Tính cách nam bộ qua tác phẩm của sơn nam và mạc can

Bài viết này thử sử dụng một phương thức tiếp cận liên ngành để giải thích cơ sở tạo hình nên tính cách nhân vật văn học qua một trường hợp cụ thể là Tấm ván phóng dao của Mạc Can, dựa vào quy chiếu từ những lý giải của Sơn Nam về không gian văn hóa ảnh hưởng đến tính cách con người Nam Bộ ở cuốn biên khảo Đồng bằng sông Cửu Long – nét sinh hoạt xưa và Văn minh miệt vườn

Sơn Nam được biết đến không chỉ là nhà văn mà còn là nhà Nam Bộ học. Tác phẩm của Sơn Nam phần lớn bàn về đất, con người, lịch sử khẩn hoang, phát triển của Nam Bộ. Bằng một bút pháp giản dị, Đồng bằng sông Cửu Long – nét sinh hoạt xưaVăn minh miệt vườn đã dựng nên một bức tranh sống động về những sinh hoạt văn hóa vào cuối TK XIX, đầu TK XX. Ở tác phẩm này, người đọc sẽ du hành qua lục tỉnh, được hiểu về quá trình khẩn hoang ở ĐBSCL với sông rạch, rừng chồi, đầm lầy, là môi trường của sốt rét mãn tính; đến việc hình thành nên nết ăn, nếp ở, tập quán, sinh hoạt của con người vùng văn hóa Nam Bộ. Sức sống của vùng đất từ thời kỳ khai hoang qua nhiều thế hệ đã tạo nên chân dung diện mạo một vùng văn hóa trong đó định hình nên dân tộc tính, để rồi tinh thần đó đã bám rễ vào sáng tác văn chương của những người đã từng gắn bó sâu sắc với mảnh đất này.

Theo Sơn Nam, vùng ĐBSCL chưa bộc lộ được tính cách trong thời gian khá dài. Sự chậm trễ này là quy luật. Lý do là lưu dân miền Trung vào vùng đất này ban đầu chỉ để giải quyết chuyện cơm áo, “không tị nạn chính trị, tránh kỳ thị tôn giáo hoặc tìm đất mới để rao giảng đạo pháp” (1). Trong quá trình tiếp xúc với người Khơme, người Hoa, người khác ta về phong tục, tập quán, sự va chạm này đã tạo nên tâm thế đối phó, cân nhắc, so sánh, từ đó điều chỉnh, thích ứng mềm dẻo với môi trường sống, nhất là đối với lứa con cháu trẻ tuổi mới lớn. Môi trường tự nhiên là một trong những điều kiện chi phối sự chuyển đổi phương thức sống của người dân nơi đây như dễ thay đổi nơi cư trú, đi tìm mảnh đất nào dễ làm ăn. Do đó, họ dễ dàng chấp nhận sống lưu động, thay đổi nghề nhanh chóng. Mặt khác, do nguồn lợi thiên nhiên sẵn có, mùa màng, cá tôm năm sau dồi dào hơn năm trước nên họ “thích làm cật lực cho rồi việc, chớ không làm rề rề như lục bình trôi. Xong rồi nghỉ, lo việc khác, bằng không thì vui chơi thoải mái” (2). Đồng bằng là kiểu văn minh sông rạch, mối quan hệ giữa người với người cũng nhờ chiếc ghe là phương tiện giao thông qua sông đối đãi bình đẳng, không câu nệ, không cần trả ơn. Bởi họ quan niệm, vốn liếng, nhà cửa, sức khỏe, sinh mạng hiện còn được là nhờ bạn bè, người dưng. Vì vậy, người nơi đây thích làm quen với người nghèo, giúp đỡ kẻ sa cơ thất thế, ghét kẻ thay lòng đổi dạ, không chấp nhận những kẻ năng thuyết bất năng hành, không ưa cách nói vòng vo tam quốc, rào trước đón sau, tính khí nóng nảy, bộc trực, lắm khi đến mức thô bạo. Nét tính cách truyền thống đó, đến nay vẫn được di dưỡng, dù cho vùng đất lục tỉnh đã trải qua những giai đoạn bị đảo lộn xã hội. Thói giữ đạo nhà vẫn là một cốt cách khó đổi của con người vùng đất Nam Bộ nhất là trong xã hội đang đầy những bất ổn, tha nhân, thậm chí cả khi họ phải đối mặt nhọc nhằn với cuộc mưu sinh.

Khi viết về vùng đất này, Sơn Nam đã viện dẫn ý của nhà văn Dương Nghiễm Mậu viết về Hồ Biểu Chánh như sau: “Đất miền Nam đã quyến rũ ông là bởi con người nơi đây chất phác, hào sảng, đơn giản, thẳng thắn, hiếu khách, không hình thức lễ nghi ràng buộc một cách khắt khe” (3). Trong Tấm ván phóng dao, Mạc Can cũng đã xây dựng nên con người Nam Bộ theo hệ hình giá trị trên, chỉ có điều nhà văn chọn điểm rơi cho nhân vật, là câu chuyện thế sự về cuộc đời của những con người trôi dạt phiêu binh về cơm áo ở Nam Bộ một thời qua hình ảnh gia đình hoàng gia trên chiếc ghe hát có 6 người: cha tôi, mẹ tôi, 3 anh em tôi, chú Tài say.

Ngay ở những trang viết đầu tiên, hình ảnh cha tôi với tướng người nhỏ thó thấp lùn xuất hiện với tư cách là một người hát rong, sống lưu linh lưu địa, tính tình hào phóng vô lo, lại khá nóng nảy. Ông cũng biết cách pha trò, kể chuyện tiếu lâm, có khi đi một bài quyền, hay nói một chút tiếng Tây, Tàu, Miên. Ông không nề hà việc gì, miễn sao có thể nuôi nổi đoàn xiếc Nghệ Tinh. Người nghệ sĩ như ông đôi khi quên mất mình đang trên sàn diễn, không hiếm lần gây lộn với khán giả nếu như có ai nói sốc ông. Tính cách của ông, như Trịnh Hoài Đức nói, đó là sĩ khí hiên ngang, nhất là nếu thấy đám du thử du thực, trà trộn trong gánh hát, móc túi ai, chẳng kể ở đâu, “ông nhảy tới túm cổ nó thoi liền tại chỗ, dù chỉ là ngón đòn sa bù lu nhưng cũng đủ làm bọn móc túi lỗ mũi ăn trầu” (4). Con người nghĩa hiệp ấy, thấy chuyện bất bình chẳng tha, thêm vào cái tính nóng như Trương Phi, nhưng ai ai cũng quý. Ông không thích người giàu có. Tay biện chà hống hách, ông rất ghét, đến cả khi diễn trên sân khấu, ông còn khéo tạo hình nhân bằng giấy với nhiều lời bóng gió tới y.

Còn mẹ tôi là một người đàn bà bình dân, vui tính, không biết chữ, đổi lại, nhiều trí tưởng tượng. Tuy bà ít học nhưng yêu thương con cái, dù tình yêu thương của bà dành nhiều nhất cho anh Hai, ưa quan sát, có thói quen bắt chước giỏi, lại biết tằn tiện, phòng xa.

Những con người trong truyện chật vật mưu sinh sống qua ngày, bằng nghề mãi võ, bán thuốc dạo, gặp những hôm trời mưa, không diễn được, món ăn họ có chỉ là cháo với nước mắm rô ti, có khi là nước mắm kho quẹt, mặn đắng lưỡi. Những khi có buổi diễn trò, khán giả tới xem đông, cả nhà lại được thưởng thức món thịt kho hột vịt. Ngày qua ngày, trên nhịp đời chậm rãi, những anh nghệ sĩ nghèo của đoàn xiếc Nghệ Tinh vẫn cố mày mò những màn diễn mới, khách đến mua bao thuốc dạo cũng bởi yêu quý Sạc lô Trần; anh hề diễn sân khấu đúng là phải kiếm cơm nuôi cả gia đình nhưng vẫn sẵn lòng biếu không những suất vé diễn cho kẻ nghèo hèn, dù chả dư dật gì cho cam.

Nếu Sạc lô Trần là một người vô lo, giang hồ lãng tử, trọng nghĩa khinh tài tiêu biểu cho con người vùng đất Nam Bộ theo kiểu trong lu chiều nay còn chút gạo, ngày mai hẵng tính, có gì đâu mà lo khi trên bến dưới thuyền, cá mắm, tôm cua đều sẵn có, thì người anh, vị hoàng tử cũng đói khổ cùng cực như mọi người lại “ít nói, trầm tính, tỉnh táo bởi nỗi khổ của riêng anh và quen chịu đựng” (5). Hàng ngày mỗi người theo đuổi một ý thích, anh Hai hay ngồi quán nước với mấy người bạn giống như anh, anh Ba hay nằm thủ thỉ một mình với tấm ván phóng dao, cha thì luôn đi đâu đó với chú Tài say, em Tư lúc nào cũng nằm trong một góc tối với xâu chuỗi, quyển kinh, mẹ say sưa với câu chuyện bói toán trên những lá bài. Trong góc riêng của từng người, anh Hai lại khó gần với anh Ba, em Tư dù anh dễ thương, hiền lành, là người mộc mạc, giản dị, nói chuyện nghe rất hay, khát vọng nóng bỏng, táo bạo, nguy hiểm, khá phiêu lưu (6).

Tấm ván phóng dao, người đọc sẽ nhìn ra được những tính cách đặc sệt Nam Bộ. Một mặt, Mạc Can vẫn tái hiện được con người vùng đất 2 mùa mưa nắng, mặt khác, vin vào tính cách người lục tỉnh, nhà văn thể hiện được những xáo trộn tâm lý, bị kéo giãn ra, tròng trành, đứt gãy trước sự xâm lấn đầy ám ảnh về lẽ sinh tồn. Ông Trần việc gì cũng muốn con cái làm theo, nếu ông chịu lắng nghe một chút thì anh Ba sẽ đâu có cảm giác rằng trong ông luôn có 2 con người, xa lạ với anh. Một con người trước mặt con cái tỏ ra nghiêm nghị, ít khi tới gần hay nói chuyện nhưng ẩn sau đó là nỗi buồn. Nỗi lo hằn trên khuôn mặt, ông ngồi tư lự, hút gần hết bao thuốc. Nghề xiếc vừa như một nghề để sống nhưng quan trọng hơn nó còn là tổ nghiệp, mà với ông gánh hát nghèo nàn duy trì trên vài thước sân khấu đất, đã khiến ông đi hết cả một đời người. Cho nên, đằng sau những nụ cười bỡn cợt, cha tôi già nhanh hơn, mái tóc điểm bạc; mẹ tôi thì không giấu nổi bệnh suy tim. Nói như lời nhân vật tôi: “Dù cho mọi người không thể chọn trước cho mình một cánh cửa để chào đời song khi đã đứng bên một dòng sông nào, uống ngụm nước ngọt của dòng sông đó, yên bình trên mảnh đất hiền hòa nuôi mình lớn lên như tôi, hay với những lữ khách khắp bốn phương trời, thì đất dưới chân mình, chính là quê hương mình” (7). Đây cũng là cách mà Sơn Nam lý giải sự định hình tính cách của người Nam Bộ. Thấp thoáng đâu đó trong Tấm ván phóng dao vẫn là con người hiếu khách, không khó tính, siêng làm để có ăn, chuộng lẽ công bằng, cư xử vị tha, không ích kỷ, chuộng nghĩa khí, nghiêng về phía người bị áp bức (Sạc lô Trần, anh Điệp), ít phân biệt sang hèn, thích khôi hài (anh Tùng, chú Tài say).

Tuy nhiên, con người Nam Bộ còn được Mạc Can tìm đến những trường biến thiên tính cách mang hơi hướng hiện đại như là một sự trải lòng đầy trăn trở về những kiếp người nghèo hèn, tạo nên bản hòa điệu đầy đủ hơn về con người vùng đất phương Nam nói riêng. Bắt đầu từ anh Ba, tự nhận mình là Sancho Panza hay thằng gù Quasimodo, với những ước mơ không thành, là “một con người buồn cười, rối rắm, khó hiểu, môi mép và có vẻ không bình thường” (8) trong mắt của mẹ, luôn ám ảnh với nhiều câu hỏi đầy lòng trắc ẩn, một nỗi buồn nặng ký lắm. Hay một chị Phương – con gái ông chủ rạp chiếu bóng, người giàu từ trong trứng giàu ra, tướng người mảnh khảnh, khuôn mặt vui vẻ, hồn nhiên dễ làm quen; nhiều khi khó đăm đăm, cái nết con nhà giàu nhưng sau đó chị lại hay khóc, vì có những điều khó nói thành lời khi nhìn màn phóng dao lao vút về cô em gái yếu ớt mong manh đang co rúm, run rẩy. Cô Tư – một cô đào mơ mộng ban đầu khi đứng trước màn phóng dao, sau đã chua xót nhận ra mình bất thường, do chưa bao giờ có niềm vui, hạnh phúc. Cách mà Mạc Can đưa đến cho người đọc là những con người trên mui ghe của gánh hát, với bốn cõi là nhà, ở từng vùng đất dòng sông, nơi họ đi qua, đã lưu cữu tính cách, con người họ. Cha là người du mục hẩm vận, không biết lo xa nên ngày mỏi mòn phải rã gánh hát cũng là ngày cha không chuẩn bị gì cho các con, không một cái nghề trong tay, không một đồng xu khởi nghiệp. Mẹ thì biết tiên liệu mọi bề. Anh Hai đi biệt tăm sau lần diễn phóng dao mất tập trung. Anh Ba với khuôn mặt của một người tử tế, ánh mắt dịu dàng, đôi mắt biết cười nhưng ưu tư phiền muộn rồi cũng như mẩu bút chì vụn trên bàn chực biến mất. Còn cô em sống gần ai được, cô sợ gần hơi người, xác xơ không ra hình người nữa, tâm can bấn loạn, bất thường… Trong biển đời nhọc nhằn sinh kế, những con người vùng đất Nam Bộ đang phải đối mặt với những nguy cơ tha hóa nhân cách khi lòng nhân ái phải đối chọi với thói phi nhân, cái xấu, sự vô tâm, bàng quan luôn ẩn náu trong từng con người. Đó là một lối đi khác của Mạc Can để khẳng định hồn cốt, tính cách người Nam Bộ vẫn là một dòng chảy bất định trong dòng đời hiện đại đầy hỗn tạp.

Không quá chú tâm vào cốt truyện, Tấm ván phóng dao bị phân mảnh từ sự kiện, suy tư, hồi nhớ đến triết lý. Tất cả luân phiên chuyển đổi vào nhau một cách linh hoạt, khắc họa được nội tâm nhân vật, những lớp vỉa tâm hồn ẩn dấu dưới bề nổi tính cách mang dấu ấn riêng cho từng nhân vật. Nói như Văn Giá, tiểu thuyết Tấm ván phóng dao “bộc lộ qua những tưởng tượng, những mơ mộng, xúc cảm của nhân vật trước cảnh trời mây sông nước những thân phận người muôn mặt với thổ âm từ vị riêng, những tập tục sinh hoạt mang đầy phong vị phương Nam, hồn riêng Nam Bộ, âm vọng văn hóa truyền thống, bàng bạc, quyến luyến tấm lòng người đọc” (9).

Bên cạnh truyện ngắn, tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của Mạc Can đã xây dựng được những nhân vật mang nhiều nét điển hình cho tính cách, tâm hồn, lối sống của con người Nam Bộ. Vẫn chứa đựng những nét dung dị khi lột tả tính cách nhân vật nhưng “Tấm ván phóng dao không sáo mòn, nó chân thực và độc đáo ở nhiều mặt, vừa mang chiều kích phổ quát của số phận con người, vừa được thể hiện cụ thể trong điều kiện xã hội tương đối bình dị, không khí của lục tỉnh miền Nam” (10). Tất cả điều này trở nên rõ ràng hơn khi ta hiểu cách Mạc Can xây dựng nhân vật qua Tấm ván phóng dao. Quy chiếu vào những gì Sơn Nam viết ở cuốn biên khảo, Mạc Can đã không đóng khung đề tài trong sách vở, không câu nệ, gò bó kiểu hàn lâm, mà mở rộng, đẩy mọi suy tư về kiếp người ngay trong cuộc sống hiện tại, phá hình thức cổ điển, tạo ra hình thức mới cho hợp với nội dung mới.

______________

1, 2, 3. Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưaVăn minh miệt vườn, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2014.

4, 5, 6, 7, 8. Mạc Can, Tấm ván phóng dao, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2004.

9. Văn Giá, Tấm ván phóng dao – sức sống của giá trị nhân văn cổ điển, vnexpress.net, 2005.

10. Mạc Can, Tuyển tập Mạc Can, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2010, tr.418.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *