Đồng hành tìm mỹ học thơ


 

Thơ như là mỹ học của cái khác (1) của Đỗ Lai Thúy là một chuyên luận gồm 3 phần: tiểu luận Thơ như là mỹ học của cái khác; Chân trần đến cái khác nghiên cứu về 7 nhà thơ cách tân; Những nẻo đường của cái khác tuyển thơ của 27 nhà thơ. Sự chuyển đổi hệ hình mỹ học thơ được tác giả nghiên cứu thông qua sự chuyển đổi của các mô hình ngôn ngữ như: thơ tiền hiện đại thì từ nghĩa đến chữ (nghĩa là tính thứ nhất, có nghĩa rồi thì tìm chữ); hiện đại chủ nghĩa thì chữ đến nghĩa (chữ là tính thứ nhất, chữ phát sinh nghĩa); hậu hiện đại thì là một hệ thống quay vòng chữ và nghĩa.

Đỗ Lai Thúy viết: “Nếu Mắt thơ tìm kiếm những không gian mới, thì Thơ như là mỹ học của cái khác kiếm tìm những con mắt mới. Cả Mắt thơ và Thơ như là mỹ học của cái khác đều kiếm tìm nơi tôi một cái tôi vô ngã” (2). Con mắt dường như là một sự ám ảnh với Đỗ Lai Thúy, nỗi ám ảnh trong một khoảng thời gian rất dài và một không gian rất rộng. Ám ảnh từ Mắt thơ rồi hai mươi năm sau, nỗi ám ảnh ấy vẫn còn trở thành một lăng kính để ông khám phá ra một vẻ đẹp khác, không quen thuộc của thơ Việt Nam. Con mắt diệu kỳ ấy ta bắt gặp ngay trên trang bìa tác phẩm. Một con mắt dài, đẹp, xanh, xoáy sâu rồi mở ra những vẻ đẹp toàn mỹ, long lanh. Đỗ Lai Thúy đã dùng con mắt vừa nghiêm túc vừa phiêu linh để đi trên những nẻo đường của cái khác, dự cuộc lãng du của những cái khác. Ông không chỉ khám phá vẻ đẹp của cái khác mà còn sáng tạo ra nó bằng cách riêng của mình. Thơ như là mỹ học của cái khác, hay mỹ học thơ, chính là cách khám phá như vậy.

Mỹ học là gì và tại sao lại nhìn thơ từ mỹ học?

Mỹ học là bộ môn khoa học có tính lý thuyết về sự nhận thức và thưởng thức cái đẹp trong thiên nhiên, nghệ thuật và xã hội. Từ mô hình triết học về thực tại, đúng hơn là quan niệm về thực tại, Đỗ Lai Thúy đã dựng lại một mô hình mỹ học gồm 3 hệ hình: tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại. Việc ứng dụng ba hệ hình ấy vào thơ được ông quy về sự lựa chọn ngôn ngữ, chủ yếu là xử lý mối tương quan giữa chữnghĩa. Chính trên cơ sở này để chứng minh thơ như là mỹ học của cái khác.

Những cái khác xoáy sâu và ám ảnh

Cái khác (ortherness) được khái niệm hóa thành một phạm trù văn hóa – chính trị học từ TK XIX, khi chủ nghĩa tư bản Tây Âu mở rộng thị trường và xâm chiếm thuộc địa. Nhưng, thực ra, trước đó từ lâu cái khác (sự khác biệt, cái lạ, kẻ lạ,…) đã tồn tại trong tiềm thức con người từ thời nguyên thủy. Cái khác tiền hiện đại này được hiểu là cái không giống mình về khía cạnh sinh học và khía cạnh văn hóa. Để nhận diện được cái khác đó phải lấy mình làm hệ quy chiếu. Cái khác vì không giống mình nên trở thành cái hiểm nguy, không thể chấp nhận được.

Chủ nghĩa tư bản phương Tây đã thu hẹp, đúng hơn là cụ thể hóa, khái niệm cái khác. Cái khác ngoài ý nghĩa là cái khác biệt, cái lạ lẫm, cái thù địch như trước đây, thì nay còn có nghĩa là cái thấp kém, cái dã man, cái cần được khai hóa. Dân tộc học và ngành khoa học ra đời cùng với quan niệm về cái khác cũng rất khác. Cái khác chính là sự bù đắp khuyết thiếu của mình, tiếp nhận cái khác chính là con đường làm tròn đầy văn hóa chủ thể. Ngay từ thời tiền hiện đại, đã có một số cá nhân hay tộc người vượt qua được quan niệm của chủ nghĩa bộ lạc đối với cái khác, để phần nào tiếp nhận nó nhằm điều chỉnh hướng đi để bước vào thời hiện đại.

Đến thời hậu hiện đại, cái khác đó thay đổi hệ hình. Dưới áp lực của toàn cầu hóa, giải lãnh thổ hóa, thế giới dần trở nên phẳng hơn, ranh giới giữa trung tâm và ngoại vi trở nên mờ hơn, nên cái khác như là cái thấp kém, cái thù địch, cái vắng mặt đó không còn đất để tồn tại. Trong bối cảnh tất cả mọi thứ đều tương đối, bề ngoài, nhất thời, phi bản chất, thì cái giúp con người nhận diện được thực tại, cái hút con người đến với thực tại (nhất là một thực tại mang tính kiến tạo) không phải đúng sai, hơn kém, mà chính là cái khác. Trước đây, cái khác không có vai trò gì trong hoạt động kiến tạo trật tự, mà chỉ là đối tượng loại trừ sự thiết lập trật tự đó. Cái khác ngày nay đã trở thành nhân tố quan trọng của sự diễn giải đa dạng cho một thế giới hỗn độn, bất định, là sự đảm bảo duy nhất cho sự tự do tinh thần, là vẻ đẹp và khoái lạc của đời sống. Chính cái khác này tạo nên mỹ học hậu hiện đại.

Mỹ học thơ, nếu nhìn theo lý thuyết hệ hình, thì có thể thấy ở mỗi giai đoạn, nó tương ứng với một phạm trù chủ đạo của mỹ học, như ở hệ hình tiền hiện đại là cái đẹp, ở hệ hình hiện đại là cái cao cả, cái siêu tuyệt, còn ở hệ hình hậu hiện đại thì hẳn phải là cái khác.

Thơ – tự thân nó đã là một cái khác

Cái khác này một mặt, do đồng nghĩa với cái nhỏ lẻ, nên phải chống lại sức hút của quyền lực trung tâm, của cái chính thống và chính thức để bảo vệ sự tồn tại độc lập của mình. Mặt khác, lúc đầu thì bị nghi kỵ, rồi lại được chấp nhận và trở nên quen mòn, nên cái khác phải chống lại chính bản thân nó. Vì thế, để bảo vệ mình mãi là một cái khác, trong tiến trình phát triển, thơ phải luôn luôn đổi khác. Thơ Việt chủ yếu lớn lên bằng những yếu tố ngoại sinh, tức cái khác của cái khác. Hành trình thơ Việt, bởi vậy, là hành trình tiếp biến cái khác, một hành trình sáng tạo.

Thơ Việt hiện nay, kể từ hậu đổi mới đến giờ, nếu cắt một lát cắt đồng đại, thì có thể thấy: ở trung tâm là thơ chính ngạch; vành ngoài thứ nhất là thơ theo xu hướng hiện đại chủ nghĩa, thơ tự do với những tìm tòi mang tính siêu thực; vành ngoài thứ hai là văn học trẻ; vành ngoài sau cùng là thơ theo hướng hậu hiện đại, thơ đương đại, thơ của hôm nay viết về cái hôm nay như một điều bí ẩn: thơ của cái khác. Thơ hậu hiện đại đích thực không dừng lại ở cấp độ thủ pháp, mà đã tiến tới cấp độ quan niệm thực tại. Có như vậy mới sản sinh ra được cái khác hậu hiện đại. Một cái khác không phải là khác biệt, khác lạ trong quan hệ với cái ngoài nó, mà là một cái khác trong quan hệ với chính nó, mang tính tự thân, là sản phẩm của một cá nhân độc lập. Một cái khác không nằm sẵn trong bài thơ, cũng không nằm sẵn trong đầu tác giả, mà được sinh ra trong tiến trình bập bênh giữa tác giả, văn bản và người đọc. Thơ trở thành mỹ học của cái khác.

Cái nôi để cái khác thăng hoa, phát triển

Đến với cái khác chủ yếu là do một tinh thần sáng tạo mạnh mẽ vốn có của nhà thơ. Những ý tưởng rộn ràng trong trí óc muốn thoát ra ngoài rồi tự sắp xếp mình thành những vần thơ để tự bay cao, bay xa hơn chính mình. Nhưng cũng cần có những điều kiện để kích thích con rồng ẩn ấy bay lên, đó là một không gian khác. Đứng từ không gian cũ mòn mà nhìn về hướng khác, hướng mới lạ hơn, đổi khác đường bay để đi tìm chân trời lạ.

Đỗ Lai Thúy đã nhìn, ngẫm và đúc kết những không gian sáng tạo của cả một tiến trình thơ. Đó là không gian hải ngoại, không gian sáng tạo của những người bị cắt nhưng chưa lìa khỏi quê hương cũ. Ở chính ngay trong mỗi con người, mỗi nhà thơ đều tồn tại hai không gian, hai chiều kích: một bên là nỗi nhớ thương, mong mỏi cố hương, một bên là thực tại cuộc sống ở quê hương mới. Dường như giữa ranh giới hai không gian ấy, thơ bay lên. Ta bắt gặp những Phan Nhiên Hạo, Đinh Linh, Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Quyên, Lê Thị Thẩm Vân… Đó là không gian địa lý, những chuyển di, xê dịch từ vùng này sang vùng khác, tạo nên những cảm hứng mới: cảm hứng về thiên nhiên, đất nước, con người hay cả những cảm hứng về thân phận. Đến đây ta bắt gặp một Nguyễn Tuân tài hoa ưa xê dịch, một Nguyễn Bính giang hồ,…

Nhưng không gian địa lý chỉ làm nảy sinh những cảm hứng sáng tạo mới, những ý tưởng khác của các nhà thơ chứ không tạo ra cái khác từ chính bên trong nội lực của các nhà thơ ấy. Chỉ đến không gian xã hội, sự đổi khác về hoàn cảnh sống, về vị thế sống của các nhà thơ, lúc này thơ mới bứt phá mình trở thành cái mới mẻ hơn, một cái khác của chính mình.

Ta bắt gặp một Nguyễn Gia Thiều thất thế rồi làm nên Cung oán ngâm khúc; một chàng thanh niên Nguyễn Du sống quen nhung lụa mà phải lênh đênh chìm nổi mười lăm năm cuộc đời, đồng cảm với nàng Kiều, rồi có Truyện Kiều thăng hoa và bất hủ. Không gian văn hóa nông thôn – thành thị, Đông – Tây, trung đại – hiện đại đã trở thành cú hích đẩy sức sáng tạo của các nhà thơ mới.

Đó là không gian song ngữ, đa ngữ, cùng lúc sống hai không gian khác nhau và từ chỗ song trùng của nó tạo ra cái khác. Đến đây, chợt nhận thấy văn học Việt Nam luôn ở trong môi trường song ngữ: suốt thời trung đại là chữ Hán, sau đó là tiếng Pháp, tiếng Anh. Đó còn là hiện tượng mất không gian nên nhiều nhà thơ đã ở ẩn, sống biệt cư, sống cô đơn cùng cực, “cô đơn toàn phần mới sinh ra sáng tạo” (Đặng Đình Hưng). Cuối cùng là không gian của các không gian: không gian mạng. Tính liên kết, rộng mở của internet đã cho ra đời cả một lớp các nhà thơ trẻ, văn trẻ với sức sáng tạo không ngừng nghỉ.

Từ cái khác mới nhìn ra một tiến trình khác của thơ Việt. Nếu lấy cái khác làm hệ quy chiếu thì tiến trình thơ Việt cho đến nay, có ít nhất mười một lịch sử: thơ chữ Hán, thơ chữ Nôm, thơ quốc ngữ lúc giao thời, thơ mới, thơ đầu kháng chiến chống Pháp, thơ nhân văn và hậu nhân văn, thơ thành thị miền Nam 1955 – 1975, thơ chính thống và thơ chính thức, thơ đổi mới và hậu đổi mới, thơ đương đại, thơ hải ngoại. Mỗi tiến trình thơ là một lịch sử của cái khác, có ra đời, phát triển rồi tàn lụi. Như vậy, thơ Việt Nam không chỉ có một lịch sử mà có nhiều lịch sử, hay một lịch sử số nhiều.

Con đường đến với cái khác từ hậu thơ mới đến nay

Bằng con mắt nghệ thuật tài tình, phiêu linh, Đỗ Lai Thúy đã nhìn các thế hệ nhà thơ vào chính thời điểm họ khoe sắc nhất, tỏa hương nhất, đỉnh cao nhất, khác với những cái trước đó và cả những cái sau đó, của chính họ và quanh họ. Đó là bảy nhà thơ: Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt và Bùi Giáng. Đỗ Lai Thúy đặt tên cho phần này của chuyên luận là Chân trần đến với cái khác– cái chân trần hồn nhiên, vô tư, tự nhiên và dung dị. Mỗi nhà thơ giống như một bông hoa khoe bày sự khác lạ của mình trong vườn hoa thơ Việt.

Nguyễn Xuân Sanh tha thẩn với buồn xưa: Ngàn mày tràng giang buồn muôn đời. Đọc thơ Nguyễn Xuân Sanh, người ta không thể đọc nóng cả câu rồi hiểu nóng cả nội dung ngữ nghĩa. Bởi, ấy là một thứ thơ cần đọc chậm để cảm. Ngàn mày: con người, tràng giang: thiên nhiên, buồn muôn đời: muôn đời buồn. Hóa ra cả con người lẫn thiên nhiên đều buồn, muôn đời buồn. Cùng với cách phân tích câu chữ và cách hiểu nội dung ngữ nghĩa như vậy, những bài thơ của Nguyễn Xuân Sanh trong Xuân thu nhã tập trở nên long lanh đến không ngờ.

Từ 1955 đến đầu những năm 60 TK XX, các nhà thơ, nhà văn kiên quyết vượt qua Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn như là những biểu tượng của văn học tiền hiện đại để bước vào văn học hiện đại (chủ nghĩa). Nhóm Sáng tạo bao gồm các nghệ sĩ trẻ như Mai Thảo, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Thái Tuấn…, ra đời để thực hiện sứ mệnh này. Trong đó, Thanh Tâm Tuyền là một trong ba nhà thơ lớn nhất của thơ Việt miền Nam bấy giờ. Thơ Thanh Tâm Tuyền toàn bộ đều là thơ tự do, tức nhạc thơ không dựa vào vần điệu, mà dựa vào nhịp điệu. Trong tuyên ngôn Nỗi buồn trong thơ hôm nay, Thanh Tâm Tuyền, cũng như Nguyễn Đình Thi trước đây, bàn nhiều về nhịp điệu hình ảnh nhưng khác Nguyễn Đình Thi ở nhịp điệu tư tưởng. Thi nhân tuyên bố ông không dính dáng gì đến các trào lưu phương Tây hiện đại mà tiến thẳng từ ca dao, tức hoàn toàn mới, không hề có quá khứ thơ ca, nhất là của thơ Việt. Thơ Thanh Tâm Tuyền có một tinh thần đô thị hiện đại, đích thực. Cũng vì thế mà thơ ông mới cùng nhịp đập với thế giới đương đại, quan tâm đến những vấn đề như màu da, nhạc jazz… Có lẽ, lần đầu tiên, thơ Việt mới cập nhật cùng thế giới đến như vậy.

Đến Đặng Đình Hưng, ta lại bắt gặp những vần thơ nghiêng về phía trí tuệ, nhưng là thứ trí tuệ xuất phát từ cảm giác và không bao giờ xa rời cảm giác. Hẳn vì thế mà Đỗ Lai Thúy đã gọi là: Đặng Đình Hưng – người thèm. Và cũng hẳn vì thế mà trong tứ đại gia của thi đoàn thơ hậu Nhân văn, chỗ đứng của Đặng Đình Hưng là không thể thay thế.

Ta bắt gặp một Bùi Giáng từ bỏ lối làm thơ trong sáng, trang nghiêm, cân đối và đều đặn thuở Mưa nguồn, để viết thơ một cách phóng túng và phá cách. Từ đây, cái ngẫu nhiên đột nhập vào thơ Bùi Giáng, phá vỡ mọi quá trình nhân quả, tuyến tính. Tất cả đều là trò chơi của cái tình cờ, hỗn độn, bất định. Đứng cạnh nhau một cách ngẫu nhiên là các chữ thuần Việt/ Hán Việt, các hình ảnh dân gian, bác học, các điển tích Đông Tây, kim cổ. Trong một bài thơ, câu trước còn trang trọng, cổ điển thì câu sau đã nôm na mách qué một cách bất ngờ. Không có trò chơi chữ nào là không được Bùi Giáng áp dụng.

Lối làm thơ của Bùi Giáng là xuất khẩu thành thi hoặc làm thơ tại chỗ, lúc nào muốn dừng lại thì dừng và không phải sửa chữa gì cả. Mỗi tác phẩm dường như chỉ là một nhát cắt từ một bài thơ duy nhất, cho thấy toàn bộ sáng tác của ông, hoặc của chính cuộc đời ông. Bởi lẽ, cuộc đời Bùi Giáng cũng là một bài thơ. Ông sống như ông sáng tác, không hề có khoảng cách. Thậm chí, những gì Bùi Giáng không hoặc chưa nói được bằng thơ thì ông nói bằng chính cuộc đời ông. Bùi Giáng là một thi sĩ – triết gia, vừa cổ điển, vừa hiện đại. Đúng hơn, cái cổ điển của Bùi Giáng luôn là cái hiện đại, cái đương đại. Đó là cái mới của văn chương hậu hiện đại, một cái mới – cũ, chứ không phải cái mới – mới hiện đại chủ nghĩa.

Đỗ Lai Thúy vừa nghiên cứu khoa học, vừa phê bình nghiêm túc, lại vừa dùng trái tim mẫn cảm, trực giác nhạy bén của mình để làm nên mỹ học thơ hay thơ như là mỹ học của cái khác. Tác giả đã đặt giả thuyết, vận dụng các nguyên lý của phê bình thông diễn học, tìm con đường, phương án giải quyết mới, xây dựng mô hình, nỗ lực vận dụng các thao tác khoa học để khai phá ra những chiều kích thẩm mỹ mới của các tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ vì thế mà Thơ như là mỹ học của các khác duyên dáng đến vô cùng.

_______________

1. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012.

2. Bìa gấp của cuốn Thơ như là mỹ học của cái khác.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 344, tháng 2-2013

Tác giả : Nguyễn Liên Hương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *