Các chức năng của đối thoại trong kịch


Kịch là một loại hình sân khấu diễn tả cuộc sống bằng hành động, xung đột, thông qua ngôn ngữ đối thoại. Ở đó, con người, cảnh vật, đã được hiện tại hóa, nhân vật kịch sống, hành động bằng chính ngôn ngữ của mình. Đối thoại, đó là ngôn ngữ nhân vật và chỉ của nhân vật mà thôi. Về hình thức, đối thoại là một trong những đặc trưng cơ bản nhất, phân biệt kịch với các thể loại khác như thơ (trữ tình) và văn xuôi (tự sự). Đối thoại trong kịch thể hiện những chức năng cơ bản như dẫn chuyện – kể chuyện; bộc lộ tư tưởng chủ đề; thể hiện tính cách nhân vật; diễn tả chiều sâu nội tâm nhân vật…

Dẫn chuyện – kể chuyện

Chức năng dẫn chuyện – kể chuyện trong kịch được thể hiện bằng những đối thoại có tính chất thông báo lượng thông tin về thời gian, không gian, địa điểm, thậm chí cả về hoàn cảnh sống của nhân vật.

Đối thoại dẫn chuyện thường dùng ngôn ngữ kể chuyện để nói về những gì đã xảy ra trong quá khứ, hoặc ở bên ngoài sân khấu mà khán giả không trực tiếp nhìn thấy. Đây là những đoạn mà hành động kịch tạm thời chậm lại, mâu thuẫn, xung đột tạm lắng xuống, những yếu tố trữ tình, chất thơ trong kịch có dịp bộc lộ, mang lại cảm giác thư giãn cho khán giả. Tuy vậy, nếu quá lạm dụng, đối thoại dẫn chuyện – kể chuyện sẽ làm cho kịch trở nên nhạt nhẽo, nhiều giao đãi và ít tính hành động.

Song, trong lịch sử sân khấu nhân loại đã từng có những tác giả tài năng, sử dụng đối thoại dẫn chuyện – kể chuyện để diễn tả những sự kiện chủ chốt, những bước chuyển biến lớn trong kịch như Xôphốclơ trong Êđíp làm vua. Mỗi cuộc gặp gỡ của Êđíp với các nhân chứng, tác giả đều sử dụng đối thoại dẫn chuyện – kể chuyện. Qua mỗi cuộc gặp ấy, một câu chuyện được kể, sự thật dần được hé mở, tác giả kéo được toàn bộ câu chuyện trong quá khứ trở về, và đẩy nhân vật chính vào biến cố. Cuộc gặp đầu tiên giữa Êđíp và nhà tiên tri Tirêdiax thì một kết luận được đưa ra: Thiên hạ sẽ nhận ra y vừa là người cha, vừa là người anh của những đứa con y, vừa là chồng, vừa là con của người đàn bà đã cho y cuộc sống… tên hung thủ giết vua cha và người chồng của mẹ.

         Trước tình huống đó, hoàng hậu Dôcaxt đã trấn an chồng bằng câu chuyện của đời mình, chuyện cái chết của Laiôx ở một ngả đường rẽ đi ba hướng, chuyện đứa con mới sinh được ba ngày đã sai người đem ném xuống thung lũng hẹp. Giữa lúc Êđíp đang lờ mờ nhận ra bất hạnh của mình, thì lại một câu chuyện khác mang đến bất ngờ. Người đưa tin từ Côranh báo tin Pôlip, cha chàng, đã chết và mời chàng về kế vị ngai vàng. Và cũng chính người này với câu chuyện năm xưa đã cho Êđip biết xuất xứ của chàng từ thung lũng Xitêrông, cùng với sự liên quan đến một người chăn cừu khác. Khi người chăn cừu nô lệ năm xưa đến, câu chuyện cuối cùng được kể, sự thật được phơi bày, đưa đến lựa chọn kết cục tất yếu của số phận Êđíp. Một vở kịch với phần lớn là đối thoại dẫn chuyện – kể chuyện mà vẫn hấp dẫn, thú vị.

Những đối thoại được viết ra dưới hình thức kể chuyện, trần thuật, ngoài việc mô tả về không gian, thời gian, hoàn cảnh nhằm dẫn dắt nội dung câu chuyện kịch, nó còn kể lại những gì không trực tiếp diễn ra trong kịch, đó là những sự kiện ngoài kịch, nhưng rất cần cho cốt truyện kịch. Để thích hợp với mục đích kể chuyện, ngôn ngữ của loại hình đối thoại này nghiêng nhiều về kể, tả mà ít tính hành động. Hình thức văn chương này mang nhiều dấu vết người kể, giống như vai trò của nhà văn trong tự sự và việc kể bằng giọng điệu như thế nào, kể đến đâu, mức độ hấp dẫn ra sao còn phụ thuộc rất nhiều vào tính cách cũng như khả năng của người kể chuyện.

Với loại hình đối thoại này, mỗi câu chuyện kể của nhân vật kịch, bao giờ cũng phải được gắn với những tính cách cụ thể. Ở đây, sắc thái ngôn ngữ kể rất quan trọng, vì nó chứa đựng tâm trạng và ý đồ của người kể. Điều này thường đến rất tự nhiên, bởi khi nhân vật tự sống, tự hành động, thì mỗi lời nói ra đã là tính cách. Tuy nhiên, đối thoại trong kịch bao giờ cũng có sự đan xen, lồng ghép của các loại hình nhằm thỏa mãn nhu cầu diễn đạt, phản ánh cuộc sống của nhà văn. Chính sự đan xen này đã làm cho ngôn ngữ kịch trở nên phong phú.

Bộc lộ tư tưởng chủ đề

Đó là những đối thoại mang theo tư tưởng chủ đề của vở kịch – còn được gọi là đối thoại tư tưởng. Đối thoại này giúp tác giả chuyển tải ý đồ tư tưởng của tác phẩm tới khán giả. Cũng giống như đối thoại dẫn chuyện – kể chuyện, đối thoại tư tưởng xét về bản chất là ngôn ngữ tác giả, song tác giả mượn nhân vật để nói, do đó, nó vừa là ngôn ngữ tác giả vừa là ngôn ngữ nhân vật. Vì gánh trên vai nhiệm vụ chuyển tải ý đồ tư tưởng của tác giả, nên đối thoại tư tưởng được quyền có dấu vết tác giả – tất nhiên phải được gắn vào những trải nghiệm của chính cuộc đời nhân vật. Đối thoại tư tưởng để có sức thuyết phục phải được đặt đúng nhân vật, tâm trạng nhân vật và hoàn cảnh của nhân vật.

Nhân vật của đối thoại tư tưởng: Sau những biến cố cuộc đời, nhân vật chính thường lên tiếng cho những trải nghiệm, trả giá và phần nhiều những phát ngôn ấy trở thành đối thoại tư tưởng. Đây là hình thức thường gặp nhất trong văn chương kịch, và dường như các nhà viết kịch thường dành nó cho nhân vật chính của mình. Có lẽ, bên cạnh sức thuyết phục được trả giá bằng chính những trải nghiệm cuộc đời nhân vật, thì sự tập trung và quan tâm của người đọc, người xem, luôn dành cho nhân vật chính nhiều hơn cũng là lý do khiến các nhà viết kịch lựa chọn nó để gửi gắm những điều tâm huyết. Dầu vậy, ta cũng có thể gặp đối thoại tư tưởng ở đâu đó trong số các nhân vật phụ. Nhưng thông thường, những đối thoại tư tưởng của nhân vật phụ lại được các nhà viết kịch sử dụng như những nốt nhấn, nhằm làm sáng rõ thêm tư tưởng được gửi gắm ở nhân vật chính mà thôi. Bởi vậy, đó thường là những lời nhắn gửi, một suy nghĩ hài hước mà phần nhiều chưa tới được tầm khái quát triết học nhất định mà đối thoại tư tưởng cần.

Tình huống của đối thoại tư tưởng: Phần nhiều đối thoại tư tưởng xuất hiện trong tình huống mà nhân vật đã nhận biết sau những trải nghiệm cuộc đời, và đã phải trả giá cho sự nhận biết ấy. Sau những xao động ghê gớm về tinh thần thì đây là tình huống thật đắt để nhân vật cất lời, vì đối thoại tư tưởng nếu không gắn bó hữu cơ với cuộc đời nhân vật sẽ không còn ý nghĩa. Thường thì, các nhà viết kịch luôn biết tạo ra trong kịch của mình một tình huống huyền thoại để bộc lộ tư tưởng. Lựa chọn tình huống cho mỗi lời đối thoại tư tưởng chính là nghệ thuật của nhà viết kịch. Sức thuyết phục và hiệu quả của nó đến đâu cũng bởi ở sự lựa chọn này.

Đối thoại tư tưởng có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều ở khả năng của tác giả trong việc khái quát, thâu tóm những vấn đề đã được tung ra trong kịch bằng những đối thoại mang được triết lý. Những nhà viết kịch nhiều kinh nghiệm thường biết cách ẩn tư tưởng của mình trong lòng sâu của câu chuyện kịch. Nó có thể được bộc lộ qua toàn bộ chuyện kịch, hoặc qua từng số phận nhân vật, nhất là nhân vật chính. Điều này đã khiến cho tư tưởng của vở diễn trở nên phong phú, đa chiều và phần nhiều được tiếp nhận một cách tự giác. Đây cũng là lý do đưa đến những chủ đề tư tưởng khác nhau ở mỗi vở diễn của các đạo diễn khác nhau. Song phần lớn, nó được bộc lộ trực tiếp qua ngôn ngữ nhân vật, bởi đó là con đường ngắn nhất để tác giả gửi gắm tư tưởng của mình đến người đọc, người xem. Cách thức này cũng không đưa đến những cảm nhận quá khác nhau ở độc giả, nên tư tưởng thường tập trung và sáng rõ ý đồ tác giả. Ngôn ngữ của đối thoại tư tưởng trong trường hợp này cần phải đạt tới sự cô đọng, khúc chiết, sâu sắc về ngữ nghĩa và mang được triết lý về cuộc sống.

Tất nhiên, sự phân loại này chỉ là tương đối, bởi, sẽ không thể có một hình thức nào truyền đạt nội dung một vở kịch nói đến người xem mà lại không qua ngôn ngữ nhân vật. Và do đó, nếu gửi gắm tư tưởng qua toàn bộ câu chuyện kịch, hay qua số phận nhân vật chính, thì nhà viết kịch luôn phải dùng đến nhiều đối thoại mang ý đồ của mình. Nếu bộc lộ tư tưởng trực tiếp qua ngôn ngữ nhân vật thì có những nhà văn tài hoa chỉ cần đến một câu thoại thôi, như nhà văn Nguyễn Đình Thi đã từng làm ở Rừng trúc vậy! Tất nhiên, câu thoại ấy phải là sự khái quát cao độ từ những sự kiện được tác giả đưa ra trong kịch.

Đối thoại tư tưởng có thể nói nó phải là điều còn lại sau khi người ta đã quên đi tất cả. Vì thế, trong cái thế giới huyền thoại mà nhà viết kịch sáng tạo ra ấy, phải có một ngôn ngữ văn chương thật sự phù hợp. Làm sao để dễ nhận được sự đồng cảm của số đông? Đó phải chăng là một hình thức ngôn ngữ đầy cá biệt, không thể quá bóng bẩy, nhiều ẩn ý, cũng như không thể hời hợt, nông cạn. Văn chương ấy đòi hỏi cả lời hay và ý đẹp, nó phức tạp đến mức, nếu quá sáng rõ thì mất hết sự thú vị, mà nếu có quá nhiều ẩn ý lại trở nên không hiệu quả. Để viết được một câu thoại có sức khái quát triết học, trước hết là cho những vấn đề được nêu ra trong kịch, sau đó là cho cuộc đời, đòi hỏi rất nhiều ở vốn văn hóa và tri thức của người cầm bút viết kịch.

Thể hiện tính cách nhân vật

Một trong những chức năng rất quan trọng của ngôn ngữ kịch là hiển thị tính cách nhân vật qua đối thoại, tạm gọi là đối thoại tính cách. Ngôn ngữ trong kịch là ngôn ngữ của những nhân vật đang tự sống, tự hành động, do đó mỗi phát ngôn của nhân vật phải là kết quả của chính tính cách ấy. Và vì thế, đối thoại trong kịch chính là đối thoại tính cách, góp phần biểu hiện tính cách. Trong tự sự, tác giả có thể từ vị trí của mình mà nói rất nhiều, rất kỹ lưỡng, rõ ràng về tính cách nhân vật, còn với kịch, bản thân nhân vật phải tự làm lấy điều này, và qua ngôn ngữ, tính cách nhân vật được xác định. Việc khắc họa rõ nét những tính cách khác nhau trong kịch đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và khả năng quan sát của nhà văn.

Chính đối thoại tính cách, cùng với tài năng của nhà viết kịch, đã tạo nên những vở kịch tính cách rất thú vị như Cầu hôn của Trêkhốp. Lúc này, cốt truyện chỉ còn là cái cớ để tính cách được bộc lộ. Sự hiếu thắng, cố chấp là tính cách chung của tất cả các nhân vật trong Cầu hôn, và sự trùng lặp này, đã là nguyên nhân gây xung đột giữa họ. Ba nhân vật Lômốp, Subucốp và Natalia với những đối thoại đầy hóm hỉnh, hài hước, đã làm nên một hình thức văn chương đối thoại vừa giàu tính văn học, lại đậm chất cửa miệng – vốn rất phù hợp với hài kịch tính cách.

Tính cách cùng với sự đa dạng của nó trong hiện thực đã đòi hỏi một hình thức văn chương vừa phong phú, lại vừa cụ thể. Khi đã định hình một dạng tính cách cho nhân vật, cũng là lúc nhà viết kịch phải có được toàn bộ hệ thống từ vựng, ngữ điệu, mang được những đặc tính chung nhất, là phát ngôn cho tính cách ấy. Đó là cái cụ thể. Nhưng đời sống trong kịch lại là sự gặp gỡ của nhiều tính cách, do đó, nhà viết kịch không thể chỉ có một cách hành văn.

Đối thoại tính cách, nói rộng ra là văn chương kịch, luôn đòi hỏi một hình thức ngôn ngữ đậm dấu vết cá nhân, mỗi câu thoại cần là kết quả của tính cách nhân vật. Hình thức đối thoại này rất cần đến sức biểu cảm của từ ngữ và đây cũng là thách thức đối với nhà viết kịch.

Diễn đạt chiều sâu nội tâm nhân vật

Trong ngôn ngữ kịch, cùng với rất nhiều chức năng khác nhau như dẫn chuyện, kể chuyện, thể hiện tính cách nhân vật và bộc lộ tư tưởng chủ đề tác phẩm… thì độc thoại (biểu hiện chiều sâu nội tâm nhân vật) có một vị trí thật đặc biệt. Không giống với những hình thức đối thoại khác vốn là phương tiện giao tiếp, trao đổi thông tin giữa hai hay nhiều nhân vật cùng xuất hiện trên sân khấu, độc thoại là tiếng lòng nhân vật với tất cả buồn, vui, âu lo, trăn trở, cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Nó là những uẩn khúc rất riêng tư mà nhân vật không dễ gì có thể dãi bày, chia sẻ.

Độc thoại chính là phần con người – cá nhân hướng ngoại đầy tính nhân bản, khi mà phần hướng nội – muốn dấu kín mọi suy tư đã đẩy nhân vật vào trạng thái tinh thần bất ổn. Những phần sâu kín, riêng tư thường là một thế giới riêng bí ẩn mà nếu không bị thôi thúc bởi một áp lực tâm lý nào đó, nhân vật sẽ chẳng bao giờ bộc lộ ra ngoài. Vì gắn với nó, còn là sinh mệnh, là sự an nguy của nhân vật nữa.

Nhưng chính giao điểm của những cân nhắc, lựa chọn đẩy nhân vật đến quyết định nói ra những điều hệ trọng, bất chấp sự an nguy của tính mạng mình, đã tạo nên cái hay rất riêng cho độc thoại. Cái hay của sự linh thiêng, thành thực khi nhân vật đối diện với chính mình, và đưa tình huống kịch vào một thế giới huyền thoại. Và do đó độc thoại thường là những ngôn ngữ nhiều triết lý, ít mang tính sinh hoạt đời thường.

Độc thoại về cơ bản là những lúc nhân vật nói một mình, bộc lộ tâm trạng mình, được thể hiện ra ở các hình thức: Nói với chính mình, nói với nhân vật không có mặt, và với những vật vô tri…

Lựa chọn nói với chính mình là lúc nhân vật kịch phân thân, đi tìm những kiến giải cho bế tắc thực tại. Đó có thể là những băn khoăn, lưỡng lự khi đứng trước sự chọn lựa nào đó, hoặc bày tỏ một sự nuối tiếc, tuyệt vọng, đơn giản hơn là trước một câu hỏi chưa có lời giải đáp… Nhưng ở tầm nấc cao hơn, mang nhiều dấu ấn suy tư của nhân vật hơn chính là khi nhân vật đối thoại với chính mình trước một dự định quan trọng, hay thậm chí là một âm mưu ghê gớm. Điều này đã dẫn tới ba tình huống khác nhau của hình thức độc thoại này. Đó là trước khi nhân vật thực hiện ý đồ, đang thực hiện, và khi đã thực hiện xong.

Trước khi thực hiện ý đồ là khoảng thời gian vô cùng căng thẳng đối với nhân vật. Sự do dự giữa nên hay không nên, hoặc nên như thế nào thường chỉ xảy ra với nhân vật chính kịch. Còn nhân vật bi kịch, thời điểm này chỉ là cơ hội để biện giải cho những hành động sắp tới. Hành động ấy chắc chắn sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn, làm chuyển biến số phận nhân vật mà khi đối diện với nó, nhân vật sẽ phải đứng trước sự lựa chọn, hoặc vi phạm vào tính nhân bản, nhân đạo, hoặc sẽ không còn là chính mình. Độc thoại do đó là phần không thể thiếu, là phần quan trọng làm nên thành công của nhân vật bi kịch. Nó giúp nhân vật bộc lộ tâm trạng, hiển thị động cơ bên trong và làm đầy đời sống nội tâm nhân vật.

 

Khi đang thực hiện ý đồ là lúc nhân vật có thể sẽ gặp phải những lực cản từ các phía khách quan, chủ quan khiến nó đôi lúc hoài nghi hành động và ý chí của mình. Cho dù rất cố gắng để đạt tới mục đích, nhưng nhân vật cũng cần có khoảng dừng để kiểm định, tìm nguyên nhân và xử lý tình huống mới phát sinh. Giữa cái băn khoăn, do dự của nhân vật lúc này, bao giờ cũng có sự đan cài với những kỷ niệm của quá khứ, của những hối thúc lựa chọn giữa tình cảm và lý trí. Chàng hoàng tử Đan Mạch xưa kia với mục tiêu duy nhất là trả thù cho cha, thế mà khi đối diện với kẻ thù vào đúng lúc hắn đang cầu nguyện – một tình huống phát sinh ngoài ý muốn, chàng đã có một khoảng dừng cần thiết đủ để có một quyết định rất Hamlet: Không! Ngừng lại, gươm báu của ta ơi! Hãy đợi một dịp nào kinh tởm hơn, đợi khi nào y lúy túy rượu nồng, mê mẩn trong giấc ngủ, hoặc lên cơn thịnh nộ điên cuồng, hoặc trong cuộc truy hoan ô uế… Lúc đó hãy ra tay, để cho gót chân y hướng lên thiên đàng mà linh hồn y vẫn tăm tối, đáng nguyền rủa như địa ngục nơi y phải sa xuống.

Khi thực hiện xong ý đồ, nhân vật sẽ rơi vào hai trạng thái cảm xúc, hoặc vô cùng sung sướng, hoặc đau khổ, hối hận và sẽ nhận biết sau những trả giá ghê gớm. Dù sung sướng hay đau khổ, hối hận thì kết quả của hành động đã lựa chọn ấy, cũng đẩy nhân vật vào một trạng thái không bình thường và mất thăng bằng về tâm lý. Những xao động này khiến nhân vật muốn dãi bày tâm sự, nhưng vì thiên cơ bất khả lộ nên nhân vật phải đối thoại với chính mình.

Nói với chính mình là khi nhân vật mang nhiều trăn trở, day dứt nhất. Đây cũng là lúc nhân vật rơi vào trạng thái không bình thường, hoặc chỉ bình thường với chính nhân vật trong hoàn cảnh ấy. Nhân vật dù có nói với chính mình, nhưng cũng là nói với khán giả, nên rất cần gửi gắm ở đó một quan niệm, hay triết lý sống của nhà viết kịch.

Nói với sự vật cũng là một kênh để nhân vật có thể bày tỏ những ẩn ức trong lòng. Các sự vật ở đây đã được tác giả nhân cách hóa để có thể chia sẻ, cảm thông với nhân vật. Đương nhiên đó phải là những vật gần gũi, gắn bó thân thiết với nhân vật, là những vật kỷ niệm từng chứng kiến, đi cùng kỷ niệm quá khứ với nhân vật đến mức trở nên tin yêu giống như người bạn tâm giao mà nhân vật có thể trải lòng. Đó có thể là ngôi nhà, góc sân, cái cây, vật kỷ niệm tất cả đều gắn bó đến mức trở nên thân thương và không thể thiếu đối với nhân vật. Phần nhiều, độc thoại – nói với sự vật diễn ra trong trường hợp sinh ly, tử biệt và đây là trường hợp được sử dụng rất nhiều trong kịch. Kiểu độc thoại này còn tạo ra một nguy cơ gây hồi hộp nhất – nguy cơ phải đối diện với quá khứ, với ý đồ.

Lựa chọn nói với người không có mặt là thời điểm rất nhạy cảm trong thế giới nội tâm nhân vật kịch. Nhân vật kia có thể đi đâu đó vắng mặt, hoặc đã yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng. Nội dung của lời độc thoại sẽ liên quan rất nhiều đến hình thức độc thoại, và do đó, nhân vật nói với người không có mặt chỉ có thể là những gì liên quan đến người ấy. Đó là một lời thanh minh, một lời nhắn thầm, một lời xin lỗi cũng có thể là cả những dự định, âm mưu. Lúc này, nhân vật kịch bị đặt trước tình huống không thể không nói, và những lời nói ra là tình cảm thật mà không cần che dấu.

Độc thoại vốn là một biện pháp mĩ học không thể thiếu trong văn chương bi kịch. Những lớp độc thoại cùng với sự dồn nén tâm tư, cảm xúc của nhân vật bi kịch đã làm nên chiều sâu của ngôn ngữ và nội dung kịch. Nhân vật kịch chỉ có thể độc thoại khi tới được sự chân thành cao nhất với chính mình. Bởi thế, văn chương độc thoại không thể là những lời khuôn sáo, bóng bẩy mà nhất định đó phải là những lời nói từ trái tim, xuất phát từ sâu thẳm của trái tim. Ngôn ngữ độc thoại vốn mang trong mình sự mâu thuẫn đầy hấp dẫn. Cái thế giới huyền thoại đẩy nhân vật vào tình huống độc thoại vốn không cho phép sự thô lỗ, tục tằn, nhưng khi nhân vật sống với sự chân thành cao nhất của mình thì không thể cất những lời có cánh. Văn chương độc thoại vì thế phải là điểm gặp gỡ tinh tế giữa sự thiết tha, chân thực và sự lãng mạn, bay bổng. Điều quan trọng hơn, nó cần có sức biểu cảm để tới được sự rung cảm sâu xa từ phía người tiếp nhận. Bởi nếu không để chia sẻ và mong nhận được sự đồng cảm thì nhân vật kịch cũng chẳng nên độc thoại làm gì.

Độc thoại có rất nhiều trong đối thoại, còn được gọi là xu thế độc thoại hóa trong đối thoại của văn chương kịch. Lời nói độc thoại vốn làm cho những điều được diễn tả trên sân khấu vượt khỏi bản thân nó, đưa người xem vào thế giới huyền thoại – thế giới tâm linh, nơi mà người ta vẫn nói rằng thật hơn cả sự thật. Song độc thoại cũng dễ làm cho cuộc sống trong kịch trở nên giả tạo nếu không có được sự vận dụng phù hợp của nhà văn.

        Được thừa nhận là loại hình văn học nghệ thuật khó nhất bởi từ dòng mở đầu đến dòng kết thúc chỉ có đối thoại và chỉ đối thoại mà thôi, nhưng đó cũng là lý do tạo cho kịch một sức hấp dẫn riêng. Song đối thoại trong kịch chỉ khi nào được diễn hóa trở thành đài từ, thì đó mới là bản chất cuối cùng của nghệ thuật sân khấu – đây chính là thách thức lớn nhất đối với nhà viết kịch.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009

Tác giả : Phạm Thị Hà

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *