Tiếp cận diện mạo tôn giáo tín ngưỡng ở việt nam


 

Sau mốc Việt Nam đổi mới từ năm 1986, đời sống tinh thần, trong đó có đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người dân, có nhiều thay đổi đáng kể. Có lẽ, sự bừng lên của các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng đã trở thành một trong những động lực thúc đẩy xã hội phát triển trên cơ sở văn hóa là nền tảng của các hoạt động khác. Các công trình nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đã xuất hiện và hình thành một đội ngũ những nhà nghiên cứu mới, trẻ trung, năng động thuộc thế hệ những nhà nghiên cứu theo quan điểm Mác xít thứ 3. Họ là những người đã có học vị Tiến sĩ trong khoảng thời gian từ 1990 đến 1998 – chủ yếu đào tạo nghiên cứu sinh trong nước và đào tạo từ một số nước trở về. Sau đó, thế hệ những nhà nghiên cứu thứ 4 có học vị thạc sĩ, tiến sĩ được “ra lò” trong khoảng thời gian từ 1998 đến nay là lực lượng đắc lực cho công tác nghiên cứu về tín ngưỡng và tôn giáo ở nước ta cùng với thế hệ các nhà nghiên cứu thứ 1, thứ 2 đã rất chín chắn, già dặn cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, trong đó không ít gương mặt trí thức đã khuất về miền vĩnh cửu. Nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa tôn giáo tín ngưỡng nói riêng trước kia ở Việt Nam thường bị hạn chế bởi phương pháp luận. Chính sự đơn điệu trong phương pháp nghiên cứu, cộng với cơ chế quản lý của nhà nước trong hoàn cảnh nửa chiến tranh, nửa hòa bình và kinh tế tập trung bao cấp của đất nước đã không đem đến những chân dung đầy đủ cho bức tranh tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Hạn chế này đã được khắc phục khi Việt Nam mở cửa với khu vực và thế giới. Kết quả là trong giới khoa học xã hội, việc nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể do đổi mới và cập nhật được nhiều phương pháp của các nhà khoa học trên thế giới, trong đó có phương pháp nhân học tôn giáo. Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay (1) là kết quả của các nhà khoa học trẻ tuổi, tiến hành nghiên cứu đời sống tôn giáo tín ngưỡng thông qua lăng kính của phương pháp nhân học. Tức là, nhà nhân học nghiên cứu các khía cạnh của đời sống tôn giáo tín ngưỡng; quan sát con người thực hành nghi lễ ra sao trong bối cảnh kinh tế, chính trị, chính sách xã hội nhất định; lý giải những điều trên đã tác động như thế nào đối với các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng mà người dân coi là quan trọng và mang lại ích lợi cho họ.

Sách là tập hợp 12 bài viết của 11 tác giả trong nước và một bài đồng tác giả với Karen Fjelstad (Mỹ). Mở đầu tập sách là bài viết mang tính tổng luận, nghiên cứu tình hình tôn giáo tín ngưỡng đương đại với cái nhìn hệ thống hóa từ khái niệm nghiên cứu về tôn giáo và nhân học tôn giáo của phương Tây. Tiếp đó đặt ra các vấn đề nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam qua các công trình tiêu biểu do tác giả trong và ngoài nước đã xuất bản. Trong cụm vấn đề cụ thể này, những công trình nghiên cứu của tác giả người nước ngoài được trích dẫn trân trọng như Oscar Salamik, Paul Sillitoe, Stanley Tambiah, Philip Taylor, Barley Norton, Laurel Kenndall, Conrad Kottak, Van Gennep… và các công trình của tác giả Việt Nam nghiên cứu sự biến đổi trong khoảng cuối TK XX và những năm đầu TK XXI. Ưu điểm của những nghiên cứu về biến đổi trong tôn giáo, tín ngưỡng diễn ra ở Việt Nam là luôn luôn lấy sự biến đổi làm trung tâm của nghiên cứu, xoay quanh sự biến đổi để tìm ra lịch sử nguồn gốc, cách giải quyết các sự kiện, hành vi thực hành nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng ở những giai đoạn, thời khắc không giống nhau. Chính cách tiếp cận vấn đề thoáng như vậy khiến những “cấm kỵ”, trước đây bị quy nạp vào “mê tín dị đoan”, được cởi bỏ. Những hiện tượng huyền bí mang đậm tính tâm linh, ma thuật, đạo giáo phù thủy hay các nghi lễ thuộc về Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian như hầu đồng, xin bùa, gọi hồn, tìm mộ, đi lễ giải hạn, xin lộc, hóa đốt vàng mã… được soi sáng bằng một lăng kính mới. Sử dụng công cụ ống kính vạn hoa đã khiến vấn đề trở nên linh động, đa chiều hơn dưới cách tiếp cận bắt nguồn từ thực tế, theo sát thực tế của các nhà nghiên cứu nhân học tôn giáo.

Ở đây, các nghiên cứu về biến đổi được thể hiện khá đa dạng qua sự tuyển lựa của các nhà tổ chức bản thảo. Các bài viết là những trường hợp nghiên cứu cụ thể không giống nhau, tạo nên sự đa diện trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam thời kỳ đổi mới. Chúng ta thấy bức tranh tổng quan qua Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đương đại (1), hay là Chuyển đổi sinh hoạt tu sĩ Phật giáo Nam Bộ Việt Nam thời hội nhập (2). Sự chuyển đổi đó đã mở ra vận hội mới cho Phật giáo Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới trên cơ sở xu thế hội nhập và toàn cầu hóa phù hợp với bản chất của Phật giáo là tính hòa hợp, dễ thích nghi giữa 3 tông phái Phật giáo ở Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á vì sự đoàn kết và phát triển thịnh vượng (mà biểu hiện cao nhất là Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2008 được Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đăng cai chủ trì, với sự phối hợp tổ chức của Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam). Sự biến đổi đó cũng cho thấy 3 hệ phái Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ, các giáo lý nhà Phật ở cuối TK XX và đầu TK XXI nhanh chóng có những thích nghi với những đặc trưng sinh hoạt riêng của từng hệ phái và điều kiện thực tiễn trong giáo dục đào tạo và thực hành nghi lễ khi được đô thị hóa, phản ánh xu thế nhập thế giúp đời của Phật giáo thời hiện đại.

Trong hoạt động của Phật giáo, Dịch vụ Phật giáo: hoạt động mang tính dân gian và là cách thức giải quyết nhu cầu tâm linh tín đồ của Phật giáo Việt Nam đương đại (nghiên cứu trường hợp Hà Nội) (3) đặt ra khá thú vị. Nhu cầu tâm linh này được đáp ứng thông qua các nghi lễ cầu cúng, là sự trao đổi diễn ra giữa tín đồ – người đưa ra yêu cầu nghi lễ và tăng ni sư – người thực hiện nghi lễ. Có điều, những dịch vụ Phật giáo này không hoàn toàn là nghi lễ của Phật giáo mà xen cài trong đó có các hoạt động nghi lễ thuộc Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian mà các nhà khoa học gọi tên là tính dân gian của Phật giáo Việt Nam. Xuất phát từ bản chất các nghi lễ như là một loại hình dịch vụ nhằm mang lại lợi lạc, sự an định về tinh thần, nhu cầu đi tìm cõi niết bàn trần thế của tín đồ… mà Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh đương đại đã đáp ứng tốt các nghi lễ đó. Mặt khác, chính từ các hoạt động dịch vụ trên mà Phật giáo Việt Nam được duy trì (có lợi ích kinh tế tài chính) và phát triển (hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sinh, thâu nạp niềm tin tâm linh Phật giáo trong tín đồ cũ và mới), và thực tế, nó đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống Phật giáo hiện nay.

Không chỉ Phật giáo, mà các tôn giáo khác như đạo Ky tô, đạo Cao Đài cũng có những biến đổi và thích nghi thích ứng rất uyển chuyển trong xã hội đương đại. Nghi lễ, chuẩn mực và tính linh hoạt trong đời sống đạo ở vùng công giáo Hố Nai – Đồng Nai (4) là một ví dụ sinh động. Từ nghi lễ trong đám cưới và đám tang của người Công giáo, sự gắn kết giữa giáo lý nhà thờ và niềm tin tâm linh dân gian của người dân là một liên kết sâu bền, đòi hỏi sự thỏa hiệp nhất định của Vaticăng với lực lượng giáo dân bản địa trong bối cảnh hội nhập và thích nghi tôn giáo. Sự kết hợp – thỏa hiệp đó đã tạo ra sản phẩm là những nghi lễ kép vừa đúng chuẩn theo quy định của Công giáo, vừa thỏa mãn được các nghi lễ đáp ứng nhu cầu tâm linh dân gian diễn ra tại hậu trường nhà thờ (chủ yếu là tại gia đình) theo hướng tích cực sống đạo thay vì giữ đạo như trước đây.

Với đạo Cao Đài, Đại lễ vía đức chí tôn của đạo Cao Đài ở thành phố Hồ Chí Minh (5) là nghi lễ quan trọng nhất phản ánh chức năng thể hiện giáo lý tôn giáo; niềm tin tôn giáo; đời sống trần tục; sự thể hiện sức mạnh cộng đồng của tín đồ đạo Cao Đài mà các tôn giáo khác không có. Đặt các nghi lễ của đạo Cao Đài với nghi lễ của các tôn giáo, tín ngưỡng khác trong những xã hội nhất định sẽ cho ta chân dung sự khác biệt (về sự linh thiêng, những hành vi, lời khấn, cúng phẩm, tấu sớ, sự đoàn kết nội bộ…) của các tổ chức xã hội mà nó là tác nhân để hình thành nên những nghi lễ tôn giáo đó.

Một khía cạnh khác của đời sống tín ngưỡng dân gian về Chữ thiêng: văn tự trong thờ cúng tổ tiên của người Việt đương đại (7) hay Đời sống tâm linh của chiếc ván in bùa trấn trạch (9) đều là cách bày tỏ niềm tin tâm linh có nguồn gốc sâu xa trong tâm khảm người Việt từ cổ truyền tới đương đại. Sự đứt gãy tâm linh do hoàn cảnh lịch sử tạo ra không xóa sạch dấu vết, mã gien văn hóa mà dường như, ở khía cạnh nào đó, lại là động lực để sự quay trở lại đa dạng, phong phú hơn với những chiều kích thích nghi khác nhau. Niềm tin tâm linh dường như bất tử, được tiếp thêm sinh khí để ngày càng củng cố sắc diện trong bối cảnh mới. Có thể trước đây, con đường thông linh của cha ông ta tương đối thuần túy thì hiện nay, nhiều ngả đường mới đã được liên thông, khai phá nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Dĩ nhiên, cái giá phải trả cho tri thức cổ truyền bản địa đơn nhất và sự tiện lợi – nhanh, nhiều, tốt, rẻ do thực tiễn đời sống đem lại sẽ phần nào giảm tính linh thiêng huyền bí đơn nghĩa mà gia tăng tính linh thiêng – huyền bí đa nghĩa, phổ cập hơn ra toàn xã hội.

Tương tự với các loại văn tự Hán Nôm mang tính thiêng và văn tự la tinh đang được thiêng hóa cũng như việc xin bùa, làm bùa, thậm chí giải thiêng bùa ngải cho đời sống dân gian, Vàng mã cho người sống, chuyển hóa tâm linh trong một xã hội mở (11) là sự trở lại của một loại hình dịch vụ tâm linh đáp ứng đời sống kinh tế thời mở cửa và hội nhập đầy cơ hội cũng như bất trắc loang ra toàn xã hội. Sự trở lại hay là Sự biến mất của những bóng ma tiếp cận dưới cái nhìn nhân học sinh thái (8) đều là những cách tiếp cận của phái nhân học tôn giáo với đời sống đương đại xét từ thực tế xã hội, kinh tế và văn hóa đổi mới. Tính thiêng còn hay đã thế tục hóa đều có cơ sở bắt rễ từ môi trường xã hội cụ thể. Khi điều kiện sản sinh dung dưỡng các hiện tượng văn hóa tâm linh mất đi thì lập tức kéo theo sự biến dạng, thậm chí mất dạng của những nghi lễ đã từng tồn tại. Mặt khác, trong điều kiện mới, những nhu cầu cũ bị đè lấp, khuất nẻo, nay là tìm lối hiện về như là việc Tìm cốt người âm – hiện tượng tìm mộ bằng ngoại cảm ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (10) là minh chứng sống động cho những giá trị tinh thần đã từng có lúc bị cơ chế xã hội phủ định nó, quy chụp nó bằng các danh từ mê tín dị đoan. 20 năm nay, các nhà ngoại cảm đã, đang hành nghề tìm mộ không chỉ với đối tượng liệt sĩ – những người có công với dân tộc, mà còn giúp cho bao gia đình người dân bị thất lạc mồ mả do thiên tai và chiến tranh được tìm lại mộ phần được yên lòng. Xét về khía cạnh xoa dịu tâm lý, an định tâm thần cho xã hội thì những đóng góp của các nhà ngoại cảm thông qua việc tìm cốt người âm đóng góp không nhỏ chút nào. Tương tự như vậy, quá trình Lên đồng xuyên quốc gia: những thay đổi trong thực hành nghi lễ đạo Mẫu ở California và vùng Kinh Bắc (12) cũng đóng góp cho sự hồi sinh và phát triển của một nghi thức thuộc Đạo Mẫu dân gian không chỉ ở phạm vi trong nước và còn ở phạm vi quốc tế. Trở thành cầu nối để hòa giải các băn khoăn khúc mắc do lịch sử để lại, những khác biệt và thay đổi trong nhãn quan của người Việt ở trong và ngoài nước, ở miền Bắc (xã hội chủ nghĩa) và miền Nam (dưới chế độ Mỹ ngụy) thông qua nghi lễ hầu đồng trong thời kỳ hội nhập quốc tế đã đem lại giá trị lợi ích cả về tinh thần lẫn giá trị kinh tế cho các đối tượng ông đồng bà đồng ở vùng San Jose (Mỹ) và vùng Kinh Bắc (Việt Nam).

Sự biến đổi tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm ở Việt Nam (6) là một cách tiếp cận khác dành cho tôn giáo, tín ngưỡng của nhóm đồng bào thiểu số trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Đi từ ngọn ngành thuật ngữ khoa học dùng để chỉ dân tộc Chăm và các nhóm tôn giáo tín ngưỡng Chăm khác nhau, tác giả Sakaya giới thiệu về các tín ngưỡng bản địa của người Chăm, sự du nhập Ấn Độ giáo và Phật giáo, Bàlamôn giáo, Hồi giáo vào vương quốc Chămpa trong lịch sử để dẫn đến sự biến đổi thực sự bắt đầu diễn ra kể từ thời điểm vương quốc Chămpa sụp đổ. Ngày nay, tôn giáo, tín ngưỡng Chăm chỉ tồn tại như là một tàn dư, phế tích của một thời vàng son trong bối cảnh cộng cư, xen cư, trong môi cảnh đa văn hóa của văn hóa hiện đại. Bên cạnh xu hướng suy thoái về tôn giáo tín ngưỡng Chăm thì xu hướng bảo tồn và thích nghi trong mối quan hệ lịch sử với các tôn giáo lớn như Ấn Độ giáo, Hồi giáo ở các quốc gia láng giềng Nam Á, Tây Á, Đông Nam Á đang đặt ra bài toán cho cộng đồng người Chăm ở Việt Nam rất bức thiết.

Đến lúc nào đó, khi xã hội tích lũy các điều kiện kinh tế và tâm lý tôn giáo tín ngưỡng… đủ độ chín muồi thì giá trị văn hóa tinh thần truyền thống nhằm giúp con người cân bằng cuộc sống, an ủi tinh thần, có điểm tựa tâm linh… sẽ trở nên phổ biến, phù hợp, tương thích, phản ánh và chịu tác động ngược lại từ cuộc sống đương đại.

Bài toán đặt ra cho đời sống tôn giáo tín ngưỡng hiện nay là phải giải đáp được câu hỏi biến đổi ra sao cho phù hợp để phát triển. Chỉ sự vận động tuân theo quy luật khách quan mới đem lại sự phát triển tương thích giữa đạođời, giữa phần xác và phần hồn, giữa trần thếcõi thiêng. Khi tiếng nói thiêng liêng chưa đủ độ âm vang để cất lên thì sự thắng thế tạm thời của đời thường chưa phải là kết quả chung cuộc. Còn nhiều điều bí ẩn, huyền hoặc thuộc phạm trù cái chưa biết khiến con người đương đại tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm niềm an lạc, cõi thiên đàng ngay tại cuộc sống đa dạng, phong phú và luôn biến đổi từng ngày vậy!

Cuốn sách tương đối dày dặn tiếp cận một phần bề nổi đời sống tôn giáo tín ngưỡng ở lát cắt biến đổi đương đại hiện nay là cách tiếp cận chấm phá mở, kết cấu vấn đề tương đối lỏng trong cấu trúc tôn giáo và tín ngưỡng vốn cực kỳ phong phú đa dạng ở Việt Nam chỉ là sự khởi đầu cho tủ sách Khoa học Xã hội do Viện Harvarrd Yenching tài trợ. Hy vọng những tuyển tập tiếp theo sẽ đến tay độc giả một cách chặt chẽ, xâu chuỗi sát sao hơn các vấn đề nổi cộm đang đặt ra hiện nay. Có thể chủ đích của ban tuyển chọn và các nhà thẩm định phản biện muốn bạn đọc tiếp cận lần lượt những nghiên cứu công phu, đặc sắc của những nhà nghiên cứu được đào tạo bài bản. Nhưng độc giả vẫn mong muốn có những chùm bài nghiên cứu xâu chuỗi chặt để có sự đối sánh, để ống kính vạn hoa xoay vòng hấp dẫn hơn nữa nhờ cách tiếp cận phong phú, đa dạng và trí tuệ của các nhà nghiên cứu văn hóa trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Mong thay!

_______________

1. Nhiều tác giả, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008, 356tr. Tên 12 bài viết được chúng tôi in nghiêng và đánh số thứ tự trong ngoặc đơn.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 296, tháng 2-2009

Tác giả : Bảo Ngọc Oánh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *