ĐỀN TA PROHM

 
Ta Prohm hay còn gọi là Rajavihara (đền Hoàng Gia) là một ngôi đền ở Angkor, thuộc tỉnh Siem Reap, Campuchia. Đền được xây dựng theo phong cách Bayon vào cuối TK XII đầu TK XIII. Theo nguyện vọng của quốc vương Khmer Jayavarman VII. Ngôi đền được xây dựng để làm tu viện Phật giáo Đại thừa, đồng thời là trường đại học.
Jayavarman VII xây dựng đền Rajavihara nhằm tôn vinh hoàng tộc. Ngôi đền chính thờ Prajnaparamita (trí tuệ bát nhã của đạo Phật), được mô phỏng dựa theo hình ảnh mẹ của nhà vua. Ta Prohm gồm cả đền thờ Preah Khan, có niên đại 1191 TCN, thờ Bồ Tát Quán Thế Âm dựa theo hình mẫu người cha của nhà vua. Những đền thờ xung quanh ở phía bắc và phía nam nhằm vinh danh thày và anh của nhà vua. Theo bia ký của đền, đây là khu vực lưu trú hơn 12.500 người (trong đó gồm cả 18 tu sĩ cấp cao và 615 vũ công), ngoài ra còn có 80.000 người cư trú ở các làng xung quanh tham gia lao động, cung ứng dịch vụ và nguyên vật liệu. Bia ký cũng ghi rằng đền thờ tích lũy nhiều vật phẩm như vàng, ngọc và lụa. Sau khi đế quốc Khơme sụp đổ vào TK XV, đền Ta Prohm bị bỏ phế suốt nhiều thế kỷ.
Đền Ta Prohm được bố trí theo phong cách sắp đặt phẳng điển hình của các đền thờ Khơme. Đền hướng về phía đông và có 5 vòng tường thành vây quanh đền thờ trung tâm. Vòng tường bên ngoài dài 1000m, rộng 650m vây quanh một khu đất có diện tích 650.000m2. Trước đây, ở lối vào thường có những tháp mặt người nhưng nay một số đã sụp đổ. Các tháp ở góc tường thành thứ nhất kết hợp với tháp thờ trung tâm theo dạng nanh sấu (quincunx). Thư viện được đặt ở góc phía đông nam của vòng thành thứ nhất và thứ ba. Những đền thờ vệ tinh ở phía bắc và phía nam, còn hội trường của vũ công và nhà lửa thì ở phía đông.
Ta Prohm hiện chỉ còn một vài bức phù điêu. Một giả thuyết cho rằng phần lớn những tác phẩm này đã bị những người theo đạo Hindu hủy hoại sau cái chết của vua Jayavarman VII. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn một số bức phù điêu kể lại sự tích về đức Phật, về chuyến khởi hành vĩ đại của đức Phật Siddarttha rời cung điện của phụ vương. Đền thờ cũng có một số bức phù điêu đá miêu tả các nữ thần, tu sĩ đang thiền định và cả tượng thần bảo vệ đền thờ.
Điểm nổi bật nhất của khu di tích Ta Prohm có lẽ là nhiều cây cổ thụ với hình dạng lạ kỳ. Cây vải lụa (ceiba pentandra) và cây sung (ficus gibbosa) là hai loại cây chủ yếu ở nơi đây. Những thân cây vải lụa vươn lên trời với bộ rễ trải dài trên mặt đất và quấn lấy nhau trông giống như loài bò sát hơn là thực vật. Mặc dù đền Ta Prohm đã bị chiến tranh hủy hoại và bị thiên nhiên tàn phá, nhưng những bộ rễ nuốt trọn cả ngôi đền đã tạo nên cảnh tượng hùng vĩ, hiếm có. Chính những rễ cây cổ thụ khổng lồ mọc trùm lên những tòa tháp đổ nát đã khiến kiến trúc của ngôi đền càng trở nên kỳ bí và hấp dẫn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 347, tháng 5-2013

Tác giả : Hoàng Cẩm

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *