GIANFRANCO ROSI, GƯƠNG MẶT SÁNG GIÁ CỦA PHIM TÀI LIỆU

 
Quý hồ tinh, bất quý hồ đa, bản chất sức sống và sức mạnh của nghệ thuật là vậy, biết phô diễn ít nhất, nhưng ngụ ý nhiều nhất, chứ không phô diễn xô bồ mà ý nghĩa nghèo nàn. Từ lâu, hầu như ở đâu cũng đã lưu truyền những vinh danh xem chừng vừa khó tính vừa cầu toàn thái quá. Ấy là “người của một cuốn sách”, “thi sĩ của một bài thơ”. Có thể dẫn ngẫu nhiên làm ví dụ, nhà thơ Trung Quốc đời Đường Trần Tử Ngang 661-702) với Bài ca lên đài U Châu, một đúc kết chất người của nhân loại nhói đau mà tính thời sự hẳn còn muôn năm nóng hổi; văn hào Pháp Alain Fourrnier (1886-1914) với tiểu thuyết Môn cao kều (1913), bản tụng ca tuổi trẻ chuẩn xác mãi mãi khiến bàng hoàng và xúc động; nữ văn sĩ Hoa Kỳ Margaret Mitchell (1900-1949) với Cuốn theo chiều gió (1936), biểu tượng chân thực tột cùng và sinh động thót tim của giấc mơ Mỹ không chỉ của thời gian ấy; đại văn hào Nga xô viết Mikhail Cholokhov (1905-1984), với Sông Đông êm đềm (1928-1940), một trong ba trường thiên tiểu thuyết hút hồn nhất trong văn học thế giới, vĩnh viễn lưu lại dấu ấn không thể nào quên của một thời đại kỳ lạ của lịch sử nhân loại; nhà thơ Việt Nam Vũ Đình Liên (1913-1996), với Ông đồ (1936), áng thơ không thể dung dị hơn được nữa, nhưng sức lay động thì bất tận và khó bề lý giải cặn kẽ ngọn ngành…
Tình hình điện ảnh mươi năm trở lại đây gợi ý cho các nhà nghiên cứu đề cập tới danh xưng “đạo diễn của một phim”. Trước đây, điện ảnh Nga xô viết đã ghi khắc đầy tự hào vào lịch sử nghệ thuật thứ bảy toàn cầu tên tuổi của Serguei Eisenstein (1898-1948), với Chiến hạm Potemkine (1925), bản anh hùng ca của lòng dân khi bừng trỗi dậy, một đổi mới có tính bước ngoặt của loại hình nghệ thuật đại chúng nhất. Với điện ảnh Việt Nam, đó là Nguyễn Văn Thông (1926-2010) với Con chim vành khuyên (1962), bài thơ trữ tình cô đọng và nhân bản nhất về khát vọng tự do, độc lập và hướng thiện của đông đảo dân thường. Giờ đây, hẳn đến lượt nền điện ảnh hùng hậu nhất, với Terrence Malick, sinh năm 1943, qua Cây đời (The tree of life), một đúc kết về hồn cốt cõi người có một không hai. Rồi điện ảnh Italia, với Gianfranco Rosi, sinh năm 1964, qua Vành đai tôn nghiêm của thành phố ngàn đời (tạm dịch: Sacro GRA), sư tử vàng đầu tiên cho phim tài liệu ở Liên hoan phim quốc tế lâu đời nhất. Bí quyết cuốn hút trường tồn của những tác phẩm vừa nêu khởi nguồn từ sự kết hợp nhuần nhuyễn luôn luôn gây sửng sốt, có thể là vô thức hay nằm ngoài dụng ý hoặc dụng công của tác giả, giữa cụ thể và trừu tượng, giữa cá biệt và phổ biến, giữa cái riêng và cái chung, giữa thành viên và toàn thể, giữa trái tim và khối óc, giữa thời điểm và vĩnh hằng.
Terrence Malick và Gianfranco Rosi thuộc số không nhiều những nghệ sĩ đích thực, những nghệ sĩ mà lý tưởng thẩm mỹ là lẽ sống. Họ nặng lòng với bộ phận chiếm đa số trong mọi cộng đồng và mọi xã hội, bộ phận thường bị lừa mị và lạm dụng bởi một số ít nham hiểm và bất lương. Họ mong mỏi và làm hết sức để xã hội được lành mạnh, tức là mọi giai tầng chung sống phải nghĩa tình với nhau, không xâm phạm quyền lợi và giá trị của đồng loại. Những nghệ sĩ như họ dù muốn dù không cũng phát ngôn cho quảng đại người lao động, khẳng định những khát vọng và thành tựu cao đẹp giữ cho nhân loại vươn không ngừng tới văn minh tuyệt đỉnh, ổn định thực sự và hạnh phúc tròn đầy. Những tiếng lòng ý nhị và sâu thẳm như vậy rõ ràng không thể một sớm một chiều định hình và cất lên được. Không đáng ngạc nhiên, những nhân vật ca lên nổi những rung động thánh thiện nhất ấy, những rung động kết tinh muôn vàn rung động, không màng tới tiền tài danh vọng. Họ lặng lẽ làm việc cần mẫn và chuyên tâm như mọi người lao động bình thường. Họ xa lạ với mọi chiêu trò nổi đình đám, như tìm cách để được lên mặt báo hay truyền hình càng nhiều càng tốt, lâu lâu lại tạo bê bối ầm ỹ để chứng tỏ ta vẫn đáng mặt anh tài. Trong 40 năm làm phim, T.Malick chỉ cống hiến cho khán giả hành tinh 5 bộ, bộ nào cũng đáng nể, tiêu biểu là Cây đời có thể sánh ngang những kiệt tác nghệ thuật cổ kim đông tây kỳ vỹ. Giữa phim thứ hai, 1978, và phim thứ ba, ông lặn mất tăm 20 năm chẵn. Hóa ra, ông sang Pháp dạy học. Ông thường né tránh báo chí và đám đông. Tháng 5-2011, ông không đến Cannes để nhận giải Cành cọ vàng cho Cây đời được nức nở khen ngợi. Cởi mở hơn nhà điện ảnh Hoa Kỳ, G.Rosi của Italia hiện diện nhiều năm rồi tại hầu hết các liên hoan phim tài liệu quốc tế lớn, và chấp nhận trả lời phỏng vấn, như một người có văn hóa và lịch thiệp, như một nghệ sĩ say nghề và không cao ngạo. Ông chuyên về phim tài liệu, nên chính vô số cuộc giao lưu và tiếp xúc với đủ hạng người góp phần cho thành tựu của ông. Hơn 20 năm lăn lộn với loại hình điện ảnh này, từ đầu những năm 90 TK XX, mang về cho ông 5 tác phẩm giá trị bậc nhất, mà đỉnh cao chính ông có lẽ cũng khó vượt được là Vành đai tôn nghiêm của thành phố ngàn đời. 5 phim thôi, nhưng giải được trao tính trung bình đã trên 10 mỗi bộ. Giải thưởng quan trọng nhất là Sư tử vàng tại Liên hoan phim quốc tế Venice 2013, cho đến giờ vẫn còn được bàn luận sôi nổi. Không ít nhà chuyên môn bị sốc mạnh. Thứ nhất, ở LHP danh tiếng Venice, từ năm 1998, đây là lần thứ nhất, một phim của nước chủ nhà được trao giải. Thứ hai, nếu Cannes đã trao giải cao nhất của mình, Cành cọ vàng, cho phim tài liệu, từ năm 1956 – phim Pháp Thế giới của sự yên lặng của Jacques Yves Cousteau (1910-1997) và Louis Malle (1932-1995), thì Venice mãi năm 2013 mới làm việc này. Vành đai tôn nghiêm của thành phố ngàn đời được chiếu gần cuối LHP, nhưng được khán giả vỗ tay hoan nghênh tưởng không thể dứt. Khi nó được đội vương miện huy hoàng nhất của LHP Venice lần thứ 70, cả hội trường lại đứng dậy vỗ tay chúc mừng. Đa phần cử tọa, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu phê bình và nhà báo đều tâm phục khẩu phục. Tuy nhiên, một số người, trong và ngoài Italia, kể cả những nhân vật hết sức quý trọng vẻ đẹp thâm trầm hiếm có của các phim của G.Rosi, đã lên tiếng không đồng tình với việc suy tôn bộ phim về những cư dân cùng khổ, lạc loài hay lập dị sống hai bên đại lộ (sáu làn xe) dài nhất Italia, vòng quanh thủ đô Rome cổ kính. Có người thẳng thừng chỉ trích ban giám khảo dễ dãi, hoặc cá nhân ông chủ tịch giám khảo, tức đạo diễn Italia lừng danh 74 tuổi Bernado Bertolucci là hời hợt, bốc đồng và thiên vị, hoặc trưởng ban chọn phim cho LHP Alberto Barbora là làm việc đại khái, không am tường nghệ thuật… Nặng nề hơn cả là trang mạng Phim được tôn thờ của Pháp. Không lâu sau khi buổi trao giải kết thúc, tối 7 tháng chín 2013, Trang này tung lên liên mạng bài miệt thị bộ phim, kết tội ban giám khảo chơi trò đùa ú tim con trẻ, với câu phán kinh hoàng: “Đêm nay, Sư tử vàng đã chết!”.
G.Rosi thì không giấu nổi xúc động. Ông xin tặng vinh hạnh bất ngờ cho những người ngoài lề xã hội hai bên vành đai tôn nghiêm của thành phố ngàn đời, bởi họ mới làm nên bộ phim được công kênh đêm nay. Ông cảm ơn người vợ trước của ông, người đã buộc ông làm bộ phim không hề dễ, lúc ông chuẩn bị chia tay Rome, và bắt đầu mê mẩn các vùng phụ cận. Ông tri ân tận đáy lòng chủ tịch giám khảo B.Bertolucci đã dũng cảm trao Sư tử vàng cho một phim tài liệu. Trên thế giới, nơi nọ chỗ kia, thể loại điện ảnh này vẫn bị xem là thứ yếu, dù rằng một đôi bậc thày của nghệ thuật thứ bảy, Michael Verhoeven, sinh năm 1938, của Đức chẳng hạn, phát hiện ra rằng có những mảng hiện thực chỉ có thể diễn đạt bằng phim tài liệu. G.Rosi thấm thía với khám phá của bậc đàn anh. Ông ít nói về mình. Song giới nghiên cứu điện ảnh hiểu rõ vì sao ông thành công đến thế… Lớn lên, ông theo học ngành giải phẫu học ở Đại học Pisa, hai năm liền tham gia trực tiếp mổ nghiên cứu và chữa bệnh. Như sắp xếp của số phận, ông thường được cho vào xem đủ loại phim trong Viện tư liệu phim ngay trước cửa nhà ông ở. Hễ rỗi chút ít hay có giờ nghỉ, ông lại lao vào phim ảnh. Thoạt đầu, Viện phim chỉ như một nơi ông lảng tránh những eo xèo của đời sống. Dần dà, chúng mở mắt cho ông nhiều, thức tỉnh trong ông không chỉ tình yêu điện ảnh mà cả văn hóa. Lòng nhân lớn lên mãi trong ông, mỗi ngày một khiến ông thấy giải phẫu học không phù hợp với mình. Ông hay tìm hiểu, không hẳn vì tò mò, nhiều địa phương nổi tiếng của trái đất. Thành phố New York của Hoa Kỳ được ca ngợi là một trong những điểm du lịch hấp dẫn thời bấy giờ. Văn hóa ở đấy cất cánh toàn diện. Mỹ thuật, điện ảnh, thi ca, ca nhạc, nhiếp ảnh,… đều hoạt động náo nhiệt. Đã thế, giá tour lại khá rẻ. Năm 1985, tốt nghiệp đại học rồi, ông xin phép gia đình du lịch sang New York. Thành phố có một trường điện ảnh. G.Rosi đã xin được vào học rồi thành tài. Từ đó, ông xa rời hẳn nghề y, sống lang bạt kỳ hồ, làm đủ việc để tồn tại, việc chính là dựng hình và trợ lý đạo diễn, nghiền ngẫm cho nghệ thuật thứ bảy. chờ thời cơ thể hiện cảm nhận và suy tư về cõi nhân gian thành tác phẩm cụ thể. Tự học hỏi và dày công thu nạp kiến thức về phim ảnh nói chung và phim tài liệu nói riêng, ông trở thành một chuyên gia điện ảnh đắt giá. Đó là duyên cớ để ông được mời giảng dạy ở nhiều nơi trên toàn cầu, để ông tóm được những đề tài người khác cho là vớ vẩn. Hẳn từ đầu, ông đã nhận thức được rằng giá trị thật sự chỉ có được khi không lặp lại của người khác hay của chính mình. Nét riêng không thể trộn lẫn của ông là những mảng hiện thực dị biệt.
Mỗi phim của ông là một sự kiện văn hóa và xã hội. Phim đầu tiên, Người lái đò, 1993, được giới thiệu và giành nhiều giải thưởng tại nhiều LHP quốc tế. Ấy là tín ngưỡng thật đáng bàn cãi của người Ấn Độ. Biết chuyện qua sách vở, G.Rosi đến Varanasi, trung tâm đạo Hinđu, trung tâm giảng dạy chữ phạn, trung tâm hành hương của tín đồ đạo Phật, ở bắc nước này, xin chính quyền cho phép quay một phim về sông Hằng, dòng sông linh thiêng nhất và được dân Ấn Độ sùng kính nhất, chủ yếu qua các nghi thức an táng người qua đời. Ba năm liên tục với tám lần lui tới nơi đó, ông chọn những góc nhìn thông minh nhất có thể, và qua lời kể và binh luận của một người chèo đò, nhân vật chính của phim, ghi lại những hình ảnh lạ lùng và thót tim. Người chết được thiêu xác trên giàn lửa, tro hài được vứt xuống sông Hằng, nơi mỗi người Ấn Độ đều đặn đến tắm để rửa sạch tâm hồn. Dân nghèo thì không thể làm thế, nên cứ đưa xác ra sông thả xuống. Vậy mới có cảnh, bên cạnh người lớn nghiêm trang cầu nguyện hay tắm rửa, trẻ em vui thích cười đùa, bơi tung tăng giữa xác người trôi nổi bập bềnh. Chuyện ô nhiễm môi trường, mai táng phản khoa học…, nhất là việc chỉnh đổi phong tục, người lái đò, và dĩ nhiên, dân trong vùng, không bao giờ nghĩ tới. Họ chỉ thấy đó là thánh thiện và hạnh phúc tuyệt kỳ. Ai dám khuyên nhủ họ?… Năm 2008, G.Rosi trình làng Dưới mực nước biển (113 phút), chuyện lạ về một cộng đồng bị xã hội khai trừ, sống vô cảm như những cái xác không hồn trên một vùng cằn cỗi như sa mạc vốn là một khu quân sự cũ, không điện không nước, bang California, Mỹ. Đây đó giữa mênh mông hoang tàn là những tốp người lê bước, dăm lán trại, mấy túp lều xác xơ, đôi chiếc xe bus rệu rã, một người cuốc bộ, vài quán nhạc… Họ không xưng tên, bởi tên gắn với những hình ảnh và cảm xúc gia đình và xã hội. Họ chỉ còn biệt hiệu hay biệt danh xóa sạch những thứ vừa nói. Họ từ nhiều góc bể chân trời đến đây, nhằm tìm kiếm sự thanh tĩnh tâm hồn mà xã hội từ chối cho họ. Họ hoàn toàn câm lặng. Song, chỉ cần vài tấm ảnh, một tiếng điện thoại di động, một lời đau khổ, họ có thể chạm cốc với nhau, hát hay đọc thơ cho nhau nghe. Và thường những thổ lộ không kìm giữ được nữa. Người thì mất con vì bị tai nạn giao thông. Kẻ thì vô gia cư, bỗng bát phố quá tự do, bị bắt giam oan ức. Nữ bác sĩ tan nát gia đình, sau cuộc li dị ê chề… Nhiều tiêu cực xã hội, đặc biệt là bạo hành đủ kiểu, khiến họ không chịu nổi, và buộc phải trốn chạy… Có điều, ở nghĩa địa văn minh, sự sống vẫn hồi sinh, từ những phút giây hiếm hoi… Từ năm 2010, Kẻ đâm thuê chém mướn – Phòng 164 của G.Rosi dậy sóng tại nhiều điểm chiếu phim tài liệu thế giới. Một kẻ giết người không ghê tay trùm khăn kín đầu, ngồi trong một phòng khác sạn, dùng bút chì và một cuốn vở, kể lại biết bao tội ác của hắn suốt từ lúc hắn mới lớn bị lôi vào hệ thống buôn lậu ma túy Mê hi cô. Dĩ nhiên không chỉ mình hắn, trong hai năm 2007 và 2008, đã cướp mạng sống của 36.000 người trong cuộc chiến giữa các băng đảng ma túy sừng sỏ. Những rồi hắn như gặp một sự thần khải, quyết từ bỏ tội ác, và bị những kẻ thuê mình trước kia truy sát, cái đầu của y được chúng treo giá 250.000 USD! Độc bài báo viết về y, G.Rosi tìm gặp nhà báo, rồi y, rồi tới hiện trường những vụ diệt chủng kinh hoàng. Và bộ phim kỳ lạ đã đi vào cuộc sống như một nhói đau chung chưa từng trải. Phim hầu như không có hình ảnh như thường thấy. Chỉ có những hình vẽ của người hoàn lương, kèm động tác và lời kể diễn lại vô số người bị bắt cóc, bị tra tấn hay hành hạ, bị giết man rợ… Vậy thôi, phim vẫn hấp dẫn không cưỡng lại được trong một giờ rưỡi. Chao ôi, sự song hành và móc ngoặc của hai hệ thống: ma túy và lạm quyền!
Đại lộ vòng quanh thành Rome (thường gọi trọng thị như một vị thánh là GRA) dài tới 70km. Lâu nay nó đồng nghĩa với rắc rối đường nối dân sinh, ùn tắc, lộn xộn và ồn ào. Không tin sự thế đến nỗi đó, họa sĩ phong cảnh kiêm nhà quy hoạch đô thị Italia Nicolo Bassetti đi bộ chừng 300km trong suốt 20 ngày trên GRA, vừa đi vừa dừng lại phác thảo những người đáng trọng nhất và những cảnh mỹ lệ gây sửng sốt. Đồng hương của ông, kiến trúc sư Ronato Nicollini làm một cuộc khảo sát GRA cẩn thận và khẳng định GRA rất đáng tham khảo cho các nhà hoạnh định chính sách. Từng đọc Hàng rào bao quanh của nhà văn Pháp Jean Rolin, đặc biệt thích thú Những thành phố thoát khỏi tầm nhìn của văn sĩ Italia Irano Calvino, G.Rosi quyết định dành cho GRA một tác phẩm của mình. Muốn thế, ông bỏ nửa năm trời tìm hiểu tại chỗ một cách cặn kẽ cảnh và người GRA. Lúc khởi đầu, ông được kiến trúc sư Ranoto Nicollini nhiệt tình giúp đỡ. Thấu hiểu mọi chuyện rồi, ông mới bắt tay vào quay phim. Trong một năm rưỡi một mình trên một chiếc xe bus nhỏ, lần hồi ghi hình trên GRA, ông liên tục nghiền ngẫm, và dàn dựng phim từng chút một. Có những nhân vật như nhà sinh vật học, gặp gỡ bao lần trong hai năm, mãi cuối phim ông mới thật hiểu và đưa vào phim. Phim không có chuyện, hay là vô vàn chuyện ngẫu nhiên biết được. Đó ví như một nhà quý tộc và con gái cảm thấy thoải mái thực sự khi nghỉ ngơi và trò chuyện trong một căn hộ ở rìa thành phố. Với không khí trong lành cả vật chất lẫn tinh thần, nơi này mới thực sự là thiên đường của họ. Một ông hoàng hiện đại sáng sáng lập thể dục trên mái lâu đài của mình. Lâu đài kiểu cổ như đột ngột mọc lên giữa những nhà cao tầng ở một cửa ô của GRA. Lâu đài đi thuê thôi, nhưng ông muốn nó là nơi giao lưu của mọi người như một câu lạc bộ đa năng thân tình và ấm cúng. Người bận bậc nhất GRA có lẽ là một người đàn ông không còn trẻ tự nguyện làm việc cứu thương với bộ đồng phục tinh tươm và chiếc xe bốn mùa. Anh tuần tiễu hết đêm này sang đêm khác trên GRA, vớt lên từ các cửa cống thoát nước những người vô gia cư chẳng may trượt xuống, có nạn nhân sắp chết, có nạn nhân đã lạnh cứng nhưng tim còn đập. Anh chở kịp thời tới bệnh viện những tay lái xe cao tốc vụng, chủ quan, để xe đâm phải tường bảo vệ. Anh phát hiện những người ngã gục vì bệnh tim, và sơ cứu ngay để họ không tử nạn… Ban ngày, anh lại chăm sóc mẹ già ốm yếu. Ấn tượng lạ lùng là một người bắt lươn trên dòng sông nhỏ dưới bóng GRA ồn ỹ. Ông điều khiển tuyệt khéo chiếc thuyền câu, thả và nhấc lưới như múa, không khác gì cha ông thuở trước. Ông trầm tĩnh lao động và yên nhiên với cuộc sống đạm bạc nhưng trong sạch và không có gì phải xấu hổ của mình. Cuộc chuyện trò của ông luôn vui vẻ, với giọng Rome đặc sệt, chen lẫn những cổ ngữ hiện hiếm nghe được. Chúng chan chứa triết lý sống bao dung và hướng thiện… Rồi, nhà sinh vật học vẻ điềm đạm và phúc hậu thật dễ mến dễ gần. Ông cần cù chăm lo cho những cây cọ mọc khá nhiều hai bên GRA những đoạn xuyên qua đồng bãi. Ông sử dụng những thiết bị siêu âm để phát hiện côn trùng hại cọ, rồi dùng một thiết bị diệt chúng. Công việc tỉ mẩn và có lẽ không bao giờ xong được, nhưng giúp cho biết bao cây cọ không bị mất mạng… 93 phút của Vành đai tôn nghiêm của thành phố ngàn đời còn nhiều chuyện nữa. Chẳng hạn sự đối nghịch điển hình giữa một trường học rệu rã căng đầy sức sống với thày trò náo nức học và dạy, và bên kia là một tòa nhà thờ choáng lộn mênh mông, nhưng chỉ có một linh mục đang đi lại như kẻ mộng du… Đôi chân dung những người đi ở ẩn hiện đại mới là thông điệp chủ đạo của nhà điện ảnh sống thực sự với nhân vật và cuộc đời của họ. Không tình cờ, hình ảnh nhà sinh vật vật học hiện lên ở cuối phim, với những chiêm nghiệm đáng kinh ngạc. Ông khám phá rằng lũ ký sinh mới đã làm thế nào đó, để cấu trúc cây cọ là hợp lý tột cùng với sự tồn tại và ăn bám của chúng trong thân cây. Rằng cây không thể tự mình đuổi được chúng. Vậy, con người phải làm việc này. Muốn vậy, con người phải có kiến thức, dũng khí, và quan trọng nhất là có lòng nhân thứ thiệt. Tấm lòng đó chỉ còn ở những người cùng khổ, thất cơ lỡ vận, ở ngoài rìa, những người ở GRA! Trả lời phỏng vấn, G.Rosi phát biểu đại thể: Nước Italia không khủng hoảng kinh tế. Nó khủng hoảng bản sắc dân tộc. Nó cần khởi đầu lại từ việc mỗi thành viên của nó hãy có gan bộc lộ bằng hành vi cụ thể lòng quý trọng và yêu thương đồng bào mình!…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014

Tác giả : Nguyễn Nhật Anh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *