Sự hình thành tiểu thuyết ở đông nam á, vấn đề mang tính lịch sử

Nghiên cứu văn học nói chung, nghiên cứu tiểu thuyết nói riêng trong khu vực Đông Nam Á cần bám sát theo tiến trình hình thành, phát triển của thể loại này từ những phạm vi khơi nguồn ra nó. Nói cách khác, để có một cái nhìn tổng quan, đầy đủ về tiểu thuyết của Đông Nam Á, phải xem xét một cách toàn diện, sâu sắc về từng vấn đề làm nảy sinh, phát triển thể loại này. Ở cuốn sách của tác giả Đức Ninh, Quá trình hình thành thể loại tiểu thuyết hiện đại trong văn học Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, nhận định về tiểu thuyết được khái quát theo 4 vùng, tương ứng với 4 quốc gia: Việt Nam, Inđônêxia, Campuchia, Lào, mang lại cái nhìn khách quan, toàn diện, đa chiều cho tiểu thuyết, một thể loại văn chương trẻ của nền văn học nhân loại.

Những nhận định cơ bản về thể loại tiểu thuyết

Từ khi mới được hình thành, tiểu thuyết không được coi trọng, người ta coi nó như một thứ văn chương bình dân, có địa vị thấp kém trong xã hội. Thuật ngữ tiểu thuyết được hình thành trong tiếng Hán để chỉ những câu chuyện vụn vặt, tầm thường, phàm tục của đám tiểu thị dân quê mùa. Đó là khi thể loại này được biết đến, đặt tên tại Trung Quốc. Ở các nước phương Tây, từ novel cũng để chỉ những câu chuyện không chính thống. Vậy là ngay từ đầu, thể loại này không tìm được cho mình một chỗ đứng trang trọng trong nền văn học rực rỡ của nhân loại.

Ở một khía cạnh khác, khi hình thành tại phương Tây, ngôn ngữ sử dụng để cấu thành nên tiểu thuyết lại là roman chứ không phải là tiếng latinh. Điều này vô hình chung khiến tiểu thuyết trở nên khó tiếp cận. Các ý kiến khác nhau về sự hình thành của tiểu thuyết khiến cho tác giả Đức Ninh phải tổng hợp lại trong một câu nhận định mang tính chung chung “song, nên nhớ là phần lớn các tên gọi của thể loại lại nảy sinh trước bản thân các thể loại” (1).

Các ý kiến về sự hình thành tiểu thuyết đều có những luận cứ của nó. Tác giả đã tìm hiểu về những lý luận của các học giả những năm 50, 60 TK XX để đưa ra kết luận về việc nghiên cứu tiểu thuyết thời kỳ này là chỉ dựa trên những vấn đề riêng lẻ, chưa đưa ra một định nghĩa cụ thể, chỉ đề cập đến cái tôi, việc phân loại chỉ ước lệ, chung chung. Điều này dẫn đến hệ quả là những công trình nghiên cứu thời kỳ này chưa đi sâu vào thể loại. Tuy nhiên, ngay từ buổi ban sơ, khi việc nghiên cứu tiểu thuyết còn chưa hoàn thiện, đã có những công trình của các học giả Việt Nam đưa đến cái nhìn ban đầu về thể loại.

Bất chấp việc các học giả như Tômasépski, Vexelốpski, Kuznexốp… có sự phủ định lẫn nhau trong lý luận về tiểu thuyết, ở Liên Xô thời bấy giờ đã cho ra đời những công trình nghiên cứu về đề tài này: Sự nảy sinh của tiểu thuyết anh hùng ca, Nguồn gốc tiểu thuyết, Tiểu thuyết Xô Viết… Đây là thời điểm mà những vấn đề riêng lẻ của tiểu thuyết được đặt trên bàn nghiên cứu, nhưng lại chưa thể đưa ra một định nghĩa cụ thể, như việc đề cập đến cái tôi trong tiểu thuyết, mà Milan Kundera gọi là cái tôi thử nghiệm. Một số nhà nghiên cứu cũng đã thử phân loại tiểu thuyết, tuy nhiên, điều này chỉ mang tính ước lệ, “bắt buộc phải thừa nhận một cách đáng tiếc rằng chúng ta chưa sắp xếp được sự phân loại một cách có cơ sở khoa học, giữa chúng ta chưa có những tiêu chí đã được mọi người thừa nhận để định ra những loại biệt bên trong của thể loại” (2). Bất chấp việc khó nhất quán trong phân chia tiểu thuyết, Đức Ninh vẫn đề cao tầm quan trọng, ảnh hưởng của thể loại này trong bất kỳ xã hội nào, sự tồn tại là tất nhiên, sự trường tồn là bất biến.

Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu tiểu thuyết đã cho ra mắt một số tác phẩm như Bàn về tiểu thuyết của Bùi Việt Thắng, Khảo về tiểu thuyết do Vương Trí Nhàn sưu tầm, Lý luận tiểu thuyết ở Việt Nam TK XX do Nguyễn Thị Kiều Anh chủ biên… Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Yếu tính của tiểu thuyết là cái tưởng tượng, không thể kiểm chứng được” (3). Đó cũng là quan niệm của Huỳnh Phan Anh: “Tiểu thuyết mà thiếu tưởng tuợng không phải là tiểu thuyết. Và bắt buộc, nó khó lòng thoát lên cao. Nó chỉ là đất trên mặt cỏ” (4). Trần Văn Nam lại có ý kiến: “Tiểu thuyết là truyện bịa đặt y như sự thật” (5).

Những nghiên cứu này góp phần giúp tác giả Đức Ninh đi đến một vài kết luận về đặc trưng của tiểu thuyết. Ông khẳng định rằng: “Tiểu thuyết là một thể loại đặc biệt. Nó tổng hợp tất cả các thành phần của tất cả các thể loại khác” (6). Nghiên cứu tiểu thuyết ở Việt Nam chưa nhiều, chưa trở thành một hệ thống, nhưng ở một khía cạnh nào đó, cũng đã đóng góp không ít những tia sáng khoa học về vấn đề này. Vào những thập kỷ đầu TK XX, Phan Cự Đệ cùng một số nhà nghiên cứu văn học khác đã cho ra đời những tác phẩm có quy mô đầu tiên, trong đó nổi bật là Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, mở đầu cho thời kỳ nghiên cứu tiểu thuyết có đầu tư của các nhà khoa học Việt Nam.

Cũng trong thời gian đó, khuynh hướng nghiên cứu tiểu thuyết của Inđônêxia đi vào phân chia để loại biệt. Họ ít chú ý đến những đặc trưng về thể loại mà chủ yếu phân tích, phê bình các tác phẩm cụ thể.

Campuchia lại nghiên cứu thể loại này theo hướng đề cao vai trò của truyền thống, công nghệ in ấn trong việc hình thành tiểu thuyết hiện đại. Sự tiếp thu, truyền bá văn hóa phương Tây qua giáo dục đã tác động khiến cho tiểu thuyết Campuchia thay đổi rõ rệt về diện mạo.

Nghiên cứu về tiểu thuyết ở Lào thời kỳ đầu về cơ bản không có gì nổi bật. Do hình thành muộn, không có tác phẩm tiêu biểu, ít công trình nghiên cứu, nên quốc gia này tiếp cận khá muộn với thể loại. Sau này, do có thêm một vài công trình mới cùng sự kết hợp với một số nước láng giềng, vấn đề này ở Lào mới bắt đầu manh nha xuất hiện.

Như thế, ở Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung đã có một vài mầm mống cho tiểu thuyết hình thành, vào quãng đầu TK XX. Nắm bắt được điều cốt yếu này, Đức Ninh đã phân tích những dấu hiệu hình thành tiểu thuyết đầu tiên ở khu vực này trong chương I của cuốn sách. Đây là phần mở đầu, đưa lại những nhận định cơ bản nhất, giúp người đọc khái quát một hình dung ban đầu về tiểu thuyết, đối tượng nghiên cứu sẽ được đề cập xuyên suốt trong tác phẩm.

Sự hình thành tiểu thuyết gắn liền với tiến trình lịch sử

Có thể nhận thấy, trong cuốn sách này nổi bật vấn đề vai trò của lịch sử đối với quá trình ra đời thể loại. Từ chương II cho đến hết chương V của tác phẩm, tác giả đề cập đến việc tiểu thuyết hình thành ở Việt Nam, Inđônêxia, Campuchia, Lào theo một môtip nhất quán là từ lịch sử đấu tranh giành độc lập, đến tiền đề ra đời gắn với tiến trình lịch sử.

Tiếp nhận nền văn minh cưỡng bức từ chế độ đô hộ thực dân, phong kiến, các quốc gia này đã biết biến cái áp đặt văn hóa đó thành của mình. Ở Việt Nam việc ra đời chữ quốc ngữ cùng với sự thay đổi của bộ mặt đô thị đã dẫn tới việc tiếp nhận các tác phẩm tiểu thuyết ban đầu là dịch từ tiếng Pháp. Sau đó là nhà in ra đời, cùng với những tiền đề của thơ Nôm, sự ảnh hưởng của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, đã giúp cho tiểu thuyết Việt Nam bước vào thời kỳ hoàng kim trong giai đoạn 30 – 45 TK XX, để lại những tác phẩm in dấu sâu đậm trong văn học trung đại, hiện đại.

Sự phát triển của văn học vô sản ở Inđônêxia cùng dòng văn chương đô thị, được sự hỗ trợ của công nghệ in ấn, đã làm nên tiểu thuyết của quốc gia này. Giai đoạn khai sáng giúp cho vấn đề dân chủ trở thành chủ đạo trong văn học. Cuộc sống đô thị, văn học trí thức lên ngôi, tiếng Mã Lai ra đời thay cho ngôn ngữ bình dân đã làm thay đổi thị hiếu của người dân. Văn học chuyển hướng sang những tác phẩm có tình tiết gay cấn, manh nha cho việc ra đời tiểu thuyết Inđônêxia.

Ở Campuchia, ngay từ đầu, văn chương đã đi theo hướng chính trị rõ rệt. Tuy nhiên, việc sử dụng chữ Latin trong việc in ấn cũng như truyền bá văn hóa được thực hiện song song với chữ Khơme. Bám sát theo quá trình thay đổi từ một quốc gia độc lập cho đến khi bị đô hộ, rồi lại giành được chủ quyền, tiểu thuyết của Campuchia ra đời như là một sự hiển nhiên của lịch sử. Từ sách dịch tiếng Pháp, đến việc chịu ảnh hưởng của những tác phẩm nổi tiếng trên thế giới, tiểu thuyết Campuchia dần hoàn thiện về nội dung, hình thức, đề tài để trở thành một thể loại văn chương có sức ảnh hưởng đến xã hội.

Tác giả Nguyễn Tấn Đắc từng khẳng định: “Ở Lào cũng không có hiện tượng những người cầm bút nói hộ những người cầm gươm” (7). Nói như vậy không có nghĩa là tiểu thuyết của Lào không gắn với tiến trình lịch sử của đất nước. Chỉ có điều, khác với các quốc gia trong  khu vực, thể loại này ở Lào được nảy sinh trong vùng giải phóng, tách biệt khỏi cuộc chiến tranh nhân dân, do chỉ có vùng giải phóng mới đủ điều kiện để tiểu thuyết ra đời. Sự tác động của văn học Việt Nam, Liên Xô khiến cho tiểu thuyết Lào thoát khỏi cái bóng của văn học dịch, đồng thời, những nhà văn Lào gồm nhiều thế hệ được đào tạo từ nhiều nguồn được tôi luyện trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng đã tìm cho văn học một hướng đi mới, mang lại những tác phẩm tiểu thuyết có giá trị cho đất nước Lào.

Những tác phẩm tiểu thuyết kinh điển ra đời, lấy chất liệu lịch sử

Lấy cảm hứng từ lịch sử hay sử dụng chất liệu mang tính lịch sử để viết tiểu thuyết là một tiêu chí được nhiều tác giả lựa chọn. Tác giả Đức Ninh đã đề cập đến vấn đề này xuyên suốt trong 5 chương sách. Tiểu thuyết chương hồi của Việt Nam ban đầu tập trung chủ yếu vào đề tài lịch sử. Trong đó, Hoàng Lê nhất thống chí được coi như tác phẩm tiêu biểu nhất trong thời kỳ manh nha của tiểu thuyết, làm tiền đề cho những kiệt tác về sau. Cũng trong thời kỳ này, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên mang lại cảm hứng cho nhiều tác giả. Việc dịch những tác phẩm đó ra chữ quốc ngữ với đại diện tiêu biểu là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Trai đã làm cho việc tiếp nhận được dễ dàng, đầy đủ hơn.

Nhưng chỉ đến khi truyện Nôm được biết một cách phổ biến thì con đường để tiểu thuyết đến với công chúng mới rộng mở. Trong những năm 30 TK XX, tác phẩm Thày Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản đã gây một tiếng vang lớn trên văn đàn. Được Trần Hữu Tá ví như “con chim lạ từ trời Tây, đáp xuống một cánh đồng còn vắng bóng đồng loại” (8), tác phẩm này đã trở thành phát súng mở đầu cho thời kỳ bùng nổ của tiểu thuyết hiện đại. Tuy vậy, nó “có nhiều biểu hiện giống các đặc điểm của văn xuôi tự sự truyền thống hơn cả mẫu hình của nó” (9).

Ảnh hưởng từ lịch sử sâu sắc hơn cả có lẽ phải kể đến Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật, Đời Hoàng Oanh của Tam Lang Vũ Đình Chí, U tình lục của Hồ Biểu Chánh. Những tác phẩm này bám theo dữ kiện lịch sử một cách sát sao, nhưng không lặp lại, miên man, không định hướng. Nếu như Đời Hoàng Oanh còn phảng phất ảnh hưởng của văn học Trung Hoa thì Quả dưa đỏ khiến người đọc liên tưởng tới sự tích dưa hấu của Mai An Tiêm ngay từ nhan đề. Với Hồ Biểu Chánh, việc cho ra đời hàng loạt tiểu thuyết như U tình lục, Thày thông ngôn, Khóc thầm… chứng tỏ tầm ảnh hưởng của Truyện Kiều hay Lục Vân Tiên đến văn học thời kỳ này vẫn còn rất đậm nét.

Văn học dịch được cải biên để đưa vào lịch sử Inđônêxia, rồi sự ra đời của tiểu thuyết tập tục đã tạo ra cho văn học đất nước này một nền tảng vững chắc cho những tác phẩm chủ đề lịch sử ra đời. Các tác phẩm Bất hạnh và đau khổ của Merari Sirega, Sitti Nurbaya của Mara Rusli, Nền giáo dục sai lầm của A.Muis… mang đậm tính triết lý, tôn giáo. Lối nghệ thuật môtip tiểu thuyết hiệp sĩ trung cổ Mã Lai vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc mà sau này chỉ được phá bỏ bởi sự ra đời của Nền giáo dục sai lầm. Bám sát theo lịch sử đất nước, những tác phẩm này chủ yếu lên án hủ tục trong xã hội cũ, ước mơ vươn tới điều tốt đẹp hơn trong một xã hội bình đẳng. Tiểu thuyết Inđônêxia thời kỳ sau này bắt đầu gắn với phong trào giải phóng dân tộc, gây dựng nền độc lập, chứng minh rằng những diễn biến lịch sử là nguồn cảm hứng bất tận với văn học của quốc gia này.

Ở Campuchia, ngay từ đầu, tiểu thuyết đã giàu tính nhân bản. Truyện Tum Tiêu đã tạo nên nguồn cảm hứng cho nhiều kiệt tác ra đời sau này. Nhưng chỉ đến khi Sô Phát của Rim Kin mở đầu cho tiểu thuyết hiện đại thì hàng loạt những tác phẩm về chủ đề tình yêu mới liên tục ra đời từ năm 1941 cho đến 1947: Nước biển hồ, Nước hồ Tôn lê Sap, Tình yêu bóng ma, Hoa hồng Paylin, Hoa tàn… đưa tên tuổi của Kưm Hạ, Nhốc Them, Nu Hách lên văn đàn. Từ sự đa dạng hóa trong ngôn ngữ, dịch chuyển điểm nhìn khi mô tả nhân vật cho đến chủ đề tự do yêu đương đã tạo nên điểm hấp dẫn cốt lõi cho những tác phẩm này. Tuy vậy, tôn trọng sự hiện diện của lịch sử, tiểu thuyết Campuchia vẫn chắt lọc được những tinh khiết của dữ kiện quá khứ để tạo nên các tác phẩm phục vụ tương lai.

Tiểu thuyết hiện đại Lào ra đời không có sự kế thừa truyền thống văn học dân tộc một cách liên tục, trực tiếp; hơn nữa, nó lại quá độ, không chịu ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài. Chính do sự phức tạp trong tính chất của văn học Lào nên không cho ra đời nhiều tiểu thuyết có giá trị. Trong những tác phẩm ít ỏi đó, có thể kể đến vai trò của một vài tiểu thuyết như Xỉ Nọi, Con đường sống, Hồi tưởng lại. Lấy cảm hứng từ văn học dân gian, truyện thơ cùng tầm ảnh hưởng của văn chính luận, tiểu thuyết ở vùng giải phóng của Lào TK XX khá phát triển. Dù không rõ ràng như các quốc gia khác, nhưng vẫn có thể thấy thấp thoáng hình bóng của chất liệu lịch sử trong việc ra đời tiểu thuyết của Lào.

Có thể nói rằng, bằng công trình nghiên cứu của mình, Đức Ninh đã khắc họa cả một quá trình ra đời, phát triển của tiểu thuyết hiện đại, định hướng cho độc giả về thể loại văn học gắn liền với nhiều tầng lớp người đọc. Trong thời điểm hiện tại, việc làm này của tác phẩm mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng dành cho những người ham mê nghiên cứu tiểu thuyết, đánh thức sự nhận thức đúng đắn về một thể loại mang đậm chất nhân văn, tạo sự đồng cảm tư tưởng ngay cả trong những ngôn ngữ khoa học nghiêm cẩn nhất.

Với xã hội, tác phẩm đóng góp cái nhìn đầy đủ, sâu sắc cho các công trình nghiên cứu về tiểu thuyết, tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc nghiên cứu tiểu thuyết trong tương lai.

______________

1, 2, 6, 7, 8, 9. Đức Ninh, Quá trình hình thành thể loại tiểu thuyết hiện đại trong văn học Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, Nxb Văn học, Hà Nội, 2016, tr.11, 25, 29, 93, 94, 292.

3. Nguyễn Văn Trung, Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, Nxb Nam Sơn, TP.HCM, 1965, tr.69.

4. Huỳnh Phan Anh, Duyên Anh tuổi trẻ mộng và thực, Nxb Vàng Son, Hà Nội, 1972, tr.238.

5. Trần Văn Nam, Đi tìm một lối viết tiểu thuyết qua cuốn Đò dọc, in trong Thời tập, 1974, tr.13.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : TRỊNH PHƯƠNG THU

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *