CÓ MỘT SEOUL KHÁC


Một chuyến đi không ngờ tới thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã đem đến cho người viết bài cơ hội “được thấy Seoul như trong lòng bàn tay mình”. Một siêu thành phố với những dòng xe ôtô nối đuôi nhau không dừng qua 24 giờ của một ngày, của mọi ngày. Một siêu thành phố với 29 cây cầu bắc qua chỉ con sông Hán thơ mộng cùng những vòng xoắn đường trên cao dẫn lên cầu khiến cho bạn không khỏi cảm giác chóng mặt khi nhìn. Một siêu thành phố với những tuyến tàu điện ngầm chằng chịt và vô số đại trung tâm mua sắm dưới lòng đất…. Song cũng còn có một Seoul rất khác.

         Chú trọng đến thế hệ mới          Nghĩ khác, Hàn Quốc kỷ nguyên số là những câu khẩu hiệu được thể hiện với đa dạng các hình thức thiết kế đồ họa gắn trên tường của một góc khu vực studio, thuộc Trung tâm sáng tạo vì sự hội tụ văn hóa (the Creative Center for Convergence Culture – CCCC) của tập đoàn truyền thông CJ E&M. CJ E&M hiện được coi là tập đoàn truyền thông số 1 của Hàn Quốc, giữ vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh nội dung số với ba tiêu điểm là nhạc nhẹ, phim ảnh và trò chơi trực tuyến. Về nhạc nhẹ, tập đoàn này là chủ nhân giải thưởng âm nhạc châu Á danh giá hàng năm MAMA (Mnet Music Award), từ năm 2001, với trên 30 hạng mục giải thưởng, trong đó kể từ năm 2012, có thêm hệ thống giải thưởng Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất của mỗi nước (the Best Asian Artist in local country), hướng đến những thị trường nóng hoặc tiềm năng của Làn sóng Hàn Quốc, như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Singapore,… Trong 3 năm qua, lần lượt các ca sĩ Mỹ Tâm, Thu Minh và Hồ Quỳnh Hương của Việt Nam đã giành được giải thưởng này.          Bên cạnh sự hào nhoáng và tinh thần toàn cầu của CJ E&M thể hiện trên trang tin trực tuyến của họ, CCCC lại có một không khí hoàn toàn khác. Mới ra đời trong tháng 2 – 2015, ngụ trong hai khối nhà kính cao hơn 60 tầng, với hàng ngàn m2 mặt sàn, CCCC có tham vọng trở thành một thung lũng văn hóa (cultural valley) của Hàn Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung, với mục tiêu là toàn cầu hóa văn hóa đại chúng Hàn Quốc để phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ CCCC với một hệ thống chính sách về bất động sản và hành chính linh hoạt, thuận lợi nhất, thay vì góp vốn hoặc kiểm soát họ về bản quyền và nội dung hoạt động.          Với một tầm nhìn và sự hậu thuẫn của chính phủ như vậy, CCCC ngay lập tức xác định hướng đi của mình tới tương lai là phải có sự chú trọng đầu tư cho thế hệ nghệ sĩ và các tác giả sáng tạo mới. Cả hai tầng 2 và 3 của một tòa nhà thuộc CCCC được dành làm khu vực miễn phí cho các nghệ sĩ trẻ, hoặc những bạn trẻ muốn thử nghiệm với nghệ thuật. Ở đây, có một story lab (phòng dựng phim) với hai bộ bàn dựng phim tiên tiến nhất, hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể đăng ký trước và được toàn quyền sử dụng thiết bị chuyên dụng này để biên tập, montage, thử nghiệm ứng dụng kỹ xảo,… cho một bộ phim hay video clip thử nghiệm nào đó của riêng mình. Chuyên gia của CCCC sẽ sẵn sàng hỗ trợ bạn cũng miễn phí, mỗi khi bạn cần và họ có thời gian. Ở đây có một thư viện sách và truyền thông đa phương tiện, cũng hoàn toàn miễn phí, chiếm trọn một khoảng không gian hơn 200 m2 thông qua hai tầng nhà. Bạn có thể đọc từ Hemingway đến Kundera, ngắm các sáng tác mỹ thuật từ tranh trừu tượng của Miro đến nghệ thuật đương đại của Jeff Koon, Damien Hirst, thưởng thức các hình mẫu thời trang từ cổ điển với Chanel đến đương đại với Kusama,… Thư viện này hướng đến việc bổ sung tất cả những gì liên quan đến thế giới hình ảnh, thế giới của trí tưởng tượng và là thành tựu nghệ thuật của toàn cầu, từ cổ đến kim, từ nhiếp ảnh, điện ảnh đến mỹ thuật, thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa và văn học. Ngay cạnh đó là khu thí nghiệm đồ thủ công (Craft lab), cũng hoàn toàn miễn phí, đem lại cơ hội cho các bạn trẻ muốn thử nghiệm với sự sáng tạo của trí não song hành với sự khéo léo của đôi bàn tay và tính kiên trì – những điều kiện ban đầu đảm bảo cho sự thành công của họ trong tương lai. Quan điểm của CCCC về Craft lab là “dù thế nào đi nữa, không một phương tiện kỹ xảo tân tiến nào có thể thay thế được trí óc, trái tim và đôi bàn tay của con người” – lời của ông Lee Hyun Min, giám đốc điều hành của CCCC. Tập đoàn CJ E&M được xem như hãng Walt Disney của Hàn Quốc với ưu thế về dòng phim hoạt hình, sử dụng kỹ xảo hình ảnh nhờ tính ưu việt của công nghệ số.          Chuyến thăm CCCC dù chỉ hơn một giờ đồng hồ song thực sự là ấn tượng. Không hiểu sao, nó cứ gợi nhắc đến hai ý trong câu chuyện giết thời gian của tôi với cô phiên dịch. Thứ nhất, giới trẻ Hàn Quốc bây giờ, thay vì đề nghị cha mẹ đầu tư cho việc thi vào đại học với các trường thuộc top đầu thì có xu hướng muốn cha mẹ ủng h cho con làm gì đó khác, như đi học đàn, nhảy, hát,… Dịch vụ dạy nhảy theo các ngôi sao Hàn Quốc và sau đó là thực hiện video clip như phiên bản nhí của các nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc rất được ưa chuộng tại trung tâm dịch vụ của SM Town, thuộc tập đoàn giải trí SM, ông bầu của các nhóm nhạc đình đám nhất Hàn Quốc như EXO, Girls’ generation. Một clip vài phút như vậy có chi phí từ 2 – 2,5 triệu won (tương đương 40 – 50 triệu đồng). Thứ hai, tình trạng suy giảm số lượng trẻ sơ sinh hàng năm do xu hướng kết hôn muộn của phụ nữ và sinh ít con khiến chính phủ và cơ quan hành chính của các địa phương trong Seoul tìm mọi cách khắc phục. Thậm chí, quận Gangnam – nơi được xem là giàu có nhất nhì Seoul đã có chính sách thưởng một lần 25 triệu won (tương đương 500 triệu đồng) cho người sinh con thứ ba là cư dân trong quận. Có vẻ như trong từng lĩnh vực của mình, từ chính quyền đến các tập đoàn kinh doanh tư nhân đều xác định tương lai của đất nước luôn là thế hệ mới và họ hành động thực sự để tương lai ấy sáng lạn hơn hôm nay.          Câu chuyện biến con sông Hán (Hangang) chảy ngang qua Seoul từ một con sông đầy ô nhiễm thành một con sông thơ mộng như hiện nay cũng có thể được coi là một ví dụ điển hình cho chính sách hành động vì tương lai của Hàn Quốc nói chung, thủ đô Seoul nói riêng. Năm 1981, sau khi giành được quyền đăng cai Thế vận hội Olympic mùa hè 1988, Hàn Quốc bắt đầu lên kế hoạch cho một Seoul mới. Việc cải tạo con sông Hán, nằm trên trục đường chính từ các sân bay quốc tế về thủ đô Seoul được đặt ra, song như một nhiệm vụ bất khả. Vì khi đó, con sông là nơi dẫn nguồn nước thải của hàng trăm khu công nghiệp từ đầu nguồn sông cho đến Seoul cùng cư dân dọc theo. Để làm được việc này, Seoul phải di chuyển tất cả các khu công nghiệp ra khỏi thành phố và làm hệ thống lọc nước dọc theo hai bờ sông cũng như từ đầu nguồn núi Daedeok và dòng hợp lưu từ sông Bắc Hán (đổ từ CHDCND Triều Tiên) qua đây rồi cùng chảy ra biển Hoàng Hải. Vậy mà 5 năm sau, sông Hán đã có một gương mặt hoàn toàn khác. Dự án này không dừng lại chỉ đế phục vụ cho qua kỳ Thế vận hội năm 1988 mà nó được phát triển không ngừng. Sông Hán giờ đây không chỉ sạch nguồn nước, dọc hai bờ sông, đoạn chừng 40km chảy qua vùng thủ đô Seoul, còn được cải tạo thành nhiều khu vực giải trí, tập thể thao, dạo bộ, ngắm cảnh và kinh doanh nhà hàng. Hầu như không một khách du lịch ngoại quốc nào đến Seoul mà không ghé sông Hán, ăn trưa, ăn tối hoặc chỉ nhâm nhi một ngụm cà phê. Việc này đem lại con số doanh thu khổng lồ nếu bạn biết rằng, chỉ riêng du khách Trung Quốc đến đây trong năm 2014 là chừng 10 triệu lượt người. Một tầm nhìn hướng đến tương lai đã đem lại kết quả kinh tế khả quan và lâu bền nhất có thể, trong bất cứ lĩnh vực nào của thành phố này.          Tinh thần dân chủ          Một may mắn trong chuyến đi Seoul lần này của người viết bài là có chuyến tham quan Nhà Quốc hội Hàn Quốc. Theo thông tin từ hướng dẫn viên của tòa nhà, chùm đèn trên trần của khu vực họp quốc hội có 365 bóng, tượng trưng cho 365 ngày làm việc không nghỉ của các nghị sĩ. Bên cạnh 300 ghế của đại biểu quốc hội ở tầng 1, trên các sảnh ghế tầng hai được chia làm 4 khu vực, trong đó đáng chú ý là khu chính giữa dành cho dân chúng, nếu bạn thích vào nghe quốc hội họp bàn, bạn cứ đăng ký thoải mái, miễn là lọt được qua các cổng kiểm tra an ninh. Nhiều khi, các trường phổ thông và kể cả mẫu giáo cũng đăng ký cho học sinh của mình đến dự khán, tất nhiên nó chỉ như một tour tham quan với trẻ em song hẳn là thật thú vị. Chỉ có một số ít ghế dành cho quan chức chính phủ Hàn Quốc ở cánh gà bên phải của khán phòng tầng 1. Quốc hội là một cơ quan độc lập với chính phủ Hàn Quốc. Có lẽ đó là do mà trên tấm bảng điện tử hiện kết quả bỏ phiếu, có đầy đủ tên của 300 nghị sĩ, và những cái tên ấy sẽ được đổi màu tùy theo ý kiến đồng ý hay tán thành, bỏ phiếu trống của chủ nhân của nó.  Bên trong Bảo tàng về sự sáng tạo của hãng Samsung. Ảnh An Trung            Bắt đầu từ phong trào đòi độc lập trước sự xâm chiếm của Nhật Bản vào tháng 3 – 1919, chỉ 1 tháng sau đó, những người đứng đầu Hàn Quốc khi đó đã quyết định gặp nhau tại Thượng Hải, nhóm họp một Hội đồng lập pháp lâm thời. Hội đồng này bầu ra chủ tịch Hội đồng, thủ tướng chính phủ và soạn thảo một bản Hiến chương lâm thời Quốc gia Hàn Quốc, thành lập chính phủ Hàn Quốc lâm thời. Lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước này, bản Hiến chương lâm thời tuyên bố rằng, khi tổ quốc giành được tự do, sẽ trở thành một nước cộng hòa dân chủ, trên nền tảng của sự tự do và công bằng. Bản Hiến chương lâm thời này, thông qua việc giới thiệu sự lý tưởng của nền dân chủ, đã đem tới cho Quốc hội Hàn Quốc vai trò đi đầu trong việc hiện thực hóa nền dân chủ ở quốc gia này ngay sau khi giành được độc lập, năm 1945(1).          Một ví dụ điển hình cho nền dân chủ của Hàn Quốc hiện nay là sự ra đời và hoạt động rất tích cực của Ủy ban can thiệp báo chí (Press Arbitration Commission- PAC), thành lập từ năm 1981 theo Luật báo chí cơ bản. Từ năm 2005, một đạo luật về can thiệp và bồi thường những tổn hại do báo chí gây ra được thực thi và PAC ngày càng được người Hàn Quốc tìm đến. PAC hoạt động dựa trên ngân sách từ một nguồn quỹ do chính phủ khởi xướng, trích lập từ nguồn thu quảng cáo trên truyền hình. Bất kể cá nhân, tổ chức nào nhận thấy thông tin liên quan đến họ trên truyền thông khiến họ bị ảnh hưởng xấu hoặc về tinh thần, hoặc về vật chất, có thể là một dòng thông tin, một bức ảnh, một chú thích ảnh,… họ có thể tìm đến PAC như một trung gian và đưa ra đề nghị can thiệp đến cơ quan báo chí xuất bản thông tin đó. Người đề nghị không phải trả bất kỳ một khoản phí nào và nếu họ chứng minh được sự thiệt hại, phía báo chí, hoặc cơ quan, hoặc cá nhân nhà báo, phóng viên, phải bồi thường bằng tiền mặt. Chỉ trong vòng chừng 2 tuần, sự việc được thụ lý và giải quyết. PAC như một vị trí trung gian giữa công chúng và báo chí, tìm kiếm sự công bằng và chuẩn mực thông tin cho cả hai phía báo chí và công chúng. Năm 2014, PAC giải quyết khoảng 2.000 vụ việc, trong đó hầu hết liên quan đến các cá nhân. Thực tế là do sự phát triển của thông tin trực tuyến, thông tin ngày càng nhiều thì sự sai sót cũng theo đó gia tăng. giải về mô hình PAC đang được xem là độc nhất vô nhị trên thế giới, anh Lee Jongkil nhân viên cấp cao của Korea Foundation cho rằng: “Chúng tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi đã có tự do báo chí nhưng thực ra là chưa. Chúng tôi đang trên đường hướng đến điều đó thôi và đây là do để PAC ra đời, hoạt động hiệu quả, đem lại sự công bằng cho công chúng và chỉ có sự công bằng như vậy mới đảm bảo cho sự tự do báo chí” (2). Ủy ban điều khiển của PAC có 8 thành viên gồm các luật sư và nhà báo giàu kinh nghiệm, sẽ xem xét từng trường hợp yêu cầu can thiệp một cách cẩn trọng và đưa ra hướng giải quyết tại các phiên xử. Riêng ở thủ đô Seoul, PAC có 8 địa chỉ phiên xử, chia theo các khu vực trong thành phố. PAC còn có 10 địa chỉ phiên xử khác ở 10 tỉnh, thành phố lớn trong cả nước (3).          Một tầm nhìn khu vực và toàn cầu          Trung tâm châu Á thuộc Đại học quốc gia Seoul, một trong bốn trường đại học hàng đầu Hàn Quốc hiện nay, được thành lập từ năm 2009. Ba năm sau đó, trung tâm ASEAN thuộc nơi này ra đời, được xem như nhánh nghiên cứu chuyên biệt về văn hóa, xã hội, nền tảng kinh tế của các quốc gia ASEAN.          Trung tâm ASEAN hiện tập trung vào các nghiên cứu nền tảng kinh tế xã hội, như mô hình thị trường của người đạo Hồi ở Malaysia và Indonesia. Mong muốn của trung tâm là cung cấp được một cái nhìn thực tiễn, cập nhật và sâu sắc về văn hóa địa phương của những khu vực mà các hãng kinh doanh hàn Quốc đang hướng đến. Ông Kwang Myungkoo, giám đốc trung tâm châu Á nhấn mạnh, doanh nhân và người Hàn Quốc nói chung còn chưa hiểu biết nhiều về Đông Nam Á, các vùng đất và sự đa dạng, sâu sắc của văn hóa địa phương nơi đây. Theo ông, “chỉ có hiểu được văn hóa địa phương mới có thể có được các chiến lược kinh doanh phù hợp”. Chính hướng nghiên cứu gắn liền với nhu cầu thực tiễn của việc phát triển kinh tế đất nước đem lại cho trung tâm vị thế lớn mạnh nhanh chóng. Cho đến nay, Trung tâm châu Á đã có kho dữ liệu về khoa học xã hội nói chung của khoảng 150 nước trên toàn thế giới, đem lại cái nhìn tổng quan về sự tiến triển của nhân loại trước khi tập trung vào các khía cạnh cụ thể hơn. Trung tâm đang xây dựng mô hình kho dữ liệu về sức khỏe của người dân châu Á nói riêng và chính thức triển khai trong năm 2016.          Không chỉ đầu tư cho các nghiên cứu hoặc kho dữ liệu nền tảng, trung tâm châu Á nói chung, trung tâm ASEAN nói riêng còn muốn có các sản phẩm thể hiện cụ thể hơn nữa hướng nghiên cứu gắn liền thực tiễn của họ. Theo ông Kwang, trung tâm rất muốn xuất bản được hệ thống các cuốn sách nhỏ, kiểu như cẩm nang cầm tay, giới thiệu về văn hóa của từng nước trong khu vực Đông Nam Á cho hai đối tượng khách hàng là người đi du lịch và doanh nhân Hàn Quốc. Nhưng dạng sách này không dừng lại ở việc cung cấp kiến thức nền tảng về văn hóa, địa lý, lịch sử chung chung mà muốn có được những thông tin tươi mới nhất, thú vị nhất về đời sống của từng địa phương. Ông cho rằng, đây là những sản phẩm hữu dụng và giới doanh nhân Hàn Quốc đang rất cần.          Trong các cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, một số nhà nghiên cứu của Trung tâm cũng cởi mở chia sẻ với người viết bài về những mục tiêu nền tảng của nơi này, vừa là động lực và vừa là sức ép cho chính họ. Theo ông Jung Bub-mo, tiến sĩ khoa học chuyên ngành nhân học, người nghiên cứu chuyên sâu về Philippines, sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc trong khu vực châu Á đã được xem như một nguồn kích thích họ nghiên cứu khu vực ASEAN tốt hơn, tạo nguồn tri thức để hỗ trợ lại giới doanh nhân Hàn Quốc mạnh mẽ hơn trong việc phát triển ảnh hưởng của Hàn Quốc tại các nền kinh tế mới nổi, giàu tiềm năng. Bà Choi Kyung- hee, tiến sĩ khoa học về khoa học chính trị và ngoại giao, nhấn mạnh rằng, chỉ 10 năm nữa thôi, ASEAN sẽ hiện thực hóa hình ảnh cộng đồng vững mạnh của mình, khẳng định quyền lực của một khu vực kinh tế văn hóa mới trên trường quốc tế. Những chuẩn bị cho sự gắn bó bền chặt với ASEAN của Hàn Quốc mà hoạt động của trung tâm ASEAN của bà là một ví dụ, sẽ không bao giờ là quá sớm. Theo bà, sự phát triển kinh tế cùng nhau dựa trên nền tảng hiểu biết và đồng cảm về văn hóa sẽ tạo ra sự cân bằng và lâu bền trong quan hệ hai bên về mọi mặt, thay vì áp đặt và kiểm tỏa nhau với tâm lý nước lớn, nước mạnh.          Có thể nói, những khẩu hiệu của trung tâm châu Á không bao giờ là những khẩu hiệu suông nếu nhìn vào thực tế hoạt động của họ. Nơi này muốn trở thành một “trung tâm toàn cầu của các cơ quan nghiên cứu châu Á nói chung, là nơi đưa ra những chủ đề mới trong nghiên cứu châu Á” (4). Mục tiêu của họ không manh mún, đơn lẻ mà được gắn chặt với mục tiêu chung của quốc gia này là trở thành một cường quốc kinh tế trong khu vực nói riêng, toàn cầu nói chung. Điều đáng nói đây chỉ là trung tâm trực thuộc một đại học, cho dù là đại học lớn nhất của Hàn Quốc.          Khi đi dạo trong khu mua sắm được coi là lớn nhất châu Á, bên dưới hầm của tòa nhà Hội nghị và triển lãm Seoul (COEX Seoul), rộng chừng 550 ngàn m2, cô Im Hee-soo, điều phối viên tiếng Anh của đoàn chúng tôi cho hay, khu mua sắm này được xây dựng từ cuối những năm 80, TK XX, và khoảng 10 năm sau, nó tiếp tục được mở rộng như hiện nay. Nơi này dễ khiến người ta lạc lối vì sự mênh mông và sầm uất của nó. Đây cũng chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn khu mua sắm dưới lòng đất kết nối rất thuận lợi với hạ tầng giao thông như các tuyến tàu điện và các trung tâm văn phòng, triển lãm, mua sắm lớn ngay bên trên mặt đất. Chỉ một tuần ở Seoul, chuyến đi có lẽ còn hơn cả cái gọi là cưỡi ngựa xem hoa nhưng người viết bài cũng nhanh chóng thấm thía được một điều từ sự phát triển của đất nước này: Con người là nhân tố đầu tiên và là mục đích cuối cùng để tạo ra mọi sự thay đổi cho cuộc sống này tốt đẹp hơn, cho những dự định lớn lao hơn của tương lai mỗi một cá nhân, một cộng đồng, một dân tộc. Chiến tranh Nam – Bắc Triều Tiên xảy ra cách đây hơn 60 năm (1950 – 1953), và đất nước này cho đến nay vẫn trong tình trạng chiến tranh. Nhưng hình ảnh Hàn Quốc hôm nay đã cho thấy những bất lợi ngoại tại hoàn toàn có thể trở thành động lực cho sự phát triển nội tại của cả một dân tộc.
         _______________             1. Theo giới thiệu về Tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc trong cuốn chương trình của The 2nd ASEAN – ROK Next Generation Opinion Leaders Program, của Korea Foundation, 2015 tr.19.          2. Trao đổi riêng của người viết bài với anh Kim Jongkil, ngày 19 – 11 – 2015.          3. Theo pac.or.kr, trang tin trực tuyến của ủy ban này.          4. Theo snuac.snu.ac.kr, trang tin trực tuyến của Trung tâm châu Á, Đại học quốc gia Seoul.  

Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015

Tác giả : ĐÀO MAI TRANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *