Không gian văn hóa kiến trúc truyền thống bản địa ở tây nguyên

Vùng Trường Sơn – Tây Nguyên là địa bàn sinh sống lâu đời của gần 20 tộc người bản địa, thuộc về hai dòng ngôn ngữ Môn Khơme (Cơ tu, Ba na, Xơ đăng, Mnông, Mạ, Xtiêng…) và Maylayô – Pôlynêxia (Gia rai, Ê đê, Chu ru, Raglai). Xưa kia, chỉ có các tộc người này là chủ nhân của xứ sở rừng núi và cao nguyên rộng lớn, về sau được gọi là Trường Sơn – Tây Nguyên. Ngày nay, ở nhiều nơi, họ trở thành cư dân thiểu số, bởi những người từ nơi khác di cư tới, đa phần là người Kinh. Cư dân bản địa nơi đây sở hữu nền văn hóa đặc sắc, phong phú, vừa có tính tương đồng trong cả vùng, vừa có sự đa dạng giữa các địa phương, các tộc người… Chính vì vậy, các nhà văn hóa học đã phân định đây là một vùng văn hóa của Việt Nam với những đặc trưng cấu trúc không gian sinh sống hết sức khác biệt.

Hình thái cấu trúc buôn làng

Ở Tây Nguyên, có ba loại hình kiến trúc nổi bật: nhà rông, nhà ở và nhà mồ. Những công trình này, loại nhà này là thành phần kiến trúc chính của buôn làng, tạo điểm nhấn quan trọng trong tổng thể buôn làng.

Tập quán sống co cụm trong làng của cư dân bản địa Tây Nguyên là một cách thức thích ứng với hoàn cảnh sống của họ bị đe dọa từ nhiều phía, nói cách khác, nó liên quan đến nhu cầu sinh tồn của cộng đồng. Đặc biệt, hoàn cảnh thực tế về an ninh, môi trường, cũng như sự hạn chế trong khả năng chống chọi với mọi đe dọa đến sự sinh tồn của từng cá thể, cả tập thể khiến họ phải tìm ra giải pháp thích nghi là sống gần gũi, gắn bó với nhau, hỗ trợ, chia sẻ và đề cao tính cộng đồng, cùng tự vệ, mưu sinh và phát triển. Đây là đặc điểm trong đời sống văn hóa cũng như ứng xử của đồng bào Tây Nguyên.

Trong cấu trúc buôn làng Tây Nguyên, điểm dễ nhận thấy là sự khác nhau trong hình thức bố trí nhà cửa ở các buôn làng dân tộc khác nhau. Chẳng hạn, các tộc Bru – Vân kiều, Cơ tu, Giẻ triêng có kiểu làng quây tròn (làng hình vành khăn với những biến thể khác nhau: hình elip, hình đa giác, hình tứ giác). Những ngôi nhà của dân làng xếp dãy dọc và hình thành một vòng quay quanh một khoảng không gian chung, nơi có ngôi nhà chung/nhà công cộng (1), nổi bật giữa sân làng hoặc ở tầm trung độ trên vòng nhà cửa đó. Hầu hết nhà ở cũng được bố trí theo lối này, nhưng chỉ dừng lại ở dạng vòng cung hay hình móng ngựa. Cũng có phần gần với hình thức cư trú theo dạng cấu trúc này đó là làng người Brâu. Trước kia, làng của người Brâu được tạo hình rẻ quạt; các ngôi nhà của dân làng cũng vây quanh ngôi nhà công cộng nhưng đều quay đầu hồi có cửa chính về phía trung tâm.

Buôn làng của người Ê đê với các ngôi nhà được bố trí hầu như song song với nhau, theo quy định đòn nóc nhà chạy theo chiều bắc nam, cửa chính (mở ở đầu nhà) trông về hướng bắc. Dạng cấu trúc ô bàn cờ của các tộc người này phù hợp những nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, quỹ đất lớn.

Kiểu cư trú mật tập với kiểu nhà dựng ngang triền đất dốc thành từng lớp, có những tộc kiêng dựng nhà quay đầu về phía dòng sông, suối. Một số vùng cư trú của các tộc người Co, Mạ… đã từng thịnh hành kiểu làng sống tập trung trong một vài ngôi nhà dài nên những làng đó thường được người Kinh ở địa phương gọi là “nóc” (nóc A, nóc B, tức là đồng nhất làng với nhà) hay “nhà tàu hỏa”.

Bên cạnh đó còn có dạng làng cấu trúc xương cá, thường gặp nhiều ở những địa hình khác nhau. Dạng cấu trúc này khá linh hoạt cho địa hình ở Tây Nguyên mà vẫn tạo được mối liên kết trong đời sống kinh tế xã hội của người dân. Những làng có cấu trúc rẻ quạt, loại cấu trúc buôn làng được xây dựng trên sườn núi, mặt hướng ra thung lũng, lưng tựa vào núi.

Những tập quán cư trú quần cư khác biệt đã tạo nên bức tranh nhiều màu sắc và đặc sắc về buôn làng của các tộc người bản địa ở Tây Nguyên. Nó thể hiện một phần những sắc thái riêng trong truyền thống, tập quán cư trú và giá trị trong di sản văn hóa xã hội Tây Nguyên.

Nhà rông và ngôi nhà cộng đồng

Khi nói đến bản sắc kiến trúc Tây Nguyên, không thể không đề cập đến nhà rông, một hình ảnh/biểu tượng kiến trúc không chỉ ở Tây Nguyên Việt Nam mà còn ở một số tộc người khác ở Đông Nam Á. Mặc dù không phải tộc người nào cũng có biểu tượng này nhưng nó vẫn được coi là đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật của vùng đất Tây Nguyên. Ngoài loại hình nhà Rông mái mu rùa của người Giẻ triêng và Cơ tu có dáng vẻ hơi nặng nề và thâm nghiêm, hai kiểu nhà rông khác đều ở khu vực bắc Tây Nguyên là nhà rông mái cao và nhà rông mái thấp.

Ngôi nhà cộng đồng (được gọi cho ngôi nhà chung của đồng bào ở những nơi không có nhà rông) và ngôi nhà Rông ở Tây Nguyên là nơi thể hiện vật chất, tinh thần cố kết và giao lưu văn  trong làng. Sở Văn hóa, Ban tôn giáo và dân tộc các tỉnh hiện đều đã có danh mục các ngôi nhà cộng đồng, nhà rông và có kế hoạch bảo tồn hoặc xây dựng mới. Một số tỉnh hiện vẫn còn nhiều nhà rông như Kon Tum, Gia Lai. Có tỉnh hầu như không còn như Đắc Lắc, Lâm Đồng.

Tháng 12 – 1999, UBND tỉnh Kon Tum có chỉ thị Duy trì phát triển nhà truyền thống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Ở thời điểm này, cả tỉnh chỉ có 265 nhà rông, 10 năm sau (2007), số lượng nhà rông tăng lên hơn 500 nhà. Trung bình chi phí cho mỗi nhà rông xây dựng mới khoảng 100 triệu đồng. Quy cách và vật liệu xây dựng cho loại công trình này khá phức tạp, vì các loại gỗ sử dụng đều thuộc nhóm gỗ quý. Việc đóng cửa rừng, quản lý qua hệ thống kiểm lâm, giao đất khoán rừng cũng đã hạn chế nguồn gỗ xây dựng. Vì thế, các tộc người bản địa không còn tự xây dựng ngôi nhà truyền thống của mình mà phải chuyển sang việc khoán cho các nhà thầu xây dựng.

Nhiều ngôi nhà cộng đồng cũ còn giữ lại được rất có giá trị, nhất là trong các bản làng Ba na ở Kon Tum, Gia Lai. Những nhà này được làm bằng vật liệu truyền thống, vẫn còn nguyên những dấu ấn vật chất và tinh thần biểu thị trong công trình. Một số công trình mới được xây dựng, mô phỏng kiến trúc cũ nhưng sử dụng vật liệu hiện đại nên chưa phù hợp với văn hóa truyền thống bản địa của đồng bào.

Về kiến trúc nhà rông truyền thống, toàn bộ các thành phần và chi tiết kiến trúc đều thực sự có giá trị, cần được gìn giữ. Hai thành phần cơ bản nhất của ngôi nhà dễ bị hư hỏng là mái và bao che đều cần được cân nhắc và lựa chọn vật liệu cho phù hợp khi thay thế. Hiện nay, sự thay thế nhìn chung là hướng đến tính bền chắc, kiên cố cho công trình, vô hình chung đã làm giảm bớt giá trị kiến trúc của ngôi nhà, làm mất giá trị cảnh quan kiến trúc của bản làng.

Những ngôi nhà cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số là những thành tựu mang trí tuệ về bản sắc địa phương, do cộng đồng các dân tộc qua kinh nghiệm của mình tạo dựng nên. Vì thế, vai trò của cộng đồng không những đã tạo dựng nên những giá trị phi vật thể và vật thể địa phương mà còn góp phần to lớn trong việc gìn giữ, khai thác, phát huy những giá trị trí tuệ mang tính đặc thù về bản sắc dân tộc. Trong lịch sử, ngôi nhà cộng đồng vốn dĩ được bảo vệ dưới bàn tay chăm sóc của dân làng, khi di tích có hiện tượng bị hư hỏng lập tức địa phương có biện pháp sửa chữa, có như vậy di tích mới được tu bổ một cách kịp thời, tránh sự trông chờ vào các cấp quản lý địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, cần phải thực hiện một kế hoạch tôn tạo ưu tiên đối với các ngôi nhà công cộng. Một số ngôi nhà có giá trị phải được lập hồ sơ kiến trúc, kỹ thuật, vật liệu, trang trí để vừa lưu trữ vừa giới thiệu, quảng bá giá trị và tìm nguồn kinh phí tôn tạo.

Giải pháp đưa công trình trả lại cho cộng đồng xã hội, tùy theo nhu cầu tâm linh của cộng đồng mà thúc đẩy sự tồn tại, phát triển của ngôi nhà, nên tiếp tục được cân nhắc và phát huy lợi thế. Sự phát hiện ra giá trị công trình xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt, nhu cầu tâm linh của cộng đồng, bảo vệ công trình cộng đồng là bảo vệ một thiết chế tôn giáo, bảo vệ một biểu tượng của tâm linh, bảo vệ một không gian sinh hoạt chung.

Không gian kiến trúc của ngôi nhà ở

Jacques Dournes đã từng nhận định: “Cách bố trí nhà ở trong làng bao giờ cũng liên quan đến từng dân tộc… khi lướt qua từ nhóm dân tộc này sang nhóm dân tộc khác, hay có khi từ làng này sang làng khác, người ta nhận thấy có rất nhiều kiểu nhà khác nhau” (2). Những vật liệu dùng để xây dựng nhà ở đều từ các loài thực vật: không sử dụng đá, không dùng kim loại hay các chất liệu tổng hợp. Điều đó cho thấy việc linh hoạt trong tận dụng vật liệu địa phương nhưng đồng thời cũng “giới hạn sức sáng tạo” đối với loại hình này vì phải xoay sở với những chất liệu rất hạn chế.

Nhà sàn dài và nhà sàn ngắn, một loại hình kiến trúc phổ biến, là đặc điểm về nhà ở của cư dân Tây Nguyên nói chung. Việc lưu giữ dạng nhà sàn dài, nhà sàn ngắn của các dân tộc ở Tây Nguyên có những nét đặc trưng khác biệt. Do chế độ đại gia đình, nên người Ba na, Gia rai, Ê đê… ở trong những ngôi nhà sàn dài. Hiện nay những ngôi nhà sàn dài đang ngày càng bị mất đi, thay thế bằng những nhà sàn nhỏ của các đơn vị gia đình. Việc bảo tồn tôn tạo cần lựa chọn theo dân tộc với những dạng nhà đặc trưng của các dân tộc: nhà sàn ngắn của người Ba na, Gia rai nói chung và các nhóm khác nhau thuộc tộc người này như, H’đrung, A ráp, Raglai, Xơ đăng; nhà dài của người Giẻ triêng, Cơ ho, Mạ, Mnông Rlăm, Xơ đăng, Chu ru.

 Tài liệu của người Pháp đầu TK XX vẫn còn miêu tả về những ngôi nhà của người Ê đê dài trên 200m. Rải rác trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc vẫn còn lại những ngôi nhà dài 50 – 60m của người Ê đê và người Mnông. Riêng ở tỉnh Đắc Lắc, theo thống kê của Sở VHTTDL, hiện còn gần 2.000 ngôi nhà sàn dài truyền thống của người Ê đê (giảm 600 ngôi nhà so với năm 2012). Nhiều buôn làng ở các huyện Cư Kuin, Krông Pắk, Krông Búk, Ea Kar hiện không còn nhà dài truyền thống.

Kiến trúc nhà mồ

Những ngôi nhà mồ của người Ba na có hai mái cao, xung quanh có hàng rào, người Gia rai H’đrung với kiểu bơ xát tơlobơ xát giép (3) và nhiều loại nhà mồ khác thể hiện tính hoành tráng, với những đồ án trang trí biểu thị sự hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên. Tượng và nhiều hình ảnh trên nóc nhà mồ là những biểu tượng tự nhiên, thể hiện nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật mạnh mẽ và gắn liền với kiến trúc cần được bảo tồn, gìn giữ phát huy. Những sản phẩm nghệ thuật trong kiến trúc nhà mồ, nếu muốn bảo tồn phát huy tốt, trước hết cần sự trợ giúp của các nghệ nhân trên các buôn làng Tây Nguyên, tạo điều kiện cho họ thể hiện bằng tất cả niềm say mê và ngẫu hứng tại các ngôi nhà mồ phục dựng để có được sản phẩm tự nhiên vốn có của nhà mồ truyền thống.

Việc bảo tồn hoặc phục dựng lại những ngôi nhà mồ và những cảnh quan truyền thống là rất cần thiết, tuy nhiên cần có sự tham gia của các nhà khoa học về môi trường để tránh ô nhiễm hoặc chỉ dừng lại như là hình thức mô phỏng trong một cảnh quan chung truyền thống, nhằm thuần túy phục vụ phát triển du lịch thương mại.

Kỹ thuật lắp dựng và sử dụng vật liệu địa phương

Người Tây Nguyên không sử dụng hình thức kết cấu vì kèo, kỹ thuật liên kết cơ bản là buộc và sử dụng ngoãm, tạo ra các chạc tự nhiên. Họ không dùng đến các kỹ thuật lắp ghép bằng mộng như nhà ở của người Kinh và nhiều dân tộc khác. Đáng kể là hệ thống giằng trong nhà rông tuy có sự khác nhau nhất định ở các nơi nhưng giống nhau về nguyên tắc và hình thức giằng: gồm các liên kết ngang kết hợp với liên kết chéo và phân bố ở những tầng cấp khác nhau. Chính vì vậy, trong quá trình nghiên cứu tu tạo các kiến trúc nhà truyền thống ở vùng này, cần đặc biệt lưu ý đến truyền thống cất dựng, kỹ thuật và tập quán ăn ở trong bài trí không gian ngôi nhà. Cần đặc biệt chú ý đến các kỹ thuật liên kết, kỹ thuật xử lý chịu lực, lợp mái, xử lý vật liệu của mỗi dân tộc, mỗi địa phương. Kỹ thuật xử lý hệ kết cấu của dân tộc không dùng đinh mà chủ yếu dùng chốt, lạt buộc và néo, chêm, kê… cần được lưu truyền và gìn giữ.

Những yếu tố kỹ thuật xử lý mái như vòm cửa tổ chim của người Mạ, ống muống nhà chồ của người Ba na, mái hồi có hình sừng trâu của người Giẻ triêng… là những chi tiết khó, cần được khai thác để kế thừa và gìn giữ.

Những yếu tố xử lý tôn nền cao, đua mái rộng chờm nền, lùi xa chân tường của các dân tộc sống trong ngôi nhà đất rất phù hợp trong việc mở rộng diện tích, chứa đồ đạc, chống nắng hắt và mưa tạt, làm ẩm chân tường.

Hệ kết cấu hai hàng chân cột của đồng bào dân tộc bắc Tây Nguyên đã mang lại một đặc điểm riêng về việc xử lý hệ kết cấu và thành phần bao che. Khung của bộ phận bao che tự thân mang một chức năng của cột con trong ngôi nhà cùng tạo khoang vách và đỡ xà dọc của nhà.

Những ngôi nhà được phục dựng tại các bảo tàng địa phương cần tối đa tìm nguồn vật liệu địa phương như mái tranh, phên nứa,… Dễ nhận thấy vật liệu gỗ hoặc tre tập trung ở các dầm, xà dài, xà ngắn, rui… Xà ngang, đòn tay và những thứ khác mảnh hơn như dàn nhà và vách thì dùng tre nguyên cây hoặc đập dẹt; Mái nhà phổ biến bằng rạ nhưng cũng thấy mái bằng lá gồi (nhà của người Mạ), hoặc bằng tre đập dập, tre úp (kiểu ngói úp), bằng gỗ, lá hay lạt tre đan. Bởi tính linh hoạt của các vật liệu địa phương như vậy mà Jacques Dournes cũng đã gọi kiểu nhà này là “cái nhà thực vật”. Tính linh hoạt của vật liệu còn thể hiện qua nhận xét của ông: “Những ngôi nhà đó không phải là xây nên, mà là buộc, tết, dệt và mang màu thời gian do sử dụng lâu ngày” (4).

Ngược lại với vật liệu truyền thống, những ngôi nhà do xuống cấp nên được sửa chữa với vật liệu mới như vữa trát vào khung xương tre nứa, thay hỗn hợp bùn rơm. Những ngôi nhà sàn xây mới do ít gỗ nên dùng cột bê tông, còn ngôi nhà trệt nên làm theo kiểu nhà người Kinh thì được xây bằng gạch vữa.

Trên cơ sở những giá trị văn hóa Tây Nguyên, quanh việc gìn giữ và khai thác các giá trị kiến trúc cổ truyền, còn nhiều vấn đề về thực tiễn cũng như quan niệm dần được đồng thuận giữa các nhà quản lý, các nhà kiến trúc và các khoa học liên ngành. Có thể thấy, sự hiện hữu của nguy cơ mai một sắc thái văn hóa cổ truyền trong không gian văn hóa kiến trúc Tây Nguyên. Tuy vậy, những kế hoạch bảo tồn, tôn tạo khai thác các yếu tố giá trị vẫn được thực hiện thông qua các hoạt động cộng đồng.

Việc gìn giữ cấu trúc hình thái buôn làng đối với các khu di dân tái định cư lập làng mới cần được đặc biệt coi trọng, nhất là đối với quá trình thực hiện các chương trình nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tái định cư… tại các khu vực địa bàn có nhiều tộc người Tây Nguyên sinh sống. Cần có sự cân nhắc đối với không gian kiến trúc cảnh quan trong tổng thể các quy hoạch chuyên ngành cũng như các dự án/chương trình của chính phủ, tránh tình trạng nhất thể hóa để dễ dàng tổ chức thực hiện, vô hình chung làm phá vỡ không gian văn hóa truyền thống của từng cộng đồng người nơi đây. Sự nhất quán trong quá trình xây dựng hiện đại cũng cần được thực hiện song song với việc duy trì thói quen sinh hoạt văn hóa của người dân.

_____________

1, 2, 4. Jacques Dournes, Hình thái nơi cư trú và kỹ thuật xây dựng từ người Sre đến người Jơrai (Aspects de l’habitat et techniques de construction des Sre aux Jorai, par Jacques Dournes. In Revue Objects et Mondes, automne 1971, tome XI, fase 3, pp.281-320), bản dịch tư trữ tại thư viện Viện Dân tộc học, tr.281.

3. Theo quy định của người Gia rai thì nhà mả có cột kút (bơ xát kút) hoặc nhà mả đực (bơ xát tơlo) hay nhà mả hai tầng mái (bơ xát giép) là những nhà mả của lễ bỏ mả ăn trâu.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : TẠ THỊ HOÀNG VÂN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *