Apt và nghệ thuật đương đại việt nam

Asia – Paciffic Triennial (APT) là liên hoan nghệ thuật đương đại định kỳ 3 năm giới thiệu sáng tác của các nghệ sĩ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do Queensland Art Gallery (QAGOMA, Australia) tổ chức. Được khởi động từ năm 1993, APT đang trải qua kỳ tổ chức thứ tám (APT8), từ ngày 21- 11- 2015 đến ngày 10 – 4 – 2016. Đây cũng là kỳ liên hoan được dự báo có số lượng khán giả đông kỷ lục, khi ngay trong hai ngày đầu tiên mở cửa chính thức đón công chúng, ngày 22 và 23 -11- 2015, đã có hơn 32 nghìn lượt khách tham quan, trong đó có hơn 2.400 trẻ em, những con số lớn nhất trong thống kê liên quan qua các kỳ APT.


         Vị trí của APT trong nghệ thuật đương đại khu vực

       Năm 1895, hai nghệ sĩ của bang Queensland Isaac Walter Jenner và R. Godfrey Rivers đã thành công trong việc vận động chính quyền bang mở một bảo tàng nghệ thuật, chính là QAGOMA ngày nay. Năm đầu tiên ra đời, gallery chỉ có vỏn vẹn 38 bức tranh, một bức tượng bán thân bằng đá hoa cương và 70 bức tranh khắc.

         Ngay sau đó, gallery bắt tay vào việc tìm kiếm mua những sáng tác có giá trị của các nghệ sĩ hàng đầu Australia, vương quốc Anh và dần dần là trên toàn thế giới. Cho đến nay, gallery đã có hơn 16 nghìn tác phẩm nghệ thuật trong sưu tập của mình, chia thành bốn mảng chính: nghệ thuật của thổ dân Australia, nghệ thuật Australia, nghệ thuật châu Á, nghệ thuật khu vực Thái Bình Dương, nghệ thuật thế giới. Trong đó, các sưu tập nghệ thuật đương đại thuộc khu vực châu Á và Thái Bình Dương ở đây được đánh giá là có giá trị nổi bật nhất trong số các sưu tập tương tự trên thế giới. Để làm được việc này, gallery đã tiến từng bước chậm rãi nhưng chắc chắn. Ngay sau khi thành lập, gallery đã bắt đầu tìm hiểu và cố gắng mua tranh của những họa sĩ hàng đầu Australia, Vương quốc Anh. Năm 1915, gallery đã có một giám tuyển chính thức làm việc toàn thời gian. Năm 1941, gallery khởi động các lớp học về nghệ thuật cho trẻ em, góp phần xây dựng nền tảng tri thức nghệ thuật cho các công dân Australia tương lai. 12 năm sau, họ có được một triển lãm tranh thiếu nhi đầu tiên, của cả nước, giới thiệu sáng tác của các học viên nhí. Cho đến nay, trung tâm nghệ thuật dành cho trẻ em của gallery không chỉ có các chương trình cố định với giáo viên cụ thể mà còn có rất nhiều chương trình xem, chơi, sáng tạo nghệ thuật trên trang web của gallery, trong đó tính tương tác với công nghệ số hóa được coi trọng, giúp các em không chỉ cảm thấy vui thú với nghệ thuật mà còn được tham dự dần vào một ngôi làng nghệ thuật toàn cầu nhờ internet.

         Sau khi xây dựng được một nền tảng vững chắc của mình ở trong nước, QAGOMA xác định mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng ra khu vực và thế giới. Mục tiêu này không chỉ dừng lại là gây dựng một bộ sưu tập đồ sộ về nghệ thuật đương đại trong khu vực để phục vụ công chúng trong nước mà còn hướng đến trở thành một điểm dừng chân không thể bỏ qua cho khách du lịch ở phân khúc trung và cao cấp khi đến Australia. Mô hình sự kiện triển lãm định kỳ 3 năm giới thiệu nghệ thuật đương đại khu vực châu Á – Thái Bình Dương được chính thức ra đời năm 1993. Đây là mô hình đầu tiên tập trung giới thiệu nghệ thuật khu vực này theo cách trên thế giới, trở thành gợi ý quan trọng cho các cơ quan và tổ chức nghệ thuật khác trong khu vực nói theo. Sau APT, là hàng loạt các mô hình triển lãm nghệ thuật đương đại định kỳ ở Trung Quốc (Shanghai Biennale, Beijing biennale), Singapore (Singapore biennale), Gwangju biennale (Hàn Quốc), Fukuoka Asian Art Triennial (Nhật Bản)… trong đó các nghệ sĩ và nghệ thuật khu vực châu Á – Thái Bình Dương luôn chiếm ưu thế.


 Lớp học ốm yếu, Nge Lay, Myanmar 

         Thời gian kéo dài của APT thường từ 4 đến 6 tháng, duy chỉ có APT1 kéo dài 2 tháng rưỡi (từ 17-9 đến 5-12-1993). Việc kéo dài thời gian của một sự kiện như vậy đòi hỏi nhà tổ chức phải có một chương trình hoạt động rất phong phú, đa dạng, có khả năng thu hút được mọi tầng lớp công chúng với nhiều mức độ và cách thức đến với nghệ thuật. Nếu ở APT1, số lượng khách thăm chỉ chừng 60 nghìn lượt thì qua APT2, con số này tăng vọt lên 120 nghìn. Chưa tính đến con số của APT8 (kéo dài đến ngày 10-4-2016), kỷ lục về số khách thăm APT thuộc về sự kiện APT5 (từ 2-12-2006 đến 27-5-2007) với 754.291 lượt người. APT6 và 7 diễn ra trong thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu song số lượng khách thăm cũng rất đáng kể, lần lượt là 531.994 và 565.248 người (1). Các con số thống kê đơn giản trên phần nào cho thấy sức hấp dẫn lớn của một sự kiện tưởng chừng chỉ bó hẹp trong một lĩnh vực chuyên ngành với lượng công chúng nhỏ hẹp. Đồng thời minh chứng cho khả năng phổ quát của nghệ thuật đương đại bên cạnh việc đảm bảo được chiều sâu chất lượng và tính tiên phong thử nghiệm của loại hình này.

         Việc tuyển chọn tác phẩm của APT và xây dựng chương trình cho từng phiên sự kiện được thực hiện theo hướng linh hoạt, chú trọng tính tiên phong và khả năng kết nối giữa nhiều hình thức nghệ thuật trong một đơn vị tác phẩm. Bên cạnh đó, tính chủ động và nâng tầm vị thế của gallery lên theo từng phiên triển lãm cũng được thể hiện rất rõ nét, thông qua một số cách thức như giám tuyển triển lãm theo mô hình trọng điểm nghệ thuật và nghệ sĩ, có năm tập trung giới thiệu nghệ sĩ ở một nhóm quốc gia và vùng lục địa này, có năm lại chọn tập trung giới thiệu nghệ sĩ có nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập của gallery. Thêm vào đó, các sự kiện song hành như APT điện ảnh, APT dành cho trẻ em, các chương trình hội thảo, trò chuyện về nghệ thuật của nghệ sĩ, giám tuyển, các nhà sưu tập nghệ thuật được đồng thời được chú trọng tổ chức không kém gì sự kiện triển lãm chính. Tại APT 5, phiên triển lãm có đông người xem kỷ lục, số lượng nghệ sĩ được giới thiệu lại ít nhất trong số tất cả các phiên tính đến nay, chỉ có 35 người. Nhưng có đến 70% trong tổng số 535 sáng tác được giới thiệu lại thuộc sưu tập vĩnh viễn của gallery. Nhưng ngay đến phiên APT6, chương trình đã xoay theo hướng tập trung giới thiệu nghệ thuật đương đại ở những nơi ít hoặc chưa từng có nghệ sĩ tham gia APT cũng như được biết đến trên diễn đàn nghệ thuật quôc tế; đó là nghệ thuật và nghệ sĩ đến từ Tây Tạng, CHDCND Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các nước thuộc vùng Mekong như Campuchia, Miến Điện. Sang đến APT8, cùng với việc chọn vùng tiêu điểm là nghệ thuật đến từ Mông Cổ, Ấn Độ, cộng đồng thổ dân Australia, chương trình còn chọn loại hình nghệ thuật tiêu điểm là nghệ thuật trình diễn. Cách thực hiện APT cho thấy nhà tổ chức luôn coi nghệ thuật và công chúng là mục tiêu, mục đích hướng đến của chương trình. Chính vì thế, APT luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ, hấp dẫn qua từng phiên, khẳng định vị trí không thể thay thế của nó trong đời sống nghệ thuật thế giới.

         Trong chương trình chiến lược 2015 – 2019, QAGOMA xác định rõ việc trở thành một tổ chức hàng đầu về nghệ thuật đương đại Australia, châu Á và Thái Bình Dương. Gallery cũng khẳng định đóng góp nổi bật của mình trong việc cùng chính phủ thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế đất nước thông qua du lịch văn hóa. Đây chính là lý do vì sao ngân sách chính phủ hỗ trợ cho địa chỉ này luôn tăng dần đều theo thời gian, đóng góp khoảng 50% tổng số chi phí hàng năm của địa chỉ này.

         APT và nghệ thuật đương đại Việt Nam

         Duy nhất chỉ có APT4 (từ 12-9-2002 đến 27-1-2003) là không có nghệ sĩ đến từ Việt Nam. Lý do chính có lẽ là vì phiên triển lãm này dành để giới thiệu những nghệ sĩ có nguồn cội thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương song nghệ thuật của họ gây ảnh hưởng lớn đến các khuynh hướng phát triển của nghệ thuật đương đại toàn cầu trong vòng 4 thập niên cuối của TK XX,tính từ khi xuất hiện các hình thức nghệ thuật hậu hiện đại ở phương Tây. 16 nghệ sĩ được điểm danh, đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Australia,…

          Trong tất cả các phiên triển lãm còn lại, nghệ sĩ và nghệ thuật Việt Nam đều có mặt. Nếu để ý một chút, sẽ thật thú vị khi nhận ra rằng, theo thời gian, APT chú trọng đến nghệ thuật Việt Nam theo cách hoặc là nghệ sĩ trẻ, có năng lượng sáng tạo dồi dào hoặc là nghệ thuật của họ mang đậm khuynh hướng tiên phong. Tại APT1 (năm 1993), đại diện duy nhất của Việt Nam là họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp với các bức tranh màu nước trên giấy dó, trên đó thể hiện một thế giới huyền hoặc, nói lên tiếng nói cá nhân đầy ẩn ức, suy tưởng bên cạnh rất nhiều tiếng nói cá nhân khác trong trào lưu hội họa Việt Nam thời kỳ đổi mới. Nhưng đến APT2 (1996), các sáng tác theo khuynh hướng nghệ thuật ý niệm của cố nghệ sĩ Vũ Dân Tân được chú trọng. APT5 (2006 – 2007) cổ vũ các nghệ sĩ gốc Việt, có thể có quốc tịch khác, song nghệ thuật của họ không chỉ đạt danh tiếng quốc tế mà còn hòa chung với đời sống nghệ thuật đương đại trong nước thông qua các cuộc “trở về nhà”, như các nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh (Dinh Q. Le, quốc tịch Mỹ), Tuấn Andrew Nguyễn (quốc tịch Mỹ),… Trong phiên này, sáng tác của Lê Quang Đỉnh bên cạnh hai nghệ sĩ Ai Wei Wei (Trung Quốc) và eX de Medici (Australia) được chọn làm tâm điểm. Thời gian đó, nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh đang dành rất nhiều thời gian cho việc mở không gian nghệ thuật đương đại Sàn Art, khuyến khích và tạo cơ hội cho nghệ sĩ trẻ Việt Nam muốn theo đuổi các hình thức sáng tạo mang tinh thần thử nghiệm, hòa chung vào dòng chảy nghệ thuật chủ lưu của thế giới đương đại…


   Tác phẩm của Ưu Đàm tại APT8 

         APT8 hiện đang giới thiệu sáng tác vô cùng mới mẻ của nghệ sĩ Ưu Đàm Trần Nguyễn, hiện cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh là đại diện duy nhất của Việt Nam trong phiên này nhưng lại có hai sáng tác, trong đó đáng chú ý là dự án License 2 Draw, được giới thiệu ở APT kids, đặc biệt hấp dẫn trẻ em. Đây là tác phẩm dùng công nghệ điều khiển từ xa qua một phần mềm cùng tên, tải về Iphone và Ipad, để điều khiển xe vẽ từ bất cứ nơi đâu trên thế giới. Người tham gia chỉ cần tải app License 2 Draw trên Itune hoặc Google play store rồi dùng để điều khiển xe vẽ cách xa họ vạn dặm. Tác phẩm này đã đoạt giải Jury Selection tại cuộc thi quốc tế Japan Media Art Festival 2015. Tại APT, nhân viên của trung tâm nghệ thuật dành cho trẻ em (Children’s Art Centre) và đội ngũ nhân viên công nghệ thông tin đã thiết kế một không gian rất tuyệt vời cho trẻ em tham dự vào tác phẩm License 2 Draw. Không gian này được thiết kế bằng gỗ, chiếu sáng bằng hai máy chiếu với hai màn hình cỡ lớn. Cùng lúc, 8 người tham gia có thể dùng joystick để điều khiển các xe nhiều màu này vẽ những hình họ muốn. Trong cùng không gian này còn có video giới thiệu License 2 Draw và các tác phẩm điêu khắc tương tác của nghệ sĩ Ưu Đàm ở Koganecho Bazaar, Yokohama (Nhật Bản). Phía trái của màn hình lớn là màn hình dành cho các bạn tham gia vẽ từ khắp nơi trên thế giới qua một đường kết nối internet. Sự độc đáo, tính tương tác cao, mang đậm tinh thần cuộc sống đương đại toàn cầu hóa cùng tính giải trí và thẩm mỹ của License 2 Draw khiến tác phẩm còn được chọn lưu diễn khắp 64 tỉnh thành của bang Queenslands, Australia trong cả năm 2016, sau khi APT8 kết thúc.

         Theo nghệ sĩ Ưu Đàm, bên cạnh niềm vui khi thấy có nhiều trẻ em thích thú tham gia, anh còn thực sự cảm động khi được phụ huynh đến bắt tay cảm ơn vì ông ấy và mấy đứa con đã có một buổi vẽ thú vị với License 2 draw (2).

         Thay lời kết

        License 2 draw là một dự án với sự tham gia của nhiều cộng sự cùng người chủ ý tưởng – nghệ sĩ Ưu Đàm. Nó cho thấy sự không giới hạn các ý tưởng sáng tạo của nghệ sĩ cùng khả năng kết nối cũng vô hạn của nghệ thuật với con người trong thế giới chúng ta đang sống. Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, gần cả tỷ khách hàng iphone, ipad cùng lúc sáng tạo và mơ mộng với License 2 draw… Điều thú vị đây lại là sáng tác được phát khởi từ Việt Nam.

         Việc một định chế nghệ thuật lớn như   Queensland Art gallery và APT của khu vực đã ngay lập tức lựa chọn License 2 draw thêm một lần nữa khẳng định chất lượng nghệ thuật đáng kể của dự án, cho thấy tiềm năng lớn của nghệ thuật đương đại và nghệ sĩ Việt Nam trong việc đóng góp những hình mẫu tiên phong vào thế giới nghệ thuật rộng lớn này. Như một sự truyền cảm hứng lớn, tại TP.HCM, một trung tâm nghệ thuật đương đại mới cũng đã kịp ra mắt trong ngày 31-3-2016 vừa qua với triển lãm đầu tiên dành giới thiệu những sáng tác gắn liền với công nghệ, trong đó không thể thiếu License 2 draw. Triển lãm mang tên TechNoPhobe, giới thiệu đa dạng các tác phẩm có sử dụng các công nghệ mới và hiện đại nhất như máy in 3D, kỹ thuật trình chiếu toàn ảnh (video hol-ograms), các tác phẩm sử dụng hệ thống cảm ứng âm thanh, ứng dụng điện thoại thông minh, video cảm ứng chuyển động, hoạt hình và nhiều hơn nữa. Theo quan điểm của nhóm tổ chức không gian này, “tại một quốc gia nơi mà sự phát triển khiến cả Filippo Marinetty, tác giả của cuốn Futurist Manifesto, cũng phải dè chừng, con đường tiến đến tương lai của Việt Nam sẽ luôn gắn liền và được nuôi dưỡng bằng công nghệ kỹ thuật tiên tiến và hiện đại nhất. Tốc độ thông tin nhanh nhạy và việc kết nối dễ dàng với các công cụ truyền thông đã giúp các nghệ sĩ trải nghiệm những phương thức sáng tạo mới mẻ, đồng thời góp phần đa dạng hóa các loại hình truyền thông mới tại Việt Nam” (3).

         Nghệ thuật đương đại không hẳn chỉ phi lợi nhuận. Từ lâu nay, các liên hoan nghệ thuật đương đại lớn trong khu vực và trên thế giới đều đã trở thành điểm đến có giá trị văn hóa, thẩm mỹ của khách du lịch quốc tế, nâng cấp hình ảnh của các quốc gia chủ nhà. Đây chính là lý do buộc các định chế này phải luôn linh hoạt trong cách thức hoạt động, luôn tìm kiếm những điều mới mẻ, tiên phong để đem lại sự hấp dẫn cho sự kiện của mình. Hy vọng là tới đây, các mô hình triển lãm nghệ thuật đương đại ở Việt Nam cũng sẽ được truyền cảm hứng mới, tìm kiếm chính những điều mới mẻ, tiên phong từ nghệ sĩ của đất nước mình, trong đó có không ít người đang được thế giới nghệ thuật bên ngoài chúng ta chào đón, trân trọng.

         _______________

         1. Thông tin chi tiết có trên: www.qagoma.qld.gov.au.

       2. Trích trong phỏng vấn của tác giả với nghệ sĩ Ưu Đàm Trần Nguyễn.

       3. Trích trong  thông cáo báo chí nhân triển lãm ra mắt Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (The Factory contemporary art centre (TP.HCM), www.factoryartscentre.com.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : HOÀNG AN ĐÔNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *