Khi tất cả các dòng sông đều chảy


 

Nancy Cato là một cái tên còn rất xa lạ đối với độc giả Việt Nam. Bà được sinh ra ở Glen Osmond miền Nam Australia, học Ngữ văn Anh và Italia ở Trường đại học Adelaide, tốt nghiệp năm 1939, sau đó hoàn thành khóa học hai năm ở Trường Nghệ thuật miền Nam Australia. Nancy Cato đã xuất bản hơn 20 tiểu thuyết và một khối lượng lớn thơ ca. Trong đó, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Tất cả các dòng sông đều chảy, tác phẩm đã được dựng thành bộ phim truyền hình dài tập làm say mê khán giả khắp bốn phương.

1. Dòng sông – hình tượng thiên nhiên

Tất cả các dòng sông đều chảy viết về cuộc đời của nữ họa sĩ Philadelphia diễn ra trên dòng sông Murray thuộc miền nam Australia. Từ thuở hoa niên sống với dì dượng bên bờ sông, mối tình trong trắng thuần khiết với người anh bạn dì là Adam, nỗi đau mất mát đưa cô trôi dạt đến một vùng đất khác, xa lánh miền tuổi thơ với bao kỷ niệm để trốn chạy và đeo đuổi ước mơ. Cô kết hôn với Brenton, một thuyền trưởng rất giỏi, thích cuộc sống phiêu lưu. Cô xếp cọ vẽ lại sống với bổn phận một người vợ và một người mẹ của bốn đứa con đang hiện hữu và hai đứa đã ra đi vĩnh viễn. Brenton gặp nạn, Delie trở thành nữ thuyền trưởng duy nhất dọc ngang vùng Victoria. Sự tuyệt vời của một nữ thuyền trưởng đã khiến cho bao người ngưỡng mộ và yêu cô say đắm. Có những lúc Delie xao động nhưng cuối cùng bổn vẫn kéo cô về với người chồng tàn phế. Brenton chết, tuổi già bóng xế của Delie gắn bó với ngôi nhà nhỏ ven sông, tránh xa những chỗ ồn ào, gắn liền với nhịp đập của sông nước.

Với đôi mắt quan sát tinh tường, tài miêu tả độc đáo cùng tình yêu quê hương mãnh liệt và bền bỉ, Nancy Cato đã tái hiện lại hình ảnh dòng sông quê như một bức tranh phong cảnh sinh động: khi thì êm ả, nên thơ với “bờ sông trải rộng”, “nước gợn lăn tăn”, “một ánh sao run run phản chiếu và vỡ ra như những mảnh kim cương”, khi thì ồn ào, dữ dội với “trận lụt lớn nhất tràn dọc chiều dài của lưu vực sông Murray, lụt tràn lên cống, ngập những trạm bơm làm vỡ bờ đê như thể đó là những bức tường bằng giấy”; khi thì trong sáng, thanh khiết với “ráng trời nhuộm mặt sông trầm lặng bằng những sắc đỏ sáng rực”; khi lại u ám, nặng nề vì “nước tù đọng, đong lại thành những vũng không còn sức sống”. Tác giả dường như nắm bắt được tất cả những gì thuộc về dòng sông, từ những cái dễ nhìn thấy như: con nước, đôi bờ, bầu trời, hàng cây cho đến những cái tưởng chừng như mơ hồ thuộc về cảm giác như: tiếng băng vỡ, mảng sao rơi, tiếng gió rì rầm… Mỗi hình ảnh hiện lên đều rất chân thực, gần gũi với cuộc sống đời thường. Nó là biểu tượng cho cảnh vật quê hương dung dị, mộc mạc gắn liền với đời sống của nhân dân lao động. Những lúc con sông yên tĩnh, lặng gió, “lượn lờ trôi giữa những bờ dốc thân quen” gợi trong ta hình ảnh bức tranh sơn thủy trang nhã, nên thơ, vốn quen thuộc với người phương Đông, một vẻ đẹp khiến ai cũng phải ngây ngất, say mê chiêm ngưỡng. Trạng thái này qua đi, sông bất ngờ trở nên thất thường: khi thì phẫn nộ dâng nước tràn bờ, lúc tức giận vỗ sóng ầm ầm, đôi khi vội vàng ra đi mặc cho bãi bồi khô cạn, lúc lại lạnh lùng đóng thành băng tuyết, thỉnh thoảng lại tham lam dùng sức xoáy mạnh để hút tất cả về mình. Những biểu hiện này qua cách miêu tả của Nancy Cato mang những giá trị thẩm mỹ nhất định. Bởi lẽ, đó là những thuộc tính cố hữu của sông, là dấu hiệu thiêng liêng để nhận biết nơi chôn nhau cắt rốn. Và một khi đã yêu thì người ta chấp nhận, thậm chí khao khát được ngắm nhìn. Điều này giải thích được vì sao Delie không rời bỏ sông Darling khô cạn, hay chán ghét dòng nước lũ ngập đến bờ rào ngôi nhà, cũng không hận sông Murray vì đã tàn nhẫn cướp đi sinh mạng Adam, biến Brenton thành người tàn phế. Bà chấp nhận bỏ tất cả để trở về bên sông sống cuộc đời còn lại.

Bên cạnh những biến đổi có tính quy luật, sông còn có những điểm bất biến: hướng dòng chảy và khả năng soi bóng vạn vật. Sự bất biến này giúp sông có được trái tim chung thủy của một người tình và tấm lòng bao dung của một người mẹ. Bỏ qua những ý nghĩa mang tầm triết lý, đây là hai hình ảnh rất quan trọng tạo nên vẻ đẹp hài hòa cho dòng sông: màu sắc mây trời cũng đồng thời là màu của nước; hàng cây ven sông vừa giữ chắc đôi bờ, vừa tạo bóng mát trên sông; mặt trời, trăng, sao vừa là nguồn sáng và cũng là những vật trang điểm cho sông thêm lộng lẫy. Mấy ai có thể quên được hình ảnh “chiếc thuyền con trong vầng trăng sáng nhợt nhạt trên con sóng lướt nhanh theo dòng nước chảy xuôi”, “ráng trời nhuộm mặt sông trầm lặng bằng những sắc đỏ sáng rực giữa màu xanh lơ và xanh lục nhạt” của sông Murray. Bản thân những cái bóng trên sông chứa đựng hai yếu tố trái ngược nhau: vừa là hình ảnh thực, vừa là một cái gì hư ảo không thể nắm bắt được. Chính điều này đã làm cho bức tranh dòng sông thêm hấp dẫn, thật lắm, nhưng cũng mông lung lắm, khả kiến nhưng lại nan tri là vậy.

Với Nancy Cato, sông Murray còn là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng sự sống. Đó là sự sống của những sinh vật bé nhỏ: cá, ếch nhái, thiên nga, bọ hung… Trên sông, chúng bơi lội, nghiêng cánh tìm thức ăn, tìm chốn trú ngụ, thậm chí tìm bạn cho mình. Chúng hồn nhiên, dễ thương, hiền lành, không xâm phạm đến ai cả, chỉ thầm lặng tồn tại cùng với sông nước và con người. Đó còn là sự sống của con người được miêu tả một cách chi tiết thông qua các hoạt động thường nhật: tắm giặt (Delie tìm một bờ cát không có cỏ và từ đó phóng người xuống nước sông. Dòng chảy nhẹ nhàng, Delie thả nổi như trong một bồn tắm lớn), vận chuyển hàng hóa (nước lên tới miệng sông, các con tàu lại xuôi ngược, có thể chở đủ thứ hàng hóa). Tất cả đều rất đời thường và bởi vì là đời thường nên ta thấy nó chân thực vô cùng. Sông còn là không gian lý tưởng để bộc lộ tình cảm. Delie và Adam đã ước hẹn bên bờ sông gần nhà: “Họ đi bộ trong cảnh chiều xuống, ném những cành cây xuống nước để xem những gợn sóng rộng ra mãi trên mặt nước như sương. Delie đứng trong vòng tay của Adam và nhìn theo dòng sông về phía tây”. Rồi cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Delie và Brenton trên con tàu Philadelphia ở cảng Victoria. Nước như chất xúc tác thúc đẩy quá trình con người tìm đến nhau, làm cho tình yêu đẹp hơn, cao thượng và thuần khiết hơn. Những lúc lòng cảm thấy buồn, các nhân vật thường ra bờ sông hoặc ngâm mình trong nước. Những đêm không ngủ được, Delie đi ra bờ sông: “Cô bước ra ngoài, tắt nến, chờ cho mắt quen với bóng tối. Cởi giày và tất, cô đặt bên cạnh chân nến ở bậc thềm phía sau và quay lại bước xuống sông. Đất vẫn toát hơi nóng của ban ngày, cô cảm thấy đất như sống động dưới đôi chân trần”. Những lúc nhớ Adam cô trèo lên cây nhìn ra sông: “Delie thích trèo lên cây trước nhà để nghĩ về Adam, hoặc chỉ nhìn đăm đăm dòng sông chảy vội trong cơn mơ”. Những lúc muốn được yên tĩnh cô cũng đến với sông “cô lẻn ra xa một cuộc pinic ồn ào để đứng ở bờ sông với dòng nước đang lướt chảy không ngừng làm cô buồn mênh mang mà vẫn thấy phù hợp với một cái gì xao động không dứt trong thâm tâm”. Sau khi sinh ra một đứa con bất thường, Delie bỏ ra sông, “phóng người xuống nước thả nổi như trong một bồn tắm lớn”. Có lẽ vì khi đứng trước sông, con người không cần nói gì, chính vì vậy mà họ sống thật với cảm giác của mình, sông đáp lại họ cũng bằng một sự im lặng khẳng định tấm lòng chia sẻ chân thành nhất. Phải chăng đây là nguyên nhân giải thích cho hành động tìm đến với sông của mỗi con người, là chất liệu đặc biệt của một bức tranh hoàn mỹ về cuộc sống con người bên sông.

2. Dòng sông, hình tượng mang nhiều ý nghĩa triết lý

Triết lý thời gian

Dòng sông tượng trưng cho dòng thời gian, dòng đời. Các triết gia cổ điển và hiện đại đều ví thời gian như dòng nước chảy. Trôi chảy là thuộc tính chung của cả hai, là hình thức để chúng vận động, phát triển. Theo đó là quá trình biến đổi, đổi mới không ngừng, nhưng cũng đồng thời tồn tại muôn đời theo vòng luân chuyển tuần hoàn. Nước từ nguồn chảy ra sông, rạch rồi về biển và đại dương. Nước lại trở thành hơi bốc lên, hơi thành mưa rơi xuống thành suối nguồn và lại ra sông. Thời gian thì trôi từ ngày đến đêm, hết đêm lại ngày, từ xuân sang hạ, hết hạ đến thu, thu qua đông về, đông tàn thì xuân lại đến. Dòng đời cũng như thế, sinh, lão, bệnh, tử đã trở thành quy luật của mọi quá trình sống.

Con người chúng ta thường nhìn vào những điều trên để nhận thức chân lý cuộc sống. Tùy khả năng cảm quan và hoàn cảnh cụ thể mà mỗi người đưa ra những quan niệm khác nhau. Trong Tất cả các dòng sông đều chảy, Nancy Cato xem “đời người như đời sông hòa tan vào thời gian. Tất cả sông rồi sẽ đi về biển, biển bao la sẽ rót những lòng sông mênh mông tràn đầy, mạch luân lưu không ngơi nghỉ ấy là cuộc sống. Sẽ không bao giờ có cái chết vì nơi tận cùng cũng là khởi thủy cho những mầm sống mới”. Những đoạn sông chảy qua chính là những giai đoạn trong cuộc đời của nhân vật Delie. Đầu nguồn của sông phản chiếu thời thơ ấu tại Kiandra, đoạn chảy chính của sông ghi nhận giai đoạn trưởng thành tại trấn Echuca, Melbourne và trên tàu Philadelphia, đoạn cuối của sông nơi cảng Victoria ứng với những năm tháng cuối đời. Đối với những thời điểm đặc biệt của Delie, tác giả còn nói rõ tuổi đời của cô được ghi lại nơi dòng nước: mười hai tuổi, lần đầu tiên Delie được nhìn thấy “những khe nhỏ bắt đầu chảy dưới những cầu tuyết”; mười ba tuổi, lần đầu tiên một mình cô cởi giày và tất “bước xuống sông… cảm thấy đất sống động dưới đôi chân trần của mình,… cảm thấy sự tuôn chảy vô tận của dòng nước hết sức kỳ diệu,… cảm giác có một âm thanh không nghe rõ từ trên không và từ bầu trời sâu thẳm vọng xuống… cô nghĩ, ngày nào còn sống, ngày đó mình còn nhớ đêm nay” – cái đêm đánh dấu những rung động mông lung của tuổi mới lớn; hai mươi chín tuổi, khi xuôi ngược giữa cuộc đời cô hiểu rằng “đã đi xa trên hạ lưu sông, nơi mà dòng chảy đã chậm lại, bây giờ cô ở đây, tuổi đã 29 và sẽ lên 30, cô sẽ làm được gì với ba đứa bé”; sáu mươi tuổi, khi đã hoàn thành bổn phận người vợ, người mẹ, cô nhận ra “cô đã trở nên dòng nước mở rộng, sâu thẳm, tràn đầy và vô cùng phức tạp – dòng nước đã đến gần biển khơi… chỉ vài năm nữa thôi cô đã nghe được tiếng sóng biển vỗ bờ”; bảy mươi chín tuổi, cô “mơ về con sông chảy thuận hòa” và “muốn bơi ở biển” một lần cuối trong đời. Tất cả đều muốn về bến đợi.

Vượt qua những khúc quanh, sông Murray êm đềm chảy ra biển. Đó là một dòng chảy thuận phản ánh quá trình nhận thức xuôi dòng và sự vận động theo quy luật khách quan của con người.

Triết lý cội nguồn

Cội nguồn chính là khởi thủy của các sự vật hiện tượng. Chính vòng luân chuyển tuần hoàn của dòng nước đã gợi mở ý nghĩ tìm về cội nguồn của vạn vật. Một hành trình cần thiết để ta hiểu chính bản thân mình và cuộc sống xung quanh. Những gì thuộc về nguồn luôn đem đến cho ta cái cảm nhận thiêng liêng nhất, dạt dào nhất. Thật kì diệu khi biết rằng con sông Murray – con sông lớn nhất Australia lại bắt nguồn từ “những khe nước nhỏ phát sinh trên cao trong vùng núi Alp Australia, di chuyển dưới lớp tuyết không ai trông thấy hoặc chỉ có thể thoáng thấy xuyên qua một cái hố che bóng xanh lơ giữa chiếc cầu tuyết đang tan chảy”. Dòng nước nhỏ này chảy vào ý thức của Delie mãi cho đến cuối đời như một lời nhắc nhở về lòng thủy chung bền bỉ.

Triết lý về khúc quanh cuộc đời

Dòng sông nào cũng có khúc quanh, giống như cuộc đời không bao giờ là con đường thẳng tắp, bằng phẳng. Khúc quanh bao giờ cũng tạo góc khuất nơi dòng sông, làm hạn chế tầm nhìn của con người, tương tự như cuộc đời bao giờ cũng có những bức tường vô hình và hữu hình chặn bước chân của ta vậy. Khúc quanh làm cho dòng nước chệch hướng, nó cũng đâu khác đường đời lúc nào cũng tồn tại những yếu tố tác động khiến ta thay đổi suy nghĩ, hành động của mình. Nancy Cato xem khúc quanh là chỗ che khuất cái thế giới đang vận động ở đằng sau nó. Nó khiến cho Delie luôn tò mò và trăn trở. Mười ba tuổi, cô đăm chiêu nhìn vào khúc quanh rồi nghĩ “một tương lai xán lạn nào đó mờ mờ, mơ hồ đang chờ đợi phía trên khúc quanh mà cô không thấy”. Adam ra đi, cô vô hồn “nhìn khúc quanh của dòng sông xuôi chảy. Cô sợ dòng sông”. Quyết định rời xa mảnh đất nhiều kỷ niệm, cô “biết rằng có thể sẽ không có sự đứng yên. Cuộc đời vẫy gọi cô từ bên trên khúc quanh xa nhất”. Trong đời mình, Delie đã nhiều lần vượt qua những khúc quanh để đi xa hơn. Và phải chăng khúc quanh chỉ là những ranh giới mà tạo hóa tạo ra để thử thách con người. Tất cả đều nhìn thấy cái ranh giới ấy, nhưng quan trọng hơn là phải biết vượt qua để đổi mới cuộc đời mình.

Tóm lại, đời người và đời sông nước gắn bó mật thiết với nhau, cả trong đời sống vật chất và tinh thần. Nơi nào có sông là con người tìm đến, và nơi nào có con người thì sông mở đường chảy qua. Ở bên sông, con người đã sống, chiến đấu, lao động, học tập, đã từng vui, buồn và thậm chí giận dữ, căm hờn. Dòng sông giống như một chứng nhân lịch sử ghi nhận tất cả những gì đã xảy ra. Và khi tìm hiểu về nó, chắc chắn rằng ta cũng tất yếu có được những hiểu biết hết sức phong phú về chính cuộc sống của con người, bởi vì tất cả các dòng sông đều chảy.

_______________

1. Các minh chứng trong bài đều dẫn từ Nancy Cato, Tất cả các dòng sông đều chảy, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 345, tháng 3-2013

Tác giả : Trần Huỳnh Nhị

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *