Giá trị lịch sử – văn hóa đình làng vân chàng


1. Khái quát về đình làng Vân Chàng

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc ta, đình làng đóng một vai trò vô cùng quan trọng: là biểu tượng của tính cộng đồng, là trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa, trung tâm về mặt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Đình cũng là một trung tâm về mặt tình cảm, gắn bó mật thiết với đời sống người dân, để rồi cùng với cây đa, giếng nước, đình làng trở thành chốn hằng nhớ thương mỗi khi người ta xa quê. Cây đa, giếng nước, sân đình trở thành biểu tượng cho làng quê, là dấu hiệu quen thuộc đến mức hình ảnh làng quê hiện lên gần gũi với bao tình cảm chứa chan, đến cả tình yêu đôi lứa cũng được gửi gắm vào hình ảnh: Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu. Hay như câu ca dao: Hôm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen/Em được thì cho anh xin/Hay là em để làm tin trong nhà…

Bởi là một nét đặc trưng của làng quê Việt nên chỉ trừ một số ít những làng theoThiên Chúa giáo xuất hiện về sau này còn hầu hết các làng Việt cổ truyền đều có đình. Như nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ngọc đã nhận định: Đình là nơi thờ thành hoàng – vị thần bảo hộ cho dân làng, là trụ sở chính của thôn xã – đình còn là nơi hội họp của dân làng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, đồng thời nó được coi như bộ mặt văn hóa tín ngưỡng của mỗi làng quê. Vì thế người ta sẽ cảm thấy mình bé nhỏ đi và thấp kém hơn, thấy như mình có lỗi với tổ tông với thần thánh nếu như ngôi đình làng mình có gì thua kém với ngôi đình làng bên cạnh. Đây là lý do giải thích vì sao mặc dù ở các làng quê vẫn còn nghèo nàn nhưng họ vẫn góp tiền xây dựng ngôi đình của mình một cách đẹp đẽ, khang trang.

Nằm ở phía Đông Nam vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Nam Định là vùng đất mang đặc trưng và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ với các di sản văn hóa hữu thể và phi vật thể tồn tại ở khắp các địa phương. Trong số đó có di tích đình làng Vân Chàng, nơi lưu giữ những dấu tích của quá trình hình thành và phát triển nghề rèn, nơi kết tụ những giá trị văn hóa của làng quê thông qua tín ngưỡng thờ thành hoàng làng về lễ hội. Ngôi đình mang những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của người làng Vân Chàng nói riêng và người dân Nam Định nói chung về vùng đất giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống này.

Trải qua các mốc thay đổi địa danh hành chính, hiện nay đình làng Vân Chàng tọa lạc tại tổ dân phố số 16, thôn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đình là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với Lục vị tổ sư, những người đã có công lớn truyền dạy nghề rèn cho nhân dân. Đình làng tọa lạc trên vùng đất cao ráo, rộng 1480m2, mặt quay về hướng Nam, phía trước là trục đường liên thôn, xung quanh là khu dân cư. Trong khuôn viên đền có nhiều cây lưu niên và cây cảnh tạo không khí mát mẻ trong lành. Nhìn từ ngoài vào trong, đình gồm các thành phần kiến trúc: nghi môn, bình phong, hồ nước, sân, đền thờ 15 vị tổ dòng họ, công trình kiến trúc trung tâm và hai dãy dải vũ nội hai bên.

2. Vài nét về giá trị lịch sử – văn hóa của đình làng Vân Chàng

Đình làng Vân Chàng phản ánh lịch sử làng xã

Theo lời kể của các vị cao niên, tương truyền dưới triều vua Trần Nhân Tông (1279 – 1293), có sáu người thợ rèn giỏi tên là: Phạm Nguyệt, Tử Cung, Tử Hầu, Nguyễn Nga, Nguyễn Thận và Đỗ Bào quê ở làng Hoa Chàng (nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) chuyên gánh lò bễ đi khắp nơi để rèn nông cụ. Khi tới vùng đất Tây Chân, thấy phong cảnh hữu tình, đồng ruộng bao la bát ngát mà hoang vu, dân cư thưa thớt nên đã dừng chân và mộ dân lập ấp, lấy tên làng cũ của mình mà đặt cho vùng đất mới là làng Hoa Chàng (nay là làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang). Tại đây, Lục vị tổ nghề đã cùng 15 vị tổ thuộc các dòng họ Đoàn, Trần, Vũ, Nguyễn, Đỗ, Ngô… chiêu dân lập làng, khai phá ruộng hoang, khơi thông sông ngòi, chia khu đặt xóm. Dần dần xóm làng ngày càng đông đúc, đất đai phì nhiêu, đời sống người dân trở nên sung túc hơn. Ở lại cùng nhân dân, 6 vị tổ nghề đã đem công nghệ rèn của mình mà truyền lại cho người dân để họ sản xuất các nông cụ phục vụ sản xuất. Sau một thời gian truyền nghề, dân làng ai nấy đều thành thạo, rèn giỏi.Lúc ấy, Lục vị tổ nghề trở về quê cũ. Người dân Vân Chàng cảm công đức mà xây đình thờ tự, tôn 6 vị tổ nghề làm Thành Hoàng và mở hội tế lễ vào ngày 15-11 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ.

Như vậy, có thể thấy, trên bước đường khẩn hoang, dựng làng xã, câu chuyện về 6 vị tổ nghề rèn làng Vân Chàng đã phản ánh quá trình hình thành và phát triển làng xã. Hình thành làng mới, họ dựng cho mình những ngôi đình để vừa thờ cúng thần linh che chở cho cuộc sống của họ, vừa làm chốn sinh hoạt văn hóa tâm linh chung của cộng đồng. Đình làng Vân Chàng được xây dựng đã khẳng định sự định cư của người dân và phản ánh đời sống ổn định qua thời gian. Sự thăng trầm của ngôi đình với các lần trùng tu, mở rộng… cũng phần nào phản ánh lịch sử kinh tế của làng xã.

Ngôi đình Vân Chàng còn là chứng tích cho những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân địa phương, góp phần không nhỏ vào những chiến công huy hoàng của nhân dân địa phương, làm rạng rỡ lịch sử cách mạng của vùng đất Nam Định giàu truyền thống.

Trong những ngày đầu của kháng chiến chống Pháp, ngôi đình trở thành một trong những địa điểm được chọn làm nơi mở lớp học dạy chữ cho con em địa phương trong phong trào Bình dân học vụ. Khi giặc Pháp mở rộng phạm vi và mức độ càn quét, đình trở thành căn cứ hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng, là nơi sản xuất và cất giấu vũ khí phục vụ kháng chiến, là điểm tập luyện của dân quân địa phương. Thợ rèn Vân Chàng cũng tham gia kháng chiến bằng cách đem tay nghề của mình giúp nước, cứu dân. Họ đã rèn hàng vạn gươm giáo, mã tấu, kiếm, dao găm, hàng chục tấn nhu yếu phẩm phục vụ cho quân đội.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), làng Vân Chàng một lần nữa lại đóng góp sức người sức của phục vụ cách mạng. Đình làng Vân Chàng chứng kiến từng lớp lớp thanh niên – những người con ưu tú của quê hương lên đường tòng quân bảo vệ miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam. Đình làng cũng được trưng dụng làm nơi sơ tán của Bưu điện huyện, Công an huyện, Huyện ủy và UBND huyện trong giai đoạn 1970 – 1974.

Trong thời bình, đình làng trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng của nhân dân, là nơi các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền tới người dân. Đình làng Vân Chàng với trung tâm là đình thành hoàng làng trở thành chốn linh thiêng, cố kết người dân làng, hướng nhân dân tới các giá trị tốt đẹp, góp phần dựng xây quê hương đất nước giàu đẹp, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa.

Giá trị lịch sử – văn hóa phản ánh qua các hiện vật hữu thể

Diện mạo kiến trúc đình làng Vân Chàng phản ánh tư duy mỹ thuật và phong cách kiến trúc của TK XVIII – XIX (thời Hậu Lê và thời Nguyễn). Đình cũng đã trải qua các đợt trùng tu lớn vào năm 1993 và 2010. Đến nay, đình làng Vân Chàng đã rộng lớn, khang trang, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương.

6 đạo sắc phong được ban tặng dưới triều vua Khải Định (2924) còn lưu giữ tại đình có giá trị tư liệu quý giá. Nội dung sắc phong không chỉ cung cấp thông tin về mỹ hiệu, công trạng của những vị thần được thờ mà qua đó còn cho những thông tin lịch sử quý giá về sự thay đổi địa danh hành chính qua từng thời kỳ.

Tại đình làng Vân Chàng hiện cũng còn lưu giữ được 5 cổ vật từ thời Lê, được chính những tiền bối trong làng chế tạo, gồm: một bộ ống bễ lò rèn bằng gỗ, hai ống pháo lệnh, một dao bản, một ngọn đòng uốn cong có mũi nhọn. Những hiện vật này được chế tạo bằng phương pháp rèn cổ (phương pháp ẩu sắt, tận dụng những vụn sắt được nung chín gá vào nhau dưới tay búa tài hoa của những người thợ để tạo hình đồ vật) chỉ có ở làng rèn Vân Chàng. Nó phản ảnh không chỉ dấu ấn lịch sử mà còn cho thấy tài hoa của người thợ làng rèn.

Giá trị văn hóa kết đọng trong tín ngưỡng thờ thành hoàng làng

Thành hoàng là vị thánh của làng, là người bảo trợ cho dân làng nên được người dân thờ phụng để tưởng nhớ công lao. Đình làng Vân Chàng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian, đặc biệt là lễ hội làng – ngày lễ tưởng niệm Lục vị tổ sư, những người đã có công tạo dựng nghề rèn tại nơi này, để ngày nay con cháu còn được hưởng ơn đức. Các vị thành hoàng là lực hút, tạo nên tinh thần cố kết cộng đồng; là nơi dân làng Vân Chàng gửi gắm khát vọng, niềm tin và hỗ trợ về mặt tinh thần để họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Lễ hội làng Vân Chàng diễn ra từ 13 đến 16 âm lịch hàng năm, là một sinh hoạt dân gian tổng hợp, là ngày mà các trò diễn, các nghi lễ dân gian được dịp thăng hoa, tạo ra sự cộng cảm, cộng mệnh của người dân làng, để mỗi người con của làng rèn cảm thấy có sự gắn bó chặt chẽ với cộng đồng, với quê hương, từ đó như thấy mình được hòa vào đời sống cộng đồng và cần làm gì đó để đóng góp cho quê hương, đất nước.

Trong những ngày hội làng Vân Chàng, các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người dân có dịp được tỏ bày, được thăng hoa.Cũng từ lễ hội này mà các giá trị văn hóa đặc trưng gắn với nghề rèn của người làng Vân Chàng được bảo tồn và phát huy.

3. Kết luận

Đình làng mang trong mình tổng hòa các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam, là nơi trình diễn các sinh hoạt văn hóa đặc trưng, tư duy thẩm mỹ của người dân làng, các ước vọng tín ngưỡng và cũng là một bảo tàng lưu giữ nhiều nét văn hóa phí vật thể như lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán, lề thói, nghệ thuật dân gian kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian…

Với đình làng Vân Chàng, trải qua thăng trầm lịch sử, ngôi đình đã gắn bó mật thiết với người dân, là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm; nơi người dân hướng về cội nguồn với triết lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đây cũng là nơi mà người làng Vân Chàng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng mình.

Hơn 700 năm đã trôi qua, làng Vân Chàng ngày nay trở thành một làng quê giàu đẹp. Thành quả ngày hôm nay bắt nguồn từ công truyền nghề của Lục vị tổ sư trong những năm cuối TK XVIII – XIX. Bởi vậy, người dân làng Vân Chàng, dù có như thế nào chăng nữa, họ vẫn luôn hướng về quê hương, hướng về đình làng, hướng về các vị thánh của làng với một tâm nguyện luôn ghi nhớ và tri ân công lao của những vị tổ nghề và luôn tâm niệm góp công sức và trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng đẹp giàu.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018

Tác giả : ĐOÀN MINH CHÂU

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *