VÀI NÉT VỀ TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI CAO LAN

           Quan niệm về sự phân tầng vũ trụ          Người Cao Lan quan niệm trên cõi đời có 3 nước: nước trời, nước của người, nước âm phủ. Nước trời là thế giới của các thần linh, đó là những vị thần quyền năng nhất như: Thái Thanh thượng đế, Thượng Thanh thượng đế, Ngọc Thanh thượng đế, Nguyên Thiên thượng đế, Ngọc Hoàng thượng đế, các vị thánh thần khác. Nước đất, còn được gọi là thế giới của hiện tại, là nơi cư ngụ của con người, những sinh vật linh thiêng, con vật, cỏ cây, trong đó con người là trung tâm của nước này. Tuy nhiên con người ở nước này chỉ có thể sở hữu không gian nhỏ hẹp là làng bản của mình. Bước chân ra khỏi làng bản, họ sẽ phải đối diện với rất nhiều rủi ro, nguy hiểm từ các thế lực khác như: hồn ma hoặc các thần linh quyền uy. Nước âm phủ, còn được gọi là thế giới tương lai, là nơi ở của các sinh linh đã lìa xa trần thế, ở đó cũng có các vị thần linh cai trị. Theo quan niệm của người Cao Lan, chết không có nghĩa là hết, mà chỉ là sự luân chuyển từ kiếp này sang kiếp khác (1).          Quan niệm về linh hồn          Người Cao Lan quan niệm mọi vật đều có linh hồn từ cỏ cây cho đến con người. Con người có linh hồn, một thực thể linh thiêng thể hiện sự hiện hữu của con người nhưng hồn lại vô hình vô ảnh, con người không thể cảm nhận được bằng giác quan thông thường, ở những điều kiện bình thường. Hồn là trung tâm của thể sống, tất cả các thể sống đều có 2 phần: linh hồn, thể xác, trong đó hồn như cái bóng của vật sống. Người Cao Lan quan niệm khi ngủ, hồn có thể bay ra khỏi thực thể để dạo chơi xung quanh thế giới con người hoặc chu du sang thế giới do tổ tiên cai quản.          Cái chết là sự tương phản sâu sắc với sự sống, vì vậy linh hồn lúc còn tồn tại trong thể xác cũng khác với linh hồn khi đã chết. Nếu ở trạng thái song đôi, linh hồn, thể xác đều tồn tại thì linh hồn rất yếu ớt, dễ bị tổn thương. Đặc biệt là những lúc hồn thoát ra khỏi thể xác đi rong chơi. Nhưng khi thể xác mất đi, linh hồn thoát ra được gọi là ma thì sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ, linh thiêng. Linh hồn theo quan niệm của người Cao Lan phải trải qua 100 lần đầu thai thành các đồ vật, con vật mới quay trở lại làm người.          Tuy vô hình nhưng ma tồn tại độc lập, cũng có cuộc sống như con người, cũng ăn, ngủ, nghỉ… vì vậy người sống phải có trách nhiệm cúng bái người đã khuất. Khi ma được thỏa mãn các nhu cầu thì sẽ về phù hộ độ trì cho con cháu bình an, khỏe mạnh, làm ăn thịnh vượng. Khi cúng ma một người nào đó phải đọc tên người ấy, gọi 3 lần. Tất cả những lời khấn bái hay các nghi thức như: dập quẻ xin âm dương, rót rượu, đếm tiền giấy, vàng mã đều phải thực hiện 3 lần. Bởi người Cao Lan cho rằng ma không nhanh nhẹn như người sống, hơn nữa ma thường hay hóa kiếp thành nhiều hình dạng khác nhau như: chim, thú, sâu bọ, cây cối…nên phải nhắc đi nhắc lại 3 lần thì ma mới nghe thấy, nhận biết được.          Hồn người quá cố hóa thành ma, sống ở một thế giới khác dưới sự cai quản của ma tổ tiên cùng một vị thần linh nào đó. Người ta tin có ma lành, ma tốt thì cũng có ma dữ, ma xấu. Việc trở thành ma lành hay ma dữ phụ thuộc vào tình trạng chết lành hay chết dữ chứ không phụ thuộc vào thể trạng, tính cách của con người lúc còn sống. Người Cao Lan quan niệm ma lành là chết trong các trường hợp: chết già, chết vì ốm đau, bệnh tật trong nhà còn ma dữ là những cái chết không bình thường như: chết non, chết bất đắc kỳ tử, chết tai nạn, chết chưa được cấp sắc. Những ma dữ này thường về quấy phá, làm hại dân làng nên nếu là chết do tại nạn thì gia đình đó phải mời thày cúng về giải oan cho linh hồn, nếu là chết chưa được cấp sắc thì phải tổ chức cấp sắc, làm lễ chay cho người chết, còn chết bất đắc kỳ tử thì phải chôn người chết ở nơi xảy ra cái chết. Tất cả các trường hợp chết này đều không được chôn ở nghĩa địa chung của làng.          Vì quan niệm vạn vật đều có linh hồn nên người Cao Lan từ xưa đã có tục thờ ma ham. Các ma ham được coi là ông thủy tổ của dòng họ. Đó có thể là các con vật nuôi, thú hoang, các sự vật, cỏ cây, đồ dùng mà từ đời xa xưa vì một lý do nào đó đã tác động, ảnh hướng lớn đến đời sống sinh hoạt của gia đình, dòng họ nên được thờ phụng.          Quan niệm về thần linh          Bức tranh tín ngưỡng truyền thống của người Cao Lan được phản ánh sinh động, sắc nét nhất qua hệ thống thần linh, những nghi lễ thờ cúng đi kèm trong: chu kỳ của vòng đời người (sinh đẻ, cưới xin, tang ma); nghi lễ nông nghiệp (bắt đầu, kết thúc vụ mùa, đầu năm mới); lễ hội thờ Thành hoàng làng hoặc khi gia đình, bản làng có công việc gì đó cần sự phù trợ của thần linh. Ở thế giới thần linh, tất cả những hành động ngẫu hứng, những suy nghĩ tự do cá nhân sẽ không được phép tồn tại mà nhường chỗ cho sự linh thiêng, tính cộng đồng.          Đối với người Cao Lan, hệ thống thần linh của họ khá đa dạng. Lý giải sự đa dạng của hệ thống thần linh trong tín ngưỡng truyền thống của người Cao Lan thì phải nói đến vai trò của các tôn giáo mà đồng bào đã, đang chịu ảnh hưởng, trong đó nổi bật nhất là Đạo giáo. Đạo giáo đã thâm nhập vào trong xã hội của người Cao Lan từ rất sớm, hòa nhập với các loại hình tín ngưỡng bản địa làm phong phú hơn cho các sắc thái tín ngưỡng của đồng bào.          Hệ thống thần linh của người Cao Lan được phân chia theo thượng đẳng thần, trung đẳng thần, hạ đẳng thần. Thượng đẳng thần gồm: Tam Thanh là Thái Thanh, Thượng Thanh, Ngọc Thanh; ngoài ra còn có Nguyên Thiên, Ngọc Hoàng. Trong 5 vị thượng đẳng thần trên thì Ngọc Hoàng là vị thần trực tiếp cai quản con người, vạn vật ở nước người (2). Mỗi một vị trung đẳng thần đều có nhiệm vụ, trách nhiệm riêng như: Bà mụ là vị thần nuôi giữ, chăm sóc trẻ nhỏ; thần Bản mệnh có nhiệm vụ coi sóc định mệnh của con người; thần Sấm sét duy trì trật tự cần thiết cho vũ trụ; thần Nông bảo trợ cho cấy cày, trồng trọt.          Ở hàng trung đẳng thần có 4 vị đại thần Đông, Tây, Nam, Bắc cai quản bốn phương trời, cùng một loạt các vị hạ đẳng thần như: thần Đất, thần Núi, thần Sông, thần Địa trạch, thần Bưu tá…          Trong hệ thống thần linh của người Cao Lan còn có các vị thành hoàng, đó là vị thần linh che chở cho cả làng chống lại các ác thần, giúp đỡ cho làng xã bình yên, thịnh vượng. thành hoàng là những nhân vật được thần thánh hóa hoặc những người có công khai hoang lập làng, những vị tướng có công đánh giặc cứu nước… sau đó được các triều đình phong kiến sắc phong thần vị. Thành hoàng ở mỗi làng của đồng bào Cao Lan có thể là một vị hoặc nhiều vị, thường được thờ ở trong đình hoặc miếu, có thể là nhiên thần hoặc nhân thần.          Ngoài ra còn có những vị thần không được xếp theo cấp bậc nhưng vẫn được người dân tôn thờ, đó là thánh sư (vị tổ của nghệ dạy học), thần thơ ca…          Tín ngưỡng là một bộ phận cấu thành nền văn hóa tộc người. Tín ngưỡng của người Cao Lan được biểu hiện đa dạng với nhiều loại hình, đó chính là sự ứng xử của đồng bào với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, phản ánh qua những quan niệm về vạn vật hữu linh, về thế giới quan, các vị nhân thần, thiên thần được thờ phụng. Trong đời sống hiện nay, tín ngưỡng của đồng bào Cao Lan đang có sự biến đổi, vì vậy việc nghiên cứu tín ngưỡng dân gian của người Cao Lan là một việc làm lâu dài, đòi hỏi có lòng đam mê, tâm huyết của nhiều người, nhiều cấp ngành.
         _______________          1. Phù Ninh, Nguyễn Thịnh, Văn hóa truyền thống Cao Lan, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1999, tr.90.         2. Lâm Quý, Văn hóa các dân tộc thiểu số Vĩnh P, Sở VHTT Vĩnh Phú, 2005, tr.122.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : BÙI THỊ MAI LAN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *