Cọ xát mô thức văn hóa trong tiểu thuyết thần thánh và bươm bướm

Viết về đề tài nông thôn đương đại, những năm 90 TK XX, Thời xa vắng của Lê Lựu, Bến không chồng của Dương Hướng đã đánh dấu sự khởi sắc; các tác giả đã mạnh dạn lật xới những vùng mảng còn khuất lấp của hiện thực làng xã Bắc Bộ thời hậu chiến. Tiểu thuyết viết về nông thôn ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong sứ mệnh cách tân lối viết cũng như khai thác hiện thực đời sống. Đỗ Minh Tuấn phản ánh hiện thực nông thôn qua những xung đột văn hóa, dùng ngòi bút hiện thực để phơi bày sự hỗn độn, chằng chịt mâu thuẫn trong lòng xã hội nông thôn thời hội nhập. Trần Đình Sử từng nhận định: “Thần thánh và bươm bướm không chỉ là tiểu thuyết về người nông dân, nông thôn Việt Nam trong thời buổi kinh tế thị trường, về khát vọng, tâm tư của họ, số phận của họ, mà chủ yếu, còn là tiểu thuyết về văn hóa Việt Nam, tâm thức Việt Nam” (1). Sự quyết liệt của Đỗ Minh Tuấn khi khai thác hiện thực thể hiện qua những cọ xát, đụng độ về mô thức văn hóa.

Xung đột thế hệ

Xung đột thế hệ được nhà văn xây dựng qua cặp đối lập cha – con, đám trẻ – đám già. Trước hết, mâu thuẫn thế hệ trong phạm vi gia đình qua hình ảnh Cảnh – Giác; Thao – Chấn. Đỗ Minh Tuấn rất có dụng ý tạo đối thoại gay gắt giữa Giác với ông Cảnh. Đứa con trai trưởng thành ăn nói lếu láo, luôn mơ tưởng có được chiếc xe Win để oai với bạn bè, làng xóm, luôn thích thú cuộc sống tự do yêu đương theo giới trẻ Tây Âu: “Không biết từ lúc nào, nó thấy khó chịu với những hình ảnh đó, thấy ký ức lam lũ như một vật cản tương lai của nó. Tương lai của nó như một cái hè phố văn minh mà những bà già lam lũ như bà nó, mẹ nó không thể gánh hàng rong đi kiếm từng đồng xu ở đó. Rốt cục, chính nó lại là cảnh sát xua đuổi những hình ảnh lam lũ trong ký ức đồng quê buồn thảm ra khỏi cái đại lộ mênh mông hào nhoáng của cuộc sống văn minh mà nó ước mơ” (2). Trong khi đó, ông Cảnh luôn chắt chiu tiết kiệm, sống chừng mực, lo xa. Sự trái ngược suy nghĩ ấy chi phối hành động, cách ứng xử của hai cha con. Trước vận may đào được cái hũ sành đựng toàn vàng, ông Cảnh vội vã chọn chỗ cất giấu, càng kín tiếng càng đỡ tai vạ thì thằng con lại mon men tìm cách trộm của bố bằng được để thỏa mãn giấc mơ thượng lưu ăn chơi đàn đúm, thỏa thích niềm vui thực dụng. Từ ngôn ngữ đến hành động của nhân vật này chệch khỏi nếp sống, nếp nghĩ của những người dân lam lũ. Cũng có lúc, Giác nhớ lại những khoảnh khắc bình yên nơi làng quê nghèo, nhớ lại tuổi thơ trong trẻo nghịch ngợm với lũ bạn, có lúc lại thoáng sợ những niềm tin tâm linh nơi vật thiêng như cây gạo, hay tình thương với cái chết của ông Bổng, nhưng chút lòng tốt thoáng qua không đủ sức để thay đổi ý nghĩ của nó. Từ đầu đến cuối, Giác là nhân vật táo bạo, khá lưu manh, mánh lới. Sự thay đổi của Giác đã khúc xạ sự thay đổi của một nhóm thanh niên làng quê, khi mong muốn, nhu cầu của con người trở nên khác biệt theo tác động của cơ chế thị trường, của lối sống đô thị.

Đối với truyền thống thờ phụng tổ tiên, giữa Giác với ông Cảnh cũng là hai thái cực. Ông Cảnh bất lực khi đưa ra những từ ngữ truyền thống, gia phong để uốn nắn Giác. Hai cha con đụng độ nhau, Giác tung ra những ngôn ngữ bụi bặm, dung tục, dọa dẫm. Chi tiết bát hương trên bàn thờ là một chi tiết sâu sắc. Bát hương là vật thiêng biểu thị lòng thành kính, sự biết ơn của người đời sau đối với người đời trước. Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính cho rằng: “Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người” (3). Ông Cảnh hết mực coi trọng, gìn giữ nề nếp truyền thống, coi sóc gia tiên chu đáo; còn Giác lại lợi dụng chính tấm lòng của cha để thực hiện nhu cầu cá nhân. Hành động giật lấy bát hương vênh váo đòi đập vỡ của nó luôn khiến ông Cảnh sợ hãi, bế tắc. Nét xấc xược của thằng Giác như là mối đe dọa của một lối sống lệch lạc. Đỗ Minh Tuấn đã cảnh báo về những vết nứt truyền thống từ các nhân vật này.

Gia đình Thao cũng vậy, ông bố, bà mẹ cui cút 2, 3 giờ sáng nhặt hoa gạo, lá mít cho cậu con trai xưng thánh thực hiện hành động thiêng liêng, bí ẩn trong điện thờ. Thằng con dùng tất cả mánh khóe về tình dục, lợi dụng lòng tin mù quáng của người dân, sự âm u, đui mù tín ngưỡng để trục lợi. Chỉ sau một trận ốm, thằng Chấn tăng vút thu nhập, uy tín nhờ những trò ma mị bắt chước linh thiêng. Nó trở nên vênh váo vì nghĩ rằng vợ chồng Thao được ăn theo danh thơm của thánh. Đã có lúc, Thao không chịu được sự huênh hoang của thằng Chấn, hét thẳng vào mặt nó: “Mày còn giở cái giọng mất dạy sỉ nhục tao lần nữa tao phá hết cái điện này cho mày ra chuồng xí mà xưng thánh” (4). Chị gái Chấn là Minh, làm cave trên thành phố, mỗi lần về quê, cứ khó chịu với ý nghĩ của bố lại bỏ đi. Đỉnh điểm mâu thuẫn của hai cha con là khi Thao hỏi việc mua một khẩu súng, Minh cáu kỉnh nghĩ rằng bố thiếu hiểu biết để chàng Jôn, con trai một nghị sỹ Mỹ chê cười, còn tính sĩ diện của một người lính khiến Thao tự ái đến mức muốn từ mặt con. Thao cho rằng Minh đã bêu rếu cha mình, một người lính can đảm với một tên Mỹ. Đỗ Minh Tuấn đã tạo nên hai lớp người khác nhau: một bên sống tạm bợ, thực dụng; một bên tôn sùng quá khứ, níu chặt truyền thống. Cái tài của Đỗ Minh Tuấn là đặt các nhân vật vào tình huống dở khóc dở cười, trớ trêu, nghịch lý.

Đỗ Minh Tuấn còn xây dựng xung đột thế hệ qua hình tượng đám đông: đám trẻ, đám già. Thanh niên làng Tây Lợi hả hê trước món hời bán bọ hung, bươm bướm, lên tiếng sỉ vả các cụ nhà quê bám riết vào những niềm tin truyền thống làm mất đi cơ hội đổi đời. Dự án sân golf của ông Wang, người Đài Loan gặp phải sự ngăn cản quyết liệt của người làng Đông Phúc. Họ thậm chí còn đưa đứa trẻ nhiễm chất độc màu da cam nằm dưới gốc bưởi với lý do là chỉ khi hít thở hương cây bưởi kỳ lạ quanh năm bốn mùa nở hoa thì đứa trẻ mới sống được. Các cụ già nhất mực giữ lấy sân chùa, vị trí vốn có của làng. Một đám thanh niên ủng hộ tụ tập quanh gốc bưởi đánh tổ tôm, tá lả, canh gác không cho người của ông Wang chạm tới một chiếc lá trên cây. Sinh ra từ làng quê, gắn bó máu thịt với sân chùa, đình làng, những người nông dân không thể nào từ bỏ đi một tấc đất của mình. Lối sống duy tình, cách nghĩ thủ cựu càng làm dày lên ý nghĩ mãi mãi bảo vệ hình hài, linh hồn làng quê. Bên cạnh đó, một nhóm thanh niên mà nhà văn Đỗ Minh Tuấn gọi là thanh niên choai choai lấc cấc, nói cái giọng mất gốc, sùng Tây lại nhao nhao phản đối các cụ già. “Đây là cơ hội đổi đời, cả làng dời ra khu đất mới xây nhà mới mái bằng, đánh số đàng hoàng, lại chẳng đẹp hơn mấy cái nhà ngói ải cột mục và mấy cái giếng khơi nham nhở đá ong? Cái đình cũ dời đi thì dời, không có thì bỏ đi cũng chẳng sao, đó chỉ là nơi cỗ bàn hủ tục, dấu vết của thời phong kiến. Sau này Đài Loan họ đền bù thêm ta sẽ xây cái câu lạc bộ cho mọi người đến xem phim, nhảy disco, tắm hơi mat xa, chẳng sướng hơn ư?” (5). Thủy, cháu ông trưởng họ nêu ý kiến phải học theo Tây để được văn minh đã bị ông cụ đuổi cổ đi, cấm cửa không được về nhà. Thủy không đòi được tiền đền bù đất của ông Wang, mới quay sang đứng về phía các cụ. Hiện tượng tranh cãi, xô xát dẫn tới màn kịch bi hài về đời sống nông thôn trong thời mở cửa. Đám trẻ quá dễ dãi mở cửa đón cơ chế thị trường, nhưng đám già lại quá bảo thủ, cố chấp. Xung đột giữa đám trẻ với đám già tạo ra sự dùng dằng, phức tạp. Đỗ Minh Tuấn đã khéo léo cho người đọc nhận ra sự khó khăn của mô hình làng quê chuyển đổi thành đô thị, nông thôn hiện đại. Không dễ gì đưa cái mới du nhập vào vùng thôn quê khi nền tảng truyền thống với đầy đủ mặt ưu điểm, hạn chế vẫn đeo đẳng người dân. Cũng không dễ gì những nhân tố được coi là hiện đại mà quá xa lạ với văn hóa truyền thống lại được thẩm thấu. Điều đó khiến chúng ta càng phải ngẫm về bài học hội nhập văn hóa, biến đổi văn hóa.

Xung đột thành thị, nông thôn

Nhìn từ không gian văn hóa, mối xung đột này thể hiện ở hai mảng không gian đối lập nhau. Đó là không gian nông thôn với bờ đê, cánh đồng, cây bưởi, cây gạo, sân chùa. Không gian đô thị biểu hiện qua các phương tiện hiện đại, các dự án kinh tế với quy hoạch đất đai theo hướng tìm kiếm lợi nhuận. Đỗ Minh Tuấn chọn điểm nhìn là quá trình thay đổi hết sức nặng nề, chật vật của mô hình không gian làng quê thân thuộc sang mô hình đô thị hiện đại.

Quan trọng hơn, nhìn từ con người, chủ thể văn hóa, sự mâu thuẫn giữa lối sống thành thị với nông thôn thể hiện sâu sắc. Người nông dân chất phác, suy nghĩ thẳng thắn, quen nếp nghĩ giản đơn, nếp sống trọng tình mà cũng bị cuốn trong vòng xoáy của lợi nhuận. Ma lực đồng tiền, sản phẩm tiêu biểu của kinh tế thị trường, làm rạn nứt tình làng nghĩa xóm, tình cha con, anh em. Thao đốt cả trại vịt của một người bạn buôn bán ở Bắc Ninh vì nghĩ tới lợi nhuận kinh tế theo lời chỉ dặn của cụ Đồ. Chấn mờ mắt vì tiền, dục vọng, đã lợi dụng lòng tin của dân làng. Minh bán rẻ thân xác, say sưa lợi dụng tay người Nhật, người Mỹ để kiếm chác. Làng Tây Lợi chạy theo thứ phù phiếm bọ hung, bươm bướm. Cụ trưởng làng Đông Phúc vốn trọng tình trọng nghĩa, khi nghe dân Tây Lợi thuyết phục cũng trở nên do dự: “Cụ trưởng tiễn chân họ ra cổng rồi tần ngần đứng nhìn bức tường đá ong ẩm ướt sau mưa và gốc mít trĩu quả ở đầu hồi. Mấy con bồ câu đứng trên nóc nhà rỉa cánh, in bóng trên nền trời chiều sáng lóa” (6). Bươm bướm là ẩn dụ nghệ thuật độc đáo. Đó là hình ảnh vừa thực, vừa ảo, vừa phù du, vừa diễm lệ, phản ánh khát vọng đổi đời của người dân trong cơ chế thị trường.


 

Xung đột giá trị

Trần tục, thiêng liêng

Trong tâm thức của người nông dân, thần linh có một vị thế quan trọng. Điều này có cơ sở từ khát vọng được che chở, bảo vệ của người nông dân, khi mà cuộc sống của họ phải đấu tranh nghiệt ngã với thiên nhiên. Đồng thời, thần linh là lực lượng siêu nhiên tồn tại bằng niềm tin, sự ngưỡng vọng, tạo nên mối liên kết vô hình nhưng mạnh mẽ, bền vững của cộng đồng. Chính những yếu tố đó khiến cho mô hình văn hóa làng quê luôn xuất hiện rất nhiều đền, chùa, vật thiêng.

Tuy nhiên, trong Thần thánh và bươm bướm, Đỗ Minh Tuấn đã để thiêng liêng trộn lẫn xác phàm, thanh cao đụng độ với trần tục. Cách đặt vấn đề của Đỗ Minh Tuấn vừa mang tính chất cảnh báo cơn lốc đô thị đang làm rạn vỡ những ký ức văn hóa bền vững, vừa cho thấy cách nhìn giải thiêng, thế tục hóa những gì vốn được tụng xưng là cao cả, vĩ đại. Từ đó, giải phóng con người ra khỏi những suy nghĩ cực đoan, tuyệt đối hóa về thần thánh. Thần thánh hóa ra cũng chẳng phải là cái gì kinh khủng khi mà thằng Chấn qua một đêm ốm có thể tự xưng là Thánh Chấn. Bằng chiêu trò mê tín dị đoan, Chấn kiếm lời trên sự tin tưởng của người dân. Đỉnh điểm sự lố bịch là khi Thánh Chấn sử dụng những hình thức tình dục để thăng hoa tâm linh. Từ đây, người đọc hoài nghi vào sức mạnh của thánh thần, chua xót cho giấc mơ hão huyền của người dân.

Lối sống nông thôn được nhà văn nhúng vào thứ quỳ của chiến tranh, tình dục, lợi nhuận, tiền bạc, để từ đó thấy rằng thay đổi thân thể, tâm thức nông thôn không phải là chuyện một sớm một chiều.

Vị tha, toan tính

Xung đột giá trị giữa vị tha với toan tính thể hiện rõ nhất trong hình tượng nhân vật Thao. Ở Thao có ký ức đẹp đẽ của người lính, có phẩm chất hào hiệp của trượng phu. Khi rung lên cảm xúc với Liên, cô bé 16 tuổi, con của người đồng đội cũ được gửi cho Thánh Chấn chữa bệnh, có lúc Thao mơ màng nghĩ tới sự trong trẻo, thanh xuân. Thao bị cuốn vào một trò chơi tình cảm khi sử dụng phòng của Chấn để tự mình thực hiện cách chữa bệnh bằng tình dục cho Liên. Nhưng vết sẹo trên người cô bé đã đánh thức Thao về tình đồng chí, về ân nghĩa của những người lính can đảm, chính trực. Thao dừng lại vào đúng lúc mà hoa gạo đã được úp lên ngực, chỗ đẹp nhất trên cơ thể của Liên. Đỗ Minh Tuấn đã để Thao vượt lên tình huống thử thách bằng lý trí sắt đá của một người lính, bằng lòng tin đạo đức của người nông dân tử tế.

Thao hãnh diện, tự hào với những năm tháng cầm súng đấu tranh. Nhìn cách Thao tỉ mỉ rửa cọ, nâng niu khẩu súng đủ biết anh trân trọng những ngày tháng được làm một người lính thế nào. Thao sẵn sàng đấu tranh bảo vệ đứa con bệnh tật của Lôi, một người đồng đội cũ, cây bưởi như một vật thiêng của làng Đông Phúc khỏi cơn chấn động kinh tế thị trường. Tuy nhiên, Thao cũng là người tính toán. Chính Thao có lúc cũng vui mừng vì cơ hội làm ăn của Thánh Chấn. Thao viết thư cho Minh có ý để cậu Jôn bớt hiểu nhầm để đầu tư cho việc xây nhà thờ họ. Trước cơn lốc buôn bươm bướm, bọ hung của làng Đông Phúc, Thao cũng muốn nhờ Minh móc nối với Jôn để trù tính chuyện kinh doanh. Ý nghĩ, việc làm của Thao không phải tư lợi cho cá nhân anh, mà vì lợi ích của số đông.

Đỗ Minh Tuấn từng nói, ông viết Thần thánh và bươm bướm với cách nhìn của một đứa con thấm đẫm văn hóa ký ức của thời xưa, với những ấn tượng sâu sắc về cây đa, bến nước đọng lại từ tuổi ấu thơ. Đó là sự nhập thần của một nhà thơ, muốn đưa vào đứa con tinh thần những số phận nông dân mà mình ít nhiều đồng cảm, muốn chia sẻ với họ. Đỗ Minh Tuấn đã chọn góc nhìn độc đáo, đó là những tranh chấp cũ, mới, truyền thống, hiện đại. Những nhân vật, sự kiện như là những ký hiệu văn hóa, hiện lên với những mảng màu đối lập nhau; để từ đó người đọc nhận thấy nỗi nhọc nhằn, cay đắng của cuộc lột xác nông thôn sang thành thị.

Tiểu thuyết từ sau 1986 được đặt trong những điều kiện, thách thức mới. Công cuộc đổi mới 1986 với chủ trương nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, đã mở ra đường hướng mới cho nhà văn. Những trang văn viết về nông thôn luôn nóng hổi cuộc vật lộn sinh tồn, ghen ghét đố kỵ, thói bảo thủ hèn mọn, những khát khao khuất lấp, kìm nén. Đỗ Minh Tuấn đã viết nên một tác phẩm theo đúng tinh thần cách tân lối viết, đổi mới cách nhìn về hiện thực, con người như thế. Đặc biệt, Thần thánh và bươm bướm đóng đinh trong tâm trí người đọc những ám ảnh văn hóa nông thôn Việt thời hội nhập, xứng đáng là cuốn tiểu thuyết xuất sắc, như Nguyễn Xuân Khánh từng nói: “Cuốn tiểu thuyết hay phải là sự kết tinh văn hóa, nó phải bắt rễ vào tầng sâu thẳm của tâm hồn dân tộc, nó phải nói lên được cái khát khao ẩn ngầm, vô thức của cộng đồng đã đẻ ra ta” (7).

_______________

1. Trần Đình Sử, Thần thánh và bươm bướm, một  tiểu thuyết về văn hóa Việt Nam của Đỗ Minh Tuấn, vanhoanghean.com.vn.

2, 4, 5, 6. Đỗ Minh Tuấn, Thần thánh và bươm bướm, Nxb Văn học, 2009, tr.55, 159, 213, 214, 244.

3. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, 2015, tr.24.

7. Nguyễn Xuân Khánh, Suy nghĩ về hiện thực trong đổi mới tiểu thuyết, dẫn theo Đổi mới tư duy tiểu thuyết, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2002.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : HỒ THỊ GIANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *