Di tích lầu phù dung và bài thơ phù dung lâu tống tân tiệm

Một thi phẩm đôi khi có thể đưa cả một kiến trúc đi vào lịch sử. Sự kết hợp giữa thi ca với dấu xưa tích cũ và non sông cũng có thể là phần quan trọng kiến tạo nên lịch sử. Đó chính là câu chuyện văn chương điểm tô cho sông núi và sông núi cũng ghi dấu văn chương. Xuất phát từ góc nhìn liên văn hóa, bài viết giới thiệu giai tác Đường thi Phù Dung Lâu tống Tân Tiệm của Vương Xương Linh trong liên hệ với di tích lịch sử nổi tiếng lầu Phù Dung của Trung Quốc.


Trung Quốc hiện có hai di tích lịch sử đều có tên gọi Phù Dung Lâu, một ở Trấn Giang, tỉnh Giang Tô; một ở Hồng Giang, tỉnh Hồ Nam. Phù Dung Lâu ở Giang Tô nguyên được xây dựng trên núi Nguyệt Hoa. Tòa lầu do Vương Cống, một viên quan Thứ sử đời Tấn khởi dựng. Sử chép đời Đường, lầu này vẫn còn nguyên vẹn, được xây mới và mở rộng vào thời hiện đại. Nhà thủy tạ Băng Tâm và đình Cúc Nguyệt bên hồ đều là những kiến trúc mới. Biển đề ba chữ Phù Dung Lâu, trên tầng hai ngôi lầu cũng là chữ mới đề của cựu tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc – Giang Trạch Dân.

Chưa biết đích xác Vương Xương Linh tiễn Tân Tiệm quay về Đông Đô, Lạc Dương tại lầu Phù Dung nào. Trong lúc chờ có câu trả lời sau cuộc khảo cứu, cả hai ngôi lầu vẫn không ngừng chia sẻ niềm vinh quang đến từ bài tứ tuyệt bất hủ của Vương Xương Linh suốt hơn nghìn năm nay:

Phiên âm: Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô,

Bình minh tống khách Sở sơn cô.

Lạc Dương thân hữu như tương vấn,

Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.

Dịch nghĩa:

Trên sông mưa lạnh giăng kín trời, khách vào đất Ngô (1) khi đã đêm,

Sáng mai tiễn khách về, trơ trọi lại núi non nước Sở (2).

Bạn bè ở đô thành Lạc Dương nếu có hỏi thăm đến tôi,

Hãy nói tôi ở đây vẫn một tấm lòng như mảnh băng trong bình ngọc (3).

Dịch thơ:

Mưa lạnh mù trời đêm đến Ngô,

Sáng mai tiễn khách lại đơn cô.

Kinh thành bạn cũ ai mà hỏi,

Một tấm băng tâm chẳng phai mờ.

                         (Đoàn Lê Giang dịch)

Có học giả cho rằng, bài tống biệt này được viết vào khoảng thời gian Vương Xương Linh được bổ về làm Giang Ninh Thừa (Giang Ninh tức Nam Kinh ngày nay) sau một dạo bị giáng chức xuống Lĩnh Nam. Một số nhà nghiên cứu cho rằng thi nhân tiễn Tân Tiệm từ Giang Ninh lên đến Trấn Giang, rồi chia tay bạn ở lầu Phù Dung bên bờ Trường Giang. Đường tài tử truyện cũng như Hà Nhạc anh linh tập chép chuyện Vương cuối đời không chú trọng lễ tiết nên có nhiều điều tiếng. Kết quả hai lần ông bị giáng chức làm quan miền biên viễn. Với khẩu khí trong bài thơ, nhắn với bạn bè ở Kinh Đô rằng mình vẫn một lòng thanh cao “như mảnh băng trong bình ngọc”, có thể đoán Vương làm bài thơ này khi bị giáng chức xuống làm quan ở Long Tiêu, chứ không thể là lúc được gọi về làm quan ở Giang Ninh, nơi đô hội phồn hoa. Căn cứ vào các chi tiết miêu tả trong bài thơ cùng tư liệu tiểu sử thi nhân, phần lớn đều thiên về ý kiến lầu Phù Dung ở Hồ Nam mới đúng là nơi thi nhân Thịnh Đường Vương Xương Linh tiễn bạn rời núi Sở, sông Ngô quay về Lạc Dương một sáng xuân xưa.

Lầu Phù Dung ở Hồ Nam nằm bên bờ sông Vũ Thủy, đoạn chảy qua Kiềm Giang trấn, thành phố Hồng Giang, vùng đất gặp nhau của hai con sông lớn. Lầu kề sông liền rừng, được xem là “Sở Nam thượng du đệ nhất thắng tích” (di tích, danh thắng đệ nhất của miền Sở Nam). Đây cũng là một trong bốn ngôi lầu nổi tiếng của miền Giang Nam. Tương truyền, Vương Xương Linh sau khi bị giáng chức làm Long Tiêu Úy đã cho dựng Phù Dung Lâu thành nơi thưởng nguyệt vịnh thơ, đón tiễn bạn bè qua lại. Trải qua bao xuân thu, người đi, lầu trở nên hoang phế dần. Các đợt trùng tu lầu chính, xây cất tôn tạo thêm các công trình khác đã làm thành một quần thể thắng cảnh với chủ đề văn hóa, lịch sử mà chúng tôi tạm khái quát là: “Nhắn tiễn bạn bên lầu Phù Dung”, chủ yếu được thực hiện trong triều đại nhà Thanh suốt từ đời Càn Long, qua đời Đạo Quang (ghi lại trong Đại Thanh nhất thống chí), cho đến tận thời dân quốc. Năm thứ 4 niên hiệu Càn Long (1775), tri huyện Kiềm Dương – Diệp Sở Lân khởi sự dựng lại ngôi lầu Phù Dung lưu danh cả ngàn năm chỉ nhờ một bài thơ 28 chữ. Sau đó, các đợt tôn tạo tiếp theo phần nhiều đều được khởi xướng bởi các đời tri huyện huyện Kiềm Dương sở tại. Đương nhiên, cũng phải kể đến công việc tôn tạo nằm trong quy hoạch hồ sơ di tích thắng cảnh phục vụ du lịch của Trung Quốc thời mở cửa.

Di tích lầu Phù Dung ở Hồ Nam được mở rộng lên đến quy mô hoàn chỉnh nhất, vật chất hóa các ý cảnh trong bài thơ của Vương Xương Linh một cách rõ ràng nhất với sự kết hợp kiến trúc, thơ ca, truyền thuyết, lịch sử, văn tự, điêu khắc vào một chỉnh thể ký ức văn hóa, chính là nhờ đợt trùng tu của cha con tri huyện Long Quang Điện, năm 1839. Diện mạo hiện tại của di tích này vẫn giữ nguyên các nét kiến trúc của đợt trùng tu ấy. Long Quang Điện cùng con là trạng nguyên Long Khởi Thụy và giáo dụ Hoàng Bản Ký đã xây thêm hành lang phía nam lầu Phù Dung. Hoàng Bản Kí sưu tập các tác phẩm thư pháp danh tiếng khắc tạc lên bia và các bức vách bài trí cho hành lang. Tại đây, khách tham quan có thể thưởng thức hơn 80 bức khắc đá thơ phú nhiều đời cùng bút tích của các văn nhân danh tiếng như: Hoàng Đình Kiên, Nghiêm Chân Khanh (đời Đường), Nhạc Phi, Mễ Phất (đời Tống)… Ở hành lang, còn có bản khắc Vương Thiếu Bá hoạn Sở thi, một biên tuyển nhỏ gồm 29 bài thơ Vương Xương Linh viết trong thời kỳ làm quan ở Long Tiêu (thuộc đất Sở, tức Kiềm Dương đời Thanh) mà các tác giả của cuộc trùng tu lầu Phù Dung đã biên tập từ tổng tập thi ca nổi tiếng Toàn Đường thi. Cũng chính Long Quang Điện là người viết lời bạt cho tập biên tuyển thơ Vương Xương Linh. Tất cả đều được khắc lên đá, trình bày trong hành lang ngôi lầu. Hai năm sau (1841), Long Khởi Thụy khi đó đã là Bố chính sử Giang Tây lại trình bày 7 chữ “nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” (câu cuối trong bài thơ của Vương Xương Linh) thành một tác phẩm điêu khắc đá đặt giữa ngôi đình, bên cạnh ao lớn sau lầu Phù Dung. Rời xa ngôi lầu chính nhằm hướng bắc là đến bãi Mai Hoa Thạch gần sông. Trên bãi đá vân hoa mai có dựng một ngôi đình tiễn khách. Lối nhỏ dẫn từ ngôi đình tiễn khách Tống Khách Đình nép mình dưới cổ thụ, xuyên qua hoa cỏ xuống bến thuyền bên sông Vũ Thủy. Sông rộng nhưng không làm nhạt đi hương của rừng bưởi đối ngạn theo gió xuân thổi sang. Có lẽ, đây là chỗ cuối phải dừng bước trong cuộc đưa chân người bạn thân Tân Tiệm mà Vương Xương Linh miêu tả trong một bài thơ có nhan đề Biệt Tân Tiệm:

Phiên âm: Biệt quán tiêu điều phong vũ hàn,

Biến chu nguyệt sắc độ giang khan.

Tửu hàm bất thức Quan Tây đạo,

Khước vọng xuân giang vân thượng tàn.

Dịch thơ: Giã bạn mưa phùn quán xác xơ,

Ngoài kia thuyền mỏng dưới trăng mờ.

Rượu say chẳng nhớ đường đi khó,

Thầm ước sông xuân chẳng ngớt mưa.

                             (Đoàn Lê Giang dịch)

Toàn bộ quần thể thắng cảnh lầu Phù Dung nằm giữa bốn bề rừng trúc. Lên lầu, du khách có thể dõi tầm nhìn tới trùng điệp núi non, thấy sông lớn từ phía bắc chảy xuống lượn vòng quanh lầu. Lầu ở cạnh sông, gác hai có hiên ngắm cảnh xa. Trên lầu chính treo đôi câu đối: “Lâu thượng đề thi, thạch bích thượng lưu danh sĩ tích; Giang đầu tống khách, băng xác như kiến cố nhân tâm” (Trên lầu đề thơ, vách đá còn lưu tích danh sĩ; Bến sông tiễn khách, mảnh băng như thấy lòng cố nhân). Ao lớn sau hồ có tên Phù Dung Trì. Sau ao là Bán Nguyệt Đình, một bên là Sủng Thúy Lâu vươn lên trên tán xanh của cây vườn, một bên là Ngọc Hồ Đình thấp thoáng dưới bóng cây ngô đồng cổ thụ.

Trung Hoa dân quốc năm thứ 14, Trương Kỳ Hùng, huyện trưởng Kiềm Dương lại cho duy tu di tích. Viên huyện trưởng sau đó đã đem di tích này vào trong văn xuôi với bài Phù Dung Lâu Ký. Sang thời Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Phù Dung Lâu được đưa vào quy hoạch di tích văn hóa hàng đầu của tỉnh Hồ Nam. Đến thời cải cách mở cửa, di tích lại được duy tu mở rộng hơn nữa, hiện đã trở thành điểm du lịch cấp quốc gia. Trung Quốc thời đổi mới đã tô điểm cho di tích thêm gian triển lãm các tác phẩm điêu khắc gốc cây mở trên góc vườn phía tây khuôn viên lầu Phù Dung và một quả chuông sắt lớn nhất Giang Nam, niên đại Thanh Đạo Quang thập tam niên (1833). Trung tâm của nhà trưng bày là trọn bộ gốc cây long não nghìn năm tuổi đường kính gần 2m, nặng gần 1 tấn, khắc hàng chục truyền thuyết, điển cố lịch sử Trung Hoa. Trên gốc cây còn khắc tạc hơn một trăm nhân vật lịch sử cùng hình ảnh các loài. Chính thức từ năm 1985, Trung Quốc đã mở cửa quần thể di tích này để đón khách du lịch trong và ngoài nước. Ngôi lầu đã trở thành nơi đón tiễn hàng ngàn du khách quanh năm.

Hàng thế kỷ đã trôi qua, thi phẩm của nhà thơ Thịnh Đường đã góp phần quan trọng tạo nên nét đẹp trường tồn của di tích Phù Dung lâu. Chính ngôi lầu Phù Dung đã giữ vai trò không nhỏ ghi dấu ấn văn chương, để những vần thơ của thi nhân xưa sống mãi cùng nhân thế. “Thanh thủy xuất phù dung” (4), những tâm hồn trong trẻo “như phiến băng trong bình ngọc” đã và sẽ mãi là nơi soi bóng cho những đóa phù dung diễm lệ của thi ca.

______________

1. Thời Tam Quốc, miền hạ lưu Trường Giang thuộc Ngô Quốc. Về sau, sử sách hay gọi vùng này là Ngô.

2. Sở Quốc thời Xuân Thu thuộc miền đất trung – hạ lưu Trường Giang. Sử thường gọi “núi Sở sông Ngô” để chỉ chung một giải trung – hạ lưu Trường Giang.

3. Mảnh băng bình ngọc: Ngụ ý tiết tháo, chính trực liêm khiết, tấm lòng thuần khiết, trong sáng, không nhiễm tạp dục… Thời Lục Triều, thi nhân Bão Chiếu trong Đại bạch đầu ngâm đã dùng ý “trong suốt như băng trong bình ngọc” (thanh như ngọc hồ băng) để ngụ phẩm sự cao khiết, trong sáng của tâm hồn người thơ. Thời Đường Khai Nguyên, tể tướng Diêu Sùng có viết Băng hồ giới. Các nhà thơ Thịnh Đường như: Vương Duy, Thôi Dĩnh, Lý Bạch đều dùng hình tượng này theo hướng ẩn dụ, chỉ phẩm cách cao thượng, quang minh, không tỳ vết. Ông ngoại Nguyễn Trãi từng lấy Băng Hồ làm bút hiệu.

4. “Thanh thủy xuất phù dung, Thiên nhiên khứ điêu sức” trong thơ Lý Bạch. Cụm từ “thanh thủy xuất phù dung” đã trở thành ngạn ngữ trong tiếng Hán. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ MAI CHANH – LÊ THỜI TÂN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *