Đông nam á, quê hương thứ hai của sử thi ramayana


Quê hương của Ramayana là Ấn Độ huyền bí, nhưng mảnh đất Đông Nam Á tươi đẹp lại là nơi lưu dấu bước chân của người anh hùng Rama. Giọt lệ xót thương cho tình sử bi ai giữa Rama và Sita vẫn nhỏ trên vùng đất Đông Nam Á, mỗi khi con người nghe kể lại bản tình ca này. Đối với người dân Đông Nam Á, Ramayana từ xưa đến nay vẫn là suối nguồn của đời sống tinh thần, là sự hồi sinh của những yêu thương, một không gian bình yên ngập tràn âm điệu du dương quyến rũ. Sử thi Ramayana lan truyền sang Đông Nam Á, trở thành máu thịt, thành linh hồn của cư dân Đông Nam Á, được yêu quý, trân trọng như một sáng tạo văn hóa của dân tộc mình.

1. Ramayana được lan truyền qua không gian thương mại

Khát vọng khám phá, chinh phục xứ sở của hương liệu đã đưa các thương gia Ấn Độ đặt chân lên vùng đất Đông Nam Á. Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Ấn Độ, Đông Nam Á chính là cuộc tiếp xúc thương mại. Quá trình tiếp xúc này ngày càng được mở rộng, phát triển đến một mức độ nhất định dần chuyển thành tiếp xúc văn hóa. Đó là khi các thương điếm của người Ấn Độ đặt tại Đông Nam Á ra đời. Trong cuộc giao lưu, sự xuất hiện các thương điếm có vai trò quan trọng, là dấu ấn văn hóa trong lịch sử Ấn Độ và Đông Nam Á. Các thương điếm được hình thành không có nghĩa chỉ là không gian trú chân tạm thời mà còn là không gian trao đổi, giao tiếp và sinh sống. Người Ấn Độ đã mang theo cả ba lô văn hóa của Ấn Độ huyền bí đến đây, tạo dựng nên một tiểu Ấn Độ mới trên mảnh đất Đông Nam Á. Lâu dần, không chỉ bén duyên với đất, các thương gia Ấn Độ còn bén duyên với người. Các cuộc hôn nhân giữa người Ấn Độ và dân bản địa càng làm cho văn hóa Ấn Độ lan tỏa sâu rộng vào đời sống tinh thần của cư dân Đông Nam Á. Anh hùng ca Ramayana đã theo không gian thương mại đến với cư dân Đông Nam Á. Đây cũng là lý do Đông Nam Á tiếp nhận Ramayana đầu tiên chứ không phải một quốc gia nào của phương Tây.

Ramayana vượt đường biển sang Đông Nam Á tạo nên một cuộc hôn phối văn hóa giữa sử thi Ramayana với thần thoại, truyền thuyết dân gian, với tín ngưỡng cổ xưa và quan niệm thẩm mỹ của người dân Đông Nam Á. Đó là cuộc kết duyên tự nguyện trên tinh thần cộng sinh và những sinh thể văn hóa mới ra đời, tái tạo, lưu giữ lại tinh thần Ấn Độ bằng hơi thở của tinh thần văn hóa bản địa. Chúng ta có Sri Rama của Inđônêsia, Riêm Kê của Campuchia, Pha Lắc Pha Lam, Xin xay của Lào, Rama Kiên của Thái Lan, Rama của Myanmar, Alim của Philippin, Dạ Thoa Vương của Việt Nam… Những sinh thể văn hóa này, nói theo thói thường là những đứa con lai nhưng người dân Đông Nam Á lại rất yêu quý vì nó phản chiếu bóng dáng, hình hài của dân tộc mình, đồng điệu với tâm linh của các dân tộc Đông Nam Á. Cứ thế, năm tháng trôi đi, lớp bụi thời gian đã phủ mờ mọi vật nhưng chiến công của chàng Rama thì vẫn còn đó, sừng sững hiện hình trên mảnh đất Đông Nam Á. Bản thân Ramayana là một sử thi dân gian. Khi đến Đông Nam Á, bắt gặp ngay đời sống dân gian vô cùng phong phú khiến nó không ngừng được phát sinh, phát triển rộng khắp. Ramayana cứ thế được truyền tụng, thấm đẫm vào tâm hồn người dân bản xứ. Tuy vậy, việc định cư lâu dài của sử thi Ramayana ở Đông Nam Á không đơn giản chỉ cắt nghĩa bằng lý do địa lý, thương mại. Ramayana vẫn có thể đến Đông Nam Á và trở về quê hương mà không chinh phục được một người dân bản địa nào nếu không mang trong mình sức hấp dẫn nghệ thuật và tư tưởng.

2. Ramayana đan gài các môtip truyện kể dân gian

Ramayana tự nó đã diễn ra một quá trình vận động, một cuộc di chuyển văn hóa vào đời sống tinh thần của cư dân Đông Nam Á mà không cần bất cứ sự cưỡng ép nào. Sử thi Ramayana hấp dẫn người nghe ở lối kể chuyện bằng các môtip dân gian, là sự sắp xếp khéo léo, đan lồng một cách nghệ thuật các môtip đó, để tạo nên bức tranh hoành tráng về một thời đại vừa anh hùng, vừa thần thánh của người cổ xưa. Bởi vậy, ngay khi sử thi Ramayana đặt chân đến Đông Nam Á, cư dân bản địa đã tiếp đón theo kiểu người lạ mà quen biết. Ở Ramayana người ta gặp lại cái quen thuộc, gần gũi trong những môtip kể truyện dân gian, từng có mặt trong đời sống.

Trục chính trong cấu trúc của sử thi Ramayana là môtip: dũng sĩ – người đẹp – con quỷ. Môtip này vừa quen thuộc, vừa hấp dẫn đối với bất cứ truyện kể nào. Dũng sĩ gợi đến sự can đảm, sức mạnh, lòng quả cảm. Người đẹp gợi đến giai nhân, sự yếu đuối cần được che chở và cũng là phần thưởng giành cho sự dũng cảm. Con quỷ gợi nhắc đến cái ác, cái khó khăn, do đó, gắn liền với những hình ảnh của thử thách. Nếu dũng sĩ tạo ra cái anh hùng thì giai nhân tạo ra cái trữ tình, lãng mạn. Còn con quỷ tạo ra cái khắc nghiệt, dữ dội. Bộ ba đó không thể thiếu nhau mỗi lần xuất hiện. Không có quỷ thì không sinh ra anh hùng. Không có giai nhân thì không có cuộc chiến đấu của người dũng sĩ. Sự xuất hiện này góp phần xây dựng nên một triết lý cuộc sống: con người muốn chiếm lĩnh được cái đẹp của cuộc sống thì phải chiến thắng khó khăn, thử thách.

Chúng ta không thể không nhắc đến tam vị nhất thể của thần thoại Ấn Độ. Bởi trong môtip dũng sĩ – người đẹp – con quỷ phảng phất quá trình vận động của sự sống mang màu sắc tôn giáo: sáng tạo – bảo vệ – hủy diệt. Không có sự sống nào mà không tiến tới hủy diệt, do có hủy diệt mà sự sống mới tạo ra và trưởng thành. Môtip Rama – Sita – Ravana trong sử thi Ramayana cũng phản ánh sự kỳ diệu của nhịp cuộc sống đó.

Người anh hùng Rama là nhân vật duy nhất xuất hiện với tư cách là chủ thể của mọi hành động: thử thách tình yêu (bắn cung), chấp nhận tai họa (đi đày ở rừng, chiến đấu với Ravana),  thủ tiêu tai họa (giết Ravana, trở về). Ở Rama có sức mạnh hủy diệt và sức mạnh sáng tạo. Thủ tiêu tai họa (giết Ravana) chính là kết thúc một sự vận hành của cái xấu, cái ác để khai sinh một sự vận hành của cái tốt, cái thiện, cái trong lành.

3. Các nhân vật của Ramayana, những biểu tượng về con người cổ xưa

Các nhân vật chính đại diện cho lý tưởng của con người: Rama, Sita, Laksamana, Hanuman là những nhân vật của thế giới thiện, đối lập với Ravana, Vali, những nhân vật thuộc thế giới của cái ác. Rama là ước mơ của người xưa về một vị minh quân. Dưới góc độ con người, người anh hùng Rama hơn người thường ở chỗ: hóa thân thứ bảy của thần Visnu. Dưới góc độ là thần, Rama khác thần ở chất người của mình. Rama được coi là tiêu biểu cho việc tuân theo và thực hành Dharma. Vì thế, chàng là kiểu mẫu lý tưởng mà người dân mong đợi. Ở Rama, người ta tìm thấy cuộc đấu tranh giữa chất thần và chất người trong một con người. Người anh hùng Rama cũng ghen tuông, giận dữ. Cái ghen của Rama là sự thắng thế của chất người trong cuộc tranh giành vị trí với chất thần thánh. Sự tuân theo Dharma của Rama khiến ta liên tưởng đến con người Nho giáo Trung Hoa với người quân tử đề cao trung, hiếu, lễ, nghĩa… Tất cả đều làm cho người dân Đông Nam Á say mê, ngưỡng mộ các nhân vật thiện, đặc biệt là người anh hùng Rama và Sita.

4. Yếu tố thần kỳ, huyền thoại và sự kết hợp giữa triết lý tôn giáo với triết lý tình thương

Những yếu tố thần kỳ trong Ramayana chính là nghệ thuật lôi cuốn, hấp dẫn người nghe. Chỉ có sự tham gia của các yếu tố thần kỳ mới thực hiện được việc cải hóa cái ác, cái xấu, thực hiện khát vọng tiêu diệt cái ác, cái xấu. Người dân Đông Nam Á gặp lại trong Ramayana tinh thần chiến đấu với cái ác bằng sức mạnh huyền thoại đã từng xuất hiện trong các truyện kể dân gian của mình. Vì thế nó cũng hấp dẫn lôi cuốn cư dân Đông Nam Á trong việc thỏa mãn ước mơ về một xã hội lý tưởng.

Tôn giáo vốn luôn là chỗ dựa tinh thần, niềm an ủi cuối cùng mà con người tìm đến. Trong Ramayana, tôn giáo xuất hiện như một phông nền mà mọi sự kiện, hình ảnh, số phận con người đều diễn ra trên nền phông đó. Tôn giáo được đan gài khéo léo với lòng thương yêu con người. Điều này đã tạo cho Ramayana một sự điều hòa tuyệt vời giữa đạo với đời, giữa niềm khát khao đi tìm cái tuyệt đối, cái vĩnh hằng của vũ trụ với sự đam mê, gìn giữ, bảo vệ đến cùng cuộc sống hiện sinh, giữa con người của Dharma và con người của khát vọng trần tục.

Trong Ramayana, mọi cái của hiện tại có thể được giải thích bằng quá khứ, nhân nào thì quả ấy. Đây là triết lý về định mệnh (Karma) trong Ramayana. Cả Rama, Sita, Ravana đều mang trong mình một định mệnh có sẵn. Con người dù mang chất thần cũng không thể chối bỏ được định mệnh. Tuân theo định mệnh là một thái độ phù hợp với quy luật của Brahma. Trong Ramayana, có nhiều lớp định mệnh liên quan đến nhân vật. Chẳng hạn sự lưu đày của Rama, số phận của Sita, thân thế quỷ vương Ravana đều không tự nhiên diễn ra. Quá trình tiếp diễn, tuân theo định mệnh phù hợp với quan niệm cổ xưa của người Ấn Độ về sự vận động của vũ trụ. Vũ trụ vận động như một vòng tuần hoàn của sinh và tử, lặp đi lặp lại, cái sau do cái trước mà thành. Sử thi Ramayana đã thỏa mãn khát vọng giải hóa, tìm hiểu về chính mình của con người. Do đó, nó hấp dẫn, lôi cuốn lòng người.

Cảm hứng chủ đạo khi nói về con người trong sử thi này là cảm hứng thương cảm. Con người và số phận là tư tưởng chủ đạo, tinh thần của sử thi. Dù núp dưới bóng của một vị thần hay một con quỷ thì Rama, Ravana, Sita vẫn là sự hiện hữu của một con người trong giới hạn của đam mê, dục vọng trần thế. Không khí nhân văn này là nguyên cớ khiến Ramayana lan rộng, hấp dẫn cư dân Đông Nam Á.

5. Cái bi của thiên tình sử lãng mạn

Tình sử giữa Rama – Sita rất đẹp nhưng buồn. Cái đẹp được cắt nghĩa ở sự toàn vẹn trong phẩm hạnh, tài đức của nhân vật, ở sự trong sáng, không vụ lợi trong tình cảm con người. Nếu vi phạm một trong ba điều này thì xuất hiện cái buồn. Sita bị Rama nghi ngờ phẩm hạnh, ấy là buồn. Vì bổn phận Rama không bảo vệ được tình yêu của mình, ấy là buồn. Do ghen tuông quá đỗi, tình cảm của Rama dành cho Sita không còn trong sáng như lúc đầu, ấy là buồn. Từ cái buồn này, tất yếu tạo nên không khí bi ai cho tác phẩm. Xét đến cùng cái bi trong tình sử Rama – Sita do mâu thuẫn giữa một bên là việc tuân thủ Dharma với một bên là những say mê trần thế mà tạo thành. Con người bổn phận và con người trần tục, tự do luôn tìm cách điều hòa lẫn nhau, khi không thể tự điều hòa được thì cái bi xuất hiện.

Tình sử ở Ramayana, khi sang Đông Nam Á, được đón nhận nồng nhiệt, được lưu giữ trong lòng người chính là ở cái bi này. Đồng cảm với nỗi buồn, sự đau khổ bao giờ cũng nhiệt thành, lớn lao hơn là sự chia sẻ với niềm vui, hạnh phúc là tâm lý của người dân Đông Nam Á. Cái bi quen thuộc với họ hơn là cái vui, cái hạnh phúc. Vì thế, khi tới Đông Nam Á, Ramayana được người dân mở lòng ra đón nhận như một người bạn cố tri. Chia sẻ với cái bi, Ramayana đã chinh phục được mọi trái tim của cư dân Đông Nam Á, để biến Đông Nam Á thành tổ quốc thứ hai của sử thi, của người anh hùng Rama.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : ĐỨC NINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *