Vận dụng quan điểm đại hội xii về văn hóa trong giảng dạy đại học


1. Quan điểm Đại hội XII của Đảng về mục tiêu phát triển văn hóa

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của văn hóa trong sự phát triển xã hội, quan điểm Đại hội XII của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam đã có sự bổ sung khá toàn diện, tạo ra sự phát triển mới: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (1). Đó là một bước phát triển trong tư duy của Đảng về lý luận văn hóa, đây là lần đầu tiên được khẳng định và trình bày ở tầm văn kiện Đại hội.

Điểm nổi bật trong mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người là gắn kết chặt chẽ, đồng bộ xây dựng, phát triển văn hóa với xây dựng, phát triển con người. Văn hóa và con người được xác định là một vấn đề thống nhất cùng một mục trong văn kiện. Theo đó, mọi hoạt động văn hóa luôn hướng đến xây dựng, phát triển con người, xây dựng, phát triển con người toàn diện về đức, trí, thể, mỹ là nội dung trọng tâm, cốt lõi để xây dựng, phát triển văn hóa.

Trong mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người, văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc. Đây là mục tiêu quan trọng đối với quá trình phát triển văn hóa Việt Nam, là điểm mới xuất hiện lần đầu tiên trong văn kiện. Theo đó, phát triển văn hóa phải gắn liền với giữ gìn, bảo vệ và thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc. Mọi hoạt động sáng tạo văn hóa, các hoạt động văn hóa, quan hệ văn hóa, thiết chế văn hóa đều mang tính dân tộc, thể hiện cốt cách, tâm hồn và bản sắc dân tộc, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Phát triển văn hóa phải hướng vào giáo dục và khơi dậy lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần tự lực, tự cường, tính nhân văn, sự đoàn kết gắn bó cao, tính cấu kết cộng đồng vững chắc, quyết tâm vươn lên, vượt mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu đưa đất nước ngày càng phát triển bền vững.

Có thể nhận thấy, mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam thể hiện sự phát triển trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng, phù hợp với xu thế khách quan của thời đại, sát với thực tiễn đất nước. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng về định hướng phát triển văn hóa Việt Nam trong những năm tới. Đồng thời, Đảng ta tiếp tục khẳng định rõ ràng và làm sâu sắc hơn việc coi văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.

2. Quan điểm Đại hội XII về nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa

Để thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa, văn kiện Đại hội XII đã trình bày khái quát tám nhiệm vụ, giải pháp cơ bản. Đây là những nội dung thể hiện kế thừa có phát triển những quan điểm trong các văn kiện của Đảng trước đó, là sự tiếp nối thành quả quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đổi mới. Mặt khác, những nội dung đó thể hiện sự vượt gộp lên một tầm cao với sự chuyển biến mới về chất trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, con người.

Trước hết, văn kiện Đại hội XII khẳng định, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đây là nội dung thể hiện bước phát triển mới về tư duy lý luận văn hóa của Đảng, khi văn hóa và con người có sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất biện chứng với nhau. Con người là chủ thể sáng tạo, gìn giữ, bảo tồn, phổ biến, quảng bá, thụ hưởng và phát triển bền vững văn hóa; coi con người là trung tâm của chiến lược phát triển văn hóa và là mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển con người toàn diện, có nhân cách tốt, lối sống đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới tiếp tục xây dựng con người. Diện mạo nền văn hóa dân tộc và quá trình phát triển văn hóa tùy thuộc rất lớn vào chất lượng xây dựng con người Việt Nam.

Trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, hệ giá trị chuẩn mực là nội dung then chốt giữ vai trò định hướng, kiểm định việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Văn kiện Đại hội XII xác   định: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường, điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã     hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật” (2). Hệ giá trị đó phản ánh sự kế thừa, phát triển những giá trị, chuẩn mực, cốt cách con người Việt Nam truyền thống và có sự bổ sung, phát triển đáp ứng thực tiễn hiện nay, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững văn hóa, con người Việt Nam.

Tiếp đó, văn kiện Đại hội XII chỉ rõ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trước tác động phức tạp của mặt trái cơ chế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã làm cho “môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong, mỹ tục”(3). Từ đó, văn kiện Đại hội XII khẳng định phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; trong đó nhấn mạnh đến xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong cộng đồng, làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, làm cho môi trường văn hóa trở thành trung tâm văn hóa định hướng giá trị, nuôi dưỡng con người Việt Nam phát triển và hoàn thiện nhân cách. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, trường học, xã hội và các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng để xây dựng môi trường văn hóa thực sự tốt đẹp, phong phú, lành mạnh.

Đồng thời, văn kiện Đại hội XII khẳng định, cần phải xây dựng văn hóa cả trong chính trị và kinh tế, đặt văn hóa ngang với kinh tế và chính trị. Đây là nội dung mới, thể hiện quan điểm đúng đắn của Đảng về vai trò của văn hóa trong kinh tế chính trị và mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với kinh tế và chính trị. Trong văn kiện đã xác định: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, ở các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc”(4). Qua đó, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể và trong các hoạt động kinh tế.

Văn kiện Đại hội XII cũng xác định, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc xác định nội dung này thể hiện sự nhận thức đúng đắn của Đảng, bảo đảm cho văn hóa phát triển đúng hướng và ngày càng nâng cao cả về lượng và chất. Coi trọng việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống dân tộc, sáng tạo giá trị mới và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc. Phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; giải quyết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển văn hóa trong những năm tới, văn kiện Đại hội XII khẳng định, cần làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản. Đây là nội dung nhằm định hướng tư tưởng, điều chỉnh dư luận, tuyên truyền mục tiêu lý tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân và các tổ chức trong xã hội đem lại kết quả cao, thúc đẩy văn hóa phát triển. Đồng thời, “các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam”(5).

Văn kiện Đại hội XII tiếp tục khẳng định, nâng tầm, làm sâu sắc hơn vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa. Đây là nội dung mới, cho phép khai thác, phát huy có hiệu quả những thế mạnh và tiềm năng của văn hóa Việt Nam, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, cũng như quảng bá văn hóa Việt Nam với các nước trên thế giới. Từ đó, văn kiện Đại hội XII xác định, cần coi trọng đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa; phát huy sức mạnh các nguồn lực xã hội để thúc đẩy các doanh nghiệp văn hóa phát triển; đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa lành mạnh; nâng cao ý thức thực hiện các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong toàn xã hội.

Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ, cần chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đây là nội dung thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về phát triển văn hóa trong điều kiện mới. Điều này làm cho các hình thức văn hóa đối ngoại, các quan hệ quốc tế về văn hóa đem lại chất lượng, hiệu quả thiết thực; tạo cơ sở để tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm cho văn hóa Việt Nam ngày càng được làm giàu về giá trị. Cùng với việc kết hợp chặt chẽ giữa việc tôn vinh, nhân rộng cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cái nhân văn, chân – thiện – mỹ, Văn kiện Đại hội XII xác định phải, “đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người”(6). Điều này thể hiện quan điểm của Đảng về sự kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống trong phát triển văn hóa.

Văn kiện Đại hội XII xác định, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Đây là quan điểm cơ bản, bảo đảm giữ vững định hướng chính trị cho văn hóa phát triển. Văn kiện đã xác định: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học – nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo”(7). Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay; quan tâm đầu tư đúng mức cho phát triển văn hóa tương ứng với sự phát triển kinh tế – xã hội.

Như vậy, quan điểm Đại hội XII về phát triển văn hóa Việt Nam ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn hiện nay, đáp ứng sự phát triển bền vững đất nước. Quan điểm đó phản ánh rõ ràng sự nhận thức sâu sắc về văn hóa, vai trò của văn hóa đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là với giáo dục, rèn luyện và phát triển con người Việt Nam trong những năm tới, thể hiện sự phát triển tư duy lý luận văn hóa rất sâu sắc. Đây là cơ sở khoa học để các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng quán triệt, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập, góp phần thúc đẩy văn hóa Việt Nam không ngừng phát triển cả về lượng và chất trong những năm tới.

3. Sự vận dụng quan điểm Đại hội XII về phát triển văn hóa Việt Nam trong giảng dạy văn hóa học ở các trường đại học

Mục tiêu, nội dung cốt lõi về phát triển văn hóa Việt Nam trong những năm tới đã được Đảng xác định rõ, nhưng việc quán triệt, triển khai thực hiện và vận dụng vào nghiên cứu, giảng dạy, học tập là vấn đề rất cơ bản, quan trọng, góp phần nhanh chóng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Đây là vấn đề cần được tiến hành kịp thời, toàn diện, đồng bộ, khoa học, hợp lý và vững chắc. Theo đó, quan điểm Đại hội XII của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với việc nghiên cứu, giảng dạy các môn khoa học xã hội nhân văn, trong đó có Bộ môn Văn hóa học nói riêng ở các trường đại học hiện nay. Do vậy cần quán triệt và thực hiện những nội dung cơ bản đó là:

Thứ nhất, cán bộ, giảng viên giảng dạy các môn khoa học xã hội nhân văn nói chung, giảng dạy Văn hóa học nói riêng cần quán triệt sâu sắc, đúng đắn, đầy đủ, toàn diện quan điểm Đại hội XII của Đảng về phát triển văn hóa. Chủ động đẩy mạnh việc nghiên cứu, trao đổi, tọa đàm, hội thảo khoa học để làm sáng tỏ những điểm mới, nội dung trọng tâm, cốt lõi quan điểm của Đảng về văn hóa và phát triển văn hóa trong văn kiện. Tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong việc quán triệt, triển khai thực hiện cũng như việc vận dụng sáng tạo, khoa học, hiệu quả quan điểm Đại hội XII của Đảng về phát triển văn hóa vào thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy, hoạt động, công tác.

Thứ hai, bám sát vào quan điểm phát triển văn hóa trong văn kiện Đại hội XII, cần tiếp tục hoàn thiện chương trình, nội dung, kế hoạch giảng dạy bộ môn Văn hóa học bảo đảm phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, đối tượng người học. Kịp thời củng cố hệ thống bài giảng của bộ môn Văn hóa học, chú trọng đến các quan điểm của Đảng về văn hóa nói chung, phát triển văn hóa trong văn kiện Đại hội XII nói riêng bảo đảm ngày càng hoàn thiện, đáp ứng với xu thế phát triển hiện nay.

Thứ ba, trong quá trình giảng dạy văn hóa học cần chú trọng đến việc bồi dưỡng, hình thành ở người học thế giới quan cách mạng, nhân sinh quan cộng sản trong việc tiếp cận, nghiên cứu, tiếp nhận những tư tưởng, quan điểm của Đảng về văn hóa và phát triển văn hóa trong văn kiện Đại hội XII. Hình thành ở người học có sự nhận thức toàn diện, sâu sắc về văn hóa và phát triển văn hóa trong những năm tới. Làm cho người học nhận thức đầy đủ, sâu sắc những điểm mới, sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa và phát triển văn hóa trong văn kiện; giúp họ thấy được sự cần thiết, giá trị, ý nghĩa rất lớn của quan điểm về phát triển văn hóa mà Đảng đã nêu lên trong văn kiện.

Thứ tư, vận dụng sáng tạo những nội dung, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa trong văn kiện Đại hội XII vào quá trình giảng dạy, truyền thụ tri thức cho người học. Làm cho người học hiểu được bản chất cốt lõi của văn hóa nói chung, quan điểm về phát triển văn hóa Việt Nam những năm tới trong văn kiện nói riêng; nhận thấy tầm quan trọng của sự gắn kết vấn đề giữa xây dựng, phát triển văn hóa với con người, nhất là những nội dung xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thấm nhuần tinh thần dân tộc và những hệ giá trị (9 nội dung) mà con người cần phấn đấu rèn luyện.

Thứ năm, quá trình giảng dạy Văn hóa học, cần coi trọng việc hình thành trong người học ý chí quyết tâm cao, động cơ phấn đấu vươn lên đúng đắn trong học tập, rèn luyện, luôn hướng tới những giá trị nhân văn, chân – thiện – mỹ. Định hướng cho họ tự giác tu dưỡng, rèn luyện theo hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam như trong văn kiện. Khuyến khích người học tích cực có những hành động, việc làm thể hiện giá trị văn hóa sâu sắc; không ngừng tạo lập những giá trị văn hóa mới nơi cư trú, cơ quan, đơn vị; chủ động bảo tồn, gìn giữ, sử dụng hợp lý, phổ biến, quảng bá và phát triển bền vững giá trị văn hóa nơi cư trú, cơ quan, đơn vị. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống lại những phản văn hóa và những tác động tiêu cực tới bản thân và môi trường văn hóa ở nơi sinh sống, học tập, lao động, công tác.

______________

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.126, 127, 125, 128, 129, 127, 131.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THANH HẢI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *