Bia tháp chùa bụt mọc trong hệ thống tháp sư tổ ở bắc ninh


1. Mấy nét về hệ thống bia tháp sư tổ TK XVII, XVIII ở Bắc Ninh

Lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử nhiều nước trên thế giới đã để lại nhiều loại hình tháp với hình thức đa dạng, nhiều phương thức biểu hiện, với nhiều niên đại khác nhau; từ những ngôi tháp mô hình nhà tìm thấy ở Nghi Vệ có niên đại thời Hán đến những ngôi tháp Phật thời Lý hiện hữu có chiều cao và chiều rộng đến mấy chục mét mới phát hiện được ở chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh); từ những ngọn tháp đựng xá lỵ của nhà sư mà chúng ta thường thấy trong các khuôn viên nhà chùa hoặc trong tháp có chứa cả một pho tượng táng của một nhà sư ngồi kiết già viên tịch như tháp của nhà sư Như Trí (chùa Tiêu) mới phát hiện ở Từ Sơn, vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước… hay đó chỉ là một ngọn tháp mang tính chất tưởng niệm như tháp Báo Nghiêm của nhà sư Chuyết Chuyết ở chùa Bút Tháp… Tất cả đã thể hiện sự trân trọng của hậu thế đối với công trạng của tiền nhân. Bên cạnh hình thức vật chất của những ngọn tháp, còn có những lời ca ngợi công đức người đã khuất qua những bài văn bia với ý nghĩa sâu xa, uyên áo về sự sinh diệt, tồn vong của cõi người, về triết lý nhân sinh.

Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu về những bài văn bia Phật giáo TK XVII, XVIII, viết về những vị sư tổ và sự truyền thừa. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành nhiều đợt sưu tầm thác bản văn bia tháp; đợt thứ nhất do Viện Viễn Đông Bác Cổ (FEFO) sưu tầm vào đầu TK XX với 40 tháp, 55 thác bản; đợt bổ sung được tiến hành vào cuối thập niên 90 TK XX do Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm thêm 39 thác bản với 23 tháp.

Kết quả cho thấy có sự phân bố không đều giữa các chùa, giữa các địa phương. Bia tháp TK XVII, XVIII chủ yếu tập trung ở một số chùa lớn có lịch sử hình thành lâu đời và có sự ảnh hưởng trong khu vực. Chẳng hạn, ở mỗi huyện hầu như chỉ tập trung ở một hai xã, trong đó cũng chỉ tập trung ở một hai chùa; tiêu biểu như ở huyện Quế Võ có chùa Bụt Mọc, thôn Đông Sơn, xã Nam Sơn tập trung với hơn 100 ngôi tháp cổ, đặc biệt, 6 ngôi tháp có minh văn TK XVII, XVIII; một ngôi chùa có hệ thống tháp đáng chú ý bậc nhất của huyện Tiên Du đó là vườn tháp của chùa Phật Tích. Tại đây, có đến hàng chục ngôi tháp cổ, trong đó có 6 tháp có niên đại TK XVII, XVIII; hay hệ thống tháp chùa Bút Tháp với những vị sư tổ của phái Lâm Tế đứng đầu là Chuyết Công Hòa thượng, Minh Hành thiền sư và Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc xuất thân từ tầng lớp quý tộc  Lê – Trịnh đi tu đã trở thành nét độc đáo trong lịch sử Phật giáo thời Lê.

Theo thống kê bước đầu, qua các thác bản văn bia tháp ở tỉnh Bắc Ninh, có đến 32 tháp có niên đại TK XVII, XVIII trong đó: niên đại Cảnh Hưng (1740 – 1786) 13 tháp, niên đại Cảnh Trị (1663 – 1671) 5 tháp, niên đại Chính Hòa (1680 – 1705) 5 tháp, niên đại Vĩnh Trị (1676 – 1679) 3 tháp, niên đại Phúc Thái (1643- 1649) 2 tháp, niên đại Long Đức (1732 – 1735) 2 tháp, còn lại các niên đại: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hựu đều có 1 tháp.

Trong những ngôi tháp trên, có nhiều tháp ghi về hành trạng, công lao của những vị sư tổ đứng đầu tông phái như Chuyết Chuyết, Minh Hành (chùa Bút Tháp); các nhà sư Nguyễn Tâm Thông, Nguyễn Trọng Đoàn, Như Văn (chùa Bụt Mọc)… có vai trò nổi bật trong việc tạo lập thiền phái và sự ảnh hưởng đến các thế hệ tăng đồ.

Những ngôi tháp tiêu biểu gắn với hành trạng, tiểu sử của những vị sư tổ TK XVII, XVIII (1)

STT

Tên tháp/địa điểm

 Gắn với hành trạng của nhà sư/ địa điểm

Niên đại

Ký hiệu

 

1

Báo Nghiêm tháp 報嚴塔 Tháp  chùa Phật Tích, h. Tiên Du

Tưởng niệm ngài Chuyết Công Hòa thượng

Phúc Thái 5 (1647)

22810/22811

2

Trinh Từ tháp 貞慈塔 ch. Phả Lại, h. Quế Võ

Do Cung tần Nguyễn Thị Ngọc Quế quê xã Quế Ổ xây tòa tháp Trinh Từ chùa Phả Lại và cúng cho xã 3 mẫu

Vĩnh Trị 1 (1676)

5610/ 5611

3

Tôn Đức Tháp

尊德塔 ch. Bút Tháp, x. Đình Tổ, h. Thuận Thành

Ghi về hành trạng của nhà sư Minh Hành do Trịnh Thị Ngọc Trúc đứng ra xây dựng

Chính Hòa 5

(1684)

*

4

Tông Ý tháp 宗懿塔, ch. Phật Tích, h. Tiên Du

Chưa rõ

Chính Hòa 5

(1684)

**

5

Phổ Lại sơn tháp bi

普賴山塔碑, ch. Phả Lại, x. Phả Lại, h. Quế Võ

Nguyễn Sĩ Chính và vợ là Nguyễn Thị Cấn đã cúng cho xã 100 quan tiền và 3 mẫu ruộng. Ông bà được dân bầu làm Hậu Phật.

Long Đức 2 (1734)

5612

6

Ni Châu  tháp

尼珠塔 ch. Bút Tháp, x. Đình Tổ, h. Thuận Thành

Về tiểu sử, hành trạng của Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc

Long Đức thứ 5 (1737)

4433

7

Thời Vũ Tháp

時雨塔 ch. Thiên Ân, x. Xuân Lai, h. Gia Bình

Nhà sư họ Nguyễn, quê x. Phúc Lai, 6 tuổi đi tu, 19 tuổi theo học nhà sư Như Nghiêm; năm 71 tuổi về bản tự, xã Phúc Lai, thị tịch năm 75 tuổi, hóa thân và xây tháp

Cảnh Hưng 3 (1772)

4433

8

Phổ Lại sơn tháp bi

普賴山塔碑, ch. Phả Lại, x. Phả Lại, h. Quế Võ

Nguyễn Sĩ Chính và vợ là Nguyễn Thị Cấn đã cúng cho xã 100 quan tiền và 3 mẫu ruộng. Ông bà được dân bầu làm Hậu Phật.

Cảnh Hưng 34

(1773)

5612

9

Kim Cương bảo tháp

金剛寶塔; ch. Vĩnh Phúc, th. Thượng, x. Phù Lãng, h. Quế Võ

Nhà sư Vân Mộng – người có đạo pháp và đức độ cao

Cảnh Hưng 4 (1773)

5632

10

Ni Châu  tháp

尼珠塔 ch. Bút Tháp, x. Đình Tổ, h. Thuận Thành

Về tiểu sử, hành trạng của Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc

1

11

Tịnh Từ tháp

淨慈塔 ch. Thiên Ân, x. Xuân Lai, h. Gia Bình

Nguyễn Hải Soạn Thích Thời Thời  là người x. Nhân Lý, h. Hải  Đường, phủ Kinh Môn, Hải Dương là người giác ngộ đạo phật. Năm Ất Dậu (1765) sư tu sửa tiền đường, thượng điện, thiêu hương, in kinh phật; Tịch năm 83 tuổi; Xá lỵ để ở chùa Thiên Ân, x. Phúc Lai, h. Gia Bình và chùa Ninh Phúc quê hương nhà sư

Cảnh Thịnh 8 (1800)

4432

 

2. Bia chùa Bụt Mọc

Do chưa có điều kiện trình bày hết tất cả các tháp sư tổ có minh văn TK XVII, XVIII trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi cũng chưa thể thống kê hết những vị thiền sư ở thời kỳ này. Tại các sơn môn lớn như: chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Lãm Sơn, chùa Phật Tích… đều đã để lại nhiều tư liệu quý về sự truyền thừa của nhiều thế hệ sư tổ và ảnh hưởng của họ. Sách Phong thổ Hà Bắc đời Lê (hay Kinh Bắc phong thổ ký diễn quốc văn) ghi như sau: Lãm Sơn có tháp chứa tro xương phật mà trên đỉnh núi  lại có nhiều đá ngọc. Làng Cự Võ thờ thày Nội Tiên pháp sư có nhiều tông đồ các nơi đến họp (2). Những vị đại sư có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ của sơn môn Bụt Mọc phải kể đến Chuyết Công, sư Nguyễn Tâm Thông, sư Nguyễn Trọng Đoàn và sư Như Văn.

Chuyết Công hòa thượng là người có ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các sơn môn ở Thuận Thành, Tiên Du, Từ Sơn và Quế Võ trước nhà sư Nguyễn Tâm Thông gần một thế kỷ (3). Tư liệu tại chùa Bụt Mọc đề cập đến nhiều vị đệ tử của Chuyết Công. Chẳng hạn bia:  Kết Liên hoa xã truyền phật trường đồ (chùa Bụt Mọc, No: 22161) viết: “Tăng Đức, quán Đà Đà Hòa Thượng, giao phó cho Chuyết Chuyết hòa thượng truyền cho Minh Lương; Minh Lương truyền cho Chân Nguyên, Tuệ Đăng hòa thượng. Chân Nguyên, Tuệ Đăng hòa thượng truyền cho Như Thích thiền sư là thủy tổ khai sơn của bản tự đấy.

Phần cuối phần lạc khoản ghi: Nguyễn Thị Canh hiệu Diệu Cơ cúng 1 sào 7 thước ở xứ Bờ Vàng, Đỗ Danh Khiêm, Sa di Vũ Thị Khôi. Sinh Tháo Sa môn tính Giao cúng 6 sào tại xứ Mả Cõi, thôn Lôi Lương; Người bản thôn là Nguyễn Nho Tuyên tự Pháp Sinh kính cẩn viết chữ; Sa di Chiếu Bản chùa Quang Bảo kính cẩn thừa mệnh sao”.

Trên văn bia đã đề cập đến 45 vị đệ tử của ngài Chuyết Chuyết hòa thượng. Tuy thiền sư Chuyết Chuyết không phải là người đã để lại nhiều tư liệu lịch sử tại chùa Bụt Mọc như ở chùa Bút Tháp và chùa Phật Tích nhưng qua đó, cho chúng ta biết thêm về sự ảnh hưởng của Chuyết Chuyết  đối với các tăng đồ đương thời.

Người có ảnh hưởng đến lịch sử của chùa và sơn môn Bụt Mọc (có tên chữ là chùa Bảo Quang, phải kể đến sư tổ Nguyễn Tâm Thông, pháp danh Như Thích. Ông người thôn Phú Mẫn, xã Nội Trà (xã Hoàn Sơn, Yên Phong), sinh năm Vĩnh Thọ thứ 2 (1659), người theo học nhà sư Chân Như thuộc phái Trúc Lâm. Nhà sư Tâm Thông đã bỏ ra 118 quan tiền mua thêm 3 ha đất quanh chùa để làm thiền viện. Năm Canh Tý 1720, nhà sư Nguyễn Tâm Thông vận động xây dựng ngôi chùa quy mô 100 gian. Năm 1723, ngài viên tịch, thọ 66 tuổi. Năm 1730 các học trò xây tháp cho ngài gọi là tháp Báo Ân hay còn gọi là Tháp Tổ.

Hiện nay, tại chùa Bụt Mọc có đến 105 ngọn tháp cổ kính trang nghiêm trong một không gian thoáng rộng. Những tư liệu ghi chép tại chùa cho biết, trước khi viên tịch, sư Nguyễn Minh Tâm căn dặn các đệ tử rằng: người từ thiền viện ra đi, khi qua đời dù đi bất cứ nơi đâu hài cốt đều phải đem về chùa Bảo Quang chôn cất. Vì thế mà chùa Bụt Mọc có đến hơn 100 ngôi tháp. Đây là một trong những vườn tháp lớn nhất Việt Nam.

Sau khi sư Nguyễn Tâm Thông viên tịch, theo những ghi chép tại chùa, chùa còn có nhiều vị sư khác trụ trì và truyền đăng. Các bia tháp tại chùa Bụt Mọc cũng cung cấp nhiều thông tin về các thế hệ truyền đăng và hành trạng của các vị sử tổ.

Bia Viên Trí tháp ký 圓智塔記  chùa Bụt Mọc (No: 22169) niên đại Cảnh Hưng 31 (1770) đã ghi lai lịch và hành trạng của nhà sư Nguyễn Trọng Đoàn khá chi tiết: Nguyễn Trọng Đoàn xuất gia pháp hiệu Bồ Đề thành Tuệ Giác Sa môn Hải Diễn Thích Thị Thị. Bản mệnh sinh ngày 6 – 12 năm Tân Hợi đến ngày 8 – 4 năm Quý Dậu (22 tuổi), ngộ đạo xuất gia về chùa Bảo Quang do Sa môn Tinh Tinh thiền sư xuống tóc. Sau nhà sư Khiết Tịnh nhận sư Tịch Chiếu. Ngày 8 – 4 năm Canh Thìn được đón về chùa Long Động, có nhà sư đại đức Tính Đường Đường cùng đạo tràng tôn trọng chứng giám đầy đủ đức hạnh. Sư tu hành rất nghiêm cẩn, hàng ngày đến giờ ngọ mới ăn trưa, ở mười năm nhà cỏ, coi giữ mộ phần của thày đúng 3 năm. Nhà sư vốn trụ trì ở am Bảo Giác, rồi trụ trì chùa An Khánh, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, Bắc Ninh, để lại tiếng thơm không dứt, từ năm Canh Thìn đến năm Kỷ Sửu, trùng tu tân tạo bản am, đúc chuông dựng bia, trồng cây trong ngoài hoàn thành trang nghiêm.

Xã Đại Liên xin ngài trụ trì chùa Sùng Hoa, sư liền nhận lời, đốt hương cầu thánh phù hộ sức khỏe được dài lâu, biến duy Phật pháp được ở chỗ núi non. Độ duyên ứng hóa, tỳ kheo thanh tịnh khắc lòng mộ phật. Ngày tốt tháng giêng năm Canh Dần, nhà sư 40 tuổi, cùng nhiều người xuất gia đạo tràng cùng tôn trọng, hộ niệm muốn xây tháp ở chùa Vĩnh Quang phụng thờ để làm rõ sự tích xuất gia của nhà sư. Công ơn đối với nhà sư Viên Trí được thuật lại ở đây để tôn ơn Phật, tuân theo đạo cổ, xuất thế rõ ràng, ca ngợi công đức cùng với tông môn; dấu tích trên tháp muôn năm hương hỏa để trường tồn sự nghiệp bền vững cùng với tháp Hiển Quang… Phần cuối là bài minh dài 18 câu ca ngợi công đức và danh sách 39 người học trò: môn nhân đệ tử Liên tử Sa di Tịch Lục Thích Hạo Hạo; Tịch Nghiêm, Tịch Cẩn, Tịch Tiến, Tịch Cẩm, Tịch Độ, Tịch Tải, Tịch Điểm, Tịch Hiển, Tịch Lan; đệ tử húy tục như: Huệ Khoan, Huệ Dung, Huệ Thắng, Huệ Thọ, Huệ Ất, Huệ Canh, Huệ Hiền, Huệ Trang, Huệ Hiển, Huệ Thanh, Huệ Tri, Huệ Hỷ, Huệ Chiểu, Huệ Dung, Huệ Thái, Huệ Kiêm, Huệ Tính, Diệu Nguyễn, Diệu Tài.

Trải qua các đời trụ trì, chùa Bảo Tiên hàng năm vào ngày 6 – 12 làm lễ đản sinh, làm lễ Phật Tổ cùng Giác Linh Phổ Nguyện tông môn chứng minh cho việc tốt. Am Linh Giác phụng tự ruộng giỗ.

Cũng qua các văn bia tháp của chùa còn cho chúng ta biết thêm nhiều thông tin về hành trạng của các vị thiền sư TK XVII, XVIII, quá trình xuất gia và trước khi xuất gia, mối quan hệ truyền thừa như thế nào. Chẳng hạn bia Thiền phong tháp ký 禪風塔記 (No: 22170) chùa Bụt Mọc viết: chùa Quang Khánh có nhà sư Như Văn, năm Nhâm Dần phụng mệnh ứng thí. Năm Quý Mão cấp điệp nhậm phí thêm chùa Diên Phúc, đốt hương cầu nguyện năm Canh Thân theo thày Tán xuất kinh (đến kinh đô), trụ trì chùa Nga My cùng với đạo hữu Tính Hoài. Năm Tân Dậu về chùa Phổ Quang, năm Nhâm Tuất mới trở về Sơn Tây (có bài kệ gửi lại đạo hữu) rồi đến chùa Hoa Vân (Yên Sơn). Năm Quý Hợi nhận chùa Phàn Long. Năm Giáp Tý kiết hạ ở Sài Sầm. Năm Ất Sửu lên ở chùa Khánh Vân, Phú Ổ. Năm Mậu Thìn lại về Kết Lư, Tử Sầm, Viện An Thiền phong. Từ đây, ở núi cheo leo, khắc khổ, giới hạnh tinh nghiêm, cần mẫn nơi thư phòng học tập. Năm Ất Hợi, thôn Miếu xin ngài nhận chùa Long Tiên Động. Năm Bính Tý, Đạo Tràng Hải Dương xin về chùa Kim Âu, Việt Khê, Hải Phòng. Năm Đinh Sửu, quận phu nhân Đặng Thị Hựu lại xin về Tử Sầm. Năm Ất Dậu, Phúc Lai bản quán xin mời về khai sáng chùa Thiên Tâm. Giờ Dậu, ngày 13 – 5 năm Mậu Tý để lại lời thị tịch rồi mất, thọ 75 tuổi. Học trò đông đúc. Ngày 1 – 10 năm Kỷ Sửu, phân chia xá lỵ để xây tháp. Do vậy, am Thụ Thụ, chùa Bảo Quang, Lãm Sơn có đệ tử Hải Thuần, Hải Khâm, Hải Uyển cùng nhau xin xá lỵ về. Đến tháng 8 năm Canh Dần đặt tên hiệu là Thiền Phong tháp, lấy ước pháp phụng thờ. Các vị cao tăng ghi nhận, lấy sự trường tồn của nơi núi rừng nổi tiếng mà tiếp nối, duy trì, rạng rỡ Phật tổ, người thày có nhiều học trò ở trên đời, hơn 80 người cùng giúp đỡ nhau. Phần cuối bia ghi cúng giàng của Trưởng lão Hảo Bích, Hải Thuần, Hải Luật cùng các đệ tử địa phương tổng cộng hơn 3 mẫu ruộng. Bia lập ngày tốt tháng 8 năm Canh Dần niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34 (1770).

Xuất phát từ cái nôi của lịch sử phật giáo Việt Nam, vùng đất Bắc Ninh với sự xuất hiện của những ngôi chùa nổi tiếng gắn liền với nhiều vị danh tăng, sư tổ nổi tiếng. Thời Bắc thuộc lịch sử vùng Dâu được coi là tổ đình của Phật giáo Việt Nam với các tên tuổi: Tỳ Ni đa lưu chi, Pháp Hiền, Sùng Nham,Vạn Hạnh, Thiền Ông đạo giả… Thời Lê Trung hưng với nhiều vị thiền sư nổi tiếng như Chuyết Chuyết, Minh Hành, Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Sư Trịnh Thập, Như Trí, Nguyễn Tâm Thông, Nguyễn Trọng Đoàn, Như Văn… với hàng trăm tăng đồ nối đèn đã góp phần tạo dựng nên sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam TK XVII, XVIII mà sự hiện diện của những ngôi tháp sư tổ và những bài minh văn ca ngợi công đức là một minh chứng.

______________

1. Số thứ tự 3, 4, 10 trong bảng là thác bản do tác giả sưu tầm tại thực địa.

2. Phong thổ Hà Bắc đời Lê, do Trần Văn Giáp khảo đính và chú thích, Nguyễn Tường Phượng giới thiệu, Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản, 1971, tr.42.

3. Nguyễn Quang Hà, Lịch sử chùa Bút Tháp – Thuận Thành, Bắc Ninh (qua tư liệu Hán Nôm), Tạp chí Hán Nôm, số 4 – 2006, tr.57 – 67. Cũng xem: Phạm Văn Tuấn, Mấy vấn đề gắn với quê hương Chuyết Chuyết thiền sư, Thông báo Hán Nôm học, 2011.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : NGUYỄN QUANG HÀ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *