Di sản phủ đệ triều nguyễn ở huế, truyền thống và biến đổi

Phủ đệ là tên gọi chung chỉ những ngôi nhà được dựng lên khi các hoàng tử, công chúa đến tuổi trưởng thành, được nhà vua cho phép ra ở riêng. Sau khi các ông hoàng, bà chúa ấy qua đời, tòa chính đường trong phủ, nơi ở lúc sinh thời của họ, trở thành nơi thờ tự vong linh của chính họ. Phủ đệ luôn được xem là di sản văn hóa sống động của đất cố đô Huế, có từ đầu triều Nguyễn, và vẫn còn tồn tại khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Phủ đệ mang nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa nghệ thuật độc đáo, tạo nên bản sắc văn hóa Huế, ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tính cách, tâm hồn của con người xứ Huế.

Thế giới trầm mặc đằng sau các cổng ngõ phủ đệ hàng trăm năm tuổi trở nên cực kỳ hấp dẫn du khách tham quan thưởng lãm. Tiếc rằng ngày nay, di sản phủ đệ triều Nguyễn ở Huế đã và đang bị biến đổi một cách nhanh chóng trong quá trình đô thị hóa.

Cảnh quan kiến trúc phủ đệ triều Nguyễn

Vị trí, cảnh quan

Phủ đệ được các ông hoàng, bà chúa lựa chọn xây dựng trên những mảnh đất cát tường về mặt phong thủy, nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình, cảnh trí thơ mộng, thường nằm dọc hai bờ sông. Bên cạnh nét vương giả của phủ đệ hoàng tử, chúng ta còn nhận thấy nét đài các, sang trọng của phủ đệ công chúa. Hiện nay, hầu hết cảnh quan các phủ đệ không còn giữ được nguyên vẹn không gian cảnh quan xưa, mà có xen lấn các công trình xây dựng mới để phục vụ nhu cầu ăn ở của con cháu trong phủ. Có chăng chỉ còn lại hiếm hoi một số phủ đệ còn giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc ban đầu như phủ Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương, Ngọc Sơn công chúa.

Bên trong nhiều phủ đệ, đất đai đã bị phân lô, tách thửa để bán cho người ngoài xây nhà ở, hoặc bị người dân lấn chiếm trái phép nên diện tích phủ đệ ngày càng bị thu hẹp, như trường hợp các phủ Hoài Đức quận vương, Phú Bình quận vương. Các phủ đệ này trở nên nhỏ bé và khiêm nhường nằm xen giữa phố thị đông đúc. Do nhu cầu mưu sinh, cải thiện đời sống kinh tế, nhiều chủ nhân phủ đệ hiện nay đã tận dụng diện tích đất phủ đệ nằm vị trí mặt tiền đường phố để kinh doanh quán cà phê, bán hàng quán như phủ Hòa Thạnh vương, Kiến Tường công, Trấn Tĩnh quận công, Quảng Biên quận công.

Nguyên tắc phong thủy đã được người xưa áp dụng một cách chặt chẽ khi tạo dựng phủ đệ nhưng nay đã bị biến đổi. Đặc biệt, kiến trúc cổng ngõ được chủ nhân luôn coi là việc hệ trọng, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưng thịnh, tồn vong của gia chủ. Vì vậy, cổng ngõ có vị trí nên đặt ở đâu, cao rộng bao nhiêu luôn được chủ nhân tính toán rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, ngày nay ở nhiều phủ đệ, các yếu tố cổng ngõ, bình phong, bể cạn, non bộ đã bị phá hủy hoặc chuyển dịch vị trí nên không còn phát huy tối đa tác dụng về mặt phong thủy, phá vỡ cảnh quan kiến trúc phủ đệ.

 Cổng ngõ

 Từ ngoài đi vào phủ là hệ thống cổng ngõ. Hầu hết, các phủ đệ chỉ có một cửa kiểu nhất khẩu, bố trí ở vị trí trung tâm mặt chính diện, đôi khi lệch về một bên. Một số phủ đệ mà chủ nhân có uy quyền lớn trong triều đình mới được mở ba cửa kiểu tam khẩu, dàn ngang ở mặt trước hoặc bố trí một cổng chính ở mặt trước và hai cửa phụ ở hai bên.

Hình thức của cổng ngõ các phủ đệ cũng khá đa dạng. Có loại hình tam quan – cổ lâu bề thế, được trang trí nghệ thuật khảm sành sứ rất công phu, tinh tế như phủ Tuy Lý vương, Kiên Thái vương, Thụy Thái vương, Diên Phước trưởng công chúa. Nhưng cũng có cổng ngõ được làm theo lối cửa vòm nguyệt môn trang trí khá đơn giản như Phong Quốc công, Mỹ Hóa công, An Hóa công. Thậm chí có một số cổng phủ chỉ là hai chiếc trụ bằng gạch, trên gắn đôi búp sen hoặc cặp lân gốm như phủ Ngọc Sơn công chúa. Các cổng ngõ phủ đệ phần lớn xây bằng gạch, cũng có trường hợp làm bằng gỗ, hay kết hợp cả gỗ và gạch, ngói, thường được tạo dáng độc đáo, hình thức trang nhã như phủ An Thường công chúa. Trên cửa chính có đề tên gọi của vương phủ hay công phủ, hai bên tả hữu thường ghi đôi câu đối bằng chữ Hán, thể hiện quan điểm sống, hành trạng của chủ nhân hoặc mô tả về vị trí tọa lạc phủ đệ có phong cảnh hữu tình. Thông thường, cổng ngõ là công đoạn cuối cùng trong quy trình xây dựng phủ đệ. Vì thế, đây là nơi chủ nhân tập trung nhiều tâm sức để thể hiện tâm nguyện của mình.

Hiện nay, nhiều cổng ngõ phủ đệ xưa đã bị phá hủy, thay thế bằng kiến trúc mới như phủ Nghĩa Quốc công, Kiến Hòa quận công, Phú Mỹ quận công. Trường hợp khác, phủ đệ không còn có kiến trúc cổng ngõ như phủ Hoài Đức quận vương, Phú Bình quận vương. Nhiều trường hợp, cổng ngõ phủ đệ đã được tu bổ, trùng tu bằng những vật liệu hiện đại, đắp nổi, vẽ hoa văn trang trí tân thời, ảnh hưởng đến sự nhận diện những nét nguyên thủy ban đầu của kiến trúc cổng ngõ phủ đệ. Ở một số phủ đệ còn xây dựng lại cổng ngõ mới, có kiến trúc hiện đại, để phù hợp với đời sống đương đại, làm mất vẻ đẹp hài hòa, không còn cân đối với không gian kiến trúc phủ đệ xưa.

Tường thành, hàng rào

 Nguyên khởi, các phủ đệ đều có xây dựng vòng tường thành bao quanh bằng gạch đá nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của người lạ từ bên ngoài vào nhưng nay, nhiều hệ thống tường thành đã bị phá hủy hoặc sụp đổ từng đoạn. Nhiều đoạn tường thành bị phủ kín rêu phong, cây cối bám vào tường gạch gây nứt đổ, nhiều nơi do mưa bão, lũ lụt mà từng đoạn tường bị sụt lở dẫn đến nguy cơ sụp đổ. Bên cạnh đó, cũng có một số phủ đệ được bao quanh bởi hàng rào bằng cây chè tàu, dâm bụt, như một loại thành xây bằng lá xanh nhằm phân định mốc ranh giới và điểm tô cho mảng xanh của phủ đệ nhưng hiện nay, có chăng chỉ còn sót lại ở phủ thờ Ngọc Sơn công chúa.

Nhiều phủ đệ nằm trong khu vực quy hoạch, mở rộng đường phố nên bắt buộc chủ nhân hiện tại phải hạ giải hệ thống tường thành, hàng rào, làm phá vỡ cảnh quan ban đầu. Ví dụ, dự án mở rộng nâng cấp đường Nguyễn Chí Thanh đã ảnh hưởng lớn đến hệ thống tường thành, hàng rào của nhiều phủ đệ nằm dọc hai bên con đường, bao gồm phủ Vĩnh Tường quận vương, Ngọc Sơn công chúa, Phú Mỹ quận công, Tuy An quận công.

Bình phong

Bình phong bắt nguồn từ các yếu tố triều, án trong phong thủy, chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của mảnh đất, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi xâm nhập vào phủ đệ. Ngoài ra, bình phong còn thực hiện chức năng trang trí mỹ thuật và trở thành một nhân tố không thể thiếu trong kiến trúc phủ đệ. Bình phong phủ đệ thường được xây bằng gạch, kiểu cuốn thư hay kiểu bức tường chữ nhật vát góc, đắp nổi, khảm sành sứ các môtip trang trí cung đình: lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, lân hý cầu, phượng hoàng, chữ thọ… nhưng phổ biến nhất vẫn là biểu tượng long mã.

Nhiều phủ đệ hiện nay không còn giữ được kiến trúc bình phong, như phủ Phú Bình quận vương, Tuy An quận công, Kiến Hòa quận công, hoặc bình phong đã bị biến đổi về mặt cấu trúc, nghệ thuật trang trí qua các lần tu bổ, đặc biệt các trang trí khảm sành sứ đã bị bong tróc rất nhiều. Một số phủ đệ đã xây dựng bình phong mới do bình phong cổ bị phá hủy hoàn toàn nên xảy ra tình trạng bình phong mới quá to hoặc nhỏ so với nhà chính, ảnh hưởng đến cảnh quan và không phát huy hiệu quả thuật phong thủy theo ý đồ tạo dựng phủ đệ của tiền nhân. Nhiều bình phong được xây mới theo kiến trúc, nghệ thuật trang trí đơn giản, không còn những mảng trang trí mang đậm dấu ấn cung đình triều Nguyễn.

Bể cạn, hòn non bộ

Trong bố cục kiến trúc phủ đệ, bể cạn, non bộ thường được đặt sau hoặc trước bình phong, ngoài chức năng về phong thủy điều tiết hỏa khí, tụ thủy tích phúc, còn là một tác phẩm nghệ thuật xếp đá độc đáo, mang phong cách Huế. Tuy nhiên theo thời gian dài, bể cạn, hòn non bộ ở hầu hết phủ đệ đã bị phá hủy hoặc thay đổi chức năng trong các đợt trùng tu, sửa chữa, ví dụ như bể cạn ở phủ Tuy Biên quận công đã thành nơi đổ đất trồng cây. Những trường hợp bảo tồn khá nguyên vẹn yếu tố bể cạn sau bình phong, như ở phủ Kiến Tường quận vương, Ngọc Sơn công chúa, ngày càng hiếm hoi.

 Vườn cây và hệ cây trồng

 Không gian vườn trong phủ đệ thường chiếm tỉ lệ rất lớn với những sưu tập đủ các loài thực vật, có các hệ cây ăn quả, cây hoa, cây thuốc từ khắp các vùng miền trong cả nước đưa về. Ngày nay, thật hiếm thấy phủ đệ nào còn diện tích đất vườn rộng tới hàng ngàn mét vuông, thay vào đó là thực trạng diện tích đất ngày càng bị thu hẹp, điều này dẫn đến không gian vườn cũng bị thu hẹp, biến đổi. Các tầng cây xanh theo trục dọc cũng như sự phân bố các giống loài trên mặt bằng ngày càng xa dần với mẫu hình vườn truyền thống. Những khu vườn đặc trưng xứ Huế đầy hoa thơm dị thảo đã dần bị mai một, thay vào đó là hình ảnh của những tiểu cảnh Nhật Bản hoặc Trung Hoa. Mặt khác, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều loại cây trồng bị sâu bệnh phá hoại, một số nơi bị ngập lụt thường xuyên nên không giữ được hệ cây đa dạng đặc trưng như ngày xưa.

Kết cấu kiến trúc phủ đệ triều Nguyễn

Nhà chính

Nhà chính là tòa kiến trúc trung tâm của phủ đệ, xưa là nơi ở, nay trở thành nơi thờ tự chủ nhân đã kiến tạo phủ đệ, nên đều gọi chung là từ đường. Phủ đệ có kiến trúc nhà rường, đặt trên nền cao, bó vỉa bằng đá thanh hoặc gạch vồ, nền lát gạch Bát Tràng. Bộ khung nhà làm bằng gỗ kiền kiền hoặc mít nài; kết cấu bộ vì kiểu kẻ truyền, liên kết với nhau bằng xuyên, trến; hệ thống liên ba, kèo hiên, đố bản đều được trang trí tinh xảo bằng kỹ thuật chạm khắc theo các môtip truyền thống, thậm chí có cả thơ văn chữ Hán của chính chủ nhân phủ đệ. Điển hình, chúng ta còn trông thấy nhiều bài thơ chữ Hán được chạm khắc tinh xảo trên liên ba nội thất phủ Thọ Xuân vương. Hệ khung mái vững chắc để chịu đựng được hàng chục lớp ngói âm dương, ngói liệt; bờ nóc, bờ mái thường trang trí biểu tượng lưỡng long triều nguyệt được đắp nổi bằng vôi vữa, khảm sành sứ.

Qua thời gian, các công trình phủ đệ ngày càng bị xuống cấp nên chủ nhân mới của phủ đệ buộc phải tiến hành trùng tu, tôn tạo, đồng thời sử dụng kết hợp các vật liệu mới như sắt thép, gỗ công nghiệp… để thay thế nguồn nguyên liệu gỗ ngày càng đắt đỏ. Sự tham gia của những nguyên vật liệu xây dựng mới biểu hiện khá rõ trong kết cấu ngôi nhà, đặc biệt ở phần nội thất và hệ thống cửa. Những vách ngăn trong phủ đệ hiện nay hầu hết có sự tham gia của tường gạch chứ không hoàn toàn bao quanh bằng gỗ như trước kia. Chủ nhân phủ đệ có xu hướng nâng cột chính để làm nền nhà cao hơn so với sân vườn, tránh ngập úng vào mùa mưa bão và ẩm mốc vào mùa đông. Hầu hết chủ nhân do không đủ kinh phí trùng tu, phục hồi nguyên trạng nhà chính như xưa nên họ buộc lòng phải hạ giải 2 chái. Kết quả, nếu nhà chính thuộc dạng 3 gian 2 chái sẽ thành kết cấu nhà chính 3 gian bít đốc hoặc 1 gian 2 chái. Hệ thống mái ngói liệt truyền thống, trải qua thời gian mưa bão bị thấm dột, hư hỏng nhiều, thường được thay bằng mái ngói móc, mái tôn như phủ An Thành vương, Hòa Thạnh vương, Ngọc Lâm công chúa. Nền phủ đệ thường được lát gạch men hoặc tráng xi măng thay cho gạch Bát Tràng.

Ngoài ra có nhiều trường hợp phủ đệ bị hạ giải hoàn toàn kiến trúc nhà rường truyền thống để thay thế kết cấu kiến trúc bê tông cốt thép như phủ An Phước quận vương, Phú Mỹ quận công.

Nhà phụ

Ngoài nhà chính, nhiều phủ đệ còn có nhà ngang, nhà bếp, thậm chí còn có nhà tả – hữu vu ở hai bên. Đó là những không gian dành cho sinh hoạt hàng ngày, tiếp bạn bè, tổ chức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Phía sau tòa nhà chính của một số phủ đệ còn có nhà hậu để thờ tự thân mẫu. Hiện nay, chúng ta chỉ còn trông thấy trong khuôn viên của phủ Tùng Thiện vương có ngôi nhà thờ bà Thục tân Nguyễn Thị Bảo, thân mẫu Tùng Thiện vương hoặc trong phủ Tuy Lý vương có nhà thờ bà Tiệp dư Lê Thị Ái, thân mẫu Tuy Lý vương. Có lẽ, qua biết bao biến cố của lịch sử, gian nhà thờ thân mẫu của các vị hoàng tử đã bị hạ giải do xuống cấp nghiêm trọng và được phối thờ vào tòa chính đường của phủ đệ. Một hiện tượng cũng cần được đề cập đến đó là xu hướng tháo dỡ hoặc hạ giải hoàn toàn nhà phụ để xây dựng lại kiểu mới theo hướng tân thời, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các con cháu thế hệ sau. Việc xây mới nhà phụ theo kiến trúc hiện đại trong khi vẫn bảo tồn kiến trúc truyền thống ở nhà chính đã tạo nên sự mất hài hòa, phá vỡ cảnh quan kiến trúc nguyên thủy phủ đệ.

Nghệ thuật điêu khắc, trang trí phủ đệ triều Nguyễn

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện từng phủ đệ, các nghệ nhân cung đình xưa đã thể hiện tài nghệ qua những mảng chạm khắc, nghệ thuật trang trí độc đáo, tinh xảo các biểu tượng gắn với vương quyền và đời sống hoàng gia. Lưỡng long triều nguyệt, long mã hà đồ, rùa đội thư sách, hổ phù nhả chữ hỷ, hoa lá cách điệu thành rồng, chữ vạn, hoa sen, tứ linh (long, lân, quy, phụng), tứ thời (mai, lan, cúc, trúc), hai con dơi ngậm chữ phúc… tất cả đều được đặt ở những vị trí quan trọng, nổi bật, tạo nên điểm nhấn cầu kỳ trong một tổng thể kiến trúc phủ đệ. Trải qua thời gian dài tồn tại dưới điều kiện khí hậu khắc nghiệt xứ Huế, các cấu kiện gỗ có trang trí điêu khắc bị xuống cấp hoặc phá hủy, đặc biệt là những mảng chạm khắc tinh xảo hình tượng đầu rồng, họa tiết hoa lá ở các đầu cột kèo hiên. Hiện nay, ít thấy phủ đệ nào còn bảo tồn nguyên vẹn mái hiên cổ vì đa số đã bị hạ giải để xây dựng mái hiên mới, vững chắc bằng vật liệu bê tông hoặc mái tôn. Điều này dẫn đến sự biến đổi hoặc biến mất rất nhiều họa tiết trang trí độc đáo trên cấu kiện gỗ mái hiên phủ đệ. Theo quan sát của chúng tôi, các phủ đệ có lịch sử trùng tu, tôn tạo từ ba lần trở lên, đặc biệt là những lần chủ nhân tiến hành trùng tu trong vòng 10 năm gần đây, đều xuất hiện những mảng trang trí hiện đại, không phù hợp với không gian kiến trúc ban đầu.

Những bức hoành phi, câu đối, bài thơ chữ Hán là thành tố trang trí nội thất quan trọng trong phủ đệ. Tuy nhiên, các phủ đệ còn bảo lưu khá nguyên vẹn hệ thống hoành phi, câu đối cổ treo khắp các gian thờ, như Phủ Tuy Lý vương, Tùng Thiện vương, Hoằng Hóa quận vương, Gia Hưng vương, Ngọc Sơn công chúa, là những trường hợp thật hiếm hoi ở Huế hiện nay. Nhiều phủ đệ không còn gìn giữ được các bức hoành phi, câu đối cổ mà thay vào đó là những hoành phi, câu đối mới, được làm trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ở một số phủ khác, tòa chính đường không còn bảo lưu được một bức hoành phi hay câu đối cổ nào, như trường hợp phủ Kiến Tường công, Hậu Lộc quận công, Ngọc Lâm công chúa. Trước đây, do hoàn cảnh chiến tranh, nên trong lúc chạy loạn, hoành phi, câu đối bị mất trộm, bị cháy hoặc do lâu ngày bị mục nát. Một số trường hợp khác, do không biết giá trị của những cổ vật nói trên, người giữ phủ đệ đã bán cho người buôn đồ cổ. Sự mất mát lớn về di sản hoành phi, câu đối đã làm biến đổi nội thất phủ đệ, làm suy giảm vẻ đẹp truyền thống, tinh thần hiếu học, coi trọng chữ nghĩa của các gia đình hoàng tộc xưa.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện còn khoảng 90 phủ đệ, tập trung ở một số khu vực như Chi Lăng – Gia Hội, Vỹ Dạ, Kim Long – Hương Long, dọc hai bờ sông Lợi Nông từ Phủ Cam xuôi về An Cựu… Theo nghiên cứu ban đầu của chúng tôi, hiện nay còn một nửa số phủ đệ vẫn giữ được nét kiến trúc xưa. Mỗi phủ đệ đều mang những dấu ấn riêng của không gian sống, kiến trúc nghệ thuật, thể hiện một nét văn hóa vương giả, quyền quý của tầng lớp hoàng gia triều Nguyễn xưa ẩn giấu sau từng cánh cửa. Kiến trúc phủ đệ đã góp phần làm cho đô thị di sản Huế thêm phong phú, đa dạng và không nơi nào có được trên đất nước Việt Nam. Ngày nay, cho dù diện mạo nói chung của di sản phủ đệ ở Huế đã có nhiều biến đổi trong quá trình đô thị hóa thì vẫn còn đó không ít phủ đệ ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, hấp dẫn, cần được nghiên cứu, khám phá.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : TRẦN VĂN DŨNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *