Ý thức nữ quyền trong tác phẩm của nguyễn thị thu huệ và trì lợi

Ý thức nữ quyền, còn gọi là chủ nghĩa nữ quyền, bắt nguồn từ phương Tây, là một hệ thống tư tưởng, ngôn luận xã hội và hành vi chính trị nhằm đòi hỏi quyền, lợi ích bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, thể hiện tinh thần tự chủ của người phụ nữ. Nguyễn Thị Thu Huệ và Trì Lợi, hai nhà văn nữ tiêu biểu trên văn đàn Việt Nam và Trung Quốc thời hiện đại, đã chú trọng mô tả lối sống, tâm lý và số phận của người phụ nữ. Hậu thiên đường và Cuộc sống show là hai tác phẩm tiêu biểu của hai nhà văn này. Tìm hiểu ý thức nữ quyền được ẩn giấu trong hai tác phẩm trên giúp chúng ta hiểu được địa vị xã hội của người phụ nữ hiện đại trong xã hội Việt Nam và Trung Quốc.

1. Ý thức nữ quyền trong tác phẩm Hậu thiên đườngCuộc sống show

Nguyễn Thị Thu Huệ, sinh ngày 12 – 8 – 1966, quê ở Thanh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre, là một gương mặt tiêu biểu của truyện ngắn Việt Nam đương đại. Nguyễn Thị Thu Huệ thường thành công khi phác họa bức tranh cuộc sống của người phụ nữ. Thể hiện tình cảm một cách chân thực, sinh động, cách nghĩ, lối sống, số phận của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Chị luôn đứng về phía nữ giới, giúp người đọc đi sâu vào thế giới nội tâm của người phụ nữ, cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn của họ. Truyện ngắn Hậu thiên đường là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Thị Thu Huệ.

Hậu thiên đường nói về những trải nghiệm tình cảm của hai mẹ con. Người mẹ yêu phải một người đàn ông có vợ, khi mình còn quá ngây thơ. Vì người đàn ông hứa hẹn sẽ có một tình yêu trọn vẹn suốt đời, nên người phụ nữ đã dấn sâu vào mối tình mù quáng. Người phụ nữ dần mắc vào cạm bẫy mà người đàn ông đã cài đặt, lần lượt đánh mất cả trinh tiết, tình yêu và niềm hạnh phúc của mình. Người phụ nữ tưởng rằng mình đã bước vào một thiên đường tình yêu, không ngờ lại bị người đàn ông lừa dối. Sau cái thiên đường đó là một địa ngục đầy rẫy nỗi buồn tủi, đau thương, khổ sở. Người đàn ông chỉ chơi bời, sau khi làm người phụ nữ có bầu, đã bỏ đi mà không bao giờ quay về, để lại một địa ngục triền miên cho người phụ nữ lầm lỗi. Sinh được đứa con gái, người mẹ phải nuôi dưỡng con một mình. Người mẹ dường như đã mất hết cảm giác an toàn lẫn niềm tin vào tình yêu nên không muốn lấy chồng. Người mẹ hay thay đổi người tình, chỉ chơi mà không yêu, luôn thất vọng, bất mãn với đàn ông. Đối với con gái mình, người mẹ dù yêu thương thật lòng, nhưng không biết nên đối xử thế nào, không chú ý đến việc quan tâm, chăm sóc con, nên quan hệ giữa hai mẹ con ngày càng xa cách.

Người con thường cảm thấy cô đơn, trống rỗng, luôn ao ước được quan tâm, chăm sóc, yêu thương. Số phận thật éo le, khi người con 16 tuổi, đã gặp và yêu một người đàn ông bằng tuổi mẹ mình. Ông ta có một vợ, hai con, đối xử với cô gái keo kiệt, bủn xỉn. Tình cảm giữa họ giống như tình cảm bố con. Tình yêu có thể chỉ là một thứ tình cảm huyền ảo trong suy nghĩ của cô gái mà thôi.

Người con gái cảm thấy mình đang bước vào một thiên đường tình yêu, tràn đầy niềm hy vọng, hạnh phúc. Một cô bé vừa mới 16 tuổi làm sao biết được đằng sau thiên đường là một địa ngục đầy rẫy nỗi buồn rầu, sự đau thương. Qua sổ nhật ký của con, người mẹ biết được con gái mình đang yêu phải một người đàn ông giả dối, dù người mẹ cố gắng can ngăn nhưng người con không nghe. Số phận hai mẹ con thật trùng hợp. “Đó là trò đùa của số phận hay là một sự trừng phạt lớn nhất đối với mình?!”. Người mẹ đau đớn, dằn vặt, rồi bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông thê thảm. Sự ra đi của người mẹ để lại cho người con, cho độc giả, thậm chí cho cả xã hội một câu hỏi: Tình yêu có nên chiếm lấy toàn bộ cuộc sống của một người phụ nữ hay không? Người phụ nữ nên đối xử với tình yêu như thế nào?

Qua tác phẩm này, Nguyễn Thị Thu Huệ đã nhắn gửi tới người đọc một thông điệp, đó là trên con đường theo đuổi tình yêu và hạnh phúc, người phụ nữ Việt Nam thường phải trải qua biết bao khó khăn, vất vả. Họ ao ước có một tình yêu bình đẳng, ngọt ngào, nhưng vì sống trong một xã hội còn nặng tư tưởng phụ quyền, nên trong tiềm thức, người phụ nữ lại cho mình như là những đồ vật phụ thuộc quá nhiều vào đàn ông. ở Trung Quốc có một câu nói: “Nữ tử vô tài tiện thị đức”, nghĩa là phụ nữ không có tài chính là người đức hạnh. Câu nói này đã làm cho biết bao phụ nữ mất đi quyền lợi được phát triển, hoàn thiện nhân cách.

Trong xã hội Việt Nam hiện nay, địa vị xã hội và trình độ học vấn của người phụ nữ đã được nâng cao, tạo điều kiện để người phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Họ đã kế thừa sự cần cù, dũng cảm của thế hệ trước, lại cẩn thận, đảm đang và năng động trong xã hội hiện đại. Có thể nói, phụ nữ Việt Nam thường là những người biết kính trên nhường dưới, chung thủy với chồng, biết chăm sóc, giáo dục con cái cẩn thận. Người phụ nữ luôn hết lòng cho gia đình. Đảm đang, cần cù, chất phác là ba phẩm chất truyền thống của người phụ nữ xưa, tiếp tục được phụ nữ Việt Nam thời hiện đại kế thừa, phát huy bên cạnh những phẩm chất mới được hình thành trong xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, trong sự giao thoa văn hóa hiện nay, càng ngày càng nhiều thanh niên Việt Nam đã hình thành ý thức mới về tự do, bình đẳng. Quan niệm đạo đức của họ cũng có sự thay đổi. Không ít phụ nữ bắt đầu nghi ngờ mình có nên suốt ngày chỉ lo việc nhà hay không? Phụ nữ có thể đóng vai trò ngang với nam giới trong xã hội hay không? Họ không muốn bị trói buộc, mà đòi hỏi quyền bình đẳng trong quan hệ gia đình, quan hệ giới và rộng ra là quan hệ xã hội.

Trì Lợi, sinh ngày 30 – 5 – 1957, quê ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, là Chủ tịch Hội Liên hiệp Nhà văn của tỉnh. Trì Lợi đã sáng tác nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, giữ vai trò quan trọng trên văn đàn hiện đại Trung Quốc. Tác phẩm của Trì Lợi đã phác họa thành công cuộc sống hàng ngày của những người dân bình thường, nhất là người phụ nữ. Nhân vật trong tiểu thuyết của Trì Lợi vừa quen lại vừa lạ. Ta dường như đã gặp những nhân vật phụ nữ này ở đâu đó. Song ở họ vẫn có nét hấp dẫn, quyến rũ.

Cuộc sống show là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Trì Lợi. Trong tác phẩm này, nhân vật chính là: Lai Song Dương. Cô sinh ra, lớn lên ở một khu phố nghèo của thành phố Vũ Hán. Mẹ Dương qua đời khi Dương chưa tròn 15 tuổi. Dù có một anh trai, nhưng là con gái cả trong nhà, Dương buộc phải thôi học, đi làm ở một nhà máy để giúp đỡ gia đình. Không ngờ chỉ một năm sau, Dương bị nhà máy sa thải vì đã gây ra một vụ tai nạn lao động. Lúc bấy giờ, em gái Dương là: Lai Song Viên, đang học cấp một; em trai là: Lai Song Cửu, chưa tròn một tuổi. Gánh nặng gia đình quá nhiều khiến bố Dương không chịu nổi, bỏ nhà ra đi, rồi tìm một hạnh phúc mới.

Đối với Dương, bố là một người đàn ông nhu nhược, hèn yếu, thiếu trách nhiệm, tình thương. Với Dương, đàn ông là một loại người không đáng tin cậy, phụ nữ phải biết sống dựa vào chính mình. Dương bắt đầu bán đậu phụ rán ở một quán ven đường để nuôi em trai, em gái. Lòng Dương tràn đầy dũng khí, niềm tin vào cuộc sống, chan chứa niềm hy vọng về tương lai. Dương đúng là một người phụ nữ dũng cảm, tự tin, giàu nghị lực.

Trong tác phẩm của Trì Lợi, phụ nữ thường là những người sống thực tế. Họ luôn nỗ lực phấn đấu chống lại số phận rủi ro của mình. Dương không muốn lấy chồng, vì thiếu lòng tin đối với đàn ông, hơn nữa cô đã tự nguyện gánh vác tất cả trọng trách gia đình trên đôi vai mình. Dương suy nghĩ: “Việc quái gì mà phải có chồng!” (1), “Là đàn bà thì phải sống dựa vào mình!” (2). Đây chính là ý thức nữ quyền trong tiềm thức của cô.

Tất nhiên đối với Dương, ý thức nữ quyền chưa phải là một ý thức tự giác, mà chỉ mang tính bản năng, bắt nguồn từ những từng trải của mình. Cô sống một cách độc lập, không bao giờ chịu dựa vào người khác, nhất là đàn ông. Đối với những người đàn bà này, đồ ăn thức uống là những thứ quan trọng hơn nhiều so với tình yêu. Họ không cần sống dựa vào đàn ông, nên cũng không chịu bước vào một tình yêu để mình bị trói buộc. Họ đòi hỏi sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Vì họ tin rằng phụ nữ có thể làm được tất cả mọi việc như đàn ông. Họ tôn thờ chủ nghĩa hiện thực, cuộc sống vật chất là trên hết.

Trong tiểu thuyết này, Trì Lợi chú trọng mô tả ưu thế tâm lý của người đàn bà đối với đàn ông. Cô Lai Song Dương rất khinh bỉ Lai Song Nguyên, anh trai duy nhất của mình. Cô cho rằng anh Nguyên chỉ là một người đàn ông thiếu năng lực và trách nhiệm. Dù lái xe trong Ủy ban Nhân dân tỉnh, nhưng không bao giờ giúp đỡ anh em trong nhà, thậm chí không chịu nuôi con trai mình. Dương đã lên án: “Anh không ra anh, bố không ra bố!”.

Còn đối với ông Trác Hùng Châu, một người đàn ông hâm mộ, yêu thương Dương thật lòng, cô vẫn dửng dưng. Ông Châu là một người đàn ông có văn hóa, lịch sự, giàu có. Ông được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nền nếp, được giáo dục chu đáo. Mặc dù hoàn cảnh gia đình, trình độ văn hóa của hai người khác hẳn nhau, nhưng ông Châu vẫn yêu Dương chân thành. Tuy nhiên, Dương vẫn lạnh lùng, xa lánh vì biết rằng khoảng cách giữa hai người không chỉ ở địa vị xã hội, mà còn ở chính tính cách và cách nghĩ. “Ông Châu hâm mộ mình, chính vì mình đã trải qua nhiều khổ sở và vất vả mới giành được thành công. Nhưng người mà Châu yêu chẳng phải là bản thân mình đâu, mà chỉ là cái mẫu đàn bà trong sức tưởng tượng của ông mà thôi, chứ không phải là một người chân thực như mình”(3) Dương đã tâm sự.

Như vậy, qua nhân vật Lai Song Dương, tác giả Trì Lợi đã gửi gắm ý thức nữ quyền khá rõ nét. Đàn bà cần chiếm ưu thế về tâm lý hoặc về tình cảm đối với đàn ông, như vậy mới có thể làm thay đổi những quan niệm xã hội do đàn ông đưa ra, thực hiện được sự bình đẳng chân chính giữa nam giới và nữ giới.

2.  Ý thức nữ quyền và địa vị xã hội của người phụ nữ đương đại ở Trung Quốc và Việt Nam

Trong suốt mấy nghìn năm qua, hệ tư tưởng Nho giáo đã thấm sâu vào văn hóa Trung Hoa. Nho giáo coi trọng phụ quyền, nhấn mạnh sự kính nể và uy tín của người chồng trong gia đình, chú trọng tầng lớp và trật tự trong xã hội. Trong hệ tư tưởng Nho giáo, người đàn ông là quân tử, có địa vị xã hội cao hơn nhiều so với phụ nữ.

Khổng Tử có một câu nói rất nổi tiếng: “Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã”, nghĩa là: duy có bọn con gái và tiểu nhân là khó dạy bảo. Trong văn hóa Nho giáo, phụ nữ luôn có địa vị xã hội thấp, buộc phải tuân theo những quy phạm xã hội, chuẩn mực đạo đức do đàn ông đặt ra. Phụ nữ chỉ là một đồ vật phụ thuộc vào đàn ông mà thôi.

Khác với Nho giáo là một hệ tư tưởng dương, Đạo giáo có thể xem như một hệ tư tưởng âm, cũng là một hệ thống văn hóa mẹ. Lão Tử đã nói: “Thiên môn khai hạp, năng vi thư hồ?” nghĩa là: cửa trời chi phối mọi việc mà chỉ đóng vai con mái được chăng? Trong hơn năm nghìn năm lịch sử Trung Quốc, Nho giáo và Đạo giáo đã thấm vào nhau, có ảnh hưởng sâu sắc tới văn hóa Trung Hoa. Dù văn hóa Nho giáo chiếm một vị trí thống trị, nhưng văn hóa Đạo giáo với màu sắc mẫu tính êm ái cũng đã thấm sâu vào tâm hồn dân tộc Trung Hoa. Người Trung Quốc bao giờ cũng kính mẹ, yêu mẹ, dù người phụ nữ thường phải phụ thuộc vào đàn ông, nhưng vai trò quan trọng của họ không hề bị phai nhạt.

Qua tác phẩm Cuộc sống show của Trì Lợi, chúng ta có thể nhận thấy phụ nữ đương đại của Trung Quốc không còn coi tình yêu là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống của mình. Họ sống một cách độc lập, thoải mái, tự do, không còn tuân theo tiêu chuẩn và yêu cầu của đàn ông nữa. Phụ nữ không chịu sống dựa vào đàn ông, không cho mình là đồ vật phụ thuộc vào đàn ông. Đúng như Qua Tuyết, một nhà phê bình văn học đã đánh giá: “Trì Lợi chú trọng thể hiện một loại triết học sinh tồn trong tác phẩm của mình. Miễn là có khả năng, có dũng khí mà có thể sinh tồn tại một thế giới khắc nghiệt như thế thì có thể được coi là người hùng trong đời người” (4).

Phụ nữ Trung Quốc hiện đại luôn có ý thức tự chủ. “Họ không còn là người mẹ, người vợ hay người yêu của kẻ này người nọ, họ là những người độc lập chỉ thuộc về chính mình. Tôi là một người đàn bà, nhưng tôi chỉ thuộc về bản thân tôi”(5). Trong xã hội hiện nay, chúng ta không thể chỉ coi phụ nữ là biểu tượng của sự yếu đuối, nhát gan. Họ đã có phương thức sinh tồn hoàn toàn mới. Người phụ nữ độc lập về cả kinh tế lẫn tình cảm, sống một cuộc sống tự do, thoải mái.

Đối với phụ nữ Việt Nam thời hiện đại, ý thức nữ quyền cũng được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Về quyền hôn nhân và gia đình, qua tác phẩm Hậu thiên đường, có thể thấy, phụ nữ Việt Nam bây giờ không chỉ có những người hoàn toàn phụ thuộc vào đàn ông mà họ đòi hỏi quyền tự do yêu đương, tự do hôn nhân. Nếu thiếu lòng tin đối với hôn nhân và gia đình, họ lại chỉ yêu mà không cưới. Điều này thể hiện sự phản kháng của phụ nữ Việt Nam đối với đàn ông, đối với xã hội phụ quyền điển hình của phương Đông. Xét cho cùng, ý thức nữ quyền đã được dấy lên trong xã hội Việt Nam hiện nay. Người phụ nữ Việt Nam cũng đã đứng lên đấu tranh vì quyền lợi của giới nữ. Họ có thể quyết định số phận, địa vị xã hội của mình ngày càng ngang bằng với đàn ông.

Khác với Việt Nam, Trung Quốc đã trải qua một cuộc cách mạng đặc biệt, đại cách mạng văn hóa, kéo dài mười năm vào cuối thập kỷ 60 TK XX. Cuộc cách mạnh này đã làm thay đổi nhiều quan niệm truyền thống của người dân Trung Quốc, trong đó có quan niệm về người phụ nữ. Chủ nghĩa hiện thực đã trở thành một môn triết học được người ta khẳng định, theo đuổi.  Như vậy, không ít phụ nữ đã bỏ qua tình yêu, hôn nhân, họ muốn dựa vào chính mình, không chịu sống dựa vào đàn ông. Họ nhấn mạnh tính độc lập của người phụ nữ, nên không muốn thể hiện mặt yếu của mình trước đàn ông.

Nếu dùng một câu để đánh giá ý thức nữ quyền của người phụ nữ hiện đại của Trung Quốc và Việt Nam thì chúng tôi thấy rằng, phụ nữ Trung Quốc đã trở thành nữ anh hùng. Họ sống một cách độc lập, tự chủ và hiện thực. Sinh tồn là triết học lớn nhất trong cuộc đời họ. Còn phụ nữ Việt Nam, dù chống lại xã hội nam quyền nhưng chỉ dùng cách đấu tranh dịu dàng, mềm mại. Vì họ vẫn là những người đàn bà, một loại người làm bằng nước, bao giờ cũng ao ước có cảm giác an toàn, mối tình yêu chân thành, ngọt ngào (6).

_______________

1, 2, 3. Trì Lợi, Cuộc sống show, Nxb Văn nghệ Nam Kinh, 2007, tr.15, 16, 83.

4. Qua Tuyết, Hai bản mẫu trong sáng tác phi nữ tính, Tạp chí Bình luận văn nghệ, số 3, 2000, tr.23.

5. Hoàng Lâm, Vương Quang Minh, Đối thoại giữa hai giới tính – Nữ tính và Văn học Trung Quốc TK XX, Nxb Hội Liệp hiệp Văn nghệ Trung Quốc, 2001, tr.126.

6. Đây là thành quả của đề tài sáng tạo thực tiễn năm 2012 của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa và Văn học nước ngoài, Trường Đại học Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông, Trung Quốc. Tên đề tài là: Nghiên cứu ý thức nữ quyền trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ và Trì Lợi.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : MÔNG LÂM

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *