THÔNG ĐIỆP VĂN HÓA QUA BÃO TÁP TRIỀU TRẦN

Sự thay đổi hệ hình tư duy, quan điểm triết, mỹ học trong không gian thế giới phẳng những thập niên cuối TK XX, đầu TK XXI đã mở đường cho tiểu thuyết lịch sử Việt Nam phát triển đa hướng. Không còn những ngôi đền thiêng mà nhà tiểu thuyết chỉ có thể ngưỡng vọng, chiêm bái. Tất cả đã trở thành chất liệu sống động để tác giả kiến tạo nên thế giới riêng theo quy luật của các giá trị nhân văn. Đặc tính linh hoạt, mềm dẻo trong phẩm chất mở, sự tự do bất tận của tư duy tiểu thuyết làm cho họ khó lòng phân chia, gọi tên, xếp hạng đối với thể tài này. Các nỗ lực như thế, khi cần, đều phải dựa vào một tiêu chí có tính tiên quyết đó là thông điệp tác phẩm, tư duy thể loại. Chúng tôi khai triển quan điểm trên để kiến giải những điểm khả thủ trong bộ trường thiên tiểu thuyết Bão táp triều Trần của tác giả Hoàng Quốc Hải.

Tiểu thuyết là thể loại có dung lượng lớn nhưng bao giờ cũng châu tuần về một hệ quy chiếu thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần gồm 6 tập, dài 2428 trang, gần như hoàn toàn dựa vào diễn ngôn chính sử để bao quát lịch sử đời nhà Trần trong ròng rã 175 năm. Vậy tác giả có kiến tạo, gửi gắm được thông điệp gì mới so với thông điệp của lịch sử? Nếu không làm được điều này, tiểu thuyết sẽ bị tan loãng vào lịch sử, tất yếu sẽ bị trả lại cho lịch sử.

Thông điệp của tác phẩm chỉ có một nơi duy nhất để thể hiện, đó chính là văn bản; chỉ có một con đường duy nhất để hiện thực là thông qua thế giới nghệ thuật. Thông điệp tác phẩm như là sợi dây nối kết tất cả các sự kiện, chi tiết; như là huyết mạch chảy suốt toàn bộ tác phẩm. Lịch sử dù phong phú về lượng thông tin, chi tiết qua nhiều phương diện nhưng chỉ mang tính chất ghi chép biên niên. Tác giả Hoàng Quốc Hải gọi sự thật đó là câm nín, vô hồn. Nhà văn là người phải nghiền ngẫm, xâu chuỗi, nối kết lịch sử, bằng khả năng tư duy hình tượng để trình hiện được quan điểm triết, mỹ riêng của mình. Qua 6 tập của bộ tiểu thuyết, từ Bão táp cung đình cho đến Vương triều sụp đổ, chúng tôi nhận thấy nguồn cảm hứng nhất quán chảy xuyên suốt tác phẩm đồng thời là chủ đề tư tưởng, bức thông điệp thời đại không chỉ là sự kiến giải về nguyên nhân hưng vong của triều đại mà lớn lao hơn là của dân tộc. Tác giả ngụp lặn vào lịch sử, say mê truy tìm các cứ liệu lịch sử, cả ở phía ta lẫn các nước lân bang, cũng chỉ để hướng đến giải mã cho được câu hỏi này. Các cứ liệu lịch sử chỉ là những vật liệu thô đang nằm rải rác trong núi sông, gò bãi, ao chuôm. Thông điệp trên chính là chất keo để tác giả dựng lên ngôi nhà mang kiến trúc của riêng mình. Trong thông điệp hưng phế đó, tác giả tập trung kiến giải về nguyên nhân hưng thịnh, đồng thời ngầm coi phản đề của nó sẽ dẫn đến sự bại vong.

Bão táp triều Trần thực sự là cơn cuồng phong thịnh nộ của lịch sử, nhưng trong đó, người tĩnh tâm có thể nhìn thấy những hằng số nằm trong mắt bão. Cơn cuồng phong ấy vì vậy trở thành phép thử để nhìn thấy chất vàng mười làm nên sức mạnh của triều đại, của dân tộc, vai trò của văn hóa, của những người con kiệt hiệt. Trong tác phẩm, tác giả Hoàng Quốc Hải theo đuổi điều này một cách đầy nhiệt huyết, say mê. Hào khí Đông A chính là hào khí được kết tụ nên từ sức mạnh văn hóa dân tộc, vai trò của những người con kiệt hiệt ấy. Hai điều trên thực ra liên quan mật thiết với nhau, thậm chí tồn tại trong nhau. Đề cao những con người kiệt hiệt tuyệt nhiên không phải là sự sùng bái cá nhân một cách siêu hình, trong việc đề cao vai trò của văn hóa có việc trọng dụng nhân tài, đặc biệt là giới trí thức tinh hoa của đất nước.

Tác giả Hoàng Quốc Hải đề cao vai trò của văn hóa. Ông có một bài tham luận tựa đề Nhà văn với văn hóa dân tộc, trong đó, ông đề cập đến việc nhờ có nền văn hóa dân tộc đủ mạnh nên chúng ta đã chống lại được sự đồng hóa, Hán hóa suốt ngàn năm Bắc thuộc. Từ đó, ông kết luận: “Nền văn hóa dân tộc có sức sống mãnh liệt như vậy. Nếu ta chấp nhận nó, sẽ được nó coi như một thành tố; nếu ta không chấp nhận nó, thì nó vẫn tồn tại với trường kỳ lịch sử, với non sông đất nước; còn ta, nhà văn của một thời, sẽ bị lịch sử hất ra lề” (1). Bão táp triều Trần đặt ra vấn đề vì sao một dân tộc bé nhỏ về kinh tế, quân sự, đất đai, dân số… như nước ta thời bấy giờ lại có thể 3 lần đại thắng một đế quốc hùng mạnh, ngạo mạn như Mông Cổ. Thông điệp về tiềm lực mềm, được tác giả Hoàng Quốc Hải nhắc đến qua nhiều tình tiết, sự kiện, nhân vật, đặc biệt khi nói về Chu Văn An: “Xin bệ hạ hết sức lưu tâm, những người hiền tài phải được xem là tài sản quý báu của nước, là linh hồn của nước. Thời Trùng Hưng, ta đánh giặc dữ Mông – Thát đâu chỉ có sức mạnh của quân binh, mà ta còn đánh bằng cả nền văn hóa của chúng ta nữa chứ” (2). Nước ta thắng giặc bằng sức mạnh văn hóa, trong đó có sự kết tinh của nguyên khí quốc gia, hiền tài. Vậy thì phải có ý thức giữ gìn, xây dựng sức mạnh văn hóa của dân tộc, triều đại.

Ngay từ khi buộc phải ghé vai gánh vác việc nước, thái sư Trần Thủ Độ đã mời được Hoàng tiên sinh về làm môn khách. Ông chính là người quân sư cho Trần Thủ Độ về việc kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa từ thời nhà Lý, sáng suốt để được đứng trên vai của người khổng lồ. Tiến thêm một bước, vị vua tiền triều Trần Thái Tông là người sáng suốt, tinh anh khi chủ trương dung hòa tam giáo, văn hóa truyền thống dân tộc. Ông cho rằng, nếu chỉ dùng Nho giáo để trị nước e rằng khắc bạc quá, dễ dẫn đến con đường chuyên chế tàn bạo của nhà Tần. Ông đặc biệt chú trọng việc học văn hóa dân tộc qua lịch sử nước nhà. Đây rõ ràng là tư tưởng sáng suốt của đấng minh quân có tầm cao trí tuệ hơn đời, của một bậc đế giả. Chủ trương của ông chính là điều mà hiện nay chúng ta vẫn nhắc: kết hợp văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại. Điều đặc biệt là chủ trương ấy không chỉ được phát biểu chung chung mà được thực thi một cách cụ thể trong cuộc sống, soạn thành các bài giáo huấn để giáo hóa cho các hoàng tử sau này, đưa những nội dung trên vào các kỳ thi tam khôi. Điều đó có thể hiểu rằng, nhà văn đặc biệt đề cao triều đại nhà Trần về các chuẩn mực đạo lý; đó là một triều đại, một dân tộc có các giá trị đạo lý riêng của mình. Sự tác động của các việc làm trên đã làm cho các đời vua sau được giáo hóa, thấm nhuần, nhất nhất tuân theo; các sĩ tử sau khi đỗ đạt, đã đem cái đạo ấy ra mà dụng hành giúp nước, giúp đời.

Trong việc đề cao vai trò của văn hóa, có việc coi trọng hiền tài. Nhờ có cách nhìn trọng thị đó mà cả vua lẫn các vương hầu đều tập hợp được nhiều hiền tài trong toàn quốc. Nhà Trần trọng dụng nhân tài một cách rộng rãi mà không phân biệt nguồn gốc xuất thân, vì vậy đã thu phục được bá tính trăm họ. Sự hợp lực của những người tài đức ấy chính là sự tập hợp sức mạnh của tinh hoa văn hóa, văn hiến dân tộc.

Quan điểm đề cao vai trò của văn hóa thấm đẫm, tiềm tàng trong diễn ngôn tiểu thuyết Bão táp triều Trần. Trong cuộc hôn nhân vì quyền lợi dân tộc giữa Huyền Trân công chúa với vua Chế Mân, chính bà đã là một sứ giả văn hóa. Chuyện Trần Nhân Tông hứa gả công chúa cho Chế Mân, sử gia chỉ viết vỏn vẹn trong 76 âm tiết, nhưng Hoàng Quốc Hải đã gia công xây dựng câu chuyện ấy trong gần 300 trang sách. Trong đó, tác giả đặc biệt chú trọng đến phương diện văn hóa. Trước khi sang Chămpa, công chúa Huyền Trân đã được rèn luyện biết bao giá trị thuộc về bản sắc văn hóa Đại Việt, như phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, cách đi đứng, nói năng, các loại hình nghệ thuật, ca dao, hò vè… Điều đó chứng tỏ, nhà Trần không chỉ xem việc Huyền Trân sang làm dâu Chămpa là việc nhập gia tùy tục mà là một sứ giả văn hóa của Đại Việt. Trong ứng phó với lân bang có việc ứng phó bằng sức mạnh văn hóa. Không chỉ Chế Mân mà cả triều thần đều ngạc nhiên, trầm trồ trước sứ giả văn hóa Huyền Trân, họ bày tỏ thái độ trân trọng hay ít ra là không dám khinh suất Đại Việt. Chính một xã hội có đạo như Đại Việt đã làm cho sứ giả Nguyên Mông khi sang ta cũng không dám hỗn xược, xấc láo như sang Chămpa. Ngược lại, sứ giả ta khi sang Nguyên Mông hầu hết đều thể hiện được lòng tự tôn dân tộc của mình. Đây chắc hẳn không chỉ là bài học dành cho quá khứ mà là thông điệp mang tính thời đại.

Bên cạnh văn hóa là việc khẳng định vai trò của những người con kiệt hiệt. Nếu không có những cá nhân kiệt xuất này, triều đại, dân tộc khó đứng vững chứ chưa nói đến sự trường tồn hưng thịnh. Có thể coi Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo… là những con người như thế. Dù lịch sử có thể phán xét các nhân vật này ở các mức độ khác nhau nhưng điều thống nhất yếu tố tạo nên sự kiệt hiệt ở những con người này là đều thuận theo lòng dân, đề cao văn hóa. Nói cách khác họ là những người trọng dân, trọng văn hóa.

Trần Thủ Độ là một hình tượng để lại nhiều dư địa cho các nhà tiểu thuyết. Trong Bão táp triều Trần, ông được liệt vào đấng kiệt hiệt. Hoàng Quốc Hải soi chiếu nhân vật ở nhiều góc nhìn khác nhau, song tựu chung, đã xây dựng nên hình tượng thái sư vừa mưu hiểm, khắc bạc đến tàn bạo nhưng cũng lại vừa quyền biến, trí dũng, độ lượng đến tuyệt vời. Tác giả gửi gắm thông điệp về sứ mệnh của văn hóa, hiền tài cũng qua những kiểu nhân vật như thế này. Mượn lời Hoàng tiên sinh, tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến 2 trong 7 đức tính của Trần Thủ Độ, đó là trọng người hiền, biết đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết.

Bên cạnh đó, nhân vật có sức ảnh hưởng lớn đến triều đại nhà Trần, lịch sử dân tộc là Trần Hưng Đạo. Tác giả Hoàng Quốc Hải đặc biệt dụng công với con người toàn tài này. Chân dung Trần Hưng Đạo được khắc họa từ nhỏ cho đến cuối đời. Ông là người hết sức chăm lo việc học, đặc biệt trọng dụng hiền tài. Trong phủ của Hưng Đạo vương, bên cạnh các gia tướng, gia thần còn biết bao môn khách. Ông là người dẹp bỏ thù hận cá nhân giữa dòng trưởng với dòng thứ để dốc toàn tâm, toàn ý cho đại cuộc. Nhờ vậy, cùng với binh nghiệp lẫy lừng, ông còn là người dâng nhiều kế sách cho việc trị nước. Trần Hưng Đạo chính là linh hồn của các cuộc chiến thắng thần thánh. Ông là hình mẫu của con người kiệt hiệt, những cá nhân có ảnh hưởng quyết định đến sự hùng cường của quốc gia, dân tộc.

 Bão táp triều Trần là cuốn tiểu thuyết đi hết triều đại nhà Trần nên bên cạnh nguyên nhân cường thịnh, Hoàng Quốc Hải cũng trả lời cho câu hỏi nguyên nhân bại vong. Tuy nhiên, tác giả không dụng công phân tích về sự suy tàn này mà coi thông điệp ở trên là một định đề mà khi đi ngược định đề ấy sẽ dẫn quốc gia dân tộc đến chỗ thất bại. Lịch sử chỉ là những mảnh ghép, những lượng thông tin rời rạc, câm nín. Tác giả vừa đắm chìm vào lịch sử, vừa xuyên qua lịch sử để phát đi thông điệp của tiểu thuyết. Trên chiếc giá lịch sử nhà Trần, tác giả đã treo bức tranh của thời đại mình, đó là việc phải luôn gìn giữ hai báu vật của quốc gia dân tộc: nền tảng văn hóa, hiền tài. Những cảm xúc thẩm mỹ của Bão táp triều Trần chủ yếu được tạo nên từ hiệu ứng của nguồn mạch tư tưởng đó, góc nhìn, quan điểm tiếp cận, cách kể là những phương diện để lại dấu ấn đậm nét nhất của bộ tiểu thuyết.

Lịch sử chỉ kể sự kiện theo chiều tuyến tính, phương thức kể chiếm gần như toàn bộ diễn ngôn lịch sử. Bão táp triều Trần có sự gia công về phương thức trần thuật. Bên cạnh phương thức kể giữ vai trò chủ đạo, tác giả có sự gia công khá lớn cho phương thức tả, bình, đặc biệt là các đoạn độc thoại nội tâm, trữ tình ngoại đề. Nhiều đoạn nhà văn sử dụng phương thức tả cảnh với ngôn ngữ đậm chất trữ tình nhằm tạo nên không khí, âm hưởng cho câu chuyện. Kiểu lời nửa trực tiếp kết hợp với việc kể chuyện ở ngôi thứ nhất, trao điểm nhìn cho nhân vật đã làm cho hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết trở nên đầy đặn, có góc cạnh, sinh khí. Người đọc có cảm giác như được hóa thân, được nhập cảm vào nhân vật để cùng thao thức, cùng lắng nghe tiếng lá xạc xào, tiếng trùng nỉ non, ai oán.

Lịch sử câm nín, vô hồn bởi sử quan chỉ ghi chép khách quan, trung thực chứ không thể hiện cái tôi chủ quan, càng không bộc lộ tình cảm riêng tư. Từ góc nhìn tiểu thuyết, hiệu ứng của việc hướng đến thông điệp tác phẩm, hiệu ứng của các yếu tố nghệ thuật tự sự đã tạo nên giọng điệu riêng cho Bão táp triều Trần. Viết về một triều đại đầy hào khí nên giọng tự hào, ngợi ca vẫn là chủ âm của tác phẩm. Tuy nhiên, trong cơn bão táp, triều đại ấy còn biết bao biến cố, sự kiện khác. Nếu giọng tự hào, ngợi ca cùng với giọng trữ tình, tha thiết dành để nói về những người con chính nghĩa thì Hoàng Quốc Hải cũng thể hiện giọng mỉa mai, giễu cợt đầy khinh bạc khi ông ném vào kẻ thù hoặc bè lũ vua tôi bất nhân, bất nghĩa: “Sài Thung có dáng điệu riêng của một người ở miền Nam Trung Quốc. Ông ta mập mạp hơi lùn vì cái bụng quá to. Nom từa tựa một cái thùng hình vuông…” (3). Ông còn dùng giọng cợt nhả, bông đùa để đặc tả viên chánh sứ khi bị quân ta truy đuổi, áp sát: “Cái bụng y to, cái chân y ngắn, lại tụt mất cả giầy, hai bàn chân mũm mĩm bị đất đá, gai sỏi chà sát rơm rớm máu tươi…” (4). Tác giả cố tình sử dụng các từ ngữ tỏ ra xưng tụng uy phong của nhân vật như quan chánh sứ, đại thần, quan lớn thiên triều, nhà Đại Nguyên; để sau đó tạo ra sự kệch cỡm, buồn cười bởi những dáng điệu cử chỉ như quần áo rách mướp, chân không giày, mặt mũi bị gai cào rớm máu, mũ cánh chuồn chiếc còn chiếc mất. Tác giả tỏ thái độ khinh miệt, coi thường tư cách của viên chánh sứ đúng như một tên hề, không hơn. Giọng điệu ấy càng được tô đậm hơn khi tác giả Hoàng Quốc Hải đặt trong sự đối sánh ngầm với các danh tướng của ta. Chân dung Trần Quang Khải hiện lên lồng lộng: “Dáng người nhanh nhẹn, cứng cáp, đi đứng uy nghi. Tiếng nói trầm mà vang” (5). Hào khí nhà Trần được xác lập có phần từ giọng điệu khẳng khái, kiêu hùng ấy.

Đối với giặc là thế, còn đối với những vị hôn quân, nhà văn cũng ném vào đối tượng này cái nhìn mỉa mai, trào lộng. Khi thái hậu vì bao hành động bại hoại của Trần Dụ Tông mà lâm trọng bệnh, tác giả đánh vào cái giả dối, ngu xuẩn của ông vua tối này bằng các chi tiết: “Với ông lúc này, một trăm đức Khổng Tử cũng không bằng bộ ngực con mỹ nữ mà ông đang khao khát tới cháy lòng” (6). Nguyên Dục hiện lên còn tệ hại hơn: “Ngực lép, lưng vẹo, da thịt nhăn nheo, nhũn nhẽo, khắp người điểm những nốt rỗ đậu mùa sâu hoáy” (7). Giọng hào sảng vang lên bởi khí thế núi sông ở các triều vua đầu tiên bao nhiêu thì giọng bất bình, căm giận đối với sự mục nát, suy sụp của các đời vua cuối thấm đẫm bấy nhiêu. Đúng là không còn từ ngữ nào đắt giá hơn để mô tả sự thác loạn, vô luân vô đạo ở cái thế nước suy vong này. Trong lúc vua quan ăn chơi vô độ thì dân chúng vì mất mùa, lũ lụt, bệnh dịch mà rơi vào cảnh điêu linh. Sự sa đọa lên cao sẽ đẩy triều đại, dân tộc đến vực thẳm. Đó là kết cục tất yếu. Chính giọng điệu là phương tiện để tác giả Hoàng Quốc Hải chuyển tải thông điệp của tác phẩm.

Hệ hình tư duy thay đổi đã mở đường cho tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại phát triển đa dạng. Bão táp triều Trần cũng hòa vào dòng chảy đó. Tuy không hư cấu đến mức làm chuyển hướng, thay đổi phạm trù thẩm mỹ so với lịch sử nhưng ông đã sử dụng lăng kính của tiểu thuyết để soi rọi vào các phạm vi hiện thực liên quan đến lịch sử. Ở tác phẩm này, lịch sử rõ ràng chỉ là một loại diễn ngôn của thời đại ấy, nhưng nhà văn đã cấu trúc lại, kiến thiết lại bằng thông điệp tiểu thuyết mang hồn vía của thời đại mình. Ông đã xây dựng được không khí thời đại, con người thời đại. Tư duy tiểu thuyết đã giúp trong việc tiếp cận, xây dựng hình tượng các nhân vật đầy đặn, có góc cạnh, giọng điệu… đó là việc giải mã nhân vật lịch sử dưới góc độ đời thường, theo quy luật thẩm mỹ. Hiệu ứng đó đã tạo ra cho người đọc những cung bậc cảm xúc khác nhau khi đi qua 6 tập của bộ tiểu thuyết trường thiên mà khi tiếp cận với văn bản lịch sử không thể nào có được, quan trọng hơn là sự thăng hoa cảm xúc khi bắt gặp thông điệp thẩm mỹ mà tác giả ký thác qua bộ tiểu thuyết. Với Bão táp triều Trần, tác giả Hoàng Quốc Hải đã tạo lập được một kiểu tiểu thuyết lịch sử riêng trong sự nở rộ của diễn ngôn tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

______________

1. Hoàng Quốc Hải, Kẻ sĩ trước thời cuộc, Nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 2014, tr.260.

2, 3, 4, 5, 6, 7. Hoàng Quốc Hải, Bão táp triều Trần, 6 tập, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2016, tr.205 – t6, 28, 20, 28 – t3, 27, 54 – t6.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 – 2018

Tác giả : TRẦN VIẾT THIỆN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *