Yếu tố nghệ thuật trong tạo tác giá trị vải gấm

Từ xa xưa, hàng dệt thủ công và tơ lụa nước ta đã trở thành một loại sản phẩm hàng hóa nổi tiếng được nhân dân trong nước sử dụng khá rộng rãi, còn xuất khẩu sang phương Tây và một số nước ở Đông Nam Á thông qua việc buôn bán, trao đổi tại các cảng biển Vạn Ninh, Vân Đồn (thuộc Quảng Ninh ngày nay). Sở dĩ có thị trường rộng lớn và được người tiêu dùng ưa chuộng như vậy là vì mặt hàng dệt tơ lụa của nước ta đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại: lụa, là, gấm, vóc, the, lĩnh, quế, đoạn, sa, đũi, kỳ cầu… Riêng mặt hàng vải gấm là một loại hàng thủ công mỹ nghệ của ngành dệt truyền thống Việt Nam, được đánh giá cao bởi vẻ đẹp phong phú về màu sắc, đa dạng về họa tiết, hoa văn. Vải gấm đã được sử dụng độc quyền trong triều đình hoặc làm vật phẩm ban tặng cho các quan thời xưa.

1. Màu sắc

Thật khó mà kể hết được các loại sản phẩm gấm của nước ta. Vải gấm có nhiều màu sắc khác nhau như: lam, hồng cánh chấu, đỏ, vàng, tím huế, xanh lơ, hồng tươi, hoặc vàng chanh,  trắng sữa… Tất cả các sắc màu rực rỡ hay trang nhã đó đã tạo nên tính hấp dẫn kỳ lạ của vải gấm đối với người tiêu dùng ở bất kỳ nơi nào.

Vải gấm bắt ánh sáng mạnh, cảm nhận thị giác cho con người tốt nhất, rõ ràng nhất, bởi vậy màu sắc hoa văn trên vải gấm thường rực rỡ, bắt mắt. Mỗi tấm gấm thường có nhiều màu: gấm nhị thể gồm 2 màu, gấm tam thể có 3 màu, gấm tứ thể có 4 màu, gấm ngũ thể và thất thể thì có 5 hoặc 7 màu, nhưng phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là gấm nhị thể và tam thể.


 Gấm màu trắng, vàng đất, đen 

Sợi ngang hay sợi dọc trong mỗi tấm gấm đều được nhuộm màu theo đúng gam màu đã định trước, sợi dọc tạo nền chìm ở dưới, sợi ngang tạo hoa nổi lên trên mặt phải. Và chỉ có sợi tơ gấm được nhuộm trước rồi mới đem dệt. Do đó, khi ánh sáng dọi vào, tùy ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo, ở mỗi góc nhìn, mặt gấm thêu hoa ánh lên màu sắc của tơ, mỗi loại một sắc màu riêng, không pha trộn, lóng lánh sinh động tạo sự khác biệt mà không loại vải nào có được.

2. Họa tiết, hoa văn

Nghệ thuật trang trí bố cục hoa văn trên gấm được xem là mẫu mực của phong cách tạo hình trên chất liệu vải dày dệt bằng sợi tơ của nghệ nhân và nghệ sĩ dân gian Việt Nam. Bởi vải gấm là mặt hàng khó dệt nhất trong các mặt hàng tơ lụa truyền thống nước ta, có họa tiết hoa văn đan xen phức tạp, được dệt nổi giống như thêu. Tuy nhiên, để dệt được vải gấm đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, trình độ kỹ thuật tinh xảo và óc thẩm mỹ tuyệt vời. Xưa nay có rất ít nghệ nhân trong nước biết dệt gấm hoa, theo dân gian truyền thì dưới thời Lê, làng Vạn Phúc (Hà Đông) là nơi duy nhất dệt được gấm.


 Hoa cúc, hoa sen, hoa hồng  

Các nghệ nhân tạo mẫu và người thợ dệt Vạn Phúc, Hà Đông đã sử dụng các đề tài trang trí từ kho tàng nghệ thuật truyền thống dân tộc, nhưng sáng tạo chứ không rập khuôn, nhằm thích ứng với chất liệu dệt. Đồ án trang trí, hoa văn trên vải gấm thường lấy từ các đề tài thiên nhiên, hoa lá hay sự vật quen thuộc trong trang trí mỹ thuật của người Việt và của các dân tộc ít người như Mường, Thái, Mèo, Dao…

Dệt vải thành gấm hoa dâu

Dệt tơ thành muôn sắc màu sặc sỡ.  

                             (Tình ca dân tộc Thái)

Đó là những đề tài: ngũ phúc (năm con dơi quây tròn quanh chữ thọ); hoa lộc, thọ đỉnh; quần ngư vọng nguyệt, nguyên hoa (hồng, cúc); long vân (rồng mây) hay sóng nước …

Trên gấm, vóc loại vải đặc biệt dành cho vua, chúa thường có tứ linh (long, ly, quy, phượng) ngoài ra còn có họa tiết hình: quả trám, xác pháo, chữ triện, tường gạch, con dơi, con cò, con bướm, cúc vạn thọ, hoa hồng, hoa sen, hoa đào, chữ thọ, thủy ba, sóng nước hay hình kỷ hà… Thậm chí cả hình tượng rồng qua các triều đại phong kiến (Lý, Trần, Lê, Nguyễn) đều được sử dụng.

Hoa văn trên vải gấm được bố trí theo thể đối xứng hoàn chỉnh, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà mềm mại, phóng khoáng và dứt khoát. Những khoảng trống vừa phải hợp lý giữa các hoa văn chính tạo nên sự cân xứng, thoáng đạt của sản phẩm. Dưới đây là kết quả lao động sáng tạo của nghệ nhân tạo mẫu hàng gấm và những người thợ tài hoa bậc nhất Việt Nam.

3. Chất liệu

Có thể thấy vải gấm là loại chất liệu dày, thể hiện sự sang trọng, lịch lãm, quý phái có phần cổ điển. Gấm cũng là loại chất liệu kén người mặc, kén môi trường mặc. Bởi thế, nên khi kết hợp vải gấm với các chất liệu khác nhau, phải biết pha phối hợp lý sẽ cho ra sản phẩm hài hòa, đảm bảo giá trị thẩm mỹ, tính công năng cho người sử dụng.

Bề mặt vải óng ánh nhiều sắc màu, thể hiện sự tinh xảo, khéo léo của kỹ thuật dệt và nghệ thuật phối màu đặc sắc, tinh tế trên mỗi tấm vải gấm. Mặt trái của gấm cũng rất đẹp, màu sắc tuy không rực rỡ và họa tiết hoa văn không sắc nét như mặt phải, nhưng ưu điểm của gấm là sử dụng được cả mặt trái bởi sự hòa quyện giữa sắc màu và họa tiết được thống nhất một cách hài hòa, có nhịp điệu. Điều mà không loại vải nào có được để sử dụng cả hai mặt trái và phải của vải gấm. Chất liệu trong vải gấm chủ yếu là tơ pha gồm tơ tằm và polyeste.

Tơ tằm

Tơ tằm là thứ sợi do sâu nhả ra. Sâu tằm ăn lá dâu nhả ra tơ gọi là tơ tằm. Tơ tằm thuộc dạng tơ filament liên tục, đây là loại tơ phổ biến nhất. Tơ tằm có nhiều tính chất tốt, có độ bền cao, đàn hồi, thẩm thấu tốt, hình dáng bên ngoài đẹp, nhẵn, óng ánh, nhuộm màu tốt, nên thường được sử dụng chủ yếu để dệt các loại lụa và gấm.

Đối với tơ rối, kém phế phẩm thì được gia công và tiếp tục trong quá trình kéo sợi để tạo thành sợi tơ. Loại sợi này sử dụng để dệt vải may mặc bình thường. Ngoài ra, tơ tằm còn tạo ra các loại chế phẩm như xe, chỉ khâu, chỉ thêu. Tuy nhiên do giá thành cao, cho nên việc sử dụng tơ bị hạn chế. Hiện nay, trong công nghiệp dệt tơ, chủ yếu sử dụng nguyên liệu dệt là xơ hóa học. Phần vải từ tơ thiên nhiên chỉ chiếm khoảng 5%.

Tơ tằm có độ kết tinh khá cao, mạch phân tử giãn ra hoàn toàn, khác với mạch phân tử len lông cừu. Do đó độ đàn hồi của tơ thấp, các mạch phân tử tơ tằm liên kết với nhau rất chặt chẽ cùng với độ kết tinh cao làm cho tơ tằm khá bền.

Tính đàn hồi của tơ tằm là một trong những tính chất quan trọng có liên quan đến quá trình gia công và sử dụng trong chất liệu vải, điển hình là vải gấm.


  Hình ảnh nhìn dọc theo chiều dài của tơ 

Để tạo ra những mặt hàng vải tơ tằm nặng từ vải tơ tằm nhẹ, người thợ sử dụng công nghệ tăng trọng bằng cách cho vải lụa tơ tằm hấp thụ muối kim loại như thiếc clorua, rồi được rửa sạch và ngâm trong dung dịch natri phosphate, sau đó được nhúng vào dung dịch natri silicat. Với phương pháp này, muối kim loại được hấp thụ vào tơ tằm trong một phạm vi rộng trung bình có thể đạt đến 25 – 50% khối lượng muối trong tơ tằm. Nhưng vải tơ tằm sau khi tăng trọng bằng muối kim loại thường không có độ bền cao như tơ tằm thuần chất. Nó còn nhạy cảm với ánh sáng, không khí và bị hư hại nhanh trong một vài điều kiện nhất định.

Vải gấm là một trong những chất liệu tự nhiên chắc nhất, tuy nhiên khi ướt độ chắc giảm còn 20%. Chất liệu vải gấm có khả năng giữ nước tốt, khoảng 25%. Độ dẫn nhiệt, dẫn điện kém nên thường thích hợp với thời tiết lạnh, dễ bị dính vào da.

Vải gấm được dệt từ sợi tơ tằm không bền khi phơi dưới nắng và cũng bị sâu bọ cắn đặc biệt khi chất liệu không sạch. Không tan trong acid mineral, mà chỉ tan trong acid sulphuric, có thể bị vàng ố bởi mồ hôi.

Sợi polyeste

Xơ polyeste được sử dụng trong công nghiệp dệt ở dạng filament, dạng cắt ngắn, hay dạng bó xơcáp xơ.

Trên các hệ thống kéo sợi bông, kéo sợi len có thể dùng xơ polyeste dạng cắt ngắn (stapen) với độ dài xơ khác nhau để kéo sợi nguyên chất hoặc pha với bông, len. Polyeste là tên gọi của polyme được sản xuất bằng phương pháp đa tụ từ hai monome, sản phẩm của công nghiệp hóa dầu. Sự polyme hóa hai monome này là sự đa tụ, sản phẩm là polyteraphtalat etylen glycol là vật liệu dệt kéo sợi được có tên gọi polyeste.

Cấu trúc: Polyeste thông thường có cấu trúc đặc, tiết diện tròn, có loại tiết diện ba múi với mục đích làm chỗ xơ mềm mại hơn. Ngoài ra, còn có loại xơ rỗng.

Tính chất đặc trưng cơ – lý – hóa:

Độ bền tương đối: dạng filament: 35 – 44 (CN/tex), dạng xơ cắt ngắn : 35 – 44 (CN/tex).

Độ bền kéo: dạng filament: 4900 – 5900 kg/cm2, dạng xơ cắt ngắn: 4900 – 5900 kg/cm.

Độ giãn đứt:dạng filament: 15 – 30%, dạng xơ cắt ngắn: 30 – 50%.

Tuy nhiên, độ ẩm không ảnh hưởng đến độ co giãn của xơ polyeste.

Độ đàn hồi tốt: filament giãn 1% hoàn toàn đàn hồi.

Tỷ trọng: 1,38g/cm3

Độ ẩm: hút ẩm rất ít W= 0,4%

Nhiệt độ nóng chảy: 260 độ C

Ảnh hưởng của nhiệt độ cao: Ở 1800C xơ polyester chỉ còn 50% độ bền. Ở nhiệt độ 1500C, xơ polyeste còn lại 85% độ bền ban đầu sau một tháng và còn 50% sau 6 tháng để ở nhiệt độ cao. Có thể nói xơ polyeste chịu nhiệt tương đối tốt.

Độ co do nhiệt: trong không khí nóng ở nhiệt độ 1000C, filament co 3%; ở nhiệt độ 1500C co 10 %. Trong nước sôi 1000C, độ co của filament polyeste lớn hơn đến 6%, xơ cắt ngắn polyeste trong nước sôi chỉ co 1% còn trong không khí khô ở nhiệt độ 1200C và 1500C có thể đến 2% và hơn thế.

Ánh sáng mặt trời: xơ polyeste có độ bền ánh sáng cao, chịu ánh sáng mặt trời tốt, không ngả màu vàng, ít phai màu, độ bền giảm chút ít.

Tính chất hóa: xơ polyeste chịu được kiềm trong các công đoạn làm bóng và nhuộm, chịu được phần lớn các axit vô cơ, và axit hữu cơ. Nhìn chung độ bền hóa học của polyeste tốt, rất ít dung môi hòa tan được polyeste trừ những dung môi rất mạnh và độc hại. Polyeste khó nhuộm màu, nhuộm polyeste bằng thuốc nhuộm phân tán ở 1300C thì cho độ bền cao.

Tính nhiễm điện: do độ ẩm thấp 0,4% nên khi gia công kéo sợi, dệt vải dễ tích điện làm sợi xù ra, khó dệt vải. Chính vì thế nên sản phẩm từ xơ polyeste dễ bị bắt bụi do hiện tượng tĩnh điện.

Vải gấm là một loại hàng dệt thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam. Yếu tố hình thành giá trị nghệ thuật vải gấm gồm có màu sắc, họa tiết hoa văn và chất liệu.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ QUỲNH MAI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *