nghệ thuật trang trí ở miền Đông Nam Bộ có nhiều thay đổi cho phù hợp với nhu cầu thực tế, để tiếp tục tạo nên một nét riêng, đặc trưng của nghệ thuật trang trí vùng miền, thể hiện sự phóng khoáng và hiếu khách của cư dân Nam Bộ nói chung và khu vực Đông Nam Bộ nói riêng.

Nghệ thuật trang trí là một hình thái nghệ thuật, một nhu cầu thiết yếu của con người, một lĩnh vực thẩm mỹ phục vụ cuộc sống, thể hiện cái đẹp, nhằm thỏa mãn nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần trong quá trình phát triển của xã hội. Mỗi một sản phẩm trang trí luôn đáp ứng hai yêu cầu chính là sự hữu dụng và tính thẩm mỹ. Nghệ thuật trang trí thường được thực hiện bởi các phường thợ, làng nghề, lấy ý tưởng tạo hình từ những chất liệu, cảnh vật thực tế độc đáo của thiên nhiên như hoa lá, cỏ cây, động vật, màu sắc và cả nếp sống tộc người của từng địa phương, đất nước thông qua các chất liệu như đất, gỗ, đồng, đá, sơn… Vì thế, nghệ thuật trang trí luôn mang trong mình hơi thở đặc trưng của vùng miền, của tộc người, của dân tộc qua mỗi giai đoạn giao lưu, tiếp biến hay những bước thăng trầm của lịch sử.

Nghệ thuật trang trí khu vực Đông Nam Bộ được ra đời trong điều kiện lịch sử có nhiều lớp nghệ nhân từ miền Bắc, miền Trung và người Hoa vào để khai hoang lập ấp. Họ đã tận dụng nguồn nhiên liệu vô cùng phong phú của vùng đất mới, kết hợp với kỹ thuật truyền thống của cha ông để tạo ra nhiều sản phẩm gia dụng đẹp mắt, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và thẩm mỹ của cộng đồng.

Phong cách trang trí và hoa văn truyền thống luôn được tôn trọng, là cơ sở trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Trong nghệ thuật trang trí đồ gốm, sơn mài, chạm khắc gỗ, đồng, đá, vẫn có những ảnh hưởng sâu đậm các đề tài về tứ quý, hoa lá, cảnh vật và phong cách trang trí thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Tất cả các phong cách trang trí ấy đều được nghệ nhân trang trí khu vực miền Đông Nam Bộ kế thừa và sáng tạo cho phù hợp với điều kiện sống. Đặc biệt, tính dân gian trong trang trí luôn được khắc họa với đồ án sáng tác dựa trên các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, dã sử phổ biến như Tấm Cám, Thánh Gióng, những con vật thuộc tứ linh như long, lân, quy, phượng (phụng), hình ảnh hoa lá giàu tính biểu tượng cho phẩm hạnh và đức con người như thông, trúc, cúc, mai, sen, kể cả hình ảnh sinh hoạt đậm chất dân dã như chợ quê, mùa gặt…

Người dân khu vực Đông Nam Bộ vốn cần cù sáng tạo, được thiên nhiên ban tặng cho một vùng đất có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, bên dưới lòng đất lại chứa nhiều khoáng sản phong phú, cùng với tài nguyên rừng dồi dào, nên nơi đây đã phát triển một nền kinh tế đa dạng ngay từ buổi ban đầu. Các làng nghề truyền thống ở khu vực này như gốm sứ, sơn mài, khắc gỗ, đúc đồng, đục đá… sớm được ra đời, gắn bó và trở thành một phần trong cuộc sống của người dân nơi đây. Họ làm nghề để giữ nghề, mưu sinh cho cuộc sống hàng ngày, và cũng để quảng bá cho sản phẩm, văn hóa của con người và mảnh đất nơi họ từng chôn nhau cắt rốn. Những nghệ nhân, khi rời xa quê hương vào sinh sống, lập nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ, đã mang theo kiến thức, kỹ năng sáng tạo cho các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng hàng ngày trong điều kiện thiên nhiên ưu đãi với các nguyên vật liệu sẵn có như gỗ quý, gỗ mít, đất cao lanh, màu sắc đá tự nhiên… Cùng với cảnh vật, con người bản địa, các nền văn hóa cổ xưa đã tạo nên một sắc thái diện mạo mới cho các sản phẩm nghệ thuật trang trí nơi đây, vừa mang tính truyền thống vừa có đặc trưng vùng miền riêng.

Bên cạnh truyền thống tư duy, sáng tác dựa theo những yếu tố về tâm linh và dân gian thì môi trường sống với thiên nhiên tiếp xúc hàng ngày đã tác động quyết định đến cách nghĩ, cách làm của người dân bản địa. Chính cảm hứng từ thiên nhiên với không gian xã hội luôn gắn với một hệ thực vật phong phú đã tạo nên cho nghệ thuật trang trí Đông Nam Bộ một nguồn tư liệu dồi dào trong sáng tạo.

Miền Đông Nam Bộ xưa (đặc biệt với các khu vực Bình Dương, Biên Hòa, Sài Gòn – Gia Định) được xem là thủ phủ của Nam Bộ về nghệ thuật trang trí nhà cửa, chùa chiền cổ mang giá trị mỹ thuật cao. Chính vì thế chính quyền nhà Nguyễn cho phép thợ thủ công hội nhau thành phường nghề, xếp thợ thủ công vào hạng “miễn sai” (1)…

Những năm cuối TK XIX, người Pháp cho tiến hành điều tra nghiên cứu tài nguyên và khả năng sản xuất, nhu cầu của sản xuất thủ công ở Việt Nam. Năm 1901, chính quyền Pháp ở Đông Dương cho thành lập Trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một, năm 1903 thành lập Trường dạy nghề Biên Hòa, năm 1913 thành lập Trường Vẽ Gia Định, để đào tạo nghệ nhân có một kiến thức bài bản về tư duy nghệ thuật cũng như phương pháp thực hiện. Trong thời gian này, sản phẩm của các trường đã được đưa đi dự một số hội chợ nước ngoài, đạt những giải thưởng lớn. Toàn quyền Đông Dương đã quyết định đặt ra giải thưởng Danh dự bội tinh dành cho “các nghệ nhân và thợ thủ công có trau dồi nghề nghiệp, hoặc tạo ra một nghệ thuật mới… Người được cấp Danh dự bội tinh hạng nhất xếp ngang hàng với chức Tổng đốc, hạng nhì ngang hàng với Tri phủ, hạng ba ngang hàng với Tri huyện” (2).

Chính trong giai đoạn này nghệ thuật trang trí khu vực Đông Nam Bộ đã ảnh hưởng rất lớn từ nền nghệ thuật hàn lâm, trang trí của châu Âu thông qua các trường mỹ thuật của Pháp mở tại Việt Nam. Nghệ thuật trang trí Đông Nam Bộ đã có những bước đi tiến bộ vượt bậc trong sự tiếp biến Đông – Tây và tạo nên một sắc thái đặc trưng, khác hẳn với lối tạo hình truyền thống của miền Bắc và miền Trung Việt Nam, đặc biệt thể hiện trong sản phẩm sơn mài, chạm khắc gỗ và đồ gốm. Đây chính là bước ngoặt chuyển tiếp quan trọng từ việc truyền nghề sang đào tạo chính quy, sinh viên tiếp thu các phương thức biểu đạt mới kết hợp giữa mỹ thuật cổ truyền với mỹ thuật hiện đại, từ đó nghệ thuật trang trí khu vực Đông Nam Bộ có điều kiện phát triển nhanh và sâu rộng hơn.

Nghề sơn ở khu vực Đông Nam Bộ (đặc biệt ở Bình Dương) đã hình thành và phát triển qua gần 300 năm cùng với chiều dài lịch sử của vùng đất này, khi những lưu dân từ Đàng Ngoài đã đến đây lập nghiệp, gắn bó ổn định bằng nghề nông và một số nghề thủ công . “Nhờ vào nguồn nguyên liệu dồi dào, lúc nông nhàn, cư dân người Việt đã tham gia làm các nghề cưa, xẻ, mộc, sơn mài, điêu khắc, gốm. Sản phẩm từ các nghề thủ công không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cư dân hàng ngày mà còn được đem buôn bán, trao đổi với cư dân các địa phương khác trên cả nước, nhất là Nam kỳ lục tỉnh” (3).

Cho đến nay, Bình Dương là nơi còn lưu giữ nhiều hiện vật trong các công trình kiến trúc cổ xưa như đình, chùa và nhà riêng mang đậm dấu ấn sơn và nghề sơn, chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Có thể kể đến chùa Hội Khánh (xây dựng từ năm 1741), có gần 100 pho tượng được tạc bằng gỗ mít và sơn son thếp vàng, một số bức hoành phi, câu đối. Đình Bà Lụa (1861) còn lưu giữ nhiều bức hoành phi câu đối, sơn son thếp vàng nguyên vẹn bằng sơn mài tuyệt đẹp. Nhà Đốc phủ sứ Trần Văn Hổ (1890) với lối kiến trúc mang đậm nét nhà truyền thống người Việt, còn lưu giữ khánh thờ, các bức hoành phi được sơn son thếp vàng, các bức liễn thờ được cẩn xà cừ…

Hình thức trang trí của sơn mài Bình Dương cũng thay đổi theo thời gian. Hiện nay, có nhiều cách tân theo xu hướng mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại, dựa trên thủ pháp thể hiện mang tính khái quát, đảm bảo tốt các yếu tố thẩm mỹ theo quy luật thị giác. Trước đây hình thức trang trí sản phẩm sơn mài Bình Dương thường có vẽ hoa, lá, chim, thú, cảnh sinh hoạt của người dân và nông dân Việt Nam, phong cảnh, thuyền chài, bốn mùa… Hiện nay, cách trang trí có nhiều thay đổi do quá trình tiếp xúc trực tiếp với đa dạng đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, tư duy nghệ thuật của nghệ nhân cũng cởi mở cầu tiến hơn. Mẫu mã ngày càng có xu hướng đơn giản hóa, tránh cầu kỳ. Các sản phẩm sơn mài Bình Dương hiện nay tận dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên sẵn có ở địa phương kết hợp với một số công đoạn chế tác được hiện đại hóa, làm phong phú thêm nghệ thuật trang trí cho sản phẩm

Nghề chạm khắc gỗ đã có hơn 200 năm tồn tại, có lúc thịnh, lúc suy, nhưng vẫn được các thế hệ nghệ nhân miền Đông Nam Bộ gìn giữ, tiếp nối, phát triển cho đến ngày nay. Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở Bình Dương chủ yếu cung cấp các sản phẩm là tượng tròn, kích thước nhỏ bằng chất liệu gỗ quý như mun, cẩm lai, gõ, trắc… với mẫu mã khá đa dạng và phong phú do các nghệ nhân sáng tạo hoặc lưu truyền từ các phong cách cổ, như các tượng Phật, Di Lặc, mục đồng, tiều phu, ngư phủ, chim ưng, sư tử hý cầu… Một số mẫu mã được đặt hàng làm theo kiểu tượng cổ châu Âu. Nghệ nhân chạm khắc gỗ Bình Dương có truyền thống chạm trổ, khắc họa hoa văn dân gian như tùng, bách, cúc, mẫu đơn và các sản vật của địa phương lên các cấu kiện kiến trúc nội thất. Với trình độ sáng tạo, trang trí, thẩm mỹ rất tinh tế và độc đáo,kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa yếu tố tạo hình truyền thống và hàn lâm, đã tạo nên một nét rất riêng của chạm khắc vùng Đông Nam Bộ.

Cùng với nghề sơn mài và chạm khắc gỗ, gốm sứ được xem là nghề truyền thống lâu đời và nổi tiếng khu vực Đông Nam Bộ. Trong nhiều thập niên, sản phẩm gốm sứ Đông Nam Bộ đã vang danh thị trường nội địa và trên cả đấu trường quốc tế, với nhiều giải thưởng cao quý.

Đối với sản phẩm gốm, bên cạnhcông đoạn tạo hình dáng cấu trúc chung hết sức quan trọng, nghệ thuật trang trí gốm sẽ làm tăng giá trị thẩm mỹ của sản phẩm, thể hiện bản sắc và quan niệm về cuộc sống của một dân tộc hay một vùng miền. Khi nhìn vào các họa tiết trang trí hay màu sắc của sản phẩm, người xem có thể phán đoán hoặc khẳng định nó được sản xuất ở đâu, vào thời điểm nào. Men màu và họa tiết trang trí là hai yếu tố luôn hòa quyện để làm nên cái đẹp về hình thức trang trí của gốm Đông Nam Bộ, song sự sáng tạo của nghệ nhân thể hiện trên sản phẩm mới là yếu tố quyết định. Từng đồ án trang trí trên sản phẩm gốm đòi hỏi người sáng tác phải có một trình độ am hiểu về mỹ thuật và đối tượng khách hàng mục tiêu của sản phẩm.

Gốm Đông Nam Bộ từ xưa đến nay đã có những phong cách trang trí rất độc đáo trên từng thể loại sản phẩm. Mỗi dòng gốm, từ gốm Hoa Mai của người Hoa đến gốm Biên Hòa và gốm Bình Dương, đều có những phong cách thể hiện và giá trị nghệ thuật độc đáo riêng. Mặt khác, vì có vị trí gần nhau nên sự liên hệ, giao thoa lẫn nhaugiữa các dòng gốm là điều không thể tránh khỏi. Chính sự giao thoa này đã bổ sung cho nhau để tạo ra những sản phẩm gốm Đông Nam Bộ có nghệ thuật trang trí phong phú, đa dạng, độc đáo,thông qua tiếp biến vùng miền, Đông – Tây.

Càng về sau, kỹ thuật làm gốm ngày càng được cải tiến và đi vào sản xuất chuyên nghiệp với mô hình xí nghiệp, tổ hợp, công ty. Sản phẩm gốm Đông Nam Bộ được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Sự ra đời của gốm mỹ nghệ Đông Nam Bộ là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển nghề gốm ở Nam Bộ. Sản phẩm gốm Đông Nam Bộ không chỉ đơn thuần với chức năng sử dụng thường ngày của từng loại hình sản phẩm mà còn mang giá trị thẩmmỹ, nghệ thuật cao, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam tới cộng đồng thế giới.

Hai yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của gốm Đông Nam Bộ là nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương với cao lanh và đất sét màu chất lượng cao, cộng với trình độ của đội ngũ nghệ nhân, thợ gốm có tư duy sáng tạo, tay nghề hoàn hảo. Gốm Đông Nam Bộ thu nhận được những thành tựu trên có sự góp công rất lớn của Trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một (nay là Trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương), và Trường dạy nghề Biên Hòa (nay là Trường Cao đẳng Trang trí mỹ thuật Đồng Nai), nơi khởi đầu những nghiên cứu sáng tạo ra loại men, mẫu mã và đào tạo ra những thợ gốm lành nghề. Chính từ sự kết hợp hài hòa giữa Đông và Tây, giữa cũ và mới, những bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân đã tạo nên bản sắc riêng biệt của gốm địa phương với vẻ đẹp độc đáo về hình dáng, màu men và nghệ thuật trang trí.

______________

1, 2. Nguồn: www.vista.net.vn

3. Nguyễn Văn Quý, Xu hướng phát triển của nghệ thuật sơn mài Bình Dương, Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương, 2012.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : NGUYỄN XUÂN TIÊN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *