CUỘC SỐNG THÔN QUÊ TRONG THƠ NÔM NGUYỄN TRÃI


Vẻ đẹp thôn quê là đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc, ngay cả khi đất nước bị xâm lăng thì những yếu tố ngoại lai cũng không thể thay thế được những nét đẹp đã tồn tại hàng ngàn năm trước đó. Đây là thời kỳ mà những “yếu tố dung dị thay thế yếu tố xa hoa” (1). Chính vì vậy, các nhà nho Việt Nam luôn dành những cảm xúc sâu lắng về cuộc sống làng quê thôn dã. Trước Nguyễn Trãi, các thi sĩ thời Trần cũng đã có những vần thơ mộc mạc, giản dị miêu tả bức tranh phong cảnh nơi thôn quê như: Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông, Quy hứng của Nguyễn Trung Ngạn, Giang thôn tức sự của Trần Quang Triều… Dòng mạch cảm xúc đó được phát triển trong sáng tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Đặng Huy Trứ…, trong đó, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là tập thơ quốc âm đầu tiên đã khắc họa bức tranh thôn dã với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, gần gũi và quen thuộc.

Trong bài Đất nước và thiên nhiên trong thơ văn Nguyễn Trãi, N.I. Niculin đã nhận thấy: “Sự quan tâm thường xuyên lớn lao của Nguyễn Trãi đối với cuộc sống và cảnh bần cùng của người dân là yếu tố quan trọng, là nội dung cơ bản trong thế giới quan của ông” (2). Đó cũng chính là điểm gặp gỡ của học giả O.W.Woeters khi viết về Nguyễn Trãi: “Chọn một cách sống không sách vở: làm việc đồng áng” (3). Tuy nhiên, Quốc âm thi tập không chỉ thể hiện sự quan tâm của Nguyễn Trãi tới cuộc sống nơi thôn dã mà còn thể hiện vẻ đẹp đời sống văn hóa của dân tộc TK XV. 1. Cuộc sống thôn quê trong thơ Nôm Nguyễn Trãi là sự tổng hòa của tư tưởng Nho – Phật – Lão Là nhà nho xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, thơ văn Nguyễn Trãi vừa mang tư tưởng Nho gia nhưng đồng thời cũng thấm nhuần truyền thống dân tộc và tinh thần thời đại. Vậy nên, trong con người Nguyễn Trãi có sự tổng hòa của các tư tưởng khác nhau. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã nhận thấy: “Tư tưởng của ông rõ ràng gồm nhiều thành tố thành phần tư tưởng Nho gia, thành phần tư tưởng Lão trang, thành phần tư tưởng thuộc truyền thống dân tộc” (4). Ức Trai tiên sinh là người ảnh hưởng phép ứng xử linh hoạt của Nho giáo. Bởi Nho giáo là một học thuyết chính trị xã hội cung cấp cho giai cấp phong kiến một công cụ tư tưởng để giáo hóa dân chúng và cai trị xã hội. Đạo Nho nêu cao chủ trương hành đạo, tích cực tham gia chính sự và coi đó là lý tưởng, là lẽ sống của người quân tử. Tuy nhiên, tư tưởng này vẫn có thể vận dụng linh hoạt tùy thời vận: “Quân tử chi đạo hoặc xuất, hoặc xử” và “dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng”. Nguyễn Trãi cũng như các nhà nho trong văn học trung đại Việt Nam là những người luôn mang hoài bão và lý tưởng “trí quân trạch dân”, họ không có ý muốn ẩn dật, đó chỉ là một ý muốn trong hoàn cảnh nhất định nhằm giải thoát cho một tình thế bế tắc. Từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý nơi triều chính, Nguyễn Trãi quay về với một tấm lều nhỏ bé, mộc mạc và hoang sơ nơi thôn dã. Căn lều dù nhỏ bé nhưng không hề cô độc mà được chở che, quấn quít với thiên nhiên. Với kẻ ở ẩn, chuyện ăn uống không chút xa hoa mà đạm bạc dân dã. Nguyễn Bỉnh Khiêm hài lòng với thu ăn măng trúc đông ăn giá (Bạch Vân quốc ngữ thi tập), Nguyễn Khuyến thì đầu trò tiếp khách trầu không có (Bạn đến chơi nhà). Còn Nguyễn Trãi thì hài lòng với: kê khoai (Mạn thuật1), dưa muối (Thuật hứng22), đậu kê… Một cuộc sống mang tính tự cung tự cấp tùy theo mùa vụ. Trang phục của nhà nho ẩn dật Nguyễn Trãi được khắc họa đầy đủ nhưng vô cùng giản dị và gần gũi với thiên nhiên như sợi gai, sợi thô, cỏ… Cơm ăn chẳng quản dưa muối          Áo mặc nài chi gấm thêu (Thuật hứng – 22)   Chân dung cuộc sống vật chất đạm bạc, thanh bần ấy gần với các ẩn sĩ Lão Trang, gần với hình tượng lý tưởng con người quyết rời xa thế sự, phản đối nhân vi, thuận theo tự nhiên, không câu nệ hình dáng bề ngoài.   Cuộc sống nhàn dật còn gắn với công việc lao động của người dân quê, với ruộng vườn thôn dã: ương hoa, vun đất ải, vãi đậu kê, vun trúc, cấy muống, ương sen, nuôi cá, phát cỏ, lấy củi, vớt bèo… vốn từ thi nhân sử dụng phong phú, đa dạng, miêu tả cụ thể chính xác công việc của người dân lao động. Phải là người gắn bó và yêu cuộc sống thôn quê thì Nguyễn Trãi mới có những vần thơ sâu sắc đến vậy. Trong giai đoạn ngặt nghèo, thi nhân yêu thích phong thái thoải mái, tự nhiên của Lão Trang: Áo mặc âu chi cũ quản đen (Bảo kính cảnh giới13). Có lúc ông bộc lộ mình thật hồn nhiên, thư thái:          Ngõ tênh hênh nằm cửa trúc          Say lểu thểu đứng đường thông     (Thuật hứng -16) Có lẽ chỉ khi bước sang địa hạt của của Lão Trang thì Nguyễn Trãi mới có được những giây phút không bị bó buộc bởi những quy tắc và khuôn phép của Nho gia. Một loạt từ ngữ với hàm nghĩa “đủ” được tác giả vận dụng linh hoạt: dầu có, dầu đủ bữa, miễn có, yên đòi phận… Thậm chí, nhà thơ còn thấy mình thật giàu có, thừa thãi với sản vật quê nhà và thiên nhiên hữu tình: “Giàu những của tự nhiên ấy” (Tự thán – 35), “Phận ấy chưng ta đã có thừa” (Tự thán – 20). Thi nhân không chỉ hài lòng với cuộc sống giản dị mà còn biết thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên vũ trụ, tâm hồn trong sáng ấy không hề vướng bận bởi vật chất tầm thường mà luôn tìm thấy cảm giác mãn nguyện, hài lòng.  Không những thế, thi nhân còn tìm thấy thú vui trong việc lao động đồng áng:          Một cày một cuốc thú nhà quê          Áng cúc lan xen vãi đậu kê  (Thuật hứng – 3) Chân dung người ẩn dật được thể hiện khá phong phú trong Quốc âm thi tập, vừa là một lão nông vừa là thi nhân ung dung thưởng ngoạn thiên nhiên trong tư thế chiếm lĩnh vũ trụ: “Đạp áng mây ôm bó củi” (Trần tình – 5). Ở đây, chúng ta thấy có sự hòa đồng giữa triết lý Nho và Đạo trong tư tưởng Ức Trai. Người ẩn dật muốn đặt mình thoát khỏi thói tục, tự yên vui với cuộc sống nhàn tản quê kiểng. Tư tưởng đó gần gũi với Nho gia: bần nhi lạc, quân tử thực vô cầu bão. Thật khó để có thể tách bạch được trong chân dung nhà nho ẩn dật Nguyễn Trãi ranh giới giữa Nho và Đạo. Cả hai tư tưởng đã đan xen, hòa trộn tạo nên phẩm cách và tâm hồn thanh cao của tác giả. Tư tưởng Lão Trang đã góp phần cho nhà nho một mẫu hình nhân cách khi muốn xửtàng, bổ sung cho phần khuyết thiếu của Nho giáo về mặt nhân sinh, xã hội.  Bên cạnh đó, thi nhân còn nâng niu từng nhành hoa, bầu bạn tâm giao với những con vật tầm thường, nhỏ bé nơi thôn quê thanh bình yên ả: Cò nằm hạc lặn nên bầu bạn Ủ ấp cùng ta làm cái con (Ngôn chí – 20)      Đó là tấm lòng hiếu sinh của một bậc hiền triết, là triết lý sống giàu tình nghĩa của truyền thống dân tộc. Thi nhân coi mọi sự hiện sinh là cái con, là bạn hữu sẻ chia, tâm sự. Ức Trai tiên sinh ngại câu cá, ngại phát cây để dành sự sinh tồn tự nhiên cho vạn vật và có được sự thanh thản, giàu có trong tâm hồn. Như vậy, Nguyễn Trãi là một trong những nhà thơ đầu tiên đã đưa những hình ảnh bình dị, mộc mạc của thôn quê làng Việt vào thơ và bước đầu phá vỡ những quy phạm của thơ ca trung đại. Quốc âm thi tập cho chúng ta thấy phong thái một nhà nho ung dung, một ẩn sĩ tự tại vui thú điền viên và một tâm hồn giàu nghĩa tình với thiên nhiên vạn vật. Các nhà nho trong nền văn học trung đại Việt Nam đều thông rõ triết lý xuất xử – hành tàng. Nhưng có lẽ không có tác giả nào lại giằng co, day dứt, trăn trở như Nguyễn Trãi. Nguyễn Húc, Nguyễn Dữ, Nguyễn Hàng về ở ẩn trong tâm thế thanh thản, nhẹ nhàng. Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm có vị thế ung dung làm thày thiên hạ, chủ động quan sát thời thế chừng mực kín đáo và “quan nhà Nguyễn” thì dứt khoát “cáo về đã lâu”. Còn Nguyễn Trãi thì hăm hở dâng biểu tạ ơn khi được gọi ra làm quan và không tránh được thị phi phải chịu cảnh xót xa.  Thi nhân đâu phải tham quyền cố vị, ham bổng lộc vinh hoa, mà trước sau chỉ nặng một nỗi tiên ưu: “Một sự quân thân chẳng khứng nguôi (Tự thán 36). Với Nguyễn Trãi, được tham gia chính sự là cơ hội thực hiện lý tưởng vì dân vì nước mà ông vẫn hằng ấp ủ. Do đó, ẩn dật chỉ là tạm thời, là lựa chọn mang tính tình thế. Khi Nho giáo không đủ sức giải thích hiện thực và thỏa mãn đời sống tinh thần, người trí thức dân tộc sẽ tìm đến Đạo giáo và Phật giáo, tìm được điều cần thiết để bổ sung. Vì vậy, Đạo hay Phật có ý nghĩa như nơi dừng chân tạm nghỉ của nhà nho để suy ngẫm và tìm phương thức ứng xử hợp thời. Ức Trai tiên sinh trước sau vẫn là một nhà nho chính thống. 2. Những thú vui tao nhã gắn liền với cuộc sống thôn quê Nhà nho ẩn dật Nguyễn Trãi còn được hiện lên cụ thể, sinh động và phong phú qua những vần thơ phác họa về đời sống tinh thần nơi thôn dã. Thi nhân say sưa thưởng ngoạn những thú vui phong lưu tao nhã như: ngắm trăng, đọc sách, làm thơ, đánh đàn, chơi cờ, uống rượu, uống trà Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén Ngày vắng xem hoa bợ cây  (Ngôn chí – 10)   Cặp thời gian sóng đôi: đêm – ngày phù hợp với cảm nhận thời gian của văn học trung đại, thời gian tĩnh tại gắn với điểm thời gian liên tiếp nhau. Hai câu thơ đối nhau và hỗ trợ, liên kết tạo nên vòng thời gian liền nhau, tạo cảm giác về nối tiếp giữa đêm và ngày đầy ắp thú vui không dứt. Hơn thế, Nguyễn Trãi có cảm giác mãn nguyện và giàu có đến mức tràn đầy: Sách một hai phiên làm bầu bạn Rượu năm ba chén đổi công danh  (Tự thán – 10) Đặc biệt, cách uống trà của thi nhân có những độc đáo riêng biệt. Uống trà từ lâu được coi là thanh thú dành cho tâm hồn, được các bậc trí thức hết sức ưa chuộng, là nét đẹp văn hóa của dân tộc. Chén trà trong Quốc âm thi tập được nhắc đến nhiều lần, nhưng mỗi lần xuất hiện đều có một nét khám phá riêng của người pha trà. Việc thưởng thức trà thật nên thơ và nhiều sức gợi: Chè tiên nước kín in bầu nguyệt  (Thuật hứng – 6) Với người xưa, uống trà không chỉ để giải khát mà còn để tìm phút giây thư thái cho tâm hồn. Nguyễn Trãi uống trà để họa cùng xúc cảm ngắm trăng, xua tan mọi muộn phiền trần tục: Cởi tục trà thường pha nước tuyết Tìm thanh trong vắt tiện chè mai  (Ngôn chí – 1) Mỗi lần uống trà là mỗi lần Nguyễn Trãi tự thanh lọc chính mình ra khỏi bụi trần, tách mình khỏi thói đời đen bạc và giữ lấy cốt cách cao khiết của một cao sĩ.  Thi nhân không chỉ biết thưởng thức vẻ đẹp nơi thôn dã mà còn nâng niu, trân trọng cái đẹp, dành tình cảm sâu lắng đầy trăn trở cho sự phai tàn của cái đẹp. Ông “không bẻ mai” vì “thương cành ngọc” (Thuật hứng – 5), “ngại phát cây” vì muốn chim về (Mạn thuật – 6), “chăng buông cá” để nguyệt hiện dưới ao (Bảo kính cảnh giới – 33)… Thậm chí, ngay khi say mê thưởng thức trăng, ông cũng không khỏi âu lo cái đẹp sẽ đến lúc tàn: “Say thưởng nguyệt, lệ thu qua” (Bảo kính cảnh giới – 41). Về ở ẩn là khoảnh khắc con người chức năng tạm thời rút lui dành chỗ cho tâm hồn thi sĩ. Ở đây, Nguyễn Trãi hiện lên là một nghệ sĩ với nhiều cảm nhận tinh tế và nhiều sáng tạo, và chính thiên nhiên cũng là nguồn thi hứng bất tận cho thi nhân.  Thú vui và sự giàu có ấy có được là do sự giàu có và phong phú về tâm hồn, trí tuệ. Thi nhân tự biết “lạc tại kỳ trung”, giàu thú vui mà không làm thay đổi cốt cách thanh cao, nếp sống bình dị, thanh liêm. Có lúc tác giả bằng lòng với cuộc sống thanh nhàn: Một phút thanh nhàn trong buổi ấy Nghìn vàng ước đổi được hay chăng  (Tự thán – 7)  Mãn nguyện với thú lâm tuyền, nâng niu phút giây thanh nhàn, nhưng cũng có lúc Nguyễn Trãi trăn trở lòng trung hiếu. Dù yêu thiên nhiên tha thiết, nhưng ông cũng không do dự khi đón nhận cơ hội được dốc sức vì xã tắc để thực hiện hoài bão vẫn cồn cào: “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” (Thuật hứng – 5). Đằng sau con người phóng khoáng, hồn nhiên với cỏ cây là con người trĩu nặng suy tư về trách nhiệm đối với xã hội, luôn ấp ủ khát vọng trí quân trạch dân. Đó cũng là tâm trạng day dứt khôn nguôi, thân nhàn mà tâm chẳng nhàn của thi nhân. Lui về được vui thú điền viên, trút được niềm trăn trở chính sự. Nhưng âu lo việc nước lại là lẽ sống của Ức Trai. Bế tắc, nhiều khi Nguyễn Trãi thấy mình như con thuyền trên sóng nước giữa bóng tối không thể đỗ lại nhưng đến bến bờ nào lại chẳng hay: “Con thuyền mọn chăng khứng đỗ /Trời ban tối biết về đâu”. Chọn con đường quay về vui thú nhàn tản không phải là lẽ sống của thi nhân mà đó là sự lựa chọn theo lẽ xuất – xử của Nho gia để bảo toàn danh tiết theo triết lý minh triết bảo thân.    Nhìn chung, Nguyễn Trãi không chỉ là nhà ngoại giao, nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất mà ông còn là một nhà thơ lớn của dân tộc có tâm hồn thi sĩ tinh tế. Quốc âm thi tập đã phác họa nên một cuộc sống thiếu về tiện nghi nhưng đầy đủ thanh thú, nghèo về vật chất nhưng giàu có và phong phú về đời sống tinh thần. Bởi lẽ, tất cả thú vui được diễn tả đều gắn với đời sống tinh thần, không đòi hỏi đời sống vật chất xa hoa, đủ đầy. Tập thơ Nôm đã đánh dấu mốc cho sự phát triển của thơ ca dân tộc. Cuộc sống của Ức Trai gắn với con lều, am quê với những sản vật, cây cỏ đời thường mộc mạc, dân dã. Những hình ảnh đó đã khắc họa nên một bức tranh nơi thôn quê thanh bình, yên ả, nơi di dưỡng tâm hồn thi nhân, nơi lưu giữ vẻ đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam. ________________ 1. Nhật Chiêu, Văn học Nhật Bản – từ khởi thủy đến 1868, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2010, tr.147. 2, 3. Nguyễn Hữu Sơn – tuyển chọn và giới thiệu, Nguyễn Trãi về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.791, 477. 4. Trần Đình Hượu, Nho giáo và văn học trung cận đại Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995, tr.99.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016

Tác giả : LÊ THỊ NƯƠNG

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *