Những nhân tố tác động đến văn hóa lào đầu tk xxi

Cùng nằm chung trong sự vận động của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội, nền văn hóa Lào trong những năm đầu TK XXI có sự chuyển biến phức tạp, bên cạnh những thành tựu và khởi sắc mới trong sự phát triển, nền văn hóa dân tộc cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Điều này có thể được lí giải khi phân tích những nhân tố tác động đến nó.

1. Nhân tố bên ngoài

Xu thế toàn cầu hóa là một hiện tượng tất yếu khách quan, xuất phát từ chính nhu cầu phát triển của nhân loại. Trong bối cảnh ngày nay, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Lào muốn phát triển thì không thể không tham gia vào quá trình này. Hội nhập quốc tế đã đem lại cho Lào nhiều thời cơ, đồng thời cũng đạt ra nhiều thách thức cho sự phát triển xã hội nói chung và văn hóa nói riêng.

Cơ hội

Xu thế quốc tế hóa hiện nay không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế mà nó còn trong tất cả các lĩnh vực như chính trị, pháp luật, văn hóa…  Giao lưu hội nhập văn hóa là một hiện tượng phổ biến của xã hội, một quy luật vận động và phát triển của văn hóa. Thông qua quá trình hội nhập văn hóa mà các dân tộc có điều kiện để học hỏi và tiếp nhận những giá trị của nhau. Chính nhờ có hội nhập văn hóa mà Lào, một nước chậm phát triển vẫn có cơ hội trở thành một nước phát triển trong thời gian ngắn, vì kế thừa được các giá trị của các dân tộc, các khu vực phát triển.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, các nước lớn ngày càng quan tâm đến khu vực Đông Nam Á đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng của cả khu vực, từng nước, bởi đây là khu vực có tầm quan trọng chiến lược trên bàn cờ chính trị thế giới. Các nước ASEAN có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược đối ngoại của Trung Quốc (1). Và, do lợi ích chiến lược toàn cầu nên Đông Nam Á từ lâu đã được Mỹ quan tâm đặc biệt. Ảnh hưởng của Mỹ ở đây có lúc mạnh, lúc yếu tùy theo sự điều chỉnh chính sách và bố cục chiến lược toàn cầu, nhưng chưa bao giờ Mỹ chịu từ bỏ tham vọng làm trọng tài và đóng vai trò quan trọng trong việc soạn ra quy tắc cho các trò chơi chính trị và an ninh đối với khu vực (2). Đối với Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, vốn là các nước lớn khác có lợi ích lâu đời và rất quan trọng ở Đông Nam Á nên họ luôn ủng hộ ASEAN tại các diễn đàn song phương và đa phương và hiện họ cũng cổ vũ mạnh mẽ cho ASEAN trong việc xây dựng thành công AC (3). Đây chính là những cơ hội lớn để các nước ASEAN tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa dân tộc và tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Xu thế hội nhập đã mở ra cơ hội để Lào gia nhập ASEAN vào tháng 7 – 1997. Từ đó, Lào ngày càng tham gia tích cực hơn vào các chương trình hợp tác ASEAN, ASEAN+1, ASEAN+3, GMS và hợp tác Đông Á… Song song với các cải cách kinh tế trong nước, Lào từng bước củng cố quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội với các nước láng giềng, đặc biệt là với các nước ASEAN, Trung Quốc, các nước khu vực Đông Bắc Á và châu Á – Thái Bình Dương (4). Quá trình hội nhập kinh tế, văn hóa, xã hội với khu vực và quốc tế đã tạo ra sự thay đổi khá lớn tại Lào. Từ vị thế cách biệt với các đại dương lớn và dường như biệt lập với thế giới bên ngoài do hệ thống giao thông đường bộ kém phát triển trước đây, trong hơn mười bốn năm qua (2001 –  2014), Lào từng bước thông thương với các quốc gia láng giềng trong khu vực theo hai trục chủ yếu là hành lang kinh tế đông tây (nối bốn nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar) và hành lang kinh tế bắc nam (nối Vân Nam Trung Quốc với Lào và Đông Nam Á) bằng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, nhiều công trình văn hóa kiến trúc đồ sộ được tôn tạo với sự trợ giúp tài chính từ nhiều nước và các tổ chức quốc tế. Đây chính là sự thay đổi mang tính đột phá chưa từng có đối với Lào.

Tuy vậy, quốc tế hóa là quá trình phức tạp, chứa đựng nhiều mâu thuẫn và có tính chất hai mặt. Nó vừa có yếu tố tích cực nhưng đồng thời cũng chứa đựng những yếu tố tiêu cực, có cả thời cơ và cũng tồn tại những thách thức.

Thách thức

Trong lĩnh vực văn hóa, trên thế giới hiện đang có những lực lượng muốn áp đặt hệ giá trị, thông qua và lợi dụng quốc tế hóa để can thiệp vào nội bộ của các nước. Quốc tế hóa là điều kiện, tiền đề cho hội nhập văn hóa, chuyển giao công nghệ hiện đại, liên kết trí tuệ, phát triển của các quốc gia dân tộc, nhưng đồng thời, cũng có thể tạo nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc, chủ quyền quốc gia.

 Sự phát triển trên lĩnh vực thông tin đại chúng một mặt đem lại cho nhân loại một lượng thông tin khổng lồ và đáp ứng nhu cầu thông tin của con người một cách nhanh nhất; mặt khác, nó cũng tạo ra những hậu quả khôn lường, đó là xu hướng đồng nhất hóa lối sống của các quốc gia dân tộc, đặc biệt là xu thế áp đặt văn hóa, áp đặt các mô hình và giá trị trong văn hóa.

Đối với Lào, Nhân tố văn hóa Trung Quốc ngày càng cắm rễ sâu vào trong đời sống văn hóa xã hội Lào. Trung Quốc đã ký kết với Lào nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực hợp tác về văn hóa  xã hội nói chung, chẳng hạn tháng 10 – 1989, sau khi vừa tái nối quan hệ, hai nước đã ký kết Hiệp định văn hóa Trung – Lào. Từ đó về sau, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển.

Trung Quốc đặc biệt tạo điều kiện cho thế hệ trẻ thuộc các tỉnh biên giới hai nước, các trường đại học mở rộng quan hệ giao lưu thông qua hoạt động biểu diễn văn nghệ. Ngày 19-5 – 2013, sinh viên Trung Quốc đã tổ chức buổi biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật với sinh viên Đại học Quốc gia Lào. Thông tin về buổi biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật Trung – Lào và về những món quà tặng hấp dẫn dành cho khán giả, được dán thông báo ở khắp nơi trong thành phố Viêng Chăn và các vùng lân cận. Ngoài ra còn có hoạt động hội chợ triển lãm hàng năm với việc trưng bày hàng loạt các sản phẩm văn hóa Trung Quốc, từ nghệ thuật thư pháp, điêu khắc, gốm sứ đến ẩm thực, thời trang; xuất khẩu phim nhựa và phim truyền hình… Những hoạt động giao lưu văn hóa này vừa mở ra nhiều cơ hội thương mại vừa mở rộng phạm vi ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc tại Lào.

Hiện nay làn sóng phim truyền hình Trung Quốc với chủ đề lịch sử hấp dẫn hay những vấn đề nổi cộm của xã hội đương đại, đang lan rộng và chiếm thời lượng thường xuyên trên Đài Truyền hình Trung ương và các tỉnh thành tại Lào. Các sách dịch từ tiếng Trung được bán khắp nơi. Giới trẻ Lào trở nên mê nhạc rock và các ngôi sao điện ảnh Trung Hoa. Hơn nữa tiếng Trung trở thành một trong hai ngoại ngữ ngày càng thu hút giới sinh viên và học sinh Lào theo học. Việc gia tăng truyền bá truyền thông này đã làm gia tăng sự tiếp nhận tự nguyện các sản phẩm văn hóa Trung Quốc ở Lào.

Đến nay, Trung Quốc đã ký nhiều hiệp định, kế hoạch và chương trình hợp tác văn hóa với Lào. Trong đó nêu rõ các nguyên tắc bình đẳng, khuyến khích giao lưu, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa  nghệ thuật, thể dục, thể thao, báo chí, phát thanh truyền hình, điện ảnh, thư viện, bảo tàng; đồng thời khuyến khích các hoạt động hợp tác và giao lưu trên các lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, xuất bản, trao đổi cán bộ. Bên cạnh đó, thông qua hợp tác văn hóa giữa các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới, các trường đại học, viện nghiên cứu, văn hóa Trung Quốc đang ngày càng ảnh hưởng sâu vào đời sống của nhân dân Lào. Điều này sớm hay muộn cũng sẽ làm biến dạng dần yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc Lào.

Hội nhập và giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa là quy luật tất yếu, sự đối thoại giữa các nền văn hóa nhiều khi đóng vai trò quan trọng, thậm chí quyết định cho những cuộc đàm phán về biên giới, về lãnh thổ, về mâu thuẫn giữa các dân tộc. Hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa cần tính đến các giá trị chung, giá trị nhân loại, đồng thời cũng thừa nhận sự khác biệt về văn hóa. Do vậy, trong quá trình hội nhập văn hóa, Lào phải đặt ra và thực hiện những nguyên tắc nhất định nhằm bảo vệ và phát triển giá trị văn hóa dân tộc.

2. Nhân tố bên trong

Cơ hội

Sau 15 năm đổi mới, bước sang những năm đầu TK XXI, nền kinh tế Lào có nhiều khởi sắc. Trong giai đoạn 2001 – 2010, tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 7,1% hàng năm, giai đoạn 2011- 2013 tăng lên 8,2% /năm. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Lào tăng trưởng với tốc độ cao, nhưng chủ yếu dựa vào dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài nguyên, tăng trưởng không đi đôi với tạo công ăn việc làm cho người Lào như kỳ vọng. Năm 2014, GDP của Lào đạt 12 tỷ USD, với kinh tế tăng trưởng 7,5% (5).

Thực hiện đường lối hội nhập kinh tế quốc tế, kết nối kinh tế với khu vực và thế giới, Lào hiện có quan hệ thương mại với 60 nước và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại với 20 nước, hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của 35 nước. Lào là thành viên chính thức ASEAN vào tháng 7 – 1997, là thành viên của 38 tổ chức quốc tế. Ngày 26 – 10 – 2012 Lào đã được chấp thuận làm thành viên WTO. Ngoài ra, Lào cũng đã tham gia vào các cơ chế hợp tác. Lào tích cực tham gia các sáng kiến, dự án hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), đặc biệt là hợp tác trong việc xây dựng các hành lang kinh tế, trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường xá nối với các quốc gia khác, nhằm biến Lào thành nơi quá cảnh của giao thương khu vực. Ngoài ra, Lào còn tham gia các sáng kiến hợp tác khác trong khu vực như hợp tác Mê Kông – Nhật Bản; hợp tác Mê Kông – Hàn Quốc; hợp tác giữa các quốc gia không có biển. Tham gia tích cực vào việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội khu vực tam giác. Lào thúc đẩy việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối từ Viêng Chăn đến biên giới Trung Quốc, kết nối với hệ thống đường sắt Thái Lan, nối từ Singapore đến Côn Minh qua Lào. Lào, hy vọng trong tương lai sẽ có thể kết nối với các quốc gia Đông Á khác và Ấn Độ thông qua các hệ thống đường bộ và đường sắt.

Sự phát triển về kinh tế chính là cơ hội để Lào thực hiện các chiến lược phát triển văn hóa xã hội. Vì vậy, trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, nền văn hóa Lào có nhiều khởi sắc. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ, phát triển; nhiều công trình văn hóa được tôn tạo, xây dựng; nhiều giá trị văn hóa được giới thiệu, quảng bá trên trường quốc tế; nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại cũng được tiếp nhận ở Lào. Tuy vậy, khi thực hiện đường lối mở cửa trong xu thế hội nhập, nền văn hóa Lào cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thách thức

Lào có gần 2000 km đường gần biên giới Thái Lan, một nước có quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra trước và mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Thanh thiếu niên Lào ở các đô thị, đặc biệt đô thị sát Thái Lan, đã ảnh hưởng của môi trường công nghiệp và chịu tác động mạnh của văn minh công nghiệp. Ở những nơi này các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học, giáo dục, thông tin, văn hóa, thể thao… xuất hiện với nhịp độ dồn dập, tốc độ cao làm cho họ có những trạng thái tinh thần căng thẳng và bị kích thích quá mức. Bởi vậy, cần giáo dục thanh niên có ý thức bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa lâu đời, xây dựng lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tốt đẹp hơn.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, phương tiện nghe nhìn, việc đưa các giá trị nghệ thuật đến với công chúng nhanh hơn, rộng hơn, đầy đủ và tiện lợi hơn. Đó là điều kiện để nhu cầu thị hiếu thẩm mĩ của thanh niên ngày càng phát triển cao. Tuy nhiên, phần lớn những đô thị của Lào đều tập trung sát biên giới Thái Lan. Vì vậy, không chỉ có các phương tiện nghe nhìn, các sản phẩm nghệ thuật lành mạnh mà có cả những sản phẩm tiêu cực cũng được len lỏi vào nhịp sống thường ngày. Hiện trạng đó lôi kéo một số thanh niên đua đòi theo lối sống trưởng giả học làm sang. Đặc trưng của lối sống này là ăn chơi thái quá làm cho các giá trị văn hóa bị biến tướng. Lớp người này luôn tỏ ra mình là người rất mốt, sành nghệ thuật, nhưng thực chất, một số trường hợp chỉ là sự bắt chước kệch cỡm từ người khác, dẫn đến tình trạng thưởng thức nghệ thuật một cách hời hợt, rập khuôn, đánh mất bản sắc riêng. Loại thị hiếu này xuất hiện ở Lào ngày càng nhiều bao gồm những thanh niên con nhà giàu có, được cưng chiều và con nhà nghèo lên thành phố học tập, lao động rồi đua đòi theo bạn bè. Đây là những thanh niên có nhu cầu tiêu dùng quá lớn, hưởng thụ quá cao so với mặt bằng chung. Họ có độ chênh lệch khá lớn giữa vốn văn hóa cần thiết và sự giàu có về tiền bạc. Lối sống tiêu thụ nghệ thuật của họ vừa làm méo mó nhân cách cá nhân, vừa làm ảnh hưởng xấu đến lối sống của thanh niên trong xã hội (6).

 Các giá trị văn hóa Lào ngày càng mai một do xuất hiện nhiều hình thức giải trí mới. Các vũ trường ra đời đã thu hút sự tham gia của thanh niên. Theo thống kê chưa chính thức, hiện tại thành phố Viêng Chăn có 37 vũ trường đã được cấp phép (7). Để quản lý, Sở VHTT đã đề ra 5 điều cấm đối với các vũ trường: mở cửa quá 23 giờ 30 phút, mang các loại vũ khí vào vũ trường, các hành động bạo lực và khiêu dâm ở vũ trường, các nữ sinh chưa đến 15 tuổi, gây ồn ào đến môi trường xung quanh

Nhưng hầu như các vũ trường không thể làm đúng được 5 điều cấm này. Ngoài các vũ trường, còn có các quán karaoke. Riêng thành phố Viêng Chăn có khoảng 200 quán karaoke (8). Tại các quán này, số lượng thiếu niên dưới 18 tuổi xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó có nhiều em trốn học, bỏ học để chơi.

Cùng với vũ trường, quán karaoke còn có các quán internet. Những quán này, ban đầu chỉ dành cho chơi game, sau này là game online. Có rất nhiều vấn đề xã hội xung quanh các quán   internet, có cả sử dụng ma túy, mại dâm. Đây là tụ điểm giải trí của nhiều học sinh, sinh viên mà gia đình không thể kiểm soát được.

Một số nhà tài trợ do nắm bắt kịp thời tâm lí của giới trẻ, đã mời các ca sĩ của Thái Lan sang Lào biểu diễn. Các chương trình biểu diễn sôi động này đã dần lấn át các đoàn nghệ thuật của nhà nước.

Thêm vào đó, một hiện tượng hủy hoại vô thức nền văn hóa nữa lại xuất hiện. Ai cũng có thể nhận thấy trong phần lớn các nước đang phát triển muốn lao nhanh vào phát triển kinh tế, đều xảy ra hiện tượng, theo nhà nghiên cứu Huomphanh Rattanavong “sự hủy hoại vô thức văn hóa và môi trường”. Điều này đã xảy ra ở Lào.

Một sự thật tự nhiên là con người mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn về vật chất, tinh thần cũng như đạo đức, nhất là với ai đã trải qua một cuộc sống thiếu thốn, nghèo khổ do chiến tranh hoặc thiên tai gây ra. Và, khi có điều kiện thuận lợi, những con người đó sẵn sàng làm tất cả mọi thứ, để có được những cái họ cần, thí dụ như: đem bán những tài sản, những di vật quý giá do tổ tiên, ông bà để lại; phá rừng để trồng lên những thứ có thể bán được; hành động hoặc ứng xử ngược với thuần phong mỹ tục, quy tắc xã hội.

Xu thế hội nhập quốc tế và khu vực vừa có thể tạo ra những cơ hội cho sự phát triển văn hóa ở Lào, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Hội nhập quốc tế và khu vực một mặt thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa Lào và các quốc gia khác, khiến văn hóa Lào ngày càng được giới thiệu quảng bá rộng rãi trên trường quốc tế, nhưng cũng làm nảy sinh nhiều nghịch lý. Chính sách đổi mới, mở cửa thực sự trở thành phép màu làm thay đổi nhiều mặt của đời sống văn hóa Lào, song cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm.

_______________

1, 2, 3, 4. Trương Duy Hòa (chủ biên), Hiện thực hóa cộng đồng ASEAN – bối cảnh tác động và những vấn đề đặt ra, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, tr.107, 110, 116, 20.

5. mofa.gov.vn

6. Sỉlửa Bunkhăm, Xây dựng và phát triển nền văn hóa thẩm mĩ ở CHDCND Lào, Nxb Chính trị Quốc gia, 2004 tr.114.

7, 8. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa Lào trong bối cảnh toàn cầu hóa (đề cương).

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : LÊ THỊ HÒA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *